Nẻo Về Đã Khép

Lúc Quyên về, căn phòng trọ phảng phất mùi khói thuốc, mấy mẫu tàn thuốc còn nằm trên chiếc gạt tàn trên bàn. Hạ đang ngồi soạn bài bên chiếc giường cá nhân, nói vọng ra:

_ Lúc nảy có anh Hải đến. Ngồi chờ mầy khoảng một tiếng, hút gần hết gói thuốc lá.

Quyên cười định hỏi :“ Anh ấy có nhắn gì không ?” Nhưng sợ bạn nhận ra tâm tư của mình nên thôi. Quyên cất giáo án vào ngăn kéo, vẩn vơ nhìn ra ngoài trời. Lạnh thế nầy mà Hải cũng đến! Bỗng Quyên chợt nhớ ra, Hải đến theo thời khóa biểu cũ của cô: thứ tư hàng tuần cô được nghỉ hai tiết cuối. Tuần nầy thời khóa biểu đã thay đổi, cô chỉ được nghỉ một tiết cuối, nhưng lại phải ở lại dự lễ kết nạp đoàn viên mới của chi đoàn lớp chủ nhiệm. Một cảm giác tiếc nuối len nhẹ vào lòng cô: giá như mình về sớm hơn…Lâu rồi Quyên không gặp Hải. Anh ấy cứ hư hư, thực thực, lúc ẩn, lúc hiện thế nào ấy. Vụt một cái lại đến,  lại đi. Có khi mất tăm cả tháng không thấy xuất hiện , không hẹn hò.  Nhưng bao giờ cũng lắng đọng trong Quyên đôi mắt với ánh nhìn nồng ấm, dáng đi hai tay thường cho vào túi quần, đầu hơi cúi xuống, tư thế trầm tư.

Buổi trưa, sau giờ cơm, nhạc ngoại quốc êm dịu dễ ru ngủ nhưng Quyên không ngủ. Quyên nằm trên chiếc giường cá nhân có thể xếp lại gọn gàng,  hành trang vào đời mà mẹ đã cho Quyên khi cô từ giã căn nhà thân yêu của mình để lên đây dạy học. Cánh cửa sổ mở rộng, bầu trời mờ đục và những hạt mưa lưa thưa. Một cơn gió lạnh ùa vào mang theo những hạt mưa buốt như kim châm bắn vào mặt cô. Quyên co mình kéo chăn lên tận cổ nhưng vẫn không muốn đóng cửa lại. Đúng là cái rét cao nguyên ngọt ngào mà lúc mới lên đây Quyên gần như không chịu nổi. Quyên thấy da mình xanh xao hơn, đêm ngủ tràn đầy mộng mị. Và những buổi chiều đông thì thường nhớ quay quắt bếp lửa hồng của mẹ nơi quê nhà xa xôi mờ mịt. Ban đêm trước khi chìm vào giấc ngủ, bao giờ Quyên cũng nghĩ về mẹ. Giờ nầy chắc mẹ đang ngồi một mình ngoài hiên, trên chiếc ghế xích đu, dưới dàn thiên lý thoang thoảng mủi hương. Đó là giờ phút nghĩ về người đã chết. Một mình mẹ với di ảnh của ba trên bàn thờ,  trong căn nhà lạnh lẽo. Nhiều lúc Quyên muốn bỏ tất cả để quay về với mẹ,  nhưng rồi chính mẹ lại động viên, những ánh mắt học trò níu kéo, và những bạn bè đồng nghiệp nơi đây đã giữ Quyên lại. Họ – những người bạn của mọi miền đất nước đến đây, mỗi người một cảnh, một nỗi niềm riêng, nhưng họ đều là những tâm hồn trẻ trung vừa từ giã chiếc áo thư sinh để bước xuống cuộc đời. Nhiều lúc Quyên thấy phòng hội đồng giáo viên có gì giống như lớp học thời sinh viên, với những vui đùa tinh nghịch. Một lần cô giáo dạy môn lý, vừa mới đăng ký tên bài dạy sẽ thao giảng vào tuần sau: Định luật Ôm (1), và tên người giảng: Tuyết Thu,  trong ngoặc đơn. Hôm sau đã thấy dấu ngoặc đơn biến mất, trên bảng chỉ còn thấy mỗi giòng chữ: Định luật Ôm Tuyết Thu. Cả phòng hội đồng giáo viên được một phen cười như chợ vỡ. Thầy hiệu trưởng – người lớn tuổi nhất trong hội đồng cũng lắc đầu cười. Nhưng thầy cũng nhẹ nhàng khuyến cáo: “ Các thầy , các cô đùa với nhau cho vui cũng được thôi, nhưng chớ để học sinh và người ngoài nhìn thấy câu nầy.” Những giáo viên trẻ kín đáo thì thầm với nhau: “ Bố già lại lên lớp rồi. Biết đâu lúc còn trẻ bố còn nghịch gấp mấy bọn mình ấy chứ”. Còn Tuyết Thu, tuy cũng tức cười nhưng đành làm bộ đe dọa: “ Rồi tớ sẽ tìm ra tay nào đầu têu trong trò nầy ”.Về sau ai cũng sợ, chả dám đăng ký thao giảng bài ấy nữa. Một lần khác Bích Ly- giáo viên văn,  viết nhan đề bài thơ sẽ thao giảng: “ Tôi yêu em”(2), bên cạnh là tên Bích Ly trong ngoặc đơn. Chiều hôm đó cái dấu ngoặc đơn cũng biến mất,  thêm vào đó là một dấu phẩy và một dấu cảm: Tôi yêu em, Bích Ly!  Nghe như một lời tỏ tình tha thiết và nồng cháy. Mọi người ôm bụng cười. Tuấn tếu táo:  “ Ai viết đó?  Cho biết quý danh đi,  để tôi làm mai cho.”  Bích Ly đỏ mặt hỏi Tuyết Thu: “ Cậu đã điều tra ra tay nào là thủ phạm vụ hôm nọ chưa ?” Tuyết Thu trêu: “ Chưa. Nhưng biết đâu lần nầy người ta nói thật chứ chẳng phải chuyện đùa đâu. Cậu cứ để ý nắm bắt tín hiệu đi ”. Bích Ly phát vào lưng bạn một cái đau điếng, rồi vùng vằng lau bảng ghi lại bài giảng cho nghiêm chỉnh. Cứ như thế, sau những giờ lên lớp, vẻ mặt nghiêm trang của họ biến mất,  họ trở lại với phong cách học trò. Và cái ngôi trường miền cao nguyên heo hút đó đã giữ Quyên lại, cho đến những năm tháng sau nầy.

*    *     *

Căn nhà Quyên ở bây giờ với ba cô giáo nữa là của một phụ huynh cũ. Ông vốn là một cán bộ quản lý của một nông trường ở gần đây. Nhờ có điều kiện kinh tế, ông chuyển gia đình về thị xã sống,  căn nhà trở thành bỏ không. Ông có nhã ý cho giáo viên ở nhờ một thời gian, vì ông cũng chưa muốn bán.  Quyên và ba cô bạn giáo viên cùng trường được bố trí về đây: Hạ, Miên và Ly. Quyên rất thích căn nhà nầy, nằm trên một gò đất cao, Quyên đặt tên cho nó là “ căn nhà trên đồi”.  Cách nhà không xa là một dòng suối đá, mùa hè thì khô cạn, mùa đông thì nước lũ ào ạt chảy về. Khung cảnh gần giống như bài hát Suối mơ của Văn Cao. Ngôi nhà hơi cổ, mái ngói thâm đen ẩn sau tàng lá nhãn nên có vẻ âm u. Tường vôi thì quá cũ.  Hôm mới dọn đến, bốn cô giáo cùng trổ tài quét vôi. Tưởng là dễ, nhưng sự thật lại không dễ dàng gì. Vì thế sau một tiếng đồng hồ đánh vật với những nhát chỗi,  những bức tường nham nhở trở thành …tranh lập thể của Picasso ! Cả bốn cô ôm nhau cười đến chảy nước mắt. May mà có Hải đến,  anh khắc phục được ngay những khuyết điểm. Căn nhà trông sáng sủa hơn với tường vôi xanh màu lá non. Những lúc như thế Quyên thấy Hải có gì kiên nghị, vững chãi.  Ngoài cái vẻ trầm tư,  hình như việc gì anh cũng làm được.  Như việc anh thuộc khá nhiều thơ tình, và có thể ôm chiếc đàn guitar của Quyên để hát rất hay những bản tình ca. Giọng Hải buồn buồn, có một cái gì đó xót xa, tiếc nuối:

“ Chiều buông nhẹ xuống đời, người tình tìm đến người, thấy run run trong chiều phai …”

Quyên thường trêu Hải: “ Anh Hải thật là đa hệ ”. Cứ như thế Quyên dần dần thấy mến Hải. Một cái gì dịu dàng, gần như cảm giác được chở che len vào tâm hồn cô.  Những năm tháng bước xuống cuộc đời, sống xa quê hương, xa gia đình, với Quyên,  Hải đã như một người bạn lớn.

Căn nhà hơi chật,  nhưng với bốn cô giáo,  nó gần như một thiên đường. Còn hơn sống trong những căn phòng tập thể của trường, với những bữa cơm đạm bạc. Ở đây, bốn cô giáo có thể trỗ tài nấu nướng những món đặc sản của quê hương mình. Bởi họ mỗi người sống ở một miền đất nước.  Có người nói giọng Quảng,  có người nói giọng Huế, có hai người nói giọng Nghệ An.  Lần đầu tiên ở đây, Quyên biết mùi vị món “ nhút ” xứ Nghệ của Miên và Ly, biết món cơm hến xứ Huế của Hạ ( trong một lần về quê, Hạ đã tỉ mẫn đem cả hến sống vào ) và Quyên cũng giới thiệu với các bạn món mì Quảng của quê hương mình. Quyên cũng chẳng biết món mì Quảng nầy là đặc sản của Quảng Nam hay Quảng Ngãi nữa. Vì có cô bạn Quảng ngãi dạy cùng trường cứ khăng khăng bảo đó là món của Quảng ngãi. Cô nào cũng dành mì Quảng là món của quê mình, chả ai phân xử được. Thôi thì cứ gọi nó là món mì Quảng …Nam Ngãi vậy.

Thi thoảng Hải đến, như mang theo hơi thở của rừng- bởi Hải là kỹ sư lâm nghiệp – như một thành viên của cái gia đình nho nhỏ gồm bốn cô giáo độc thân.  Các bạn Quyên gọi Hải là “ anh bạn lãng du của Quyên”.  Có Hải, căn nhà trở nên vui hơn vì những mẫu chuyện hài hước của anh. Thi thoảng có việc gì cần đến bàn tay đàn ông như sửa điện, mái nhà bị dột, các cô đều chờ Hải.  Đôi khi họ đấu khẩu với nhau trong những chiều chủ nhật trời mưa,  như để cho cuộc sống bớt buồn tẻ. Cả bốn cô về một phe, Hải một phe, nhưng anh không thua. Đại khái có lần Quyên trêu Hải:

–         Người mang tên Hải nhưng lại chọn nghề rừng, mà lại rất yêu rừng

Không biết có lạc đường không ?

Hải đỡ đòn được ngay:

–         Biển và rừng đâu có xa nhau. Hồi nhỏ anh vẫn thường nghe mẹ hát

ru: “ sớm mai lên núi đốt than, chiều về xuống biển đào hang bắt còng là gì !”

Quyên tức lắm vì thua Hải,  mà cô lại là giáo viên văn, trong khi Hải lại là dân kỹ thuật. Nhưng Quyên cũng thầm phục Hải. Cô nghĩ thầm: “  Ở Hải sao có nhiều cái đối nghịch nhau. Lúc anh ấy đàn hát thì có gì đó sâu lắng, xót xa. Dáng vẻ trầm tư,  nhưng đấu võ miệng thì nhanh như… con nhà võ. Có lúc vui đấy, rồi buồn ngay đấy ”. Và Quyên thấy Hải như một miền đất hoang vu đầy gai góc, nhưng cũng đầy hấp dẫn, ân cần mời gọi bước chân Quyên. Quyên nghĩ: “ Để hiểu một con người không phải là một điều đơn giản ”.

Những ngày cuối đông lại về với cao nguyên. Sương trắng mịt mù.  Căn nhà nhỏ của bốn cô giáo ẩn hiện mịt mờ trong sương buổi sáng  buổi chiều như chốn bồng lai. Miên nói đùa: “ Tiếc là không có Lưu Nguyễn nào lạc vào”.  Hoa sơn cúc nở tràn những lối đi. Quyên thấy như mình đang sống trong một cõi hồng hoang. Vườn cải của Hạ đã bắt đầu trỗ hoa. Hạ trồng cải , nhưng cứ muốn để cho cải già, thu hút ong bướm chật chờn. Thấy hoa cải vàng Quyên chợt nhớ vườn rau nhỏ ở nhà mình. Trong cái nắng hanh hao của những ngày cuối đông, lòng cô nôn nao nhớ đến những ngày tết ở quê nhà. Một năm nữa sẽ đến để cho tóc mẹ điểm bạc nhiều hơn. Có một cái gì trang trọng, thiêng liêng khi vũ trụ, đất trời vừa chấm dứt một vòng quay vĩ đại, để rồi lại thênh thang bước vào một chu kỳ khác: thế kỷ 21- thế kỷ của trí tuệ và nhân bản.

*   *   *

Cuốn băng nhạc đã xoay xong những vòng dương cầm cuối. Một tiếng “tách” khô khan, cuộn băng dừng lại. Những âm thanh dịu ngọt trong veo như từng giọt nước đọng trên phiến thủy tinh đã bay đi, đã hết. Bây giờ thì gió núi một nhịp đều đặn hòa với tiếng thông reo từ dãy đồi bên kia. Và thung lũng thì xanh bạt ngàn trong ánh mặt trời chiều sắp tắt. Hải bật diêm châm điếu thuốc cuối cùng. Ánh lửa lóe lên soi rõ khuôn mặt trầm tư hơi xanh xao,  khiến người đối diện khó lòng nhận được cảm xúc của anh trong mọi trường hợp. Quyên hỏi:

–  Vậy là anh quyết định ở lại?

Quyên lắng nghe tiếng nói của mình bay đi. Gió bây giờ thật nhiều, ào ạt từ đồi cao xuống lũng thấp. Có tiếng người cười vang bên kia đồi. Một tốp con trai, con gái đi picnic ở đó. Trông họ thật vô tư, hồn nhiên. Hải nhìn họ,  cái nhìn thoáng xa xăm như nhớ lại một thời đã mất. Anh chậm rãi gật đầu:

–         Anh ở lại, Quyên về. Cho anh gởi lời thăm mẹ,  mặc dù mẹ chưa biết anh.

Ngừng một chút, anh hỏi:

–         Bao giờ thì Quyên về?

Quyên trầm ngâm :

– Ngày kia,  lẽ ra thì em có thể về sớm hơn. Nhưng còn một chút việc ở lớp chủ nhiệm cần giải quyết. Có một nam sinh cá biệt ở lớp em, cậu nhóc hay để tóc dài. Em đã nhắc nhở nhiều lần nhưng cậu ta vẫn không chịu cắt tóc. Bỗng nhiên mới đây đang giờ học cậu ta bỏ về nhà cạo trọc đầu rồi đến lớp. Cả lớp cười ầm. Các giáo viên bộ môn đều hỏi em: “ Quyên nói sao mà thằng Tài nó cạo trọc đầu thế ?”. Thế mới tức chứ!

Hải cười:

–         Rồi em tính sao?

Quyên cũng cười:

–         Em cũng hơi áy náy, tính ở lại gặp phụ huynh để họ khỏi hiểu sai

về mình.

Hải gật đầu:

–         Coi vậy chứ học sinh cá biệt về sau ra đời biết thương giáo viên

chủ nhiệm lắm đấy.

Điều Hải nói,  Quyên cũng đã từng nghe nhiều giáo viên lớn tuổi nói.  Quyên nghĩ học sinh cá biệt như những hòn sỏi trên bước đường mình đi, tuy có làm mình đau chân hơn, nhưng cũng làm chân mình dày dạn hơn là đi trên những con đường bằng phẳng.

Hải đứng dậy, gió núi thổi bồng mái tóc anh và bóng anh trong buổi chiều tà trông thật cô đơn. Dường như anh có điều gì muốn nói nhưng lại thôi. Sương muối bắt đầu giăng kín những lũng thấp. Tiếng người gọi nhau bên kia đồi tan loảng vào sương nghe như từ cõi xa xăm nào vọng lại. Quyên thấy lạnh, không hiểu sao cô lại có một linh cảm mơ hồ rằng đây là lần cuối cùng gặp Hải. Cô vẫn thường lo sợ với những linh cảm của mình. Ngày kia Quyên đi chuyến xe khởi hành lúc năm giờ sang. Sau đó đến Hạ , Miên và Ly về sau cùng. Thời khóa biểu của Quyên cho phép Quyên về sớm hơn các bạn vài ngày. Cả bốn cô gái hẹn gặp nhau vào ngày mùng sáu tết. Hải không về. Với anh,  ở lại đã buồn, về nhà cũng chẳng vui gì. Ở thành phố biển xa xôi ấy anh cũng có một mái nhà, nhưng không có bếp lửa hồng của mẹ để nhớ mỗi chiều đông. Mẹ anh mất khi anh lên mười tuổi, ba đi bước nữa. Bà mẹ kế lúc nào cũng nơm nớp lo sợ Hải sẽ chiếm một nửa gia tài ba Hải sẽ để lại sau nầy. Hải khinh bỉ và lạnh lùng ra đi từ khi vừa học xong đại học. Sợi dây liên hệ gia đình duy nhất anh còn giữ là những lời thăm hỏi của ba trong vài ba lá thư thưa thớt hàng năm. Cuộc đời Hải lúc nào cũng nhuốm một chút phiêu bạt.  Nhiều lúc buồn, Quyên tự hỏi: “ Có bao giờ Hải sẽ mãi mãi dùng chân trong cuộc đời mình không?  Nếu thế mình sẽ thu xếp đem mẹ lên đây,  mình đã gắn bó với ngôi trường nầy, với mảnh đất cao nguyên nầy mất rồi. Chính mảnh đất nơi đây đã cho mình gặp Hải như một điều kỳ diệu của số phận. ”

* * *
Ban Mê ngày …tháng … năm…

“  Thế là Quyên đã đi. Căn nhà có người mẹ và bếp lửa hồng đang chờ em. Cơn gió nào bay qua cuộc đời đã thổi Quyên về phía tôi trong những tháng ngày bi thảm nhất. Sao Quyên lại đến với tôi muộn màng như thế, khi cuộc đời đã khép lại mọi niềm vui, và khi tôi biết mình không còn sống được bao lâu nữa. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái buổi chiều định mệnh ấy khi Quyên ôm bó hoa hồng vàng rực rỡ bước vào phòng bệnh nơi tôi nằm, ánh mắt ngơ ngác tìm kiếm và dừng lại ở giường bệnh của tôi. Quyên hỏi, giọng dè dặt:

_ Xin lỗi, nếu tôi không nhầm thì đây là giường số 14, khoa nội 3?

Tôi trả lời, mắt không rời Quyên:

– Đúng rồi, cô tìm ai?

– Tôi tìm một người bạn – chị Thanh – điều trị tại gường nầy đã hai tuần.

– Chị ấy mạnh rồi, mới ra viện chiều qua.

Quyên cảm ơn rồi quay đi. Được vài bước Quyên ngập ngừng quay lại:

– Bạn tôi đã mạnh. Vậy bó hoa nầy xin tặng anh. Hơi đường đột,  nhưng nếu anh không chê …Chúc anh chóng bình phục.

Rồi Quyên dịu dàng đặt bó hoa lên bàn như đặt hạnh phúc lên cuộc đời tôi rồi ra đi. Ôi bó hoa vàng như màu áo em, em có mặt trong cuộc đời tôi từ đó.  Sau cái buổi chiều định mệnh ấy em cứ chập chờn trong những cơn mê của tôi, thật kỳ lạ và đầy ám ảnh. Ra viện tôi đi tìm em, nhưng làm sao biết được em làm gì? tên gì? ở đâu? Chỉ có một điều linh cảm duy nhất: em có vẻ là một cô giáo. Tôi đã lang thang qua các trường tìm em. Vô vọng. Nhưng có một cái gì đó thôi thúc mãi trái tim tôi, không cho phép tôi được bỏ cuộc.  Cuộc đời vốn rộng lớn mênh mông nhưng có lẽ trái tim con người còn lớn hơn nhiều – những trái tim yêu thương, tôi tin như vậy.

Ban Mê ngày… tháng…năm …

Điều linh cảm của tôi đã đúng. Tôi đã gặp lại em, trong một buổi tan trường. Cuộc đời có nhiều cái ngẫu nhiên kỳ lạ. Chiều hôm đó sau giờ làm việc,  một cơn đau đã giữ tôi lại – cái căn bệnh hiểm nghèo thỉnh thoảng vẫn quấy rầy tôi. Qua cơn đau tôi về muộn hơn những người cùng cơ quan. Cơn đau đã giúp tôi gặp lại em. Cơn đau mở ra những tháng ngày có em. Quyên ơi, làm sao em hiểu được vì sao tôi lại hay hát những bài ca buồn đến thế!  Và vì sao tôi lại khó hiểu như thế trước mắt em! Em vẫn thường nói: “ Để hiểu được một con người không phải là điều dễ dàng”. Vì có những điều không thể dễ dàng nói được. Tôi không muốn Quyên biết gì hết về căn bệnh của tôi. Có ích gì đâu hả em! Và Quyên đã không biết gì, ngay cả những điều tôi nghĩ về em. Ôi! Hạnh phúc muộn màng của tôi! Làm sao em hiểu được tình yêu của tôi dành cho em: khổ đau và tuyệt vọng …”

* * *

Những dòng nhật ký của Hải nhòa đi trong nước mắt Quyên. Khi cô trở về ngôi trường cũ thì Hải đã vĩnh viễn ra đi. Một nấm đất vô nghĩa đã khép lại một đời người. Và với Quyên, mọi nẻo về đã khép.

(1)Bài Định luật Ohm.

(2)Bài thơ “ Tôi yêu em ” của Puskin ( Văn học Nga ){jcomments on}

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.