Giới thiệu diễn đàn nhất C – Kỳ I

GIỚI THIỆU

Đôi nét về Diễn Đàn Nhất C ,,,

Viết bài: Lê Công Dzũng

Hình ảnh và trình bày: Võ Kim Huê

Đôi lời mở đầu:

Tôi viết bài này bằng tất cả sự trân trọng và nâng niu về tình bạn, về những người bạn thân quí của chúng ta. Bài viết được viết đi viết lại nhiều lần trong 1 tháng. Dầu vậy, cái nhìn vẫn còn là một cái nhìn chủ quan. Hơn nữa vì trong khoảng thời gian xa cách 40 năm, có thể nhiều điều đã thay đổi từ cách nhìn, cách suy nghĩ và cách sống của mỗi chúng ta. Thế nên bàì viết có thể có những nhầm lẫn cũng như thiếu sót. Mong các bạn thông cảm. Chỉ có một điều mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều có cùng một cảm nhận đó là tình bằng hữu luôn luôn đẹp, trong sáng, và tồn tại lâu dài, cho dầu không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy rõ nét, nhưng nó vẫn tiềm ẩn đâu đó từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta. LCD

Khởi đầu chỉ là ý tưởng của một người, người đó là Kim Huê. Kim Huê  đã nhiều lần gọi điện thoại cho tôi và nói lên những nỗi trăn trở này. . Kim Huê  nói lên những mong ước của mình là được nhìn thấy những người bạn cũ ngày xưa, sau bao nhiêu năm lưu lạc, xa cách, được nói chuyện với nhau, được tâm sự với nhau, kể với nhau những thăng trầm của những tháng ngày quá khứ cũng như để chia sẻ những vui buồn của hiện tại! . Kim Huê  nói thêm:“Huê nghĩ chắc ai cũng giống như mình thôi, Dzũng à! Ai cũng muốn gặp lại bạn cũ, gặp lại một thời quá khứ của mình! Nhưng trong suốt một đời người, mỗi một người trong chúng ta đã quen biết, đã làm bạn với biết bao nhiêu người. Thôi thì mình chỉ muốn qui tu lại một nhóm nhỏ là đám bạn cũ Nhất C Cường Để ngày xưa, và những thân hữu của Nhất C để cùng nhau nhớ về một thời áo trắng thật đẹp, êm đềm và cũng thật dễ thương!”. Rồi sau đó . Kim Huê  vui mừng gọi báo tin cho tôi là Kim Huê đã thành lập một diễn đàn có cái tên gọi là “Nhất C Cường Để!”.“Dzũng phải ra làm moderator với mình nhé!” Lẽ dĩ nhiên là tôi phải đồng ý một trăm phần trăm thôi! Đối với một người đã có những ý tưởng cao đẹp để chăm lo và vun xới tình bạn như thế thì làm sao mà mình từ chối cho được. Hôm đó là ngày 19 tháng 8 năm 2008, ngày . Kim Huê  đăng ký với Yahoo để thành lập Diễn Đàn Nhất C. . Kim Huê  là người đã cố sức tìm kiếm và mang những người bạn lại với nhau trên Diễn Đàn Nhất C

Rồi tôi và Kim Huê bắt đầu thu thập, tìm kiếm địa chỉ email của bạn bè! Rồi gởi thư mời đi. Rồi gọi điện thoại đi khắp nơi, từ Huỳnh thị Hồng, Nguyễn ngọc Tân, Trần Bá Lang ở Houston, Đặng Thế Lộc, Phan Siêu ở Canada, Trịnh xuân Thọ ở Virginia, Nguyễn Lệnh, Tuyết Đào, Nguyễn thúc Luyện  ở Việt Nam, Đoan Hương, Lĩnh Cơ ở Pháp… để kêu gọi các bạn tham gia vào Diễn Đàn. Chúng tôi rất vui mừng báo với các bạn là hiện tại số bạn bè Nhất C và thân hữu đã ghi danh để sinh hoạt với Diễn Đàn Nhất C đã có 25 thành viên, đã hơn một nửa lớp Nhất C ngày xưa rồi đó! Cho dầu có một số ít bạn vì điều kiện gia đình hoặc vì một lý do nào khác đã không tham gia Diễn Đàn thường xuyên. Số còn lại đã tích cực tham gia đóng góp nhiều bài viết, nhạc, thơ, truyện ngắn, phiếm luận, nghiên cứu phê bình…có giá trị cũng như một số bạn khác đã chuyển tiếp một số thơ, nhạc, chuyện cười và những bài viết khác lên diễn đàn.

Ngoài ra Diễn Đàn Nhất C đã chia sẻ bằng tất cả chân tình về loạt bài hồi ký “Mẹ Đau” của Kim Bồng. Qua đó chúng ta thấy được chị là một người con rất mực hiếu thảo, yêu thương mẹ hết lòng và hy sinh nhiều cho Mẹ. Niềm mong ước và niềm vui của chị là thấy được Mẹ chóng bình phục để cho con cháu được mãi quây quần và đoàn tụ bên Mẹ.

Mùa hè vừa qua Diễn Đàn Nhất C cũng đã cùng vui với niềm vui lớn của gia đình nhạc sĩ Nguyễn khi cô cháu gái của nhạc sĩ được chọn là một trong những họa sĩ tí hon có tác phẩm hội họa được vào chung kết cấp tiểu bang Texas, và cả gia đình đã được quốc hội và toàn quyền của tiểu bang tiếp đãi trong một bữa tiệc mừng về sự thành công của cháu Thùy An. Gia đình Nhất C một lần nữa xin chia sẻ niềm vui và niềm hảnh diện này với gia đình của nhạc sĩ Nguyễn và các cháu Tài, Thúy Vy cùng bé Thùy An.

Diễn Đàn cũng đã chia sẻ niềm vui với nhiều bạn cũ đã gặp lại nhau như  Trần Quốc Thịnh đã hội ngộ với Đông Tà Hoàng Dược Sư Đặng Thế Lộc ở Canada 2 lần trong năm qua và cũng Trần Thịnh trong một lần về Việt Nam đã tìm lên tận phố núi cao Pleiku để thăm Hồng Vân Thanh. Đặc biệt là vào kỳ Đại Hội Cường Để- Nữ Trung Học tháng 6 vừa qua ở Houston, nhóm Nhất C đã hợp đồng đi dự Đại Hội với một thành phần rất hùng hậu và khá đầy đủ: Võ Kim Huê ở Georgia, Trịnh Xuân Thọ ở Virginia, Lê Công Dzũng ở Pennsylvania, Huỳnh thị Hồng, Trần Bá Lang ở Houston, Nguyễn Ngọc Tân ở Austin, Texas.

Diễn Đàn Nhất C luôn luôn vui mừng đón nhận những người bạn cũ hiện ở Việt Nam hay lưu lạc khắp nơi trên thế giới hoặc là những người bạn mới mà chúng tôi coi như là những thân hữu của Nhất C. Diễn Đàn không phải là một website nghiêm trang, kín cổng cao tường, đ òi hỏi những lễ nghi, khách sáo mà chỉ là một ngôi nhà đơn sơ nhưng đầy tình thân ái. Vào Diễn Đàn để gởi cho nhau những lời giao cảm, những lời chào hỏi thân thương, chúc nhau trong dịp sinh nhật để thấy càng già càng hãnh diện về tuổi tác của mình,  tìm lại một chút quá khứ dễ thương, một vùng trời kỷ niệm của ngày xưa. Khi con đường đi về cỏi hư vô ở trước mặt cứ ngắn lại dần thì có lẽ những níu kéo về quá khứ cũng sẽ dài thêm và như một thôi thúc để chúng ta tìm đến nhau. Gần đây nhất, Diễn Đàn rất vui mừng chào đ ón 3 người bạn cũ là anh Hồng Vân Thanh, Đào Ngọc Kính và chị Trần Thị Minh, như một cơ duyên đã trở về hội ngộ với lớp cũ bạn xưa. Ôi,“những người muôn năm cũ”, có bao giờ nghe lòng thổn thức khi trở về những vùng trời êm đềm và đầy mật ngọt của một v ùng trời kỷ niệm?

Để tạo cho điều kiện những bạn bè trong diễn đàn hiểu thêm về một số thành viên trong diễn đàn, ngay cả những người bạn trong Nhất C của chúng ta vẫn bị thời gian làm phôi pha hình bóng của bạn mình! Nhưng nếu có một đầu mối của sự liên tưởng thì chúng ta dễ dàng có những hoài niệm trở về trong quá khứ. Bởi thế, chúng tôi xin sơ lược vài nét về những người bạn của chúng ta. Đây chỉ là những nét phác thảo có tính cách tổng quát, không đi sâu vào đời tư của từng người mà chỉ là những nét chấm phá tương đối, dựa trên những thông tin thâu thập được của người viết. Nếu có gì không đúng hoặc thiếu sót thì xin các bạn thông cảm bỏ qua hoặc viết vài giòng đính chính trên diễn đàn để những bạn khác thấy rõ về bạn hơn! Ngoài ra chúng tôi cũng cố gắng thu thập hình ảnh của các bạn ngày  hôm nay để các bạn có thể nhận diện khi có cơ hội gặp lại nhau!

11- Trịnh Xuân Thọ, Virginia – USA

Học Cường Để từ Tam C đến Nhất C. Lên Đà Lạt học năm 1969 và tốt nghiệp Cử nhân Chính Trị Kinh Doanh.  Năm 1973 trúng tuyển vào ban Cao Học Quốc Gia Hành Chánh. Vừa tốt nghiệp Đốc sự Hành Chánh  năm 1975 Ra đi 1979,  Trịnh xuân Thọ còn bay qua Úc châu để tìm lại người yêu của thời Đà Lạt  và cũng là cô láng giềng nơi anh trọ học ngày xưa và sau đó rước nàng về Mỹ. Anh hiện định cư ở Virginia cùng nàng và hai người con, một trai một gái. Thọ trầm lặng, ít nói, tính tình hòa nhã và thân ái với bạn bè nên bạn học trong cùng lớp từ trung học lên đại học ai cũng quí mến anh.  Thọ là chuyên viên ngành bưu điện gần 30 năm qua và đã  nghỉ hưu từ năm 2009 để đi “rong chơi cuối trời phiêu lãng”. Hàng năm vào tuần đầu tháng 4, khi mấy ngàn cây hoa anh đào ở vùng Washington DC bắt đầu nở rộ, khi mà những người bạn cũ  bắt đầu đến chiêm ngưỡng vùng Thủ Đô ngập trong một màu hồng rực rỡ của hoa anh đào thì  Thọ lại tiếp tục đóng vai trò làm hướng dẫn viên đưa bạn bè đi tham quan vùng Washington tuyệt đẹp bên bờ sông Potamac này!  Thọ  là người được Huỳnh thị Hồng đặt cho cái biệt danh là “Thọ Babilac”, là một trong những người trẻ tuổi, đẹp trai nhất của Nhất C, dầu nhỏ con nhưng uống rượu rất cừ và nhảy đầm cũng rất chiến! Sống với bạn bè thì chân thật và trọn tình.

12- Phan Siêu, Vancouver – Canada

Nếu Huỳnh thị Hồng đã phải làm đơn xin miễn tuổi để thi vào Đệ Thất thì có lẽ anh Phan Siêu nhà ta đã phải làm giấy tờ để giảm tuổi lại để được ngồi chung một lớp với chúng ta! Ngày đó, tôi vẫn nhớ anh là một người rất ít nói và thầm lặng, ngồi ở cuối lớp! Hình như anh cũng không có gì đặc biệt hoặc là vượt trội trong lớp về chuyện học hành! Nhưng có một điều mà ngày xưa chúng ta đều không ngờ tới, và cũng rất may là chưa có ai gây sự hoặc sinh chuyện với Phan Siêu: anh đã là một võ sĩ có hạng từ những năm học trung học.

Là một người chuyên nghiên cứu và khổ luyện về võ học Tây Sơn nên anh đã đạt đến một trình độ võ công thượng thừa. Sau này khi định cư ở Canada nhờ kết hợp võ học Tây Sơn của Bình Định với võ thuật Tây Phương nên anh là một trong những người rất hiếm hoi trên thế giới đạt được huyền đai đệ cữu đẳng! Anh  định cư ở Vancouver, Canada cùng vợ và hai người con trai. Mở trường dạy võ Tây Sơn Bình Định để phát huy truyền thống võ học của quê hương. Theo anh tâm sự thì thời gian đầu mới mở trường, có một số võ sĩ Tây Phương đã không tin rằng một con người Việt Nam nhỏ con, khiêm tốn và có phần ốm yếu này lại là một võ sư có thể mở trường dạy võ, thế nên đã đến để xin thử sức, thử tài anh! Và lẽ dĩ nhiên là đối với một tay võ công thượng thừa như anh cho dầu có khiêm nhượng cách mấy cũng phải chứng tỏ khả năng thực sự của mình để cho bọn chúng phải khẩu phục tâm phục! Anh nói lúc đầu thấy tụi nó ra đòn mạnh như bão táp nên cũng hơi ớn, nhưng võ của mình lấy nhu thắng cương, nên anh đã tránh né tất cả các đòn của đối phương và đã phản đòn bằng những tuyệt kỷ trong võ Tây Sơn gia truyền nên sau vài chiêu đã hạ những tay đến thử sức anh đo ván, nằm sóng soài trên sân trước những con mắt vừa ngạc nhiên, vừa thán  phục và cũng vừa sợ hải của bọn h ọ! Phan Siêuđã đào tạo nhiều thế hệ võ sinh và có những người đã từng tham dự những trận so tài quốc tế ở Mỹ và Canada.

Hiện đã nghỉ hưu và lo làm việc cho cộng đồng Việt Nam ở Vancouver. Hai người con anh đã trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn và đã có gia đình riêng. Phan Siêu là người rất có tình và quan tâm tới bạn bè. Các ngày lễ, Tết, Tạ Ơn và Giáng Sinh anh vẫn thường điện thoại thăm hỏi và chúc sức khoẻ bạn bè.

13- Trần Quốc Thịnh, Houston, USA

Năm 1958, cậu bé 8 tuổi Trần Quốc Thịnh giã từ cố đô Huế theo cha mẹ vào sinh sống ở Quy Nhơn. Thịnh học tiếp bậc tiểu học tại trường tiểu học Mai Xuân Thưởng. Và cũng chính tại thành phố biễn này Thịnh trúng tuyển vào Cường Để, học lớp Thất 4 niên khóa 1961-1962 . Thịnh tiếp tục học ở Cường Để trong suốt 7 năm học bậc trung học. Tốt nghiệp Tú Tài phần 2 năm 1969 Thịnh  gia nhập quân ngũ và từ đó anh bắt đầu một cuộc hành trình mới, xa thành phố thân yêu mà anh coi như là quê hương thứ hai của mình, xa thành phố anh đã sống, đã lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm của tuổi thanh xuân.

Sau khi ra trường Thịnh được bổ nhiệm về tiểu khu Pleiku, một thành phố đầy sương mù và đất đỏ.  Và cũng chính tại Pleiku Thịnh đã quen Quỳnh Chi. Người sĩ quan trẻ 20 tuổi  mới ra trường đã phải lòng cô gái Huế, đang theo cha mẹ vào làm ăn và sinh sống tại thành phố này. Năm đó, Quỳnh Chi 18 tuổi đang học lớp Đệ nhất A tại trường nữ trung học Pleime. Sau mấy lần gặp gở chàng đã yêu cô nữ sinh trung học này. Yêu nàng qua mái tóc thề, yêu nàng qua chiếc áo dài màu trắng lấm tấm một ít bụi đỏ và nhất là yêu nàng qua giọng hát thật ngọt ngào và truyền cảm thường hát những bản tình ca của Trịnh Công Sơn, một người anh con bà dì của nàng. Hai bên gia đình đã định ngày làm lễ hỏi.

Nhưng cuộc chiến lại bắt đầu sôi động, rồi “Mùa Hè Đỏ Lữa” . Gia đình Quỳnh Chi cũng  về Sài gòn. Thành phố Pleiku bây giờ hoang tàn như một thành phố chết, dấu vết của chiến tranh ở khắp nơi, nhà cửa người dân đóng kín. Thịnh sống trong tâm trạng của một người lính sống nay chết mai, ngày ngày ở trong trại lính. Trong một lần Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị đến đơn vị của chàng để giúp vui, Thịnh đã để ý đến một cô vũ công xinh đẹp. Hình bóng Quỳnh Chi lúc này đang mờ dần trong người sĩ quan trẻ này. Trong thâm tâm, chàng vẫn nhớ đến nàng và vẫn còn yêu nàng, nhưng bây giờ nàng đang ở xa quá. Đời lính mà- Thịnh nghĩ, không biết ngày mai mình có còn sống không? Thế nên chàng tiếp tục cặp bồ với cô vũ công xinh đẹp!

Chiến cuộc lắng dịu, gia đình Quỳnh Chi trở về sau mấy tháng , nhưng Thịnh không thấy Quỳnh Chi trở lại. Hỏi ra mới biết là cô nàng đã biết chàng có quan hệ tình cảm với cô gái khác nên không muốn trở về gặp lại Thịnh nữa. Quỳnh Chi buồn, đau khổ, tự ái và cảm thấy bị xúc phạm nên đã ngỏ lời với gia đình Thịnh để từ hôn. Về phía Thịnh cũng thế, chàng cũng tự ái nên không giải thích, không năn nỉ, để mặc cho mọi chuyện xẩy ra và họ cắt đứt mọi liên lạc và quan hệ tình cảm từ đó.

Tháng 4 năm 1975. Trở về Sài gòn trong tâm trạng buồn chán và thất vọng. Thịnh đi tìm một vài người bạn cũ.  Ghé thăm cô bạn cũ từ hồi học trung học thì được biết gia đình nàng đã  qua Mỹ từ những ngày đầu tháng 4. Người tình năm xưa cũng không biết trôi dạt phương nào. Hình bóng Quỳnh Chi lại trở về trong anh.Anh cứ đi lang thang qua các phố Sài gòn ngày qua ngày để mong tìm gặp lại người xưa…

Năm 1979, khi đi lang thang ở chợ Bến Thành, ghé qua một sạp vải, Thịnh không tin ở mắt mình nữa. Quỳnh Chi đó sao? Đúng vậy! Cô nữ sinh năm xưa bây giờ đang là cô chủ của một sạp vải ở chợ Bến Thành! Quỳnh Chi cũng nhìn Thịnh sững sờ, và cuối cùng thị họ đã ôm chầm lấy nhau, mừng mừng, tủi tủi! Bao nhiêu tự ái, giận hờn trong quá khứ đã tiêu tan. Trong 7, 8 năm xa nhau trong thâm tâm của họ vẫn còn nhớ đến nhau, nhớ đến mối tình đầu thật đẹp ở cái thành phố Pleiku đầy sương mù và bụi đỏ đó. Hai người vẫn chờ nhau, vẫn tìm nhau trong vô vọng. Nhưng hôm nay, như một sự nhiệm mầu của tình yêu đã đưa họ trở về với nhau và tình yêu lại lên ngôi nồng nàn hơn , mảnh liệt hơn khi cả hai người cùng ở một phía lao đao trong xã hội ! Ngày 23 tháng 9 năm 1979, một đám cưới đơn sơ được tổ chức để hai người cùng ký chung vào một bản án…suốt đời bên nhau!

Thịnh và Quỳnh Chi đã qua định cư ở Mỹ vào ngày 3 tháng 4 năm 2010 ở tiểu bang  Ohio do cô con gái thứ nhì bảo lảnh. Và hiện nay vì điều kiện sinh sống anh cùng vợ đã di chuyển về Houston, Texas.

Vợ chồng Thịnh- Quỳnh Chi có 3 người con, 2 gái, một trai. Người con gái đầu đã lập gia đình, hiện ở Sài gòn cùng một cháu gái. Người con trai út định cư ở Toronto, Canada cũng đã tốt nghiệp đại học. Hai vợ chồng Thịnh-Quỳnh Chi bây giờ đã thảnh thơi  thơ túi, rượu bầu không còn vướng bận và lo lắng gì nhiều cho con cái nữa, và đang tiếp tục sống những ngày hạnh phúc ở cái xứ ấm tình nồng Houston. Diễn Đàn Nhất C xin thành thật chúc mừng vợ chồng Thịnh đã được qua Mỹ định cư cũng như đã tìm đến lập nghiệp tại Houston và đặc biệt là chúc mừng cuộc tình rất đẹp của Thịnh và Quỳnh Chi nên tôi đã hơi dài giòng một chút khi tôi viết về Thịnh, một thân hữu của nh óm Nhất C, chơi với bạn rất đẹp, sống với bạn rất đậm đà tình nghĩa.

14- Đổ Hiếu Nam, Perth – West Australia

Được bạn bè gọi đùa là “ông đồ”, cũng theo nhạc sĩ Nguyễn nhà ta đi vào con đường sư phạm. Học ở Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm, đi lính rồi biệt phái về đi dạy cho đến năm 1975.  Sau bao nhiêu năm xa cách gặp lại anh, vẫn… ốm như ngày nào! Có tính hài hước cao, suy nghĩ thâm thúy, ăn nói chững chạc và thâm trầm như một ông đồ…già! Sống hết mình, trọn tình với bè bạn. Những ngày trọ học ở Sài Gòn lại thuê nhà ngay trước Khám Chí Hòa ở Hoà Hưng, nên mỗi lần lại thăm Nam nghe ơn ớn, cứ sợ đi lạc vào trong khám thì nguy!  hiện định cư tại Tây Úc, cùng bà xã và 3 cô con gái rượu. Cả 3 đều tốt nghiệp Đại Học và có công ăn việc làm ổn định. Đổ Hiếu Nam cũng ở gần chổ Tuyết Chi, cũng là một cựu Nhất C. Riêng “ông đ ồ”thì đã được nghỉ hưu theo quy chế cựu quân nhân của Úc.  “Ông đồ” bây giờ sống an nhàn và thoải mái vì anh biết tri túc tiện túc, ở nhà làm thơ, chơi cây kiểng, đọc sách, nghiên cứu Thiền học, chăm sóc cho bà xã và đi vòng vòng thăm bạn bè trên khắp thế giới và viết lách lai rai. Thơ Đổ Hiếu Nam nhẹ nhàng, dễ thương và sâu lắng:

Bỏ con phố nhỏ

Xa nhánh sông gầy

Ngủ đi sáo nhé

Mai này ta đi

Dương liễu thầm thì

Hải đăng chong mắt

Người xưa dấu mặt

Bạn bè không gặp

Không ly rượu nhạt

Nào hẳn biệt ly…

(Lời chim sáo- Thơ Đổ Hiếu Nam)

Đặc biệt là Nam có một trí nhớ tuyệt vời, so với Viên Ngoại Tân thì cũng là kẻ tám lạng, người nửa cân! Nam có thể kể tên những bạn bè từ hồi học Thất 4 niên khóa 1962-1963 không sót một người nào, cũng như nhớ Ngọc Tân bị phạt mấy chục cái hít đất và nhảy xổm hồi còn ở quân trường năm 1972 ở bãi tập nào!  Sau một thời gian vắng mặt trên Diễn Đàn vì trở ngại của đường dây internet, Đổ Hiếu Nam đã trở lại với Diễn Đàn và tích cực đóng góp bài vở cũng như thường xuyên vào trang nhà thăm bạn bè.

15- Trần thị Kim Bồng, Sàigòn – Việtnam

Ngay từ những ngày đầu tiên tham gia diễn đàn Nhất C, Kim Bồng đã làm cho chúng ta đều phải xúc động bởi loạt bài tùy bút viết về Mẹ Đau rất chân tình và đã gây nhiều  xúc cảm. Kim Bồng cũng đã sáng tác nhiều thơ, truyện ngắn và tùy bút. Thơ của Kim Bồng viết về nỗi nhớ của một thời áo trắng:

Một thời áo trắng thướt tha

Đổ nghiêng mái tóc mượt mà chấm vai

Mảnh mai một dáng trang đài

Tung tăng trong nắng, ươm đầy ước mơ…

(Một Thời – Thơ  Kim Bồng)

hoặc chuyên chở những tiếc nuối,  trăn trở về cuộc sống:

Có những tiếc nuối

Lướt nhẹ tựa mây trôi

Dồn dập như sóng biển

Vò xé nát con tim

Có những niềm riêng

Không làm sao thổ lộ

Đành che đi giọt lệ

Nén một tiếng thở dài

( Tiếc Nuối – Thơ  Kim Bồng)

hay viết về những tình cảm thiêng liêng gắn bó giữa cha mẹ, anh chị em như trong bài thơ cKim Bồng viết về người anh của mình về thăm mẹ sau bao nhiêu năm xa cách , nhưng không nhìn thấy được mẹ, vì nay anh đã bị mù:

…Từ con lưu đày phương xa

Nhớ thương con mẹ thiết tha mong chờ

Ngày về ai biết chữ ngờ

Mắt mẹ vẫn sáng con giờ lại đui

Trời xanh sao lại khiến xui

Mong nhìn thấy mẹ đen thui một màu

Ôm con cười nén u sầu

Con biết lòng mẹ dàu dàu đớn đau…

(Mong được nhìn thấy mẹ – Thơ  Kim Bồng)

16- Trần Bá Lang, Houston,USA

Có thể tóm gọn Trần Bá Lang là một người lính, một nhà thơ, và cũng là một tay kinh doanh. Tôi thật sự chưa hiểu nỗi trong chừng ấy những con người trong Trần Bá Lang thì anh đích thực là con người nào, hay nói đúng hơn anh tự nhận mình là con người nào. Tôi cho rằng Trần Bá Lang là một con người tài hoa đúng theo cái nghĩa đích thực nhất của từ này: làm lính thì rất l ì , làm  thơ  thì  rất hay, đầy xúc cảm, kinh doanh thì thành đạt. Thơ anh khi thì dằn vặt trong những nỗi băn khoăn, khắc khoải của cuộc đời:

Bởi ta nhân thế không tròn mộng

Đem cả tấc lòng đi bán rao

Đôi lúc giận đời quên tất cả

Quên người năm cũ giữa trăng sao

(Uống rượu nhớ người- thơ Trần Bá Lang)

khi thì nhẹ nhàng nhưng sâu lắng:

Còn đây chút nắng xuân phai

Còn em áo lụa sớm mai hôm nào

Chừng thu từ biệt non cao

Tàng đông nghiêng lạnh xôn xao núi rừng

(Xa Vắng- thơ Trần Bá Lang)

khi thì man mác một nỗi buồn xa vắng của một người sống tha hương:

Anh quen đất khách, tôi còn xa lạ

Biết nói thế nào cho vẹn lòng nhau

Đời phiêu bạt không đầy cơm phiếu mẫu

Mỗi đêm về là cùng một nỗi đau

(Chiều Hải Ngoại- thơ Trần Bá Lang)

Trần Bá Lang lại có một giọng ngâm thơ rất khí khái, hào sảng và truyền cảm! Ai đã từng nghe Trần Bá Lang ngâm thơ chắc hẳn cũng đồng ý với tôi về nhận xét này. Thơ TBL đăng nhiều trên Thư Quán Bản Thảo do anh Trần Hoài Thư phụ trách, v à còn còn đăng rãi rác trên Hương Xưa và một số tạp chí văn nghệ khác. Ngoài ra TBL đã xuất bản một tập thơ riêng của mình. Tập thơ“Uống Rượu Nhớ Người”gồm nhiều bài thơ nói lên thân phận của một kiếp người,  nói lên những nỗi trôi của một kiếp nhân sinh, nỗi lòng của những con người xa xứ. Tôi rất mê thơ TBL,  ẩn dấu những nỗi đau, những nỗi trăn trở, những nhức nhối của  của một kiếp người…Trong thơ TBL, phảng phất hình bóng của người lính, không phải chỉ là người lính đầy kiêu hùng, nhưng là một ngư ờì lính mang trọn vẹn một trái tim nhân bản, đầy thổn thức và trăn trở trong cuộc chiến…Sau này cho dầu khi trở thành một nhà kinh doanh thành công, thì cái con người lính của TBL vẫn ẩn núp đâu đó, còn những vần thơ thì vẫn đầy thổn thức và khắc khoải:

Nằm nghe trời đất ngậm ngùi

Lỡ mai thiên cổ ai người nhớ thương

Trời khuya đâu bóng cố hương

Nửa nhành trăng đọng cuối vườn thu xưa

(Đêm Say Cao Nguyên – thơ Trần Bá Lang)

17 -Lê Thị Phương Thảo,  Sàigòn-Việt Nam

Phương Thảo là một trong những người ghi danh vào lớp Tam C đầu tiên của trường Cường Để niên khóa 1965-1966, cùng với Thanh Hương, Kim Bồng, Phan Siêu, Văn Công Trình…Phương Thảo  dáng người dong dỏng cao, tính tình hiền hòa, thùy mị, ít nói. Phương Thảo  không bao giờ muốn làm một điều gì nổi bật trước đám đông, ngay cả trong lớp học! Thảo đến lớp âm thầm và ra về lặng lẽ! Nếu có một sự giao du nào dễ thương và thân ái thì đó là Thảo nằm trong nhóm những cô gái Huế cùng với Đoan Hương, Ngọc Thạch, Lĩnh Cơ, Thùy Hạnh, Kim Huê, Trà Mai…Các cô “nữ sinh nhóm Huế”này mặc dầu bề ngoài vẫn hòa đồng vào cuộc sống và con người ở vùng đất mới, nhưng có lẽ trong thâm tâm các cô vẫn luôn luôn ẩn dấu một chút tự hào của những người con gái đất thần kinh! Thế nên ngày xưa bao nhiêu chàng trai si tình muốn mon men đến gần“các cô trong nhóm Huế” này đều phải quay lưng đi tìm về một hướng khác!

Phương Thảo, cái tên này thì tôi nhớ rất rõ, vì tên Phương Thảo nằm trong 2 câu thơ của Chinh Phụ Ngâm: “Thanh thanh lưu thủy, bất tẩy thiếp tâm sầu, Thanh thanh phương thảo bất vong thiếp tâm ưu” mà Đoàn thị Điểm đã diễn nôm: “Nước trong chảy lòng phiền chẳng rữa, cỏ xanh thơm dạ nhớ khó khuây”.  Đây là hai câu thơ thật hay trong Chinh Phụ Ngâm, thế nên mỗi lần đọc đến hai câu thơ này tôi lại nhớ đến chị, một cô bạn đã học chung với tôi trong hai năm Nhị và Nhất C ở trường Cường Để và có cái tên thật đẹp của một loài cỏ thơm.

Sau khi tốt nghiệp Tú Tài 2, Phương Thảo cũng như rất đông những người bạn Nhất C khác đã  theo học ngành sư phạm. Đặc biệt cPhương Thảo rất giỏi Anh Văn nên đã đậu vào ban Anh Văn của trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và  theo học  ở  đó từ 1969 đến năm 1973. Phương Thảo tốt nghiệp Cử Nhân Anh Văn và Đại Học Sư Phạm và đi dạy học đến năm 1975. Sau  năm 1975 . Cô giáo trẻ 25 tuổi đời đã phải trôi dạt nhiều nơi, với một cuộc sống mới gặp nhiều khốn khó. Từ đôi bàn tay cầm phấn trắng đã phải đổi sang cầm cuốc, cầm rựa để dọn rừng phá rẩy cho cuộc mưu sinh ở những nơi xa vùng đất cũ. Phương Thảo cũng quen dần với những khổ đau và những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn của Phương Thảo, một  người được đào tạo để đi ươm trồng những mầm non, những thế hệ tiếp nối, đã không tránh được những nỗi xót xa, ngậm ngùi , cay đắng!

M ột thời gian sau, khi thời cuộc và xã hội đ ã có nhiều biến đổi, khi nhu cầu học Anh Văn của học sinh nói  riêng và  của nhiều tầng lớp trong xã  hội  ngày càng cao, với một người có trình độ ngọai ngữ cao và nhiều kinh nghiệm về sư phạm, Phương Thảo đã dễ dàng trở lại với công việc dạy tiếng Anh của mình và do đó cuộc sống cũng đã trở nên dễ thở và thoải mái hơn trước.

Phương Thảo hiện sống ở Sài Gòn cùng với 3 người con đã trưởng thành. Và cuối cùng thì theo Phương Thảo tâm sự, Thảo  vẫn “độc thân tại chỗ”. Tôi  xin Phương Thảo giãi thích rõ hơn về cụm từ này vì thật tình tôi không hiểu. Và Phương Thảo chỉ cười:“ Chuyện gì cũng có  thể  xẩy ra, Dz ũng ơi !”

18-Đào Ngọc Kính,  Sàigòn-Việt Nam

Đào Ngọc Kính là dân Cường Để chính hiệu con nai vàng.  Kính  học Cường Để trong suốt 7 niên khóa, từ Đệ Thất 3 cho đến Đệ Nhất B3. Sau khi xong bậc trung học Kính vào học Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và ra trường được bổ nhiệm về dạy tại trường Trung học Lê Thành Phương, Tuy Hòa. Tại đây Kính cũng tình cờ gặp Đổ Hiếu Nam, dạy tại trường Trung học Nguyễn Huệ.

Thuở còn học sinh Trung học, Kính là một học sinh rất xuất sắc về các môn Toán, L ý, Hóa. Trong những lần học nhóm Kính thường là người giải ra những bài toán khó đầu tiên. Đào Ngọc Kính còn là thủ môn xuất sắc trong đội bóng tròn của lớp Lục 3 bên cạnh 2 hậu v ệ là Huỳnh Công Minh và Dư Xuân Bình. Khi nhập ngũ anh là người trong toán “Quốc Quân K ỳ” trong những buổi diễn hành. Ngoài đời, Kính là một người năng động, tháo vát và giỏi dang về nhiều mặt trong cuộc sống. Đối với bạn bè,  Kính là một người luôn luôn sẳn sàng giúp bạn trong những lúc khó khăn, hy sinh cho bạn khi cần thiết.

Đào ngọc Kính  cũng bị nghỉ dạy từ sau  1975. Cũng đi lưu lạc nhiều nơi và làm đủ các loại nghề khác nhau để kiếm sống. Kính cũng như rất đông những người giáo viên bị chao đảo sau một cuộc bể dâu . Nhưng những con người ấy, mỗi người một cách, mỗi người một sức bật khác nhau, và đặc biệt là  nh ững con người có nhiều khả  năng v à  có sức bật mạnh mẽ  như  Kính, cuối cùng thì Kính đã vươn lên để tìm cho gia đình và bản thân một cuộc sống mới tốt đẹp hơn và thoát được kiếp đọa đày!

Đào Ngọc Kính hiện sống hạnh phúc cùng vợ và 2 con, với 1 cháu nội và 2 cháu ngoại  ở Sài gòn. Theo Kính thì khi mỗi người chúng ta đã bước vào cái tuổi lục tuần, như một người đã vượt qua đỉnh dốc của cuộc đời và đang từ từ đi xuống, thì cách sống, cách nhìn vào cuộc sống cũng đã thay đổi nhiều. Đó là sống và bám víu vào những hạnh phúc bình dị và đơn sơ – đó là những hạnh phúc đang có thật bên chúng ta trong từng giây từng phút của hiện tại, không còn mơ hồ ảo tưởng vào những gì ở ngoài tầm tay với!

Đào Ngọc Kính và gia đình đang chuẩn bị để đi định cư ở M ỹ, những người bạn ở đây cầu chúc cho Kính và gia đình gặp nhiều may mắn và mong sớm được gặp người bạn cũ này.

19- Hồng Vân Thanh, Pleiku, ViệtNam

Ai trong chúng ta chắc hẳn cũng đã hơn một lần nghe qua bản nhạc “Còn một chút gì để nhớ” của Phạm Duy. Bản nhạc đưa ta về một thành phố nhỏ, buồn và đầy đất đỏ ở cao nguyên,  một thành phố mà đi 5 phút đã trở về chốn cũ, đó là thành phố Pleiku! Và chính ở cái thành phố này Hồng Vân Thanh đang sống êm đềm với vợ và 6 người con và một đàn cháu…Ngày ngày vẫn ra quán cà phê quen thuộc ngồi nhâm nhi tách cà phê phin thơm ngon, đậm đặc và nghe lại những bản tình ca của một thời…áo trắng!

Nếu có một vài ngôn từ giản dị để diễn tả Hồng Vân Thanh thỉ đó là: chịu chơi, thẳng thắn và chân thật v à sống trọn tình trọn nghĩa với bạn bè! Ngoài  ra Thanh còn là một con người có máu nghệ sĩ và rất tài hoa. Là một tay chụp hình và quay video chuyên nghiệp, Thanh còn làm thơ, sáng tác nhạc, cũng như phổ nhạc nhiều bài thơ của bạn bè và của những thi sĩ khác. Hồng Vân Thanh đã ra một vài CD nhạc và được bạn bè cũng như giới thưởng ngọan yêu thích. Trước đây chúng tôi cũng đã có viết bài giới thiệu về những sáng tác của Thanh trên Diễn Đàn Nhất C cũng như trên website Cường Để. Niềm vui của Thanh bây giờ, ngoài công việc chụp hình, quay video, là tìm những bài thơ yêu thích để phổ nhạc, cũng như tâm sự với bạn bè gần xa trong nước cũng như ở nước ngoài. Sáng sáng  khi bầu trời Pleiku còn chìm trong sương mù lành lạnh, Thanh khoác vội chiếc áo măng-tô đi về nơi cuối phố, ghé vào quán cà phê quen thuộc và thả hồn về một thời quá khứ…

Vâng, có một thời trong quá khứ mà Hồng Vân Thanh đã sống và trãi nghiệm qua bao nỗi khổ nhục và đắng cay tưởng chừng như rơi xuống tận đáy hố thẳm của cuộc đời! Nhờ có một tâm hồn đôn hậu, một trái tim nhân ái, thật thà, Thanh đã vượt qua được những thử thách và bão táp của cuộc đời.  Thanh đã đứng dậy, đã vươn lên để ngày hôm nay chúng ta vẫn còn thấy một Hồng Vân Thanh sống một cuộc sống an nhiên tự tại với gia đình, với vợ con, với một đàn cháu và nhất là vẫn còn những người bạn hiểu Thanh và thương yêu Thanh chân tình. Tất cả những điều đó chính là những niềm vui và hạnh phúc thật đơn sơ nhưng cũng thật vô cùng quí báu với Hồng Vân Thanh.

20- Vương Hoài Uyên, Sàigòn-Việt Nam

Tên thật là Trần Thị Minh. Minh là người mới nhất đến với Diễn Đàn Nhất C, nhưng chắc hẳn đã gây một ấn tượng sâu đậm trong lòng những người bạn cũ đã học chung với Minh một năm Tam C ở Cường Để  và ngay cả đối với những người không có cái may mắn học chung với Minh ở Tam C năm nào.

Minh có năng khiếu văn thơ nên đã sáng tác nhiều văn thơ từ thuở còn học trung học và cộng tác thường xuyên với các báo Bách Khoa, Văn, Thời Nay…với bút hiệu là Vương Hoài Uyên.
Ngoài ra Minh còn có một giọng ca truyền cảm, mượt mà nên đã tham gia vào những chương trình văn nghệ của các trường trung học mà Minh đã theo học cũng như những ban văn nghệ địa phương. Minh vào học ở Văn Khoa Sài Gòn một năm, sau đó ra học Đại Học Sư Phạm Huế. Minh tốt nghiệp  Sư Phạm, ban Việt Văn,  ra trường dạy Văn ở trường trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẳng. Minh đến với Diễn Đàn như là một người bạn cũ, thân ái, nhiệt tình, tặng bạn bè mấy bài thơ để làm quà tao ngộ nên  đã gây cho các bạn trong diễn đàn một ấn tượng ấm nồng thân ái!  Tự giới thiệu mình là “người của muôn năm cũ” làm cho lòng chúng ta thêm một chút vấn vương: “dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng.”Minh đã  tặng Diễn Đàn mấy bài thơ nhẹ nhàng của tuổi học trò, hay của người học trò nay đã thành cô giáo để làm quà  mà cứ nghe đâu đây tiếng ve gọi hè, để nhớ để nhung trong những ngày hè xa cách. Thơ của Vương Hoài Uyên – qua mấy bài Minh gởi nghe phảng phất những ray rứt, bâng khuâng của cô giáo khi phải từ giã cửa lớp, sân trường:

Mai mốt cô về gởi lại chút bâng khuâng

Trang giáo án khép một thời quá khứ

Bài giảng xưa bây giờ em có giữ ?

Một chút cho đời và một chút cho em.

(Chia tay học trò- Vương Hoài Uyên)

hoặc nghe lòng trống vắng, bơ vơ khi mùa phượng vĩ lại về:

Mùa thu bỏ đi rồi ta đứng lại bơ vơ

Lá vẫn rơi dạt dào trong nắng hạ

Trong nắng cháy chợt nghe lòng băng giá

Chợt nghe lòng se lạnh chút heo may .

( Mùa lá rụng sân trường – Vương Hoài Uyên)

Còn trong bài thơ “Mùa Trăng Cũ” vừa được nhạc sĩ Nguyễn phổ nhạc gần đây, bài thơ nghe như những hoài niệm quay quắt về quá khứ :

” Đi đâu cũng thấy vầng trăng thời tuổi mộng,

Trăng vẫn sáng dù muộn màng treo nửa mảnh,

Ôi vẫn trong ngần như trăng thuở bên anh!”

(Mùa Trăng Cũ – thơ Vương Hoài Uyên)

Bài thơ hay, cảnh và tình hòa hợp. Từ vầng trăng kỷ niệm đến vầng trăng tuổi mộng cho đến khi mảnh trăng đời đã xế…Vầng trăng tự ngàn xưa vẫn vậy nhưng theo Vương Hoài Uyên thì vầng trăng vẫn trãi qua bao nhiêu dâu bễ, vẫn có những nghẹn ngào, thổn thức…khi bây giờ chỉ còn một nửa mảnh trăng xưa..!

21- Lê Công Dzũng, Pennsylvania – USA

Nhị C, Nhất C Cường Để. Năm 1969 vào học ban Triết Học Tây Phương ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn và lang thang thêm một vài trường Đại học khác nữa!  Dỡ dang vì phải theo lệnh tổng động viên, đi lính năm 1972.  Định cư ở Mỹ năm 1994. Hiện ở tiểu bang Pennsylvania cùng vợ và 3 con, 2 trai một gái. Moderator của Diễn Đàn Nhất C. Thỉnh thoảng khi buồn có làm thơ, viết tùy bút, phiếm luận…, khi vui thì uống rượu, tán dóc với bạn bè…lúc bình thường thì vẫn còn làm kiếp …con trâu đi cày cho cuộc mưu sinh mặc dầu được ba mẹ sinh ra không phải tuổi con trâu mà  tuổi …con cọp! Thích nhất là cái biệt hiệu được viên ngoại Ngọc Tân gán cho :“bạn ta đâu phải là người thường”! Chắc cũng đúng phần nào vì đôi lúc cũng cảm thấy mình không phải là người thường, dầu không phải là bất bình thường!!!Ngoài ra Đặng Thế Lộc còn gán cho thêm một 2 biệt danh khác nữa: “Tạ Tốn và Kim Mao Sư Vương”! Hai bài thơ ưa thích nhất, một bài thời tiền chiến là bài “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm và một bài sau năm 1975 là bài “Ta Về” của Tô Thùy Yên. Ngoài ra Dzũng cũng rất mê đọc đi đọc lại truyện Kiều của Nguyễn Du cũng như Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn thị Điểm. Dzũng là một người rất hoài cổ, hay nói chính xác hơn là “ôn cố, tri tân”! Sách cũ thì hay, bạn cũ thì quí và rượu cũ thì ngon!{jcomments on}

0 thoughts on “Giới thiệu diễn đàn nhất C – Kỳ I

  1. TRANKIMLOAN

    Đọc qua diễn đàn Nhất C ! lòng mình cảm thấy bồi hồi…lạ! tuy mình khong phải là bạn học trong lớp nhất C nhưng mình rất cảm tình! đọc sơ lược về từng bạn…người nào cũng tuyệt cả…Nhất là Kim Huê mình rất bái phục đã có ý tưởng khởi đầu…rất là ý nghĩa…đã tìm lại những bạn cũ trong lớp dược 21 người!một tình bạn thật quí vô cùng!
    Tuy mình không học cùng lớp nhưng mình cũng biết qua về lớp nhất C này…đã nhiều lần mình muốn vào trang web của nhất C để đọc bài viết của các bạn nhưng không mở được vì mình không phải là thành viên! hôm nay là tình cờ & cũng là cơ hội may mắn cho mình đã được đọc qua diễn đàn này !cám ơn HX đã tạo điều kiện này…
    dzậy đó trong số các bạn mình cũng đã thân quen như chị KIM BỒNG TUYẾT ĐÀO & đặc biệt rất thân với HỒNG VÂN THANH (YÊN KHA)…
    Mong được đọc tiếp về lớp Nhất C nhé!

    Reply
    1. Thỏ con

      TC nhớ đã gặp HVThanh ở nhà P.Hương Thu đàn hát và đọc thơ.Không ngờ lại là bạn của chị KL.Hay quá!

      Reply
    2. Tha Nhân

      Còn một người tên Nguyễn kim Phụng học đến Nhị C sau vào Trường Sư phạm sao không thấy nhắc đến!

      Reply
        1. Huỳnh ngọc Tín

          Nguyễn Kim Phụng là con trai đó Lệnh Ca!Thi xong Tú tài 1 rồi vào Sư phạm Quy nhơn.Giờ là GV anh văn.Học Cường đễ từ Đệ thất tới đệ nhị.Có vợ tên Kim Tuyến ở Quy nhơn.

          Reply
    3. Kim-Huê

      Cám ơn Kim Loan đã có lời tốt đẹp về diễn đàn Nhất C và các bạn, bọn mình cũng vui lắm vì tạo được cái d/đ này, mỗi người mỗi nơi, chỉ có đây là nơi mà mọi người có dịp vào để chuyện trò trao đổi những tin tức, vui buồn, đôi khi tưởng như là đang đối mặt và nói chuyện với nhau vậy đó, mình cũng cám ơn Hương Xưa đã phổ biến d/đ Nhất C, có thể từ đó mà kiếm ra bạn cũ và không chừng lại có thêm bạn mới. Một lần nữa d/đ Nhất C cám ơn Kim Loan và các bạn Hương Xưa.

      Reply
    4. Kim-Huê

      Kim Loan ơi, biết Kim Loan có quen với chị Kim Bồng nên Huê xin đính chính dùm anh Dzũng trong bài viết về Diễn Đàn Nhất C, anh Dzũng đã viết trật họ của chi Kim Bồng thay vì họ Trần anh lại viết là Nguyễn.

      Reply
  2. Dạ Hợp

    Bạn Dzũng ơi! DH cũng thích thơ Tô Thùy Yên,nhát là mấy câu này :

    Ta về cuối mái đầu sương điểm
    Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
    Cám ơn hoa đã vì ta nở
    Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

    Reply
  3. Dinh Ho

    “Sách cũ thì hay, bạn cũ thì quí, rượu cũ thì ngon”. Hoàn toàn đồng ý với anh Dũng về ý nghĩ này!
    Mỗi anh chị của Nhất C có một cuộc đời thăng trầm thật đặc biệt.
    Mong có dịp gặp Hồng Vân Thanh, người anh quí mến từ lâu. Và Tuyết Đào, người chị quí mến chưa được 1 lần gặp mặt.
    Chúc anh chị khỏe!
    DH

    Reply
  4. Tha Nhân

    “Sách cũ thì hay, bạn cũ thì quí, rượu cũ thì ngon”.Hay lắm , còn “người cũ” thì sao hả Anh Dũng?

    Reply
  5. TRANKIMLOAN

    Hay quá sao Thỏ Con? Trái đất tròn mà lòng vòng chúng ta đều là bạn cả thui!thì bạn…như bao nhiêu người khác dzậy thui! Thỏ con là ai chị quên mất rùi! có phải là Kim Chi phố núi không dzậy!Làm ơn cho biết tên thật đi…cám ơn nhiều!

    Reply
    1. Thỏ con

      Chị thiệt là dzui chị KL mến!cả chị HKC nữa.Hôm cà phê sáng ở Blue chi HKC mời có TC đấy!

      Reply
    2. Mẫu Đơn

      Chị Loan ham dzui mà lại mau quên quá , em gặp Thỏ Con là dzìa nhà đêm nào cũng mơ thấy Thỏ con …hehe

      Reply
  6. TRANKIMLOAN

    Tha nhân ui! chị xin mạn phép anh Dũng trả lời vì chờ anh Dzũng lâu lắm… chờ anh Dzũng trả lời theo ý ảnh sau đi!
    theo chị” Sách cũ thì hay,bạn cũ thì quí,rượu cũ thì ngon,còn người cũ thì hết ý” ok chưa hả Tín?

    Reply
  7. TRANKIMLOAN

    Nhớ rùi! chị nhớ mại mại nhưng còn hồ nghi “Thỏ Con là Kim Chi”!bi giờ là quyết nhớ luôn thật chính xác không quên nữa đâu!hì..hì… bi giờ em nhắc có gặp HTV ở nhà P Hương Thu,thì chị mới tin! vì có lần HTV kể chuyện đã nghe em ngâm thơ,ca hát ở nhà PHT tên là Kim Chi ở Phú phong…mà chị không tin còn gân cổ cãi !bây giờ thì tin rùi!dzui ghê!

    Reply
  8. Mỹ Thắng

    Mỹ Thắng xin đại diện Admin và BBT Hương Xưa kính chào Diễn Đàn NhấtC đã hiện diện trên trang HX, kính chúc quý vị và gia đình nhiều sức khỏe và vui nhiều.
    Mỹ Thắng cũng chào mừng cô giáo thân thương của chúng em và cũng là Đại Tỷ của nhóm Diễn Đàn NhấtC “Nguyễn Thị Tuyết Đào” có nhiều sức khỏe và nhiều niềm vui 😉

    Reply
  9. Lê Công Dzũng

    ” Xin cám ơn Hương Xưa cùng tất cả các bạn đã có những
    lời phản hồi dễ thương về bài viết “Diễn Đàn Nhất C”!
    Như Đại Tỷ đã nói Diễn Đàn Nhất C cũng là một thành
    viên của Hương Xưa đó. Như vậy chúng ta coi như cùng một
    nhà với nhau cả mà! Cám ơn Trần Kim Loan đã thay mặt
    huynh trả lời về câu hỏi “còn người xưa thì như thế
    nào”? Xin đính chính tên của Kim Bồng là Trần thị Kim
    Bồng chứ không phải là Nguyễn! Xin chân thành xin lỗi
    Kim Bồng và các bạn! “
    Tình thân, LCD

    Reply
  10. Nguyên Lương

    Rất vui vì được anh chia xẻ cho đọc bài viết về những người bạn cũ thời trung học ở Cường Đễ Qui Nhơn. Người ta bảo muốn biết rõ về một người thì tìm hiểu về những người bạn của người đó. Trong trườnghợp này, đọc xong bài viết của 21 nhân vật trong Nhất C của anh, mình hiểu anh hơn. Vì cũng muốn bạn bè hiểu anh nên mạn phép anh gởi cho các bạn, bà xã và thầy cô Thái- Mỹ Nhật đọc và biết thêm về học trò của mình ngày xưa thế nào và bây giờ ra sao. Anh và các bạn trân trọng nhau, thương qúi nhau nên không những viết về nhau cả những chi tiết nhỏ rất đáng yêu. 1/3 những người anh nhắc đến mình có biết rất rõ và quen thân, nhưng vì là “hậu sinh” nên chỉ biết được từ sau năm 72 trở đi. Thời áo trắng mộng mơ ấy, mình là dân ban B khô khan, trong lớp toàn là lũ con trai nên nhìn qua các lớp ban C mà “dệt mộng”.

    Bài viết của anh về mối tình Quốc Thịnh-Quỳnh Chi rất đẹp, lãng mạn và rất có hậu. Nếu có ai muốn làm phim về cuộc chiến VN, thì đây là đề tài nên khai thác. Bài viết về Thúc Luyện hiện rất rõ về khuôn mặt, tình cảm và cá tính con người đa tài và cùng quê Phước Thành này với mình. Nói tới Luyện, có khi mình không cầm được nước mắt. Mấy lần về VN muốn đi tìm chàng uống dăm ba chén, nói chuyện đất trời mà chưa có dịp. Với Trần bá Lang thì khỏi phải nói. Anh viết rất đúng về con người đa tài này. Rất mong có dịp đi Houston hay về VN uống rượu khề khà và nghe chàng ngâm thơ tuyệt hảo. Chưa gặp mặt nhưng đã nói chuyện với nhau mấy lần qua điện thọai nên không mê cũng là lạ. Chàng nhạc sĩ họ Nguyễn của mình thì khi xưa còn bé nhìn lên trên sân khấu thấy chàng mê say với cây đàn dương cầm trên vai, đôi mắt nhắm nghiền, thả hồn phiêu bỗng, đê mê. Nhìn anh, theo dõi bước chân anh, thời đó mình rất thích theo anh học theo học ban C nhưng vì ngọai ngữ tệ quá nên không dám.

    Reply
  11. Nguyên Lương

    Về những người bạn như luật sư Lệnh và chị Thùy Hạnh mình đã gặp vài lần ở Sài Gòn. Đây cũng là mối tình tuyệt đẹp trong số bạn bè của anh. Có câu chuyện thật cảm động nghe anh chị Lệnh kể mà anh không nhắc tới. Chuyện thời nhạc sĩ họ Nguyễn bị đày trên kinh tế mới, nghèo đói và thiếu mọi thứ. Nguyễn biết được là Lệnh ở Saigòn nên đạp xe đạp từ Trảng Bom lên tận Saigon để thăm bạn cũ. Những bữa tiệc tiếp bạn không rượu thịt, chỉ có nồi cơm trắng và cá kho mặn. Lâu ngày ăn bo bo trộn sắn, nay được ăn cơm trắng nóng hổi, đó là những bữa tiệc thịnh soạn nhất nhớ đời của chàng nhạc sĩ tài hoa.

    Về ông Anh Trịnh Xuân Thọ thì mình có rất nhiều kỷ niệm ở Dalat nên biết rõ và thú vị về nhân vật Babilac này. Nay đã về hưu mà khuôn mặt trẻ trung và đôi mắt tròn xoe ấy (Đôi mắt ấy làm sao tôi quên được) vẫn gợi cho mình nhiều kỷ niệm đẹp tại vùng trời có thông xanh mây trắng…

    Bạn anh, đúng là dân Ban C nên ai cũng có tài văn chương và văn nghệ. Hồi chị Ái Phương còn ở Saigon, mình về thăm, nghe chị hát thấy thương nhớ Qui Nhơn và những tháng ngày nơi phố biển. Chị nhỏ nhẹ, xinh đẹp, với đôi mắt buồn và giọng hát rất mượt. Lâu lắm rồi không gặp, mong có dịp gặp lại các anh, các chị để: “xem dung nhan đó bây giờ ra sao”

    Anh viết rất hay và đẫm chất tình về những người bạn cũ một thời. Ước gì mình còn liên lạc được với những người bạn cũ và có trí nhớ tốt để ôn lại chuyện ngày xưa một cách hồn nhiên và thơ mộng như anh. Phần anh viết về mình, dù rất khiêm nhường, vì có lẽ những trân trọng và đẹp đẽ anh viết về các bạn hết rồi nên tới phần mình anh hơi kiệm. Mình thích nhất câu anh viết: “Khi con đường đi về cỏi hư vô ở trước mặt cứ ngắn lại dần thì có lẽ những níu kéo về quá khứ cũng sẽ dài thêm và như một thôi thúc để chúng ta tìm đến nhau”.

    Reply
  12. Nguyên Lương

    Đúng như anh nói, thời gian không làm cho những người bạn xa nhau, chỉ làm cho họ gần lại nhau hơn trong kỷ niệm. Nhớ lại có lần về VN đi nhậu với Thanh, em của anh,hắn bảo: “Sao ở thế hệ các anh tình bạn nó qúi và trân trọng qúa, chả bù thời của bọn em” . Mình nói với Thanh có lẽ trong cuộc sống mà nổi ám ảnh về cái chết và ly tan rập rình bên cạnh con người có khuynh hướng muốn đi tìm cái bất tử đó là tình bạn.

    Bài viết của anh về những người bạn cũ, nhưng rất mới,đã chứng mình điều mình nói với Thanh. Ôi cái thời thơ dại và ngu ngơ ấy nó đẹp làm sao. Cảm ơn anh đã cho mình có dịp nhìn lại kỷ niệm với những gì trân qúi nhất.

    Chúc vui

    Lương

    Reply
  13. Hương Xưa

    Ngày mai 1/4 là sinh nhật Quỳnh Chi , người bạn đời yêu
    dấu của Trần Quốc Thịnh , Hương Xưa xin chúc Quỳnh Chi một
    sinh nhật tuyệt vời chúc anh chị mãi mãi yêu nhau như thuở
    ban đầu .

    Reply
    1. Tào Lao

      [quote name=”Hương Xưa”]Ngày mai 1/4 là sinh nhật Quỳnh Chi , người bạn đời yêu
      dấu của Trần Quốc Thịnh , Hương Xưa xin chúc Quỳnh Chi một
      sinh nhật tuyệt vời chúc anh chị mãi mãi yêu nhau như thuở
      ban đầu .[/quote]
      Hương Xưa wơi,
      Sao không thấy Hoa và Bánh SNđâu cả ??? kì thị hén 😉

      Reply
  14. Hương Xưa

    Vì Quỳnh Chi chưa sinh họat với HX , nên ngại không
    dám đăng mục ” Tin Tức ” chỉ mượn bảng tin Nhất C để gởi
    gió cho mây ngàn bay .

    Reply
  15. Bạch Liên

    Dù chưa quen anh chị , nhưng thấy mối tình anh chị quá
    tuyệt với , Bạch Liên rất ngưỡng mộ . xin chúc chị một
    sinh nhật hạnh phúc .Chị sinh vào ngày cá tháng tư tha
    hồ được nghe anh tám hì hì .

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.