Hồn Nhiên Chưởng Pháp[3]

CHƯƠNG NĂM

MẤY AI HỌC ĐƯỢC CHỮ NGỜ

* * * * * * *

Nguyên Bình tựa hồ như kẻ sống ngàn năm trong bóng tối nay mới mở mắt
nhìn mặt trời. Cả đời sống trong trang viện với bầy tiểu huynh đệ, ai
nói chuyện tình yêu chàng cười ruồi dài dài. Nay đến cơ hội được ma ái
tình xâm phạm tiết hạnh thì chàng ta không biết trời trăng gì hết,
ngay cả tiếng gọi như sấm rền mà chàng ta cũng như đồ điếc. Chẳng mấy
chốc cả hai đã phi thân khỏi trạm rừng già, thì tại chỗ cũ một hảo hán
đến muộn ôm đầu bứt tai:

– Tức quá đi thôi, chậm một ly đi một dặm. Nghe giọng nói tuổi Mùi thì
biết là hắn ngay chóc, vậy mà đến đây hắn đã cao bay xa chạy rồi. Trời
ơi sứ mệnh không xong mặt mũi nào về nhìn sư phụ.

Vừa lúc đó có tiếng sơn ca ríu rít:

– Không dám nhìn sư phụ thì nhìn tui đi.

Nghe giọng nói dù không nhìn, gã con trai cũng biết chủ nhân giọng nói
thuộc về hàng con cháu bà Eva, bèn cứ xây lưng mà nói với:

– Cô nương thuộc môn phái nào mà cả gan ra đường chọc thiên hạ không
sợ phạm tội công xúc tu sỉ sao.

Thiếu nữ khúc khích cười:

– Tiếng đồn Trần Đức sợ con gái quả là bậy bạ! Chưa thấy gái mà đã
biết là con gái, sao lại bảo sợ?

Trân Đức ngạc nhiên:

– Ủa! Tại hạ chưa từng biết cô nương cớ sao cô nương rõ ràng tường tận
về danh xưng, tánh tình, y phục của tại hạ vậy?

Mỹ nhân nói lẫy:

– Trời ơi! Trần ca quả giống vô tình, thế hồi xưa ai nhìn Trần ca đến
nỗi lé cả mắt?

Trần Đức hỏi han an ủi:

– Tội lỗi tại hạ gây ra biết nước sông nào rửa sạch. Thôi cô nương hãy
ráng chờ đại, tại hạ đi học y khoa thẩm mỹ về chữa mắt cho.

Thiếu nữ ngúng nguẩy:

– Hổng chữa đâu! Sư phụ nói càng lé càng có duyên, mí lị nhờ lé nên ta
đã luyện được Le Lé chưởng, xuất chiêu mười lần thắng đến hai chục
lần.

Trần Đức gật đầu:

– Chí lí thay! Nàng nhìn ta giống như không nhìn ta, nàng không nhìn
ta giống như đã nhìn ta. Chẳng khác nào ta không yêu nàng mà chính
thực ta đã yêu nàng, ta không sợ nàng là đích thực ta sợ nàng.

Thiếu nữ hoan hỷ:

– Trần ca đã thuộc phần lý thuyết của Le Lé chưởng rồi đó, chỉ cần
tiểu muội huấn luyện thêm vài ngón nữa là đủ trở thành một xuất phẩm
của võ lâm về môn thờ vợ, hầu vợ và sợ vợ.

Sau vài lời phi lộ Trần Đức bèn vào phần nhập đề:

– Thế Dung muội đi đâu mà lạc bước đến nơi này.

Ngọc Dung đăm chiêu:

– Thế Trần ca mấy hôm lưu lạc giang hồ có thấy một trung niên thiếu
phụ nào đeo bảy chiếc vòng ngọc quyết không?

Trần Đức bóp trán:

– Ồ! Hình như trưa hôm qua có thấy một sương phụ hãy còn thanh sắc
đang đấu kiếm với bọn đạo sĩ áo xanh.Tại hạ bận đi tìm các tiểu huynh
đệ nên không để ý trận chiến.

Ngọc Dung run rẩy:

– Trời ơi! Con ma nữ đem báu vật của sư môn để gây cảnh chết chóc.

Trần Đức ngạc nhiên:

– Bộ Dung muội biết bà ấy sao?

Ngọc Dung bèn kể cho Trần Đức nghe:

– Số là cách đây năm mươi năm, ở chân núi Hoàng hạc có một hài nhi vừa
mới ra đời nằm oa oa khóc. Chả biết phụ mẫu là ai, đứa hài nhi mới
sanh không sữa bú mà lại dài hơi cứ cất từng tiếng ré khóc. Gần đó
quanh chân núi Hoàng hạc có vợ chồng tiều phu chuyên nghề đốn củi sống
qua ngày. Bữa nọ ông tiều phu sau khi đốn củi trong rừng, chất củi bó
đầy gánh sửa soạn quay về thì bỗng nghe tiếng khóc, lão chạy tới thì
một cảnh tượng lạ lùng xảy ra. Một bầy hoàng hạc bảy con thi nhau mớm
thức ăn cho đứa bé. Lúc đó đang là ban trưa mà đứa nhỏ nằm ngay chỗ
nắng. Lão tiều định bụng ôm đứa nhỏ về cho vợ nuôi vì cưới nhau đã
mười năm mà vợ chồng lão vẫn còn hiếm muộn. Nhưng không ngờ khi lão
tới gần thì bầy hoàng hạc quạt cánh đuổi không cho lão tới gần đứa
nhỏ. Đứa nhỏ ăn đã no vẫn còn khóc có lẽ vì nắng quá nhưng lão tiều
không làm sao thực hiện dự định của mình, đành ra về kể vợ nghe. Hôm
sau hai vợ chồng cùng trở lại nơi cũ thì chứng kiến một cảnh cũng
không kém phần kinh ngạc. Đứa bé sau một ngày giang nắng và một đêm
phơi sương vẫn còn sống, giờ đang ngủ ngon, nhưng đến khi ánh nắng mặt
trời lên thì đứa bé lại tiếp tục khóc. Bà vợ lão tiều không biết vì
dịu dàng hay thông minh hơn lão ta bèn nóng lòng la lớn:

– Bầy hoàng hạc kia nuôi con người ta mà không biết che nắng thì đừng nuôi.

Ai ngờ hoàng hạc hình như hiểu tiếng người, bèn để mộtcon canh chừng
đứa bé, sáu con kia bay vù vù ra đi. Sau một hồi chúng mang về một
chiếc vòng sắc trắng và một tấm kính pha lê. Chúng treo chiếc vòng ở
một cành cây và đặt tấm kính trên một tảng đá, tức thì chỗ đứa bé bỗng
phát ra bảy màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím rất dịu mắt. Đứa bé
thôi khóc vì chỗ nằm của nó đã dịu mát quá trời.

Vợ chồng lão tiều thấy hoàng hạc hiểu chuyện thì lấy làm mừng bèn xin
phép ngày ngày đến săn sóc đứa bé. Hoàng hạc tuy không hiểu tiếng
người hoàn toàn nhưng thấy vợ chồng tiều phu không có ác ý gì nên bằng
lòng cho hai người đến thăm viếng nghĩa là không xua đuổi nữa. Từ đó
hai vợ chồng tiều phu bèn dời nhà đến cư ngụ ngay gần chỗ của đứa bé.
Tuy vậy bầy hoàng hạc vẫn không cho vợ chồng lão ta mang đứa bé vào
nhà mà còn bắt hai vợ chồng cũng phải sống duới tấm màn bảy màu này.
Cuộc sống giữa người và vật kéo dài khoảng hai chục năm thì bảy con
hoàng hạc lần lượt qui tiên. Đồng thời trên giang hồ cũng bắt đầu xuất
hiện một môn phái mới, Lạc Loài phái, với chủ nhân ông sở trường về
môn Tán Sắc chưởng lừng lẫy giang hồ. Nay vị tiền bối ấy đã cao niên,
con dâu cháu chắt đề huề thì ông ta không còn tha thiết bon chen danh
lợi nữa, bèn dùng chiếc vòng năm xưa và cái kính tán sắc biến chế bảy
màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm,và tím thành bảy chiếc vòng có công
dụng Tỵ Thủy, Tỵ Hỏa, Tỵ Phong, Tỵ Hàn, Tỵ Độc, Tỵ Ma và Tỵ Ngãi.

Vị tiền bối chả muốn tranh dành lợi lộc làm chi nhưng nàng dâu cả lại
thèm bã vinh hoa bèn đánh cắp bảy chiếc vòng ngọc quyết và chiếc kính
tán sắc, chỉ mong phối hợp bảy chiếc vòng này thành một chiếc vòng độc
nhất để khi sử dụng Tán Sắc chưởng chiếm chức vô địch võ lâm.

Tuy nhiên giang hồ lẹ miệng vô cùng, Bạch Kim sương phụ vừa đánh cắp
thì hào hiệp nổi dậy khắp nơi lấy danh nghĩa đòi lại vật quý của Lạc
Loài phái để mong luyện tí chưởng pháp lấy chút máu mặt với anh hào.
Sư phụ sai tiểu muội đi lấy lại đồ vật và trừng trị tên phản đồ trắc
nết.

Trần Đức bâng khuâng:

– Dung muội vừa mới tuổi đôi chín võ công làm sao bì kịp với Bạch Kim
sương phụ nọ?

Ngọc Dung kiêu hãnh:

– Dĩ nhiên đồ đệ cưng của sư phụ phải có bản lãnh hơn người, vả lại
nội lực mụ ta có hơn tiểu muội nhưng mụ vẫn ngán Le Lé chưởng của tiểu
muội.

Trần Đức tuy có biệt danh là mèo mù nhưng cũng ham ăn cá rán bèn nói:

– Chao ôi! Biết ngày nào mới thụ giáo được ngón đòn Le Lé chưởng của
tiểu muội cho thoả lòng mong ước.

Ngọc Dung chụp lấy cơ hội:

– Hay bây giờ Trần ca và tiểu muội cùng đi tìm Bạch Kim mỹ phụ, luôn
tiện trên đường đi tiểu muội chỉ sơ sơ cho vài ngón trong bí kíp Le Lé
chưởng.

Trần Đức và Ngọc Dung sánh vai sóng bước. Thiên hạ hai bên đường thấy
đôi thanh niên nam nữ cùng bách bộ ra vẻ thân ái bèn tò mò nhìn, đến
chừng nhận ra Trần Đức thì “ủa” thật to. Trần Đức tình tứ nhìn Ngọc
Dung âu yếm:

– Dung muội! Ngày xưa U Vương vì mê nụ cười của Bao Tự mà mất nước,
ngày nay ta vì mê đôi mắt lé người Sơn tây của hiền muội mà cũng đành
mất tiếng nhát gái lừng danh một thời, âu cũng là định mệnh.

Ngọc Dung e thẹn mỉm cười, mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói
một câu, cả hai tuy là ði với sứ mạng tầm thù nhýng tuổi còn trẻ vả
lại cũng có lòng quyến luyến nhau nếu lúc thì đố vui để học, lúc chơi
trò trốn bắt, lúc lại dở vũ công mà luận bàn nên đi đã năm ngày mà chỉ
được mấy mươi dặm đường.

Sáng hôm đó Trần Đức vừa phổ nhạc được vài bài mây nước bèn rống lên
cho Ngọc Dung cảm động chơi:

Le lé lè le!

Em thích ăn me

Em ưa khóc nhè

Em chạy le te

Anh đuổi lè phè

Đuổi tới nhà Bè

Anh ngâm bài vè

Giọng anh lè rè

Như thể tiếng xe

Em bật cười khè

Cái lưỡi thè lè

Giống như ma le…

Trần Đức quả là chính hiệu con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô,
ai đời gò gái bằng cách chê gái.

Ngọc Dung ức quá nên kê tủ đứng liền:

– Mầm ca! Cái tên cúng cơm của Mầm ca mùi mẫn lắm.Cớ sao lại có tên
Mầm bất hủ vậy?

Người đẹp đã để ý vậy mà Trần Đức vẫn phom phom lạy ông tôi ở bụi này
dù ông không tìm, dù nàng rất có duyên tôi vẫn không thèm dấu diếm:

– Dung muội biết vì sao không? Ngu huynh có tính ăn nhiều, ăn mau, ăn
vũ bão còn hơn B52 dội bom miền Bắc. Vì ăn mau nhai không kỹ nên sau
khi uống nước bón phân thì có một số hạt đậu nảy mầm đâm chồi tuơi
tốt. Thấy hiện tượng kỳ lạ, sư phụ bèn gọi là Mầm để nhớ giai thoại kỳ
thú trên đây.

Sợ rằng Ngọc Dung vẫn chưa hiểu tâm tình mình, Trần Đức cảm khái tán
thêm vài ba câu ếch nhái:

– Dung muội! Tiểu huynh giống như hạt mầm ở cao nguyên Decan bốn mùa
nắng cháy, Dung muội có thươngtình nhỏ cho vài giọt lệ đài trang thì
mói mong cây tình yêu sinh sôi nẩy nở, còn không cũng chỉ là hạt mầm
khô queo chết tiệt mà thôi.

Ngọc Dung cảm động nhìn Trần Đức, và cứ tưởng mình là con nhỏ Hoàng
Dung bên cạnh QuáchTĩnh trong chuyện Anh Hùng Xạ Điêu!

Hai người đến Tô Châu trời đã xế chiều, đây là một thị trấn nhỏ nhưng
rất sành về các món ăn chơi. Ai đã từng đến Tô Châu chắc không quên
các cô vũ nữ thân gầy yểu điệu trong bộ quốc phục Trung Hoa cổ điển
hay lả lơi trong những tấm sìn-phào óng ánh kim tuyến. Tô Châu! Tô
Châu! Cái xứ thanh lịch cũng giống như tên vậy. Tửu điếm mọc lên san
sát đầy nhóc người, tiếng champagne nổ ròn rã, những ly rượu vang sủi
bọt lăn tăn, mùi mai quế lộ thơm lừng,và hương trà lipton, trà cúc,
rượu dâu nồng nàn ấm cúng. Tô Châu không dành cho riêng ai. Trời sinh
Tô Châu để huy hoàng với tất cả mọi người mọi giới – phú thương, quan
lại, nho sĩ, vũ sư, tiểu thư, vũ nữ… Tô Châu, thành phố ngày nào cũng
là Chúa nhật, cũng là Tết trung thu, Đoan ngọ, thành phố không có đêm,
thành phố không có tuổi. Nơi đây người ta sinh ra và lớn lên để tận
hưởng tuổi trẻ của mình tự do, phong phú, thanh xuân. Ngày tháng trôi
qua và không ai níu lại được. Cách đây hơn một thế kỷ trước Thiên
Chúa, Heraclitus chả từng buồn bã than van với các đồ đệ ông đó sao:

“Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông.”

Đó cũng là câu cách ngôn, nhật tụng của dân Tô Châu. Người ta hái vội
những bông hồng trên cửa sổ không thèm nhìn xa vì biết ở chân trời xa
xôi ấy là một rừng ngát kim hương hay đầy rẫy những gai nhọn đang chờ…

Đôi bạn rẽ vào một con đường nhỏ trong thị trấn để tìm quán trọ. Trần
Đức cao hứng nói với Ngọc Dung:

– Dung muội! Con gái ở đây xinh đáo để, tiểu huynh muốn đóng đô ở đây quá.

Ngọc Dung thở dài:

– Cái bệnh nhát gái vừa chữa lành, cái bệnh ba lăng nhăng đã sơ khởi.
Có ưng tui cắt lưỡi xẻo tai bóp rau răm muối tiêu hông?

Trần Đức sợ quá bèn đọc cửu chương nịnh:

– Chao ôi, mắt của Dung muội khi mà giận dỗi nổi tam bành lên thì hết
sẩy, ngu huynh cam đoan mắt nhung của Gina và mắt buồn của Liz Taylor
mà đem sánh với mắt của hiền muội chỉ vào hạng đem vất mà thôi.

Hai người thay đồ, đi bát phố một vòng rồi sau đó về mới tính chuyện
cơm nước. Nửa khuya vì lạ nhà nên Trần Đức không sao ngủ được, chàng
thơ thẩn dạo hành lang quán trọ bỗng nghe xa xa tiếng kim khí chạm vào
nhau loảng xoảng. Sanh nghi Trần Đức chạy lại gần xem thì thấy một mỹ
phụ tóc óng vàng hoe sợi nhỏ đang bị ba hảo hán bao vây.

Gã thứ nhất đôi mắt to, ngàn quang chiếu ánh sắt bén vào mỹ phụ hằn học:

– Bạch nương tà! Giang hồ đã biết việc nàng bội phản sư môn ăn cắp bảy
chiếc vòng ngọc quyết, vậy khôn hồn giao cho ta, ta mở sinh lộ cho!

Gã thứ hai đôi mắt thâm u như hai ngõ động thuồng luồng, giọng nói như
ma hờn quỷ khóc:

-Bạch Kim! Mười hai năm trước nàng có hẹn với ai ở cầu Phệ Thủy trước
khi làm dâu cho con gã Lạc Loài. Nay ta vâng lời người bạn cũ đến đây
thu thập báu vật để trừ nợ ân tình nghĩa cũ.

Mỹ phụ hình như rung động vì câu nói của gã thứ hai, toàn thân bỗng
rùng mình và nơi đôi mắt ảo não nhưng đôi ngọc huyền đã chết ánh sáng,
đôi dòng lệ long lanh. Nàng ấp úng hỏi:

– Gã đã chết từ chiều xưa nơi thung lũng Tuyệt Tình cơ mà.

– Làm sao mà chết để cho nàng học nòi phàn bội hay sao?

Đôi mặt mỹ phụ chợt bừng sáng:

– Ngươi cho ta gặp chàng mau!

Đại hán ra điều kiện:

– Hãy trao bảy chiếc vòng đây rồi ta dẫn đến gặp tình lang thuở ấy.

Mỹ phụ nghi ngờ:

– Tín vật đâu? Có gì để làm bằng chứng là y còn sống?

Đại hán cười rùng rợn:

– Đây này!

Tiếp theo y thừa lúc mỹ phụ bất ý, tung một chiêu lẹ làng mười ngón
tay như mười con nhím nhắm vào bả vai mỹ phụ chộp tới. Mỹ phụ không
ngờ đại hán nọ giở trò tồi tệ, đến chừng sực tỉnh thì không kịp chống
đỡ và cái chết tưởng chừng đã đến nơi. Trần Đức thấy lòng dạ kẻ tiểu
nhân thì máu hào hiệp nổi lên, nhảy vào chiến trường hò hét lung tung
như chỗ không người:

– Quân cẩu trệ, có ta đây đừng hòng bắt nạt đàn bà con gái!

Trần Đức vừa nói vừa xòe hai tay theo kiểu băng qua đường hẻm cỡi mây
tức dùng thế Phi Vân Tiểu Lộ nhắm vào đại hán nọ tấn công tới tấp.
Không dè gã thứ ba từ nãy giờ lặng thinh đợi lúc gã thứ hai giở trò ăn
hiếp thiếu phụ thì tung chưởng nhắm vào đại hán nọ để cứu thiếu phụ.
Vì gã thứ ba- tức đại hán áo đen- đứng đối diện với Trần Đức, thế gã
dùng để cứu mỹ phụ là thế độc nhất trong võ lâm, Búa bổ đầu người, tức
là hai bàn tay chụm lại như hình lưỡi liềm bổ xuống. Thế đó là thế
hiểm ác nhất, khi xuất chiêu thì ba mươi sáu huyệt trong người đều
ngừng cử động, bao nhiêu nội lực đều dồn vào đôi bàn tay và sức mạnh
tịnh tiến gấp mười lần sức mạnh nguyên thủy. Đó là một phương pháp bí
truyền của quái khách Chung Nam sơn thuở nọ.

Ngày xưa tương truyền rằng dãy Chung Nam có bảy hòn núi nhỏ bao quanh
một hòn núi lớn. Ngày nọ có một quái khách trên đường nhàn hạ bỗng gặp
khung cảnh hữu tình sinh lòng cảm mến muốn định cư ở đó. Sống nơi này
được hai năm thì bị một cao nhân đến muốn chiếm cứ nơi hữu tình này.
Sự đời vẫn thường xảy ra như vậy, cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh hà hiếp
người yếu, cho nên sau hai trăm năm mươi hiệp thử tài thì quái khách
đành phải giao nơi cũ cho vị cao nhân mới rồi ra đi không kèn không
trống. Mười năm sau y trở lại thì chủ nhân mới đã thay đổi cảnh cũ quá
hoàn bị. Khắp bảy hòn núi quanh ngọn Chung Nam đều trang bị thú dữ, cỏ
độc và những cạm bẫy cùng máy móc giết người. Nóng lòng muốn gặp cừu
nhân, ông ta áp dụng một thế chưởng mới là chưởng “Búa bổ thủ nhân”
bóp tan bảy hòn núi nhỏ trong khoảnh khắc. Tất nhiên cao nhân ngày
trước cũng phải chết đau thương dưới làn chưởng oan cừu nọ. Quái khách
đã chiếm trở lại được Chung Nam sơn nhưng đâu còn Chung Nam sơn ngày
cũ. Đổ vỡ thì dễ cứ xây dựng khó khăn vô cùng. Mất bảy ngọn núi nhỏ,
ngọn Chung Nam nằm trơ vơ tầm thường như bất cứ ngọn núi vô danh nào
của Trung Quốc. Giấc mơ giết được kẻ thù đã thành công nhưng lòng quái
khách cũng tan hoang đau đớn. Ngọn Chung Nam bỗng thành vô chủ, quái
khách bỏ đi không biết lưu lạc nơi nào. Câu chuyện tưởng cũng nhạt
nhòa theo năm tháng nếu không còn những câu tuyệt bút não nề mà quái
khách đã ghi lại trên những tảng đá ở Chung Nam, nơi mà mười năm trước
được xưng là đệ nhất thắng cảnh mà quái khách ngỡ là nơi chung thân
đời đời kiếp kiếp của mình.

Lâu lắm rồi chưởng Búa bổ thủ nhân chỉ còn là huyền thoại, quái khách
không xuất hiện và giang hồ không ai sử dụng, nay đại hán áo đen đem
ra áp dụng tưởng chừng cả Mỹ phụ, đại hán thứ nhì và cả Trần Đức đều
tan xác. Chính gã đại hán thứ nhất khi thấy đại hán áo đen dùng chiêu
tuyệt chưởng võ lâm thì bổng dưng á khẩu không thốt nên lời, ba mươi
sáu kế chỉ còn đường tẩu mã là thượng sách.

Nhưng không ai ngờ được cuộc chiến biến đổi khôn lường. khi chưởng
được chạm nhau sẽ có một tiếng nổ kinh hồn như bom nguyên tử nổ và rồi
tất cả sẽ thành nắm tro tàn và chỉ mình quái khách áo đen ung dung tự
tại. Nhưng tiếng nổ đó không bao giờ có và đại hán áo đen, đại hán thứ
nhì đều co rút như con tôm ngã nhào xuống đất run lẩy bẩy, đồng thời
nơi hai cánh tay Trần Đức nội lực tăng trưởng ào ào giống như người
sắp chết được truyền bình sérum protéin.

Vì sao?

Trần Đức cho dẫu nằm mơ suốt đời cũng không ngờ là mình chỉ trong phút
chốc trở thành người tài ba nhất thiên hạ. Đại hán áo đen cũng đâu ngờ
sau bao năm luyện võ, thân mình bỗng trở thành kẻ trắng tay và suốt
đời sẽ không còn biết dùng một chưởng nhỏ.

Ai xui tạo hóa bày đặt chuyện tức cười ra nước mắt. Trần Đức cũng như
tất cả môn đồ của Hồn Nhiên sư phụ tất nhiên phải nằm lòng câu cúng
cơm của nội tổ: “Sư phụ hồn nhiên, đệ tử hồn nhiên, mọi người ai ai
cũng hồn nhiên.” Lý thuyết của giáo phái là nhân hòa, cứu cánh là vô
tư yêu đời tha thiết và phương tiện là chỉ dùng thế hư để đỡ và lóe
mắt thế gian. Cho nên công lực mà Trần Đức đã sử dụng trong Phi Vân
Tiểu Lộ là công mà không tốn sức. Thế hư này nhờ những cử động của
chân tay giống như một lực ma sát tạo thành công cản. Tuy là công
nhưng bản chất của nó là năng lượng tức là công tĩnh. Quái khách khi
thấy Trần Đức ra tay đâu ngờ gặp cái công oái oăm như vậy bởi công của
đại hán áo đen là thứ công động ghê hồn, phải tận dụng cả ngũ quan và
huy động mọi cơ năng nên sức mạnh tạo ra vô thủy vô chung, núi non
cũng nát huống hồ người ta.

Giả sử Trần Đức cũng sử dụng một công động tương đương với quái khách
thì theo nguyên tắt công chạm công thì công tản, tức là nội lực của ai
trả về người ấy, tợ hồ như tính chất vật lý của thanh nam châm, nếu
hai cực cùng chiều thì đẩy nhau, khác chiều thì hút nhau. Cho nên thứ
công động của đại hán áo đen và quái khách khi hợp nhau thì bị thứ
công hư của Trần Đức hút hết. Duy có mỹ phụ không tận dụng võ công cho
nên không mất nội lực mà cũng chả thêm được tí nào.

Buồn cười cho hai gã đại hán lúc sa cơ thất thế mà cũng không chừa
tính hung tợn, hai gã hăm hở dọa nạt Trần Đức:

-Tiểu tử kia! Ngươi dùng yêu tà gì mà lấy hết nội lực của mỗ gia, trả
đây không thì chớ trách mỗ gia độc ác.

Trần Đức vốn người ngay thật, thấy người sa cơ đem lòng thương hại bèn nói:

– Lão tiền bối! Tiểu nhân đâu muốn như vậy, bây giờ làm sao trả nội
lực cho nhị vị tiền bối?

Hai lão già nghe Trần Đức nói thì biết đây là loại ngu bỏ vào nồi nấu
súp một trăm năm vẫn chưa hết ngu. Càng nghĩ cái nội lực vô song của
mình đã mất càng uất hận, càng nghĩ đến cái nội lực Trần Đức đã có thì
vừa sợ, vừa ganh ghét bèn sinh dạ tiểu nhân xúi bậy, giả giọng hiền
hòa:

-Tiểu huynh đài! Khó gì đâu, mỗ gia đâu có sống bằng cơm cháo mà nội
lực là thức ăn. Khi xâm nhập vào cơ thể của tiểu huynh đài thì giống
như thức ăn, nhờ gan và tụy tạng đã biến thành huyết. Nay tiểu huynh
đài muốn trả lại nội lực cho mỗ gia thì cứ việc lấy dao cắt đứt gân
máu rồi nhỏ vào miệng lão huynh là xong chuyện.

Trần Đức quả không hổ thẹn với danh hiệu “Ngu vô địch” bèn tìm dao để
thực hành lời của lão già hung ác nọ.

Vừa định ra tay thì được mỹ nhân ngăn cản:

-Tiểu huynh đệ! Đừng có nghe lời hai lão già chết bầm đó, theo lời lão
thì chỉ có nước xuống âm phủ mà thôi. Bộ không biết Marylyn Monroe
chết dại vì đem gân đi thử sức dao hai lưỡi đó sao?

Trần Đức hoảng hồn mới vỗ trán ba cái mà nhủ thầm rằng thôi nhất định
không thèm ngu nữa, để dành ngày mai xài tiếp. Ai dè công lực quá dồi
dào nên chỉ vỗ nhẹ ba cái mà cái trán đã nổi lên ba cục u to tướng như
ba cái sừng tê giác Phi châu.

Mỹ phụ trông thấy vừa kinh sợ vừa tức cười quá đỗi. Trần Đức mắc cỡ
định chạy trốn thì mỹ phụ lấy bảy chiếc vòng ngọc quyết và kính tán
sắc giao cho Trần Đức rồi nói:

-Tiểu huynh đệ! Thấy tiểu huynh đệ lòng dạ ngay thật ta động lòng trắc
ẩn mà tặng báu vật này.

Trần Đức ngạc nhiên mới hỏi:

-Này đại tỷ! Của này là của linh tổ bản phái nào của tỷ cớ sao đại tỷ
lại trao cho tiểu đệ?

Mỹ phụ buồn rầu  bảo:

– Tôi tay yếu chân mềm, vì nổi lòng tham đã ăn cắp báu vật của sư môn
nay còn mặt mũi nào trở lại nữa, vả lại tiểu huynh đài tuy là người
không thân mà là người thân nên giữ báu vật ấy là phải.

Trần Đức vẫn giống như con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá hồn nhiên.

– Đại tỷ nói làm sao tiểu đệ không hiểu?

Mỹ phụ chúm chím cười:

– Thôi đi cha nội, đừng có ngây thơ cụ, chớ mấy ngày nay cha nội và
Dung muội chả đi rước đèn khắp vùng Hoa nam đó sao?

Trần Đức sực tỉnh bèn mời mỹ phụ:

– Đại tỷ có về khách sạn thăm Dung muội không?

Mỹ phụ lắc đầu:

-Ta với Dung muội ngày bữa gì chả được, tiểu huynh đài cứ về đi và bảo
Dung muội đừng giận ta nữa nhá!

Trần Đức y lời về quán trọ, gõ cửa phòng Ngọc Dung thì được tên tiểu
nhị trao cho mảnh giấy nhỏ bên trong ghi vội mấy dòng ngắn:

Trần ca,

Đại huynh ham đi đâu mà tiểu muội tìm hoài hổng thấy bèn xuống phố sắm
đồ đôi chút. Đại huynh nhớ chín giờ sáng nay ta điểm tâm xong khởi
hành đấy nhá.

Ngọc Dung

Thấy còn sớm, Trần Đức mới tiện đường xuống phố mà đón Dung muội, nào
ngờ đi ngang nhà may Đà Lạt thì bỗng gặp một mỹ nhân xinh như hoa đang
vén rèm liếc xéo. Quả là đại vô phúc cho Trần Đức, phải chi mà cái
bệnh nhát gái mà còn thì đâu xảy ra cớ sự đáng tiếc như vầy.

Mỹ nhân liếc nhìn Trần Đức:

– Trần ca đi mô đó?

Nghe giọng oanh vàng rỉ rả, Trần Đức như người ăn cháo lú bèn vô đề nói bậy:

– Có thấy Dung muội đâu không?

Mỹ nhân bỗng nổi ghen đùng đùng:

– A! Té ra bị con nhỏ Dung cắm sừng quất ngựa ra đi rồi mới đoái hoài
đến bản cô nương phải không?

Trần Đức từ khi hết bệnh nhát gái thì đâm ra thèm nói chuyện với gái
quá chừng bèn xin lỗi lia lịa rồi giả lả:

– Nghe đồn tiệm may Vân muội may khéo thành ra đến đây may vài bộ vía.

Nhỏ Vân đỏng đảnh:

– Để cưới vợ hả?

Trần Đức bổng nổi máu cà chớn:

– Ờ! Ai yêu tôi, tôi cưới, ai không yêu tôi tôi cũng cưới, cưới nhiều
chừng nào càng mọc nhiều sừng chừng ấy, càng mọc nhiều sừng càng thấy
phong.

May cắt xong, Trần Đức lẳng lặng ra về, giữa đường gặp Ngọc Dung đi tới mừng rỡ:

– Trần ca! Huynh đi đâu mà hiền muội kiếm tận nãy giờ.

– Đi lai rai lốc rốc vậy mà. À! Hiền muội, ngu huynh đã tìm được bảy
chiếc vòng ngọc quyết và cái kính tán sắc cho muội rồi nè.

Ngọc Dung mừng rỡ:

– Đâu trần ca?

– Đây nè!

Vừa nói Trần Đức vừa thò tay vào túi áo lấy báu vật ra, nhưng sắc mặt
chàng tái mét vì túi áo trống rỗng. Bảy chiếc vòng và cái kính không
cánh mà bay. Chàng ta lắp bắp:

– Chết cha, chắc làm rơi ở tiệm may.

– Tiệm may nào vậy?

– Đà Lạt

Ngọc Dung nổi tam tinh tá hỏa lên:

– Trời ơi! Đưa cho nó rồi bị nó cắm sừng, bây giờ lơ thơ lẩn thẩn vậy
phải không?

Ngọc Dung nắm áo Trần Đức lôi xềnh xệch, miệng không ngừng la bai bải:

– Tới đây! Tới đây! Đòi lại cho tui không thì chết! Ai bảo ngươi là
nhát gái, phải đề nghị sư phụ sửa lại tên ngươi là dại gái mới đúng.

Trần Đức hoảng hồn:

– Dung muội! Đừng ép tiểu huynh quá, tiểu huynh phải sử dụng võ lực
thì Dung muội bỏ mạng như chơi.

Ngọc Dung dí tay lên trán Trần Đức:

– Trời ơi! Mới nói chuyện có vài phút mà quên hết tình nghĩa tào
khang, còn đòi ăn tươi nuốt sống người ta để tự do sống chung hòa bình
với nó phải không?

Trần Đức nhủ thầm, trong điều ba mươi sáu của luật sợ vợ có dạy rằng,
khi vợ hay bồ ta giận thì nó mắng ta cứ việc nghe, nó đánh ta cứ việc
chịu đựng. Trước ngọn lửa hỏa diệm sơn đang ào ào phun lửa, Trần Đức
sợ quá bèn dùng ba mươi sáu kế vi tẩu là thượng sách, ra đi với hành
trang là ba chiếc sừng trên trán.

 

CHƯƠNG SÁU

OAN NÀY BIẾT TỎ CÙNG AI

* * * * * * *

Trần Đức rời Tô Châu như chuột chũi, không cái khăn tay vẫy từ biệt.
Lòng bần thần không biết bi giờ hai nhỏ nọ ẩu đả nhau ra làm sao.  Ai
thắng ai thua thì lòng Trần Đức cũng tê tái như bị dao cắt. Bản tính
nhân hậu nên Trần Đức không giận ai hết mà cứ việc đổ lỗi cho mình:

– Lỗi tại ta! Lỗi tại ta mọi đàng! Đáng lẽ ta phải mang bệnh nhát gái
kinh niên là mới đúng.  Ai xui ta học đòi dạn dĩ làm chi.  Cái tội
động chạm tự ái đàn bà là tội nặng nhất, đáng tởm còn hơn tội khi vua,
phản nước.  Nếu bộ Hoàng Triều luật lệ Gia Long còn áp dụng thì ta
phải nắm ngay chữ tử, và theo Quốc tế công pháp thì tội ta phải ra
pháp trường cát là cái chắc.

Trần Đức vừa đi vừa buồn bã, bao nhiêu ruột gan phèo phổi đều hướng về
Tô châu nên chàng ta như xác không hồn.  Chàng ôm đầu ủ rũ không biết
các tiểu đệ hiện giờ ở đâu, làm sao triệu tập để bàn luận có nên dự
đại hội anh tài tháng tám không?  Mấy con ruồi quanh đó bay lại đậu
cùng mình mà Trần Đức không buồn đuổi.  Đến chừng nhột nhạt quá chàng
ta giơ tay gạt nhẹ thì không những mấy con ruồi chết tươi mà cây cối
một vùng san thành bình địa.  Trần Đức ngỡ như mơ không ngờ công lực
của mình thâm hậu đến chừng ấy, chàng đâm ra sợ hãi tài năng của chính
měnh rồi tự nhủ:

– Chao ơi! Giỏi võ làm chi mà gặp cảnh chết chóc cho sinh linh vô tội.
Cứ  như sư phụ cả ngày lo nấu chè giải nhiệt cho bầy đồ đệ có phải
khỏe không?

Ngày xưa, mới hôm nào đây mà Trần Đức ngỡ như xa xôi lắm.  Bánh xe
cuộc đời thường hay đổi nhịp vào những lúc mà người ta không ngờ nhất.
Ngày xưa trong trang viện sầm uất trái cây bốn mùa đó, bọn chàng cả
ngày cứ chỉ việc ăn chè luyện chưởng, những thế công thế thủ chém chó
chó cắn, chém heo heo ủi, chém gà gà mổ nhưng mà hồn nhiên yêu đời
biết bao nhiêu.  Cây vô ưu nhuộm mãi một màu vĩnh cửu, tưởng chừng cả
cuộc đời người ta sinh ra để nô đùa cười giỡn mà thôi.  Cái thế giới
bên ngoài được lót thảm nhung huyền thoại, cả bọn đều mơ ước một cuộc
viễn du bắt đầu những bước ra đi nhiều thú vị.  Nay thì mỗi người đều
đã hơn một lần cho dự tưởng thành sự thật nhưng mấy ai đã tìm được
niềm vui chân thành như cái thuở ngày xanh thơ mộng ấy.

Buồn!

Chân lý cuộc đời là hạnh phúc nhưng giỏi võ có chắc gì mua được hạnh
phúc hay không.  Hay là từ đây chàng phải thận trọng từng ngón tay, lo
âu từng sợi tóc.  Chàng bỗng thèm làm một kẻ tầm thường với mớ võ công
trói gà không chặt, lùi lại thời gian để làm tên đệ tử dấu yêu của sư
phụ sống trong trang viện ngày cũ.  Nhưng mà trời ơi! Thời gian đã lỡ
trôi qua mất rồi!

Trần Đức lầm lũi đi không biết là đi đâu, đói cũng chẳng buồn ăn, buồn
ngủ chẳng thèm đi ngủ.  Đi suốt đêm suốt ngày không bao giờ tính
chuyện nghỉ chân, cốt làm thế để phí bớt nguồn năng lực quá dồi dào
hiện đã có trong chàng.  Ai ngờ càng đi chàng thấy càng khoẻ, tâm thần
thêm sáng suốt và hai cánh tay tợ như hai hòn núi Thái sơn chỉ chờ
lúc bóp tan vũ trụ.  Trong lúc buồn bã Trần Đức đâu ngờ mình vô tình
một cách cố ý như vậy.  Phàm khi luyện một thứ võ công nào người ta
phải ngơi nghĩ kỹ lưỡng tẩm bổ cơ thể cho mạnh khoẻ để ngón chưởng vừa
luyện xong thêm phần súc tích. Nhưng nội lực của Trần Đức không phải
là nội lực nguyên thủy của chàng mà rút từ căn bản nội lực của quái
khách ở Chung Nam. Khi luyện ngón đòn Búa bổ đầu người thì chỉ chú
trọng đến đôi bàn tay.  Học võ người ta luyện từ cơ quan tầm thường
rồi mới tới căn nguyên quan trọng.  Quái khách đi ngược đường lối võ
lâm nên luyện nơi hiểm yếu trước rồi đến cơ năng thông thường, cho nên
khi Trần Đức nhận lại nội lực kỳ quái đó giả sử như chúng ta theo phép
tắc thông thường nội ngoại tụ công vận khí thì chàng ta đã bị tẩu hỏa
nhập ma tàn đời không báo động.  Nay anh chàng phí sức để mong tản bớt
võ công mà lại đả thông kinh mạch nội lực tăng gấp mười lúc trước.
Quả là chuyện ngàn năm mới xảy ra một lần trong võ lâm.

Trần Đức thấy mình càng phí sức bao nhiêu lại càng tăng sức chừng ấy,
chàng ta nổi sùng mới ngủ một giấc không thèm vận động cơ thể nữa.
Lại thêm một chuyện lạ lùng xảy ra bởi vì khi vận động cơ năng quá
nhiều thì mồ hôi ra dầm dề.  Nếu Trần Đức cứ tiếp tục phá sức thêm một
lần nữa thì khi chất độc và cặn bã của cơ thể đã thải ra thì đến lượt
chân khí quý báu tức là khí hạo nhiên cũng sẽ theo đường đả thông kinh
mạch tiêu tùng hết.  Nay chàng ta đã vô tình nằm ngủ tức là vừa trục
xuất chất độc xong thì cũng ngăn chận nội lực quí báu lại, nếu không
thì sau khi đạt được mức nội lực thượng thừa đó Trần Đức nếu tiếp tục
phí sức thì cũng trở thành kẻ trắng tay vô dụng mà thôi.

Giấc ngủ quả quý báu ngần nào.  Trần Đức sau hai lần bất đắc dĩ phải
thành người nội lực vô song, giờ sau một giấc ngủ đã luyện xong pho
chưởng Búa đổ đầu người đến mức độ cao diệu nhất của võ lâm mà chính
chàng ta không hề biết.

Quả là chuyện đau đầu, thiên hạ hết người này đến người kia bon chen
nhau dùng thủ đoạn để mong mua chút võ công kỳ bí thì Trần Đức kẻ suốt
đời chê võ nghiệp thì, mà, là, rằng phải bị làm người vô địch võ lâm
mà chàng ta không hề muốn không hề biết.  Giờ thì Trần Đức cứ việc
giận mình và cứ đau khổ vì thứ vũ lực toàn năng mà chàng ta lỡ mắc
phải.

Một ngày nọ, Trần Đức đặt chân đến một vùng thâm sơn kỳ bí, lá cây sắc
đỏ và những trái cây thì hình lồng đèn được bao quanh bởi mũi gai nhọn
óng bạc sáng lòa.  Thấy vui vui, Trần Đức định thò tay hái chơi để làm
quà cho Dung muội và nhỏ Vân làm đồ trang sức.  Ai dè nội lực vô song
của chàng quét sạch cả thung lũng hoa và trái cây dị biệt, gốc rễ bay
tứ phía loạn xà ngầu bày ra một đường hang âm u tối mò.

Trần Đức thản nhiên đi vào cùng cốc nọ.  Đường hang tối mò bốc lên một
mùi tanh hôi nồng nực. Hàng hàng lớp lớp xương người có bộ đã khô
rang, có bộ còn tươi, có bộ còn cả thịt da và áo quần như thể mới chết
hôm qua vậy.  Trần Đức rùng mình ghê tởm cho sự tàn ác của chủ nhân
hang động này.  Chàng đoán mò rằng các bộ xương người nằm đó chắc chết
vì độc dược của loài hoa lạ kia giương bẫy để người ta lọt vào nơi tử
lộ.  Trần Đức đi hết con đường hầm thì đến một huê viên rộng rãi cả
trăm ngàn loài hoa thi nhau phô sắc thắm, cây nào cũng đẹp, hoa nào
cũng xinh.  Trần Đức nghĩ thầm rằng Dung muội ngày thường vẫn thích
hoa, nếu không xảy ra việc đáng tiếc ở Tô Châu thì bây giờ cho nàng
chọn hoa bằng thích.

Thấy mấy cành hoa xinh xinh Trần Đức định hái cho nhỏ Dung thì từ bốn
góc của đại sảnh bốn con quái vật mình cọp đầu sư tử nhe những nanh
nhọn chực vồ lấy Trần Đức.  Không thèm vận chưởng, đợi chúng đến gần
Trần Đức mới giở ngón tay búng nhẹ bốn con vật trông phút chốc ngã
quay lơ chết tươi.  Những hàng cột bằng đá trắng trong huê viên ngã ào
ào và cả sàn nhà rung rinh như bị động đất, tức thì mười hai hồi
chuông khánh bạc ngân lên lanh lảnh. Sau một hồi chuông dài, cả đại
sảnh nhốn nháo bừng lên.  Tiếng bước chân chạy rầm rập chừng như đi
nhận chỉ thị nào.  Lát sau, bước ra hai tiểu đồng vận áo bằng gấm đoạn
xanh, tóc búi kiểu trái đào, chắp tay vái chào Trần Đức.

– Chẳng hay quý khách vào có việc chi, xin cho biết tên họ để vào
thông báo với gia gia.

Trần Đức hừ giọng mũi:

– Nơi đây thuộc môn phái nào mà tiếp khách quý hóa quá, thả độc vật để
ăn thịt người ta không xong mới bắt đầu giở trò lễ nghĩa.

Hai tên tiểu đồng tuy còn nhỏ tuổi mà mồm mép đã vào hàng cao thủ,
chúng từ tốn đáp:

–  Bẩm công tử! Công tử nói mà không chịu rờ cái ót của mình, công tử
vào đây không xưng danh báo hiệu.  Người quang minh chính đại có bao
giờ xử sự như phường bất lương, âm thầm vào nhà người ta có gì xảy ra
thì ráng chịu.

Trần Đức thấy mình cũng có lỗi nên im lìm theo hai gã tiểu đồng vào
bản tư dinh nòng cốt của cơ sở.  Trần Đức tuy có biết nhiều nhưng chưa
thấy đâu kiến trúc huy hoàng như căn cứ này, nền nhà lót thảm nhung đỏ
ối, ghế dọc theo hành lang đều được làm bằng những thứ đá ngũ sắc
trong như thủy tinh rất là diễm lệ.  Chủ nhân còn muốn phô bày sự giàu
sang bằng cách chạm trổ vào những bức tường, cột nhà những viên hồng
ngọc, thanh ngọc, và mã não ngời sáng.  Những dãy Phong lữ thảo, Kim
tước hoa và Dạ yến mai nằm trải dài trên nếp ngói đỏ hoặc uốn mình
thong thả rũ nhẹ múa may theo gió sớm.

Đẹp!

Không là thi sĩ mà bỗng dưng Trần Đức thích làm thơ, không là văn sĩ
mà bỗng dưng thích viết truyện.  Cái đẹp của tĩnh vật khác hẳn cái đẹp
của giai nhân.  Cũng là ước mơ tới một cõi trời nhưng một bên tôn kính
và quý trọng, một bên là che chở vì đối tượng quá đỗi nhỏ nhoi so với
thiên nhiên bao la rộng lớn vô cùng.

Trang viện và trang viện, huê viên và huê viên nối tiếp nhau, Trần Đức
đi gần rục cẳng thì mới tới trung tâm của cơ sở.  Một lão nhân râu dài
tới gối như mỹ nhân công giữa hai hàng bộ tham mưu đang sắp hàng ngay
ngắn đón chờ Trần Đức.  Nhác thấy Trần Đức, lão nhân đã nở nụ cười
hiền từ và ưu ái nói:

– Tiểu anh hùng! Đường xa đã lót dạ chi chưa?

Quả là gãi đúng chỗ ngứa, Trần Đức vốn là dân háu đói nên ung dung
không khách sáo:

– Nếu lão nhân không hẹp dạ cho tiểu sinh xin một mâm cơm thì quý lắm.

Lão nhân râu dài xổ chiêu bài nịnh:

– Lão nhân tuy đã gặp khá nhiều tiểu anh hùng nhưng chưa có vị nào
thành thật ngay dạ như tiểu đệ, quả thật xứng đáng là tri kỷ của lão
phu.

Dứt lời lão nhân vỗ tay ba tiếng, tức thì hai trăm năm chục tiểu đồng
mặc áo màu lục ngọc thay phiên nhau sửa bàn ghế và dọn tiệc với toàn
là những món ăn lừng danh khắp năm châu bốn bể như:

*        Rượu bồ đào cất tận xứ Thổ lổ phồn tuyết giá.

*        Rượu champagne vô chai từ năm Chúa Jesus tử đạo.

*        Rượu whiskey từ đờiWashingtonlập quốc.

*        Càng cua bọc tôm lấy từ biểnCaliforniachuyên chở bằng chiếc
Boeing tối tân mười sáu cánh, vừa về đến nơi cách đây chỉ vừa hai giây
đồng hồ.

*        Bò sữa dồi bát bửu mua tận từ ngôi đền thờ Khắc kỷ bên dòng sông Junna.

*        Tim heo nhận nước anh đào.

*        Hắc kê chưng đậu hũ.

*        Sơn dương quay bằng mật ong.

*        Bạch thử hấp chạo phi yến sào.

*        Uyên ương gói lá phương chi đút lò.

*        Hồng hạc gói nem bằng lá trắc bá diệp.

*        Cháo bào ngư nấu bằng nước cốt hạt sen nhãn nhục và long nhãn.

*        Hoàng yến nấu nấm đông cô.

*        Bánh bao nhân kỳ lân ngoài Namhà.

*        Bánh trung thu hai mươi bốn sắc nhân ngọt.

*        Bánh trung thu nhân mười lăm thứ jampon trứng.

*        Chè hạnh nhân bọc thịt quay lăn bột lọc.

*        Chè sen táo nhãn thả rau câu sơn thủy.

Thức ăn và thức ăn, Trần Đức ớn tận miệng mà tên tiểu đồng hầu bàn vẫn
cố nhét cho chàng cái bánh trung thu làm bằng nếp ngự Nhiệt hà.  Chàng
lắc đầu không nhận thì mắt nó long lanh.  Cảm động Trần Đức nhận lấy
rồi bỏ vào túi, bất ngờ lão nhân râu dài nhìn thấy bèn cười rộn rã:

– Tiểu anh hùng! Bộ vẫn còn mẫu thân hay sao mà học đòi anh hùng Lục
Tích từ đời Tam Quốc?

Trần Đức bèn giả lả nói cho đỡ ngượng:

– Bẩm lão nhân! Sư phụ tại hạ vẫn thường ao ước được thưởng thức mùi
bánh dẻo quý phái nên học đòi cách ăn cắp của chàng Lục Tích để biếu
sư phụ.

Lão nhân buồn bã:

– Được một đồ đệ chí hiếu như tiểu anh hùng quả là đại phước.  Ta hận
mình vô duyên  không gặp tiểu anh hùng lúc chưa vướng mắc vòng dây đạo
nghĩa với ai.

Trần Đức cung kính đáp:

– Được lão nhân cho ăn lại còn phá tan cả một đại sảnh, tiểu sinh quả đắc tội.

Lão nhân rươm rướm lệ:

– Đại sảnh nào có nghĩa gì, nó được bàn tay tiểu huynh đệ dọn dẹp cho
gọn gẽ quả là vạn hạnh, cớ đâu lại phiền trách tiểu anh hùng.

Trần Đức cảm tạ cuối đầu quay gót, nào ngờ mới đi vài bước thì có một
tiếng hét vang, một trang anh tuấn nhảy ra chận đường mắng vốn:

– Tiểu tử kia! Con cái nhà ai mả học đòi thói ăn cháo đá bát, bộ không
nhớ câu:  “Bánh ít đi bánh quy lại, có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Bộ của đây là của chùa hay sao mà nhà mi tới ăn no rồi phủi áo đứng
dậy bước thẳng?

Trần Đức còn nể lão râu dài nên vẫn nhỏ nhẹ:

– Bây giờ các hạ muốn tại hạ phải làm sao?

Thiếu niên gằn giọng:

– Ngươi phải bỏ tất cả võ công dơ dáy của ngươi tại đây.

Trần Đức vờ không hiểu:

– Nghĩa là sao?

Gã thiếu niên cười ròn rã:

– Nghĩa là ngươi phải chết chứ sao.

Vừa nói gã vừa tung chưởng tấn công Trần Đức.  Gã thiếu niên tuy còn
nhỏ tuổi mà lòng dạ tàn nhẫn vô cùng, mới ra chiêu giao hữu mà đã sử
dụng ngón đòn “ giết người như ngóe”, tận lực dùng hết bình sanh cho
một chưởng vào ngay điểm sinh hoạt của Trần Đức.  Nếu cách đây một
tháng tất nhiên Trần Đức mất mạng như chơi, nhưng bây giờ chưởng lực
của đối phương Trần Đức coi như gió heo mây thổi cho mát.  Chỉ một cái
bước nhẹ Trần Đức đã ra khỏi trường vũ lực của đối phương mà không tốn
một giọt mồ hôi.

Lão nhân râu dài quát mắng gã thiếu niên:

– Súc sanh tánh nóng nảy làm mích lòng tri kỷ của ta.

Nhưng gã thiếu niên trong cơn hăng máu nào có biết gì, cứ ráng sức vận
nội công tung chưởng những mong giết chết Trần Đức.

Lão nhân râu dài thấy tình trạng ấy thì chán nản xin lỗi Trần Đức:

– Tiểu anh hùng! Lão phu chỉ cưng nhất thằng cháu nhỏ, xin tiểu anh
hùng nghĩ tình lão phu mà đừng đả thương đứa nhỏ, chỉ chế ngự vài ngón
nhè nhẹ cho nó mến phục mà thôi.

Quả là điều khó khăn cho Trần Đức.  Giờ đây có thể chàng bao hàm một
sức mạnh vạn năng, chỉ một ngón tay hơi co lại vì con kiến hay ruồi
đậu cũng đã làm sụp đổ cả kinh thành Trường an huống hồ thân xác bé
bỏng của tên thiếu niên này nào có nghĩa gì.  Trần Đức cứ đứng yên
lặng mặc cho gã thiếu niên nọ tấn công.  Gã nọ thấy Trần Đức không
chống trả thì hợm mình như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”,
miệng cứ la hét nói khích Trần Đức liên hồi.

Sau cùng Trần Đức nghĩ ra một kế bèn dùng tay phải hất nhẹ thiếu niên
và đem tay trái của mình ra đỡ.  Hai lực gặp nhau chỉ sơ suýt có nửa
ly đồng hồ mà gã thiếu niên tưởng chừng như mình đã chết, thổ huyết
liên hồi.  Trần Đức lo sợ vội chạy đến xin lỗi, vừa đỡ nhẹ gã thiếu
niên thì gã nổi khùng nhe hàm răng trắng như ngọc cắn Trần Đức rồi bỏ
chạy.

Lão nhân râu dài cảm ơn Trần Đức:

– Tiểu anh hùng! Nhờ tiểu anh hùng nhẹ tay không thì tiêu đời thằng
cháu ngỗ nghịch.

– Không hề chi.

Lão nhân kể lai lịch của thằng cháu chính tên là Anh Quân năm nay mười
sáu tuổi, ba nó là con đầu lòng của lão nhân và người mẹ sau một cuộc
hôn nhân tham vọng và tiền tài đã bỏ đi trong lúc người chồng đang lâm
bệnh.  Lão nhân vì quá yêu cháu không nỡ răn dạy khắt khe, vì thế đứa
cháu lớn lên như cây cỏ vô tình, bản tính tự nhiên tự do phát triển
không làm sao uốn nắn được.

Đêm khuya Trần Đức không thể ra đi đành đáp lời mời của lão nhân râu
dài ở lại nghỉ qua đêm. Đang đêm lúc bụng hơi đói, chàng thò tay vào
túi  áo định lấy chiếc bánh bao chiều để ăn thì chiếc bánh không cánh
mà bay, thay vào đó là một tấm giấy nhỏ, Trần Đức đốt đèn lên coi thì
chỉ có dòng chữ:

“Hãy theo ánh đèn xanh đến gặp tiểu đệ Hồ Hùng”

Trần Đức nhìn ra ngoài đại sảnh thấy những hàng đèn ngủ màu xanh nối
đuôi nhau như đèn hoa trăng rằm.  Nhẹ nhàng chàng nhón gót phi thân ra
khỏi đại sảnh.  Nhưng lẽ ra Trần Đức không nên hồ đồ như vậy. Một cái
nhón gót của chàng đủ tạo luồng cuồng phong làm mười hai hàng đèn ngủ
tắt phụt.  Khi chân Trần Đức vừa chạm tới mặt đất thì đại sảnh tối
thui, chàng đứng bơ vơ không biết Nhị đệ giờ này ra sao và sự bí ẩn
của trang viện này cùng lão nhân râu dài mà chàng không biết là chính
hay tà để tiện bề giúp đỡ.  Tên hầu bàn ban chiều trở lại, giọng nói
nhỏ nhẹ:

– Đại huynh đã đọc xong tấm giấy rồi chứ?

Tiếng nói nghe quen quen nhất thời Trần Đức không làm sao biết được là
tiếng nói của ai, bèn chỉ ừ nhỏ một tiếng.  Tên hầu bàn không nói
không rằng tiếp tục dẫn Trần Đức đi theo những ngõ quanh co, cuối cùng
khi nhìn thấy ánh trăng chênh chếch thì Trần Đức biết mình đã ra khỏi
trang viện. Đằng xa có một bóng đen đang chờ, tên hầu bàn ra dấu cho
Trần Đức tiến về phía người đó rồi lầm lũi quay về. Đoán bóng đen là
Nhị đệ của mình, Trần Đức bước mau tới mừng rỡ:

– Nhị đệ!

Gã trợn mắt vì bóng đen không phải là Nhị đệ, sau đó gã vẫn ôm bóng
đen mừng rỡ vì kẻ đứng đón Trần Đức chính là Tam sư đệ của chàng ta,
Vũ Tuấn.

Vũ Tuấn không mừng rỡ khi gặp Trần Đức như chàng ta lầm tưởng mà chỉ khẽ hỏi:

– Đại sư huynh! Hãy lại đây nói chuyện.

Hai người lựa một tảng đá và ngồi trầm ngâm bên nhau có gần một giờ.
Giây lâu Vũ Tuấn thong thả bảo:

– Đại sư huynh! Nếu sư phụ mà biết được hành vi của sư huynh lúc này
thì người buồn lắm.

Trần Đức gật đầu:

– Ta đâu muốn như vậy.

Ý Trần Đức tưởng Vũ Tuấn trách mình vì đã thu thập thứ võ công vô song
không phải trong môn phái

Vũ Tuấn hừ giọng:

– Đại huynh bây giờ đã lì rồi phải không, làm chuyện tày trời rồi trả
lời kiểu y-tờ-rít thì ai chịu cho nổi.

Trần Đức đau đớn nhìn Vũ Tuấn:

– Tam đệ! Ta đâu muốn như bây giờ, nhiều lúc ta mong bọn mình như thuở
xưa sống vô tâm mà thèm thuồng chi lạ.

– Đại sư huynh! Đại huynh là người nhẹ dạ, giang hồ nhiều cạm bẫy tất
nhiên sư huynh không sao khỏi lầm lỡ.  Có điều bản tính nhân hậu và
trung thực ngày xưa của sư huynh để ở đâu.  Khi chưa gặp sư huynh,
tiểu đệ căm tức vô cùng muốn cùng sư huynh một mất một còn nhưng nay
sự chán nản đã làm tiểu đệ chùn chân.  Không ngờ sư huynh tàn tệ như
vậy, thôi hãy đi đâu thì đi cho rồi.

Vũ Tuấn nói xong phi thân bay mất.  Trần Đức ngơ ngác nhìn theo gọi lớn:

– Tam đệ! Hiểu lầm ta rồi, trời ơi!

Nhưng Vũ Tuấn như bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm, một mình Trần Đức
ôm đầu khổ sở lại đổ lỗi cho mình là tự ta không giải thích cho tận
tường, rồi đây biết làm sao trả lời cho sư phụ rõ.

Trần Đức đi miên man vô tình chân bước lên đống lá khô tức thì cả
người rơi tõm xuống cái hố sâu ngụy trang che đậy bằng tấm lưới mỏng
phủ đầy lá.

Không gian lạnh lùng chỉ còn nghe hai tiếng “trời ơi” buồn bã sau nỗi
tuyệt vọng của Trần Đức.{jcomments on}

0 thoughts on “Hồn Nhiên Chưởng Pháp[3]

  1. GIANG NHÂN

    Tôi ôm thơ dại ngục tù
    Trăm niềm đơn lữ mùa thu ngại ngần
    Tình yêu sao lại lần khân ?
    Gộp ngàn lửa cháy đôi chân dại khờ. NĐD

    NGỠ NGÀNG tình rất duyên thơ
    Người trong sâu thẳm dại khờ đáng yêu
    Thu về bóng ngã liêu xiêu
    Gió hương thoang thoảng gởi nhiều tâm tư!GN

    Chúc Nguyễn Đức Diêu gặp nhiều niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống!

    Reply
  2. Bích Vân

    Còn chăng một tiếng thở than !
    Về bên xứ lạ, ngỡ ngàng nhìn nhau …
    Sao buồn vậy không?

    Reply
  3. Tú Nhân

    Em ôm chữ nghĩa vất mau xuống đời.
    Lấy chồng thì đâu cần chữ nghĩa nữa hic.

    Reply
    1. NĐD

      Đó cũng là một cách hiểu, nhưng nếu hiểu ngược lại cũng tốt và có lẽ còn hợp thời hơn nữa.

      Cám ơn Tú Nhân đã đọc và chia sẻ.

      Reply
  4. Thuy Du Khuc

    Những mối tình dang dở làm phát sinh những bài thơ hay nói như Nguyễn Nhược Pháp thì lấy nhau rồi thì hết chuyện nên mất luôn thơ.

    Reply
  5. Đặng Danh

    Cuộc tình ấy đã qua rồi có thương tiếc chỉ làm buồn lòng nhau và buồn người hiện tại bên mình .

    Reply
    1. NĐD

      Nếu chỉ là thơ văn thì không làm buồn ai hết. Thơ văn chỉ phản ánh lên tâm trạng, hoàn cảnh, cuộc sống con người…mà bất cứ thời nào cũng có, và thơ văn không phải lúc nào cũng thể hiện lên tâm trạng người viết mà nhiều khi chỉ nói lên những điều xảy ra quanh mình. NĐD cũng hiểu là ĐD cũng chỉ nói lên cảm nghĩ bình thường trong cuộc sống, đúng là thế nhưng nếu chỉ vậy thì chắc đề tài cũng bị giới hạn nhiều.

      Cám ơn ĐD đã chia sẻ.

      Reply
  6. NĐD

    Thật ra chẳng ai muốn tình mình dang dở để trở thành mối tình đẹp cả. Ai cũng nói thế khi tình đã dở dang rồi, mà đúng như TDK nói, nhờ vậy mới có bao thơ ca, nhạc…hay.

    Cám ơn TDK nhé !

    Reply
  7. Nguyên Lương

    “Muôn trùng lực đổ tàn hơi
    Vai sờn mắt lệch, tình rơi muộn màng
    Còn chăng một tiếng thở than !
    Về bên xứ lạ, ngỡ ngàng nhìn nhau …”
    Sao mà buồn và thê thảm thế này. Nói cho anh tin đây là trong trí tưởng tượng của NĐD thôi nghen. Không phải thật ở ngoài đời. Không ngờ nhà toán học khô khan có lúc cũng ướt như sương đấy.
    Thơ buồn nhưng có nhiều chữ dùng thấm thía ,lạ và hay.
    Bớt buồn đi nghen.
    NL

    Reply
    1. NĐD

      Cũng chỉ là thương vay khóc mướn cho đời thôi anh NL ơi, cám ơn anh đã lo lắng cho D, chúc anh chị khỏe và hạnh phúc.

      Reply
  8. Phượng

    Em như một bóng thuyền trôi
    Anh loay hoay mãi chèo bơi ngược dòng
    Nhà thơ chơi trốn bắt với mỹ nhân thích nhỉ.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.