Giai Điệu Của Kí Ức

Nghe được một bản nhạc hay thì thấy lòng sung sướng sảng khoái, cơ bắp thư giãn, tinh thần vui vẻ cởi mở. Nhưng bản nhạc ta nghe hay chưa hẳn là người khác thấy hay như ta tưởng, bởi nó chỉ hay với riêng ta thôi. Một bản nhạc thu hút được mọi người và mọi người cảm nhận được nó với sự thích thú thì đó có lẽ là bản nhạc hay thật sự. Và nếu bản nhạc ấy lại là bản nhạc ngày xưa ta đã từng nghe và từng có kỉ niệm về nó, thì khi nghe, cảm xúc ấy dâng trào lên thật khó thể tả. Tôi đã có được một bản nhạc như thế, một bản nhạc vừa hay thực sự, được mọi người ưa thích, vừa mang đầy kỉ niệm thời tuổi trẻ của tôi, đó là bản You’re so vain (Bạn khá tự phụ).

Vào thời ấy, thời năm một chín bảy hai, tôi đang ở vào năm cuối của bậc trung học. Tôi trọ học trên căn gác nhỏ ở một thành phố tỉnh lẻ miền trung. Cứ mỗi sáng sớm, sau khi thay đồ xong, ôm cặp vở sắp bước xuống cầu thang để đến trường, thì từ ngôi nhà lầu cách không xa căn gác của tôi vẳng lên tiếng nhạc:

You walked into the party (Bạn bước vào buổi tiệc)

Like you were walking onto a yacht (Giống như bạn đang bước xuống một chiếc du thuyền)

Your hat strategically dipped below one eye (Chiếc mũ kéo sụp xuống một bên mắt)

Your scarf, it was apricot (Chiếc khăn choàng cổ có màu mơ chín)

Một giai điệu thật hay, thật quyến rủ, lôi cuốn ngay sự chú ý của tôi, tôi dừng bước giữa các bậc thang, lắng nghe âm thanh đến từ căn nhà lầu đối diện bên kia con hẻm, vọng qua cửa sổ mở toang nơi đầu cầu thang gỗ.

You had one eye on the mirror (Bạn liếc mình trong gương)

As you watched yourself gavotte ( khi khiêu vũ)

And all the girls dreamed that they’d be your partner (Và các cô gái mơ ước rằng họ được sánh đôi với bạn)

They’d be your partner, and… (Được sánh đôi với bạn, và …)

Bài hát nói về một người tuổi trẻ cao ngạo, tự phụ. Với tuổi trẻ thì ai ai cũng vậy, cũng có một chút đỏm đáng điệu đàng, với phái nữ thì khỏi phải nói, lúc nào cũng thế, cũng đỏm đáng, nhân chi sơ bản tính “điệu” mà. Còn các chàng trai thì cũng có hơi chút chút điệu đàng, vào mỗi cuối tuần, trước khi ra phố, cũng liếc nhìn vội vào gương, chải sơ qua mái tóc, tệ nhất cũng phải cào cào sơ tổ quạ rối bù với chiếc lược năm ngón, nặng vội chút hạt mụn trên má, rồi mới huýt sáo bước ra cửa. Các chàng cũng mong có cô gái nào xinh nào đó trên đường lưu ý đến mình. Nhưng nếu nghĩ rằng mình bảnh nhất, quí phái nhất, là mẫu quí ông được các cô mơ tưởng, được các cô mong mơ sánh đôi với mình. Được người đẹp mơ đến sánh đôi với mình chứ không phải mình mơ sánh đôi với người đẹp như trong lời bài hát diễn tả, thì thật là hơi quá ngông nghênh tự phụ, và khá kiêu ngạo.

You’re so vain (Bạn khá tự phụ đấy)

You probably think this song is about you (Có lẽ bạn nghĩ rằng bài hát này là về bạn)

You’re so vain, you’re so vain (Bạn khá tự phụ, bạn khá tự phụ)

I’ll bet you think this song is about you (Tôi cá rằng, bạn nghĩ bài hát này là về bạn)

Don’t you? (Có phải không?)

Don’t you? (Có phải không?)

Giai điệu Don’t you? Don’t you? lập đi lập lại, tiếng cô ca sĩ và người hát bè vang lên, từ xa vọng đến….thật rõ. Tôi đứng đó, giữa cầu thang gỗ, nhìn qua cửa sổ, khoảng trời bao la bên ngoài, qua dãy mái tole xám nâu rỉ sét, từ căn nhà lầu xa xa bên kia vang lên tiếng nhạc, âm thanh bập bùng dồn dập, giai điệu buồn buồn. Điệp khúc Don’t you? Don’t you? giọng cô ca sĩ có chút quay quắt. Từ You nốt cuối ngân nga kéo dài vần u rồi kết nối luôn với chữ You lời đầu của câu hát kết tiếp, thành một dòng hơi liên tục không dứt đoạn, cảm giác nghe tha thiết.

You had me several years ago (Bạn đã có tôi, một vài năm trước đây)

When I was still quite naïve (Khi ấy, tôi vẫn còn khá ngây thơ)

Well, you said that we made such a pretty pair (Vâng, bạn nói chúng ta là một cặp đẹp đôi)

And that you would never leave (Và bạn bảo rằng, sẽ không bao giờ rời xa…)

But you gave away the things you loved (Nhưng rồi, bạn đã bỏ đi những gì bạn đã từng yêu quí)

And one of them was me (Và trong đó, có …tôi)

I had some dreams, they were clouds in my coffee (Tôi đã có những giấc mơ, chúng là đám mây trong tách cà phê của tôi)

Clouds in my coffee, and… (Đám mây trong tách cà phê của tôi, và …)

Nhịp dồn dập, giai điệu dìu dặt, gợi lên cảm giác mông lung bềnh bồng. Thêm vào chất giọng buồn đầy tâm trạng của cô ca sĩ đưa người nghe liên tưởng đến một thể loại nhạc Việt, loại nhạc tình lãng mạn ta thường nghe, như là …“Anh nói rằng trọn đời yêu em, sao nỡ đành lòng nào lại quên”. Thề thốt hứa hẹn, để rồi lời hứa như mây trôi như gió thoảng. “Câu tình duyên sẽ không nhạt màu, câu mình thương đến khi bạc đầu. Bây giờ trả lại trăng sao” (Trả lại trăng sao, Lê Dinh). Bây giờ chỉ còn lại là những kỉ niệm trong giấc mơ thôi, như đám mây lơ lửng trong tách cà phê. Tôi cảm giác thấy hơi giông giống giai điệu của thể loại nhạc này, nhưng thật ra bài hát mang chút tự sự, tự trách mình của cô gái. Một tâm sự buồn, buồn nhưng không thảm, không ủ ê sướt mướt.

Thời điểm đất nước giữa cơn khói lửa, cuộc chiến đang giai đoạn khốc liệt, nhưng loại nhạc tình lãng mạn vẫn có sức sống mạnh mẽ. Lớp con nít chúng tôi lớn lên trong giai đoạn này chỉ nghe loại nhạc tình ướt át của người lớn, không nghe loại nhạc dành cho mình, bởi thời ấy không có nhạc cho trẻ em. Khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng năm sáu lăm, cuộc chiến trở nên ngày càng gia tăng, lúc ấy tôi ở năm cuối bậc tiểu học, năm sau đi vào những năm đầu tiên của bậc trung học. Hằng ngày chúng tôi được nghe “ Thôi rồi còn chi đâu anh ơi, có còn lại chăng dư âm thôi” (Tình lỡ,Thanh Bình), hay “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê…” (Con đường xưa em đi, Châu Kỳ) hoặc “Ngược thời gian trở về qúa khứ phút giây chạnh lòng” (Nhật kí đời tôi, Thanh Sơn). Quanh năm suốt tháng tôi nghe những bản nhạc rầu rĩ thất tình sầu đời đến… phát ghiền. Chẳng những chỉ nghe mà tôi còn dành tiền mua những tờ nhạc rời ngoài chợ về nhà nằm võng đu đưa hát vang trời, bài này chưa dứt, hát tiếp bài khác, tạo thành một liên khúc, rồi mỏi mệt ngáy khò luôn trên võng. Mãi đến những năm sau, khi lớn thêm ít tuổi nữa thì tôi mới được nghe những bản nhạc hát về quê hương, về cuộc chiến.

Đó là những năm bảy mươi, bảy mốt, ông anh lớn và tôi, thứ bảy hay chủ nhật cuối tuần hai anh em thường rủ nhau ra quán cà phê để giải trí, quán cà phê cũng là nơi để gặp gỡ bạn bè và một vài bạn bè tôi cũng vừa chớm tuổi đôi mươi, nơi tôi làm quen với Ruby Queen, Bastos Xanh hay Pall Mall, nơi tôi tập tành thổi hai vòng khói xuyên qua nhau nhưng chưa thành công bao giờ. Lúc ấy, tôi thấy hầu như các quán cà phê dành cho thanh niên học sinh đến viếng đều có các cô cashier xinh đẹp ngồi ở quầy cùng cặp loa Akai hay Pioneer to đùng đón tiếp với tiếng hát “nhựa” vang vang của Khánh Ly, có khi là Miên Đức Thắng. Dường như đây là thời cao điểm của nhạc Trịnh Công Sơn. Các quán thường lấy tên nhạc phẩm làm tên quán như Biển nhớ, Diễm xưa, Da Vàng …có lẽ để tỏ ra thời thượng, và cũng có lẽ để thu hút khách hàng. Đến đâu tôi cũng nghe “Đại bác ru đêm”, “Bài ca trên những xác người”… Chúng tôi khi về nhà lại nghe thêm các tape nhạc tình sầu đời của Chế Linh, một giọng hát cũng thuộc loại “nhựa” nhưng là nhựa nhão, còn các bậc tiền bối lớn tuổi như các chú các bác thì hình như chỉ quan tâm đến Thanh Thuý, mà họ bình là giọng hát liêu trai. Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và nhạc tình uỷ mị gọi đùa là nhạc “lính chê” của Chế Linh thì không được phát sóng trên đài phát thanh, nên muốn nghe phải ra quán hoặc mua băng cassette đem về, do đó những người hàng xóm chúng tôi thường nghe nhạc qua đài phát thanh thì ít có dịp nghe loại nhạc này như chúng tôi.

Cho đến năm bảy hai thì sức hút nhạc Trịnh giảm bớt. Có những giai điệu nhạc mới mẻ xuất hiện mà giới học sinh sinh viên rất thích. Những bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên (một nhà thơ trẻ mà tuổi đời cũng bằng bọn tôi) được Phạm Duy phổ nhạc tạo ra một chất mới, lãng mạn nhưng không ướt át uỷ mị, mà mang nét trong sáng vui tươi. Những bản nhạc này bọn học sinh chúng tôi rất thích thú và thường hát vu vơ như “ Thà như giọt mưa rớt trên tượng đá…” (Thà như giọt mưa) hay “Em ta trường về, đường mưa nho nhỏ” (Ngày xưa Hoàng thị). Một anh bạn học ngồi kế bên trong lớp, cuối tuần thường mang đàn đến lớp ngân nga bản nhạc mà anh thích nhất “Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa…”… khi ấy, giọng hát Duy Quang không mạnh mẽ lắm chỉ nhè nhẹ rủ rỉ nhưng cũng đủ thu hút chúng tôi.

Bên cạnh đó là nhạc Mỹ, lúc này thể loại nhạc Rock đang lên mạnh, sau này người ta cho rằng thập niên bảy mươi là thời hoàng kim của loại nhạc Rock ‘n’ Roll. Các bản “hit” nhanh chóng đến Việt Nam qua con đường của quân đội Mỹ, do đó người Việt sớm được nghe những bản nhạc “hit” gần như cùng thời điểm với nơi chính quốc, và doanh trại quân đội Mỹ đóng gần thành phố, nên chúng tôi cũng thường có cơ hội được nghe nhiều hơn. Tôi còn nhớ, cũng vì những bản nhạc Rock ‘n’ Roll này mà anh em tôi nhiều lần phải bỏ căn gác trọ này đi thuê căn gác trọ khác, một năm học mà có đến năm sáu lần thay đổi chỗ ở. Có lần đáng nhớ là chúng tôi đang ôn bài, căn phòng bên cạnh mở nhạc rất lớn, tôi nghe ca sĩ gào Rolling, rolling, rolling on the river (Pround Mary, CCR) thật điếc tai, anh tôi gõ cữa nói với vọng qua với mấy anh hải quân thuê phòng bên cạnh mở nhỏ âm thanh lại, nhiều lần nhắc nhở như thế đâm ra xích mích, kế đến là ấu đả, để rồi bọn tôi phải chuyển nơi khác. Đến nơi trọ khác lại gặp phòng trọ của một người Mỹ với cô vợ hờ người Việt, từ căn gác trọ này tôi được nghe bản nhạc Jolene mà anh chàng Mỹ mở lên mỗi khi anh về nhà. Sau đó có phải vì anh chàng Mỹ làm áp lực hay không mà chủ nhà không cho anh em tôi và người bạn thuê nữa, lại phải dọn đi nơi khác.

Những bản nhạc Mỹ thời ấy chúng tôi nghe hiểu lỏm bỏm chứ không nắm hết ý nghĩa của nó. Nhưng có hề gì, âm nhạc, hội hoạ, và tình yêu thì đều không biên giới, bạn đâu buộc phải biết tiếng Tàu tiếng Tây để yêu một người Hoa hay một người Pháp? Không cần trồng, hoặc từng nhìn thấy, bạn cũng phải trầm trồ trước bức tranh Hoa diên vĩ của hoạ sư Van Gogh. Âm nhạc và nghệ thuật nói chung là một sự cảm nhận hơn là phân tích hay lý giải. Thời ấy dù chúng tôi học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp, nhưng vốn tiếng Anh chỉ đủ sức xin lính Mỹ cho mồi điếu thuốc. Về sau này có điều kiện, tôi tìm hiểu lời và nghe lại bản nhạc, thì cảm nhận bài hát thú vị hơn nữa. Chẳng hạn bài Carry On của Crosby Stills and Nash, Album DéJà vu phát hành trong năm bảy mươi, có mặt cùng thời ngay tại Việt Nam, ông anh cả đã mua cho tôi đĩa nhựa 33 “tua” lúc đó, tôi nghe hoài không thấy chán, thích nhất là tiếng guitar điện có biến âm đệm theo réo rắt nghe thật quyến rũ. Khá nhiều năm sau tôi mới có dịp nghe lại và hiểu hết lời nhạc. Nghe và hiểu đầy đủ, bản nhạc thấy hay hơn nhiều. Nhưng thật ra cũng không hoàn toàn hẳn là như thế, hiểu lời chưa chắc có cảm giác hay hơn. Bản Jolene lúc ấy tôi nghe Dolly Parton hát, tôi không hiểu hết lời bài hát, cảm giác tôi thấy giống như lời than thở của người goá phụ mất chồng trong chiến tranh với giọng kêu van, rên rỉ nghe thảm thiết. Nhiều năm sau khi rõ được lời hát thì hởi ôi cảm giác ban đầu không còn nữa, bởi thấy quen quen đâu đó trong dòng nhạc Việt, “Your beauty is beyond compare… And I cannot compete with you…There’s nothing I can do to keep From crying when he calls your name, Jolene, Jolene, Jolene. I’m begging of you please don’t take my man” (Cô đẹp không ai thể sánh…tôi không thể so bì với cô …tôi chỉ biết khóc khi anh ta gọi tên cô…Tôi van cô, cô đừng cướp người đàn ông của tôi) nghe hơi làm sao ấy. Trong nhạc Việt thì chỉ trách người đàn ông phụ bạc, chứ chưa có bản nhạc Việt nào lôi cô bồ của anh ta ra than van năn nỉ hay mắng mỏ, như trong bản nhạc trên, đúng là văn hoá Âu Mỹ có khác. Bản nhạc Jolene này bây giờ tôi nghe lại thấy vẫn hay, nhưng kèm theo tiếng cười chứ không có cảm giác buồn buồn như lúc ban đầu.

Giai điệu của bài “You’re so vain” cũng mang nét buồn, nhưng là nỗi buồn êm đềm, du dương, chứ không thảm thiết như bản nhạc Jolene trên. Carly Simon thường viết nhạc theo lối tự sự, cái chất “thật” nằm rải rác trong nhiều nhạc phẩm của cô, bản nhạc này cũng không ngoại lệ. Bài hát trong You’re so vain là một lát cắt phát hoạ chân dung người tình. Trong lời hát có câu gợi hình rất hay “Đám mây trong cà phê của tôi”, nói đến khía cạnh của cuộc sống và tình yêu mà bạn không thể thấy xuyên qua đó, nó mơ hồ như ảo ảnh, như lớp mây trên tách cà phê khó thể thấy cái cuối cùng ở tận đáy (có thể là cái xác khô lá trà hay hạt cặn cà phê). Simon giải thích về cụm từ này là, trên một chuyến bay, cô ngồi cạnh cửa sổ, người cộng tác viên âm nhạc nhìn thấy những đám mây phản chiếu trong ly cà phê của cô khá đẹp nên anh ta nói “ Hãy nhìn đám mây trong cà phê của bạn” và Simon đã mượn lời của anh ta để sử dụng trong bài hát. Cuối điệp khúc, phần hát bè lại vang lên Don’t you? Don’t you? cứ như xoay xoáy vào tai. Bài hát tiếp tục mở ra lời mới.

Well, I hear you went up to Saratoga (Vâng, tôi nghe bạn đã đi đến trường đua Saratoga)

And your horse, naturally, won ( Và con ngựa của bạn, đương nhiên, chiến thắng)

Then you flew your Learjet up to Nova Scotia ( Sau đó bạn trên máy bay riêng đi đến vùng Nova Scotia)

To see the total eclipse of the sun ( Để xem cảnh nhật thực của mặt trời)

Well, you’re where you should be all the time (Ừm, bạn luôn đến đúng nơi bạn cần có mặt)

And when you’re not, you’re with some underworld spy (Và nếu không, bạn đang bên cạnh những người dấu mặt, bí ẩn)

Or the wife of a close friend ( Hoặc là vợ của một người bạn thân)

Wife of a close friend, and… (Vợ của một người bạn thân, và … )

Lời bài hát “… bạn trên máy bay riêng đi đến vùng Nova Scotia. Để xem cảnh mặt trời nhật thực” gợi cho người nghe một cảnh quang đẹp đẽ, một hình tượng lãng mạn. Thực tế có một nhật thực toàn phần vào ngày 10 tháng 7 năm 1972 và Nova Scotia sẽ là nơi tốt nhất để quan sát hiện tượng này. Tháng 6, Simon và một đồng nghiệp đang làm thu âm trong đài phát thanh, người đồng nghiệp nói về chuyện xem nhật thực vào tháng sau. Simon viết lại lời nhạc, và đã viết cho một sự kiện chưa xảy ra, bởi lời bài hát xuất hiện trước khi có cảnh nhật thực sẽ xuất hiện thật sự sau một tháng trời. Simon đã cho lời giải thích những ca từ trong bài hát như thế.

Tiếp tục, bài hát quay lại với điệp khúc hát bè You’re so vain, nhỏ dần, nhỏ dần, để đi đến kết thúc.

You’re so vain (Bạn khá tự phụ) bản nhạc được viết và trình bày bởi ca sĩ Carly Simon, phát hành năm 1972, bài hát đã nhanh chóng trở thành một top “hit” trên làng sóng phát thanh và Album trở thành số 1 nhiều tuần liên tiếp trong bảng xếp hạng Billboard. Cũng theo bản xếp hạng này You’re so vain được xem là một trong những bài hát bất hủ ở mọi thời đại.

Bài hát viết cho người tình quá tự cao. Người mà Simon đề cập trong bài hát này vẫn còn là một bí ẩn, và cô chưa bao giờ làm rõ ràng người đã cho cô ngẫu hứng viết nên bài hát. Cho đến ngày nay chủ đề của bài hát vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất trong lịch sử âm nhạc. Trước khi viết bài hát, Simon đã kết hôn với ca nhạc sĩ James Taylor nhưng đã cho biết bài hát chắc chắn không phải về ông. Trong thực tế, tại thời điểm bài hát đã được phát hành, Simon tuyên bố đó là về những người đàn ông nói chung và không phải là một người đàn ông đặc biệt. Nhưng các phương tiện truyền thông và công chúng dường như muốn nhân vật mà bài hát nói đến là về một con người cụ thể, mà tin đồn gồm có Warren Beatty, Kris Kristofferson, Cat Stevens, và Mick Jagger, tất cả đều có “dính dáng” với cô. Một suy đoán phổ biến lúc ấy là Ca sĩ Mick Jagger, người đã hát bè đệm trong bài hát, nhưng Simon nói rằng bài hát không phải là về thủ lĩnh của ban nhạc Rolling Stones. Người ta quay qua suy đoán nam diễn viên Warren Beatty là chủ đề của bài hát. Trong một cuộc phỏng vấn riêng Beatty nói, “Hãy trung thực. Bài hát đó là về tôi”. Simon nói nam tài tử có gọi điện thoại cảm ơn cô đã viết bài hát về mình, Simon thừa nhận bài hát có một chút “nhỏ” về Beatty nhưng không phải, và nói bài hát là một hỗn hợp của những người bạn “dính dáng” từ những ngày cô ở Los Angeles. Báo chí lại phỏng đoán đó là ca sĩ kiêm diễn viên David Bowie, ca nhạc sĩ Cat Stevens, cho họ là những ứng cử viên tốt.

Điểm lạ của bài hát là chê trách người tình, nhưng không chỉ Beatty tự nhận nhân vật đó là mình, mà còn những kẻ khác cũng tự nhận như thế nữa, họ cũng nói bài hát là về họ. Sao lại thế? Bị chưởi mà lại khoái, thú đau thương chăng? Có lẽ bởi bài hát có lời đẹp và giai điệu hay lôi cuống này, đúng như lời Simon nói, chê trách về người tình “bảnh tỏn” kiêu ngạo, đểu, xài hoang, nhưng không có chút mảy may thù hận trong đó, còn hơn thế nữa, không cả chút mảy may bị tổn thương hay bị từ chối. Làm cho người đàn ông ngầm “hảnh diện” vì được “bị” chê như thế.

Năm 2003, Simon đã đồng ý tiết lộ tên nhân vật mà bài hát đề cập đến cho người nào trả giá cao nhất trong một cuộc đấu giá từ thiện. Với giá bỏ cao là 50.000 đô la, Dick Ebersol, Chủ tịch kênh NBC Sports, giành được quyền biết tên nhân vật mà bài hát “You’re So Vain” đề cập đến. Ebersol được Simon thì thầm tên “nhân vật” vào tai của mình và có điều kiện kèm theo là Ebersol sẽ không được tiết lộ cho bất cứ một ai. Ebersol nói rằng Simon cho phép ông tiết lộ một chữ trong tên người đó, và ông được phép nói ra là chữ E, và chỉ bấy nhiêu ấy thôi.

Năm 2008 trong cuốn sách tựa Girls Like Us, nhà văn Sheila Weller nhắc đến mối tình của Simon với nhạc sĩ Dan Armstrong trong khoảng hai năm (cô Carly Simon cũng giỏi thật, các bạn của cô đều là những anh chàng “lừng lẫy” mà các cô gái thời ấy đều mơ đến), khoảng thời gian bài hát được phát hành. Weller viết rằng Armstrong có một cá tính khoe khoang tự cao, cho rằng mình là tay electric guitar số một thế giới, đã là nguồn cảm hứng cho You’re so vain. Nhưng tên của ông lại không có chứa đựng chữ E. Trong một phiên bản thu âm lại bài hát vào năm 2010, Simon nói là đã thì thầm tên người đó trong bài hát, một nhà báo tiết lộ là David. Người ta suy đoán đó là chủ phòng thu âm cũ của Simon, David Geffen (Elektra Records) và rằng bài hát đã được lấy cảm hứng từ sự ghen tuông do Geffen đã tiêu xài hoang phí cho người tình của mình. Tuy nhiên, tại thời điểm cô khởi đầu cho lời bài hát vào năm 1971, cô đã thậm chí không gặp được Geffen.
Như vậy người thực sự là nhân vật cho chủ đề của bài hát “You’re So Vain” là ai? Dường như chỉ Carly Simon và Dick Ebersol biết chắc chắn mà thôi.

Quay lại với bài hát You’re so vain. Nhạc Rock’n’Roll vào thời ấy, vào thời đầu thập niên bảy mươi, tôi được có cơ hội nghe được nhiều những bản nhạc hay vừa phát hành, và nhiều bản nhạc đó sau này trở thành bất hủ với thời gian, nhưng chỉ bản You’re so vain gây cảm giác buồn lâng lâng nơi tôi, và gợi cho tôi nhiều kỉ niệm. Mỗi khi nghe lại bài hát, tôi nhớ đến một giai đoạn chiến tranh của đất nước, nhớ đến một thành phố nhỏ ở miền trung, nhớ những căn nhà lầu không cao lắm, từ gác trọ nhìn ra chỉ thấy những mái tole xám xịt rỉ sét và những cột ăng ten chống tạm bợ chỉa lên trời. Tôi thấy hình ảnh một cậu học sinh trong đồng phục nhà trường đứng giữa cầu thang nghiêng người lắng tai qua cửa sổ, nghe lời hát vang lên từ phía xa xa. Trên gương mặt vui sướng chăm chú ấy có lẫn nét lo âu. Một gương mặt thật đặt biệt, đầy sắc thái mâu thuẫn giữa niềm vui thích và nỗi lo lắng sợ sệt, sắp trễ giờ học. Bản nhạc nhắc tôi thời điểm năm cuối cùng của bậc trung học, để sau đó tôi sẽ rời xa thành phố nhỏ thân yêu, khép lại sau lưng những kỉ niệm thời mới lớn, để chuyển đến thành phố lớn Sài Gòn, để bước sang một môi trường mới, một giai đoạn mới trong đời.

{jcomments on}

0 thoughts on “Giai Điệu Của Kí Ức

  1. Quốc Tuyên

    Đọc “Giai Điệu Của Kí Ức” như được trở về những tháng ngày xa xưa ấy…, cám ơn Phương nhiều nha.

    Reply
  2. Bích Vân

    “Nghe được một bản nhạc hay thì thấy lòng sung sướng sảng khoái, cơ bắp thư giãn, tinh thần vui vẻ cởi mở. Nhưng bản nhạc ta nghe hay chưa hẳn là người khác thấy hay như ta tưởng, bởi nó chỉ hay với riêng ta thôi.”
    BV chỉ cần như thế nầy là đủ rồi , cám ơn anh Phương.

    Reply
  3. Phuong

    Quốc Tuyên: Bạn Đức Thu có nhiều điều giống nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên, cùng giống khuôn mặt, nhưng Thu ngầu hơn, cùng một năm sinh, cùng thích làm thơ trong lớp tặng người trong mộng, nhưng Thu không dám trao, cùng nhập ngũ nhưng Thu chạy được giấy giả “bệnh tâm thần” nên không được miễn dịch như Nhiên, tánh tình cả hai cùng cà tững, nhưng Thu không mặc áo ba đờ xuy vào buổi trưa hè đi dạo phố, và cả hai chết khi còn trẻ. Cảm ơn Tuyên
    Thu Thủy: Vào Sài Gòn mới thấy khác hẳn, nhạc Pháp được ưa chuộng và phổ biến hơn. Khuôn viên đại học chuộng cặp Lê Uyên và Phương, Từ Dung và Từ Công Phụng hơn, còn Duy Quang chỉ thích hợp cho thời trung học. Cảm ơn b Thuỷ
    Bích Vân: Thế là Bích Vân thuộc típ người “ đường thênh thang gió lộng một mình ta” (thú cô đơn 😆 ) Cám ơn Bích Vân ghé qua.

    Reply
  4. Hồng Phượng

    Qua những hàng chữ viết của anh Phương, mình cảm thấy thế giới của của phe “húi cua” đầy màu sắc và thi vi làm sao … ! Thương quá tuổi mười tám, đôi mươi của lớp trẻ chúng ta ngày ấy…

    Reply
  5. Thuy Du Khuc

    Mỗi khi nghe lại bài hát, tôi nhớ đến một giai đoạn chiến tranh của đất nước, nhớ đến một thành phố nhỏ ở miền trung, nhớ những căn nhà lầu không cao lắm, từ gác trọ nhìn ra chỉ thấy những mái tole xám xịt rỉ sét và những cột ăng ten chống tạm bợ chỉa lên trời. Tôi thấy hình ảnh một cậu học sinh trong đồng phục nhà trường đứng giữa cầu thang nghiêng người lắng tai qua cửa sổ, nghe lời hát vang lên từ phía xa xa. Trên gương mặt vui sướng chăm chú ấy có lẫn nét lo âu. Một gương mặt thật đặt biệt, đầy sắc thái mâu thuẫn giữa niềm vui thích và nỗi lo lắng sợ sệt, sắp trễ giờ học. Bản nhạc nhắc tôi thời điểm năm cuối cùng của bậc trung học, để sau đó tôi sẽ rời xa thành phố nhỏ thân yêu, khép lại sau lưng những kỉ niệm thời mới lớn, để chuyển đến thành phố lớn Sài Gòn, để bước sang một môi trường mới, một giai đoạn mới trong đời.
    Chàng trai nào mà dễ thương quá ta ơi!

    Reply
  6. Hồng Phượng

    Hoàn toàn nhất trí với anh Phương- Chỉ có âm nhạc mới đưa ta về đúng tuổi đôi mươi…cảm ơn những bản nhạc vàng ngày ấy- bây giờ… chỉ khác chăng là ta phải “hóa thân” làm người trẻ chứ chẳng phải là ta của hôm nay .. .

    Reply
  7. Phuong

    Thuy Du Khuc: Mười tám đôi mươi có lẽ là tuổi đẹp nhất trong đời, phải thế chăng mà hình bóng những người bạn thời ấy (nhất là nữ) vẫn đậm sâu trong tâm trí mệt mỏi của chúng ta lúc tuổi ngã xế chiều. Cám ơn Thuy Du Khuc đã lưu lại lời com rất dễ thương.
    Hồng Phượng: Khi nghe bản nhạc…Em ơi nếu mà sau này, giấc mộng không thành, thì đành đôi ngã chia ly, chớ đừng u sầu làm chi… hay … buồn viết nên bài ca, vì nhớ thương đời hoa…thì ta có thể cảm nhận ngay …đôi chân của chị xập xình muốn gì, phải thế không quí sư phụ đồng đạo? Cảm ơn các bản nhạc vàng xanh tím đỏ và bất kể màu gì.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.