Vào khoảng cuối tháng 9.2004, tôi nhận đuợc thư của Xuân, một chị bạn trong nước, vừa gửi thư sang kể chuyện mới lạ về nhạc Trịnh công Sơn. Chị bảo báo chí và mọi người đang bàn tán về việc ca sĩ Thanh Lam đang chuyển đổi các bản nhạc của TCS từ giai điệu nguyên thủy sang giai điệu thời trang của nhạc Rock, nhạc Rap, Pop, v.v…Được hỏi ý kiến tại sao cô làm như thế thì Thanh Lam cho biết nếu hát nhạc TCS theo cách viết của ông thì không ai qua nổi Khánh Ly và điệu nhạc quá ư nhẹ nhàng không hợp mấy với giới trẻ hôm nay, vì vậy cần thổi một luồng gió mới vào để nhạc ông có nét sinh động hơn.
Tôi chưa biết Thanh Lam biến chuyển thế nào những giòng nhạc Trịnh, chỉ biết là chị bạn tôi – dĩ nhiên đồng trang tuổi trung niên với tôi – bảo rằng thấy cô ấy uốn éo như bị điện giựt và gào thét….”Trời ươm nắng, cho mây hồng…. ” mà bỗng hoảng hồn vì chẳng thấy đâu mây hồng, nắng ấm trong khi đám khán giả trẻ thì la ó cổ võ hò reo vang vội như điên. Biết tôi mê nhạc Trịnh và coi ông như thần tượng, chị bạn tôi hỏi tôi nghĩ thế nào về hiện tượng trên, vui hay buồn và đồng ý hay phản đối sự chuyển đổi đó?
Trịnh công Sơn là một hiện tượng đặc biệt của tân nhạc VN, đặc biệt không những vì số lượng khổng lồ và chất lượng phong phú trong các tác phẩm của ông mà vì sự phổ biến sâu rộng khắp mọi nơi, mọi tầng lớp trong xã hội từ hơn bốn mươi năm nay cho dù giờ đây ông không còn nữa với cuộc đời. Cá nhân ông gắn liền cùng lịch sữ cũng như nhạc ông mang hình ảnh, hơi hướm của con người ông, một con người thanh thoát trong cách đối xử cũng như trong thâm cùng tư tưởng. Nói đến nhạc Trịnh người ta nghĩ đến những âm điệu nhẹ như thơ, hiền như hơi thở cho dù đó là bài hát viết dưới bất cứ chủ đề nào. Người già yêu nhạc ông bằng những thâm trầm u uẩn, người trẻ mến nhạc ông bằng những nét tình đẹp tựa như mơ. Những cái thơ mộng, nhẹ nhàng đó cho người trong, kẻ ngoài thấy tính chất hiền lành của người Việt. Và cũng không ai chối cải chỉ có Khánh Ly mới diễn tả hết những gì ông muốn nói. Bỏ ra ngoài những chuyện xa xôi, chỉ nhìn về phương diện nghệ thuật thì quả đúng là họ sinh ra để gắn liền tên tuổi vào nhau. Nhìn phiếm diện thì ngoài Khánh Ly ra không ai có thể làm sống động được những giòng nhạc của ông, nhưng lấy cái tâm để nghe nhạc ông thì bất cứ ai cũng có thể là Khánh Ly để làm nhạc ông sống mãi muôn đời. Nếu chia động từ “hát“ theo văn phạm Anh, Pháp thì động từ này thay đổi theo chủ từ, nói nôm na để bảo rằng hay, dỡ tùy người hát. Nhưng chúng ta là người Việt, hát là hát, chỉ thay đổi chủ từ mà thôi, động từ bất biến. Người A’ Châu nói chung và người Việt nói riêng sống bằng cái tâm nhiều hơn người phương tây, nghe nhạc ông bằng cái tâm thì dù người hát là Khánh Ly hay là anh, là chị, là ông kia, bà nọ hoặc là tôi thì nhạc Trịnh lúc nào cũng thanh thoát tuyệt vời.
Nhưng những điều tôi kể trên chỉ nhắm vào nhạc Trịnh nguyên thủy, nhạc Trịnh do chính ông thực sự viết ra bằng tâm thức của ông. Nay ca sĩ Thanh Lam muốn những âm điệu hiền lành ấy nóng bỏng hơn cho hợp thời trang thì lại là chuyện khác. Tôi chưa được nghe Thanh Lam hát lần nào, lại càng chưa biết cô hát nhạc Trịnh theo lối mới ra sao, nhưng những gì chị bạn tôi kể làm tôi liên tưởng nhớ đến phim Sister Act do nữ tài tử da đen nổi tiếng Whoopi Goldberg đóng vai cô ca sĩ nhạc Rock, Rap vì tránh sự lùng bắt của người tình Mafia trả thù trong một sự tình cờ cô chứng kiến cảnh giết người của hắn nên cô phải tránh vào tu viện giả làm dì phước. Tại đây cô đã biến dàn đồng ca của nhà thờ thành ban nhạc Rock kéo theo sự thu hút, tham dự đông đảo của các con chiên, ngay cả Dức Giáo Hoàng trong buổi thăm viếng nơi đó cũng vỗ tay tán thưởng.
Dó là chuyện phim trên màn ảnh, ngoài đời sống thực, trong một buổi họp bạn bè vui vẽ của chúng tôi nhân chuyến du hành sang Thụy Sĩ của Khánh Ly hồi tháng 3.2004 vừa rồi, có sự tham dự của Thái Hòa, một ca sĩ trẻ được khá nhiều người biết ở Au châu. Khánh Ly vẫn hát theo lối cũ, không có gì thay đổi âm điệu. Nhưng Thái Hòa biến hóa hơn, nhạc chạy nhanh hơn, dồn dập hơn với nhiều nhạc cụ hơn và có cả các giọng phụ họa hòa âm theo chàng. Thái Hòa không hò hét, chàng vẫn giữ nhịp điệu nhẹ nhàng, nhưng người nghe thấy không khí sinh động hẳn lên dù thật tình lấy công tâm mà nói thì kỹ thuật hát của chàng không thể so sánh với sự điêu luyện của Khánh Ly. Chiều hôm sau, các bạn tôi, những người hay hát hơn là hát hay, họ họp nhau lại để hát bài Biển Nhớ, để vui đùa với nhau họ chuyển thể sang điệu Rap, nghe thật vui và lạ tai. Chúng ta thử tưởng tượng đang nhìn Khoa, Mai, Khải, Sang các nghệ sĩ không chuyên trình diễn như sau:
– Khoa bắt đầu (2 tay xỉa xỉa vô mặt Mai) : Chừng nào em đi ?
– Tới phiên Sang (tay chỉ chỏ Mai) : Chừng nào em đi ?
– Tới phiên Thiện (tay làm dấu để hỏi như dân Y’ hỏi che cos ‘è ?) : Chừng nào em đi ?
– Tới phiên Khải (cùng một điệu bộ) : Chừng nào em đi ?
– Mai trả lời (hất hất cái đầu): Ngày mai em đi !
– 4 mạng nam đồng loạt (dùng 2 tay làm dấu đuổi đi) : Ngày mai em đi ?
– Mai : Đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
– 4 mạng nam đồng loạt (cùng nghiêng m ình vào Mai) : nghiêng nghiêng đợi chờ
– Mai : Đợi chờ em đi
– 4 mạng nam đồng loạt : Sỏi đá trông em từng giờ
– Mai (thọc tay trong túi rút ra 2 cục đá sỏi vừa giơ vừa hát) : Nghe buồn nhịp chân bơ vơ .
– Khoa (mặt buồn buồn hỏi) : Hôm nao em día ?
Sang : Hôm nao em về ?
Thiện : Hôm nao em día ?
Khải : Hôm nao em về ?
Mai : Biển nhớ tên em gọi về
Khoa (mặt vui ra ) : Ngày mai em đi
Sang : Nghe trời gió lộng mà thương
Thiện (mặt khoái chí) : Ngày mai em đi
Khải : Nghe trời gió lộng mà thương
Khoa : Ngày mai em đi
Sang : Nghe trời gió lộng mà thương
Thiện : Ngày mai em đi
Khải : Nghe trời gió lộng …
Cả 5 mạng (đưa tay ấp vào tim) : … Mà …thương !
Chúng tôi vừa nghe, vừa cười thích thú, thấy dường như đâu đó có gương mặt hài lòng của Trịnh công Sơn. Tôi tin ông hài lòng vì nhạc ông không chỉ để than thở chuyện chia ly buồn thảm, mà nhân thế còn biết uyển chuyển biến nó buồn thành vui.
Cuộc đời biến chuyển không ngừng, từ kỹ thuật khoa học đến tư tưởng con người thì một bài nhạc, một thể điệu được chuyển thể cũng chẳng có gì để gọi là lạ. Trở lại câu hỏi của Xuân, bạn tôi, về cảm nghĩ chuyện ca sĩ Thanh Lam đang biến hóa nhạc Trịnh, tôi có thể nói cùng bạn tôi rằng, nhạc nguyên thủy của TCS thể hiện con người tác giả, con người đó khi muốn tham gia một vũ hội hóa trang cũng có thể mang nhiều chiếc mặt nạ để hòa nhập cuộc vui với đời, điều quan trọng là những chiếc mặt nạ đó không làm phiền bận chung quanh và không thay đổi tâm hồn người đó là được rồi. Dì phước Act khi vỗ tay đem Rock vào nhà thờ có làm mất đi uy quyền, phẫm hạnh của Chúa đâu? Hãy nhìn không gian nhạc với tầm nhìn rộng mở, ta già, ta có tuổi, ta nghe nhạc Trịnh trong lối ban sơ; tuổi trẻ, thanh niên thích sinh động, cứ cho họ hét hò theo ý họ. Thanh Lam đang làm một cuộc cách mạng cho nhạc của người quá cố, hoanh nghênh sự sáng tạo của nàng ca sĩ, chỉ mong dù chuyển thể thế nào khi hát xin đừng đi kèm những điệu bộ khích động thái quá làm mất đi hồn thơ của Trịnh công Sơn là được rồi. Bên kia bờ hư ảo, chắc hẳn người khách trọ trần gian ngày nào cũng đang mĩm cười thỏa nguyện thấy những đứa con tinh thần của mình sống mãi với thời gian qua mọi hình thái:
Du du vân ảnh biến thần tịch
(Bóng mây lững thững biến đổi sớm chiều)
(Nguyễn Du)
và đó há chẳng là cái nhân sinh quan cuộc đời biến chuyển mà ông vẫn thường tâm đắc hay sao ?
{jcomments on}