Một Đêm Thu

Truyện ngắn của Maxim Gorky

Chuyển ngữ: Trần Ngọc Phương

Maxim Gorky (1868-1936), nhà văn Nga, lúc nhỏ tự học và bắt đầu mưu sinh lúc chín tuổi. Ông đã đi bộ xuyên qua đế chế Nga suốt 5 năm và làm nhiều nghề khác nhau: công nhân, khuân vác, thợ bánh mì. Ông nổi tiếng bằng những truyện ngắn phản ánh hiện thực xã hội. Ông viết bài chống chế độ Nga Hoàng, bị bỏ tù nhiều lần. Sau đó ông bí mật lánh sang Châu Âu. Sau cách mạng tháng Mười 1917 ông tích cực hoạt động trên lãnh vực văn hoá và được bầu làm chủ tịch hội nhà văn Sô-Viết. Ông viết nhiều thể loại: Phê bình, lý luận, truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết. Những tác phẩm nổi tiếng gồm có: Người mẹ, Những trường đại học của tôi, Thời thơ ấu, Kiếm sống.


*

Một lần vào mùa thu, tôi tình cờ rơi vào một tình huống khó chịu và bất tiện. Nơi thị trấn tôi vừa mới đến, tôi không quen biết ai và nhận ra rằng mình không còn một xu dính túi, tôi không có chỗ để qua đêm.

Trong những ngày đầu tiên, mọi quần áo của tôi phải đem đi bán ngoài cái phần còn lại để có thể đi đây đi đó. Tôi rời khỏi thành phố đến một xóm nhỏ gọi là Yste, nơi bến tàu đánh cá. Khu xóm thường sôi sục náo nhiệt vào mùa đi biển, nhưng bây giờ trở nên im lặng, vắng vẻ vì thời tiết đang vào những ngày cuối của tháng mười.

Đôi chân tôi lê bước dọc theo bờ cát ẩm, nó nghiên cứu một cách cẩn thận – và ngoan cố – bãi cát, với ước muốn khám phá ra một mẩu thức ăn nào đó. Tôi lang thang cô độc qua những toà nhà và những kho hàng bỏ hoang và nghĩ rằng sẽ hay biết mấy, nếu tìm được thứ gì đó nhét vào cái bụng lép kẹp của mình.

Trong trạng thái hiện tại, cái đói văn hoá của đầu óc được thoả mãn nhanh hơn cái đói của thân xác. Một gã lang thang trên đường, bao quanh là những căn nhà, mà nhìn vẻ ngoài không tệ – gã có thể chắc – đồ đạc ở bên trong nó cũng không tồi. Những suy nghĩ về chúng đã kích thích cái đầu – vốn đã bị kích động – của gã, những cảnh tượng về kiến trúc, về vệ sinh, về nhiều thứ khác và những vấn đề cao xa hơn. Có thể gã sẽ gặp những người dân ăn mặc trang nhã, ấm áp – tất cả họ đều lịch sự quay mặt khỏi gã một cách lịch thiệp để khỏi phải xúc phạm đến sự hiện-hữu-của-một-thực-tế-thảm-hại. Tốt, tốt, đầu óc của kẻ đói thì luôn được nuôi dưỡng tốt và khoẻ khoắn hơn đầu óc của người-no-đủ. Nhưng điểm này đã đưa vào tình huống, người ta có thể cho ra một kết luận tài tình là ủng hộ cho cái thiếu ăn.

Buổi chiều đến dần, trời đổ mưa và gió thổi mạnh. Gió rít qua các cửa hàng, các lều sạp trống rổng, gió xông vào các ô cửa trát vữa của quán rượu. Gió quất lên trên cơn sóng sủi bọt lăn tăn của dòng sông đang rì rào vỗ vào bờ, làm tung bọt trắng lên cao, làm chúng chạy đua nhau đợt này kế tiếp đợt khác, dữ dội chồm lên nhau. Như thể dòng sông cảm thấy mùa đông đến gần nên vội vã chạy bừa để chạy trốn cái gông cùm của băng giá mà gió bấc có thể ném vào nó ngay đêm nay. Bầu trời tối ảm đạm rắc xuống những hạt mưa hầu khó thấy. Khúc bi thương sầu muộn của thiên nhiên quanh tôi được tô điểm thêm với cặp liễu xơ xác tả tơi và một chiếc xuồng bị lật úp buộc ở dưới gốc. Chiếc xuồng lật sấp trơ sống lưng méo mó, và những nhánh cây già nua khốn khổ bị sục sạo vơ vét bởi gió lạnh. Mọi thứ quanh tôi cằn cỗi, tan vỡ và chết chóc. Bầu trời tuôn dầm những giọt nước mắt…mọi vật chung quanh hoang vắng tiêu điều…có vẻ dường như mọi thứ đã chết, bỏ lại tôi đơn độc giữa cuộc đời và để tôi cũng chờ chết lạnh. Lúc đó, tôi mười tám tuổi – Một thời điểm tuyệt vời!

Tôi rã rời bước dọc bờ cát ướt lạnh, hàm răng lập cập đập vào nhau líu lo như để tỏ lòng tôn kính cái đói, cái rét. Trong khi lần mò bên sau những cái thùng sọt rổng cố tìm một cái gì đó để ăn, đột nhiên ở bên kia cái thùng tôi thấy một cô gái đang khom mình trên cát, áo quần ướt sũng nước mưa, bám dính vào da. Đứng bên trên, tôi quan sát xem cô ta đang làm gì, hình như cô đang dùng tay moi một cái hố rãnh.

– Cô làm gì thế? Tôi cúi xuống và hỏi.

Cô ta khẻ thét lên và bật dậy. Cô đứng yên nhìn tôi chằm chằm, đôi mắt mở to đầy kinh sợ. Tôi nhận thấy cô gái trạc bằng tuổi tôi, gương mặt khá dễ thương, nhưng lại được tô điểm bằng ba vết bầm tím không may mắn. Chính cái này đã làm hỏng gương mặt cô, mặc dù nó được phân bố cân xứng mỗi nơi một cái, tất cả cùng kích cỡ – hai cái dưới mắt, một cái lớn hơn nằm ngay giữa trán, trên sống mũi. Cấu trúc cân xứng này hiển nhiên là tác phẩm của một nghệ sĩ rành quen với công việc phá huỷ diện mạo con người.

Cô gái nhìn tôi, nỗi sợ hãi tan biến dần trong đôi mắt.Cô phủi cát trên tay, sửa lại chiếc khăn vải trùm đầu, thun người lại nói:

– Em nghĩ, anh cũng muốn có một cái gì đó để ăn phải không? Vậy thì hãy đào đi! Tay em mỏi rồi. Đằng kia, cô hất đầu về hướng cái lều – có bánh mì, chắc chắn… xúc xích nữa. …cái quán đó vẫn còn bán.

Tôi bắt đầu đào bới. Sau khi nhìn tôi một chút, cô gái ngồi xuống bên cạnh và bắt đầu giúp tôi. Chúng tôi im lặng làm việc. Tôi không thể nói lúc đó, tôi có nghĩ đến bộ luật hình sự, đến đạo đức, đến quyền sở hữu và tất cả những điều khác trong đầu, mà một người từng trải phải nghĩ đến không? Để sự việc càng gần sự thật càng tốt, tôi phải thú nhận rằng rõ ràng tôi hết sức bận rộn trong việc đào xới dưới cái thùng đến nỗi tôi hoàn toàn quên hết tất cả mọi thứ ngoại trừ một điều: Bên trong cái thùng có thể có cái gì?

Chiều tối kéo đến gần, sương xám lạnh lẽo mỗi lúc một dày đặt quanh chúng tôi, sóng vỗ rì rầm vang hơn trước, mưa rơi lộp độp trên ván thùng đều đều cũng nặng hạt hơn. Đâu đó người gác đêm khua trống báo.

– Nó có đáy không? – Người phụ tá của tôi hỏi khẽ. Tôi không hiểu ý ám chỉ điều gì nên im lặng

– Em nói có thấy đáy của cái thùng không? Nếu thế, mình gắng sức vô ích để phá nó ra. Chúng ta đào mà rốt cục có lẽ không bắt gặp cái gì ngoài những tấm ván cứng. Làm sao để mở ra hả? Tốt nhất đập vỡ cái khoá, đây là cái khoá tồi.

Những ý kiến hay, thật hiếm khi thăm viếng cái đầu của những người đàn bà. Như bạn thấy đấy, đôi khi chúng cũng thăm viếng họ. Tôi thì luôn luôn coi trọng những ý kiến hay, và tôi bao giờ cũng tận dụng nó càng nhiều càng tốt.

Tìm thấy cái khoá, tôi ráng sức xoắn lại và giật bung ra. Kẻ đồng loã của tôi ngay lập tức cúi xuống và luồn – như một con rắn – vào cái thùng ngoác miệng bọc kín bốn bên. Từ trong đó nàng gọi tôi một cách thán phục bằng giọng khẽ:

– Anh cừ lắm!

Ngày nay, với tôi, chút tí lời khen từ một người đàn bà thì đáng yêu hơn cả một bài thơ tán tụng của một người đàn ông, cho dù anh ta có tài giỏi hơn tất cả nhà hùng biện kết hợp từ cổ tới kim. Tuy nhiên lúc đó tôi không tốt như bây giờ. Tôi không chú ý đến lời khen tặng, tôi hỏi nàng cụt ngủn và lo lắng:

– Có cái gì ở trong đó không?

Nàng bắt đầu đếm những cái khám phá được bằng giọng đều đều:

-Một rổ chai lọ…mấy cái áo lông dày…một cái dù…một cái xô bằng sắt.

Tất cả những thứ này không thể ăn được. Tôi thấy hi vọng của mình tiêu tan… Nhưng bất thình lình, nàng kêu lên nhanh nhẩu:

– A ha! Nó đây rồi!

– Cái gì?

– Bánh mì… một ổ… chỉ ướt thôi… Cầm lấy!

Ổ bánh mì bay đến chân tôi, rồi bay lại đến chính nàng, người bạn dũng cảm của tôi, sau khi nó đã bị tôi cắn đứt ra một mẫu, tọng vào miệng và nhai ngấu nghiến.

– Này, cho em xin tí nữa! …Chúng ta không nên ở lại đây… Chúng ta sẽ đi đâu? – Nàng nhìn dò quanh khắp phía…. Trời đã tối âm u, lại mưa nữa.

– Nhìn kìa! Có một chiếc xuồng úp ở đằng kia… Chúng ta hãy đến đó.

– Rồi, chúng ta đến đó!

Chúng tôi bắt đầu lên đường, chúng tôi bỏ lại tất cả những thứ cướp được trước khi đi, ngoại trừ cái phần ăn được đang nhét đầy miệng. Mưa trở nên dữ dội, dòng sông gầm rống, từ đâu đó vang dội lại tiếng huýt dài chế diễu. Dường như một AI đó vĩ đại, không sợ ai, đang huýt gọi những kẻ trần tục quen thuộc, ngọn gió thu khủng khiếp và chúng tôi những anh hùng của nó, cùng đi theo. Tiếng réo huýt này làm tim tôi đập rộn lên vất vả. Mặc dù vậy, tôi vẫn tiếp tục ăn hối hả trong sự kính nể của cô gái đang đi đều bước ở bên cạnh tôi.

– Người ta gọi cô tên gì? – Tôi hỏi nàng.

– Natasa. – Nàng đáp ngắn gọn, miệng nhai trệu trạo.

Tôi nhìn nàng, tim tôi nhức nhối bên trong. Tôi nhìn vào màn sương mù ở phía trước, tôi thấy dường như cái vẻ mặt không thân thiện của số phận tôi, nó đang mỉm cười hờ hững khó hiểu với tôi.

Mưa đập vào ván gỗ xuồng không ngớt, tiếng lộp độp nhè nhẹ gây nên những ý tưởng u sầu. Và gió rít qua kẽ nứt đáy xuồng, vài mảnh gỗ rời khua lách cách, âm thanh làm nôn nao chán nản. Những đợt sóng vỗ bờ ngoài dòng sông vang lên đều đều, như kể lể điều gì u ám nặng nề, điều gì làm chúng căm phẩn làm chúng muốn chạy trốn. Tiếng mưa rơi hoà với tiếng sóng vỗ và tiếng thở dài của trái đất dường như bồng bềnh lơ lửng bên trên chiếc xuồng. Tiếng thở dài mệt nhọc do tổn thương và kiệt sức bởi sự biến đổi không ngừng từ Hạ ấm tươi sáng sang Thu ẩm lạnh sương mù. Gió liền lĩ thổi trên bờ hoang vắng và dòng sông sủi bọt – thổi và ca lên bài ca sầu muộn.

Nơi trú ẩn của chúng tôi ở bên dưới chiếc xuồng cũng không lấy gì an nhàn, nó chật chội ẩm ướt, những giọt nước mưa lạnh li ti chảy giọt qua đáy xuồng hỏng và cơn gió lạnh thốc xuyên vào. Chúng tôi ngồi im lặng và run lên, tôi nhớ lúc đó muốn được đi ngủ. Natasha ngồi dựa vào thân xuồng, thu mình co tròn lại như quả cầu, hai tay ôm gối và gác cằm lên. Nàng nhìn đăm chiêu về hướng dòng sông, đôi mắt mở to, trên những vết tím bầm, chúng dường như mênh mông. Nàng ngồi im như phỗng, bất động và im lặng – gây tôi cảm giác e ngại về nàng. Tôi muốn gợi chuyện với nàng, nhưng không biết bắt đầu bằng cách nào.

Chính nàng lại là kẻ nói trước.

– Cuộc đời thật là đáng nguyền rủa! – Nàng lơ đãng thốt ra rành rọt, bằng giọng tin chắc.

Không có gì phàn nàn về điều này. Câu nói không có gì quan trọng để mà than phiền. Tâm hồn giản dị này suy nghĩ theo sự hiểu biết của nó, rồi đi đến hình thành một kết luận khẳng định và nàng đã bày tỏ thành lời. Về điều này thì tôi không thể bác bỏ, vì sợ mâu thuẫn với chính mình. Bởi vậy tôi im lặng, còn nàng dường như không để ý đến tôi, vẫn ngồi đó bất động.

– Mặc dù chúng ta rên rỉ… rồi sau đó sẽ sao nữa? – Natasha bắt đầu trở lại, lúc này lặng lẽ trầm ngâm, tuy nhiên không còn vẻ oán trách trong lời nói. Đơn giản là trong con người này, khi suy gẫm về cuộc đời đã liên hệ đến cảnh ngộ riêng của mình và đi đến kết án đó, để tách mình khỏi sự chế diễu của cuộc đời, nàng không phải ở vào thế chẳng làm gì khác ngoài việc chỉ biết ‘rên rỉ’ – dùng theo lối diễn đạt riêng của nàng.

Sự rõ ràng rành mạch trong cái lối suy nghĩ này đối với tôi, buồn và đau không thể diễn tả được, tôi cảm thấy nếu tôi tiếp tục giữ im lặng lâu hơn nữa chắc là tôi khóc…và sẽ phải xấu hổ để làm việc này trước một người đàn bà, nhất là khi chính nàng lại không khóc. Tôi quyết định phải nói với nàng:

– Ai đã hành hạ cô như thế đó? – Tôi hỏi vì trong chốc lát tôi không thể nghĩ đến hợp lý hơn hay tế nhị hơn.

– Pashka đã gây ra tất cả. – Nàng trả lời bằng giọng buồn buồn.

– Nhưng hắn là ai?

– Người yêu của em… Anh ấy làm thợ bánh mì.

– Hắn có thường hay đánh đập cô không?

– Bất cứ khi nào anh ấy say, anh ấy đánh em… thường vậy!

Đột nhiên, nàng quay về phía tôi và bắt đầu kể về mình, về Pashka, về mối quan hệ của họ. Hắn là người làm bánh mì, có bộ ria mép hung hung đỏ và chơi đàn Banjo rất hay. Hắn gặp nàng và rất thích nàng. Hắn là một gã vui vẻ và ăn mặt bảnh bao, hắn có chiếc ghi lê giá mười lăm rúp và đôi giày ống chiến đấu. Vì những lý do đó, nàng đâm ra yêu hắn, và hắn trở thành ‘ông chủ nợ’ của nàng. Khi hắn đã trở thành chủ nợ, hắn tự coi có nhiệm vụ phải lấy tiền nàng, số tiền mà nàng để dành được. Hắn dùng số tiền này say sưa rồi đánh đập nàng, nhưng điều đó chẳng hề gì, nếu hắn không ‘chạy theo’ những cô gái khác trước mắt nàng.

– Này, đấy không phải là sự lăng mạ sao? Trong khi em không tệ hơn những cô gái khác. Dĩ nhiên điều đó có nghĩa là hắn coi thường em – quân đê tiện. Ngày hôm kia, em xin phép bà chủ ra ngoài một chút để đi gặp hắn. Ở đó, em thấy Dimka đang ngồi bên cạnh hắn và say xỉn, hắn cũng vậy, hắn cũng ngà ngà. Anh là tên vô lại! Anh… – Em nói chưa dứt – Và hắn đã nện em một trận dữ dội. Hắn đá em, kéo lôi tóc em, nhưng cái đó thì chẳng sao. Hắn đã làm tiêu mọi thứ mà em đang có – để bây giờ như thế này đây! Hắn đã làm hỏng mọi cái …áo quần của em, cả cái áo vét nữa, một cái áo vét hoàn toàn mới, em đã phải trả năm bảng Anh cho nó …và xé rách đi cái khăn trùm đầu của em… Ôi chúa ơi! cái gì sẽ xảy đến với em bây giờ? – Nàng thình lình rên rỉ bằng giọng gắng sức đáng thương.

Gió rít lên dữ dội và lạnh hơn bao giờ. Lần nữa răng tôi lại bắt đầu đánh lập cập, còn nàng cuộn tròn người để bớt lạnh và ép sát vào tôi thật chặt để tôi có thể thấy ánh mắt nàng qua bóng tối.

– Tất cả bọn đàn ông các anh đê tiện làm sao! Em muốn đốt cháy tất cả bọn anh trong lò hấp bánh, muốn bằm các anh ra từng mảnh. Nếu bất cứ ai trong số các anh chết, em sẽ nhổ nước bọt vào mặt không thường tiếc chút nào. Những kẻ bần tiện bẩn thỉu! Các anh dỗ ngon ngọt, các anh ve vẩy đuôi như con chó khúm núm. Còn chúng em ngu dại tự nộp mình cho các anh, thế là xong! Ngay tức khắc, các anh chà đạp dày xéo dưới chân…Những kẻ lười nhác khốn nạn!

Nàng nguyền rủa chúng tôi đi đi lại lại, nhưng tôi nghe không mạnh mẽ, không ác ý, không căm thù về những kẻ ‘lười nhác khốn nạn’ trong lời rủa. Giọng nàng chẳng chút nào tương xứng với chủ đề sự việc, nó nghèo nàn giai điệu và khá êm đềm.

Tuy vậy, tất cả đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi hơn những bài diễn văn hay những quyển sách bi quan có sức thuyết phục hùng hồn nhất, những thứ mà tôi đã đọc khá nhiều và vẫn đọc cho đến ngày nay. Về điểm này thì bạn biết đấy, nỗi đau khổ của một người sắp chết thì thật hơn, mãnh liệt hơn những miêu tả cặn kẽ nhất sinh động nhất về cái chết.

Tôi cảm thấy thực khốn khổ – vì lạnh hơn là vì lời của người bên cạnh – tôi rên khe khẽ và răng đánh lập cập. Gần như cùng lúc ấy, tôi thấy hai cánh tay nhỏ choàng qua tôi – một cái quấn vào cổ, một cái đặt lên mặt, cũng cùng lúc, một giọng nói nhẹ nhàng lo lắng và thân ái thốt lên:

– Anh đau gì vậy?

Tôi sẵn sàng tin rằng, một người nào khác hỏi tôi điều đó chứ không phải là Natasha, kẻ vừa tuyên bố những người đàn ông là những quân vô lại và bày tỏ lòng mong muốn huỷ diệt họ. Nhưng đúng là chính nàng. Nàng nói nhanh, vội vã:

– Này, anh đau gì vậy? Anh lạnh? Anh bị ớn lạnh? A, anh làm gì mà ngồi im lặng như con cú vậy? Tại sao anh không nói sớm là mình bị lạnh. Nào… nằm xuống đất đi…duỗi dài ra, em sẽ nằm chồng lên…đó! Thế nào rồi? Bây giờ choàng tay qua em …chặt hơn! Thế nào rồi? Anh sẽ sớm ấm lên thôi… Sau đó chúng ta sẽ nằm đâu lưng lại… Đêm sẽ qua mau thôi…Này,..Anh cũng có uống rượu nữa? Quay chỗ khác hả?… Không sao đâu.

Và nàng an ủi tôi… Nàng khuyến khích tôi.

Tôi đáng bị nguyền rủa đến ba lần! Thật hết sức mỉa mai trong sự thể hiếm có này. Cứ tưởng tượng xem! Tôi, chính ngay lúc này, trí óc lại bận rộn về số phận con người, nghĩ về sự cải tổ lại hệ thống xã hội, về những cuộc cách mạng chính trị, đọc hết thảy những quyển sách uyên bác quỷ quái mà sự thâm thuý thăm thẳm của nó đến nỗi – ngay cả chính tác giả cũng chưa chắc hiểu thấu. Chính ngay lúc này đây, tôi nói, tôi đang cố gắng hết sức để hiểu mình ‘một-xã-hội-năng-động-thiết-thực’, và dường như với tôi, tôi đã hoàn thành phần nào mục tiêu của mình. Dẫu sao lúc đó, trong những suy nghĩ về mình và trong một chừng mực nào đó, tôi nhận ra rằng tôi có quyền tồn tại riêng, tôi xứng đáng để sống cuộc sống riêng của mình, rằng tôi có đầy đủ khả năng để đóng một vai trò lịch sử lớn lao ở trong đó. Và hiện tại, một người đàn bà bất hạnh bị xua đuổi, bị ngược đãi, kẻ không chốn dung thân, không có gía trị trong cuộc đời, kẻ mà tôi chưa từng nghĩ đến giúp đỡ cho tới khi chính cô ta giúp đỡ tôi, kẻ mà tôi thực sự không biết phải giúp đỡ bằng cách nào, mặc dù tôi có nảy ra ý nghĩ đó.

A! Tôi sẵn sàng nghĩ rằng tất cả sự việc này xảy đến với tôi trong giấc mơ – một giấc mơ ngột ngạt khó chịu… Nhưng, ghê qúa! Tôi không thể nghĩ đến nó được, vì những giọt nước mưa lạnh đang rỏ giọt lên tôi, người đàn bà đang ép mình sát vào tôi, hơi thở ấm áp của nàng phà vào mặt tôi – bất chấp mùi Volka thoang thoảng – đã làm tôi tỉnh táo.

Gió tiếp tục gào thét, mưa đập vào xuồng, sóng vỗ tung toé, cả hai chúng tôi ôm chặt nhau xao động run rẩy – tuy nhiên, run vì lạnh. Tất cả điều này rất thực. Tôi tin chắc rằng không ai từng mơ một giấc mơ ngột ngạt kinh khủng như cái thực tế này. Nhưng Natasha thì cứ nói suốt về điều này, điều nọ, nói một cách thân ái đầy tình cảm mà chỉ những người đàn bà có thể thốt ra. Dưới tác động của giọng nói và những lời lẽ ân cần tử tế của nàng, một ngọn lửa nhỏ bắt đầu bùng cháy trong tôi, làm cho điều gì đó trong tôi bớt lạnh lùng dè dặt. Rồi những giọt nước mắt tôi tuôn ra như mua bão, rửa sạch tâm hồn tôi những xấu xa xuẩn ngốc, những phiền muộn và bẩn thỉu, những cái đã bám chặt lên nó trước đây. Natasha khuyên dỗ tôi:

– Nào, nào, sẽ ổn thôi, chú bé! Đừng xúc động! sẽ ổn thôi. Chúa sẽ cho anh cơ hội khác…hãy bình tĩnh… Tất cả sẽ tốt đẹp thôi.

Và tiếp đến Nàng hôn tôi… nàng ban cho tôi nhiều nụ hôn… những cái hôn nồng cháy… Tất cả cho không. Đây là những cái hôn đầu tiên của một người đàn bà ban tặng cho tôi, đó cũng là những cái hôn đẹp nhất. Mặc dù những cái hôn sau đòi hỏi tôi phải hết sức yêu quí nhưng thật ra không mang lại cho tôi điều gì.

– Nào, đừng xúc động như thế, anh chàng ngố! Em sẽ lo liệu cho anh ngày mai nếu anh không tìm được một chỗ – Lời thì thầm đầy sức thuyết phục của nàng vang lên trong tai tôi như đến từ một giấc mơ…

Ở đó, chúng tôi nằm như thế cho đến sáng.

Khi bình minh bắt đầu ló dạng, chúng tôi bò ra khỏi chiếc xuồng và đi vào thị trấn… Sau đó chúng tôi thân thiện chia tay và không bao giờ gặp lại nhau. Mặc dù trong nửa năm trời, tôi dò la khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm nàng Natasha tử tế đó, người đã trải qua với tôi một đêm thu vừa kể.

Nếu nàng đã chết – may mắn thay cho nàng nếu đúng vậy – cầu chúc nàng được bình yên an nghỉ! Nếu nàng còn sống… Tôi vẫn nói – bình an cho tâm hồn nàng. Và cầu chúc cho ‘cái-ý-thức’ về bản thân không bao giờ rơi vào tâm hồn nàng… Vì đó sẽ là một điều đau khổ thừa thãi vô ích, nếu cuộc sống… phải sống.{jcomments on}

0 thoughts on “Một Đêm Thu

  1. Quốc Tuyên

    Một đêm thu hạnh phúc đã đến với chàng trai khốn khó. Bài dịch hay lắm Phương ơi, cám ơn nha.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.