Mừng Sinh Nhật Người Thơ Nữ Xứ Huế: Trần Thy Nhã Ca

Tiểu sử: Nguồn: Facebook Hoài Nguyễn (https://www.facebook.com/profile.php?id=100050507365439&locale=vi_VN)

Nhã Ca tên thật là Trần Thị Thu Vân sinh 1939 tại Huế, là một nữ văn sĩ nổi tiếng cùng thời với các nữ văn sĩ Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hòang… có nhiều tác phẩm văn học như truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, thơ xuất bản tại miền Nam trước 1975.

Cuối thập niên 1960, Nhã Ca là nhà văn làm chúng ta có những lúc khóc cười giữa thành phố. Khóc vì chiến tranh, vì những ước mơ hòa bình chẳng bao giờ tới. Hai mươi năm sau, bà không làm chúng ta cười được nữa vì những cảnh đổi đời từ 1975.
Một số tiểu thuyết Nhã Ca đã được đưa lên màn ảnh. Hãng phim Việt của Đạo diễn Hà Thúc Cần đã dựng một phần “Giải khăn sô cho Huế” thành phim Đất Khổ. Hãng Lidac, với đạo diễn Lê Dân, đã đưa cuốn tiểu thuyết Cô Hippy lạc loài lên thành phim Hoa mới nở. Hai cuốn tiểu thuyết khác của Nhã Ca, Đoàn nữ binh mùa thu và Tình ca trong khói lửa đỏ, cũng đã được hãng Phim Việt mua bản quyền.
Cũng vì nội dung trong những tác phẩm của bà, sau năm 1975, Nhã Ca bị chính quyền mới của “bên thắng cuộc” giam hai năm vì bị kết tội “biệt kích văn hóa”. Chồng bà, nhà văn Trần Dạ Từ, thì bị giam 12 năm. Do sự can thiệp của hội Văn Bút Quốc tế phối hợp với hội Ân xá Quốc tế và thủ tướng Thụy Điển Ingvar Carlsson, bà được sang Thụy Điển tỵ nạn. Năm 1992 bà cùng gia đình sang California định cư và lập hệ thống “Việt Báo Daily News” tại Quận Cam.
Là một người con gái Huế nên những vần thơ của Nhã Ca cũng mang những nét đặc trưng của miền đất thần kinh, cố đô cổ kính này.
Ở miền Nam thời ấy, người ta biết đến Nhã Ca với bài thơ Nhã Ca Thứ Nhất ký tên Trần Thy Nhã Ca đầu thập niên 1960. Nhưng trước đó, giữa thập niên 1950, thuở học trò, Nhã Ca đã có thơ đăng trên các tuần báo văn nghệ học sinh, Văn Nghệ Tiền Phong ở Sài Gòn ký tên thật là Thu Vân. Năm 1964, thơ được in thành tập Nhã Ca Mới, được trao Giải Thi Ca Toàn Quốc năm 1965. Giải văn toàn quốc Giải Khăn Sô Cho Huế năm 1969. Tên tuổi Nhã Ca được yêu mến, bà nổi tiếng khắp miền Nam.
Thiếu nữ thời thập niên 1960 nhất là các nữ sinh rất yêu truyện của Nhã Ca. Văn chương của Nhã Ca nhẹ nhàng và đẹp như một bài thơ. Nhân vật chính trong các truyện đa số là những cô bé học sinh mới lớn, nhiều mơ mộng. Khung cảnh trong truyện vẫn là một góc thành phố, một góc sân trường, một thế giới nhỏ bé, nhưng vẫn xảy ra những biến động quay quắt, những uẩn khúc bi thương
Sau năm 1975, và thời gian sau này ở hải ngoại, Nhã Ca không còn làm chúng ta cười được nữa vì thời thế đã “vật đổi, sao dời” mà bà và gia đình cũng là những nạn nhân hàng đầu. Trong mỗi truyện có những đoạn làm người đọc rơi nước mắt và nếu có cười, chỉ là những nụ cười méo mó nở ra giữa khổ đau…
Nhớ về một nữ văn sĩ có tài và nổi tiếng dòng văn học của miền Nam trước đây, tôi cố gắng sưu tầm và biên tập giới thiệu một số tác phẩm văn thơ của Nhã Ca mà có lẽ vẫn còn rất nhiều người hoài niệm …
Hoài Nguyễn – 17/12/2015
* Phụ lục những tác phẩm của Nhã Ca được xuất bản gồm nhiều thể loại như thơ, bút ký và tiểu thuyết.
1. Nhã Ca mới (1964)
2. Đêm nghe tiếng đại bác (1966)
3. Đêm dậy thì (1966)
4. Bóng tối thời con gái (1966)
5. Khi bước xưống (1966)
6. Xuân thì (1967)
7. Người tình ngoài mặt trận (1967)
8. Sống một ngày (1967)
9. Mưa trên cây sầu đông (1968)
10. Một mai khi hòa bình (1968)
11. Tình ca cho Huế đổ nát (1969)
12. Đoàn nữ binh mùa thu (1969)
13. Phượng hoàng (1969)
14. Giải khăn sô cho Huế (1969)
15. Tình ca trong lửa đỏ (1970)
16. Chiến tranh trong thành phố (1970)
17. Dạ khúc bên kia phố (1970)
18. Mùa hè rực rỡ (1970)
19. Đời ca hát (1971)
20. Lăn về phía mặt trời (1971)
21. Đám tang cá voi (1971)
22. Tan trong biển mặn (1971)
23. Cổng trường vôi tím (1971)
24. Tòa bin-đinh bỏ không (1971)
25. Cô hippy lạc loài (1972)
26. Thơ Nhã Ca (1973)
27. Mộng ngoài cửa lớp (1973)
28. Trưa áo trắng (1973)
29. Trăng mười sáu (1973)
30. Tuổi hồng vỗ cánh (1973)
31. Yêu một người viết văn (1973)
32. Hiền như mực tím (1973)
33. Bầy phượng vỹ khác thường (1973)
34. Vi ơi, bước tới (1973)
35. Tình đầu (1973)
36. Bé yêu (1974)
37. Ngày thơ, tình thơ (1974)
38. Sinh nhật (1974)
39. Bước khẽ tới người thương (1974)
40. Chuyện đôi ta (1974)
41. Ngày đôi ta mới lớn (1974)
42. Hoa phượng đừng đỏ nữa (1989)
43. Saigon cười một mình (1990)
44. Hồi ký một người mất ngày tháng (1990)
45. Chớp mắt một thời (1992)
46. Đường Tự Do Sài Gòn (2006)

(https://www.facebook.com/photo.php?fbid=831109178582653&set=pb.100050507365439.-2207520000&type=3&locale=vi_VN)

Leave a Reply

Your email address will not be published.