Tình sử Huyền Trân

 

Trường thi TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN

*

Trích đoạn: – Phần 9 –

Nước non ngàn dặm – Giọt lệ phân kỳ

Đưa dâu bịn rịn. Huyền Trân ngàn dặm theo chồng

Nhỏ lệ phân kỳ, toàn dân Đại Việt ngùi thương.

(từ câu 655- 768)

1.             …Tin buồn lan rộng khắp nơi

2.             Triều đình tất bật tiễn người ra đi

3.             Hôm nay Công Chúa vu qui[1]

4.             Hoàng thành lộng lẫy tinh kỳ tung bay

5.             Hoa gạo đỏ rực ngàn cây

6.             Dưới cơn lửa hạ kết đầy phố hoa

7.             Tưng bừng nhã nhạc hoan ca

8.             Lộng vàng ngựa trước voi ngà kiệu sau

9.             Sứ Chiêm náo nức đón dâu

10.                     Hậu cung bịn rịn nói câu giã từ

11.                     Dấu kín sau những nụ cười

12.                     Là bao dòng lệ khóc người con yêu

13.                     Thương thân Công Chúa diễm kiều

14.                     Ngây thơ đã chịu lắm điều đắng cay

15.                     Dùng dằn nặng bước chân đi

 

16.                     Cố ngăn tiếng nấc từ ly nghẹn ngào

17.                     Vầng hồng quá đỉnh non cao

18.                     Tinh kỳ giục giã đưa dâu lên đường

19.                     Người xem chật ních phố phường

20.                     Tay cầm sen trắng ngát hương vẫy chào

21.                     Những dòng nước mắt tuông trào

22.                     Tiễn người kỳ nữ đi vào sử xanh

23.                     Một hồn thơ dại tinh anh

24.                     Vì non sông gạt hết tình riêng tư

25.                     Cô đơn dấn bước xứ người

26.                     Để cho trăm họ tốt tươi an lành

27.                     Nhìn những dòng lệ lăn nhanh

28.                     Lòng nàng ấm áp mối tình quê hương

29.                     Thân ta dù lắm đoạn trường

30.                     Cũng không đáp nổi tình thương mọi người

31.                     Môi xinh gượng nở nụ cười

32.                     Vẫy tay từ biệt thay lời tạ ơn

33.                     Nghe sâu kín nỗi tủi hờn

34.                     Muôn ngàn người tiễn vẫn còn thiếu ai

35.                     Âm thầm buông tiếng thở dài

36.                     Kẻ vô tình ấy miệt mài phương nao

37.                     Không tiếng nói không câu chào

38.                     Không một ánh mắt tiễn nhau cuối cùng

39.                     Gập ghềnh ngựa xoải bụi hồng

40.                     Quan san hun hút ngàn thông xanh rì

41.                     Ngoảnh trông khuất nẻo kinh kỳ

42.                     Chiều vàng soi bóng Ba Vì[2] xa xa

43.                     Bình minh lấp lánh sương sa

44.                     Phủ dòng sông Đáy[3] hiền hòa trôi xuôi

45.                     Có ai cất tiếng ngậm ngùi

46.                     Giọng già nua nghẹn những lời rưng rưng

47. “Tiếc thay cây quế giữa rừng

48. Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”

49.                     Hát rồi dõi mắt trông theo

50.                     Lệ trên đôi má nhăn nheo chảy dài

51.                     Kiệu hồng trong cõi trần ai

52.                     Con đường thiên lý miệt mài vó câu

53.                     Gió đồng lay động ngàn lau

54.                     Tưởng còn thấy dấu chân trâu Tiên Hoàng[4]

55.                     Đường cái quan cuốn bụi vàng

56.                     Ngựa người phu trạm dặm ngàn bon bon

57.                     Vượt đèo Tam Điệp[5] chon von

58.                     Lắng nghe vượn hú đầu non chạnh lòng

59.                     Đây bức tường thành núi sông

60.                     Mồ chôn xác giặc Nguyên Mông bao lần

61.                     Ầm ầm sông Mã[6] thét gầm

62.                     Như còn oán trách cảnh lầm than xưa

63.                     Trầm trầm trong tiếng gió đưa

64.                     Hiệu cồng Bà Triệu[7] voi lùa giặc Ngô

65.                     Trời mưa ướt cánh đồng khô

66.                     Về qua Thanh Hóa[8] ngắm cô thôn buồn

67.                     Đất nghèo nhưng lắm tình thương

68.                     Gởi theo câu hát thê lương u hoài

69. “Ru hơi ru hỡi ru hời

70. Làm trai đứng giữa đất trời mà chi

71. Nỡ để Công Chúa ra đi

72. Anh dang tay nhận Ô – Ly đem về”

73.                     Lời ru thắm đượm tình quê

74.                     Khiến đoàn lữ thứ buồn tê tái lòng

75.                     Tưởng người nặng gánh non sông

76.                     Tiếc người uổng kiếp má hồng mà đau

77.                     Người đi dạt bước về đâu

78.                     Để mây Hồng Lĩnh[9] bạc đầu nhớ thương

79.                     Lam Giang[10]suối tóc xỏa buông

80.                     Nước trong còn chở nỗi buồn mênh mang

81.                     Hoành Sơn[11] chênh chếch đèo Ngang

82.                     Cố dang tay giữ gót nàng bước qua

83.                     Chiều tang khói tỏa quan hà

84.                     Bên kia màn lệ quê nhà nơi đâu

85.                     Sông Gianh[12] biên biếc một màu

86.                     Đò ngang quạnh quẽ gợi sầu tha hương

87.                     Tiếng ai đối đáp trên nương

88.                     Câu hò Lệ Thủy[13] còn vương vấn lòng

89. “Trời mưa ướt ngọn đòng đòng

90. Công Chúa lấy chồng sao phải sang Chiêm”

91. “Trời mưa ướt đọt chuối xiêm

92. Nàng sang Chiêm để ấm êm muôn nhà”

93.                     Giọng hò nghe thật hiền hòa

94.                     Mặn mà ruột thịt thiết tha nghĩa tình

95.                     Dương hồng lấp lánh bình minh

96.                     Sóng xô Nhật Lệ[14] mông mênh nước về

97.                     Dừng chân cuối nẻo đường quê

98.                     Ngoảnh trông cố quốc buồn tê tái buồn

99.                     Gởi trên đất Mẹ nụ hôn

100.                Đứa con lạc lỏng biết còn về đây

101.                Để trao Mẹ nắm xương gầy

102.                Cõi lòng đòi đoạn nỗi đầy nỗi vơi

103.                Dòng châu lã chã tuông rơi

104.                Làm sao nói hết những lời sắc son

105.                Đây Ô – Lý đất hồi môn

106.                Lưa thưa heo hút xóm thôn nghèo nàn

107.                Nàng nghe cảm khái vô vàn

108.                Đất vuông ngàn dặm, hồng nhan một đời

109.                Vì ta vật đổi sao dời

110.                Hờn căm còn đọng mắt người thổ dân[15]

111.                Cheo leo mây phủ Hải Vân

112.                Kiệu hồng ngần ngại bước chân dặm đàng

113.                Cữa Ô Long[16] – Phá Tam Giang[17]

114.                Đoàn thuyền hoa vượt sóng ngàn vào Nam…

*

Vũ Thanh


[1] Mùa Hạ, tháng 6 năm 1306-  Đại Việt đưa Huyền Trân Công Chúa xuất giá về Chiêm với Chế Mân.( ĐVSKTT)

[2] Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt. Đây là nơi ngự trị muôn đời của thần Tản Viên (tức Sơn Tinh). Ngọn núi này cách nội thành Thăng Long hơn 60 km về phía Tây. Ngọn núi cao nhất là Ngọc Tản. Trên núi có đền Thượng thờ thần núi Tản Viên.(BKTT mở)

[3] Sông Đáy: Ở miền Bắc Việt Nam.   Sông Đáy nhận nước của sông Hồng ở địạ phận Hà Nội . Quãng sông này còn có tên là sông Hát hay Hát giang. Chỗ sông Hồng  tiếp nước là Hát môn, nơi xưa kia Hai bà Trưng đã trầm mình tuẩn tiết. Hiện có đền thờ Hai Bà ở đây.(BKTT mở)

[4] Đinh Tiên Hoàng:  Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh từ một đứa trẻ mục đồng đã dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại nhà Đinh và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư (Ninh Bình)  làm kinh đô.(BKTT mở)

[5] Đèo Tam Điệp là tên gọi chính thức trong sử sách và địa lý cổ Việt Nam, chỉ con đường thiên lý cổ, đường cái quan, hay đường dịch trạm từ Thăng Long vào nam, đi qua 3 đoạn đèo giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Nó là một tổ hợp đèo trên núi Tam Điệp, một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa.

[6] Sông Mã dài 512 km bắt nguồn từ phía Nam tỉnh Điện Biên chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam qua huyện  Sông Mã của tỉnh Sơn La, qua lãnh thổ Lào, rồi tới tỉnh Thanh Hóa. Sông có tên là sông Mã vì dòng nước chảy rất xiết gầm vang như tiếng ngựa phi.

[7] Bà Triệu  : xem chú thích số 3

[8] Thanh Hoá:(còn gọi là xứ Thanh) là một trong những tỉnh đông dân nhất Việt Nam (ngày nay) nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía nam. Thời thuộc Hán gọi là Quận Cửu Chân, thời tiền Lê gọi là châu Ái. Đời Trần đổi là Thanh Hoá phủ lộ . Thanh Hóa là xứ nghèo nên cô gái vùng châu thổ sông Hồng trù phú đã nói:

Ăn chanh ngồi gốc cây chanh

Lấy anh thì lấy về Thanh không về

[9] Núi Hồng Lĩnh: Là dãy núi núi nổi tiếng nhất Hà Tĩnh. Cùng với sông Lam, núi Hồng Lĩnh được xem là biểu tượng hồn thiêng sông núi của xứ Nghệ.

[10] Lam Giang: Sông bắt nguồn từ vùng Nậm Căn, Lào. Phần chính của dòng sông chảy qua Nghệ An, phần cuối của sông Lam hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành biên giới của Nghệ an và Hà tĩnh đổ ra biển tại cửa Hội. Sông đặc biệt có dòng nước rất trong và còn có các tên như ,Sông Lam,  Thanh Long Giang, Lam Thủy.(BKTT mở)

[11] Hoành Sơn (núi ngang) là một dãy núi ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình. Đèo Ngang là thông lộ nối liền Hà Tĩnh và Quảng Bình .(BKTT mở)

[12] Sông Gianh được gọi là Linh Giang thuộc điạ phận Quảng Bình. Nếu Đèo Ngang là ranh giới thời Đại Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069) thì sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh  giữa Đàng Trong  và Đàng Ngoài (1570-1786) với cảnh huynh đệ tương tàn gần nửa thế kỷ (1627-1672). (BKTT mở)

[13] Điệu hò Lệ Thủy là đặc trưng văn hóa của xứ Quảnh Bình.

[14] Sông Nhật Lệ cùng sông Gianh, Hoành Sơn, Đèo Ngang là những địa danh nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình trong dòng chảy lịch sử ,văn hoá của dân tộc Việt. Sông Nhật Lệ còn có tên là Đại Uyên được đổi thành sông Nhật Lệ khoảng năm 1069-1075 dưới thời Vua Lý Thánh Tông.(BKTT mở).

[15] Tháng giêng năm 1307, Vua Anh Tông cho đổi tên hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành Khiển Đoàn Nhữ Hài vào vỗ yên dân hai châu đó vì người Chiêm ở các thôn La Thủy, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo .    ( ĐVSKTT)

[16] Cữa Ô Long: Cữa biển này xưa thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là cữa Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa Công Chúa bằng đường bộ tới đây rồi xuống thuyền ở cữa biển này về Chiêm nên đổi tên thành Tư Dung để tưởng nhớ đến người liệt nữ. Đến đời Mạc, tên cữa Tư Dung lại phải đổi thành cửa Tư Khách vì chữ Dung có âm trùng với tên Vua đầu tiên của nhà Mạc : Mạc Đăng Dung.  Đến đời nhà Nguyễn lại đổi  thành cữa Tư Hiền vì cữa đã bị lấp cạn và nhỏ đi nên tàu chiến của địch không thể dùng nó mà tấn công Kinh Thành Huế được.(BKTT mở)

[17] Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu  đến cửa sông Hương, thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà  tỉnh Thừa Thiên-Huế. Phá này chảy ra hai cữa Thuận An và cữa Tư Dung.(BKTT mở)

{jcomments on}


0 thoughts on “Tình sử Huyền Trân

  1. TRANKIMLOAN

    Đã nghe Vũ Thanh giới thiệu trong những còm trước đây! & mình đang chờ đọc….vì mình cũng thích thiên tình sử này! Cám ơn VT nhen!

    Reply
  2. misa

    Công chúa xuất giá về Chiêm Thành
    Hoàng cung đưa tiển mắt long lanh
    Lòng nàng ấm áp tình non nước
    Dấu lệ tình riêng,rạng sử xanh!

    Reply
  3. Vu Thanh Quang

    Cac ban oi, khoan doc bai nay da, cho admin dang lai roi hay doc vi bai dang chua du, doc se chang co y nghia gia ca . Xin loi nhe. Doc kieu nay thi tho VT se bi e do ,

    Reply
  4. Phương Hạnh

    Phương Hạnh thấy hay quá mà anh Vũ Thanh ,
    anh đòi hỏi gì nữa hè :
    “Những dòng nước mắt tuông trào
    Tiễn người kỳ nữ đi vào sử xanh ….”
    Rất là thâm thúy đó nghe .

    Reply
  5. Võ Quang

    Lão Tạ à, VT gởi bài đầy đủ à nghen, sớn sác thì phải nói là admin đó chừ không phải tui đâu . Tui có gọi nhắc admin rồi, đùng có lộn xộn, Lão coi chừng chưa biết ai bị giết à nghen lão !!!!hic ..hic …

    Reply
    1. TA CHI THAN

      Dạ … em lỡ phán mấy câu “xanh dờn ” nên em phải giữ lời … Anh Quang nên kiếm thêm thuốc bổ dưỡng đặng qua đây gặp em nghen .Hà Hà Ha … Tui thích chơi dzi mấy cha bướng bình này để sợ .

      Reply
  6. Tôn Phương

    Vũ Thanh nè , thơ hay đâu nệ ngắn dài . Chỉ một câu :
    ” Giang Châu Tư Mã đẫm mùi áo xanh ”
    Là ai cũng hiểu tình của Bạch Cư Dị với nàng
    kỉ nữ Tầm Dương rầu . Và cũng chỉ một câu :
    “Vì non sông gạt hết tình riêng tư “
    là hiểu tâm tình HTCC rầu .

    Reply
  7. Bạch Liên

    “Người đi dạt bước về đâu
    Để mây Hồng Lĩnh bạc đầu nhớ thương
    Lam Giang suối tóc xỏa buông
    Nước trong còn chở nỗi buồn mênh mang”
    Hay quá , chàng nhạc sĩ ơi !

    Reply
  8. cattuong

    Sao lại phần 9 rồi, không hiểu chuyện gì ? viết về lịch sử nên cẩn trọng nếu không đúng không đạt thì phản tác dụng mất, chúc tác giả vui, khỏe.

    Reply
  9. Võ Quang

    Cảm ơn admin và tất cả các bạn. Đây chỉ là một trích đoạn nhỏ trong truờng thi Tình Sử Huyền Trân gồm 20 phần với 1700 câu lục bát. Lần này VT chỉ cắt chút đỉnh (phần 9)để giới thiệu cùng các bạn xem thử ý kiến và phản ứng của các bạn ra sao mà thôi . Là vì thật sự thì trường thi chưa hoàn chỉnh đâu, đêm đăng lên đây việc chính là để nghe cá ý kiến của các bạn hầu tu chỉnh nó cho có hiệu quả hơn . Sau này VT sẽ gởi dăng từ đầu đến cuối với lời thưa gởi đàng hoàng.

    Reply
  10. Võ Quang

    cattuong ơi, VT bỏ rất nhiều thời gian và công sức ra để nghiên cứu thật kỹ về đoạn lịch sử này . Đầu năm này VT còn phải về VN để làm một cuộc hành trình” Tôi Đi Theo Gót Huyền Trân” cố gắng tìm đến những nơi mà 700 năm trước HT đã từng ghé chân qua . Tất nhiên để cho tình sử đượm màu sử thi thì sẽ có đôi chút hư cấu dưạ trên lịch sử . Nhung nói chung VT đang cố làm một động tác mang tính văn học sử để trường thi có một chút giá trị nào đó trong nền văn học sử VN. D nhiên đy chỉ là tham vọng cá nhân, việc có giá trị hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào ngưòi đọc . Dù sao mình cứ tận sức mình là được . Cho nên về khía cạnh lịch sử của các sự kiện thì cattương đừng lo . VT có chú thích đầy đủ .
    Chúc các bạn vui .(lại phải cắt phản hồi ra làm 2 đó)

    Reply
  11. Bích Vân

    Vâng , Vũ Thanh rất chịu khó tra cứu lịch sử , cám ơn bạn
    một người rất tâm huyết .

    Reply
  12. Võ Quang

    Cảm ơn Bích Vân cùng Nhị Hà . Vâng Huyền Trân tuy bi người đời thêu dệt chuyện không đâu nhưng đức độ của người xứng là một vị Bồ Tát , là một trong nhũng kỳ nữ của lịch sử dân Việt.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.