Hồn Nhiên Chưởng Pháp [6]

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyết Đào

CHƯƠNG CHÍN

KHÔNG HẸN MÀ GẶP

* * * * * * *

Vũ Tuấn sau một hồi than dài thở vắng thì bỗng quên mất sư phụ, quên
mất các tiểu huynh đệ bèn nhảy xuống hố sâu nguyện chết theo tình
nương. Ai ngờ miệng hố thì nhỏ mà càng xuống sâu càng rộng rãi vô
cùng. Nhiều hang hun hút còn mở ra hứa hẹn đáy hang chu vi rộng rãi vô
ngần. Nhìn quanh quất chẳng thấy cái kiệu dấu Hoa nước mắt đâu cả, bởi
lẽ cái kiệu khi rớt xuống là vô tình mà Vũ Tuấn khi rớt xuống là cố
tình thì làm sao gặp nhau được.

Chàng ta mặc dù đang thất vọng nhưng vẫn nghĩ thầm là giả sử Hoa nước
mắt có chết thì vẫn còn xác cái kiệu, chả lẽ dưới này có nước cường
toan thiêu hủy cái kiệu hay sao, bèn đi sào sạo tìm kiếm dấu vết người
yêu. Những cửa hang rất nhiều mà cửa nào cũng bụi bặm chứng tỏ không
có người lai vãng. Duy chỉ có một cửa hang có dấu chân nho nhỏ của đàn
bà lui tới quét dọn gọn gàng, nên chàng ta yên trí Hoa nước mắt của
mình cư ngụ nơi đây, bèn hăm hở đi vào hang mà không cần phân vân
gì.Trong hang sạch sẽ, bên ánh lửa tù mù một thiếu nữ ngồi xây lưng
lại thổi cơm. Vũ Tuấn chẳng nói chẳng rằng chạy lại bịt mắt người đẹp
cười ruồi:

– Hoa muội! Đố ai đó?

Thiếu nữ nổi xung hét tướng:

– Ai là Hoa muội của ngươi tên tiểu lử kia?

Vũ Tuần xin lỗi dài dài:

– Té ra tẩu tẩu mà tiểu đệ không biết. Sao nghe anh Hai nói tẩu tẩu đã
chết từ khuya rồi mà.

Thiếu nữ nhìn lại thấy người quen mừng rỡ:

– Thúc thúc! Anh Hai của thúc thúc dạo này ra sao, đã lập gia đình chưa?

Vũ Tuấn ca tụng người vắng mặt:

– Anh Hai tui vẫn cô đơn chiếc bóng, thề để tang tình yêu của chị.
Đáng lẽ ảnh làm cỏ giáo phái Hôn Nhân mà nhớ chị đành lơ đó.

Thiếu nữ cảm động nói lối:

– Ta đã chọn thì sao lầm được nhưng mà Hùng ca ơi xin hẹn kiếp sau,
kiếp này đã qui y cửa Phật.

Vũ Tuấn ba xạo:

– Chị rớt xuống hang sâu thành bà vải, chả lẽ còn tui thành ông sư
sao? Có gì cho ăn không thì tui chết.

Thiếu nữ bèn dọn cơm chay cho Vũ Tuấn ăn xong đuổi đi, lấy tay chặt
lấy mớ tóc thề rồi lấy lá mai rừng gói lại nhờ trao cho Hồ Hùng.

Vực khá sâu trèo lên độ một phần ba đường thì Vũ Tuấn phải dùng khinh
công bay nhẹ lên.

Thiếu nữ nhìn theo cảm động, lát sau cô than dài:

– Vì đâu Đa tình mỹ nhân bỗng trở thành tuyệt tình ni cô? Thôi! Nay rũ
sạch lòng trần, ta quyết tâm nương nhờ cửa Phật.

Dứt lời cô ta lững thững đi vào hang. Qua ba hành lang thì có một sân
chùa vắng vẻ, ở đó có một sư bà già nua đang ngồi tụng kinh gõ mõ.
Thấy Tuyệt tình ni cô vào bà ta bảo:

– Này con! Ta vừa khám phá nơi cửa hang thứ mười hai có một lão già
làm nghề hớt tóc, ngày mai thầy trò ta qua đó xuống tóc cho lòng trần
được sạch.

Tuyệt tình ni cô chậm rãi nói:

– Hang lạ mà sư bà đến đó làm chi lỡ gặp phường ác bá làm sao mình tu
cho trọn dạo.

Tuyệt tình sư bà bỗng như trẻ lại mười tuổi:

– Ta đi hái hoa quả về cúng Phật, tình cờ thấy tiếng rên, lại gần thì
thấy một cô nhỏ đang bị thương. Chao ôi! Không biết ai ở trên núi mà
nhẫn tâm vùi hoa dập liễu như vậy. May nhờ có quái khách băng bột, làm
nạng cho cô ta mới đi được. Quái khách sau đó gửi cô nhỏ cho ta về
nuôi dưỡng. Để đáp tấm chân tình của quái khách, ta có mời ông ta mồng
một đến dự bữa cơm chay tỏ tình giao hảo.

Tuyệt tình ni cô chau mày:

– Thì mốt ông ta qua, mình nhờ xuống tóc cũng được.

Tuyệt tình sư bà líu lo:

– Mình đã nhờ người ta thì phải thăm viếng và đến tận chỗ mà nhờ, chớ
ai công không đến đây hầu hạ mình. Vả lại đem cô nhỏ đến để nhờ ông ta
xem bệnh trạng tiến hay lui.

Đến bây giờ ni cô mới thấy bên cạnh sư bà có một cô nhỏ xinh như hoa
ôm mặt đau đớn. Ni cô lại gần an ủi và tâm sự, chẳng mấy chốc mà cả
hai đã thân thiết nhau.

Cô nhỏ bấu vai Tuyệt tình ni cô:

– Sao em chán cảnh bụi đời, thôi cho em thọ giáo sư bà làm ni cô như
chị an thân ngàn đời không ai biết.

Ni cô an ủi:

– Đâu phải lúc nào muốn tu là tu được liền. Số em có thể còn nặng nợ
trần, em mà tu giang hồ đến đây gõ cửa đòi vợ đập chùa thì tội cho cửa
thiền lắm đó.

Sư bà can gián:

– Tiểu cô nương! Đường đạo hạnh đâu phải ai cũng có cơ duyên chọn là
được. Chữa thương cô nương lành xong ta sẽ nhờ quái khách đem cô nương
lên núi, cuộc đời có biết bao niềm vui đang chờ cô nương.

Nói đến đây sư bà chép miệng:

– Thường thường lúc ta chán đời hay muốn rũ sạch nợ trần bằng phương
pháp tu tiên, chừng nghĩ lại mới biết mình nông nổi. Ta đây hận đời
đen bạc quyết tâm tìm vui bên câu kinh tiếng kệ, bây giờ nghĩ lại
không biết lòng mình đã thật sự rủ sạch bụi trần hay chưa, nữa là cô
em tâm hồn còn non dại như nhành hoa niên thiếu.

Sáng hôm sau ba bà cháu đến thăm ông khách lạ thì thấy ông ta đang
luyện võ. Sư bà bèn can gián:

– Đại nhân! Tôi nghĩ người đã cao tuổi, sức yếu luyện võ làm chi cho
hao sức lực tấm thân ngàn vàng, với lại ở đây bọn chúng tôi đều là
chân yếu tay mềm, người chả lẽ luyện võ để giết người cô thế?

Quái khách buồn bã nói:

– Tôi nào có ham gì chút danh hư thiên hạ, từ lúc tìm ra chân lý, vũ
công tuy hà hiếp được thiên hạ nhưng cũng làm đổ vỡ bao giấc mộng lành
thì tôi đã gác kiếm ẩn thân mấy chục năm trời. Hiềm vì nay tên đồ đệ
yêu dấu đã bị tên ma tà nào đó sử dụng mưu gian cướp hết công lực rồi
còn treo cổ lên cây đại thụ với những câu nói ngông cuồng coi thiên hạ
như đồ bỏ. Nóng lòng luyện lại mấy đường gươm, giết tên vô loại cho đồ
đệ tôi được yên thân nơi ngàn vàng chín suối.

Sư bà cảm động bảo cô nhỏ đem vết thương nhờ quái khách săn sóc, ông
ta làm thuốc xức pommade tùm lum, sau đó dặn dò:

– Vết thương không nặng lắm, có lẽ khi rớt xuống hang sâu cô đã bị va
vào cọc sắt quá nhiều, may mà có cái lồng son không thì đá nhọn hai
bên vực đã nghiền nát thân cô. Đây còn một ít thuốc, cô nhờ sư bà săn
sóc, chứ còn ba hôm nữa tôi phải lên đường.

– Ông đi đâu vậy?

– Tôi định đến Gô Bi xem thử kẻ tử thù có còn đó không. Hắn ta cướp
công lực của đồ đệ tôi chắc không ngoài mục đích dành chức thiên hạ đệ
nhất võ lâm. Nhưng còn lâu,bao giờ còn tôi thì đừng hòng ai dành cái
ghế đó, ngay cả chủ nhân Bội Bạc phái đi nữa.

Sư bà rúng động:

– Bội Bạc phái mà cũng tham dự đại hội nữa sao?

Lão quái khách cười ròn:

– Hắn ta là chủ tịch đại hội chứ đâu phải tham dự suông.

Sư bà bỗng động lòng trần:

– Oan gia tương báo, không ngờ y càng ngày càng tham lam xảo quyệt. Ta
tưởng lòng trần đã nguội lạnh dè đâu giờ đây nóng như bà hỏa, vàng
mười cũng chảy nữa chứ đừng nói là thịt xương.

Ni cô cản ngăn:

– Đệ tử nghĩ mình đã xuất gia thì đừng nên tham, sân, si làm gì, ai ở
ác có Phật trời sửa đổi, trừng trị.

Sư bà ỏn ẻn như gái mười lăm:

– Mình tuy mang tiếng đi tu mà chưa hề xuống tóc thì ai biết mình là
nhà sư hay đạo hữu. Chớ tuồng cải lương “Hai chuyến xe hoa”, cô gì đó
định xuống tóc thì được người ta tới cản ngăn sau đó cưới chồng ngon
ơ! Ta đây tuy lớn tuổi nhưng tóc chưa bạc răng chưa rụng, cười chưa
xếp li vả lại con đường xuất gia của ta giống thư một cơn mộng đẹp,
tỉnh giấc thấy hồi xuân ngứa tay muốn thêm dấu sắc vào chữ xuất gia
cho bay bướm.

Ni cô cũng đổi ý:

– Đệ tử vốn căn nguyên sợ ma ngủ một mình không được. Nay sư bà, ông
khách và cô em nhỏ đều ra đi, một mình đệ tử dưới hang sâu e ma nó
nhát.

Sư bà vỗ về:

– Con cứ niệm Phật Bồ đề A-la-hán thì ma quỉ cũng tránh xa. Ta lo rửa
chút hận đời xong nhờ ông khách xuống tóc rồi về đây tu với con cũng
chưa muộn.

Quái khách đưa giải pháp bàn tròn ôn hòa:

– Vậy ni cô, sư bà cùng cô nhỏ khởi hành một lượt với tui cho tiện.

Thấy đề nghị hay hay, cả bốn chấp thuận nhưng cô nhỏ xương cẳng đang
bị băng bột, miệng la bai bải làm sao có thể trèo lên hang sâu, mà ở
lại thì e không kịp đến nơi ngày rằm tháng tám.

Sau cùng bà đưa ý kiến:

– Nơi hang sâu này chưa hẳn là tuyệt đạo. Lâu nay chúng tôi vốn phận
liễu yếu đào tơ nên không dám đi xa sợ gặp cường hào ác bá, nay có
trượng phu râu hùm hàm én võ công đầy mình thì nào có sợ ai, vậy ta
thử thám thính hang sâu biết đâu chẳng tìm ra sinh đạo. Nếu số trời
run rủi ta sẽ tìm đến sa mạc Gô Bi kịp lúc. Nếu trời không thương mà
bắt tội đa tình thì cả bọn chúng ta suốt đời phải sống trong bóng tối
lấy đêm làm ngày, lấy hoa quả làm thịt cá, lấy đạo hạnh làm tình yêu
thì đó cũng là định mệnh đã an bài.

Vậy là quái khách về thu xếp hành trang của mình xong ba nữ một nam
thẳng đường tiến bước. Hang này to như là một địa đạo xưa cũ của một
cơ sở giáo phái nào lâu lắm, la liệt nào gươm giáo song kích và những
cuốn sách dạy vũ công vỡ lòng đã hoang phế từ lâu nhện giăng đầy,cỏ
dại mọc khắp nơi.

Đường cùng!

Có lẽ còn một lối đi nào đó những bụi thời gian đã xóa nhòa cái sự
sống cuối cùng của bọn người này.

Quái khách thở dài

Sư bà thở dài

Ni cô thở dài

Cô nhỏ thở dài

Đôi dòng lệ long lanh.

Không lẽ cả tuổi xuân hoa mộng của cô ta sẽ bị quên lãng trong trí nhớ
mọi người. Cô nhỏ ôm lấy ni cô rầu rĩ:

– Chị ơi thôi trở về.

Ni cô ngao ngán:

– Em không thấy đó sao, đường lối như bàn cờ, gai độc tua tủa, hồi đi
không làm dấu bây giờ biết sao trở về.

Cô nhỏ tuyệt vọng nói tào lao:

– Sư bà thì có ông khách làm bạn, ni cô thì phận qui y coi cái chết
nhẹ như lông chuột, chỉ mình em, em chưa muốn chết, em còn Tuấn ca.

– Tuấn ca nào?

– Đệ tử thứ ba của Hồn Nhiên phái.

Ni cô chép miệng than dài:

– Phải chi chị gặp em sớm tí nữa thì hay biết mấy. Vũ Tuấn vừa đi thì em tới đó.

Cô nhỏ bị vết thương hành hạ sinh ra chán đời nói lối:

– Chị ơi! Chắc em chết quá. Đây là nắm tóc bạch kim của em, nếu sau
này gặp lại nhờ chị trao lại cho chàng.

Vừa nói cô định đập đầu nơi bức tường trước mắt, không ngờ vì tóc cô
ta nhiều quá giống như cái chổi quét sạch bụi trên bức tường, lò ra
cái bản lề hứa hẹn một tấm cửa rắn chắc. Sư bà bèn dùng sức bình sanh
xô nhưng cái cửa cứng ngắt bỗng dai như cao su không hề lay chuyển.

Quái khách giảng giải:

– Đây quả là một kỳ công của tạo hóa, thứ đá này hồi xưa đã được nấu
chín ở hỏa diệm sơn Pélé, sau đó ngâm trong lò tơ nhân tạo ở Los
Angeles, vì vậy cấu tạo của nó toàn bằng ny-lon và nếu kéo sợi ra thì
đổ đồng mỗi người đàn bà trên thế giới được một trăm tấm áo dài sura
và hai mươi xấp áo dài tétoron.

Quả là đàn bà, sư bà nghe nói đâm ham:

– Mặc áo dài hoa coi bộ tha thướt hơn áo bà sơ và cũng uyển chuyển hơn
áo ni cô đó.

Cô nhỏ mặc dù đang có ý định tự tử cũng cương cổ cãi:

– Sao không dệt thành Hysoji Tergal hay Teijin, độ này mode cao bồi
lên như diều gặp gió, người ta mặc xì gà ống patte thôi, ai thèm mặc
áo dài từ đời ông Le Mur cổ lỗ sỉ đó.

Sư bà bỗng nổi máu làm thơ:

Cái vòng ăn diện cong cong,

Kẻ đà bỏ xó, người mong mặc thừa.

Quái khách cười khẽ:

– Nói vậy chớ muốn chế thành tơ thì phải qua tận Lyon để mua dụng cụ.
Lúc này là lúc cần phải tiêu hủy để tìm đường sống. Bao giờ công việc
xong xuôi tại hạ sẽ về đây tìm các mảnh vụn rồi nấu và pha chế tặng sư
bà một chiếc áo dài hoa và cô em một bộ đồ Tây hết sẩy. Bây giờ tất cả
hãy lui sau lưng tôi ba dặm kẻo không cát bụi không vị tình người.

Quái khách vận chưởng, nội lực ào ào tuôn ra từ đôi bàn tay, thân thể
và tứ chi cứng ngay đơ như tượng đá. Trong giây phút xuất thần đó, giá
ai mà đem con dao nhỏ cứa cổ thì quái khách cũng đành chết mà thôi.

Ầm! Ầm!

Đá bụi cát văng tung toé, đồng thời trước mặt hiện ra một quang cảnh
như bồng lai. Hoa trời ơi là hoa, hoa kiểng, hoa dại, hoa vô sắc, hoa
hữu hương và giữa rừng hoa muôn màu đó một đôi thanh nam nữ đang nhởn
nhơ chơi trò đố lá.

Tiếng động do quái khách phá cửa hầm làm đôi thanh nữ giật mình chạy
trốn và cả ngôi nhà cũng rúng động. Trống La âm từng hồi vang khẩn
thiết, chuông Bạch ngọc ngân dài. Mười hai đại hán áo đen từ mười hai
căn phòng đổ túa ra miệng liên hồi kêu:

– Gian tế! Gian tế!

Sư bà tợ như người quen thuộc của lâu đài này bèn nhảy phóc ngồi gọn
trong chuồng gà. Buổi ban mai gà mẹ gà con thi nhau kiếm ăn nên chỗ
ngồi của sư bà coi như an toàn trên xa lộ. Ni cô cũng bắt chước uốn
mình nằm sát chuồng bồ câu. Duy có cô nhỏ vết thương chưa lành hẳn nên
đứng khóc ròng. Quái khách bèn đỡ nhẹ cô ta núp đằng sau ống khói nhà
bếp và một mình phi thân vắt vẻo trên một cảnhcổ thụ.

Mười hai gã đại hán đi ra, tên nào tửu lượng cũng đã quá trớn nên mấy
đôi mắt quáng gà không thấy ai hết, vừa đi vô vừa bàn cãi:

– Cơ sở bọn ta ai mà dám đến!

Gã đi đầu cười ruồi:

– Mà cho dù có đến thì cũng chỉ đến được tiền viện năn nỉ lạy lục nắm
cho được vài cái hoa mang tên một tông đồ mới rồi hí hửng đi về thấy
hoa héo khóc tưng tưng rồi lại trở lên chịu thêm vài điều kiện hắc ám.

Gã nhỏ tuổi hơn hết thắc mắc:

– Mà sao vị trưởng lão của ta rắc rối quá chừng đi, mình võ công đại
tài giang hồ kính phục, cớ sao bày đặt chi trò tiểu nhân cho quê cùng
mình vậy.

Gã đi đầu mắng ác:

– Tiểu sư đệ! Biết bao nhiêu việc huyền bí trong trí óc cao siêu của
sư phụ, mình đừng phê bình ở đây vách có tai coi chừng đó.

Gã đi cuối trầm trồ:

– Ờ mà sao hang Tuyệt Mạng bỗng bị ai phá tan hoang vầy nè, quả có gian tế!

Gã nhỏ tuổi rất tinh mắt :

– Cả rừng hoa cũng có dấu chân người, tên nào cả gan dám vào trung
ương cục ăn cướp Bội Bạc hoa biến tính hai trăm bốn chục màu.

Dĩ nhiên râu ông hay cắm cằm bà, cả bọn sau khi lung kiếm thì lôi đôi
thanh niên nam nữ kia ra khỏi hai cội tùng. Nhưng họ không phải là tay
vừa nên một trận chiến để dành phần thắng đó. Một gã đại hán vì sửa
mũi nên bị văng mất cục nhựa plastic, một gã vì bịt răng vàng nên bị
bay mất hai cái răng cửa chạm vàng y. Bọn họ vốn là những người yêu
chuộng thẩm mỹ nên tuy đã bắt được đôi thiếu niên mà vẫn khóc chí
choé:

– Trời ơi! Kiểu này mỗi lần soi gương thấy dung nhan vàng võ ta muốn
đập gương quá. Thôi xong kỳ đại hội anh hào ta xin sư phụ ký phép cho
vào thẩm mỹ viện Ngô Văn

Hiếu điều trị ba tháng cho rồi.

Bao nhiêu uất hận hai gã đều dồn vào đôi thiếu niên đó mà rửa trận:

– Hai oắt tì kia! Xuân xanh bao nhiêu mà dám cả gan vào đây dọ thám.

Thiếu nữ khí khái trả lời:

– Bắt được ta thì giết đừng nhiều lời lôi thôi. Nếu quân tử thì xáp lá
cà một trận nữa.

Gã thanh niên bàn luận:

– Hiền muội nóng nảy ham vui không nghe lời ta nên hỏng sự. Binh pháp
Tôn-Ngô đã nằm lòng mà vì ái tình ta quên mất mới xảy ra cớ sự này
đây. Phàm dụng binh phải lựa địa bàn tốt có ưu thế cho mình mà thủ
lợi. Vì lời đường mật của hiền muội mà ta đã lọt vào khinh địa,

Ở khinh địa mà còn nấn ná dừng quân,

Ở khinh địa mà còn giao chiến.

Gia súc của địch chưa cướp giật để rô ti, để nấu cà ri thì lấy gì làm
xúc tác để nức lòng đánh giặc. Nay khinh địa đã trở thành trọng địa ta
cũng chả có gia súc thả ra để dụ địch lo trò nhậu nhẹt để tiện đường
lui quân. Ôi thôi! Khôn ba năm dại một giờ cũng vì sáng mắt của ai kia
đó, cũng chả thèm than thân trách phận làm chi, cổ nhân có dạy:

Má hồng không thuốc mà say,

Nước kia muốn đổ, thành này muốn lay.

Ta đem cái mạng chính khách của ta mà đổi lấy chút ân tình của nàng
hãy còn quá rẻ, chỉ buồn vì không biết bặt âm tin tức, lâu ngày không
biết sư phụ có ngóng trông không.

Thiếu nữ hờn mát:

– Sư phụ của đại huynh trông chứ bộ sư phụ tiện nữ không biết trông sao?

Thiếu niên luận tiếp:

– Bây giờ lỡ sa vào tay địch, thôi thì ta hãy dùng chước trá hàng là
đắc sách, rồi sau đó bắt chước trò đi đêm của Kissinger ta bí mật liên
lạc kẻ đồng bệnh thừa lúc địch sa cơ, ta xuất kỳ bất ý chiếm luôn
chiến lợi phẩm.

Dè đâu gã trẻ tuổi trong số mười hai đại hán nghe được lời gã thiếu
niên. Hắn cười thách đố:

– Oắt con kia! Đã vào chỗ chết còn cứng cổ nói bậy, được rồi! Đã vậy
ta liệng nhà ngươi vào dòng suối Ôn Tuyền cho mi tan xác.

Dứt lời gã đại hán bế thiếu niên liệng ngay vào suối nước nóng đang
sôi sùng sục gần đó.

Thiếu nữ khóc rống lên:

– Bình ca! Đợi thiếp cùng chết cho trọn thủy chung.

Dứt lời thiếu nữ dợm nhảy theo gã thiếu niên nọ. Từ trên cây ni cô yểu
điệu phi thân xuống khuyên lơn:

– Tiểu cô nương! Tiểu anh hùng đà mất sớm, bổn phận còn để lại cho
tiểu cô nương, oan gia trước mặt sao không báo oán mà vội quyên sinh
để cho tiểu nhân đắc ý hơn mình sao?

Thiếu nữ sực tỉnh, tròn đôi mắt phượng, xếch đôi long mày lá liễu mắng
mười hai đại hán:

– Bọn ngu ngốc kia! Bình ca ta thuở nay chỉ đọc sách Thánh hiền nghiên
cứu binh thư chiến lược, khảo cứu cuộc đời các chính khách để rút kinh
nghiệm ứng cử Thượng nghị viện kỳ tới, cớ sao các ngươi nỡ dùng mưu
hèn hạ thiêu hủy Bình ca ta. Rồi đây thân xác đâu để ta đem qua nghĩa
trang Arlington an táng. Hận này ta phải trả.

Tiếp theo cô ta xuất liền mười hai chiêu liên liếp để tấn công mười
hai gã đại hán. Ban đầu vì thiếu nữ có nhan sắc chim sa cá lặn nên bọn
họ vừa đánh vừa chấm điểm nên có kẻ bị u đầu sứt tai mà không biết
đau, cứ tưởng mình đang làm giám khảo đại hội hoa hậu Á châu ngồi chép
miệng:

– Cô này càng nhìn càng ưa, cái eo tuyệt cú mèo, đôi mắt hơn sóng hồ
thu, Tây Thi thấy mà phải lé, Hằng Nga mà nhìn thì phải chột, dự thi
hoa hậu Á châu thì hết sẩy Việt Nam muôn năm! Dẫu cho rớt đùi đụi cũng
còn níu cái giải áo dài duyên dáng thướt tha làm quà an ủi.

Bởi mấy gã vừa ra chiêu vừa dùng hào quang chiếu điện người đẹp, mà
người đẹp khi ra chiêu thì sử dụng toàn đòn tận mạng nên trong mười
hai gã đã hết sáu gã bị thương.Về sau, một gã trong bọn họ nổi đóa rút
sợi dây thừng nhảy lùi sau lưng thiếu nữ, cô ta vừa giật mình quay lại
thì gã nọ đã dùng “Xiềng xích chưởng” để thắt cổ cô bé. Thiếu nữ  đang
lúc bất ngờ tưởng chết đến nơi nhắm mắt khẽ gọi:

– Bình ca! Đợi em với!

Nào dè sư bà từ trong chuồng gà phóng ra như én liệng, hai tay phất
nhẹ dùng chiêu “Kiện tỳ tiêu thực” nên “Xiềng xích chưởng” hóa ra tro.
Trong cùng một lúc mười hai đại hán bị điểm huyệt đứng yên như trời
trồng.

Sư bà run giọng:

– Đứng đó chờ giáo chủ của các ngươi ra cứu nghe không!

Sư bà vào trang viện không thấy ai cả, nổi sùng đập phá salon, ti vi,
tủ lạnh, ly tách… sau đó trở ra lôi đầu một tên hỏi nhỏ:

– Nè giáo chủ của ngươi chết tiệt phương nào rồi?

Gã nọ cúi đầu xin tha mạng rồi mới thưa:

– Bẩm đại nương! Giáo chủ cùng các giáo đồ đã lên đường đến Gô Bi lúc ban sáng.

Sư bà bèn ngoắc tay cho quái khách, ni cô và cô nhỏ nhảy xuống bình luận:

– Giờ đây ta hãy tạm thời cải dạng đến Gô Bi. Tuyệt tình ni cô hãy
phát chưởng mà hái trọn rừng hoa bỏ vào ba-lô cho ta.

Cô nhỏ ra lẽ hiểu chuyện:

– Bà bà! Giống Bội Bạc này kén đất lắm, rời khỏi môi trường dinh dưỡng
vài ngày là chúng chết khô.

Sư bà cười khàn:

– Cái trò con nít đó lừa ai chứ lừa ta sao nổi, Tuyệt Tình đệ tử hãy
đem hết thứ hoa dại đó ra dòng Thanh Tuyền mà rửa hết cho bay mùi phấn
độc rồi đem vào đây cho ta, làm dưa cả năm cũng chưa thúi nữa là khô
héo.

Quái khách nhìn sư bà đăm đăm:

– Sư bà! Hình như sư bà có thân thuộc gì với cơ sở này? Sao bà rành rẽ vậy?

Sư bà cười thê lương ai oán:

– Rồi một ngày ông khách cũng hiểu ông ơi, cái ngày mà trắng đen, ngay
ác phân định rõ ràng thì ta tiếc làm chi cái quá khứ nhỏ nhoi với đại
nhân nữa.

Lúc đó thiếu nữ tỉnh dậy đòi một hai chết theo Bình ca của cô ta cho trọn nghĩa.

Sư bà cản ngăn:

– Cô em! Người chết đã yên thân nhưng cái chết quả oan ức, cô em phải
trả thù cho người vắn số. Nếu tài sức cô em không đủ sao không đến Gô
Bi thông báo với sư phụ chàng ta để lo bề giải oán.

Thiếu nữ thấy hợp lý nên bằng lòng sự đề nghị của sư bà và cả bọn khăn
gói ra đi mang theo cả rừng hoa Bội Bạc vắng chủ.

Giả sử cuộc hành trình của bọn người nọ chậm lại vài giây thì ắt sẽ
thấy cách đó không xa Bình ca của cô nhỏ nọ tức Nguyên Bình đang từ
dưới nước trồi đầu lên ngơ ngác gọi khẽ:

– Nhớ Nhung hiền muội! Em ở đâu? Vì đâu xảy ra cớ sự như vầy?

Quả là chuyện lạ đời. Dòng nước Ôn Tuyền nguyên là một dòng suối nước
nóng do trận động đất và núi lửa của kinh thành Pompei để lại. Sức
nóng hàng ngàn độ này đã giảm bớt nhưng nhiệt độ vẫn đủ làm bò sống
trở thành bò thui, heo sống trở thành heo quay và nếu có nước sauce cà
chua thì ta cũng có thể biến con gà mái tơ thành gà đút lò nhấm nháp
với rượu cognac.

Nguyên Bình khi bị gã trẻ tuổi liệng xuống dòng nước tưởng cả cơ thể
chàng chín mềm như gà xé phay, nào ngờ chàng ta nhờ bệnh đau răng đến
năm hai mươi tuổi vẫn còn bú sữa Guigoz cho nên cơ thể chứa đầy sữa
nóng. Sáng nay chàng ta theo thông lệ điểm tâm bằng ba quả trứng gà
sống để bồi bổ cơ thể tăm tre Việt Nam của chàng ta. Do vậy nên lúc
rơi xuống dòng nước nóng chàng ta như cá gặp nước, sữa nóng tác dụng
với trứng gà tươi hòa thành kem Caramel bổ quá chừng, nhờ vậy chàng ta
trong phút chốc tăng lên được năm kí-lô. Vô tình Nguyên Bình luyện
được chưởng “Càrem” lẫy lừng nhất thiên hạ.

Dòng suối Ôn Tuyền vốn là dòng đối lưu, nước cứ chảy xuôi hai giờ xong
thì hai giờ sau chảy ngược lại. Dòng nước xuôi mang Nguyên Bình về
nguồn thì chàng ta bỗng gặp một mạch nước lạnh, thấy nước mát mẻ chàng
thò tay vào vô tình bắt được chiếc vòng trắng óng như pha lê và cái
kính thủy tinh trong suốt. Quả là chuyện hy hữu một tỷ năm mới có một
lần.

Thì ra là nhờ nhỏ Vân khi may đồ cho Trần Đức thấy bảy chiếc vòng đẹp
quá thì muốn chớp, Trần Đức tuy võ công đầy mình nhưng với con gái thì
dại bỏ mẹ, chưa đánh đã thua cho nên khi nhỏ Vân hành nghề đạo chích
thì chàng ta như bị tiêm formol chả biết gì cả. Nhỏ Vân lấy báu vật
xong thì ẩu đả một trận với Ngọc Dung nên mồ hôi dầm dề, cô ta phải đi
tắm cho đỡ nóng nực. Bản tính tham lam không cho cô cởi mấy món đồ vừa
chích từ Trần Đức ra sợ người khác chớp mất, dè đâu của quý cũng biết
lựa người để trao thân gửi phận. Nhỏ Vân vừa xách gàu nước thì báu vật
đã rơi tỏng xuống giếng, cô nhỏ chỉ còn việc thở vắn than dài.

Nhè đâu cái giếng nước của nhà nhỏ Vân lựa nhằm chỗ tốt, mạch ở đó là
mạch kín vừa là mạch hở, mạch hở đó có thông với một nhánh của dòng
nước nóng Ôn Tuyền. Vì vậy theo nguyên lý bảo toàn nhiệt lượng, nước
giếng ở nhà nhỏ Vân ấm hơn các nơi khác (Ai không tin cứ lôi cổ Trần
Đức kiểm chứng lại điều này thì đúng y chang). Bảy chiếc vòng và cái
kính tán sắc đó cứ trôi theo mạch nước qua hàng ngàn cây số thì gặp
mạch nước nóng cao độ. Nóng lạnh gặp nhau tất nhiên có phản ứng điều
hòa. Nhờ phản ứng đó qua cái kính tán sắc và bảy chiếc vòng đã trở về
trạng thái nguyên thủy của nó là một chiếc màu trắng để sử dụng Tán
Sắc chưởng.

Giả sử nếu Nguyên Bình không tình cờ trôi kịp tới thì cái vòng sẽ được
nung chín biến thành màu đỏ, màu nâu rồi cuối cùng sẽ thành màu đen
tức là carbon thì trở thành tro đen vô dụng trong việc sử dụng Tán Sắc
chưởng.

Ngày xưa khi chủ nhân Lạc Loài phái muốn phân chất chiếc vòng màu
trắng thì đã phải lên tận hòn đảo Greenland lấy băng giá về ướp lạnh
hai năm tròn chẵn. Nếu muốn đưa về trạng thái cũ thì cũng phải tốn hết
hai năm đốt hết rừng núi Phi Châu. Nay nhờ dòng nước nóng ở Ôn Tuyền
đã thâu ngắn thời gian một cách kỉ lục. Và Nguyên Bình trong lúc thập
tử nhất sinh chàng ta đã vồ được chiếc vòng huyết lộ tương tàn võ lâm
mà chính chàng ta cũng không hề hay biết. Thấy cái vòng xinh xinh,
chàng ta nhủ thầm rằng xưa nay Nhung muội chả có cái vòng trang sức
nào cả, mình lượm về tặng Nhung muội đeo chơi. Chàng ta không dám bỏ
túi sợ rớt mất bèn mang vào cánh tay, còn cái kính sau khi ngâm nước
nóng hai giờ khi bỏ vô túi thì như kim châm vì vậy anh chàng phải cầm
tay… vô tình Nguyên Bình đã sử dụng Tán Sắc chưởng mà cũng không hề
biết.

Tán Sắc chưởng không phải là một loại võ công kỳ bí gì cho lắm, cũng
như tất cả võ công của Lạc Loài phái đều sử dụng những thể thức tầm
thường như so đũa, bưng nước uống, đơm cơm, rót nước…Sở dĩ có những
chiêu ấy vì tác giả của nó là vợ chồng lão tiều phu thuở nọ nhờ duyên
may mà biết, chứ cả đời có biết chữ y tờ nào đâu mà sáng chế võ công
cho lắt léo. Sống bao năm với bầy Hoàng hạc, nhờ bắt chước cử động của
chúng và cử động của mình qua cái kính tán sắc mà họ trở thành nhân
tài của võ lâm với những chiêu giản dị, dễ hiểu vô cùng.

Thêm một điều lạ lùng là khi Nguyên Bình đeo vòng vào tay và cầm kính
thì thân thể nhẹ lênh bênh rồi đến chỗ giòng nước rẽ đôi mà mang
Nguyên Bình vào bờ. Nguyên Bình vào bờ ngơ ngác dòm chung quanh chả
thấy ai cả. Bọn mười hai đại hán thì vẫn nằm rên la van lạy Nguyên
Bình giải huyệt cho chúng. Nhưng Nguyên Bình nào có biết võ công chi
mà giải cứu. Vì vậy chàng ta lắc đầu lo hỏi thăm tin tức người yêu của
mình. Tên trẻ tuổi, lại cũng tên trẻ tuổi, thay vì chỉ rõ đường lối
cho Nguyên Bình đến Gô Bi lại chơi xạo chỉ chàng vào ngôi nhà âm u
trên đỉnh cao chót vót ở miền Đông Bắc. Nguyên Bình hăm hở tiến bước
ra đi không để ý hai tên đằng sau đấu láo nhau.

Gã bị thương nơi mũi của mình khẽ hỏi:

– Mi chỉ hắn ta vào dòng tu làm gì vậy, hắn ăn chay quanh năm mà.

Gã trẻ tuổi cười sung sướng:

– Chỉ gã vào tu viện cho mấy masoeur xào lăn gã cho bỏ ghét.

Để coi mấy maseour có xào lăn Nguyên Bình không?

Nguyên Bình cắm cúi đi, đi mãi thì đụng đầu hai cánh cửa cái cộp,
ngước dòm lên thì thấy tấm bảng với dòng chữ “Dòng Thánh Trinh Vương”,
chàng ta cảm khái nghĩ thầm rằng tội nghiệp Nhớ Nhung hiền muội, nàng
tưởng ta đã chết rồi nên nàng đi tu cho trọn nghĩa. Nghĩ lại mà cảm ơn
tên trẻ tuổi lúc nãy không biết bao nhiêu mà kể.

Thấy ổ khóa USA ba vòng chắc chắn và tường cao lêu nghêu, chàng ta
không biết làm sao phi thân vào ăn cướp người yêu ra khỏi đây. Thấy
cái chuông điện bèn đi một đường quang minh chính trực là bấm chuông
lia lịa. Chàng hí hửng chờ đợi một maseour trẻ đẹp ra mở cửa, ai dè tu
viện này lại dùng ông cai làm gác dan.

Ông cai thấy Nguyên Bình mừng rỡ:

– Tứ ca ! Ngọn gió nào thổi Tứ huynh đến đây?

Nguyên Bình cũng ngạc nhiên không kém:

– Nguyên Hội! Ta tưởng ngươi còn nằm dưỡng bệnh vì vết thương của cô
nàng để lại thuở nọ.

Nguyên Hội cười ruồi:

– Sau khi trúng kinh phong, bị á khẩu vì sắc đẹp hồn nhiên của cô nhỏ
đa tình, nhờ sư phụ cho ly chè đậu xanh giải cảm, đệ bỗng đâm ra thù
ái tình kinh niên định xuống tóc qui y cửa Phật. Ai dè vào chùa Sư nữ
nào cũng thấy mấy ni cô tóc tai cạn tàu ráo máng, chán nản quá chừng
làm sao mình đủ can đảm để tu cho trọn kiếp, bèn mua một lô trái cầu
định treo bảng tuyển thê, bắt chước Tứ huynh học đường tu thân, tề
gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nào ngờ số đệ có duyên với đạo mà chả có
duyên với đời nên trên đường trở về gia đạo đệ bỗng lọt mắt xanh một
con chiên của Chúa. Con chiên ngoan đạo quá trời, yêu Chúa hơn yêu bồ
nên đệ bèn áp dụng phương pháp của Tứ huynh đánh xa đánh chậm mà đánh
chắc. Đệ giả đò thi tuyển vào khoa gác dan tu viện, nhờ sắc đẹp trời
cho nên đã trúng tuyển tối ưu bằng trắc nghiệm. Bây giờ đệ chỉ lo có
việc nhổ cỏ, trồng cây si, vun bón cho mau nở hoa thành quả, bứng
phăng mấy cây mọc bậy, rào dậu lại vườn tược cho kiên cố để bảo vệ ái
tình muôn thuở.

Nguyên Bình dạy khôn:

– Chả lẽ sau bao năm miệt mài với sư phụ, với mớ kiến thức dồi dào
phong phú, giờ đây Lục đệ chỉ lo đường cua gái thôi sao?

Nguyên Hội bỗng trở thành luật sư không cần luật sư đoàn chứng nhận,
biện hộ cho mình phom phom:

– Ai bảo với Tứ huynh là đệ không lo dùi mài kinh sử đó, ái tình là
chất xúc tác cho phản ứng học hành mau cân bằng. Lúc nào có dịp đệ sẽ
biểu diễn võ công tài hoa của đệ cho Tứ huynh coi. Này nhé Dọn dẹp
chưởng, Trồng cây chưởng, Khóa cổng chưởng, Rào thép gai chưởng… Chao
ôi! Mấy ai mà được cơ hội học nhiều chưởng pháp tinh tường như tiểu
đệ.

Nguyên Bình vỗ tay như con nít được kẹo:

– Không ngờ đồ đệ của sư phụ mình người nào cũng tài sắc vẹn toàn. Cỡ
này huy chương vàng thế vận hội năm 1976 tổ chức ở Canada chắc bọn ta
sẽ giành hết. Không chừng thiên hạ thua cuộc buồn rầu khóc ré rồi gây
Đại hồng thủy cũng nên. Chao ôi! Không biết tương lai bao nhiêu sinh
linh sẽ chết vì trận lụt quái ác đó. Lỗi tại chúng ta, vì chúng ta tài
hoa quá mà sinh chuyện.

Nguyên Hội an ủi:

– Thôi Tứ huynh đừng buồn vương màu áo, chữ tài liền với chữ tai một
vần. Biết đâu chúng ta sẽ chết trước khi gây tai họa cho võ lâm vì
Thượng đế hay ghét kẻ đa tài lắm.

Cả hai ngồi than thở giống như mấy chàng làm thơ cóc nhảy thuở xưa.
Sau cùng Nguyên Bình trước khi chết, muốn trăn trối vài điều với người
thân, hồi tưởng lại Nhớ Nhung hiền muội mà than vắn thở dài cho mối
duyên ngắn ngủi, bỗng sực nhớ là mình tới đây để tìm tiểu muội chớ
không phải đến đây để chết. Giật mình cái đụi, sực tỉnh mới hỏi Nguyên
Hội:

– Thế mấy hôm nay có thấy cô thiếu nữ nào mắt đẹp như Mia Farrow, độc
đáo hơn Raquel Welch và ngây thơ hơn Olivia Hussey vào đây xin tu kín
không?

Nguyên Hội ngơ ngác:

– Dòng tu này đã dư thừa masoeur nên khóa sổ tuyển chọn từ lâu rồi mà.

Nguyên Bình tìm em một mình sợ không gặp mà chán nản, thất vọng rồi
quẫn trí nên dụ dỗ Nguyên Hội:

– Bữa nay chưa tới ngày Chúa nhật, con chiên còn ngủ gục, vậy Lục đệ
hãy cùng ta đi bụi đời vài bữa thử xem sao?

Nguyên Hội cũng gật đầu:

– Ờ! Nghe đâu sa mạc Gô Bi có tổ chức đại hội tranh tài võ lâm, ta tới
đó trước là coi có giúp đỡ sư phụ được gì không, sau là thử coi có ai
đáng mặt làm thê thiếp.

 

CHƯƠNG MƯỜI

HỒN NHIÊN CHƯỞNG PHÁP{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.