Vì sao chưa tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam ?

KÌ 2

4. Nhìn nhận thế nào về phong trào Hướng đạo Việt Nam ?
Chỉ cần tìm hiểu nguyên lý và mục đích của phong trào Hướng đạo
Việt Nam và thế giới, chỉ cần xem xét lịch sử phát triển của Hướng đạo
Việt Nam hơn 80 năm qua là đã có câu trả lời chính xác. Phong trào
Hướng đạo Việt Nam đã tiếp nhận và phát triển nguyên lý, mục đích tốt
đẹp của phong trào Hướng đạo thế giới và đã mang lại thành quả hết sức
tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội mà phong trào tồn tại. Vậy cần đi sâu
hơn vào nguyên lý, mục đích của phong trào Hướng đạo Việt Nam để hiểu
và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức xã hội này:
Có thể cô đọng về nguyên lý và mục đích của phong trào Hướng đạo
Việt Nam là: một hình thức giáo dục bổ sung cho gia đình và học đường
nhằm giáo dục thanh thiếu niên qua hệ thống của Luật Hướng đạo, Lời
hứa Hướng đạo và Phương pháp Hướng đạo (ở VN gọi là Phương pháp Hàng
Đội) để Hướng đạo sinh làm tròn bổn phận của công dân đối với tổ quốc,
có tinh thần dấn thân phục vụ và xây dựng cho cộng đồng, xã hội. Hội
Hướng đạo là một tổ chức xã hội thuần túy, không hoạt động chính trị.

– Lời hứa Hướng đạo:
Tôi lấy danh dự hứa cố gắng hết sức:
1. Trung thành với tổ quốc.
2. Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào.
3. Tuân theo luật Hướng đạo.
– Mười điều luật Hướng đạo:
1. HĐS trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời HĐS.
2. HĐS trung thành với tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự.
3. HĐS có bổn phận giúp ích mọi người.
4. HĐS là bạn của mọi người và coi HĐS nào cũng như ruột thịt.
5. HĐS lễ độ và liêm khiết.
6. HĐS yêu các sinh vật.
7. HĐS vâng lời cha mẹ, huynh trưởng mà không biện bác.
8. HĐS gặp khó khăn vẫn vui tươi.
9. HĐS tằn tiện của mình và của người.
10. HĐS trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm.
– Phương pháp Hướng đạo:
Ở Việt Nam còn gọi là Phương pháp Hàng Đội: Là phương pháp giáo dục
nhằm mục tiêu là Hướng đạo sinh sẽ trở nên “những công dân khỏe mạnh,
vui vẻ và giúp ích”. Đó là phương pháp tổ chức cho các Hướng đạo sinh
thành những tốp nhỏ, họp nhau thường xuyên và do 1 Hướng đạo sinh làm
thủ lãnh có trách nhiệm điều khiển. Những tốp nhỏ ấy phải là những Đội
thực sự tự trị.
Đánh giá phong trào Hướng đạo Việt Nam trong hơn 80 năm qua cũng
cần phải xem xét đến những công dân Hướng đạo đã làm tốt bổn phận đối
với tổ quốc, với chính thể mà cá nhân đó tham gia dù tổ chức Hướng đạo
không hoạt động chính trị. Đó là những Hướng đạo sinh nổi tiếng, đã có
sự nghiệp vẻ vang hoặc có hoạt động chính trị gắn liền với vận mệnh
đất nước ở cả 2 chính thể. Xin liệt kê một số tên nổi bật như là: Trần
Văn Khắc, Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Nguyễn hữu Đang, Trần Duy
Hưng, Phạm Ngọc Thạch, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ thành Minh,
Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên, Nguyễn Văn
Thơ .v.v…(13) Một điều thú vị thuộc về lịch sử là bài hát Hướng đạo
hành khúc hay Hội ca Hướng đạo Việt Nam do tráng sinh Lam Sơn Lưu Hữu
Phước sáng tác, ông đồng thời cũng là người có 2 bài hát: Tiếng gọi
thanh niên (1942)  được đổi tựa đề là Tiếng gọi công dân làm Quốc ca
của chính thể Việt Nam Cộng Hòa; còn bài Giải phóng miền Nam (1965)
được chọn làm Quốc ca của chính phủ Cộng Hòa miền Nam Việt Nam (14).
Đặc điểm nổi bật mà phong trào Hướng đạo Việt Nam đã gây ấn tượng
trong cộng đồng, xã hội chính là đã giáo dục, rèn luyện nhân cách cho
Hướng đạo sinh thành những công dân liêm khiết, trọng danh dự và tin
cậy. Những câu chuyện kể về các Hướng đạo sinh được chọn là những
người nhận trách nhiệm bảo quản và vận chuyển vàng trong “Tuần lễ
vàng” năm 1945 đã nói lên điều đó. Nhưng câu chuyện có tựa đề “Tráng
sinh và Huynh trưởng” đăng trong báo điện tử CAND.com.vn ngày
08/01/2007 (15) kể lại câu chuyện “Cõng” vàng sang Thái Lan là một nét
rất đẹp về phẩm chất của Hướng đạo sinh. Chuyện kể vào năm 1948, Huynh
trưởng Tạ Quang Bửu lúc bấy giờ đảm nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã
giao cho tráng sinh Nguyễn Như Kim của Tráng đoàn Lam Sơn một nhiệm vụ
đặc biệt là mang vàng sang Thái Lan mua một số linh kiện, thiết bị quí
hiếm cho Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cùng một số khí tài vô
tuyến điện cho quân đội. Tráng sinh Nguyễn Như Kim nhận bọc vàng buộc
sau một chiếc xe đạp cà tàng, cắt rừng, trèo đèo, lội suối qua đất Lào
rồi sang Thái Lan và bàn giao mà không suy suyển một ly. Tráng sinh
Nguyễn Như Kim chỉ áng chừng bọc vàng nặng khoảng 10 kg khi được đưa
tin trên Đài phát thanh, nhưng sau đó có một thính giả phản hồi là
người nhận từ chính tay tráng sinh Nguyễn Như Kim bàn giao số vàng đến
những 18 kg.
Như vậy, phong trào Hướng đạo đã được cả thế giới đánh giá và
nhìn nhận là rất tốt đẹp, rất có ích cho cộng đồng, xã hội suốt 100
năm qua. Phong trào cũng đã thể hiện những điều tốt đẹp như vậy khi
được du nhập vào Việt Nam trong suốt 80 năm qua. Chính vì thế mà Hội
Hướng đạo Việt Nam đã có được vinh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập nhận lời làm Hội trưởng Danh
dự năm 1946.

5. Phong trào Hướng đạo Việt Nam và các qui định pháp luật liên quan:
Một phong trào, một tổ chức xã hội như Hội Hướng đạo Việt Nam tất
nhiên phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật qua các giai
đoạn, các thời kỳ. Sự thay đổi các qui định của pháp luật cho phù hợp
với những thay đổi thực tiễn cuộc sống, của xã hội là yêu cầu khách
quan. Vì vậy, chúng ta cần xem xét các qui định pháp luật đó đã thay
đổi như thế nào:

a. Sắc Lệnh Luật Số 102-SL/L-004 Ngày 20-5-1957 Quy Định Quyền Lập Hội:
Kể từ sau khi Hiệp định Genève được ký kết năm 1954 phân chia
lãnh thổ Việt Nam thành 2 miền, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa ở miền Bắc đã ra Sắc Lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày 20/5/1957 qui
định Quyền lập Hội. Sắc Lệnh Luật này chỉ có 11 Điều bao gồm những qui
định cơ bản, tập trung ở 4 Điều đầu tiên, xin trích:
“Điều 1: Quyền lập hội của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Lập hội
phải có mục đích chính đáng, phù hợp với lợi ích nhân dân, có tác dụng
đoàn kết nhân dân, để góp phần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân của
nước ta.
Điều 2: Mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công
dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền tự do vào
hội thành lập hợp pháp, và có quyền tự do ra hội. Không ai được xâm
phạm quyền lập hội và quyền tự do vào hội, ra hội của người khác.
Điều 3: Để đảm bảo việc lập hội có mục đích chính đáng, bảo vệ và củng
cố chế độ dân chủ nhân dân, lập hội phải xin phép. Thể lệ lập hội sẽ
do Chính phủ qui định.
Điều 4: Những hội đã thành lập trước ngày ban hành luật này và đã hoạt
động trong vùng tạm bị chiếm trong thời kỳ kháng chiến, nay muốn tiếp
tục hoạt động, đều phải xin phép lại.”
Thực tế Hội Hướng đạo Việt Nam đã không còn hoạt động ở miền Bắc
từ sau khi có Sắc Lệnh Luật này, điều đó có nghĩa là Hội Hướng đạo
Việt Nam đã không được cấp phép lại theo Thể lệ lập hội của Chính phủ
qui định. Và việc Hội Hướng đạo Việt Nam không được cấp phép lại hay
đã không xin phép lại trong suốt một thời gian dài đã được gián tiếp
chỉ ra ở câu đầu tiên trong Chỉ Thị số 1/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ
trưởng ngày 5/1/1989 Về việc quản lý tổ chức và hoạt động của các Hội
quần chúng. Xin trích: “Đến nay, Nhà nước ta đã cho phép thành lập
trên 100 Hội quần chúng hoạt động trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật,
văn hóa, nghệ thuật, y tế, xã hội, thể dục, thể thao …”  Tức là,
trong số trên 100 Hội quần chúng được phép hoạt động từ khi có Sắc
Lệnh Luật Số 102-SL/L-004 ngày 20-5-1957 đến năm 1989, không có Hội
Hướng đạo Việt Nam. Điều này cũng giải thích cho lý do tại sao Trưởng
Hoàng Đạo Thúy và các trưởng khác đã không thành công trong việc xin
tái lập Hội Hướng đạo Việt Nam được đưa ra trong ngày Họp mặt truyền
thống Hướng đạo Việt Nam ở Hà Nội ngày 31/5/1993.

b. Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30-7-2003 và Nghị định thay
thế số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 qui định về tổ chức, hoạt động và
quản lý hội:
Phải nói rằng những thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội ở
Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập đã khiến cho đất nước
phát triển nhanh chóng. Một trong những thay đổi đó là chủ trương xã
hội hóa trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Từ đó đã có những thay đổi
tích cực trong việc xây dựng pháp luật, đặc biệt là các qui định liên
quan đến quyền lập hội. Có thể nói Sắc Lệnh Luật số 102-SL/L-004 ngày
20/5/1957 quy định quyền lập hội là một trong những văn bản pháp luật
chậm thay đổi nhất trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam. Phải
mất 46 năm mới ban hành một văn bản pháp luật mới để điều chỉnh một
lĩnh vực thiết yếu của đời sống xã hội. Trước khi tìm hiểu kỹ về qui
định mới, xin lưu ý là Nghị định 2010 (gọi tắt) gần như lập lại nguyên
si Nghị định 2003 (gọi tắt), chỉ chỉnh sửa về câu chữ và bổ sung một
Chương mới là: “Một số qui định áp dụng đối với hội có tính chất đặc
thù”.
Nghiên cứu các Điều khoản qui định trong Nghị định 2003 cũng như
Nghị định 2010 chúng ta sẽ thấy rằng Hội Hướng đạo Việt Nam có đầy đủ
các điều kiện mà 2 Nghị định này qui định để được cấp phép hoạt động.
Xin nêu Điều 2 Khoản 1 của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010
qui định về hội sẽ thấy rõ:
“Điều 2. Hội
1. Hội được qui định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự
nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích,
cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động
thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của
hội, hội viên, của cộng đồng; hổ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp
phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, được tổ chức và
hoạt động theo Nghị định này và các văn bản qui phạm pháp luật khác có
liên quan.”
Còn để tiến hành xin phép thành lập Hội Hướng đạo Việt Nam chúng
ta sẽ thấy ngay qui định này tại Điều 6 Khoản 1 như sau:
“Điều 6. Ban vận động thành lập hội
1. Muốn thành lập hội, những người sáng lập phải thành lập ban vận
động thành lập hội. Ban vận động thành lập hội được cơ quan quản lý
nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công nhận.”
Như vậy, với mục đích giáo dục thanh thiếu niên của Hội Hướng
đạo Việt Nam thì Ban vận động thành lập hội cần phải được cơ quan quản
lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội dự kiến hoạt động công
nhận. Cơ quan quản lý nhà nước theo qui định khoản này chính là Sở
Giáo dục và đào tạo hoặc Bộ Giáo dục và đào tạo.

Xã hội hôm nay có nhiều thay đổi tốt đẹp nhưng cũng tồn tại nhiều
tệ nạn xã hội. Không chỉ gia đình và học đường nhận lãnh trách nhiệm
giáo dục mà còn cả những tổ chức xã hội cũng phải tham gia tích cực.
Gần đây, chúng ta được biết ngay đến các đơn vị quân đội cũng thử
nghiệm nhận lãnh trách nhiệm giáo dục bổ sung cho thanh thiếu niên
bằng hình thức “Học kỳ quân đội”. Thế giới ngày nay đều nhìn nhận
phong trào Hướng đạo chính là loại “vác xin” tốt nhất giúp cho thanh
thiếu niên phòng tránh sự lây nhiễm của các tệ nạn xã hội. Tôi không
biết là từ ngày có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 và Nghị
định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 đến nay đã có một ban vận động
nào do các trưởng Hướng đạo Việt Nam thành lập để tiến hành xin phép
thành lập hội theo đúng qui định hay chưa. Nếu chưa thì đó hẳn là một
sự chậm trễ đáng tiếc giống như việc chưa làm giấy khai sanh cho con.
Và nếu nguyên nhân của sự chậm trễ là do chưa kịp nắm bắt những thay
đổi của pháp luật thì tôi xin đề nghị ban vận động nên cậy vào sự tư
vấn, hổ trợ của các văn phòng luật sư hoặc công ty luật để giúp làm
các thủ tục pháp lý cần thiết, xin hợp pháp hóa hoạt động của phong
trào Hướng đạo trong thực tế hiện nay. Đề nghị này của tôi xuất phát
từ tình cảm của một cựu Hướng đạo sinh được tuyên hứa năm 1959 tại Qui
Nhơn, Bình Định; một tình cảm mà các Hướng đạo sinh trên toàn thế giới
đều khắc ghi trong lòng: Một ngày Hướng đạo, một đời Hướng đạo – ONCE
SCOUT, ALWAYS SCOUT.

Luật sư NGUYỄN LỆNH  (8/2010)

___________________________

-(1) URL – Câu chuyện Hướng Đạo Việt Nam – http://www.oocities.com
-(2) URL – Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới – http://vi.wikipedia.org
-(3) -URL – Hướng đạo Việt Nam – http://vi.wikipedia.org
-URL – Hướng đạo Việt Nam – http://blog.demifantasy.com
-URL – Hoàng Ngọc Hùng – Tản mạn Hướng đạo Việt Nam – http://my.opera.com
-URL – Cậu chuyện Hướng đạo Việt Nam – http://www.oocities.com
-URL – Lịch sử HDVN – http://huongdaovn.netfirms.com
-(4) Hồ Chí Minh toàn tập / tập 4, trang 573 – Thư gửi Hội trưởng Hội
Hướng đạo Việt Nam của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Hồ Chí Minh ngày
31/5/1946 nhận làm DANH DỰ HỘI TRƯỞNG cho Hội Hướng đạo Việt Nam.
-(5),(6) -URL – Hướng đạo Việt Nam – http://vi.wikipedia.org
-URL – Lịch sử HDVN – http://huongdaovn.netfirms.com
-URL – Hoàng Ngọc Hùng – Tản mạn Hướng đạo Việt Nam – http://my.opera.com
-(7) -URL – Hướng đạo Việt Nam – http://vi.wikipedia.org
-(8),(9) – Báo Tuổi Trẻ (Tp.HCM) ngày Thứ năm 11/2/1988 – Bài và ảnh
của phóng viên Hàng Phước Long: “Trại công tác xã hội: Một mô hình
hoạt động cần phát huy”.
-(10) Tài liệu “Chuyện bây giờ mới kể” của trưởng Hướng đạo Phạm Thanh
Hiệp in năm 2003 – nguyên là phóng viên báo Khăn Quàng Đỏ, đã từng
tham gia Chi hội nghiên cứu hoạt động thanh niên theo quyết định số
023/87/QĐ/TWH ngày 2-10-1987 của Ủy ban trung ương Hội Liên Hiệp Thanh
Niên VN.
-(11) -URL – Hướng đạo Việt Nam – http://vi.wikipedia.org
-URL – Hoàng Ngọc Hùng – Tản mạn Hướng đạo Việt Nam – http://my.opera.com
-(12) -URL – Hướng đạo Việt Nam – http://vi.wikipedia.org
-(13) -URL – Hướng đạo Việt Nam – http://vi.wikipedia.org
-URL – Câu chuyện Hướng đạo Việt Nam – http://www.oocities.com
-URL – Lịch sử HDVN – http://huongdaovn.netfirms.com
-(14) Tên đầy đủ Chính phủ của chính thể là: Chính phủ cách mạng lâm
thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
-(15) -URL – Tráng sinh và Huynh trưởng-Nhân vật-CAND.com.vn
http://antgct.cand.com.vn{jcomments on}

Leave a Reply

Your email address will not be published.