Tản mạn về một cuốn sách cũ: Cổ học tinh hoa.

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Đức Khổng-tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm. Đức Khổng-tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: “Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc.”
Đức Khổng-tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc?
Người đàn bà nói: Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa.

Câu chuyện trên với tựa đề “Không quên cái cũ” là mẩu chuyện đầu tiên trong quyển sách “Cổ học tinh hoa”, một câu chuyện kể thật là vô vị với một đứa trẻ học bậc tiểu học như tôi vào thời đầu thập niên sáu mươi. Thời ấy, trong nhà người cậu tôi, vốn là con một ông thầy đồ, có một tráp sách xưa mà cậu tôi coi rất quí. Tôi thỉnh thoảng mò đọc ké mấy cuốn sách xưa ấy, trong đó có một cuốn sách khổ nhỏ mà tôi ưa thích nhất, cuốn Cổ học tinh hoa, tôi đọc không biết bao nhiêu lần bởi sự hấp dẫn của nó, và cũng bởi ông cậu như cố tình để quyển này cho người nhà đọc, còn những quyển khác ông cất kỹ, ít khi lấy ra. Những năm tháng ấy, ở miền quê hẻo lánh như làng tôi, tập vở bút mực rất quí hiếm, dùng ngòi bút hình lá tre chấm với lọ mực màu tím, tập viết chữ trên tờ lá chuối khô là chuyện thường ngày với chúng tôi, nói chi đến chuyện tiếp xúc được sách vở xuất bản đương thời. Mà sách vở in ấn đương thời xem ra cũng chưa phát triển được bao nhiêu, ở các cửa hàng sách trên huyện đa số là bán sách truyện Tàu in giấy hẩm do nhà xuất bản Tín Đức Thư Xã phát hành.

Tôi nói sở dĩ phải đọc tới đọc lui như vậy, cũng bởi quá nhiều mẩu chuyện, mà đa phần là những câu truyện ngắn, muốn chọn chuyện nào đọc cũng được, đang đọc, nghe mẹ kêu về nhà ăn cơm thì bỏ sách lại chạy về, khi nào rảnh chạy qua lấy đọc tiếp. Phần vì mỗi lần đọc thì mỗi lần đều thấy thích thú, trí tưởng tượng lại lại thăng hoa, như chuyện “Hà Bá lấy vợ” chẳng hạn. Chuyện kể về ông quan tên là Tây Môn Báo xô bà đồng cốt và các chức sắc trong làng xuống sông để “mặc cả” với thần sông Hà Bá, về chuyện cô vợ sắp dâng hiến không được đẹp lắm. Ông quan mới đến nhậm sở này đã thẳng tay xoá bỏ được nạn cường hào ác bá ở làng xã, từ lâu dùng hủ tục mê tín để trục lợi cho riêng mình. Hay thích thú với chuyện “Cáo mượn oai hùm”, thử tưởng tượng con Cáo nói khoác đi trước, còn con Hổ lẽo đẽo đi theo, bách thú trong rừng nhìn thấy thế chạy tán loạn. Và con Hổ nghĩ rằng bọn chúng sợ con Cáo đi trước mặt mình, không phải sợ nó, đúng như lời con Cáo nói. Mẩu chuyện này gây tưởng tượng vui nhộn trong đầu óc trẻ con chúng tôi, tôi nghĩ chắc là con cáo vừa đi vừa run, chứ lúc ấy không nghĩ nhiều về ý nghĩa ngụ ngôn của nó là mượn quyền thế của người để đe doạ người.

Có những mẩu chuyện đọc lên tôi cảm thấy sợ hãi, nỗi sợ cứ ám ảnh dai dẳng trong đầu, chuyện Dự Nhượng báo thù là một trong số những chuyện ấy. Sau lần lén núp trả thù cho chủ không thành công, và được tha chết. Dự Nhượng cạo râu, cạo chân mày, sơn mình giả làm thằng hủi ăn mày, lại nuốt than hồng cho đổi cả tiếng nói, để dễ dàng tiếp cận mà hành thích Triệu Tương Tử, kẻ thù giết chủ mình. Nhưng cuối cùng vẫn bị phát giác, Dự Nhượng trước khi chết thỉnh cầu được đâm vào chiếc áo Triệu Tương Tử đang mặc để thoả lòng báo thù. Tương Tử kính trọng kẻ sĩ, bèn đưa áo. Dự Nhượng nhảy bổ vào hò hét, đâm chiếc áo ba lần, rồi xoay lại đâm cổ mình tự vẫn. Câu chuyện gây ghê sợ trong tôi, tôi không hiểu người này là tốt hay xấu, đáng khen hay đáng chê, với tôi, người ta đã tha mà vẫn cố chấp, tôi lại có thiện cảm với ông quan họ Triệu hơn. Và có nhiều mẩu chuyện đọc hoài vẫn thấy không hiểu, càng đọc càng thấy mơ hồ. Như chuyện “Khôn chết, dại chết, biết sống” nói về có tài và bất tài, hoặc chuyện “Mua nghĩa”:

Mạnh Thường Quân sai Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi Phùng Huyên hỏi tiền thu được có định mua gì về hay không? Mạnh Thường Quân nói, người xem trong nhà ta có thiếu thứ gì thì mua. Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại bảo rằng các ngươi công nợ bao nhiêu Thường Quân đều cho cả, nói rồi đem văn tự ra đốt sạch. Lúc về Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng, nhà tướng công kho báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu gì nữa, chỉ còn thiếu một cái nghĩa, tôi trộm phép vì tướng công đã mua nó về. Mạnh Thường Quân nghe thấy nói thế không vui, nhưng cũng không nói gì đến tiền nữa. Sau Mạnh Thường Quân mất chức, bãi quan lui về ấp Tiết, dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, kéo nhau ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng, trước tiên sinh vì tôi mua nghĩa, nghĩa ấy ngày nay mới trông thấy.

Câu chuyện chỉ kể vắn tắt như thế thì làm sao một đưa trẻ tiểu học hiểu hết được ý nghĩa của nó, lúc đó tôi đại khái hiểu rằng ông quan Mạnh Thường Quân có một gia nhân mưu trí, làm điều có lợi cho chủ, thế thôi, chứ còn mua nghĩa là mua cái thứ giống gì gì đó thì mù tịt, vì chẳng ai cắt nghĩa cho mà hiểu.

Những câu chuyện kể ngắn gọn súc tích đó ở lớp tuổi chúng tôi, người biết trước, kẻ biết sau, qua sách vở, hay qua lời kể lại của các bậc tiền bối, đã theo chúng tôi qua năm tháng, không ai là không nhớ một vài mẩu chuyện trong quyển sách ấy, ngụ ý trong những mẩu chuyện ngắn kể trong quyển sách ấy, trở thành là những bài học luân lý đạo đức đầu đời cho chúng tôi.

Cuốn “Cổ học tinh hoa” đúng như tên của nó, đó là sự góp nhặt chắt lọc những mẩu chuyện của người xưa. Hai cụ Ôn như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần lê Nhân đã tâm tình “Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đệ, nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sỉ …” hai cụ đã lựa chọn, dịch thuật, và ấn hành vào năm 1925. Cho đến thời nay sách vẫn còn tiếp tục tái bản, như thế đã có biết bao nhiêu thế hệ từng đọc tác phẩm này. Thế hệ các bậc tiền bối thời trước, chúng tôi không biết, nhưng khi hoà bình lập lại và nhất là giai đoạn đầu của thập niên sáu mươi, khung cảnh làng quê miền Nam thanh bình, chúng tôi lúc ấy ở lứa tuổi bậc tiểu học được thầy cô dạy dỗ bài học vỡ lòng về cách cư xử trong xã hội, như kính trên nhường dưới, bạn bè nhường nhịn nhau, gặp người lớn phải khoanh tay chào. Do đó, thời ấy, mỗi lần bọn học trò chúng tôi đi học về mà gặp người lớn đi qua, chúng tôi đều khoanh tay cuối đầu chào, dù là khách qua đường không quen biết, chỉ đi ngang qua làng mà thôi. Sống trong một cộng đồng làng xã nhuốm mùi tôn ti trật tự như thế thì những bài học luân lý trong cuốn sách cũng dễ thấm vào tâm trí chúng tôi.

Thời gian trôi qua, ngày càng lớn lên, mỗi trải nghiệm cuộc sống, là mỗi nâng cao sự thẩm thấu hiểu biết, làm rõ hơn những điều mà trước đây tôi mơ hồ, hay tưởng đã hiểu rõ, hiểu đủ rồi.

Từ làng quê mẹ tôi chuyển nhà lên thị trấn để cho con có cơ hội học tiếp bậc trung học. Khi học những năm đầu bậc trung học trên thị trấn, ở trường tôi có thầy giám thị dạy môn toán là một cư sĩ tu tại gia. Thầy đối xử với học sinh rất nghiêm khắc, lúc nào cũng cầm cây cù nèo dài nửa thước trên tay, sẵn sàng quất vào mông những học sinh không thuộc bài hoặc làm mất kỉ luật. Thử tưởng một nhà sư tầm thước, đầu trọc nhẵn, vận áo dài lam, mang guốc đi lộp cộp dọc hành lang, tay phải ôm cù nèo kẹp vào nách, tay trái xoa xoa cằm, với hàm râu quai nón mọc lún phún, gương mặt khắc khổ vừa đi vừa trừng trừng nhìn vào các lớp học. Trông chẳng khác Bồ Đề Đạt Ma lão tổ hay một Bất Giới Hoà Thượng. Bọn học sinh đệ lục, đệ ngũ chúng tôi sợ phát khiếp. Cây “Thiền trượng” cù nèo dường như tượng trưng cho sức mạnh uy quyền của thầy.

Một hôm, tôi đến trường vào ngày nghỉ cuối tuần để sinh hoạt lớp, tôi vòng ra phía sau trường ngang qua sân nhà thầy nằm góc kế bên, nhìn thấy thầy ngồi trên ghế dựa ngồi uống trà, cây cù nèo gỗ bị dập gãy nằm trên bàn, ánh mắt thầy buồn tiếc, dường như đang cố tìm cách chắp vá nó lại. Sau buổi sinh hoạt lớp rất lâu đã xong, tôi vòng ngược lại, vẫn thấy thầy ngồi đó chăm chăm nhìn cây cù nèo như tiếc nuối đồ vật bị gãy, cũng vẫn ánh mắt buồn. Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện “Không quên cái cũ”, mẩu chuyện đầu tiên trong quyển sách Cổ học tinh hoa, tôi đã thuộc làu khi còn ở dưới quê. Tôi chợt hiểu ngụ ý của câu chuyện này.

Cái của mất không chỉ mất giá trị của chính nó mà còn cái phần tình cảm hay tâm hồn mà người ta ưu áí đặt vào nó. Cây cù nèo cũ hỏng hay mất đi, thì có thể dễ dàng đi mua cái khác thay thế, rất đơn giản. Nhưng có lẽ cây cù nèo này đã đồng hành với thầy bao năm tháng, thầy chạm khắc hoa văn lên cán nắm và vuốt bóng hằng ngày, đến nỗi thân cây gỗ óng ánh, bóng loáng. Từ khi nhìn thấy ánh mắt thầy với cây cù nèo gãy nằm trên bàn, tôi không còn cảm giác thầy là một hung thần nữa. Có lẽ tôi lờ mờ nhận rằng, người tiếc nuối vật cũ gắn bó với mình là người giàu tình cảm chứ không phải là con người cục cằn khô khan. Đúng như thế, năm cuối ấy, khi chuẩn bị rời trường để đến thành phố lớn tiếp tục học những năm chót của bậc trung học, thầy đối xử với học sinh chúng tôi rất hoà nhã, nói chuyện thân tình, nhẹ nhàng cho những lời khuyên hữu ích, thầy xuề xoà, coi chúng tôi như những đứa con của thầy sắp xa nhà. Thế mới hiểu sự hăm doạ đe nẹt ngày trước chẳng qua là thầy cố tình để rèn luyện tinh thần học tập của chúng tôi thôi.

Và khi lớn lên thêm nữa, trải nghiệm thêm về cuộc đời, tôi có thể hiểu rằng, con người quyến luyến coi trọng những đồ vật cũ đã cùng sát cánh với mình qua thời gian bao năm tháng, thì đó là con người trọng tình nghĩa, con người đa cảm, họ thường là người tốt. Bởi chỉ một vật vô tri như thế mà cũng nặng lòng huống hồ là đối với các bằng hữu thân thiết hay người yêu quí. Như thế, có thể nghĩ lui lại về câu chuyện cũ, người đàn bà trong mẩu chuyện mất cây trâm cài, khó thể nào là loại người “có mới nới cũ” hoặc loại người “thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn”, người đàn bà ấy là một người tốt.

Gần đây, trên báo giadinh.net.vn trong mục Xã Hội có đăng một câu chuyện lạ, câu chuyện “Dị nhân 10 năm ôm xác vợ ngủ”. Một người đàn ông ở thị trấn Hà lam tỉnh Quảng Nam mất vợ, vì quá yêu vợ nên nảy sinh ý tưởng mua xi măng, cát và thạch cao về làm thành bức tượng có vóc dáng và chiều cao giống vợ, rồi giữa khuya âm thầm ra đào mộ lên lấy hài cốt vợ bỏ vô bức tượng. Sau đó đem mặc quần áo vào, trang điểm bức tượng và ôm bức tượng “vợ” ngủ trong suốt mười năm qua. Ông Lê Vân nói: “nhiều người chửi tôi điên…xác bà ấy, tôi sẽ mãi mãi ôm ngủ đến khi nào nhắm mắt xuôi tay”. Và ông tự hào ông là người đàn ông chung tình. Chính quyền địa phương nhiều lần đến khuyên nhủ trả hài cốt lại cho ngôi mộ. Nhưng cho bây giờ, mọi việc vẫn chưa giải quyết xong.

Bỏ đi những tình tiết khác, câu chuyện chung tình hiện đại kì dị này, nếu có thể, thêm vào thành một mẩu chuyện đặc sắc trong quyển Cổ Học Tinh hoa, để có thể nói lên cái tâm hồn, cái tình cảm sâu đậm nhớ nhung thương tiếc của con người. Hiểu và thông cảm được câu chuyện xưa về chiếc trâm cài bị đánh mất kể trên thì phần nào có thể lý giải được câu chuyện đời nay vậy.

Những mẩu chuyện trong quyển sách, dẫu có từ ngàn năm xưa, nhưng ta vẫn thể ứng dụng trong đời sống hôm nay, như chuyện “Mẹ hiền dạy con”. Do tính bắt chước của trẻ con, mẹ Mạnh tử phải dọn nhà đi nhiều lần, từ ở gần nghĩa địa dọn đến ở gần chợ, rồi từ chợ lại dọn đến gần trường học, bà mới hài lòng. Đó là chính là theo cái lẽ gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Mẩu chuyện ‘Tái ông thất mã”. Ông lão ở vùng biên cương, có con ngựa bị mất, rồi con ngựa đã quay về còn cù rủ thêm một con ngựa khác, người con trai thích cởi ngựa chạy chơi, bị té gãy chân, chiến tranh bùng nổ trai tráng nhập ngũ ra trận đều chết, con trai ông lão bị què nên miễn ra trận ở lại gia đình, được sống sót. Mất ngựa là hoạ, được ngựa là phúc, gãy chân là hoạ, sống sót là phúc. Đây là bài học dạy cho ta về cái lẽ hoạ phúc khôn lường. Được đó rồi mất đó, có phúc đến thì đừng kiêu, đừng tự mãn, có hoạ đến đừng nản, đừng oán, mà hãy bình tâm. Điều này cũng thường xảy ra trong cuộc sống. Cuộc đời đâu phải lúc nào cũng gặp hên, toàn là bơ sữa, cà ri với bánh mì. Có những lúc xui xẻo, khốn khó trong cuộc sống, gặp phải cảnh “đường… tương chao tàu hũ dưa leo…”. Thì hãy nhớ đến bài học phúc hoạ xoay vần này, bắt chước ông lão miền biên giới giữ thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống. Ta chẳng than vãn hay oán trách trời đất, hãy bình tâm làm tốt những gì có thể làm được. Đó là điều hay mà sách dạy cho ta.

Thời buổi thập niên sáu mươi có ít sách vở xuất bản, “Cổ Học Tinh Hoa” là món ăn tinh thần rất có giá trị, có tác động lớn đến một tầng lớp học thức nào đó, tạo ra một nền tảng đạo đức kiểu xưa với một lớp người đại khái coi là có hiểu biết trong xã hội. Thời đại ngày nay, sách báo xuất bản nhiều, cuốn “cổ học tinh hoa” trở nên lạc lõng trong một rừng sách học làm người, nó không còn có tầm quan trọng nhiều trong khối lượng sách mênh mông. Xã hội thay đổi, tư duy đã đổi khác, một số bài học trong câu chuyện kể trở nên không hợp thời, một số không thể xảy ra trong thời đại mới, nhưng cho dù thế, vẫn còn rất nhiều mẩu chuyện dạy cách cư xử ở đời, những bài học luân lý đạo đức trong sách vẫn còn nguyên giá trị.

Và cũng trong thị trường sách gần đây, có một cuốn sách nói về “cái khôn” người xưa mà dạng kể chuyện và lối trình bày giống như cuốn sách Cổ Học Tinh Hoa. Đó là quyển “Kho Tàng Minh Triết Trung Quốc” của Đường Khánh Hoà, với bản dịch của Huỳnh Văn Thanh. Đường Khánh Hoà sinh tại Thượng Hải, tốt nghiệp Đại học Harvard, ông muốn giới thiệu cái uyên bác, thâm thuý của người Trung Quốc xưa cho người phương Tây hiện đại, nên tuyển chọn những câu chuyện trong sách sử, rồi ghi lại và chua thêm lời bình. Điều rất lạ là ngoài nhiều mẩu chuyện mới lạ, hầu hết những mẩu chuyện tuyển chọn trong sách của họ Đường lại trùng hợp với sự lựa chọn của hai cụ Ôn như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần lê Nhân đã dịch ra tiếng Việt ở tám chín chục năm về trước.

Tôi đọc “Kho Tàng Minh Triết Trung Quốc” nhiều lần cũng lấy làm thú vị, thấy có rất nhiều điểm tương đồng với quyển Cổ Học Tinh Hoa. Chẳng hạn, mẩu chuyện “Hà Bá lấy vợ” trong Cổ Học Tinh Hoa, được ghi là “Đám cưới Hà Bá” trong sách “Kho Tàng Minh Triết Trung Quốc”. Câu chuyện Đám cưới Hà Bá được viết mạch lạc, cách hành văn dễ hiểu hơn, giống như một truyện ngắn. Nhưng phần lời bình cuối bài của họ Đường thì không sâu sắc và thâm thuý bằng của hai cụ Ôn Như và Từ An. Mẩu chuyện ngắn “Mua nghĩa” được ghi là “Con thỏ khôn ngoan” trong Kho Tàng Minh Triết Trung Quốc kể về giai thoại Mạnh Thường Quân và Phùng Huyên. Thay vì vắn tắt ghi mấy dòng như trong Cổ Học Tinh Hoa, câu chuyện được tác giả kể ra nhiều, cộng thêm lời bình, kéo dài đến hơn mười ba trang sách, viết đầy đủ về nhân vật Mạnh Thường Quân với nhiều khá tình tiết… Nói rõ về dòng dõi thế gia của quan tướng quốc nước Tề là Mạnh Thường Quân, người hào phóng với kẻ sĩ. Nói rõ người tân khách gia cảnh nghèo khó là Phùng Huyên, ngồi chiếu dưới, ăn cơm với rau cỏ, phải gõ gươm ta thán: “ Kiếm ơi, kiếm ơi, về đi thôi…Ăn không có cá”, muốn được ngồi chiếu trên để ăn cơm với cá. Khi được ngồi chiếu trên, lại gõ gươm ta thán: “ Kiếm ơi, kiếm ơi, về nhà thôi. Ta đi không có xe”. Được voi đòi tiên, được xe rồi đòi tiếp phải có tiền mang về nuôi gia đình: “Kiếm ơi, kiếm ơi, về đi thôi…ta không có gì để lo cho nhà”. Đã làm cho quan Tướng Quốc chú ý giữa số ba ngàn bạn bè là thực khách hàng ngày. Sau khi Mạnh Thường quân lui về ấp Tiết. Câu chuyện kể tiếp, chính Phùng Huyên lập kế qua Tần thuyết vua Tần rước Mạnh Thường Quân về phong tước, nhưng xúi Mạnh Thường Quân đừng nhận, rồi lại chạy qua Tề phao tin này, phân giải lợi hại với vua Tề. Để khỏi mất người tài, vua Tề lại mời Mạnh Thường Quân về triều trọng dụng trở lại, cho phục chức Tướng Quốc. Câu chuyện thông suốt một mạch trở nên hấp dẫn, dễ hiểu.

Quyển “Kho Tàng Minh Triết Trung Quốc” không hạn chế trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, mà tác giả lựa chọn góp nhặt theo chiều dài lịch sử các triều đại của Trung Quốc. Từ thời nhà Chu đến thời nhà Thanh. Từ chuyện thăng trầm của Khổng Tử, đến chuyện tình của Đường Minh Hoàng với Dương Quí Phi đến, cách hành xử của Tào Tháo với thuộc hạ….

Tôi đọc từng mẩu chuyện trong sách, đọc một cách từ tốn, thật ra đa số nhưng câu chuyện này tôi đã biết qua, do đọc nhiều sách tàu xưa kia, nhưng với cách trình bày mới, cách nhìn mới nó mang lại cho tôi một cảm giác khác, giống như đọc một tập truyện ngắn của nhà văn hiện đại, rất lôi cuốn. Nhưng sau khi đọc xong, tôi có cảm giác thiếu thốn một cái gì đó, một điều gì làm tôi chưa thoả mãn lắm.

Nhân có cơ hội, tôi hỏi dịch giả Huỳnh Văn Thanh, tại sao không tạo nên một không khí cổ xưa trầm mặc cho câu chuyện, để thấy giống cảm giác như đọc cuốn sách cũ Cổ Học Tinh Hoa. Dịch giả Huỳnh Văn Thanh cho biết, khi còn nhỏ ông rất thích quyển Cổ Học Tinh Hoa, nó cũng đã tác động đến tâm hồn ông rất nhiều, mấy chục năm qua ông dịch thuật đủ thể loại khác nhau về nghệ thuật, kinh tế, tài chính, phong thuỷ, thiền học… nhưng ông vẫn thích dịch những gì liên quan đến túi khôn của cổ nhân, và ông đã tìm thấy quyển sách này của Đường Kính Hoà. Thoạt đầu ông đã dịch theo phong cách ngắn gọn của Cổ Học Tinh Hoa, nhưng khi đưa bản thảo cho những người trẻ đọc thử, họ đọc hơi vất vả bởi nhiều từ cổ Hán -Việt mà họ không nắm chắc rõ nghĩa, lại phải coi phần chú thích bên dưới thì thấy phiền toái làm mất tập trung. Do đó ông quyết định sửa lại cách hành văn và không ghi một lời chú thích nào. Thành ra khi ta đọc giống như đọc một tập truyện ngắn hiện đại với đề tài xưa. Ông còn cho biết hai cụ Ôn như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần lê Nhân tuyển chọn và bình giải câu chuyện đặt nặng về luân lý đạo đức người xưa, theo cách nhìn của người Á Đông nói với người Á Đông. Còn họ Đường với mục đích tuyển chọn “cái khôn”của người xưa, cái sự uyên thâm trong nền văn hoá Á Đông giới thiệu cho người phương Tây, nên có cách trình bày khác, đã phân chia loại chuyện thành những đề mục như giáo dục và đạo đức, quản lý và lãnh đạo, tham vọng và mục đích… để người phương tây cụ thể là người Anh Mỹ dễ nắm bắt. Và những lời bình chỉ là những lời gợi ý và theo cách nghĩ của người phương tây, chứ không dành cho người Á Đông.

Nói chung, với tôi quyển sách xưa Cổ Học Tinh Hoa vẫn là cuốn sách gây ấn tượng nhất, và nó có giá trị đối với riêng tôi. Bởi cũng giống như câu chuyện người đàn bà khóc cái trâm cài bằng cỏ kia, biết rằng giá trị của nó bây giờ không cao lắm nhưng nó đã cùng đi với tôi theo năm tháng, nhất là trong những năm tháng đầu chập chững bước vào đời, nó cho tôi được kết bạn với những bằng hữu cùng quan niệm, cùng suy nghĩ như tôi, về cuộc sống cũng như cách ứng xử trong xã hội. Đọc lại quyển sách tôi như gặp lại người bạn cũ, với tôi, mỗi câu chuyện trong quyển sách ẩn chứa một kho tàng triết học. Sách Cổ Học Tinh Hoa bắt đầu từ mẩu chuyện “Không quên cái cũ”, sau đó là hàng trăm chuyện khác nữa nối tiếp theo. Cứ sau mỗi chuyện là lời bình kèm theo phần giải nghĩa từ cổ hay giải thích địa danh, danh nhân đời xưa. Sách kéo dài cho đến mẩu cuối cùng là mục hai trăm bốn mươi bốn: Danh ngôn Danh lý. Đây không phải là mẩu chuyện kể mà là lời hay ý đẹp, những danh ngôn của người xưa. Để kết thúc, tôi xin ghi lại vài câu trong bốn mươi lăm câu danh ngôn danh lý trong mục cuối cùng này: Ở đời có ba điều đáng tiếc. Một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư. (Chu Hi). Chim mà mỏ quắp thì loài chim sợ, cá mà mồm ngoáp thì loài cá sợ. Người mà ngọn lưỡi sắc sảo thì loài người sợ. (Hàn Thi Ngoại Truyện). Câu nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào tai ai, không tài nào rút ra được. (Lục Tài Tử ). Làm việc nghĩa thì chớ tính lợi hại, luận anh hùng thì chớ kể nên, thua. (Lữ Khôn). Những câu danh ngôn này có từ ngàn năm trước lưu truyền cho tới nay và tôi nghĩ nó cũng sẽ vẫn nguyên giá trị cho đến ngàn năm sau…
{jcomments on}

15 thoughts on “Tản mạn về một cuốn sách cũ: Cổ học tinh hoa.

  1. camtucau

    những danh ngôn của người xưa. Để kết thúc, tôi xin ghi lại vài câu trong bốn mươi lăm câu danh ngôn danh lý trong mục cuối cùng này: Ở đời có ba điều đáng tiếc. Một là hôm nay bỏ qua, hai là đời này chẳng học, ba là thân này lỡ hư. (Chu Hi). Chim mà mỏ quắp thì loài chim sợ, cá mà mồm ngoáp thì loài cá sợ. Người mà ngọn lưỡi sắc sảo thì loài người sợ. (Hàn Thi Ngoại Truyện). Câu nói như tên, không nên bắn bậy, đã lọt vào tai ai, không tài nào rút ra được. (Lục Tài Tử ). Làm việc nghĩa thì chớ tính lợi hại, luận anh hùng thì chớ kể nên, thua. (Lữ Khôn). Những câu danh ngôn này có từ ngàn năm trước lưu truyền cho tới nay và tôi nghĩ nó cũng sẽ vẫn nguyên giá trị cho đến ngàn năm sau…
    Cám ơn TNP đã cho đọc một bài viết rất giá trị

    Reply
  2. Quốc Tuyên

    Thời buổi thập niên sáu mươi có ít sách vở xuất bản, “Cổ Học Tinh Hoa” là món ăn tinh thần rất có giá trị, có tác động lớn đến một tầng lớp học thức nào đó, tạo ra một nền tảng đạo đức kiểu xưa với một lớp người đại khái coi là có hiểu biết trong xã hội. Thời đại ngày nay, sách báo xuất bản nhiều, cuốn “cổ học tinh hoa” trở nên lạc lõng trong một rừng sách học làm người, nó không còn có tầm quan trọng nhiều trong khối lượng sách mênh mông. Xã hội thay đổi, tư duy đã đổi khác, một số bài học trong câu chuyện kể trở nên không hợp thời, một số không thể xảy ra trong thời đại mới, nhưng cho dù thế, vẫn còn rất nhiều mẩu chuyện dạy cách cư xử ở đời, những bài học luân lý đạo đức trong sách vẫn còn nguyên giá trị.
    QT nghĩ dù ở thời đại nào, “Cổ Học Tinh Hoa” vẫn là món ăn tinh thần rất có giá trị cho một số người nào đó Phương à.

    Reply
  3. Thu Thủy

    Và khi lớn lên thêm nữa, trải nghiệm thêm về cuộc đời, tôi có thể hiểu rằng, con người quyến luyến coi trọng những đồ vật cũ đã cùng sát cánh với mình qua thời gian bao năm tháng, thì đó là con người trọng tình nghĩa, con người đa cảm, họ thường là người tốt. Bởi chỉ một vật vô tri như thế mà cũng nặng lòng huống hồ là đối với các bằng hữu thân thiết hay người yêu quí. Như thế, có thể nghĩ lui lại về câu chuyện cũ, người đàn bà trong mẩu chuyện mất cây trâm cài, khó thể nào là loại người “có mới nới cũ” hoặc loại người “thấy lê quên lựu thấy trăng quên đèn”, người đàn bà ấy là một người tốt.

    Cám ơn anh Phương đã giới thiệu khái quát về cuốn Cổ học Tinh Hoa. Nghe rất nhiều nhưng chưa bao giờ được đọc.
    Anh Phương đúng là một học giả đó nhe.

    Reply
  4. Phuong

    camtucau: Cảm ơn chị camtucau ghé qua và để lại lời com. Ngồi làm việc trong phòng chợt tư tưởng đi hoang, bỗng cắt cớ tự hỏi thuở nhỏ bản nhạc nào mình nghe được đầu tiên (không tính bài hát chào cờ và suy tôn lãnh tụ), người bạn nào mình tìm đến kết giao đầu tiên, quyển sách nào đọc đầu tiên, tên bạn nào mình đập lộn đầu tiên…Về sách đọc thì hơi trái khoáy, đọc sách “người lớn” trước (sách Tàu, ở làng) trước khi đọc sách con nít (truyện tranh thiếu nhi, Phạm Công Cúc Hoa, Bạch Xà Thanh Xà…ở thị trấn). Thế rồi chuyện cũ chuyện mới tuôn ra, và khi về nhà cứ thế ghi lại.
    Quốc Tuyên: Sách cũ là món ăn tinh thần cho những con người “cũ” đúng lắm Tuyên. Và những người cũ có cơ hội ngồi với nhau cùng nói chuyện cũ, cũng thú vị lắm đó. Người thầy được nói đến có một thời nổi danh, học sinh thời thập niên sáu mươi, bảy mươi ở vùng thị trấn Phù Cát không ai không biết đến, đó là thầy Lê Tấn Nổi, cư sĩ tu tại gia, Giám học trường Bồ Đề Phù Cát. Cảm ơn Tuyên.
    b Thủy: nghe nhiều nhưng chưa có cơ hội đọc, bây giờ mà đọc thì nên đọc quyển Kho tàng Minh Triết…thấy dễ chịu hơn. b Thuỷ nói đúng phóc là học giả chứ không phải học thật. 😆 Cảm ơn b Thuỷ.

    Reply
  5. Lê V. Ánh

    “chính Phùng Huyên lập kế …, rồi lại chạy qua Tề phao tin này, …” Cái kiểu nói kiểu làm ấy không thể gọi là minh triết, mà là cần gọi đồ độc Trung Quốc.
    Người Việt ta còn trọng lời nói trẻ con hơn: “ Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Người Việt nguyền rủa thói xấu đâm bị thóc thọc bị gạo. Người ở những nước khác ít bị nhiễm đồ độc Trung Quốc nên nước họ trở nên tiên tiến. Ở các nước Âu Mỹ, chẳng hạn, trẻ con được học rất sớm phương châm “Mình phải chịu trách nhiệm về lời nói và hành động của mình”,” You are responsible for your words and your acts”. Và nhận trách nhiệm cá nhân là một tiêu chuẩn làm người. Bộ trưởng, Thủ tướng sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân và từ chức.
    Còn nhìn lại nước Việt Nam bây giờ. Những kẻ bất tài gião quyệt tiếp tục ở tại chức hay thậm chí thăng tiến dù đã nói gạt làm sai, như gần đây có người nói “Sẽ tổ chức lễ … 40 năm hải chiến Hoàng Sa…”, rồi đến ngày đó lại nói “Không chuẩn bị kịp…” Còn biết bao nhiêu thất thoát kinh tế như các vụ VinaShin, Vinalines,… Trơ trẽn, cá nhân đổ thừa cho tập thể lãnh đạo và ngụy biện rằng tập thể còn giao phó nên còn làm. Mà tập thể của nhóm lợi ích có bao giờ bắt cá nhân phải xuống chức đâu!

    Cảm ơn tác giả Trần Ngọc Phương đã có bài viết rất hay. Chúc tác giả khỏe và viết tốt. Nhân đây, tôi cũng chép lại để đọc cho vui 1 truyện trong Truyện ngụ ngôn Ê-dốp: Con cáo và người đốn củi
    Con Cáo bị thợ săn đuổi bắt, thấy người đốn củi, bèn cầu khẩn cho ẩn thân. Người đốn củi dẫn Cáo vào giấu trong lều.
    Lát sau, những người đi săn đến. Họ hỏi người đốn củi:
    – Bác có thấy Cáo chạy qua đây không?
    Ông ta trả lời to:
    – Không thấy.
    Nhưng tay lại ra dấu chỉ chỗ Cáo nấp. Thợ săn không để ý dấu hiệu, mà chỉ tin lời nói nên kéo nhau đi mất. Cáo bò ra lẳng lặng bỏ đi. Người đốn củi mắng nó:
    – Ai cứu mày mà sao chẳng nghe được ở miệng mày một lời cảm ơn?
    Cáo trả lời:
    – Tôi đội ơn ông vô cùng, nếu lời nói và cử chỉ của ông không khác nhau!

    Reply
  6. Phuong

    Cám ơn Lê V. Ánh ghé qua và để lại lời com đầy khí thế. Và làm tôi nhớ đến bốn câu thơ: …Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau / Quay theo tám hướng hỏi trời sâu / Một câu hỏi lớn. Không lời đáp / Cho đến bây giờ mặt vẫn chau… Rất trân trọng tấm lòng nhiệt huyết của anh. Chúc anh vui vẻ và sáng tác khoẻ.

    Reply
      1. Phuong

        Đọc bài viết của anh hơi trễ, có thể chúng ta là những đồng môn ngày xưa. Cảm ơn Vo Nhu Vu.

        Reply
          1. Phuong

            Ha ha… tưởng là ai, té ra là ông bạn! Cám ơn đã bật mí. Bản dịch câu chuyện hay lắm nhất là câu chót.

  7. Dạ Lan

    Anh Phương tái xuất giang hồ bằng một bài phiếm luận thật hay , anh Ánh và anh Vũ góp vào những mẫu chuyện cũng qúa hay, bội phục mấy anh đó.

    Reply
    1. Phuong

      Chỉ là…bốn nghìn năm ta vẫn là ta, ta từ trông hóc chui ra, vươn vai một lát, rồi ta chui vào thôi ạ, bận bịu lắm Dạ Lan ơi. Cảm ơn Dạ Lan theo dõi câu chuyện. Vế thứ hai … Dạ Lan phán chính xác, chuẩn không cần chỉnh.

      Reply
  8. Thỏ con

    “Và khi lớn lên thêm nữa, trải nghiệm thêm về cuộc đời, tôi có thể hiểu rằng, con người quyến luyến coi trọng những đồ vật cũ đã cùng sát cánh với mình qua thời gian bao năm tháng, thì đó là con người trọng tình nghĩa, con người đa cảm, họ thường là người tốt. Bởi chỉ một vật vô tri như thế mà cũng nặng lòng huống hồ là đối với các bằng hữu thân thiết hay người yêu quí. “
    Thích nhận xét này!

    Reply
    1. Phuong

      Cũng có thể là do tính lamcam nữa đó Thỏ con. Có khi nào Thỏ con gọi ai đó là lamcam không? (lamcam là lam cam chứ hổng phải Lamcamai). 😆 Cảm ơn Thỏ con ghé thăm.

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.