Category Archives: Hồn xưa 3

Trần Thị Cổ Tích- Thơ Cũng Như Người

*NHỮNG GIÒNG SÔNG CỔ TÍCH trong thơ TRẦN THỊ CỔ TÍCH

Tác giả: lâmcẩmái

Bầu trời mây biêng biếc, dãy núi Ấn xanh rì in trên giòng sông Trà êm đềm thơ mộng, tưởng chừng như trôi tận cõi xa xăm nào.

Màu xanh của bầu trời

Màu xanh của núi rừng

Màu xanh của giòng sông.

Tất cả tạo nên một bức tranh thủy mạc mênh mông sâu thẳm của trầm mặc thi ca, nơi quê hương của những anh tài, thi sĩ như Tế Hanh, Bích Khê, Thanh Thảo…

Có phải chốn sông núi hữu tình ấy đã hun đúc con người xứ Quảng Ngãi – cặp uyên ương Nguyễn Đăng Trình- Trần Thị Cổ Tích.

Tôi muốn nói đến thơ Trần Thị Cổ Tích.

Là một người phụ nữ hiền hòa, dịu dàng và xinh đẹp, yêu thơ văn, nàng đến với Hương Xưa bằng thơ và những bài chuyển ngữ. Trần thị Cổ Tích viết tuy không nhiều nhưng với tôi là những bài viết thật súc tích, có chất lượng cao và giá trị, bởi nàng viết rất thật với những cảm xúc phong phú của mình, những lời thốt ra tự nhiên như hơi thở sự sống bình thường của con người.

Tâm hồn nàng như một giòng sông trôi lãng đãng, đầy thơ mộng nhưng cũng có lúc đầy những thác ghềnh chông chênh, có lúc reo vui khi con nước mới đổ về:

Ta ngỡ gặp em

đứng chông chênh giữa con đò nhỏ

mắt long lanh sóng nước

áo thẩn thơ bay thao thức trời chiều

những áng mây diệu kỳ

cứ trôi dần trôi dần

về dĩ vãng mù xa…

( Về Chốn Cũ- TTCT )

Sao lại chông chênh, đò chông chênh hay lòng người đang chông chênh?

Ôi! Mắt long lanh “áo thẩn thơ” “những áng mây kỳ diệu” dần trôi về dĩ vãng mù xa”…

Ta lắng nghe giòng sông cổ tích, giòng sông của chốn xưa với tiếng gọi từ sâu thẳm thiết tha vô cùng ” chốn xưa ơi “. Tiếng gọi thật nhẹ nhàng nhưng âm vọng lại đến mùa xưa, vọng đến giòng sông cổ tích, vọng đến “khóm dừa xao xác gọi mưa ngâu”, từ đó lớp bụi thời gian được tung lên cùng với cõi lòng tơi bời nhung nhớ:

Chốn xưa ơi

bao nhiêu năm tìm lại

những khóm dừa xao xác gọi mưa ngâu

gọi gió mùa xưa dội về lay giòng sông cổ tích

và lòng ta tơi bời tung lớp bụi thời gian

( Về Chốn Cũ-TTCT )

Chốn xưa đầy hoài vọng ru hồn người êm đềm nhưng không kém phần ray rứt, những ngôn từ nàng dùng trong thơ cũng thế gây cho người đọc thật nhiều bâng khuâng và xao xuyến trong lòng.

Bước chân về chốn cũ để tìm lại “Một nét cười ẩn hiện giữa trang thơ” hay “có một người xao xuyến gói sóng ở trong lòng”:

Khi giòng sông luôn gập ghềnh hai nửa

đợi ta bên nhau sông mới chảy xuôi giòng

( Ru Người Yêu Dấu –TTCT )

Tất cả chỉ là màu của dĩ vãng mà muốn tìm về dĩ vãng chỉ còn cách duy nhất là bước vào những giấc mơ:

Mơ về đâu?

mơ về đâu!

Hai câu tự vấn và tự khẳng định:

mây trời biền biệt

màu lá phai rồi

đường mờ rêu phủ

( Về Chốn Cũ –TTCT)

Vâng! Tất cả cũng như:

“ai đó từng ủ trong tim một tấm tình rất thật” nay trở lại nơi này “thả gió tình bay”.

Cảm hứng của bài thơ Về Chốn Cũ được khơi gợi từ chốn xưa, nơi có một người xao xuyến, một nét cười ẩn hiện để khi chia xa lòng đầy lưu luyến…

Và ta hãy xem giòng sông đang bừng lên sức sống, bao nhiêu con nước mới đổ về cuồn cuộn cùng với thể thơ tự do, nàng thả hồn theo từng cung bậc của cảm xúc không gò bó niêm luật cứ để trôi một cách tự nhiên với những câu thơ dài ngắn khác nhau nhưng đầy sức lôi cuốn quyến rũ lòng người theo những điệu reo vui cùng với tình yêu sau những ngày tháng đợi chờ thương nhớ:

Anh đã về

Noel này không lạnh nữa

Em ngửa mặt nhìn trời

Trái tim mở

Hân hoan

( Giáng Sinh Xanh -TTCT)

Nàng vui mừng như một cô bé ngây thơ được mẹ cho quà làm người đọc cũng hân hoan theo hạnh phúc của nàng, cũng như nàng đã hóa thân vào:

Em như chú chuột Jerry nhảy nhót trên phím dương cầm

như con tuần lộc kéo chiếc sleigh vút giữa trời tuyết trắng

chúng ta bên nhau

đôi bàn tay ấm

nở lại giấc mơ đời

xanh biếc những vì sao

( Giáng Sinh Xanh )

Trong thế giới hiện tượng ấy không tách biệt mà tương giao hòa hợp với tâm hồn con người để có một tình yêu hạnh phúc trong mùa “Giáng Sinh Xanh”. Nếu nói về hoài niệm trong tâm hồn đa cảm của nàng, ta không thể bỏ qua bài thơ “Theo Nắng Hạ Ta Về”.

Bài thơ thật nhẹ nhàng nhưng xoáy vào lòng người đọc cái cảm giác tiếc nhớ mênh mang của một thời…Để bây giờ nhìn cơn nắng hạ lòng bồi hồi như thước phim quay chậm ngược thời gian trở về trở về ký ức, ngôi trường con gái. Thời hoa mộng, thời đẹp nhất của đời người mà trong tất cả chúng ta ai cũng luôn giữ lại cho riêng mình một góc kỷ niệm, lúc nào cũng long lanh tỏa sáng dù thời gian có làm bạc mái đầu:

Tôi đã ra đi từ ngôi trường con gái

chân bước ngập ngừng và mắt ướt rưng rưng

tháng năm chập chùng bao vui buồn được mất

sáng mãi trong hồn một sắc trắng tinh khôi

( Theo Nắng Hạ Ta Về -TTCT )

Luyến tiếc là vậy, thương yêu là vậy! Dù mưa nắng cuộc đời có vây phủ nhưng từ sâu thẳm của tâm hồn vẫn còn“Có ánh mắt thầy cô,có giọng nói bạn bè, yêu thương an ủi”

Rồi con tạo cứ xoay vần, giã từ thơ ngây, mái đầu chớm bạc nhìn cây phượng cành bàng vẫn chạnh lòng bâng khuâng:

lá phượng cành bàng xanh nỗi nhớ mênh mang

thầy cô ơi bạn bè ơi

kỷ niệm đón ta về

(Theo Nắng Hạ Ta Về)

Trong tâm hồn giàu cảm xúc của nàng rung cảm tiếp nối rung cảm, như một cung đàn chỉ cần chạm nhẹ thanh âm vỡ òa muôn điệu hòa quyện cùng đất trời cảnh vật để có một “Lảo Đảo Túy Vân”.

Một vùng biển mênh mang tịch lặng.

Một Túy Vân hoang dã.

Một ngôi chùa trầm mặc, trong cái cô tịch phiêu du thanh khiết của đất trời làm rung động cả hồn mây, làm choáng váng cả lòng người, một vùng trong tìềm thức chứa đựng kỷ niệm kéo nhau về. Lảo Đảo Túy Vân, lảo đảo mơ hồ nâng bài thơ cất lên nhẹ nhàng sương khói:

Túy Vân, Túy Vân

hồn mây lảo đảo

nhỏ giọt rượu đào

choáng váng hồn ta

(Lảo Đảo Túy Vân-TTCT )

Giữa khung cảnh hữu tình lòng người làm sao không trắc ẩn, người đa cảm, đa sầu hay đa đoan?! Hồn như ngấm rượu:

Một chiều

dạo sân trường cũ

giật mình gặp lại Túy Vân xưa

Túy Vân Túy Vân

sương nhuốm mái đầu

hồn mây còn ngấm

rượu đào năm nao

(Lảo Đảo Túy Vân)

Từ đó nàng không thoát khỏi tâm cảm khi nhìn thấy một Đà Lạt làm mê hoặc lòng người để nghe tiếng thở dài sâu thẳm tự đáy tâm hồn hay từ một Đà Lạt xưa. Trong vô thường cảnh đời luôn biến đổi, tiếc nhớ bâng khuâng làm chao đảo hồn người, để thốt lên tiếng thở than đầy tiếc nuối:

Ôi ngàn thông, ngàn thông đã xa

sương khói về đâu giữa chốn ta bà

tiếng chim kêu mỏi bên đồi vắng

đất dấu cùng trăng tiếng thở dài

(Tiếng Thở Dài-TTCT )

Mượn cảnh vật để thể hiện nỗi lòng của mình với bút pháp thật vững vàng, điêu luyện:

Em luân vũ với phù hoa phố xá

ta ngao ngán quay về chôn mảnh vụn trời xưa

(Tiếng Thở Dài)

Với giọng văn trong trẻo lôi cuốn gần gũi người đọc, nàng cũng thể hiện mình trong thể loại truyện dịch, một câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc về vật chất nhưng cũng không kém phần dí dỏm với kết cuộc thật bất ngờ đầy thú vị trong câu chuyện Thần Tình Yêu Bị Kẹt Xe của nhà văn Mỹ O. Henry ( 1862 – 1910 ):

” Ôi, trời ơi! Anthony, cô Ellen thở dài:

-Xin chú làm ơn đừng nghĩ quá nhiều về tiền bạc. Tiền bạc không là gì cả nếu không có tình yêu thật sự. tình yêu là sức mạnh vô địch. Tất cả tiền bạc của chú không thể mua được hạnh phúc cho con trai chú” (Thần Tình Yêu Bị Kẹt Xe )

Vâng! Ngài Anthony giàu lên từ những đồng tiền chân chính và ngài không làm nô lệ cho đồng tiền mà rất khôn khéo trong cách sai khiến xử dụng nó. Ông đã thuê người dựng nên một hiện trường kẹt xe, trong cái mớ bòng bong hổn độn ấy con trai ông đã có thời gian cầu hôn với người mình yêu.

Với giọng văn duyên dáng ấy nàng cũng chọn cho mình câu chuyện chuyển ngữ thật dễ thương  để diễn tả sự xung đột nội tâm của một cô bé tuổi mới lớn trong câu chuyện Không Phải Là Ngốc Nghếch.

Ta thấy hạnh phúc vỗ bờ trong “Mùa Thu Của Tôi”, mùa thu của kết hợp yêu đương giữa hai tâm hồn đồng điệu cùng yêu mùa thu để có một Ái Thu, tên của bé đầu lòng và chúng ta hãy nghe nàng tả mùa thu diễm tuyệt hạnh phúc như thế nào:

Có hai người rất yêu mùa thu

mùa ngập ngừng sương mùa lung linh khói

mùa kết tơ trời ươm vàng áo cưới

để bé đầu lòng mang tên Ái Thu

(Mùa Thu Của Tôi – TTCT )

Mùa thu đã sống với nàng, đã chia sẻ khi vui lúc buồn, những mùa thu đầy kỷ niệm:

Và tôi cũng rất yêu mùa thu

mùa thu êm đềm mang tên cô bạn nhỏ

(Mùa Thu Của Tôi)

Chúng ta hãy đến với một Cổ Tích ngọt ngào tha thiết và nồng nàn cháy bỏng trong Ru Người Yêu Dấu:

có thể nào em bỏ anh

người đã móc trái tim mình

đặt vào tay em

(Ru Người Yêu Dấu – TTCT)

những mảnh vỡ đột phá bùng nổ trong tâm hồn đầy khát khao chờ đợi .

Trong tiếng ru mê hoặc lòng người ấy liệu có đấng nam nhi nào không mềm lòng trước thục nữ giai nhân:

Có thể nào em xa được anh

người đàn ông tếu táo

người đàn ông dữ dội

người đàn ông đa tình

người đàn ông khổ nạn

khóc cả nhân gian trong một cái nhíu mày

(Ru Người Yêu Dấu)

Rồi Tháng Giêng Mơ.

Mùa xuân về chạm ngõ, một Tháng Giêng Mơ êm đềm nhẹ nhàng “ mang về vòng tay thương nhớ”, cảnh sắc ý tình hài hòa, bài thơ mang vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng dồi dào âm điệu:

Ngày đón nhau mai rực nở hoa vàng

tình chênh chao theo canh đời nghiệt ngã

môi vỗ về tìm lại những đêm xa…

(Tháng Giêng Mơ -TTCT )

Từng cung bậc của cảm xúc , hay cung bậc của âm thanh. Từ thiết tha nhẹ nhàng đến bùng vỡ xôn xao. Tất cả dồn nén để bùng vỡ vì thời gian chờ đợi đến điên cuồng:

Đêm cuồn cuộn đêm trào dâng đêm bùng vỡ

ngày xôn xao ngày cuống quýt ân cần

( Tháng Giêng Mơ )

Được về bên nhau hạnh phúc , quên giận dỗi nghi ngờ:

mùa xuân trong ngần trên từng nhánh lá

mắt ai cười ấm cả nắng giêng mơ

bên thềm xưa khúc tình ca hóa đá

gọi trăm năm rạo rực tiếng yêu người

(Tháng Giêng Mơ)

Tất cả được diễn tả hạnh  phúc như sóng trào dâng ấy bằng một câu thơ thật là thơ giữa mùa xuân nguyên tiêu trong Tháng Giêng Mơ:

về bên nhau hồn nguyên tiêu xao động

thả nhánh thơ vàng mát ngọt màu trăng

(Tháng Giêng Mơ)

Một bài thơ chứa nhiều cung bậc của cảm xúc, dồi dào ý tưởng mang âm hưởng của âm thanh đã được nhạc sĩ Ngô Tín phổ nhạc nhạc thật truyền cảm, với những âm thanh và giai điệu ngọt ngào như thấm sâu vào lòng người thưởng ngoạn.

Trong văn hóa thơ ca nhạc họa, dường như không có người nghệ sĩ nào không nhắc đến “Trăng”. Nhất là những đêm rằm Nguyên Tiêu, đêm trăng tròn và sáng nhất của mùa trăng khi chị Hằng lộ hết vẻ đẹp nguyên khôi đầy quyến rũ, vầng trăng đã hiện diện bàng bạc trong thơ Trần Thị Cổ Tích. Những sợi tơ vàng long lanh, óng mượt một màu hòa quyện vào không gian rộng lớn bao trùm cảnh vật, từ đó làm cho hồn người bàng hoàng rung động để nhanh chóng từ cảnh chuyển sang tình, mà tình người ly biệt đầy vương vấn, và ảo ảnh mơ hồ như dậy lên cùng với vầng trăng:

trăng tròn sao ta khuyết

trăng sáng sao ta mờ

hai mảnh trời biền biệt

nguyên tiêu vàng võ thơ

( Rằm Giêng 1- TTCT )

màu trăng không còn vàng võ

nguyên tiêu ta có nhau rồi

dưới trăng êm đềm ca hát

hồn nhiên tinh nghịch sao cười

( Rằm Giêng 2 – TTCT )

Hay ta thả hồn về Rằm Giêng 4 để cảm nhận nhà thơ ngắm trăng “ngửa mặt ngâm tràn khúc tráng thi”, trong cái không gian bàng bạc ánh trăng ấy, thơ và trăng như tri âm tri kỷ, có thể uống cùng trăng, say cùng trăng và cùng nhau nghe gió hát trăng về trong khúc nhạc miên man vương vấn trong “chén rượu tình”:

trăng rủ gió về đêm trổi nhạc

rót xuống nhân gian chén rượu tình

thi nhân muôn thuở đầu không bạc

ngửa mặt ngâm tràn khúc tráng thi

( Rằm Giêng 4 )

Nhà hiền triết Marcus Tullius Cicero đã nói một câu bất hủ được lưu truyền cho đến ngày nay :“ Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”

Tôi muốn nói đến “đôi mắt” của Trần Thị Cổ Tích bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Mắt không phát ra âm thanh nhưng mắt đem lại sự kỳ diệu cho ngôn ngữ con người, những âm thanh thật siêu nhiên để con người có thể đọc đọc tâm cảm của nhau qua đôi mắt, mà đôi mắt của Cổ Tích là một tiêu biểu. Nàng đã chìm ngập và đắm đuối trong đôi mắt của Bích Khê (1916-1946) một thi nhân thời tiền chiến, một đôi mắt huyền ảo kỳ bí, mơ mộng chất chứa sâu thẳm những lời vô ngôn. Cái hấp lực ấy khiến Cổ Tích bật thốt thành thơ như được mở đôi cánh cửa đi vào mắt Bích Khê:

Đôi mắt ấy trong veo trời Thiên Ấn

long lanh nắng mật tơ vàng

đôi mắt ấy dập dồn sóng cuộn

vỗ tơi bời vỗ nát mảnh tình điên

(Mắt Bích Khê -TTCT )

Đôi mắt có sức hút từ đó rung cảm bật thốt thành lời trần tình. Dãy núi Ấn xanh rì in trên nền trời  “long lanh nắng mật tơ vàng”. Đôi mắt như dòng sông Trà  cuồn cuộn dập dồn “vỗ tơi bời…mảnh tình điên”… Điều gì đã bộc phát những ngôn từ táo bạo đầy nổi loạn ?! Có phải trong đôi mắt dịu dàng thinh lặng kia có mầm mống của những khổ đau “nhập hồn người hóa mắt pha lê”?

Người ngắm giai nhân bằng ánh sáng

ánh sáng nhập hồn người hóa mắt pha lê

đôi mắt pha lê tự thuở lên mười

chứa cả mầm thuốc nổ tuổi đôi mươi

(Mắt Bích Khê )

Trong tâm hồn ẩn mật của Bích Khê đã chất chứa những gì? Trong đôi mắt đồng âm rung cảm của Cổ Tích đã thấy những gì? Có phải chăng chính nàng bằng một sự mẫn cảm của tâm hồn đã phát hiện ra trong đôi mắt của Bích Khe ẩn chứa bao điều huyền bí và kì diệu mà chỉ nàng- chỉ có nàng thôi mới cảm nhận được:

Bỏ lại xiềng xích một thời

người lên đường

đi về hướng ấy

hướng của kỳ dị hương hoa

của lạ lùng sóng động

hướng của hào quang vĩnh cửu sắc màu

lộng lẫy một trời thơ

(Mắt Bích Khê)

Những lời vô ngôn rung lên cùng giai điệu, đôi mắt có hấp lực vô hình tỏa sáng cũng như Bích Khê đã từng tả “Cặp Mắt”:

Ôi! cặp mắt của người trong tợ ngọc

Sáng như gươm và chấp chóa kim cương

(Cặp Mắt – Bích Khê )

Đến với thơ Cổ Tích như Phan Thanh Cương đã nói ” Vào vườn thơ chị, phải đi chầm chậm mới thấy hết từng hoa chữ, hương hoa chữ vào lòng rồi ở lại “

Vâng ! Xin mời tất cả những người yêu thơ vào vườn thơ Cổ Tích hãy đi thật nhẹ nhàng, hãy lắng lòng nghe hương hoa lan tỏa, khi thì dìu dịu mơ hồ, khi thì trăn trở khôn nguôi, khi thì trào dâng sóng động rồi thì thầm mật ngọt yêu thương…

lâmcẩmái QuyNhơn tháng 6 trời mưa,2015

* BÀI ĐĂNG HX:

Phan Lan Hương- Xanh Mãi Với Thời Gian

Mùa Thu Xanh – Phan Lan Hương

Tác giả: Du Tử Lê

Như đa số những người làm thơ khác, nhất là nữ giới, sợi chỉ đỏ xuyên suốt cõi-giới thi ca mang tên Phan Lan Hương, là tình yêu.

Đó là những game màu xanh của tình yêu đôi lứa, bên cạnh màu xanh của tình mẹ, màu xanh của nơi chốn họ Phan được trưởng – dưỡng với ân cần thương  yêu.

Continue reading