KÌ 1
Vì sao chưa tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam ?
Đây là một câu hỏi được nhiều người Việt trong và ngoài nước quan
tâm dù người đó là cựu Hướng đạo sinh hay không. Để có thể có được câu
trả lời đúng đắn chúng ta cần phải tìm hiểu quá trình phong trào Hướng
đạo đã xuất hiện trên thế giới, được du nhập vào Việt Nam, phát triển
và tồn tại như thế nào trong suốt 100 năm qua cùng với vận mệnh của
nước nhà.
1. Lịch sử phong trào Hướng đạo thế giới:
Phong trào Hướng đạo thế giới bắt nguồn từ Anh quốc, do một người
tên là Baden Powell khởi xướng – về sau được coi là ông tổ Hướng đạo.
Lúc còn là vị tướng chỉ huy quân Anh với số quân ít ỏi, bị quân Boers
đông gấp nhiều lần vây hãm trong nhiều tháng trời ở thị trấn Mafeking,
Nam Phi nhưng ông đã chiến thắng oanh liệt. Lúc đó, ông đã viết tập
sách chỉ dẫn, huấn luyện binh sĩ các điều căn bản về mưu sinh, tìm dấu
vết đi rừng, liên lạc thám báo, quan sát địa hình và thoát hiểm. Khi
về Anh quốc, ông thấy nhiều thanh thiếu niên tìm đọc tài liệu này, lại
được nhiều giới chức quan tâm đến phong trào thanh thiếu niên khuyến
khích nên ông đã viết một tài liệu gọi là “Hướng đạo cho thanh niên”
vào năm 1908 sau một trại hè thử nghiệm ở đảo Brownsee với 4 đội thiếu
niên đến từ London và Bournemouth. Từ đó, phong trào Hướng đạo phát
triển dần từ dưới đi lên và lan rộng qua các nước khác thuộc đế quốc
Anh, qua Nam Mỹ rồi Châu Âu và Mỹ v.v…(1)
Về mặt tổ chức của phong trào Hướng đạo thế giới hiện nay có thể
tóm tắt như sau: (2)
Mục đích, nguyên lý của phong trào Hướng đạo thế giới là góp phần giáo
dục thanh thiếu niên qua hệ thống của Luật Hướng đạo, Lời hứa Hướng
đạo và Phương pháp Hướng đạo, để họ làm tròn bổn phận của một công dân
với tổ quốc, có tinh thần dấn thân phục vụ và xây dựng cho cộng đồng,
xã hội.
Tổ chức của phong trào Hướng đạo thế giới là một tổ chức phi chính
phủ, hoạt động theo nguyên lý, mục đích của mình và độc lập với chính
quyền. Hiện có khoảng 28 triệu thành viên, có Văn phòng đặt tại
Genève, Thụy Sĩ, điều hành tất cả các phong trào Hướng đạo các nước,
các vùng. Các bộ phận của Tổ chức phong trào Hướng đạo thế giới gồm
có:
– Hội nghị Hướng đạo thế giới: Là bộ phận điều hành, là “Đại hội đồng”
Hướng đạo bao gồm 6 đại diện từ mỗi hội Hướng đạo thành viên, 3 năm
họp một lần.
– Ủy ban Hướng đạo thế giới: Là bộ phận hành chánh của Hội nghị Hướng
đạo thế giới bao gồm các thiện nguyện viên được bầu lên, nhiệm kỳ 6
năm.
– Văn phòng Hướng đạo thế giới: Là ban thư ký thực hiện những hướng
dẫn của Hội nghị Hướng đạo thế giới và Ủy ban Hướng đạo thế giới.
2. Lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam: (3)
Lịch sử phong trào Hướng đạo Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử
đất nước. Tuy chỉ là một phong trào thuần túy giáo dục thanh thiếu
niên, nhưng Hướng đạo Việt Nam cũng bị lôi cuốn vào những biến động
của đất nước.
Trong những năm 1927-1930, các đoàn Hướng đạo đầu tiên xuất hiện
ở miền Bắc, hầu hết đều trực thuộc Hội Hướng đạo Pháp, qui tụ phần lớn
là những học sinh người Pháp và những con em Việt Nam giàu có.
Đến khoảng tháng 9 năm 1930, phong trào Hướng đạo mới bắt đầu
phát triển tại Việt Nam với một nhóm đầu tiên được đặt tên là “Đồng Tử
Quân” (mượn từ của Trung quốc). Trong đó, 2 Trưởng được coi là những
người sáng lập ra Hướng đạo Việt Nam và phát triển hội theo thời gian
như sau:
– Năm 1930, Trưởng Trần Văn Khắc thành lập Ấu đoàn Lê Lợi tại Hà Nội.
– Năm 1931, Trưởng Hoàng Đạo Thúy thành lập Tráng đoàn Lam Sơn tại Hà
Nội, qui tụ được nhiều trí thức nổi tiếng về sau. Trưởng Thúy là tác
giả cuốn “Hướng đạo đoàn” và “Đội của tôi” với bút hiệu Ba Tô.
– Năm 1932, Trưởng Trần Văn Khắc vào Nam kỳ cùng với một số các trưởng
khác thành lập Hội Hướng đạo Nam kỳ. Trưởng Hoàng Đạo Thúy giữ nhiệm
vụ Tổng ủy viên của Hội Hướng đạo Bắc kỳ.
– Năm 1933, Trưởng Hoàng Đạo Thúy đổi tên mới là Hướng đạo sinh thay
tên cũ “Đồng tử quân”, chọn đồng phục mới và sinh hoạt theo mẫu Hướng
đạo Pháp.
– Năm 1934, Trưởng Trần Văn Khắc hướng dẫn phái đoàn Hướng đạo Nam kỳ
lên Nam Vang theo lời mời của nhà Vua Campuchia, dự trại ra mắt của
Hướng đạo Miên và lễ tuyên hứa của Thái tử Monireth.
– Năm 1935, Hội Hướng đạo Trung kỳ được thành lập và cùng năm này
Trưởng Trần Văn Khắc tổ chức trại họp bạn toàn quốc đầu tiên với
khoảng 500 trại sinh tại sân vận động Dakao, Sài Gòn.
– Năm 1936 trên 60 trưởng toàn quốc tham dự trại trường Đà Lạt được
Trưởng André Léfèré (Tổng Ủy viên Hướng đạo Tự do Pháp) huấn luyện.
Một trại trường thứ 2 cũng được thành lập tại núi Bạch Mã, cách Huế 40
km, với sự tài trợ của Hoàng đế Bảo Đại và Quốc vương Campuchia
Monivong.
– Năm 1937, Liên hội Hướng đạo Đông Dương thành lập bao gồm 3 nước
Việt Nam, Lào, Campuchia, có nội san của liên hội là tờ Chef (Sếp,
Trưởng) viết bằng tiếng Pháp.
– Năm 1938, khánh thành Trại trường Bạch Mã với các khóa huấn luyện
đầu tiên cho Thiếu, Tráng và tiếp theo các khóa huấn luyện cao cấp
hơn.
– Từ năm 1940 các trại họp bạn lần lượt được tổ chức ở Bắc Ninh, Huế
(1941), Ninh Bình (1942), Nha Trang (1943).
– Tháng 8 năm 1945, Liên hội Hướng đạo Đông dương giải tán, Hội Hướng
đạo Việt Nam được chính thức thành lập, một cuộc họp bạn toàn quốc
được tổ chức tại Hà Nội (khu đại học xá Bạch Mai) để đánh dấu sự kiện
này.
– Năm 1946, Hội nghị Trưởng toàn quốc đã thống nhất phong trào Hướng
đạo của 3 miền Nam, Trung, Bắc dưới tên Hội Hướng đạo Việt Nam và
thành lập Bộ Tổng Ủy viên Hội. Tháng 5 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập đã nhận lời làm Hội
trưởng Danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam. (4)
– Cuối năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, phong trào Hướng đạo
VN phải tạm ngưng hoạt động cho đến năm 1950. Trong quãng thời gian
này, gần như toàn thể Bộ Tổng Ủy viên Hội Hướng đạo Việt Nam thành lập
năm 1946 đều cùng Trưởng Hoàng Đạo Thúy vào chiến khu. Các trưởng và
hướng đạo sinh còn lại ở thành thị bắt đầu khôi phục phong trào Hướng
đạo kể từ năm 1950, đặc biệt là tại Hà Nội. (5)
– Năm 1954 tại Genève (Thụy Sĩ), sau khi quân đội Pháp thua trận tại
Điện Biên Phủ, đã diễn ra một cuộc hội nghị nhằm tiến tới một giải
pháp chính trị cho cuộc chiến tại VN. Trong phái đoàn Việt Minh tại
Genève có Trưởng Tạ Quang Bửu, Thứ trưởng Quốc phòng, là cựu Tổng Ủy
viên Hướng đạo và bên kia, trong phái đoàn Quốc gia Việt Nam là 2
trưởng Hướng đạo khác: Trần Văn Tuyên và Cung Giũ Nguyên. (6)
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết tháng 7 năm 1954, phân chia
lãnh thỗ làm 2 phần, phong trào Hướng đạo không còn hoạt động ở miền
Bắc, ở miền Nam vẫn tiếp tục, trụ sở của Hội Hướng đạo Việt Nam chuyển
vào Huế rồi vào Sài Gòn.
– Năm 1955, Trại trường Hồi Nguyên được thiết lập tại Bảo Lộc, qua năm
sau khai giảng các khóa huấn luyện đào tạo trưởng dự bị ngành Ấu,
Thiếu và Tráng.
– Năm 1957, Hội Hướng đạo Việt Nam được công nhận là hội viên của Tổ
chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of Scouting
Movement). Tháng 4 năm này, Hội Nữ Hướng đạo Việt Nam được thành lập.
– Năm 1958, Trại trường Quốc gia Tùng Nguyên được thành lập tại Đà Lạt
là nơi đào tạo hầu hết các trưởng của thế hệ 1958-1975.
– Năm 1959 Hướng đạo Việt Nam góp mặt tại Trại Họp bạn Hướng đạo Thế
giới lần thứ 10 tại núi Makiling (Phipippines). Cuối năm 1959, Trại
họp bạn Toàn quốc có 2.500 trại sinh được tổ chức tại Lâm viên Quốc
gia Trảng Bom (Biên Hòa).
– Tháng 12 năm 1965, Hội nghị Trưởng Hướng đạo Toàn quốc nhóm họp tại
Gia Định, ngành Kha được chính thức thành lập.
– Năm 1966 Hội Nữ Hướng đạo Việ Nam được công nhận là hội viên chính
thức của Hội Nữ Hướng đạo Thế giới (World Association of Girl Guides
anh Girl Scouts).
– Năm 1969, Trại họp bạn Tráng sinh toàn quốc tổ chức tại Đà Lạt.
– Tháng 12 năm 1970, Trại họp bạn Hướng đạo Toàn quốc ở Suối Tiên, Thủ
Đức. Dịp này Trưởng Trần Văn Khắc được trao tặng huân chương cao quí
nhất của Hướng đạo Việt Nam: Kim Long Huân chương.
– Năm 1971, phái đoàn Hướng đạo Việt Nam tham dự Trại Họp bạn Hướng
đạo Thế giới lần thứ 13 tại Asagiri Heights, Nhật Bản.
– Năm 1974, Trại Họp bạn Toàn quốc được tổ chức tại Tam Bình, Gia Định
và được coi là trại họp bạn chính thức cuối cùng trước khi nước nhà
thống nhất vào tháng 4 năm 1975: một số anh chị em Hướng đạo Việt Nam
ra nước ngoài tiếp tục sinh hoạt Hướng đạo trong các tổ chức Hướng đạo
tại các quốc gia mình định cư hoặc thành lập các đơn vị, tổ chức Hướng
đạo Việt Nam riêng.
3. Thực tế phong trào Hướng đạo trong nước từ sau 1975 đến nay:
Hội Hướng đạo Việt Nam, có trụ sở tại 18 Bùi Chu, Sài Gòn đã tự
ngưng hoạt động từ sau ngày thống nhất đất nước 1975 (7). Sau thời kỳ
đổi mới từ năm 1986, Việt Nam bắt đầu mở cửa và có nhiều thay đổi để
hội nhập với thế giới. Các cựu Hướng đạo sinh và các trưởng Hướng đạo
ở trong nước rất khát khao với hoạt động Hướng đạo trước đây nên lúc
nào cũng hướng đến những cơ hội được chính thức, công khai phong trào
Hướng đạo. Xin nêu vài sự kiện và số liệu:
– Một “mô hình thử nghiệm” của nhóm cựu HĐ sinh và trưởng HĐ do
sinh viên tại chức Phan Quang Đán – nguyên Thiếu phó Thiếu đoàn Đống
Đa, Bình Định rồi Thiếu trưởng Thiếu đoàn Long Sơn, Phú Bổn trước
1975, đứng đầu đã cùng với Đoàn trường Đại học Tài chánh kế toán Tp.Hồ
Chí Minh thành lập “Câu lạc bộ Người dẫn đường” vào năm 1987 (8). Câu
lạc bộ có trên 20 em là Đoàn viên của Đoàn trường ĐHTCKT với trang
phục như các Hướng đạo sinh ngày trước, sinh hoạt hằng tuần tại công
viên Tao Đàn và các nơi công cộng khác. “CLB Người dẫn đường” đã tổ
chức được nhiều lần cắm trại và 2 lần công tác xã hội. Trong lần cắm
trại và công tác xã hội tại bờ sông Lô 1 Cư xá Thanh Đa, phóng viên
Hàng Phước Long của báo Tuổi Trẻ đã đưa tin và ảnh của hoạt động CLB
như là một hình thức sinh hoạt lành mạnh, nét đẹp mới cần được nhân
rộng trong giới trẻ (9). Sau khoảng 1 năm, hoạt động của “CLB Người
dẫn đường” phải ngưng vì sự “giẫm chân” với Đoàn trường ĐHTCKT nhưng
“mô hình thử nghiệm” và đặc biệt là loại hình công tác xã hội của “CLB
Người dẫn đường” đã được Thành đoàn Tp.HCM vận dụng vào sinh hoạt của
Thành đoàn từ đó (10).
– Ngày 31 tháng 5 năm 1993 tại Hà Nội, Trưởng Hoàng Đạo Thúy và
một số trưởng khác đã tổ chức ngày họp mặt Truyền thống Hướng đạo Việt
Nam đầu tiên tại miền Bắc kể từ năm 1954 nhằm tái lập phong trào Hướng
đạo nhưng chưa có kết quả vào lúc đó (11). Trưởng Hoàng Đạo Thúy mất
ngày 14/2/1994, ông là một trong hai người sáng lập Hướng đạo Việt
Nam, đã cố gắng nhưng chưa hoàn thành tâm nguyện trong việc tái lập
Hội Hướng đạo Việt Nam trước khi mất.
– Cho đến hiện nay, rất nhiều đơn vị Hướng đạo Việt Nam tự phát
thành lập và hoạt động với số ước lượng khoảng 6.000 Hướng đạo sinh.
Đa số các đơn vị tập trung nhiều nhất ở Tp.Hồ chí Minh, có 50 liên
đoàn (khoảng 4.000 HĐS), sinh hoạt hầu hết tại các công viên trong
thành phố như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Hoàng Văn Thụ … Các tỉnh, thành
khác cũng có các đơn vị Hướng đạo hoạt động như: Đà Nẵng có 5 liên
đoàn, Huế có 4 liên đoàn, Bà Rịa Vũng Tàu có 1 liên đoàn, Lâm Đồng có
1 liên đoàn, và các địa phương khác cũng đều có đơn vị Hướng đạo hoạt
động như là Đồng Nai, Nha trang, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, các tỉnh
Đồng bằng sông Cửu Long. (12)