Tác giả: Đỗ Đặng Võ
Từ vô thủy, những người đi biển, sau những chuyến hải hành dài trở về,
có kể lại họ đã nghe được tiếng hát tuyệt vời của các nàng tiên cá.
Biển cả mênh mông bao quanh trái đất, nhưng không hiểu sao, người ta
chỉ tìm thấy các truyện thần kỳ nầy ở trong các nền văn hóa Hy Lạp và
La Tinh?
Ở Á châu, phải chăng vì Na Tra đại náo Thủy Cung nên các cô bị bắt
buộc phải thiên cư qua trời Âu? Thủy Cung giờ đây chỉ còn Rồng trú
ngụ. Nhưng Rồng thì thường được miêu tả như một nam nhân, và hầu hết
được làm vua. Tổ tiên chúng ta cũng là một vua rồng ở biển Đông, Lạc
Long Quân. Truyện cổ tích Nhật có kể anh chàng Tarô, một hôm cứu được
một con rùa biển, nhưng không ngờ đó là công chúa con của Long Vương.
Phải chăng cô nầy cũng là một nàng tiên cá?
Trong kho tàng văn hóa hoặc văn chương của nhiều nước trên thế giới,
cũng có thể có những truyện thần thoại về những mỹ nhân ngư khác, được
truyền miệng hay nhắc đến qua thi văn nhạc, nhưng trong phạm trù của
bài nầy, người viết sẽ chỉ bànđến ba nàng tiên cá nổi tiếng ở Âu châu
sau đây mà thôi.
Người thứ nhất là nàng Calypso. Truyện L’Odyssée của Homère kể lại,
nàng đang sống yên ổn trên một hòn đảo nhỏ có tên là Ogygia, thì bỗng
một hôm có người hùng Ulysse bị đắm tàu dạt vào bờ. Calypso vì yêu
thiết tha Ulysse (mặc dầu anh thố lộ anh đã có vợ là Pénélope, mà anh
rất mong nhớ, và cầu xin Calypso cho phép anh trở về nhà), nên đã giam
lỏng anh trên đảo đến bảy năm, ru ngủ và làm anh mê mẩn với giọng hát
tuyệt vời của nàng. Về sau, cũng vì thương Ulysse, nàng đã xếp lại một
bên tình yêu một chiều và vô vọng của nàng, đóng bè rồi trao lương
thực cho anh trở về cố hương.
Hai nàng tiên cá kia là hai chị em, con vua Triton. Cô em út vì thương
hoàng tử đẹp trai của mình, mà tình nguyện uống thuốc bùa phép của mụ
phù thủy để trở thành một thiếu nữ, nhưng mất đi tiếng hát và giọng
nói, và mỗi bước đi là một sự đau đớn vô vàn cùng một lần rướm máu ở
đôi bàn chân. Nàng tiên cá mà mất đi tiếng hát thì còn gì là tiên cá
nữa? Mộng kết hôn với hoàng tử không thành, nàng đành phải lao mình
xuống biển để trở thành bọt nước, như đã ước định với mụ phù thủy độc
ác. Cô chị cũng vì đi theo tiếng gọi của tình yêu, nên đã xuôi Nam
xuống đến bờ sông Wisla ở BaLan. Được biết người yêu của mình đã tử
trận khi chiến đấu với quân xâm lược Thụy Điển, nàng tình nguyện xếp
rong chơi (trên biển cả) theo việc đao binh, giữ thành Warsaw cho đến
bây giờ.
Câu chuyện thương tâm của cô em út, nàng tiên cá bé nhỏ, hay cô bé mỹ
nhân ngư được nhà văn và nhà thơ Hans Christian Andersen ở Đan Mạch
bất tử hóadưới ngòi bút điêu luyện của ông năm 1837 để làm kịch bản
cho một điệu vũ ballet. Chuyện đã làm say mê và làm rơi lệ biết bao
thế hệ trẻ con cũng như người lớn (không chịu lớn), và được tóm tắt
như sau:
“Ở dưới thủy cung có vua Triton, hoàng thái hậu mẹ vua, cô bé tiên cá
và năm người chị của nàng sống êm đềm và ấm cúng bên nhau. Mấy chị em
sanh ra từng năm một, nên người nầy cách người kế sau một tuổi. Cô bé
tiên cá trong truyện nầy là con gái út. Khi các cô tiên cá đúng 15
tuổi, phụ hoàng Triton cho phép các cô con gái mình tuần tự mỗi năm
một lần được trồi lên mặt biển để rong chơi. Đã năm năm qua, cô bé mỹ
nhân ngư lần lượt nghe các chị của nàng kể lại các chuyến rong chơi
thích thú khắp biển cả, và những điều thú vị khi được trồi lên mặt
biển để vui đùa. Quả là một thế giới khác lạ so với thủy cung ở dưới
đáy biển. Khi nàng được 15 tuổi, đến lượt nàng được vua cha cho phép
rời thủy cung, để bơi lên mặt biển rong chơi. Một hôm, nàng tình cờ
nhìn thấy một hoàng tử đẹp trai đang ở trên một chiếc thuyền. Chẳng
may, sau đó thuyền bị bão lớn, và bị đắm. Nàng tiên cá bé nhỏ ra tay
cứu chàng hoàng tử lúc đó đã bất tỉnh, rồi đưa chàng vào nằm trên bãi
cát cạnh một ngôi đền thờ gần bờ. Vì không thể tự tay giúp đỡhoàng tử
gì thêm, nàng đành phải chờ cho đến khi một cô gái trong đền bước ra
tìm thấy chàng, rồi mới bơi ra xa được. Hoàng tử vẫn không biết cô bé
mỹ nhân ngư đã cứu mình thoát chết. Kể từ ngày đó, nàng tiên cá biết
yêu và biết si tình.
Bà nội nàng cho biết cuộc sống con người rất ngắn ngủi, nhưng sau khi
chết linh hồn vẫn sống mãi trên thiên đàng. Trong khi đó, mỹ nhân ngư
sống đến 300 năm, nhưng vì không có linh hồn nên sau khi chết sẽ biến
thành bọt biển tan hòa trong nước. Vì quá yêu hoàng tử, và muốn được
gần gũi chàng nên nàng tiên cá quyết định muốn làm người và muốn có
linh hồn vĩnh viễn. Nàng cũng biết rằng, nếu không có linh hồn, cho dù
đã thành người, khi chết đi nàng vẫn trở thành bọt biển. Để thực hiện
điều nầy, nàng đi gặp mụ phù thủy. Mụ bán cho nàng một liều thuốc do
chính mụ chế. Thuốc nầy giúp nàng có hai chân đẹp như người ta, nhưng
cũng làm tiêu mất lưỡi và tiếng nói của nàng. Mụ cảnh cáo rằng một khi
đã biến thành người, nàng sẽ không bao giờ được trở về biển cả để
sống. Khi uống liều thuốc, nàng có cảm tưởng như một cây gươm đã đâm
xuyên qua người nàng, và sau đó mỗi bước đi của nàng đều rất đau đớn
như bước trên dao kiếm. Mỗi lần như vậy, đôi bàn chân nàng chảy máu
rất nhiều. Nhưng bù lại nàng có thể nhảy múa được, giỏi hơn bất cứ một
thế nhân nào khác. Ngoài ra nàng phải được hoàng tử cưới, và khi hôn
nhau trong tình yêu chân thật, một phần linh hồn của hoàng tử sẽ được
truyền sang cho nàng, giúp nàng có linh hồn vĩnh cửu. Nếu hoàng tử
cưới một người khác làm vợ, bình minh sau đêm tân hôn của hoàng tử,
nàng sẽ phải lao mình xuống biển cả để trở thành bọt biển. Sau khi
gặp được hoàng tử, cô bé mỹ nhân ngư được hoàng tử thích, vì sắc đẹp
và các điệu nhảy xuất sắc của nàng, mặc dầu nàng không nói được. Hoàng
tử cũng cho nàng biết chàng chỉ yêu và chỉ lấy làm vợ cô gái đã cứu
chàng lúc trước.
Khổ thay, vào lúc đó, vua cha của hoàng tử bắt chàng phải cưới công
chúa một nước lân bang, mà nhà vua đã chọn sẵn cho chàng. Vua cha cho
biết, công chúa ở lân bang trước đây được gởi sang đền thờ để học
thêm, chính là cô gái đã tìm thấy chàng nằm bất tỉnh trên bãi cát, và
đã cứu chàng lúc đó. Hoàng tử vâng lệnh cha, và dành hết tình yêu cho
công chúa, vì tin rằng công chúa đã cứu mạng mình.Tin đám cưới được
loan ra rộng rãi, và được thực hiện nhanh chóng sau đó. Cô bé mỹ nhân
ngư với cõi lòng tan nát, nghĩ đến bao nhiêu sự hy sinh cá nhân mà
nàng đã phải trải qua, và bao nhiêu sự đau đớn của đôi chân rướm máu
của mình mỗi lần nhảy múa cho hoàng tử xem, mà xót xa cho thân phận,
và nghĩ đến chuyện phải lao mình xuống biển lúc mặt trời mọc ngày hôm
sau, biến thành bọt biển vĩnh viễn tan hòa trong nước. Đang lúc tuyệt
vọng thì các người chị của nàng tiên cá đem đến cho nàng một con dao
thần mà họ đã mua được của mụ phù thủy bằng cách đổi lấy những mái tóc
đẹp của họ. Mụ phù thủy dặn nàng phải dùng dao đó giết hoàng tử, để
cho máu của chàng nhỏ xuống hai chân nàng thì mới có thể trở lại với
kiếp sống mỹ nhân ngư, và bao nhiêu đau đớn của nàng sẽ chấm dứt. Khi
vào tư dinh của hoàng tử và thấy chàng nằm bên vợ mới cưới, cô bé tiên
cá không nhẫn tâm giết được người mình yêu, nên lao mình xuống biển cả
vào bình minh ngày hôm sau để trở thành bọt biển. Nhưng thay vì bị
chết để rồi tan thành nước, nhờ nắng ấm mặt trời ban mai, và nhờ vào
lòng nhân từ cùng ước muốn rất lớn của nàng được mãi mãi có linh hồn,
cô bé mỹ nhân ngư được biến thành một người con gái của thần gió. Các
cô con gái khác của thần gió cũng cho nàng biết, phần thưởng của nàng
sẽ là linh hồn vĩnh cửu, và được về nước Chúa , nếu nàng tiếp tục làm
điều thiện…”
Bức tượng nàng tiên cá ngồi trên tảng đá gần bờ gợi lại hình ảnh cô bé
mỹ nhân ngư si tình, trồi lên mặt nước, bơi vào bờ để mong tìm gặp lại
hình bóng chàng hoàng tử đẹp trai, mà nàng đã có lần cứu mạng sống.
Hình ảnh nàng ngồi bất động và tư lự, cũng diễn tả lại giây phút tuyệt
vọng trong lòng nàng khi nhớ lại thời thơ ấu ở dưới thủy cung thuở
chưa biết yêu, và sau đó bao nhiêu hy sinh và đau đớn vô vàn một cách
vô ích, rồi nghĩ đến cái chết đang chờ nàng vào bình minh hôm sau khi
phải lao mình xuống biển… Đã mấy ai, sau khi đọc rõ câu chuyện, và đến
viếng thăm tượng, mà không cảm thấy đôi chút bồi hồi trong lòng?
Bức tượng không có gì đặc sắc lắm, bằng đồng đen, được đặt ngồi trên
một tảng đá, nằm ven bờ của hải cảng Copenhagen.Không ít thì nhiều du
khách khắp thế giới, với óc tưởng tượng phong phú đã phải vỡ mộng khi
lần đầu tiên được thấy tượng nầy. Tượng chỉ cao 1 thước 25, và cân
nặng 175 kg. Nàng tiên cá ngồi quay mặt về hướng Tây Bắc. Và khác với
hình ảnh nàng tiên cá được mô tả trong truyện của Hans Christian
Andersen, tượng nàng tiên cáởđây có cả chân vàđuôi dính lại với nhau.
Bức tượng Cô bé mỹ nhân ngư hay Nàng tiên cá bé nhỏ (Little Mermaid) ở
Copenhagen, Đan Mạch
Bức tượng nầy là biểu tượng của thành phố Copenhagen, và là một địa
điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách từ năm châu bốn bể
đổ về đây. Trong dịp Hội chợ Thế giới ở Thượng Hải, từ tháng 5 đến
tháng 10, 2010, tượng nầy được đem sang Trung Hoa triển lãm trong gian
hàng của Đan Mạch. Ngày 20 tháng 11, năm 2010, tượng được đem về đặt ở
chỗ cũ. Đó là lần đầu tiên và là lần duy nhất, tượng đã được di chuyển
đi nơi khác, tính từ năm 1913 khi tượng mới được đặt xuống ở hải cảng
nầy. Bức tượng hiện nay được trưng bày ở hải cảng Copenhagen chỉ là
một bản sao (bản chính hiện do các người thừa kế của điêu khắc gia
Edvard Ericksen lưu giữ ở một nơi không được tiết lộ). Với thời gian,
tượng đã bị bao nhiêu kẻ gian manh tâm phá hoại nhiều lần, như bị cưa
mất đầu hai lần phải thay lại, cưa cánh tay mặt, liệng sơn vào mặt và
mình tượng, và năm 2003, bị đặt chất nổ hất tung ra khỏi tảng đá…
Mỹ nhân ngư thứ ba là nàng tiên cá Warsaw. Theo truyền thuyết dân gian,
tên Warsaw được kết hợp giữa hai tên Wars và Sawa. Wars là tên một ngư
phủ sống bên bờ sông Wisla, và Sawa là tên của một nàng tiên cá mà anh
yêu. Theo truyện cổ tích do Artur Oppman kể lại thì có hai chị em nàng
tiên cá, con gái của thần Triton, từ thủy cung thâm sâu, rong lên mặt
biển để chơi. Cô em út say đắm một hoàng tử và lưu lại ở Đan Mạch, tại
bờ biển thành phố Copenhagen. Cô chị xuôi Nam đến cửa sông Wisla
(Vistula), và đã làm say đắm nhiều chàng trai đánh cá ở ven sông bằng
tiếng hát tuyệt vời của cô. Một truyền thuyết khác kể rằng một nàng
tiên cá bơi từ biển Baltic xuống Warsaw để trả thù cho người tình tên
Griffin của cô, bị quân xâm lăng Thụy điển giết chết khi anh đang
chiến đấu bảo vệ thành phố nầy. Cô tình nguyện thay thế Griffin để bảo
vệ Warsaw.
Nàng tiên cá Warsaw
Tượng nàng tiên cá Warsaw, ở quảng trường chính trong Khu Phố Cũ, cầm
gươm tay phải, và đeo khiêng ở tay trái là biểu tượng của thành phố
nầy. Tượng nầy bằng đồng, được đúc năm 1855. Không những vậy, tất cả
các kỵ sĩ trong đội kỵ binh hoàng gia của nữ hoàng Anh đều mang huy
hiệu nàng tiên cá Warsaw trên cánh tay áo bên trái của mình!
Mẫu số chung, và cũng là chất keo gắn liền ba câu chuyện trên, là tình
yêu dành cho ba đấng nam nhi. Tình yêu của Calypso, và nàng mỹ nhân
ngư ở Copenhagen, có phần nào ích kỷ và vô vọng. Tình yêu của nàng
tiên cá Warsaw có một cái gì vừa bi thảm vừa hùng tráng. Nhưng nếu
phải chọn chỉ một nàng , thì tôi chọn cô bé ở Copenhagen. Tình yêu của
cô quá tuyệt vời. Cô yêu hoàng tử một cách tuyệt vọng, hy sinh tiếng
hát, chịu đựng đau đớn trên mỗi bước đi để múa cho chàng xem. Đến khi
mộng thành mây khói, cô thà chết chớ không giết người yêu, lấy máu của
chàng vấy vào chân mình để trở lại làm tiên cá.
{jcomments on}11-28-12
Ba nàng mỹ nhân ngư mà sao chỉ có hình của hai nàng còn thiếu đó nghe anh Đỗ Đặng Võ
“Nhưng nếu phải chọn chỉ một nàng , thì tôi chọn cô bé ở Copenhagen. Tình yêu của cô quá tuyệt vời. Cô yêu hoàng tử một cách tuyệt vọng, hy sinh tiếng hát, chịu đựng đau đớn trên mỗi bước đi để múa cho chàng xem. Đến khi mộng thành mây khói, cô thà chết chớ không giết người yêu, lấy máu của chàng vấy vào chân mình để trở lại làm tiên cá.”
Tôi cũng chọn cô bé ở Copenhagen như tác giả.Một tình yêu đẹp !
Bài viết rất hay và hấp dẫn Vì mình thích đọc chuyện , xem phim thần thoại và khoa học viễn tưởng ( đã già nhưng không chịu lớn?!), buồn ngủ , muỗi cắn vẫn ngồi đọc và…Hic… tưởng người trần gian khổ lụy vì tình đã đành chứ thần tiên cũng không thoát khỏi là sao vậy trời!
Cám ơn Đỗ Đặng Võ
Đọc chuyện , QT thích cách thể hiện tình yêu của nàng tiên cá Calypso quyết tâm chinh phục người mình yêu nhưng rồi cuối cùng thấy được tình yêu của mình chỉ là một chiều và vô vọng đành để cho người mình yêu ra đi để người được hạnh phúc.
Cám ơn anh Đỗ Đặng Võ đã cho biết thêm chuyện về những nàng tiên cá rất hay!
Có ai đã xem phim nàng tiên cá chưa , thật cảm động vô cùng .Cám ơn tác giả dìu người đọc trở về thế giới cổ tích xa xưa .
Thần tiên khi đã yêu thì cũng khổ như ai vậy .
Một kí sự có lan man nhưng đọc rất thích thú
Tui mún sống lại thời nàng tiên cá xa thế giới bụi băm của hôm nay .
Rất cảm ơn anh ĐỖ ĐẶNG VÕ đã cho các ACE bằng hữu Hương Xưa đọc một bài viết rất hay, hấp dẫn & lôi cuốn về các nàng tiên cá của thời cổ tích xa xưa…
Ui chu choa! Cám ơn các Anh Chị đã phản hồi. Tui tưởng chỉ có mình tui “già mà không nên nết”, vẫn còn thích chuyện cổ tích & thần tiên lẩm cẩm. Cám ơn các tâm hồn đồng điệu và đồng cảm. Đồng ý với Giáng Hương. Người hậu thế chẳng biết làm răng mà không tạc được cho nàng một bức tượng! Bất công dễ sợ. Hi hi hi!!!
Thần tiên mà còn bị lụy với tình yêu, trách chi đám con người đầy hỉ nộ ái ố tham sân si như chúng ta, phải không các AC?