TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN
– Chương 20 –
Trầm luân xóa sạch – Cởi mối hàm oan
Công Chúa Huyền Trân qui y tại chùa Nộn Sơn
Mở lòng từ bi cứu nhân độ thế.
*
1. Từ khi Công Chúa Huyền Trân
2. Giã từ đất Phật Trúc Lâm hồi triều
3. Biệt cung khép kín buồng thêu
4. Sang chùa Tư Phúc sớm chiều câu kinh
5. Sau khi Đại Sĩ vãng sinh
{jcomments on}
6. Nàng qui y tại Vũ Ninh đạo tràng
7. Bỏ thân lá ngọc cành vàng
8. Khoác nâu sòng thọ Hương Tràng pháp danh
9. Bẩm sinh tư chất thông minh
10. Vinh quang tủi nhục tử sinh đã từng
11. Đạt tình hai chữ trầm luân
12. Huệ tâm thấu lý vô chừng thế gian
13. Cữa Thiền nhờ Ánh Đạo Vàng
14. Soi rõ Điạ Ngục[1], Niết Bàn là đâu
15. Vừa tròn hai ba tuổi đầu
16. Hương Tràng ngộ tánh thâm sâu hơn người
17. Hiểu Đạo không chỉ bằng lời
18. Tỏa trong phong thái thời thời an nhiên
19. Niệm niệm chấp tác[2] hành Thiền
20. Trồng rau tưới nước vẫn thường an vui
21. Nàng sống quên mất cái tôi
22. Mặt hoa từ ái vì người vui chung
23. Ni phòng sống với Tiên Dung
24. Nhận làm sư muội môn trung đồng hành
25. Đôi khi thổ lộ tâm tình
26. Chị em cởi mở lòng mình nói ra
27. Mới hay thân phận đàn bà
28. Cái điều duyên nợ thật là truân chuyên
29. Ông tơ giữ sợi lương duyên
30. Nếu không xe mối cố tìm chẳng ra
31. Lỡ làng uổng một kiếp hoa
32. Đau thương nếm trải phong ba cuộc đời
33. Gẫm vì nghiệp dĩ mà thôi
34. Nàng càng chuyên ý trau dồi sách kinh
35. Học cùng Bảo Phát sư huynh
36. Tròn năm chăm chỉ tâm thành sớm trưa
37. Đạt thông yếu lý Đại Thừa[3]
38. Được về mở cảnh tu chùa Nộn Sơn[4]
39. Đem theo sư muội Hương Nghiêm
40. Khai sơn lập tự chị em tu hành
41. Lượng ni nhập chúng[5] tăng nhanh
42. Tịnh Quang, Đàm Thái, ni sinh theo về
43. Dẫu cho Phật sự bộn bề
44. Hương Tràng thường xuống làng quê quanh vùng
45. Thăm nom giúp kẻ khốn cùng
46. Áo cơm, bệnh tật, hết lòng thương yêu
47. Mở lớp học cho trẻ nghèo
48. Dạy dân canh cửi phỏng theo người Chàm
49. Đôi khi hướng vọng về Nam
50. Niềm thương con trẻ chợt làm ruột đau
51. Lòng thiền cũng gợn nỗi sầu
52. Nhưng tuệ giác nhận thức câu vô thường
53. Có hạnh phúc có đau thương
54. Có vui sum họp có buồn phân ly
55. Không cùng con đẻ sum vầy
56. Thì vui với trẻ quanh đây con người
57. Chỉ là bỉ thử[6] mà thôi
58. Diệt bỏ ngã chấp[7] thì người như ta
59. Cho nên thái tử Đa Da
60. Như bao trẻ khác đồng là chúng sinh
61. Cùng đến từ cõi vô minh
62. Để rồi cùng cõi vô hình ra đi
63. Bà khởi tâm lượng Đại Bi[8]
64. Thương đàn trẻ dại kém gì Đa Da
65. Đức sáng tỏa khắp gần xa
66. Cứu khổ theo hạnh Phật Bà Quan Âm
67. Không ngừng mở rộng từ tâm
68. Cùng Hương Nghiêm vẫn về thăm Thái Đường[9]
69. Trùng tu đền Tổ, khói hương
70. Nhìn cảnh nghèo đói xót thương dân lành
71. Gom vàng mua ruộng triều đình
72. Cấp kẻ khó, dạy làng Dành[10] tằm tang
73. Đội ơn dân gọi “ruộng vàng”
74. Công ơn sánh với Ỷ Lan[11] thuở nào
75. Một đời ân trọng đức cao
76. Tỏa khắp trần thế ngạt ngào hương sen
77. Nhưng vì chưa dứt nghiệp duyên
78. Tiếng đời còn lắm, oan khiên còn dài
79. Pháp linh tọa chốn Liên Đài[12]
80. Nhục thân nhục tánh trần ai luân trầm
81. Đắm chìm thêm bảy trăm năm
82. Trải qua ngàn kiếp hóa thân cõi đời
83. Mới tan nghiệp chướng luân hồi
84. Chứng quả Bồ Tát về nơi Niết Bàn
– Kết Từ –
85. Tâm thành nay cất tiếng than
86. Những mong cởi mối hàm oan cho Người
87. Tiền nhân lầm lẫn một lời[13]
88. Ghi vào sử sách, người đời làm ngơ
89. Bảy trăm năm xóa vết nhơ
90. Hậu sinh xin góp vần thơ vụng về
Vũ Thanh
Viết xong ngày 4 – 2 -2011
Mồng 1 -Tết Nguyên Đán – Tân Mão
Tại Florida – Hoa Kỳ
[1] Địa ngục hay cõi âm là một địa danh siêu nhiên được nhắc đến trong nhiều nền văn minh và tôn giáo. Theo đó, đây là nơi đến của các linh hồn sau khi chết. Phần lớn các tôn giáo đều cho rằng địa ngục là nơi giam giữ và trừng phạt các linh hồn tội lỗi.
[2] Chấp tác: Đang làm việc . Tu trong khi đang làm việc.
[3] Đại thừa: tức là “cỗ xe lớn” là một trong hai trường phái lớn của đạo Phật- phái kia là Tiểu thừa “cỗ xe nhỏ” . Nếu Tiểu thừa quan tâm đến sự giác ngộ của chính mình thì các đại biểu của Đại thừa mong muốn được giải thoát để cứu độ tất cả chúng sinh. Hình tượng tiêu biểu của Đại thừa là Bồ Tát. (BKTT mở)
[4] Chùa Nộn Sơn: Chùa ở núi Hổ Sơn, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
[5] Nhập chúng: Xin vào chùa để tu học.
[6] Bỉ: kia, cái kia, người kia. Thử: ấy, cái ấy, đối với chữ bỉ.
[7] Ngã chấp: Sự chấp trước của cái tôi bằng tâm phân biệt. Đạo Phật chủ trương Vô Ngã vì mọi sự đều là Không.
[8] Đại Bi: là một trong ba đức tính căn bản của người Phật tử . Từ Bi, Trí Tuệ và Đại Lực. (Bi, Trí, Dũng)
[9] Thái Đường: thuộc xã Tiến Đức – huyện Hưng Hà – Thái Bình là nơi có mộ tổ của của ba Vua nhà Trần cùng mộ của Nguyên Từ Hoàng Hậu mẹ của Huyền Trân Công Chúa .
[10] Làng Dành: thuộc xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình. Là làng được Ni sư Hương Tràng dùng vàng mua ruộng rồi cấp cho nhiều nhất (28 mẫu). Các làng khác được ít hơn, tổng số được 36 mẫu . Dân làng gọi đó là “ruộng vàng”. Nhớ ơn Bà dân làng Dành lập đền thờ phụng hương khói quanh năm cho đến nay.
[11] Hoàng Hậu Ỷ Lan: Tên thật là Lê Thị Yến. Nguyên quán ở trại Thổ Lỗi , hương Siêu Loại, nay thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Năm Qúy Mão 1063, Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai. Vua và Hoàng Hậu đi cầu tự nhiều nơi nhưng không thành. Một sáng mùa xuân, vua về viếng thăm chùa Du, tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành dân làng mở hội nghênh giá. Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, thấy một cô thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc Lan . Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang dịu dàng. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung. Lý Thánh Tông phong cô là Ỷ Lan phu nhân, cũng có ý kỷ niệm hình ảnh cô gái đứng tựa bên gốc lan. Năm Kỷ Dậu 1069 L ý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh Chiêm Thành trao quyền nhiếp chính cho Ỷ Lan. Ỷ Lan trông coi việc nội trị rất được lòng dân chúng. Trong nước tình hình ổn định vững vàng, nhân dân mang ơn, gọi là bà Quan Âm. Lý Thánh Tông đánh giặc lâu ngày không thắng, bèn trao quyền binh cho Lý Thường Kiệt, đem một cánh quân nhỏ quay về. Đến Mạt Liên, (Tiên Lữ, Hưng Yên ngày nay), Lý Thánh Tông hay tin Ỷ Lan trị nước vững vàng, vua hổ thẹn quay ra trận quyết đánh cho kỳ thắng mới về. Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước của Lý Thánh Tông, có vai trò không nhỏ của Nguyên phi Ỷ Lan. Là một phụ nữ tài trí, lại được Lý Thường Kiệt ủng hộ nên Hoàng Thái Hậu đã có những đóng góp tích cực vào cơ nghiệp nhà Lý. Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan còn chăm lo đến việc mở mang dân trí, thi cử học hành. Bà ban hành nhiều chính sách tiến bộ như chuộc nô tỳ, tha cung nữ, giảm tô thuế, cấm giết trâu bò ….
[12] Liên Đài: Đài sen của chư Phật và Bồ Tát.
[13] Khi được Vua Lê Thánh Tông giao phó cho việc viết lại bộ Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu, sử thần Ngô Sĩ Liên có viết trong lời tựa rằng: “ ..Sử trước ghi chép có chỗ chưa đủ, nghĩa lệ còn có chỗ chưa đáng, văn tự còn có chỗ chưa ổn ..” nên ông hiệu chính, biên soạn lại bằng cách: “Chỗ nào quên sót thì bổ sung thêm, lệ nào chưa thỏa đáng thì cải chính lại, văn có chỗ chưa ổn thì đổi đi, thỉnh thoảng gặp những việc thiện ác có thể khuyên răn được thì góp ý…”.Vì thế trong bộ “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” viết xong năm 1479, (170 năm sau chuyện Công Chúa Huyền Trân sang Chiêm Quốc) , sử gia Ngô Sĩ Liên đã viết: “…Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy Công Chúa đem về, rồi tư thông với Công Chúa, đi đường biển loanh quanh chậm chạp, lâu ngày mới về đến Kinh đô …). Và đã có lời bình: “ ..Thói gian tà của Khắc Chung thật quá quắt lắm! Không những hắn giở trò chó lợn ở đây mà sau này còn hùa với Văn Hiếu vu hãm Quốc Phụ Thượng Tể ( Huệ Vũ Vương Quốc Chẩn) vào tội phản nghịch làm chết oan đến hơn trăm người. Thế mà hắn được trọn đời phú qúy . Khổng Tử nói: “Kẻ gian tà được sống sót là may mà thoát tội chăng?”
Song, sau khi hắn chết, gia nô của Thiệu Vũ Vương (con Quốc Chẩn) đào xác hắn lên mà vằm nhỏ ra thì lời thánh nhân càng đáng tin”. (ĐVSKTT)
Đây có phải là chỗ lầm lẫn trong lịch sử theo như lời tựa viết ban đầu của Ông không? Và văn phong ở đây sao lại bộc lộ đầy tình cảm cá nhân chứ không phải là lời bình khách quan của một người viết sử ???
Chúc mừng Vũ Thanh đã hoàn thành thi phẩm đồ sộ này … Ngày ra mắt , sẽ không xa … phải không Vũ Thanh ? (Có lên QHung nên nhin thì giờ còn qua CA nữa nhé !)
Bảy trăm năm xóa vết nhơ
Hậu sinh xin góp vần thơ vụng về.
Sao mà khiêm tốn quá dzậy vũ Thanh! chúc mừng VT đã hoàn thành thi phẩm này! rất xuất sắc….
Chúc mừng Vũ Thanh đã hoàn thành tập Sử thi của mình.
Bảy trăm năm xóa vết nhơ
Vũ Thanh xin góp vần thơ gọi là!
Vậy mới được phải không Chị Loan?
[quote name=”HNT”]Chúc mừng Vũ Thanh đã hoàn thành tập Sử thi của mình.
Bảy trăm năm xóa vết nhơ
Vũ Thanh xin góp vần thơ gọi là!
Vậy mới được phải không Chị Loan?[/quote]
Mình cũng cùng ý kiến với Tín và Kim Loan , Vũ Thanh khiêm tốn quá , chúc mừng , chúc mừng nha!
Em cũng cùng ý kiến với chị Loan, chị Tuyên và Tín.
Anh Vũ Thanh tài hoa quá. Nguyentiet Xin chúc mừng.
CHÚC MỪNG VŨ THANH ĐÃ HOÀN THÀNH TẬP SỬ THI CỦA MÌNH.
Chúc mừng…chúc mừng… chúc mừng…
Chúc mừng Vũ Thanh đã hoàn tất thi phẩm rất công phu và vĩ đại !!! hôm nào nhớ khao bà con HX nghen VT 😀
Nhớ “chùm khế ngọt” ghê !
Cảm ơn tất cả các bạn đã theo dõi, ủng hộ, khen ngợi và góp ý VT trong suốt thời gian đăng TSHT. Tất cả những góp ý của các bạn sẽ được VT trân trọng và dùng để hoàn chỉnh tác phẩm sau này. Còn việc ra mắt tác phẩm như TCThân hỏi thì còn lâu lắm. Hy vọng năm tới VT sẽ cho ra mắt Hòn Vọng Phu, vì VT đang bỏ hết tâm ý vào việc sửa chữa nó.
Thi sĩ Du Tử Lê có nhã ý sẽ đăng trường thi Trương Chi- Mỵ Nương của VT lên trang web của ông ta, khi nào đăng, VT sẽ báo cho các bạn biết (VT đang chờ cháu Khanh hòa âm nhạc phẩm “Giọt Lệ Mỵ Nương ” xong là đăng ngay.)
-Ông tào lao qủa nhiên là tào lao vì nói chuyện ngược đời. Hương Xưa phải khao VT mới là phải lẽ chứ !!!??? Thôi 16-6 này VT lên nhà Hùng con, Mỹ thắng đại diện Hương Xưa xuống khao VT cũng được vậy, Hương Xưa đồng ý không ??? (thu xếp gặp nhau bắt tay rồi về cũng được nhé)
Cảm ơn những lời chúc mừng của các bạn. VT sẽ vắng mặt một thời gian để lo những công trình tới, chúc toàn sân vui vẻ nhé.
Nói chơi tí mà…sao hay giật mình dậy Ông bạn !
Thiên sử thi đã hoàn tất , mà người đọc vẫn thương cảm cho một nàng công chúa mang về hai châu . Châu Ô , Châu Lý cho nước nhà , mà còn phải chịu tiếng oan . Bảy trăm năm sau mới đươc minh oan , có lẽ HTCC cũng rất hài lòng với ngòi bút tài tình của Vũ Thanh .
89. Bảy trăm năm xóa vết nhơ
90. Hậu sinh xin góp vần thơ vụng về …
Cảm ơn Thu Thủy, nhưng tất cả chúng ta phải cùng nhau góp sức thì lời kêu oan kia mới có hiệu qủa. VT viết trường thi này cũng như người gióng lên tiếng trống kêu oan trước cữa nhà quan. Còn được minh oan hay không thì còn tùy làng xã vua chúa .. cùng những người đồng loại. VT bỗng dưng học đòi cầm bút nên cũng muốn thực hiện một phần vai trò của mình, rất mong được sự ủng hộ từ mọi phía, bạn bè, xã hội… để trang lịch sử nước nhà sáng lạng hơn.
– Chương trình tới, VT sẽ viết “Tình Sử Mỵ Châu – Trọng Thủy”. Thiên tình sử này cũng đầy máu lệ đau thương, và cũng là buổi khởi đầu lịch sử đầy tranh luận của dân tộc Việt. Đó là vấn đề công hay tội của Triệu Đà và Trọng Thủy. Vấn đề này đã được tranh cãi suốt dòng lịch sử chính thống cũng như trong dân gian dân Việt ta từ ngày lập quốc. VT cũng có nhiều đắn đo nhưng hy vọng quyết định của mình sẽ được các bạn hổ trợ. Vì lẽ VT lúc nào cũng muốn viết về quê hương Việt Nam bằng một tình yêu chân thật , không vụ lợi cho riêng mình, cho nên hy vọng rằng sự trung thật đó sẽ cho VT được cái nhìn khách quan về những vấn đề đã từng có nhiều tranh cãi xưa nay. Chưa biết bao giờ VT mới hoàn thành nhưng hy vọng được sự ủng hộ tinh thần từ các bạn. Chúc TT và tất cả vui vẻ.