Nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và
Hội Hướng đạo Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng hơn 28 triệu Hướng đạo sinh trong các Hội
Hướng đạo ở hầu hết các quốc gia, vùng, lãnh thổ trên toàn thế giới
(ngoại trừ khoảng 6, 7 quốc gia chưa có Hội Hướng đạo).Hầu hết những
quốc gia trên thế giới có phong trào Hướng đạo và hội Hướng đạo đều
được nhà nước của quốc gia đó hổ trợ trong hoạt động của hội. Rất
nhiều vị nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo nhà nước là Hướng đạo sinh
thật thụ hoặc Hướng đạo sinh danh dự, mặc đồng phục Hướng đạo sinh vào
những dịp sinh hoạt đặc biệt của Hướng đạo để thể hiện tình cảm và sự
ủng hộ về mặt nhà nước. Vì sự đóng góp hữu ích của phong trào Hướng
đạo cho cộng đồng, xã hội các quốc gia có Hội Hướng đạo, kể cả ở Việt
Nam, ngày 01/10/1981 UNESCO đã trao giải thưởng và tặng danh hiệu
“Phong trào giáo dục vì hòa bình” cho đại diện của Hội Hướng đạo Thế
giới trong một buổi lễ long trọng ở Paris. (1)
Vậy, chúng ta thử nghiên cứu xem “thân phận pháp lý” của Hội
Hướng đạo Việt Nam như thế nào để tồn tại và phát triển kể từ khi được
thành lập cho đến nay.
Thân phận pháp lý của Hội Hướng đạo Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền với định nghĩa căn bản nhất là không có ai ở
trên luật hay mọi người phải tuân theo pháp luật. Ứng dụng quan trọng
nhất của pháp quyền là nguyên tắc chính quyền chỉ thực thi quyền hành
một cách hợp pháp theo các luật được ban hành theo đúng các bước gọi
là thủ tục pháp lý. Nguyên tắc nhằm mục đích ngăn ngừa sự cai trị độc
đoán dù cho đó là lãnh đạo chuyên quyền hay quần chúng lãnh đạo. Chính
vì vậy, pháp quyền chống lại cả chế độ độc tài lẫn tình trạng vô chính
phủ. Samuel Rutherford đưa ra nguyên tắc đó trong cuốn Lex, Rex (1644)
và sau này là Montesquieu trong cuốn Tinh thần Pháp luật xuất bản năm
1748. (2)
Tạp chí Cộng sản số 1 (122) năm 2007 có bài Xây dựng nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo
của đảng, đã viết rằng: “Nội dung quan trọng của Nhà nước pháp quyền
là khẳng định cội nguồn quyền lực nhà nước là ở nhân dân. Để đảm bảo
quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trong đó nhà nước là của nhân
dân chứ không phải nhân dân là của nhà nước, Nhà nước pháp quyền đề
cao tính hợp hiến, hợp pháp trong tổ chức và hoạt động của nhà nước,
nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép, còn nhân dân được
làm tất cả những điều pháp luật không cấm, pháp luật đảm bảo cho sự
phát triển tự do tối đa của nhân dân.” (3)
Các bản Hiến pháp qua nhiều giai đoạn lịch sử đã lần lượt thể
hiện vai trò của Đảng Cộng sản cũng như qui định về quyền lập hội,
trong đó có Hội Hướng đạo Việt Nam như sau:
1/ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày
9/11/1946 (có 70 Điều):
Điều 1: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không
phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.”
Điều 10: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận – Tự do xuất
bản – Tự do tổ chức và hội họp – Tự do tín ngưỡng – Tự do cư trú, đi
lại trong nước và ra nước ngoài.”
Trước khi có Hiến pháp 9 tháng, vào ngày 07/02/1946 ông Đổng lý
văn phòng Hoàng Minh Giám đã ký thay ông Bộ trưởng Nội vụ, duyệt y Qui
trình Hội Hướng đạo Việt Nam, xác nhận Hội Hướng Đạo VN là một tổ chức
hợp pháp.(4)
Ngày 31/05/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh gởi thư
cho Hội trưởng Hội Hướng đạo Việt Nam báo tin nhận làm DANH DỰ HỘI
TRƯỞNG cho Hội Hướng Đạo Việt Nam. Tư cách Danh dự Hội trưởng của Chủ
tịch Chính phủ Hồ Chí Minh là sự tái xác nhận tính hợp pháp của Hội
Hướng đạo Việt Nam.
Hiến pháp đầu tiên ngày 9/11/1946 qui định Quyền tự do tổ chức và
hội họp của công dân tại Điều 10 chính là sự khẳng định về tính hợp
hiến của Hội Hướng đạo Việt Nam được chính thức thành lập hợp pháp
trước đó 9 tháng và như vậy, đương nhiên Hội Hướng đạo VN được Hiến
pháp 1946 bảo vệ theo hiến định.
Trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 chưa thấy có Điều nào qui định
về vai trò của Đảng Cộng sản.
2/ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 31/12/1959 (có 112 Điều):
Trong phần Lời nói đầu của Hiến pháp 1959 có nói đến vai trò của
Đảng CS như sau:
-“Từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương, ngày nay
là Đảng lao động Việt Nam, cách mạng Việt Nam đã tiến lên một giai
đoạn mới…”
-“Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng lao động Việt Nam, Chính phủ
nước VNDCCH và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta đoàn kết rộng rãi
trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhất định sẽ giành được những thắng
lợi…”
Ngoài phần Lời nói đầu của Hiến pháp 1959 có đề cập đến vai trò
lãnh đạo sáng suốt của Đảng cộng sản Đông Dương từ năm 1930 và Đảng
lao động sau này đối với cách mạng VN và Mặt trận dân tộc thống nhất,
chưa thấy có Điều nào qui định về sự lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã
hội của Đảng như trong Hiến pháp 1980 sau này. Quyền lực của nhân dân
được qui định tại Điều 4 như sau:
“Tất cả quyền lực trong nước VNDCCH đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử
dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các
cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Quốc hội, HĐND các cấp và các cơ quan nhà nước khác đều thực hành
nguyên tắc tập trung dân chủ.”
Và quyền lập hội tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 của Hiến
pháp 1959 như sau:
“Công dân nước VNDCCH có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp,
lập hội và biểu tình. Nhà nước đảm bảo những điều kiện vật chất cần
thiết để công dân được hưởng các quyền đó.”
Điều cần lưu ý là trước khi Hiến pháp 1959 ra đời thì ngày
20/05/1957 Chủ tịch nước Việt Nam DCCH đã ra Sắc Lệnh Luật số
102-SL/L-004 Quy định quyền lập hội trên nền tảng của Hiến pháp 1946
mà tại Điều 3 và Điều 4 của Sắc Lệnh Luật này ghi rằng:
-Điều 3: “Để đảm bảo việc lập hội có mục đích chính đáng, bảo vệ và
củng cố chế độ dân chủ, lập hội phải xin phép. Thể lệ lập hội sẽ do
Chính phủ qui định.”
-Điều 4: “Những hội đã thành lập trước ngày ban hành luật này và đã
hoạt động trong vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nay muốn
tiếp tục hoạt động, đều phải xin phép lại.”
Hội Hướng đạo Việt Nam mặc dù đã được hoạt động hợp pháp bởi sự
duyệt y Quy trình của ông Đổng lý văn phòng Hoàng Minh Giám ký thay Bộ
trưởng Nội vụ vào ngày 07/02/1946; Hội Hướng đạo VN mặc dù đã được Chủ
tịch Chính phủ Hồ Chí Minh chính thức nhận làm Danh dự Hội trưởng vào
ngày 31/5/1946; Hội Hướng đạo VN mặc dù đã được Hiến pháp 1946 bảo vệ
quyền lập hội rồi Sắc Lệnh Luật Số 102-SL/L-004 tái khẳng định quyền
lập hội… Vậy mà Hội Hướng đạo VN đã không thể vượt qua được rào cản
của Thể lệ lập hội do Chính phủ qui định để được cấp phép hoạt động.
Cơ quan quản lý nhà nước về “Thể lệ lập hội” vì lý do nào đó đã không
tạo điều kiện cho thủ tục pháp lý “xin phép lại” của Hội Hướng đạo VN
để Hội HĐ được hoạt động hợp pháp như hơn 100 hội khác kể từ năm 1957
đến ngày 5/1/1989. (5)
Câu hỏi tại sao Hội Hướng đạo Việt Nam đã không được cấp phép lại
bởi Thể lệ lập hội do Chính phủ qui định từ năm 1957 đến nay vẫn chưa
có được câu trả lời, giải thích chính thức cho các cựu Hướng đạo sinh
VN qua nhiều thế hệ. “Thể lệ lập hội” là hình thức văn bản pháp qui,
pháp luật nào nằm trong hệ cấp văn bản pháp luật mà có thể ngăn cản
việc xin phép lại của Hội Hướng đạo VN hợp pháp đã được Sắc Lệnh Luật
số 102 và Hiến pháp 1946 qui định và bảo vệ ?
3/ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày
18/12/1980 (có 147 Điều):
Trong phần Lời nói đầu của Hiến pháp 1980 tiếp tục khẳng định vai
trò của Đảng CSVN kể từ 1930 dẫn đến cuộc cách mạng giành độc lập
1945, thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1954, thống nhất đất
nước năm 1975 và lấy tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam vào tháng
7/1976. Hiến pháp 1980 là luật cơ bản của nhà nước, lần đầu tiên thể
hiện mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ và nhà nước quản
lý. Sự lãnh đạo của Đảng đã được ghi vào Hiến pháp 1980 như sau:
-Điều 4: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến
đấu của giai cấp công nhân VN, được vũ trang bằng học thuyết
Mác-Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội;
là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng VN.
Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp.”
-Điều 41: “Sự nghiệp giáo dục do Nhà nước thống nhất quản lý…
Đoàn thanh niên cộng sản HCM, gia đình và xã hội (bao gồm tổ chức xã
hội như Hội HĐ VN) cùng với nhà trường có trách nhiệm giáo dục thanh
niên, thiếu niên và nhi đồng.”
-Điều 67: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do
hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ
nghĩa xã hội và của nhân dân…”
Đây là lần đầu tiên Hiến pháp VN ghi rõ trong một Điều luật riêng
rằng Đảng CSVN “là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã
hội”. Nhưng Hiến pháp 1980 cũng tiếp tục qui định “quyền tự do lập
hội” và quyền hoạt động với tư cách là một tổ chức xã hội như Hội
Hướng đạo VN đã thủ đắc tư cách pháp nhân hợp pháp là “có trách nhiệm
giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng” (tại Điều 41).
4/Hiến pháp nước CHXNCN Việt Nam ngày 15/4/1992 (sửa đổi bổ sung
2001) (có 147 Điều):
Trong phần Lởi nói đầu Hiến pháp 1992 – được sửa đổi bổ sung năm
2001, tiếp tục khẳng định vai trò lịch sử của Đảng CSVN và “thể chế
hóa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản
lý”. Lần đầu tiên, thuật ngữ pháp lý Nhà nước pháp quyền được sử dụng
trong Hiến pháp.
-Điều 2: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân…”
-Điều 4: “Đảng CSVN, đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đại
biểu trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả
dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực
lượng (bỏ 2 từ duy nhất) lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
So sánh với Hiến pháp 1980 thì Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung
2001) qui định Đảng CSVN không còn là lực lượng duy nhất lãnh đạo đất
nước và xã hội nữa. Mọi tổ chức của Đảng không những phải hoạt động
trong khuôn khổ Hiến pháp như qui định của Hiến pháp cũ mà còn phải
hoạt động trong khuôn khổ pháp luật nữa. Qui định Điều này là phù hợp
với Nhà nước pháp quyền tại Điều 2 của Hiến pháp. Có thể nêu ví dụ về
qui định này như sau: giả thiết nếu có một văn bản nào đó của tổ chức
Đảng CSVN ở trung ương hay ở địa phương xâm phạm đến quyền và lợi ích
hợp pháp của một cá nhân hay tổ chức nào đó thì văn bản đó đã vượt ra
ngoài khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật hiện hành . Theo hệ cấp văn
bản pháp luật thì cao nhất là Hiến pháp xuống các bộ luật, luật, pháp
lệnh, nghị định đến các văn bản pháp qui khác. Đây là một bước tiến
theo hướng dân chủ hóa về mặt xây dựng Hiến pháp. Tuy nhiên, về mặt
xây dựng pháp luật dựa trên nền tảng của Điều 2 Hiến pháp thì sự lãnh
đạo của Đảng CSVN vẫn phải cần được thể chế hóa cụ thể hơn trong một
Luật về đảng lãnh đạo do Quốc Hội ban hành để có chế tài khi có vi
phạm. Hiện nay, chúng ta có dự thảo Luật tố tụng hành chánh đang chờ
Quốc hội thông qua. Luật tố tụng hành chánh chỉ qui định quyền yêu cầu
tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức
đối với các quyết định hành chánh hoặc hành vi hành chánh của cơ quan
hành chánh mà thôi. Không thể khởi kiện vụ án hành chánh đối với các
văn bản của tổ chức Đảng CS mặc dù các văn bản tổ chức Đảng CS chỉ đạo
cụ thể hoạt động của các cơ quan hành chánh.
-Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền
được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo qui định của
pháp luật.”
Như vậy, Hiến pháp hiện hành vẫn tiếp tục bảo vệ quyền hội họp,
quyền lập hội của Hội Hướng đạo VN mà theo đó việc xin phép lại đã
không còn theo Thể lệ lập hội do Chính phủ qui định trước kia mà theo
qui định mới của Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 và được
thay thế bởi Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 qui định về tổ
chức hoạt động và quản lý hội.
Hoạt động của phong trào Hướng đạo VN và khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Có thể nói rằng: ở miền bắc kể từ sau khi có Sắc Lệnh Luật số 102
năm 1957 và ở miền nam từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Hội
Hướng đạo VN đã tự ngưng hoạt động do điều kiện khách quan. Cho mãi
đến sau khi có Đại hội VI Đảng CS VN năm 1986 với tinh thần đổi mới
thì các cựu Hướng đạo sinh mới bắt đầu hoạt động Hướng đạo trở lại
theo từng bước, một cách tự phát, không có sự điều hành, tổ chức ở cấp
cao như Hội Hướng đạo cũ. Vì thế đã có những chệch choạc nhất định tùy
theo nhận thức của mỗi cá nhân tham gia phong trào gây nên. Nhưng nhìn
chung có thể nhận thấy những bước phát triển tự phát đó của phong trào
Hướng đạo là phù họp với qui luật vận động và phát triển của lịch sử
phong trào Hướng đạo Thế giới và Hướng đạo VN trước kia. Có thể tóm
tắt sự phát triển đó trong thực tế qua thống kê không chính thức như
sau:
* Hiện nay, ở Tp.HCM có 4 nhóm chính (hay gọi là khối) là nhóm
Liên Tỉnh Thành, nhóm Liên ngành, nhóm 46 và Gia đình Xuân Hòa, ngoài
ra có một số đơn vị độc lập. Về số lượng Đạo và Liên đoàn chưa có số
liệu tổng kết chính xác nhưng có thể ước lượng có khoảng 40 Liên đoàn
hay Đạo ở Tp.HCM. Còn số lượng HĐ sinh và các huynh trưởng ở Tp.HCM và
các tỉnh vào khoảng trên dưới 5.000 người.
* Về những trại họp mặt lớn trong nước, thì riêng năm 2007, kỷ
niệm 100 năm HĐ Thế giới, có 4 cuộc họp mặt lớn của cả 4 nhóm nói
trên. Riêng năm 2010, kỷ niệm 80 năm HĐVN có trại Bách Việt của nhóm
Liên ngành với gần 1.700 trại sinh của 68 đơn vị.
* Về việc tham dự những sinh hoạt quốc tế của HĐ trong nước có thể kể:
– Tham dự Trại Họp bạn thế giới tại Thái Lan năm 2003.
– Tham dự Trại họp bạn ngành Tráng thế giới tại Đài Loan năm 2004.
– Tham dự Trại họp bạn APR (Châu Á Thái Bình Dương) lần thứ 26 năm
2005-2006 tại Thái Lan.
– Tham dự Trại họp bạn APR (Châu Á Thái Bình Dương) lần thứ 27 năm
2009-2010 tại Philippines.
– Tham dự Trại họp bạn ASEAN Scout lần thứ 2 tại Indonesia năm 2008.
– Hai lần dự trại Hướng đạo quốc gia của Thái Lan và một lần của
Malaysia năm 2008.
* Về Hội nghị quốc tế, có tham dự:
– Đại Hội Đồng Hướng đạo APR tại Brunei năm 2004.
– Đại Hội Đồng Hướng đạo ASEAN Scout năm 2008 và họp giữa kỳ năm
2009 tại Indonesia.
Về huấn luyện trong nước thì nhóm nào cũng có huấn luyện riêng,
không thống kê được, chỉ xin kể ra những khóa huấn luyện quốc tế mà
HĐVN có tham dự:
* Các Khóa huấn luyện quốc tế:
– Khóa LT/APR năm 2004 tại Brunei (2 trưởng tham dự).
– Khóa Basic Management/APR tại Thái Lan năm 2006 (4 người tham dự).
– Khóa Bằng Rừng/APR tại Philippines tháng 9/2010 (có trên 40 người tham dự).
* Các Khóa huấn luyện quốc gia của các nước khác có huynh trưởng
HĐVN tham dự:
– Khóa đào tạo Trưởng tại Thái Lan năm 2002 (Tr. Hiệp tham dự).
– 3 Khóa LT tại Úc vào các năm trước – không nhớ năm (có 9 trưởng tham dự).
– Khóa LT tại Singapore năm 2009 (có 3 trưởng tham dự).
* Tổ chức ra nước ngoài học:
– Năm 2006, nhóm LTT đưa 32 huynh trưởng sang Thái Lan dự khóa NTC
và WB – do HĐ Thái Lan hợp tác với HĐ Mỹ dạy.
– Năm 2007, HĐ Thái Lan tổ chức Khóa ALT cho 34 huynh trưởng HĐVN
nhóm LTT sang Thái Lan học.
* Về đón khách HĐ quốc tế sang thăm VN:
– Tháng 3/2008 đón đoàn đại diện APR và ASEAN Scout sang thăm VN.
– Năm 2008 đón đoàn HĐ Korea sang thăm VN.
– Cuối năm 2008 có Hội trưởng HĐ Indonesia kiêm Chủ tịch AEAN Scout
sang thăm chính thức Nhà nước VN thông qua con đường ngoại giao và
được Trung ương đoàn Thanh niên CS VN tiếp tại Hà Nội.
– Ngoài ra, có các đoàn HĐ Úc (Việt kiều), HĐ Singapore, HĐ Nhật
sang du lịch VN, gặp HĐ trong nước.
* Hiện tại, có một số các huynh trưởng HĐ ở Tp.HCM, với tư cách
cá nhân và nhóm, đang tham gia chương trình Kỹ Năng Sống tại các
trường học , các câu lạc bộ…(6)
Với những sinh hoạt, những hoạt động cụ thể nêu trên của phong
trào Hướng đạo VN – mà chủ yếu là tại Tp.HCM trong thời gian qua, có
thể bị coi là đã vi phạm pháp luật hay không khi tổ chức xã hội của
phong trào là Hội Hướng đạo VN chưa được cấp phép lại kể từ khi có Sắc
Lệnh Luật Số 102 năm 1957 ở miền bắc và Nghị định 88/2003 (được Nghị
định 45/2010 thay thế) trên cả nước ?
Trước hết, xin hãy đặt qua một bên nguyên tắc bất hồi tố nhằm
tránh sự tranh luận về tính hiệu lực pháp luật của các văn bản pháp
luật theo thời gian để có cái nhìn thuần túy về tính chất hợp pháp. Vì
vậy xin lần lượt đối chiếu hoạt động của phong trào HĐ VN với các qui
định pháp luật hiện hành như sau:
1/ Với Hiến pháp: Như phần trên đã trình bày, qua 4 bản Hiến pháp,
quyền tự do hội họp và quyền tự do lập hội luôn được qui định là những
quyền cơ bản của công dân. Phong trào HĐ VN tồn tại và phát triển từ
khi được chính thức thành lập Hội môt cách hơp pháp ngày 07/02/1946
đến nay, các hoạt động thể hiện quyền hội họp, quyền lập hội của Hội
HĐVN đã được bảo vệ bởi các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992
(sửa đổi bổ sung 2001).
2/ Với pháp luật dân sự: Nếu lấy các qui định của Bộ luật dân sự
(BLDS) hiện hành để đối chiếu thì Hội HĐVN được thành lập ngày
07/02/1946 có tư cách pháp nhân và có năng lực pháp luật dân sự để có
các quyền, nghĩa vụ dân sự phù họp với mục đích hoạt động của mình
(Khoản 1 Điều 86 BLDS). Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát
sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm
chấm dứt pháp nhân (Khoản 2 Điều 86 BLDS).
Về qui định Chấm dứt pháp nhân (Điều 99 BLDS) có các trường hơp sau:
a/ Hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể pháp nhân theo qui định tại các
Điều 94, 95, 96 và 98 BLDS; b/ Bị tuyên bố phá sản theo qui định của
pháp luật về phá sản.
Về qui định Giải thể pháp nhân (Điều 98 BLDS) thì pháp nhân có thể bị
giải thể trong các trường hợp: a/ Theo qui định của điều lệ; b/ Theo
quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; c/ Hết thời hạn hoạt
động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước
có thẩm quyền.
Như vậy, nếu lấy các qui định của BLDS hiện hành đối chiếu với qui
định về việc xin phép lại theo Thể lệ lập hội của Sắc Lệnh Luật số 102
năm 1957 thì tư cách pháp nhân của Hội HĐ VN chưa chấm dứt. Hội HĐ VN
chỉ chưa được “cấp phép lại” theo Thể lệ lập hội do Chính phủ qui định
trước đây (1957) và nay là Nghị định 45/2010 khiến cho năng lực pháp
luật dân sự của Hội Hướng đạo VN bị hạn chế chứ không chấm dứt. Vì
vậy, hoạt động của phong trào Hướng đạo VN từ sau 1957 vẫn được coi là
có căn cứ pháp lý và tư cách pháp nhân của Hội HĐVN vẫn chưa chấm dứt
nếu không có một quyết định giải thể của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền.
3/ Với pháp luật hình sự: Đối với pháp luật hình sự thì hoạt động
của phong trào HĐ VN, của các HĐ sinh thời gian qua rất minh bạch.
Pháp luật hình sự của Việt Nam chỉ qui định trách nhiệm hình sự của cá
nhân chớ pháp nhân không chịu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, tại Điều 2
của Bộ luật hình sự (BLHS) đã qui định Cơ sở của trách nhiệm hình sự
như sau:”Chỉ người nào phạm một tội đã được luật hình sự qui định mới
phải chịu trách nhiệm hình sự. Hình phạt phải do Tòa án quyết định”.
Từ nguyên tắc này mà Bộ luật tố tụnh hình sự (BLTTHS) đã qui định một
nguyên tắc tương tự tại Điều 9 như sau: “Không ai bị coi là có tội và
phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu
lức pháp luật”. Còn về các hình phạt được qui định trong BLHS có qui
định về các hình phạt bổ sung tại khoản 2 Điều 21 là: “…tước một số
quyền công dân;” Nhưng trong Điều 31 BLHS qui định cụ thể “Tước một số
quyền công dân” cũng chỉ bao gồm các quyền bị tước là: “-Quyền bầu cử
đại biểu các cơ quan quyền lực Nhà nước; -Quyền làm việc trong các cơ
quan Nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân;
-Quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã hội”. Như
vậy, chỉ có quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức xã
hội của một người bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật mới
bị BLHS tước bỏ, chớ quyền hội họp và quyền lập hội là quyền tự do
Hiến định của công dân thì BLHS không thể tước bỏ được. Từ đó, có thể
nói rằng: Bất cứ người nào phạm một tội đã được luật hình sự qui định
đều phải chịu trách nhiệm hình sự, dù người đó có phải là HĐ sinh hay
không. Và một HĐ sinh nếu bị truy cứu trách nhiệm về một hành vi vi
phạm luật hình sự nào đó là thuộc trách nhiệm hình sự của cá nhân đó
chớ không phải là do tư cách HĐ sinh. Nhiệm vụ của Bộ luật hình sự qui
định tại Điều 1: “…bảo vệ các quyền và lợi ích hơp pháp của công
dân,…” trong đó bao gồm cả công dân là HĐS.
Tóm lại, qua khảo cứu về thân phận pháp lý của Hội Hướng đạo VN
và hoạt động cụ thể của phong trào Hướng đạo VN trong thời gian qua,
chúng ta thấy tính chất pháp lý hoạt động phong trào Hướng đạo VN rất
minh bạch, rất hợp pháp. Chưa có chứng cứ nào cho thấy là tư cách pháp
lý của Hội HĐVN đã chấm dứt theo qui định của pháp luật. Các hoạt động
cụ thể của phong trào HĐ trong thời gian qua là phù hợp với nguyên lý
và mục đích của phong trào Hướng đạo thế giới, phù hợp với truyền
thống của phong trào HĐVN có lịch sử 80 năm. Điều quan trọng hơn là
những hoạt động HĐ cụ thể đó hoàn toàn nằm trong khuôn khổ của Hiến
pháp và pháp luật của nước CHXHCNVN. Chính vì vậy, một Nhà nước pháp
quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản cần phải tạo điều kiện về mặt
thủ tục pháp lý để cho Hội Hướng đạo VN được cấp phép hoạt động chính
thức. Có như vậy mới không đi ngược tình cảm của vị DANH DỰ HỘI TRƯỞNG
đầu tiên của Hội HĐVN và có như vậy các HĐ sinh của thế hệ hôm nay mới
có đủ niềm tin để cùng nhau “…thực hiện mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh …”.
Luật sư NGUYỄN LỆNH (10/2010)
——————————
(1) – Bút ký Mười năm sinh hoạt Hướng đạo (2000-2009) – Ngô Văn
Phương. Ấn hành 31/12/2009, trang 25.
(2) – URL – http://vi.wikipedia.org/wiki/Phap quyen.
(3) – URL – http://www. tapchicongsan.org.vn.
(4) – Bút ký Mười năm sinh hoạt Hướng đạo (2000-2009) – Ngô Văn
Phương. Ấn hành 31/12/2009, trang 195.
(5) – Chỉ thị của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng số 1/CT ngày 5/1/1989.
(6) – Số liệu hoạt động HĐ được tập hợp bởi Trưởng PT Hiệp.