Nhất Thống Sơn Hà – [tt]

NHẤT THỐNG SƠN HÀHồi thứ hai mươi chín


Về Kinh Bắc, vua Quang Trung yêu làn Quan họ

Sợ Tây Sơn, Thang Hùng Nghiệp tính chước cầu hòa

https://www.youtube.com/watch?v=g5zuHWvFWQs

Vào Thăng Long được vài hôm đã có thám báo từ biên giới phi ngựa về báo tin. Vua Quang Trung cho đòi vào hỏi:

– Tình hình biên giới thế nào?

Viên thám báo háo hức tâu:

– Muôn tâu Hoàng thượng. Hai vị Đô đốc Lộc, Đô đốc Tuyết và Hám Hổ hầu đã dàn quân càn quét toàn bộ quân Thanh về bên kia biên giới. Tôn Sĩ Nghị, vua tôi Lê Chiêu Thống đã chạy thoát sang Tàu, chỉ có bọn Lê Duy Chỉ lẩn trốn vào rừng sâu vùng Tuyên Quang chưa bắt được. Ba vị Đô đốc đang đóng quân dọc theo biên giới hai nước và tung tin sẽ tấn công sang đất Thanh để bắt vua tôi nhà Lê khiến dân Thanh lo sợ bỏ cả làng xóm di tản vào sâu trong đất liền, cả một vùng biên giới sâu mấy trăm dặm vắng ngắt không có một bóng người.

Vua Quang Trung nghe báo vỗ ghế cười ha hả nói:

– Làm hay lắm. Đây hẳn là kế rung cây nhát khỉ, đả thảo kinh xà của Nguyễn Văn Lộc phải không?

– Dạ, Hoàng thượng đoán việc như thần. Đúng là kế của Đô đốc Lộc.

Nhà vua nói:

– Tin cho ba viên Đô đốc hãy giữ các cánh quân đóng dọc theo biên giới như thế. Nhất thiết theo dõi mọi động tịnh của quân Thanh thế nào báo ngay về cho trẫm biết.

Viên thám báo khấu đầu nhận lệnh lui ra, rời điện Kính Thiên tìm đến gặp Quân trưởng. Tín Nhi hỏi:

– Có tin gì của Hoàng sư trưởng không?

– Dạ có. Sư trưởng có để lại ám hiệu cho biết đang theo đoàn quân Vân – Qúy của Ô Đại Kinh chạy lên Tuyên Quang, chắc là sẽ về lại Vân – Qúy.

Tín Nhi và Thu Cúc đều thở phào nhẹ nhõm:

– Anh trở lại biên giới, tìm cách liên lạc với Hoàng sư trưởng rồi cho ta hay.

– Dạ, Quân trưởng. Hiện chúng ta đã có năm anh em trong sư Mãnh sư của Hoàng sư trưởng trà trộn trong đoàn người của nhà Lê chạy sang Tàu. Chúng em sẽ liên lạc với họ.

– Tốt lắm. Anh có thể nghỉ ngới một đêm ở đây, mai hãy đi.

– Cảm ơn Quân trưởng.

Thu Cúc nóng lòng hỏi:

– Tín ca cho em lên biên giới với anh em trên đó nhé?

– Bọn Càn Long thua nhục nhã thế này tất sẽ quay lại trả thù. Chúng ta cần nắm rõ ý định của chúng. Để xem Hoàng thượng xử trí thế nào, vài hôm nữa anh và em cùng đi.

Thu Cúc mừng rỡ reo lên:

– Cảm ơn Quân trưởng Tín ca!

Đang nói chuyện thì có thị vệ đến báo:

– Hoàng thượng cho đòi Quân trưởng đến hậu cung bàn việc.

Tín Nhi bảo Thu Cúc:

– Em đợi anh trở về nhé.

Đến nơi, Tín Nhi qùy xuống làm lễ ra mắt. Nguyễn Huệ bước đến đỡ dậy vỗ vai bạn nói:

– Khi nào chỉ có riêng ta và ngươi, không cần phải thủ lễ.

Tín Nhi e dè nói:

– Như vậy trái với đạo vua tôi.

Nguyễn Huệ mỉm cười:

– Với ngươi ta đặc miễn cho cái lễ vua tôi ấy. Nếu không ông vua này sẽ buồn chán đến chết mất. Uống rượu nói chuyện đi.

Hai người ngồi vào bàn, Tín Nhi rót rượu ra chung nói:

– Mừng bệ hạ ghi thêm một chiến công nữa vào cuộc đời danh tướng của mình.

Nguyễn Huệ nghe Tín Nhi vẫn gọi mình bằng bệ hạ thì mỉm cười hỏi:

– Đã bảo miễn cái lễ vua tôi với ngươi rồi mà..

– Nhưng xưng hô ta, ngươi như trước kia thì không được nữa rồi.

Nguyễn Huệ nói:

– Ta mới làm vua hơn tháng mà đã có cảm giác cô độc và lẻ loi vì mọi người đều giữ khoảng cách thật xa với ta. Nếu làm vua vài chục năm chắc là ta sẽ chết vì hiu quạnh.

– Biết làm sao được. Bệ hạ giờ là vua một nước, mọi người phải có cách xưng hô và giao tiếp khác hơn xưa theo lễ quân thần.

– Cái lễ quân thần đó đã tạo ra một khoảng trống cách biệt khiến các bậc vua chúa trở nên cô độc, từ đó sa vào con đường trụy lạc hoặc trở thành u tối, độc ác. Ta muốn có những bạn bè thật sự để sống như một người dân thường hầu khỏi rơi vào tình cảnh mất quân bình tâm lý đó.

Tín Nhi rót ly thứ hai mời, trong cách xư hô vẫn có phần miễn cưỡng:

– Thôi được. Ly này mừng cho giấc mơ nhất thống sơn hà của ngươi đã thành sự thật.

Nguyễn Huệ uống cạn ly rượu nói:

– Chiến thắng và đạt được điều mình mơ ước là hạnh phúc lớn của con người, nhưng bọn Càn Long không dễ bỏ qua chuyện báo thù cho trận thua vừa rồi đâu. Còn nhiều phiền phức lắm đấy.

– Ta cũng nghĩ vậy. Cái ước vọng Thập Toàn Lão Nhân của hắn bị chúng ta đập nát, e hắn bỉ mặt mà làm lớn chuyện để giữ thể diện.

Ánh mắt Nguyễn Huệ long lên:

– Cho ta vài năm để củng cố nước nhà thì dù hắn có làm lớn chuyện ta có sợ gì.

– Hiện giờ trong ý của ngươi muốn giảng hòa phải không?

– Đúng vậy. Người của chúng ta có ai bên đó? Hoàng Nhi đâu?

– Đã theo Ô Đại Kinh về Vân Nam. Chúng ta có năm anh em trà trộn được vào bọn tùy tùng của Lê Chiêu Thống.

– Ta muốn có người vận động cho cuộc giảng hòa này, nhưng phải ở thế mạnh của kẻ chiến thắng hoặc ít nhất là ngang hàng. Muốn vậy phải có người có uy tín với các đại quan nhà Thanh.

Tín Nhi nói nhanh:

– Phan Khải Đức rất được lòng Tôn Sĩ Nghị và quen thân với Thang Hùng Nghiệp. Chỉ có ông ta là thích hợp nhất trong vai trò này.

Nguyễn Huệ tươi cười nói:

– Ta cũng đã nghĩ đến người này.

Bèn gọi một tên thị vệ vào dặn:

– Đi gọi Phan Khải Đức đến gặp ta ngay.

Tên thị vệ đi rồi, Nguyễn Huệ nói:

– Đợi xem phản ứng của Càn Long thế nào, ngươi cũng phải có mặt ở biên giới để liên lạc và giúp đỡ chú cháu Phan Khải Đức.

Một lúc sau, thị vệ dẫn Phan Khải Đức vào. Đợi Khải Đức hành lễ xong, Nguyễn Huệ nói:

– Đây không phải chốn triều đường, khanh cứ ngồi uống rượu cùng trẫm và Quân trưởng.

Khải Đức lạy tạ nói:

– Tạ ơn Hoàng thượng.

– Trong chiến thắng quân Thanh lần này, công của khanh rất lớn, nhưng hiện nay còn một việc hết sức hệ trọng cần đến khanh ra sức. Tạm thời trẫm hãy ban cho khanh chức Đô đốc tước Đức Nghĩa hầu, xong việc, trẫm sẽ luận thêm công trạng mà định sự ban thưởng một thể.

– Tạ ơn Hoàng thượng thăng thưởng, thần nguyện hết lòng chu toàn công việc.

– Khanh và Thu Cúc phải lập tức chạy sang Quảng Tây tiếp tục đóng vài trò cũ. Sau đó liệu bề mà hù dọa bọn Tôn Sĩ Nghị và Thang Hùng Nghiệp để chúng chủ xướng việc giảng hòa với chúng ta. Trẫm cần thời gian chấn chỉnh và phát triển đất nước, tránh được một cuộc trả thù của bọn nhà Thanh lúc này là điều rất cần thiết. Chỉ cần khéo léo ve vuốt lòng tự ái của Càn Long, đừng để hắn bẽ mặt, trẫm tin việc giảng hòa sẽ thành công.

Khải Đức vội qùy xuống tâu:

– Tạ ơn Hoàng thượng đã tin tưởng mà giao phó trách nhiệm này.

– Hãy uống cùng trẫm chung rượu này. Còn lại hai chung, khi đại công cáo thành trẫm sẽ tự tay rót để ban thưởng lần nữa.

Bèn tự tay rót rượu đưa cho Phan Khải Đức. Hai tay của Phan Khải Đức đón chung ngự tửu đã run lên vì cảm kích. Ông nói:

– Ân tình này đến chết thần vẫn không quên.

Nguyễn Huệ nói:

– Trẫm sẽ để Hô Hổ hầu trấn thủ Nam Quan, ông ta là người có chữ nghĩa, có thể ứng đối tốt trong việc bang giao. Mọi việc cứ liên lạc với ông ta.

Khải Đức lạy tạ lui ra. Tín Nhi nói:

– Ta cần dặn Thu Cúc một số việc trước khi nó lên biên giới.

– Mang một số châu báu đến cho Thu Cúc để chú cháu họ sử dụng. Khi nào ngươi đi ta sẽ cấp cho một số nữa dùng để mua chuộc bọn quan lại nhà Thanh.

Tín Nhi cười:

– Quan lại nhà Thanh trên từ Hòa Khôn xuống đến tận làng xã đều là một bọn tham ô, nếu có của đút lót, việc sẽ dễ như trở bàn tay.

– Sách lược ngoại giao là, trước hù dọa sau vận động, cuối cùng thì mở lối cho Càn Long khỏi bẽ mặt. Đối với một ông già như hắn, vật gì khó nuốt hẳn là không muốn ăn. Cho hắn một cái bánh vẽ cho dễ nuốt là được.

Nét mặt Tín Nhi chợt đổi sắc, giọng lo lắng:

– Tin từ Gia Định gởi về rất xấu. Ngươi phải lo trừ tên tiểu tử Nguyễn Ánh càng sớm càng hay.

Ánh mắt Nguyễn Huệ long lên:

– Sau khi ổn định Bắc Hà ta sẽ trở về Phú Xuân để tính tới việc Gia Định. Phần ngươi lo cho tốt việc bang giao để yên mặt bắc là được.

Tín Nhi đứng lên chắp tay xá dài lớn tiếng:

– Dạ, Hoàng thượng.

Cả hai cùng bật cười sảng khoái.

Hôm sau thiết triều, Ngô Thời Nhậm dâng lên tờ chiếu, tâu:

– Vâng lệnh Hoàng thượng, thần đã thảo xong tờ chiếu cầu hiền, xin trình lên để Hoàng thượng ngự giám.

Nguyễn Huệ đọc qua, chiếu có những đoạn khiến nhà vua đắc ý gật gù:

“…“Trẫm đang ghé chiếu lắng nghe, thức ngủ mong mỏi mà có người tài cao học rộng chưa từng thấy đến. Hay Trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự?… Trẫm nơm nớp lo nghĩ, một ngày hai ngày cũng có hàng vạn sự việc nảy sinh. Ngẫm cho kỹ: cái nhà to lớn – sức một cây không dễ gì chống đỡ, sự nghiệp thái bình – sức một người không thể đảm đương…

Vậy ban chiếu xuống quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được thì đăng, bổ dụng. Lời không dùng được thì để đấy, chớ không ai bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời thì cho các quan văn võ được tiến cử, lại cho dẫn đến yết kiến tùy tài mà bổ dụng. Hoặc có người từ trước đến nay giấu tài im tiếng không ai biết đều cũng cho phép được đăng thư tự cử, chớ ngại cho thế là “Đem ngọc bán rao”. Ôi ! “Trời đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu”. Xưa thì đúng vậy, còn nay trời đất thanh bình, chính lúc người hiền gặp gỡ gió mây. Những ai tài đức nên gắng lên để rạng rỡ chốn vương đình, một lòng cung kính để cùng hưởng phúc tôn vinh. Bố cáo gần xa để cùng nghe biết”.

Đọc xong nhà vua lớn tiếng khen:

– Tịnh Phái hầu thật hiểu bụng trẫm. Bài chiếu này đáng được liệt vào hàng tài tử của văn chương nước nhà. Hay lắm! Hay lắm thay!

Ngô Thời Nhậm lạy tạ:

– Tạ ơn Hoàng thượng khen ngợi. Thần chỉ dựa theo ý chỉ của Hoàng thượng để thảo ra mà thôi. Lòng không thành thì ý chỉ không cao thâm và không đủ sức thuyết phục. Cho nên dẫu văn chương có trau chuốc cũng không thể lay động người đọc được. Đều là do Hoàng thượng thật dạ cầu hiền mà thành.

Nguyễn Huệ nói:

– Hãy cho phổ biến tờ chiếu này khắp thiên hạ. Việc tiếp nhận hiền tài giao cho khanh và Võ Văn Ước đảm nhiệm. Trước mắt trẫm muốn cải tổ về cơ cấu hành chánh và kinh tế, các khanh ai có sáng kiến gì hãy suy nghĩ thấu đáo rồi trình lên để trẫm xem xét sau đó bắt tay thực hiện.

Tả thị lang Phan Huy Ích tâu:

– Hoàng thượng mưu sự thâm viễn và có tầm nhìn rộng rãi, lại có lượng bao dung, lo lắng cho thiên hạ bá tánh thật là phúc lớn cho nước nhà.

Nguyễn Huệ hỏi:

– Về việc cải cách hành chánh, quan Hộ bộ Tả thị lang có sáng kiến gì không?

Huy Ích tâu:

– Muôn tâu, theo ý của hạ thần, địa phương từ huyện trở lên chúng ta nên đặt hai chức quan một văn là Phân Tri, một võ là Phân Suất để cùng nhau cai trị. Quan văn lo hành chánh dân sự, quan võ lo binh bị. Miền bắc mấy năm gần đây đói kém lại chiến tranh liên miên vì thế dân chúng xiêu dạt khắp nơi, ruộng đồng bị hoang phế, đất thừa mà người thiếu. Thần xin Hoàng thượng hạ chiếu khuyến nông để khuyến khích dân lưu cư các nơi trở về cố thổ mà canh tác. Ruộng công nên chia ra cho dân nghèo canh tách để thu thuế theo nghạch công điền.

Nguyễn Huệ nói:

– Suy nghĩ của khanh rất hợp ý trẫm. Ngô Thời Nhậm hãy thảo một tờ chiếu khuyến nông, Hộ bộ và Công bộ dựa theo đó mà lên kế hoạch thi hành.

Huy Ích thận trọng hỏi:

– Theo ý Hoàng thượng thì công cuộc cải cách lần này theo phương châm “dân giàu nước mạnh” hay “nước mạnh dân giàu”?

Nguyễn Huệ hiểu ý, gật gù có vẻ tán thưởng sự sáng suốt của Phan Huy Ích. Nhà vua đáp:

– Trẫm vừa mới lên ngôi, đất nước vừa được thống nhất, giặc ngoại xâm vừa bị đánh đuổi ra khỏi cõi bờ, lẽ ra nên đại xá thiên hạ hoặc giảm thiểu tối đa việc thu thuế để giúp đỡ bá tánh. Nhưng phía bắc giặc Tàu còn hăm he trở lại trả thù, trong nam bọn Nguyễn Ánh rước giặc Tây về đánh phá, quốc khố đang rất cần tiền bạc để trang trải cho những cuộc chiến tranh sắp tới. Trẫm muốn dung hòa hai phương châm kia, các khanh liệu việc mà ban hành.

Huy Ích tâu:

– Chúng thần tuân lệnh.

Nguyễn Huệ lại hỏi:

– Trẫm biết lòng người Bắc Hà còn đang oán hận và mang mặc cảm vì bị người Nam Hà cai trị, nay muốn xóa bỏ ý nghĩ phân biệt Bắc, Nam để có được sự thống nhất và đoàn kết thì phải làm thế nào?

Huy Ích đáp:

– Muôn tâu. Để xóa bỏ hận thù thì không gì bằng tình thương. Đức sáng của bậc đế vương chính là tình thương dành cho muôn dân vậy. Theo lẽ tự nhiên, trên ngó xuống thì tự động dưới sẽ trông lên. Hoàng thượng là người đức độ, mang hoài bảo lớn cho dân tộc, điều này bá tánh thiên hạ ai cũng nhìn thấy. Nay chỉ cần Hoàng thượng dùng đức để trị, thấu hiểu lòng người Bắc Hà, thương họ như con, vì hạnh phúc của họ mà lo lắng, được như vậy thì dẫu là người ngoại tộc cũng sẽ sống thuận hòa nói gì đến anh em Việt tộc Bắc, Nam.

– Làm sao để thấu hiểu lòng người Bắc Hà?

Trần Văn Kỷ lên tiếng đáp thay:

– Lúc trước thần có nghe Hoàng thúc Tôn Thất Dục chỉ nhờ vào một buổi nói chuyện với Thiền sư Vô Danh mà chế ra được chiếc đàn Độc Huyền cầm đặc trưng cho dân Việt ta…

Nguyễn Huệ tỏ vẻ ngạc nhiên ngắt lời:

– Việc sáng chế cây đàn Độc Huyền có quan hệ gì đến câu hỏi của ta? Cuộc nói chuyện thế nào?

Trần Văn Kỷ đáp:

– Muôn tâu. Thiền sư nói rằng “âm thanh là tiếng lòng, là biểu tượng văn hóa của một dân tộc”. Vì vậy muốn hiểu được lòng một dân tộc, một xứ sở không gì bằng tìm hiểu về âm nhạc truyền thống dân gian của xứ sở đó.

– Vậy âm nhạc truyền thống của dân gian Bắc Hà là gì?

Phan Huy Ích vốn là người giỏi về âm nhạc nên tâu:

– Bắc Hà có kinh đô Thăng Long hàng ngàn năm nên có nền âm nhạc cung đình, liệt vào âm nhạc thượng lưu, nhưng nền âm nhạc này có pha trộn với nhạc cổ Trung Hoa và nhạc cung đình Chiêm quốc chứ không thuần Việt. Trung lưu thì có hát ả đào, hát nói, hát chèo dành cho kẻ sĩ trung lưu và người giàu có. Còn dân gian thì có làn điệu Quan họ, mang âm hưởng dân gian từ ngàn xưa, thuở dân Bách Việt chúng ta còn ở tận bên bờ sông Dương Tử, theo bước chân nam tiến hội tụ về vùng Kinh Bắc và lưu truyền đến bây giờ.

Nguyễn Huệ thích thú nói:

– Thời còn nhỏ trẫm đã từng theo gánh hát bội ở Quy Nhơn lưu diễn khắp nơi vì vậy rất thích những lối hát mang tính dân gian. Trẫm muốn nghe qua làn điệu Quan họ Kinh Bắc.

Thông thường những bậc vua chúa ít khi muốn nhắc đến thuở hàn vi lao nhọc của mình, nay quần thần nghe nhà vua nhắc đến qúa khứ lưu linh của mình một cách hết sức thản nhiên khiến ai nấy đều hết sức khâm phục. Phan Huy Ích không dấu được sự cảm phục nên dập đầu thành tâm nói:

– Hoàng thượng là bậc nhân quân xưa nay hiếm có. Hạ thần khâm phục tận đáy lòng. Nếu Hoàng thượng muốn chứng kiến lễ hội truyền thống của dân gian miền Kinh Bắc thì ngày mai chính là ngày hội lớn ở đó, chỉ hiềm phải nhọc lòng Hoàng thượng phải xa gía rời cung mà thôi.

Nguyễn Huệ nói:

– Ta từng nghe Bắc Cung hoàng hậu nói về những lễ hội truyền thống của dân gian vùng Kinh Bắc cùng những di tích văn hóa cổ xưa của dân Âu Lạc ở đó. Ta muốn ghé thăm để lễ tạ tổ tiên.

Huy Ích mừng rỡ nói:

– Nếu Hoàng thượng chiụ xa giá rời cung thì còn gì hay bằng. Thần sẽ cho người thông tri để quan trấn thủ ở đó chuẩn bị tiếp gía.

Nguyễn Huệ xua tay:

– Không cần. Trẫm sẽ cùng các khanh cải dạng như dân thường để dự hội. Hãy để dân chúng dự hội một cách tự nhiên, như vậy mới nhìn rõ được sinh hoạt bình thường của họ.

– Hoàng thượng anh minh!

Trần Văn Kỷ tâu:

– Theo ý thần, đất Kinh Bắc vốn là nơi phát tích nền Phật giáo Luy Lâu của nước ta, nhơn dịp rằm tháng Giêng, Hoàng thượng nên ngự giá đến chùa Dâu, tổ chức một lễ cầu siêu lớn để những vong hồn tử sĩ trong cuộc chiến vừa qua được siêu thoát, cũng là một cách giải bớt sát nghiệp cho quân đội Tây Sơn.

Ngô Thời Nhậm biết trong ý của Trần Văn Kỷ muốn giải bớt sát nghiệp cho đức vua nên phụ họa:

– Thần cũng có ý định tâu xin Hoàng thượng việc này.

Nguyễn Huệ phán:

– Vậy trẫm lệnh cho những ngôi chùa lớn trong thiên hạ lập đàn chay cầu siêu cho tử sĩ trong dịp rằm tháng Giêng này.

– Chúng thần tuân chỉ.

*

Họ Hồng Bàng, thủy tổ dân Âu Lạc với mười tám đời vua Hùng Vương trị vì nước Văn Lang suốt hai ngàn năm. Thời Hùng Vương, nước Văn Lang chia ra mười lăm bộ, trong đó có bộ Vũ Ninh chính là vùng Kinh Bắc, là trung tâm kinh tế, thương mại và là cái nôi của nền văn hóa cổ của người Âu Lạc. Đến đời vua An Dương Vương, sau khi thống nhất các bộ lạc Bách Việt đã xây thành Cổ Loa ở Phong Khê, đất Kinh Bắc trở thành kinh đô của Âu Lạc với nhiều di tích cổ còn lưu lại đến bấy giờ như đền Thánh Gióng, mộ vị thủy tổ Kinh Dương Vương, đền thờ Bố Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ, theo truyền thuyết là người đã sinh ra trăm trứng nở trăm con, từ đó sinh sôi nẩy nở thành họ Hồng Bàng, dựng nên nước Âu Lạc. Cũng vì được sinh ra trong cùng một bọc trứng, người Âu Lạc xem nhau như anh em ruột thịt và gọi nhau bằng hai tiếng đồng bào.

Quan Trấn thủ Kinh Bắc là Nguyễn Cảnh Thước nhận được mật báo nên đã âm thầm chuẩn bị mọi thứ để bảo vệ phái đoàn của nhà vua về thăm lễ hội. Nguyễn Huệ và đoàn tùy tùng gồm Phạm Cần Chánh, Tín Nhi, Phan Huy Ích và một số vệ sĩ, hôm nay vận áo dài the, đội khăn đóng y như hàng vạn dân làng khắp nơi về dự hội bên đồi Lim ở Tiên Du. Nhìn các thiếu nữ đi dự hội mặc áo tứ thân với yếm đào và dây thắt lưng đủ màu sắc, Nguyễn Huệ thích thú nói với Phan Huy Ích đi cạnh:

– Trang phục của những người đi dự hội thật đẹp mắt, nhất là chiếc áo nhiều lớp với thắt lưng nhiều màu sắc và chiếc khăn đội đầu của các thiếu nữ.

Phan Huy Ích giải thích:

– Đó là chiếc áo tứ thân, mớ ba với ba lớp áo, hoặc mớ bảy với bảy lớp áo, kết hợp bởi nhiều màu sắc. Đây là chiếc áo lễ hội truyền thống vùng Quan họ. Chiếc khăn đội đầu của các cô gọi là khăn mỏ qụa, chiếc nón trên tay họ có tên là nón quai thao.

Tín Nhi nói:

– Trông cách ăn mặc và lối chào hỏi của những nam nữ đi dự hội vừa cung kính vừa thân thiện, thật là thú vị. Tôi không thấy có sự cách biệt nam nữ ở đây.

Huy Ích giải thích:

– Trong nền văn hóa cổ của dân Bách Việt, mối quan hệ giữa nam và nữ rất bình đẳng, khác hẳn với quan niệm trọng nam khinh nữ theo kiểu Hán nhân. Lát nữa chúng ta sẽ nghe trong những câu hát Quan họ đối đáp giao duyên, họ gọi nhau bằng anh Hai, chị Ba.. một cách rất tôn trọng nhưng không kém phần tình tứ và âu yếm.

Nguyễn Huệ hỏi:

– Sao lại gọi Kinh Bắc là vùng Quan họ?

– Tương truyền mấy ngàn năm trước, vùng Kinh Bắc là nơi giao lưu văn hóa và kinh tế của dân Bách Việt với người Hán, người Ấn Độ, người Miến Điện nhờ vào con sông Tiêu Tương, khởi nguồn từ Tây Tạng chảy qua Trung Hoa về ngang Kinh Bắc này để ra biển Đông. Vật đổi sao dời, ngày nay dòng sông Tiêu Tương cũng như sông Dâu không còn nữa nhưng điệu hát Quan họ của những người dân Âu Lạc cổ xưa sống hai bên bờ sông vẫn còn lưu truyền cho đến nay. Do đó mà làn điệu Quan họ mang đậm nét tâm linh đặc thù thù của nền minh triết Việt cổ xưa.

– Lúc trước ta có nghe ở Tửu Quán Bên Đường bên cạnh Hoàng Đế thành một bài ca về chàng Trương Chi, họ cho rằng làn điệu Quan họ mang âm hưởng của những khúc hát và tiếng sáo Trương Chi có đúng vậy chăng?

Phan Huy Ích thích thú giải thích:

– Thật ra thì chàng Trương Chi thời đó cũng giống như một “liền anh” bậc nhất của làn Quan họ hôm nay vì giọng ca rất tuyệt vời của chàng ta. Sở dĩ người thời nay coi Trương Chi là thủy tổ làn Quan họ chỉ vì những câu hát dân gian thời đó đã trở nên bay bổng và được yêu thích khắp nơi nhờ vào giọng ca và tiếng sáo tuyệt vời của ông ta, thêm đó là tình cảm của người dân Quan họ dành cho chàng trai đa tài mà xấu số kia. Có thể nói sau Trương Chi, những làn điệu dân ca của người Âu Lạc đã phong phú và lan truyền rộng rãi hơn trong dân chúng. Người Kinh Bắc có lẽ nhờ vào thổ nhưỡng nên làn hơi của họ đã làm tăng thêm vẻ đẹp, vẻ tình tứ mượt mà và sâu lắng của câu ca. Vì thế mà Kinh Bắc trở thành cái nôi của làn Quan họ.

Tín Nhi hỏi:

– Liền anh, liền chị là gì?

– Những người hát Quan họ nam thì gọi là liền anh, nữ gọi là liền chị.

Vừa giải thích, Phan Huy Ích vừa hướng dẫn mọi người thăm qua khắp các trò chơi của lễ hội. Nguyễn Huệ khen:

– Lễ hội ở đây thật tưng bừng và đầy đủ các trò chơi cho bà con. Hay lắm! Nên cổ vũ và giúp đỡ các địa phương tiếp tục lưu giữ và phát triển các truyền thống văn hóa dân gian qúy báu này.

Phan Huy Ích nói:

– Trước kia hội đồi Lim không quy mô như bây giờ. Cho đến khoảng ba mươi năm trước, quan trấn thủ Thanh Hoa là Nguyễn Đình Diễn gốc người làng Đình Cả, tổng Nội Duệ, Kinh Bắc, đã dùng bổng lộc và của cải của mình cấp cho địa phương này để mở rộng và phát triển nội dung hội hè cũng như tu sửa đình làng, lăng miếu. Từ đó mà hội đồi Lim ngày một đông đảo và phong phú về cả hình thức và nội dung.

Lúc ấy đoàn người đến một lán Quan họ, Huy Ích ra dấu dừng lại để nghe các “bọn nam” và “bọn nữ” hát Quan họ giao duyên đối đáp nhau. Trang phục mộc mạc nhưng rất độc đáo đã làm các cô gái có nét đẹp lạ kỳ, thêm vào làn điệu Quan họ mượt mà, tình tứ khiến Nguyễn Huệ đứng nghe đến xuất thần. Đến khi bài hát chấm dứt ông mới sực tỉnh và nức nở khen:

– Thật duyên dáng các chàng trai và các cô gái kia và cũng thật là hay và tình tứ làm sao cái làn điệu Quan họ. Nó có nét gì đó thật thân thiết và gần gũi với ta, mặc dầu ta chỉ mới nghe lần đầu.

Phan Huy Ích giải thích:

– Cảm nhận của Ngài (lúc này họ tránh dùng từ Hoàng thượng) thật nhạy bén và chính xác. Âm hưởng của Quan họ mang đậm nét tâm linh đặc thù của dân Việt cổ, cho nên những ai mang dòng máu Việt đều có trong tiềm thức, trong tâm linh mình không ít thì nhiều âm hưởng đó. Người mang nặng tình dân tộc, nói đúng hơn là người có nhiều dân tộc tính sẽ có sự đồng cảm mau chóng và sâu đậm hơn với giai điệu Quan họ, dù là người xứ Bắc hay đã lưu lạc từ lâu vào tận trong Nam xa xôi.

Nguyễn Huệ mỉm cười đùa:

– Hay tổ tiên ta gốc người Kinh Bắc.

Cả đoàn cười vui vẻ. Nguyễn Huệ tiếp:

– Ta muốn tặng Bắc Cung hoàng hậu một bộ trang phục Quan họ này.

Nguyễn Cảnh Thước đi phía sau lên tiếng:

– Thưa Ngài, việc đó tôi xin được đảm trách.

Họ tiếp tục đi xem các thuyền rồng trên sông và nghe những câu hát Quan họ đối đáp giao duyên giữa nam và nữ đến lúc trăng lên cao mới ra về.

Đêm đó nhà vua về ngự tại thành Kinh Bắc. Hôm sau Trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước tiền hô hậu ủng hộ tống nhà vua về xứ Thuận Thành để tế mộ Kinh Dương Vương. Ngôi mộ được xây bên bờ sông Đuống, nơi có cuộc đất hội đủ tứ linh long lân quy phụng của phong thủy. Sau khi làm lễ bái các vị tổ của dân tộc, vua Quang Trung bảo:

– Các khanh hãy nói rõ cho ta nghe về vị thủy tổ này.

Phan Huy Ích kể:

Theo huyền sử Việt, Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh, đóng quân tại đó rồi lấy con gái bà Vụ Tiên, sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi, làm vua phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam chính là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương đặt tên nước là Xích Qủy, chọn đất Kinh Bắc này làm kinh đô, truyền mười tám đời Hùng Vương, mãi đến khi Thục Phán An Dương Vương đánh thắng Âu Lạc mới dời kinh đô về đất Cổ Loa, xây thành, chống lại Triệu Đà ở Nam Quận. Nhưng đến thời Bắc thuộc, nhà Hán lại trở về Kinh Bắc dựng thành Luy Lâu để đặt bộ máy cai trị. Thời ấy, địa bàn nước Xích Qủy của vua Kinh Dương Vương rất rộng lớn, phía Bắc là miền đồng bằng thuộc lưu vực sông Dương Tử giáp Động Đình Hồ, phía Nam giáp nước Lâm Ấp, Tây giáp đất Ba Thục, Đông giáp biển Đông. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm. Sau này Sùng Lãm kế vị, xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (Đế Lai là con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ. Âu Cơ được sinh ra bên bờ Âu Giang, nơi có hàng ngàn chim Âu sinh sống, vì vậy Đế Lai lấy tên chim Âu đặt cho con gái. Cũng có lẽ vì thế mà có truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con trai tạo thành giống Bách Việt của chúng ta với nhiều bộ tộc nhỏ. Theo truyền thuyết thì vua Hùng đầu tiên chính là cháu nội của Kinh Dương Vương.

Nhà vua nghe kể đến đây, hỏi ngay:

– Vậy biên giới nước ta xưa kia lên đến tận sông Dương Tử?

– Dạ, đúng thế, tâu Hoàng thượng. Cho đến đời Triệu Đà, sau khi chiến thắng vua An Dương Vương đã sáp nhập tất cả các bộ tộc Bách Việt lại với nhau lập nên nước Nam Việt và tự xưng Nam Việt Vũ Vương, đóng đô ở Phiên Ngung tức Quảng Châu ngày nay, đứng ngang hàng với nhà Hán. Cương thổ nước Nam Việt thời bấy giờ phía bắc giáp núi Nam Lĩnh, gồm cả biên giới phía bắc của Quảng Đông và Quảng Tây, đông đến Mân Việt, Phúc Kiến, phía tây giáp Dạ Lang, Vân Nam và phía nam đến Hoành Sơn của Lâm Ấp. Sau nhà Triệu bị nhà Hán tiêu diệt, dân ta phải chịu ách một ngàn năm Bắc thuộc, vùng Lưỡng Quảng của chúng ta đã bị người Hán chiếm lấy.

Ánh mắt vua Quang Trung chợt lóe lên một tia sáng, ông hỏi:

– Từ sau Triệu Vũ Vương đã có ai dám đánh lại nước Trung Hoa và sánh ngang hàng với họ chưa?

Huy Ích tâu:

– Đời Lý có Lý Thường Kiệt đánh Tống, đời Trần có Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên rồi đến Lê Thái Tổ đánh giặc Minh…

Nhà vua ngắt lời:

– Nhưng đã có ai dám đánh sang để chiếm đất của Tàu chưa?

– Muôn tâu, việc này thì chưa có ai làm.

Đôi mắt vua Quang Trung lại lóe lên tia sáng cương quyết, ông hăng hái nói:

– Chưa có ai làm vậy để trẫm làm cho mà coi. Chúng ta phải đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây về cho nước Việt.

Phạm Cần Chánh đứng bên cạnh hừng chí lên tiếng:

– Hoàng thượng đã được Bắc Cung hoàng hậu tặng danh hiệu “Cổ kim bách thắng Long Nhương tướng”, việc đánh sang Tàu đòi đất Lưỡng Quảng tất phải thắng lợi. Thần xin lãnh ấn tiên phuông để đánh cho chúng chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn như vừa rồi để từ nay bọn người Hán hết còn dám khinh thị chúng ta là Man di nữa.

ờng như vị thủy tổ Kinh Dương Vương chợt hiện về với con cháu khiến mọi người chợt thấy tinh thần phấn chấn, hào khí bồng bột dâng cao nên đồng thanh nói:

– Hoàng thượng ra quân, chúng thần dẫu chết cũng sẽ một tiến không lùi.

Vua Quang Trung thấy các quan hăng hái như vậy trong lòng rất đẹp. Ông nói:

– Nếu toàn dân Việt đoàn kết lại, việc đánh thắng bọn Tàu có khó gì. Các khanh hãy xem, dân Mãn Thanh không đông bằng dân Việt, vậy mà chúng đô hộ người Hán hơn trăm năm nay rồi. Hãy dẹp bỏ lòng tự ti, thống nhất ý chí thành một khối thì giặc nào ta cũng thắng được cả. Huống chi triều đình Mãn Thanh hiện nay đang còn phải nơm nớp lo sợ người Hán, người Hồi, người Mông Cổ.. nổi lên đánh đổ. Ta đem một khối thống nhất đi đánh một liên minh rệu rã thì cái thế tất thắng đã rõ ràng rồi.

Bá quan đồng thanh:

– Chúng thần sẽ tạc dạ những lời vàng ngọc này.

Phan Huy Ích nhìn các đồng liêu phân tích thêm:

– Đúng như lời Hoàng thượng vừa nói, đối với người Hán, chúng ta không có gì để tự ti cả như Phạm Thiết Sóc nghĩ. Suốt dòng lịch sử Trung Quốc, số phận người Hán cũng long đong, nhục nhã vì bị các dân tộc phương bắc ức hiếp, đô hộ không biết bao nhiêu lần.

Phạm Cần Chánh thích thú giục:

– Ngài thị lang kể hết ra cho chúng tôi nghe đi.

Huy Ích vui vẻ tiếp:

– Trong các triều đại Trung Quốc, dù Tần Thủy Hoàng đã cho xây Vạn Lý Trường Thành để che chắn mặt bắc, nhưng triều đại nào của họ cũng bị các Rợ phương bắc quấy nhiễu và buộc phải nộp cống. Nhà Hán thì có người Hung Nô, tức Rợ Hồ. Các vua Hồ, còn gọi là Thiền Vu, qúa mạnh, đến độ các vua Hán ngoài việc triều cống rất nhiều vàng bạc, châu báu, còn phải đem cả vợ yêu của mình nộp cho họ. Đó là trường hợp của Hán Nguyên Đế (vào năm 31 trước Công nguyên), đã đem Vương Chiêu Quân, một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc, sang cống cho Thiền Vu Hồ Hán Tà, tạo nên một thiên tình sử đắng cay cho người Trung Quốc. Đến đời Tây Tấn (năm 265 – 317), người Hán lại bị rợ Ngũ Hồ gồm Hung Nô, Yết, Mông Cổ, Mãn Châu và Tây Tạng đồng loạt vượt Trường thành xâm chiếm lưu vực sông Hoàng Hà và phần lớn Trung Nguyên. Thiền Vu Hung Nô là Lưu Uyên mạnh nhất trong Ngũ Hồ nên chiếm gần như toàn bộ Trung Quốc chỉ còn phần đất miền nam sông Dương Tử. Lưu Uyên bỏ quốc hiệu Hán, lập nên triều đại mới là nhà Triệu, thiết lập nền cai trị khắc nghiệt đối với người Hán. Giai đoạn đó Trung Quốc bị chia cắt thành năm nước nhỏ chiến tranh liên miên, cuối cùng còn lại hai nước, đó là thời Nam Bắc Triều.

Vua Quang Trung nói:

– Đó cũng là giai đoạn chúng đang đô hộ nước ta sau khi thắng nhà Triệu.

– Tâu vâng. Thời đó, phần đất Đông Ngô của Trung Quốc không bị rợ Hung Nô xâm chiếm nên họ vẫn đủ mạnh để giữ vững nền đô hộ nước ta.

– Kể tiếp đi.

800px-B%E1%BA%A3n_%C4%91%E1%BB%93_L%C4%A9nh_Nam_02[1]

Huy Ích tiếp:

– Sau khi Lý Thế Dân thống nhất Nam Bắc Triều lập nên nhà Đường, nước Trung Hoa vẫn bị Rợ Hồ quấy nhiễu, các vua Đường phải tiến cống vàng bạc hàng năm để mua lấy sự thanh bình. Tuy vậy, sau loạn An Lộc Sơn, nhà Đường suy yếu, Rợ Hồ nhơn cơ hội xâm chiếm Trung Nguyên, vơ vét vô số tài sản và giết chết hơn nửa số dân Trung Quốc. Nhà Đường suy, Trung quốc bị chia thành năm nước gọi là thời Ngũ Đại. Khi Triệu Khuông Dẫn diệt Ngũ Đại lập nên nhà Tống thì ở phương bắc rợ Khiết Đan và Tây Hạ cũng lớn mạnh. Khiết Đan tiêu diệt các rợ khác lập nên nước Liêu và có ý dòm ngó Trung Nguyên. Các vua Tống lại phải chịu nhục nộp cống cho nước Liêu để cầu hòa, còn phải cắt bảy trăm dặm đất để dâng cho nước Liêu. Số cống phẩm hàng năm lên đến hai mươi lăm vạn lạng bạc và hai mươi lăm vạn tấm lụa.

Mọi người kinh ngạc la lên:

– Nhiều đến như vậy sao? Vậy thì quốc khố nước Tống còn gì?

Huy Ích nói:

– Cho nên dân Tống lúc ấy rất nghèo khổ. Chịu nhục với nước Liêu, Tống gỡ thể diện bằng cách đem quân đánh Tây Hạ và Đại Việt, nhưng Tống bị thiệt mất gần sáu mươi vạn quân ở Tây Hạ, còn ở Đại Việt, quân Tống bị Lý Thường Kiệt đánh một trận tan tành ở sông Như Nguyệt, chết mất hai vạn quân.

Vua Quang Trung nói:

– Lúc ấy Lý Thường Kiệt đã viết nên bản tuyên ngôn độc lập cho nước nhà.

– Tâu vâng.

Tín Nhi nói:

– Bọn Tống đụng đâu bị thê thảm đó thì sống sao nổi nữa.

Huy Ích nói:

– Đúng là không sống nổi thật. Vì nước Tống bấy giờ lâm vào cảnh họa vô đơn chí. Họa nước Liêu chưa hết thì bắc phương lại có một bộ tộc khác là Nữ Chân lớn mạnh lên và diệt nước Liêu, lập nên nước Kim. Kim quốc diệt Liêu xong đem quân đánh Tống và chiếm nửa giang san Trung Quốc, bắt vua Tống về Kim quốc, lập chính quyền bù nhìn để cai trị gọi là Bắc Tống. Cao Tôn nhà Tống chạy vào nam lập thành nước Nam Tống, đánh nhau với bắc Tống của Kim quốc. Sau quân Kim qúa mạnh, Nam Tống lại phải chịu nhục cầu hòa, nạp cống hàng năm. Cống phẩm Nam Tống phải nộp cho Kim quốc là mười vạn lạng bạc và mười vạn tấm lụa. Vua Tống còn phải gọi vua Kim bằng Bác và xưng cháu. Có thể nói thời bấy giờ, nước Trung Hoa trở thành bán thuộc địa của Kim quốc. Nhưng câu họa vô đơn chí vẫn đeo đẳng số phận nhân dân Trung Quốc khi bộ tộc Sát Đát của Thành Cát Tư Hãn thành hình lập nên đại đế quốc Mông Cổ, tiêu diệt nước Kim và chiếm trọn lãnh thổ Trung Hoa, thiết lập nên nhà Nguyên, đặt nền đô hộ ở Trung Quốc hơn trăm năm với sự đối xử hết sức phân biệt và khắc nghiệt giữa người thống trị và kẻ bị trị.

Cần Chánh hỏi:

– Bọn Mông Cổ hung hăng như vậy nhưng khi tiến sang Đại Việt đã bị thảm bại chạy dài phải không?

– Đúng vậy. Và không chỉ bại một, mà đến ba lần. Sau khi bị Hưng Đạo Vương đánh bại lần thứ ba, đế quốc Mông Cổ suy yếu dần. Chu Nguyên Chương nổi dậy đuổi được Mông Cổ lập nên nhà Minh cho Trung Quốc. Dân Trung Quốc sống thanh bình được gần ba trăm năm thì lại bị người Mãn Châu đánh chiếm và đặt nền đô hộ từ gần một thế kỷ rưỡi nay. Dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người Trung Quốc lần này là việc bị người Mãn Châu bắt bỏ kiểu tóc búi tó, cạo đầu phía trước và thắt hai bím dài sau lưng.

Tín Nhi hỏi:

– Như vậy so với Đại Việt nhỏ bé chúng ta, số phận của tên không lồ Trung Quốc còn bi đát và nhục nhã hơn nhiều phải không?

Phan Huy Ích cảm thán:

– Có thể nói, hai dân tộc, một lớn một nhỏ, nhưng số phận truân kiểu thì gần như nhau.

Vua Quang Trung chợt hỏi:

– Khanh nói Đế Minh phong Đế Nghi làm vua phương bắc, như vậy nước của Đế Nghi có quan hệ thế nào với nước Trung Quốc của người Hán?

Huy Ích tâu:

– Đế Nghi truyền ngôi cho con là Đế Lai. Đế Lai sau khi lên ngôi, nhớ đến chuyện tuần thú phương nam gặp được tiên của ông nội mình là Đế Minh nên giao nước cho viên cận tướng là Xuy Vưu thay mình trông coi, còn ông dẫn con gái yêu là Âu Cơ tuần du xuống phương nam, tạo nên mối duyên lành giữa tổ Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ của chúng ta. Trong khi đó ở phương bắc, người Hán, một sắc dân du mục bên kia bờ Hoàng Hà, dưới sự lãnh đạo của Hoàng Đế đã vượt sông đánh chiếm đất nước của Đế Lai. Xuy Vưu giao chiến với Hoàng Đế một trận quyết định ở Trác Lộc nhưng thất bại, quân hai bên chết đến ức vạn. Trận đánh kinh hoàng đó còn lưu truyền mãi đến nay qua câu nói: “Tích nhựt Hoàng Đế chiến Xuy Vưu. Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu”. Từ đó người Hán thôn tính dần lãnh thổ Trung Nguyên lập nên nước Trung Quốc. Một số dân Việt bỏ chạy vào phương nam tìm lại anh em, đại đa số ở lại sống chung với người Hán. Với bản tính hung hăng của dân du mục, nước Trung Quốc của Hán tộc ngày một lớn mạnh, đẩy dần dân ta vào phương nam và thừa hưởng di sản văn hóa nông nghiệp của dân Bách Việt. Đặc biệt hơn hết là nền Minh triết Việt Nho.

Chợt nhớ đến bài chiếu lên ngôi, vua Quang Trung hỏi:

– Ta nghe trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã đem những triều đại của Trung Hoa và Đại Việt ra để so sánh, trong đó có cả nhà Triệu sánh với nhà Hán, tại sao trong bài chiếu lên ngôi, Thời Nhậm chỉ ghi từ các đời Đinh, Lê, Lý, Trần?

Phan Huy Ích thất sắc vội tâu:

– Muôn tâu. Hôm thảo chiếu, Ngô huynh có phân vân về điều này, chỉ vì trong cuốn Việt Sử Tiêu Án, nhạc phụ của hạ thần đã đưa nhà Triệu vào phần ngoại sử cho nên..

Nhà vua ngạc nhiên ngắt lời:

– Sao lại liệt nhà Triệu vào ngoại sử?

Huy Ích lo sợ tâu:

– Nhạc phụ cho rằng vì Triệu Vũ Vương là người Hán đem quân thôn tính các bộ lạc Bách Việt lập nên nhà Triệu. Tuy Triệu Vũ Vương đã lấy vợ Việt, áp dụng cách trị nước và mọi sinh hoạt khác theo phong tục dân Việt, nhưng vẫn phải coi nhà Triệu như là một sự đô hộ, là ngoại sử của Đại Việt. Cũng vì việc này, giữa nhạc phụ và Ngô huynh đã sinh ra xung khắc đến mức giận nhau tạo cớ cho người đời vu oan Ngô huynh đã gây nên cái chết cho nhạc phụ trong vụ án Nhâm Tý lúc trước.

– Thời Nhậm đã không đồng ý với cha, sao trong chiếu vẫn chỉ ghi từ nhà Đinh?

Huy Ích lo sợ ngần ngại đáp:

– Muôn tâu. Ngô huynh nghĩ lời chiếu chỉ nên nhắc đến các giai đoạn độc lập gần đây, không nhắc đến nhà Triệu vì không muốn đụng đến thời kỳ ngàn năm nô lệ.

Nhà vua biết Huy Ích không dám nói ra vấn đề Ngô Thời Nhậm tránh né vì sợ làm tủi vong linh của cha mình. Ông gật gù tỏ vẻ thông cảm hỏi:

– Ý khanh về vấn đề này thế nào?

Huy Ích tâu:

– Thần cũng không đồng ý với nhạc phụ. Vì lẽ tuy Triệu Đà là người Hán nhưng ông ta đã lấy vợ Việt và Việt hóa từ con người cho đến cách trị nước. Các đời vua kế tiếp của nhà Triệu đều có dòng máu Việt trong người. Huống chi nếu chúng ta từ chối nhà Triệu thì phải từ chối luôn cả triều đại của Thục Phán An Dương Vương, vì ông ta là người nước Thục. Vì vậy theo ý hạ thần, những cuộc chiến tranh thời đó giữa Triệu Đà và An Dương Vương cũng chỉ là cuộc nội chiến giữa các bộ tộc Bách Việt, cuối cùng dẫn đến sự thống nhất thành nước Nam Việt, giống như hiện tình đất nước chúng ta chia rẽ thành Nam Hà, Bắc Hà hiện nay, đến khi Hoàng thượng đứng ra thống nhất trở lại thành một mối.

Vua Quang Trung tuơi cười khen:

– Hay lắm. Trẫm đang có ý định đòi lại đất Lưỡng Quảng về cho Đại Việt, nếu gạt bỏ nhà Triệu ra khỏi chính sử thì lấy cớ gì để yêu sách với Càn Long.

– Dạ, Hoàng thượng.

Nhà vua lại hỏi tiếp:

– Trẫm nghe nói nhà Lê hàng năm có lệ phải tiến cống người vàng cho nhà Minh để đền mạng Liễu Thăng và vẫn giữ lệ ấy cho đến nay phải không?

– Dạ đúng vậy.

Ánh mắt vua Quang Trung long lên một tia sáng cương quyết, ông cười gằn:

– Bọn nhà Minh vì ngân khố bị các rợ phương bắc vét sạch nên quay sang áp bức dân ta. Chúng ta vừa giết chết Hứa Thế Hanh và vô số tướng lãnh khác, chẳng lẽ cũng phải đền cho chúng những con người vàng ấy nữa hay sao. Hừ! Từ nay trẫm sẽ bỏ cái lệ cống vàng vô lý đó xem Càn Long làm gì được chúng ta cho biết.

Sự hân hoan và thán phục hiện rõ trên nét mặt bá quan. Họ tin rằng một khi vua Quang Trung đã khẳng định, việc tất phải được thực hiện và thực hiện thành công.

*

Rời lăng mộ các vị thủy tổ, vua Quang Trung ngự đến chùa Dâu cách đó không xa để chủ trì lễ cầu siêu. Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Đại Việt, được xây dựng vào thế kỷ thứ ba. Đến thế kỷ thứ sáu, Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi từ Ấn Độ sang Trung Hoa rồi qua Đại Việt đã dừng lại ở đây và khai sáng Thiền phái Tì Ni Lưu Chi. Phật giáo Đại Việt bắt đầu phát triển mạnh từ ngôi chùa Dâu này.

Trước sân chùa, dưới chân tòa bảo tháp, tăng chúng đã cho lập một đàn cầu siêu lớn. Bấy giờ tuy đầu xuân nhưng bầu trời khắp vùng Thăng Long tứ trấn rất âm u có lẽ do khói lửa chiến tranh và âm hồn của bao nhiêu vạn người chết còn vương vất cõi trần tụ lại. Sau lễ đọc kinh cầu siêu của các vị đại sư chùa Dâu, vua Quang Trung được mời lên đàn để đọc bài văn tế vong hồn tử sĩ do Phan Huy Ích soạn. Nhà vua hôm nay mình khoác áo đạo sĩ, đầu đội mũ tam toà, cất giọng như chuông đồng nhưng âm hưởng rất bi thương đọc bài văn tế có đoạn như sau:

“…. Hởi các oan hồn tử sĩ phương bắc! Trẫm biết các ngươi chỉ vì tuân lệnh bề trên nên phải thác oan nơi xứ người do đó âm hồn chẳng biết về đâu, vất vưởng không nơi nương tựa. Nay Trẫm lập đàn bên sông cúng tế, cho thu nhặt hài cốt các ngươi chôn cất thành gò đống, lập miếu để thờ, không phân biệt các ngươi là người phương bắc, lòng thương của Trẫm như nhau…

Thương thay! Hỡi các oan hồn còn vất vưởng trên kia, nay Trẫm thể theo lòng nhân của trời đất, đích thân đốt nén hương này hòa quyện cùng lòng thành thương xót, đưa tiễn các ngươi trở về nơi hương chỉ, trở lại với đất tổ quê cha để còn đầu thai hóa kiếp.

Thượng hưởng”

Khi nhà vua đọc dứt bài văn tế, lạ thay bầu trời Thăng Long tứ trấn đang âm u bỗng trở nên quang đãng, rực rỡ nắng xuân. Hàng ngàn người có mặt tại sân chùa đều cho rằng lòng thành của nhà vua đã khiến cho những oan hồn của mấy mươi vạn quân Thanh và tử sĩ Đại Việt cảm thông và siêu thoát.

***

 


[1] Bản đồ nước Nam Việt nhà Triệu –

Nguồn:https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:B%E1%BA%A3n_%C4%91%E1%BB%93_L%C4%A9nh_Nam.png

{jcomments on}

0 thoughts on “Nhất Thống Sơn Hà – [tt]

  1. Tony

    – Bọn nhà Minh vì ngân khố bị các rợ phương bắc vét sạch nên quay sang áp bức dân ta. Chúng ta vừa giết chết Hứa Thế Hanh và vô số tướng lãnh khác, chẳng lẽ cũng phải đền cho chúng những con người vàng ấy nữa hay sao. Hừ! Từ nay trẫm sẽ bỏ cái lệ cống vàng vô lý đó xem Càn Long làm gì được chúng ta cho biết.
    Hoan hô Quang Trung Hoàng Đế.

    Reply
    1. Quang Võ

      Hoan hô Tony! VT miệt mài ngày đêm cố hoàn thành bộ truyện Nhất Thống Sơn Hà này cũng chỉ để mong được nghe 90 triệu tiếng Hoan hô Quang Trung Hoàng Đế này mà thôi. Tời giờ chỉ mới có mình Tony Hoan hô làm cho VT hơi bị shock. Cảm ơn lần nữa nghen.

      Reply
  2. Quốc Tuyên.

    Những trang sử hào hùng của dân tộc được Vũ Thanh thể hiện rất hay, nếu ngày ấy vua Quang Trung không mất sớm thì báy giờ bản đồ Việt Nam đã khác rồi.

    Reply
  3. Quang Võ

    Lịch sử không có chữ “nếu” Quốc Tuyên ơi. Cho nên muốn có thì chúng ta phải tự thực hiện lấy.

    Reply
  4. Tran kim loan

    Bài viết thật là công phu , & phải có đam mê nghiêng cứu lịch sử mới viết được,cám ơn Vũ Thanh đã cho đọc bài viết rất giá trị!

    Reply
  5. Đặng- Danh

    Cho dẫu là dã sử, đọc cũng nức lòng.Tự hào là con cháu Hoàng đế Quang Trung.

    Reply
  6. Nguyên Lương

    Hoan hô Quang Trung Ðại Ðế. Hoan hô Vũ Văn Sĩ. Hoan hô đất Tây Sơn anh hùng. Hoan hô đô đốc Nguyễn Văn Lộc ông tổ của giòng họ nhà mình.
    NL

    Reply
    1. Quang Võ

      Hì..hì.. Phen này Bác Nguyên Lương khoái chí nhé. Mai mốt Bác đọc hồi thứ 31, khi Càn Long tiếp Giả vương Phạm công Trị, Bác còn khoái chí tử nữa. Hoan hô Nguyên Lương!!!!

      Reply
      1. Nguyên Lương

        Vũ Thanh,
        Lần này, sau khi phát hành, ông nhớ làm cho thật đình đám ở mọi nơi khi ra mắt tập truyện dã sử này. Nói như Ðặng Danh, dù là dã sử nhưng sự thật ở đây còn nhiều hơn là chính sử.
        Phải một lần cho con dân Ðại Việt nhớ về những chiến tích hào hùng ngày xưa của cha ông mà dám ngẩng cao đầu, không chịu nhục, không bị khiếp sợ. Chúng ta không có nhiều tài sản, dân ta không đông, đất ta nhỏ nhưng tinh thần chống giặc xâm lăng trong từng con người Việt cao lớn nhất, vĩ đại nhất. Ông đã khơi dậy tinh thần bất khuất này trong thời buổi chúng ta cần nhất. Công đã bỏ ra nhiều, trí tuệ cũng như vật chất, những hy sinh này phải được mọi người ủng hộ. Ngay từ bây giờ, dù sách chưa ra mắt nhưng phải bắt đầu quảng cáo nhiều lên để mọi người nao nức đợi chờ.
        Cố lên nhé. Bạn bè và thân hữu đang sát cánh cùng Vũ Văn Sĩ đấy!
        NL

        Reply
        1. Quang Võ

          Tâu vâng! Vũ Lòi sỉ này nhất định sẽ làm rùm beng. Ngày mai sang Cali sẽ gặp anh Đặng Phú Phong và Du Tử Lê để bàn việc ra mắt sách vào tháng 11. Ra mắt cả 2 bộ một lúc, cùng với DVD Liveshow của Hoàng thục Linh sắp quay. Khanh và Thục Linh dự trù sẽ mời khoảng 20 ca sĩ ASIA tham dự. Nó sẽ đặt ờ nhà hàng Majestic 40 bàn, Sách sẽ do AMAZON in. Sẽ thông báo ngày chính thức, Bác PHẢI CÓ MẶT đêm đó để ủng hộ tinh thần. Trong dịp lễ Đống Đa nama 2016, mình sẽ làm một lần nửa ở Houston, tôi có nói chuyện với vài người bạn ở đó rồi. Việc tổ chức sẽ nhờ đến anh Nguyễn Mạnh An Dận. SẼ qúa trời, nhưng VT nhất thiết phải thực hiện. Đang cố gắng kết thúc câu chuyện, nhưng nghĩ đến lúc phải viết vua Quang Trung băng hà lại ngại ngùng vô cùng. Hà! Lòi sĩ này sẽ rơi lệ trước rồi các bạn cũng sẽ rơi theo sau này cho mà xem.

          Reply
  7. Phuong

    Hồi năm bảy tư tôi có đọc truyện dã sử Mười hai sứ của Vũ Ngọc Đỉnh (phần cuối chưa kịp xuất bản), những mưu kế của quân sư Lê Thảo khá giống mưu kế Gia Cát Lượng, dù biết thế, nhưng đọc vẫn thấy hợp lý, thấy hấp dẫn lôi cuốn vô cùng. Chương “Vì đại nghĩa, Nguyễn Nhạc thoái vị nhường ngôi/Thuận lòng dân, Nguyễn Huệ đăng cơ Hoàng đế.” trích đoạn trong trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt, tác giả lý giải nhẹ nhàng việc Nguyễn Nhạc nhường ngôi, coi hợp lý, chứng tỏ tác giả đã nghiên cứu công phu về lịch sử giai đoạn này. Cảm ơn ngòi bút sáng tạo Vũ Thanh, và mong tác giả hoàn tất sớm bộ tiểu thuyết dã sử này ra mắt độc giả.

    Reply
    1. Quang Võ

      Cảm ơn Phuong. Mười Hai Sứ là tác phẩm tuyệt hay, chỉ tiếc Vũ Ngọc Đỉnh bị ảnh hưởng của Tam Quốc Chí nhiều qúa. Phuong nhận xét rất đúng. VNĐỉnh viết tiểu thuyết dã sử, vì thơì đó đã qúa xa, dựng lại một câu chuyện như vậy thật hay và thật khó. VT viết bộ NTSHà này đi rất sát với lịch sử, chỉ tiểu thuyết hóa nó một chút cho dễ đọc, nhơn đó dùng những tài liệu mới phát hiện sau này ở Pháp, Mỹ, Trung Hoa, dung hợp lại và dùng nó để vo tròn những nơi bị tiều Nguyễn bóp méo. Họ cứ thổi phồng cuộc chém giết giữa 2 anh nhà Tây Sơn khiến người chết đến hàng chục vạn!!Họ nói mà không nghĩ, thơì đó dân số Thuận Quảng và Quy Nhơn bao nhiêu mà sau bao nhiêu cuộc chiến tranh, số quân còn lại bị chết đến chục vạn? Rồi ngay sau đó, quân ở đâu mà Nguyễn Huệ đem đi đánh Bắc Hà, rồi đánh quân Thanh tới 10 vạn quân nữa??? NTSH sẽ làm nhiệm vụ đính chính lạì những sai lầm kia. Các bạn đón xem, VT không nói qúa đâu.

      Reply
  8. lamcamai.

    Hoan hô Quang Trung Đại Đế.
    Hoan hô Vũ Thanh đã công phu nghiêng cứu viết nên trang sử oai hùng của dân tộc mạch lạc và lôi cuốn người đọc.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.