Trung Quốc – Một Lần Qua

Tháng 9 năm 2010 , tôi và mấy người bạn rủ nhau đi du lịch Trung quốc
. Đây là nước thứ sáu trong hành trình du lịch nước ngoài của tôi
.Tour của chúng tôi gồm sáu tỉnh thành phố kéo dài trong 9 ngày : Bắc
Kinh , Thượng Hải , Hàng Châu , Tô Châu , Vô Tích , Quảng Châu . Điểm
đến đầu tiên là Quảng Châu , đây là nơi gần biên giới Việt Nam nhất .
Thật là xui cho đoàn , đến Trung quốc vào một ngày mưa dầm rả rích vì
Trung quốc đang bị bão , Quảng Châu ở trong vùng bị ảnh hưởng . Cả
đoàn che dù đi tham quan Bắc Kinh Lộ –  đường phố lớn nhất của thành
phố Quảng Châu . Sau đó đi tham quan nhà lưu niệm Tôn Trung Sơn , cuối
cùng là thăm mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái . Lúc nầy trời mưa to hơn nên
phần lớn du khách ngồi lại trên xe , tôi và những người bạn che dù leo
lên từng bậc thang xây bằng đá đến khu mộ . Chúng tôi quan niệm đi cho
biết nên dù mưa nặng hạt cũng cứ đi . Nhưng tiếc là trời mưa nên không
thể thắp cho liệt sỹ một nén hương – cũng là điều thiếu sót

Sáng hôm sau đoàn ra phi trường đi Bắc Kinh . Bắc Kinh hiện ra
trước mắt đoàn du lịch  như một thành phố Châu âu hiện đại với những
tòa nhà cao tầng san sát nhau , đường phố ba tầng uốn lượn trên không
, xe hơi nối đuôi nhau – nhưng phần lớn là xe hơi nội địa . Nghe anh
hướng dẫn viên du lịch nói xe hơi nội địa ở đây rất rẽ . Chỉ khoảng
150 triệu đến 170 triệu tiền Việt là có ngay một xe du lịch mới ra lò
. Có điều chuyện mua xe thì ai cũng có thể thực hiện được , nhưng mua
một miếng đất bằng chiếc xe để có chỗ đậu xe là một điều không tưởng !
Vì vậy phần lớn dân Trung quốc chọn giải pháp chung cư .
Là một thành phố nguy nga hoành tráng , nhưng khoảng chín giờ
tối Bắc Kinh đã tắt đèn đi ngủ . Đây không phải là một thành phố hoạt
động về đêm như Thượng Hải mà là một thành phố ngủ nghê đúng giờ giấc
, vì phần lớn dân cư Bắc Kinh là dân văn phòng .
Sáng hôm sau cả đoàn leo Vạn Lý truờng thành . Du khách ai
cũng dừng chân chụp hình ở bức tường ghi bút tích của Mao Trạch Đông :
“ Bất đáo trường thành phi hảo hán ”. Tôi nghĩ vậy thì muốn trở thành
hảo hán cũng dễ . Không biết có phải vì tinh thần của câu nói đó không
mà có rất nhiều ông cụ bà cụ cũng tham gia leo Vạn Lý trường thành .
Có người chống gậy , có người được hai con xốc hai vai , nhưng vẫn cố
leo lên những bậc đá của Vạn Lý trường thành . Chính vì những tấm
gương đó đã động viên tôi leo lên được phong hỏa đài thứ ba . Đây là
những chốt được xây dựng để khi có giặc đến người ta sẽ dùng phân dê
đốt lên báo hiệu cho kinh thành biết . Được hỏi vì sao dùng phân dê mà
không dùng phân của súc vật khác , anh hướng dẫn viên du lịch người
Trung quốc giải thích rằng vì phân dê nhiều khói hơn các loại phân súc
vật khác . Không hiểu được xây bằng kỹ thuật gì mà mỗi vọng hỏa đài
đều mát lạnh như dùng máy điều hòa . Đang leo Vạn lý trường thành mà
vào đó nghỉ một lát sẽ hết mệt ngay . Qua lời anh hướng dẫn viên nếu
tháo rời số gạch xây Vạn Lý trường thành ra thì có thể xếp một vòng
chu vi trái đất !
Buổi chiều hôm đó cả đoàn đi tham quan cung  điện mùa hè của Tư
Hy Thái Hậu . Một cung điện nguy nga lộng lẫy và một hành lang hóng
mát có mái che chạy dài ven hồ sen đến một ngàn mét . Không biết gót
chân vàng ngọc của bà Thái hậu có từng dạo bước hết chiều dài nầy
không ? Bây giờ là cuối mùa hạ nhưng sen vẫn nở bát ngát cả khu hồ
rộng mênh mông . Được biết mỗi ngày có đến hai chục ngàn người thăm
viếng nơi nầy .
Điểm tham quan của ngày hôm sau là Cố cung . Một nơi xa lạ
nhưng ai cũng có cảm giác quen quen từ cổng ngoài cho đến những mái
ngói cong vút của cung điện thấp thoáng bên trong . Bởi vì ai cũng đã
từng xem phim lịch sử của Trung quốc nên đã từng thấy hoàng cung nầy
trong phim . Cố cung được tọa lạc trên một vùng đất rộng mênh mông có
đến hơn 60 ha . Không biết các vì vua có đi tham quan hết hoàng cung
trong cuộc đời họ ? Có vô số cung điện , cung điện nào cũng có kiến
trúc và cách chạm trỗ những hoa văn hơi giống nhau . Nhưng có một điểm
chung là cung điện nào cũng hết sức nguy nga tráng lệ . Du khách đủ
mọi quốc tịch chen lấn nhau nhìn qua cửa kính xem bên trong cung điện
có gì . Nghe anh hướng dẫn viên người Trung quốc thì mỗi ngày ở đây
đón một trăm ngàn lượt khách du lịch . Anh còn  nửa đùa nửa thật nói
rằng cứ đến đây nhặt chai nước du khách uống xong vất đi mỗi ngày cũng
có thể trở thành tỷ phú !
Đông người quá nên cũng khó chụp được một pô ảnh cho riêng mình
mà không có người khác chen vào . Mỏi chân quá , cả đoàn ngồi quanh
một gốc cây ăn đào . Những quả đào giống đào Sa pa , nhưng to hơn ,
thơm và ngọt , được những người dân Trung quốc bán rong trong Cố cung
.
Cổng sau Cố cung nối liền với quảng trường Thiên An môn . Trên
cổng Quảng trường là bức hình lớn của chủ tịch Mao Trạch Đông , xa xa
là lăng Mao Chủ tịch . Quảng trường rộng mênh mông lộng gió là nơi lý
tưởng cho những người dân nghèo Trung quốc bán diều cho du khách .
Những con diều giấy đủ màu sắc theo gió lộng tha hồ vươn cao , bay xa
, đã giúp cho người lao động Trung quốc thu được những đồng nhân dân
tệ lẻ .
Hôm sau cả đoàn đi tham quan  lăng mộ của 13 vị vua nhà Minh
nằm sâu 28 mét dưới lòng đất . Cô hướng dẫn viên người Việt ngại xui
khi phải tiếp xúc với tử khí dưới lòng đất nên không đi , chỉ còn anh
thanh niên người Trung quốc hướng dẫn . Những bậc thang xây bằng đá
núi màu trắng đưa chân du khách xuống khu hầm mộ . Tôi nhìn những viên
đá  được cưa cắt từ núi , vuông vắn , mài nhẵn bóng , trắng ngà mà
nghĩ đến công lao của những người xây hầm mộ . Được biết nhiều người
đã chết khi xây dựng khu hầm mộ nầy . Cũng phải thôi , một Vạn Niên
của Tự Đức bề thế thua xa hầm mộ ở đây mà đã từng có câu ca dao :
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính , hào đào máu dân .
Càng đi xuống sâu càng nghe lành lạnh . Cuối cùng khi đã đi xuống đáy
hầm mộ là những quan tài sơn màu đỏ thắm đặt song song nhau trên nền
đá . Muốn thắp một nén hương , không phải cho những người nằm trong
quan tài kia , mà là cho những người dân , người lính Trung quốc đã hy
sinh xương máu khi xây hầm mộ nầy . Một mùi rất lạ thoang thoảng ,
phải chăng đó gọi là mùi tử khí hàng mấy trăm năm ? Du khách không
được phép chụp hình , thật ra nếu được phép chụp hình có lẽ cũng chẳng
ai muốn chụp những quan tài ! Trước khi ra khỏi cổng cuối cùng của khu
lăng mộ , anh hướng dẫn viên người Trung quốc bảo mọi người phải nói
câu : “ Tôi đã về đây ! ” , có nghĩa là đã bước ra khỏi địa ngục mà về
với trần gian . Có du khách tinh nghịch hỏi anh hướng dẫn viên : “
Mình nói câu ấy bằng tiếng Việt lỡ ông vua Vạn Lịch không hiểu , ổng
bắt mình ở lại thì nguy ” . Anh hướng dẫn viên bèn bày cho cả đoàn nói
bằng tiếng Tàu đồng nghĩa với câu “ tôi đã về đây ” . Mọi người vừa
bước qua cổng , vừa nói tiếng Tàu vừa cười ngặt ngẽo .
Hôm sau đến Hàng Châu , điểm tham quan chính là phim trường Tam
quốc chí . Đã từng xem phim Tam quốc chí của Trung quốc du khách sẽ
thấy lại quang cảnh từng diễn ra trong phim : những lâu đài cổ kính ,
những vọng gác , những pháo đài trên sông , những nơi từng diễn ra các
trận thủy chiến giữa quân của Tào Tháo , Khổng Minh , Đông Ngô …Cảm
giác đầu tiên là đẹp và công phu quá ! Du khách tranh nhau chụp ảnh
bên tượng những nhân vật lịch sử Trung quốc như Khổng Minh ,Tào Tháo ,
Châu Du , Tôn Quyền , ba anh em vườn đào …oai phong trên những con
ngựa bằng …xi măng .
Giã từ Hàng Châu , đến Tô Châu coi trình diễn Tống thành . Sân
khấu hoành tráng và đẹp mê hồn ! Kỹ thuật 3D được phát huy tối đa . Du
khách xuýt xoa khen ngợi , và tôi chợt nghĩ bao giờ thì sân khấu Việt
Nam mới đạt đến mức độ hiện đại ấy ?
Sáng hôm sau đoàn đến tỉnh Giang Tô  , điểm tham quan chính của
địa phương nầy là Hàn San Tự .
Bây giờ tôi mới biết Hàn San Tự cũng chỉ là một ngôi chùa bình
thường , không có gì đặc biệt . Chẳng qua nó nổi tiếng vì bài thơ
Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường :
Nguyệt dạ ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền .
Bản dịch của Tản Đà :
Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều

Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài , cây bến , sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San .
Hồi sinh viên , học bài nầy với giáo sư Trần Trọng San , tôi cứ tưởng
trước chùa nầy có một dòng sông , vì câu : “ Giang phong ngư hỏa đối
sầu miên ”
. Đến khi diện kiến thì thấy chẳng có dòng sông nào cả , trước cổng
chùa chỉ có một con kênh nhỏ , nhỏ đến nổi tôi nghĩ một thanh niên cao
lớn có thể nhảy qua được bờ bên kia . Không hiểu chiếc thuyền của
Trương Kế nhỏ cỡ nào mà có thể đậu trên con kênh nầy được ! Và đọc câu
“ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền ” Tôi lại nghĩ chùa nầy công phu
khuya đến tận nửa đêm chăng ?  Về sau tìm hiểu kỹ bài thơ ,thì ra đây
chỉ là tiếng chuông tạ ơn Phật của hai thầy trò một vị sư của chùa nầy
* . Đêm ấy có một vị tăng nghĩ ra hai câu thơ đầu , chú tiểu họa tiếp
hai câu sau , vậy là xong một bài tứ tuyệt . Và tiếng chuông tạ ơn
Phật do vị tăng gióng lên trong đêm khuya đã mang lại cho Trương Kế
một ý thơ tuyệt vời , có thể nói hay nhất trong bài thơ tứ tuyệt nầy :
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San .
Giã từ chùa Hàn San để đến Sư Tử Lâm . Bây là một khu rừng đá
giống hình sư tử nổi tiếng của Vô Tích . Một Khu vườn đẹp với ao cá ,
cầu ao xây dựng cầu kỳ , với cơ man nào là đá hao hao giống hình sư tử
, được thiết kế bằng bàn tay con người nhưng cũng rất tự nhiên như
những hòn núi đá với vô số những hang hóc . Đây cũng là điểm tham quan
thích thú của du khách .
Ngày cuối cùng trong chương trình tham quan , chúng tôi đến Thượng
hải – thành phố phồn hoa từng được mệnh danh là Paris của Châu Á . Nếu
Bắc Kinh quyến rũ du khách với nhà cửa cao tầng đồ sộ nguy nga , những
con đuờng cao tầng láng bóng ngang dọc , thì Thượng Hải hấp dẫn du
khách với vẻ nhộn nhịp năng động của một đô thị buôn bán sầm uất . Và
cũng thật trái ngược , nếu Bắc Kinh tắt đèn đi ngủ sớm , thì Thượng
hải là một thành phố không ngủ . Mặc dù đêm đã khuya , nhưng trên con
đường đi bộ dành cho khách mua sắm vẫn tấp nập du khách đủ mọi quốc
tịch . Và nhớ đến thành phố Thượng hải , du khách cũng nhớ đến một bến
cảng đẹp và lộng gió . Vào tháng chín , Trung quốc vẫn nóng đến 34 độ
, nhưng khi ra ngồi trên bến cảng thì mọi oi bức không còn .
Khi đến Trung quốc vào tháng chín , tôi cứ tưởng mình sẽ được
thưởng ngoạn cảnh đẹp của mùa thu phương Bắc .  Nhưng có lẽ năm ấy mùa
thu Trung quốc đến muộn , lá phong ở ven đường vẫn xanh thẳm một màu .
Nhớ đến cảnh quan Thúy Kiều tiễn đưa Thúc Sinh với “ Rừng phong thu đã
nhuốm màu quan san ” mà mơ ước được chứng kiến tận mắt một rừng phong
lá đỏ đến tận chân trời . Cây phong ở đây được trồng nhiều ven đường
với cành lá tỏa rộng . Cây bạch dương của đất nước Nga cũng được trồng
ở đây khá nhiều ,có khi trồng thành rừng . Xe chạy qua rất nhiều làng
quê Trung quốc , nhưng chỉ thấy nhà cửa ,cây cối , hầu như không thấy
bóng dáng con người . Tôi và nhiều du khách trong đoàn cũng đều thắc
mắc không hiểu họ đi đâu . Nhưng nếu có họ thì du khách cũng không
giao tiếp được gì . Người Trung quốc thường không biết tiếng Anh –
ngay cả tiếp viên các nhà hàng , khách sạn là những người thường giao
tiếp với du khách . Có lần ăn buýp phê buổi sáng ở một khách sạn , tôi
thấy có món trứng luộc nhưng không thấy muối ( người Trung quốc ăn
trứng luộc không chấm muối ) , tôi hỏi một chị cùng đoàn là người
Trung quốc , nhưng sống ở Việt Nam từ nhỏ , tiếng Trung quốc gọi muối
là gì . Chị nói : “ zẽm pa ” . Tôi bèn hỏi cô tiếp viên : “ Zẽm pa ? ”
, cô nầy hỏi lại : “ Zẽm pa ? ”.Tôi gật đầu . Cô ta bèn dẫn tôi đi đến
chỗ lấy muối . Đến một khu có để cà phê pha sẵn , cô chỉ tay vào một
bát có đựng một chất màu trắng , nửa giống đường , nửa giống muối .
Tôi lấy một chén nhỏ rồi đi về chỗ bàn của mình . Mọi người trong bàn
hí hửng chấm trứng vào , eo ôi thì ra là đường ! Chán quá chẳng muốn
đi tìm muối nữa . Kinh nghiệm lần sau đến Trung quốc phải thủ sẵn một
gói muối tiêu để ăn với trứng ( luộc trong nước trà ) . Một lần khác
ăn sáng xong , tôi phải đi tìm nước lọc để uống thuốc . Tìm mãi trong
nhà hàng buýp phê  chỉ thấy nước trà , nước trái cây các loại mà không
thấy nước lọc đâu cả , tôi bèn hỏi một cô tiếp viên bằng tiếng Anh : “
drinking water ? ” , nghĩ là mình chỉ nói có hai từ thôi , may ra cô
nầy có biết chăng  ? Cô ta ngó sững tôi như ngó một người từ cung
trăng mới xuống , rồi vẫy một anh chàng tiếp viên khác tới . Anh nầy
biết tiếng Việt , anh ta hỏi tôi : “ Chị cần gì ? ”,  và dẫn tôi đến
chỗ có bình nước lọc . Tôi nghĩ du khách biết tiếng Anh khi đến đất
nước nầy thì cũng đành chia động từ “ To huơ ” thôi ( huơ tay , huơ
chân cho người ta hiểu mình muốn gì ) .  Có điều phải công nhận người
Trung quốc phát âm tiếng Việt thật chuẩn . Vì ngôn ngữ của họ cũng có
đủ sáu thanh như ngôn ngữ Việt nên họ nói tiếng Việt rất hay . Và cũng
vì tiếng Trung quốc có đủ sáu thanh nên người Việt mới có thể áp dụng
luật bằng trắc của thơ Đường vào ngôn ngữ mình được . Và kinh nghiệm
cho thấy , đến Trung quốc bạn có thể gặp được nhiều người nói tiếng
Việt chuẩn hơn là gặp người biết tiếng Anh . Trong suốt chương trình
tour 9 ngày đêm , đoàn chúng tôi có ba hướng dẫn viên người Trung quốc
, nhưng tôi phục anh hướng dẫn viên tuổi trung niên , hướng dẫn đoàn
chặng Hàng Châu , Tô Châu , Vô Tích , Thượng Hải nhất . Anh nầy nói
tiếng Việt giọng Hà Nội quá hay , nếu chẳng biết trước anh là người TQ
thì tôi sẽ nghĩ anh là người Việt . Anh có vẻ người giống người Việt
đã đành mà còn nói tiếng Việt vô cùng lưu loát , kiến thức lịch sử rất
rộng , thuyết minh về lịch sử TQ bằng tiếng Việt hay như một giáo viên
dạy giỏi môn sử người Việt Nam . Tôi hỏi anh học tiếng Việt bao lâu mà
nói hay như vậy . Anh nói anh học tiếng Việt sáu năm , cộng với hai
năm làm phiên dịch viên ở Việt Nam . Anh đã để lại ấn tượng trong tôi
về một người TQ nói tiếng Việt quá hay .
Bên cạnh những điều không thuận lợi về ngôn ngữ , thì đi du
lịch Trung quốc thật bổ ích . Tôi đã đi du lịch sáu nước ( một số nước
Châu á và Mỹ ) , nhưng có lẽ không đâu thích thú bằng Trung quốc . Đây
là một xứ sở có nền văn hóa lâu đời với biết bao nhiêu là di tích lịch
sử , bao nhiêu là đền đài lăng tẩm . Là giáo viên Văn , đến đây tôi có
dịp gặp gỡ những địa danh trong văn học – nhất là những địa danh trong
truyện Kiều . Tôi đã có dịp đi qua những nơi mà bước chân phiêu bạt
của Kiều đã qua  : “ Khi Vô Tích , khi Lâm Truy , Nơi thì lừa đảo ,
nơi thì xót thương ” . Và tôi cũng xúc động khi đi ngang qua dòng sông
Tiền Đường – nơi Kiều đã trầm mình tự vẫn – để thấy dòng sông mênh
mông dường nào . Và từ đó hiểu vì sao Nguyễn Du đã mô tả dòng sông một
cách dữ dội : “ Triều đâu đã thấy nổi lên đùng đùng ” – thiên nhiên
cũng phẫn nộ trước những nghiệt ngã cay đắng mà cuộc đời đã phủ xuống
số phận Kiều . Lúc tôi đi ngang qua dòng sông Tiền Đường thì không
thấy ngọn triều nào , nhưng cái mênh mông của dòng sông làm người ta
hãi hùng khi nghĩ đến thân phận “ cánh hồng lúc gieo” * .
Giã từ “ Trung quốc một lần qua ” . Ở phi trường Bắc Kinh ,
lúc làm thủ tục hải quan , một cô nhân viên hải quan bảo tôi bỏ mũ ra
, nhưng lại nói bằng tiếng Trung quốc ( trong khi trước đó cô nầy đã
xem Pasport và biết tôi là người Việt ) . Trong khi tôi ngơ ngác không
hiểu thì cô ta chỉ tay vào cái mũ tôi đang đội trên đầu . Đây là một
đất nước quá tôn trọng tiếng mẹ đẻ nên đã thiếu tinh thần hội nhập .
Họ nói với người nước ngoài bằng tiếng mẹ đẻ tự nhiên như ai cũng phải
có “ nghĩa vụ” phải học tiếng nước họ . Đường phố của họ dùng toàn
bảng hiệu bằng tiếng Trung – chỉ trừ ngân hàng – ngay cả tại những phi
trường quốc tế hằng ngày có biết bao nhiêu người ngoại quốc đi , đến ,
mà cái bình nước lọc cũng ghi bằng tiếng Trung . Một người bạn của tôi
suýt bỏng vì không biết đâu là vòi nước nóng , đâu là vòi nước lạnh .
Trong khi đó , đường phố Việt Nam lại nhan nhãn bảng hiệu , bảng quảng
cáo bằng tiếng Anh . Những cuộc thi của người Việt cũng mang tiếng Anh
hẳn hoi : “ Việt Nam Idol ” , “ Việt nam s got talent” …Công sở của
người Việt cũng chuyển sang tiếng Anh : VNPT ( Bưu chính viễn thông
Việt Nam ) , EVN ( Điện lực Việt Nam ) , rồi Việt buil ( Xây dựng Việt
nam ) … Tôi nhớ có một lần hồi còn sống ở Đà Nẵng , tôi gặp một bác
mặt mũi có vẻ nông dân đi tới đi lui mãi trước bưu điện Đà Nẵng mà
không dám vào . Gặp tôi đi ngược chiều , bác nhờ chỉ hộ sở Bưu điện để
gởi thư . Tôi chỉ vào bảng hiệu VNPT , bác ngớ người ra một chặp rồi
mới bước vào . Rồi các MC người Việt hẳn hoi , đọc bảng tin bằng tiếng
Anh , tiếng Pháp trên màn ảnh nhỏ , thỉnh thoảng có một số từ tiếng
Việt chen vào như địa danh , nhân danh , cũng “ quốc tế hóa tiếng Việt
” bằng cách bỏ dấu , đọc lơ lớ như người ngoại quốc đọc tiếng Việt .
Nghe thật khó chịu ! Tôi không hiểu họ đọc như thế để làm gì ?  Cho
người nước ngoài dễ nghe hơn chăng ? Tại sao người Việt nói tiếng Việt
trên phương tiện truyền thông mà lại nói không chuẩn ? Người nước
ngoài nghe họ sẽ nghĩ sao nhỉ ? Nếu vì mục đích làm cho họ dễ nghe hơn
mà vô hình chung mình đã phát âm sai tiếng mẹ đẻ thì có cần thiết
không ? có tôn trọng tiếng nước mình không ? Vậy sao khi người nước
ngoài giao tiếp với người Việt bằng tiếng Anh , họ không nói “ lơ lớ ”
cho người Việt dễ nghe hơn , mà họ lại nói đúng chuẩn ?  Nói chung chỉ
vì tinh thần quá vọng ngoại mà đã quên tôn trọng tiếng mẹ đẻ của mình
. Về phương diện nầy người Trung quốc và người Việt nam là hai thái
cực !

V.H.U.

* Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến học hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không .

Dịch nghĩa :

Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không {jcomments on}

 

0 thoughts on “Trung Quốc – Một Lần Qua

  1. Kiều Thanh

    Đi chơi nhưng vẫn nhớ quê hương.
    Chiêm ngưỡng cảnh người lại bâng khuâng non nước VN thật quý hóa.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.