Viết tặng tình yêu đích thực
một thời không thể quên!
và riêng tặng các bạn nữ đang yêu!.
Thanh Thanh đột nhiên trở về sau mười mấy năm không tin tức gì. Khu
phố như rộn ràng thêm lên, quán cà phê thêm khách… Chỉ có Hải không
biết buồn hay vui, mấy ngày nay vẫn ngồi cùng người bạn thân Thi và Tú
nhâm nhi từng giọt cà phê đen như mọi khi, mặc cho ai bàn ra tán vào
về cô gái ấy.
Ở phố Sông Hoài ai cũng quen biết nhau. Bởi phố hẹp người thưa, đường
sá y chang câu hát phổ nhạc từ thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định “Đi dăm phút
trở về chốn cũ”. Được cái mọi người đều yêu phố nầy, yêu màu rêu xanh
ngói âm dương, màu nắng chiều sóng sánh như sao lăn tăn trên dòng sông
mang tên Hoài Phố. Con đường có chiếc cầu bắc ngang qua ngôi chùa Chùa
Cầu, với Hải và Thanh Thanh đầy ắp bao niềm vui và nỗi buồn. Vui thì
rõ rồi, ở vào cái tuổi ô mai ấy mà, tâm trí cả hai trong veo. Còn buồn
vô cớ nhiều lắm. Do trời mưa không gặp được: buồn, lo học thi không có
thì giờ đi chơi: buồn. Nhưng buồn nhất phải nói cái ngày đột nhiên em
ra đi.
Buổi tối Thanh Thanh đến nhà Hải. Cùng đi có bé Hân Hân, kêu Thanh
Thanh bằng dì ruột, đang học lớp Bảy. Cô bé tự nhiên có người dì từ xa
về và không biết gì chuyện của Hải và Thanh Thanh ngày xưa, nên rất
xởi lởi. Cung cách của cô bé phần nào làm cho cuộc gặp giữa Hải và
Thanh Thanh tự nhiên. Mẹ của Hải thấy Thanh Thanh chỉ chào qua rồi đi
xuống nhà ngang lo chuyện bếp núc. Ngồi với dì đâu mươi phút Hân Hân
xin phép đến nhà đứa bạn học cùng lớp học nhóm. Hân Hân nói “Con để xe
xíu nữa dì về nghe, con học xong con đi về cùng với Vy Vy ở gần nhà
mình!”. Thanh Thanh “Ừ”.
Hải hỏi:
– Em định về ở nhà luôn!.
Thanh Thanh đáp:
– Dạ cũng chưa biết!.
Trong câu trả lời của Thanh Thanh có gì như nghèn nghẹn ở cổ. Đôi mắt
của Thanh Thanh rơm rớm…
Ngày xưa, không mới đây thôi mà giống như chuyện ngày xưa thật. Cả hai
học chung bậc tiểu học ở trường cộng đồng Sơn Phong, sau đó lên lớp đệ
thất phải học hai trường, một dành cho nam và một toàn là con gái gọi
là trường nữ trung học. Dù khác trường cặp đôi – từ các bạn trang lứa
ghép cho – Hải Thanh thường gặp nhau những bữa rảnh rỗi hay ngày Chủ
Nhật. Tiết mục cả hai thích nhất cùng bách bộ hàng giờ từ góc chợ phố
qua cầu An Hội, sang Cẩm Nam xong tấp vào một quán chè bắp nào đó bất
kỳ, thi ăn chè bắp cho đến no cành hông mới lặng lẽ quay trở lại cây
Da chợ, nơi gởi chiếc xe đạp hảng Michelin không mới nhưng chạy xịn
lắm. Hai đứa đèo nhau vòng vòng qua các ngõ phố. Những lúc như vậy cái
thành phố “con con” nầy không những đẹp mà còn giống như
bà mẹ hiền dang đôi cánh tay vuốt ve nưng chiều con của mình!.
Đèn điện được bật lên, con đường rộng ra. Ai nấy cũng đi bộ, tục nầy
chỉ có ở con đường ngang qua chùa thôi. Không khí yên ổn và thân quen
lạ.
Những năm đầu năm… mọi sự đảo lộn. Cái khó khăn kinh tế đã đành, ai
cũng biết nên không kêu ca gì. Riêng cái khoản sâu lắng trong lòng mỗi
người có chút gì đó xao động. Cái tin đồn nầy cái tin đồn nọ râm
ran… Độc nhất quán cà phê của mẹ Thanh Thanh còn trụ lại làm nơi
“uống cho đỡ nhớ!” theo như một số người kể lại như thế. Rồi đùng một
cái Thanh Thanh biến mất, năm ấy cô đang học lớp cuối cấp trung học.
Lại một phen đồn đoán nọ kia, thời gian trôi qua công việc làm ăn
choáng hết chỗ nên chẳng còn ai nhớ. Hải thì không nguôi ngoai…
Con đường sang bên Cẩm Nam một mình Hải thui thủi đi đâu được mấy
tháng, rồi phải nghỉ thôi. Hải nhớ Thanh Thanh thích bông hoa súng.
Phải rồi bông hoa súng tím. Ngay trước sân nhà Hải đào một hồ rộng,
đúc hòn non bộ bằng xi măng lắp san hô biển, đá núi và trồng cây súng.
Để cây súng sống được và cho hoa quanh năm bốn mùa không dễ. Năm lần
mười lượt thất bại mới có ngày thành công. Đó là khi Hải mua trên chục
chiếc thau nhựa cỡ lớn cho bùn đất vào, nhận chìm chúng xuống đáy hồ,
xong trồng củ cây bông súng vào thau đất. Lạ thay không lâu sau những
chiếc lá súng nhô lên mặt nước, kế đó lần lượt trỗ hoa. Làm chơi ăn
thiệt, trò chơi đào hồ đắp non bộ, trồng cây cảnh, cây thế… của Hải
thành mode, sau nầy khi kinh tế qua thời túng bấn thiên hạ bắt chước
chơi và Hải lên công ty cây cảnh. Cái nầy chỉ là phụ. Cái chính Hải
làm được việc Thanh Thanh khi ở đây ưng thích.
Thanh Thanh và Hải ngồi lặng thinh, Hải nhớ rõ mồn một mọi chuyện, còn
Thanh Thanh đang nghĩ điều gì. Cô ngồi im, mắt buồn buồn. Đôi mắt một
thời cả trường trung học nam không ai không ưa nhìn.
Hải nói:
– Em chưa trả lời câu hỏi của anh!.
– Thì em nói chưa biết!
– Thôi em nói chuyện gì đi!
Buổi gặp đầu tiên sau mười mấy năm xa cách, chỉ có thế!. Hải tiễn
Thanh Thanh ra về khi trăng đêm mười sáu lên đỉnh đầu, ánh sáng của
trăng lóng lánh như những mảnh vàng ai dát vào mái hiên ngôi nhà cổ
phía bên kia đường. Khi Thanh Thanh vừa ra khỏi tán cây lộc vừng ánh
trăng toả vào Thanh Thanh làm tôn thêm vẻ hiền dịu vốn có sâu thẳm bên
trong, làm đẹp thêm vóc dáng mảnh mai của cô gái ở độ tuổi hai bảy đầy
sinh lực.
Nhiều tháng sau Hải và Thanh Thanh không gặp nhau.
Bất ngờ có một hôm, Hải đến nhà Thanh Thanh báo tin, toàn bộ cây bông
hoa súng trong hồ cảnh của Hải chết!. (Dù chế độ chăm sóc, được giữ y
như ngày nào).
Và chính Hải sửng sốt hơn khi thấy Thanh Thanh tiều tuỵ. Hai sự việc
ngẫu nhiên trùng khớp rất lạ lùng như đọc đâu đấy trong truyện cổ
tích.
Thôi truyện ngắn tạm dừng.
Chỉ hé lộ một chút thông tin là ở nơi xa xứ Thanh Thanh bệnh không
chữa được nhưng khi nguyện về cố hương sống với người Thanh Thanh yêu
thương nhất thì như có Bụt độ trì sức khoẻ Thanh Thanh hồi phục trở
lại. Nay lại như thế nầy.
Hải nói với Thanh Thanh:
– Anh gần cả một đời nhớ em qua những cánh
hoa súng màu tím.
Sau đó có một cặp đôi tình nhân, dắt tay nhau đi bách bộ trở lại trên
con đường qua cầu An Hội, đi ăn chè bắp Cẩm Nam, phố Sông Hoài vui
lắm!. (*){jcomments on}