*Nhà văn Nguyên Nhung có nhã ý giới thiệu
một người bạn mới – anh Đào Anh Dũng –
Chúc mừng anh tham gia Hương Xưa.HX
Tập thể dục xong ở câu lạc bộ, anh định tắm cho mát rồi về ngay vì hôm
ấy lễ Tạ Ơn, nhà có khách. Gọi là khách nhưng thật ra không ai xa lạ
ngoài gia đình anh chị em trong nhà đến tham dự buổi tiệc thường niên
vào lúc năm giờ chiều.
Người ta bảo rằng người lớn tuổi khó hội nhập vào môi trường mới. Vậy
mà trong việc ăn lễ Tạ Ơn, mẹ anh chính là người tạo nên buổi tiệc
hàng năm này, bà xem nó như một buổi giỗ trong gia đình. Uống nước
nhớ nguồn, mẹ anh dạy con cháu như vậy. Cũng như ngày giỗ, bà vui cảnh
gia đình họp mặt, mặc dầu con cháu phân nửa bên này, phân nửa bên kia
trái đất. Lần nào cả gia đình cũng chụp một ảnh kỷ niệm tại bàn ăn,
rồi in ra hai tấm, một cho mẹ anh gắn an-bum, tấm kia bà gởi về Việt
Nam.
Hôm ấy, gia đình anh sửa soạn buổi tiệc từ sáng sớm. Anh cùng hai
thằng con dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp bàn ghế, ly tách, chén dĩa, các
thức uống. Chị lo nướng con gà tây mẹ anh ướp từ hôm trước và sửa
soạn các món ăn phụ khác. Năm nào bà cũng nhắc chừng, thể nào cũng
phải có con gà nướng, không thì lũ nhỏ than phiền: “Thanksgiving mà
không có gà tây thì không phải là Thanksgiving.” Ngoài món gà tây
nướng, mỗi gia đình sẽ mang đến một vài món ăn Việt Nam, vị chi cũng
trên tám món, một buổi tiệc gia đình khá tươm tất. Làm việc đến gần 12
giờ trưa mới xong, mệt đừ, anh chị quyết định đi tập thể dục cho thư
thả trước khi câu lạc bộ đóng cửa nghỉ lễ vào lúc ba giờ trưa.
Phòng tập thể dục hôm ấy đã vắng khách, mà phòng thay đồ lại trống
trải hơn, chỉ có một mình anh. Anh lầm bầm: “Hừ, hôm nay ăn chơi cho
đã, rồi ngày mai tập tành ná thở để xuống cân nhé!” Ở cái xứ dư thừa
vật chất này, ai cũng có ưu tư về trọng lượng cơ thể của mình. Thật
vậy, tập thể dục ở câu lạc bộ này trong mấy năm qua, anh nhận thấy
khách đến đông hơn vào những ngày sau lễ. Ồn ào nhất là tháng Giêng,
sau mùa lễ, thiên hạ có những “quyết tâm đầu năm”. Tuy nhiên chỉ có
một tháng thôi, rồi nhịp độ trở lại bình thường, đủ để chứng minh rằng
con người vốn thích hưởng thụ. Đi ngang qua phòng tắm hơi, nghe tiếng
hơi nước đang thổi thật lôi cuốn, anh bèn đổi ý bước vào. Phòng mịt mù
hơi nước, không thấy ai khác, anh lót chiếc khăn tắm trên bục, nằm
thoải mái. Đến khi hơi nước bớt dày đặc anh ngồi dậy, vươn vai, giật
mình nhận ra có một người khác ngồi góc bên kia. Nhìn kỹ đó là ông
Ray.
Ông Ray người da màu, tuổi độ trên dưới 60. Ông bắt đầu tập thể dục
tại câu lạc bộ trong vòng một năm nay. Ông vui tính, ưa gợi chuyện với
mọi người. Chuyện nào ông cũng góp tiếng, từ vụ nhân viên bảo trì hãng
máy bay Northwest đình công, đến chiến tranh Iraq, chiến tranh Việt
Nam. Nghe lóm các câu chuyện trong phòng thay đồ, anh biết ra ông Ray
có đi lính thời chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên khi biết anh là người
Việt, ông Ray giữ khoảng cách, lạnh lùng với anh. Anh đoán rằng có thể
ông gặp một trường hợp không vui nào đó ở Việt Nam, chứ có lẽ nào Mỹ
da đen kỳ thị Mỹ da vàng! Anh không màng đến thái độ lạ đời này, chỉ
lo tập thể dục cho khỏe, hưởng thú tắm hơi, bơi lội, hồ nước xoáy,
thỉnh thoảng xã giao chút ít mà thôi.
Hôm ấy, với “tinh thần mùa lễ” (Spirit of the holidays), anh hỏi thăm ông Ray:
“Chào ông, ông khỏe chứ?”
Câu hỏi xã giao được trả lời bằng sự im lặng, anh hơi ngỡ ngàng, nói
thầm: “Tôi biết ông không ưa tôi, nhưng ít nhất ông phải có chút lịch
sự chứ!” Bỗng một câu trả lời đột ngột khiến anh ngạc nhiên:
“Tôi khổ quá cậu ơi!”
Anh lại càng thêm lạ lùng. Người Mỹ, dù không hài lòng, họ có thói
quen trả lời “tốt” trong những câu chào hỏi xã giao mà! Anh nhớ đến
lời khuyên của một người bạn du học khi anh mới chân ướt chân ráo đến
Mỹ: “Mầy đừng có lầm à nghen. Cái gì người Mỹ họ cũng nói tốt đẹp hết.
Mầy mời họ ăn thức ăn Việt Nam, họ nói ngon quá, ngon quá, nhưng không
chừng họ chửi thầm trong bụng đó!” Như vậy rõ ràng là ông Ray đang có
tâm sự buồn. Nhưng ông buồn chuyện gì? Ông đâu có cái nỗi buồn xa xứ
của anh. Ông đang sống ngay tại xứ sở của ông mà! Hay là ông buồn việc
ăn lễ một mình? Anh thấm thía nỗi buồn này lắm khi một thân một mình
lúc mới đến Mỹ. Đó là một mối sầu không gì khuây khỏa trong các ngày
lễ. Anh tự nhiên chia sẻ:
“Tôi rất tiếc. Tôi cũng không khá hơn ông đâu. Hôm nay là ngày gia
đình sum vầy mà phân nửa anh chị em tôi ở đây, phân nửa kia ở Việt Nam
đó ông.”
“Ừ, ừ … Tôi nhớ ra rồi, cậu là người Việt Nam. Jade … Jade … Nọc …
bà xã tôi … đang nằm bệnh viện.”
Jade … Nọc … Nọc … Ngọc. Đúng rồi! Jade là ngọc, người Mỹ không phát
âm được chữ ng”. Anh đoan chắc ông Ray có vợ Việt Nam, bà tên là Ngọc.
Tự nhiên anh thấy thân thiện hơn. Anh hỏi thăm, giọng trấn an:
“Không sao đâu ông. Bác sĩ ở đây giỏi lắm, thế nào bà cũng bình phục thôi.”
Lại im lặng. Anh tự nhủ: “Thôi, chuyện riêng tư của người ta, mình
không nên hỏi thêm.” Anh nhổm người đứng lên, định nói câu: “Tôi sẽ
cầu nguyện cho bà nhà ông …” trước khi rời phòng tắm hơi thì nghe
giọng khàn khàn, gần như muốn khóc của ông Ray:
“Tôi sợ … tôi sợ nhà tôi không qua khỏi. Bà mới mổ xong đêm qua, giờ
đã tỉnh nhưng còn yếu lắm cậu à …”
Anh ngồi xuống, nhìn ông Ray, nét mặt ông thật khổ não. Cầm lòng không
đặng, anh thật tình:
“Xin ông đừng quá lo lắng. Tôi … tôi sẽ cầu nguyện cho bà …”
“Cám ơn cậu … Tôi xin lỗi cậu vì bấy lâu nay tôi … tôi … ra mặt …
không ưa cậu. Bà nhà tôi cũng là người Việt Nam, còn tôi là rể Việt
Nam, thì tôi với cậu như là … là … đồng hương mà tôi đã quá câu nệ.
Nói cho cùng, người Việt của cậu cũng quá quắt lắm …”
Rồi, hình như ký ức ồ ạt tràn về, ông Ray thả lỏng tâm hồn mình, kể
cho anh nghe câu chuyện tình của ông và người vợ Việt Nam. Anh thấy
hơi lạ đời, ai lại thố lộ chuyện riêng tư của mình cho một người xa lạ
như thế này. Nhưng khi nhớ lại một truyện ngắn anh đọc trong những năm
đầu của đời sống tị nạn, anh tìm được câu trả lời. Truyện do một nhà
văn nổi tiếng Việt Nam viết theo lời của một ông giáo kể trong một
nhà tắm công cộng ở một trại tị nạn. Ông giáo thố lộ nỗi u uẩn của
mình trong chuyến di tản hỗn loạn phải bỏ lại cha già bệnh tật. Ông
nhà văn phân tích rằng, khi con người ta trần truồng, không che giấu
bất cứ phần thân xác trần tục nào thì dễ bộc lộ tâm tình với nhau dù
họ đều là những kẻ xa lạ. Ông Ray và anh đang ở trong tình huống ấy.
Ông Ray muốn nói, muốn kể và anh là người được nghe, bất đắc dĩ.
oOo
Tôi đến quê hương của cậu lúc vừa tròn 20. Tôi phục vụ tại bệnh viện
dã chiến căn cứ X. Dù tôi thấy mình may mắn, khỏi đi hành quân, cuộc
sống tôi lại không an toàn vì căn cứ bị địch pháo hầu như hàng đêm.
Với tư tưởng sống nay chết mai chờn vờn trong trí, lại ở vào tuổi mới
lớn, có tiền đô rủng rỉnh trong túi, tôi sống trác táng bất cần đời.
Xin lỗi cậu, cậu biết không, đàn bà thời ấy rẻ mạt. Khốn nạn thật,
thời chiến tranh mà! Lúc ấy, có thể nói tôi ngủ với hầu hết đàn bà bán
bar trước căn cứ X, trừ một người. Là Ngọc đó cậu! Nàng làm thu ngân
viên cho một cái bar tôi thường đến lê la tìm gái. Tôi bị thu hút ngay
buổi đầu tôi gặp Ngọc, cậu à. Nàng nhỏ người như một con búp bê, ăn
mặc kín đáo, gương mặt nàng đẹp, nhưng buồn, có vẻ lạnh lùng. Ngọc làm
việc âm thầm, không ồn ào như các thiếu nữ khác. Lúc đầu, tôi ve vãn,
đùa cợt, nàng tránh né. Quen thói, tôi dùng tiền, nàng tránh xa. Tôi
hỏi thăm bà chủ thì được biết hoàn cảnh của Ngọc thật đáng thương.
Nàng có người yêu nhưng gia đình không chấp nhận cuộc hôn nhân với
người lính rày đây mai đó ấy. Ngọc bỏ nhà đi theo người tình trôi dạt
đến chốn địa đầu giới tuyến sư đoàn tôi đang trú đóng. Chẳng may người
tình của Ngọc bị chết trận, nàng bơ vơ, không dám về quê với gia đình,
đành chấp nhận làm việc trong bar mà kiếm sống qua ngày. Nghe qua
chuyện của Ngọc, tôi càng yêu nàng hơn. Tôi quyết tâm làm đủ mọi cách
để chiếm cảm tình của nàng. Nhìn gương mặt cậu là tôi hiểu cậu muốn
biết tôi làm cách nào rồi, phải không? Khó lắm! Thứ nhất, tôi là người
Mỹ đen; thứ hai, trở ngại ngôn ngữ; thứ ba, Ngọc còn để tang người
tình; và còn nhiều thứ khác lắm . . . Tôi biết tôi phải kiên nhẫn. Tôi
bắt đầu không viếng nơi Ngọc làm việc để chơi bời nữa. Nếu tôi đến,
chỉ để thăm nàng mà thôi, rất đứng đắn. Mỗi lần đến, tôi đều có quà
cáp cho nàng. Ban đầu, Ngọc không nhận quà của tôi, nhưng dần dà nàng
nhận sau khi biết tôi không có ý gì xấu, ngoài việc muốn kết tình bạn
với nàng. Tôi biết dịp may đến với tôi khi Ngọc than với tôi rằng chắc
nàng phải về quê vì nơi làm việc của nàng quá “bề bộn”, nàng không
kham nỗi nữa. Chắc cậu dư biết, người Mỹ đen chúng tôi mánh mung lắm.
Đời nó dạy mình, cậu à. Tôi lo cho Ngọc được một chân thư ký trong căn
cứ, lương bổng khá hơn. Ngọc mừng một, tôi mừng mười vì biết mình đã
được cảm tình của nàng. Rồi tình yêu đến, chúng tôi sống với nhau như
vợ chồng. Với đồng lương lính Mỹ, tôi không giàu ở xứ nầy, nhưng thời
đó rất huy hoàng ở xứ của cậu. Tôi phụ gởi tiền về nuôi gia đình và
cất nhà cho cha mẹ Ngọc. Tôi sống có tình có nghĩa với Ngọc, tôi nghĩ
nàng yêu tôi lắm. Nhưng Ngọc không bao giờ cho tôi gặp mặt thân nhân
của nàng. Nếu nói về kỳ thị màu da, tôi nghĩ người Việt các cậu là số
một. Cha mẹ Ngọc chỉ biết tôi là người Mỹ, chứ không hề biết tôi là Mỹ
da đen cho đến lúc chúng tôi có con cái với nhau sau này ở Mỹ. Vì sao?
Tôi dành câu trả lời cho cậu đó!
Trước khi mãn hạn lính tôi ngỏ lời xin cưới Ngọc về Mỹ chung sống.
Ngọc lưỡng lự, nói yêu tôi nhưng không muốn rời quê hương, cha mẹ và
anh em. Tôi buồn không thể tả vì tôi nghĩ rằng bấy lâu nay Ngọc lợi
dụng để tôi đùm bọc nàng chứ nào có yêu tôi. Thói thường khi yêu nhau
người ta tìm đủ mọi cách để gần nhau, phải không cậu? Chính Ngọc cũng
đã từng bỏ gia đình để đi theo tiếng gọi tình yêu mà! Tôi trở về New
Orleans, ý chí muốn quên con người bội bạc ấy, nhưng lòng vẫn yêu Ngọc
tha thiết. Tôi may mắn tìm được việc làm chắc chắn ở một bệnh viện của
chính phủ và, một lần nữa, tôi quyết tâm chiếm cho được quả tim của
Ngọc. Tôi gởi thơ cho nàng đều đặn, như không có chuyện gì xảy ra, cố
gắng thuyết phục nàng đi Mỹ chung sống với tôi. Tôi cũng tiếp tục cung
cấp tiền bạc cho Ngọc như khi còn ở Việt Nam. Và dịp may lại đến với
tôi. Sau khi tôi rời Việt Nam chừng nửa năm thì chiến sự leo thang đến
tột đỉnh. Ngọc biên thư chấp nhận đi Mỹ chung sống với tôi. Nàng không
nói lý do nhưng qua lời lẽ trong thư tôi đoán ra nàng đã quá chán ngán
chiến tranh, nó đã lần hồi cướp đi gần hết những người thân của nàng.
Vài tháng sau đó tôi có Ngọc trong vòng tay tại phi trường New
Orleans. Mỉa mai thay, bất hạnh của người khác lại là niềm hạnh phúc
của tôi.
Chúng tôi sống yên lành như hầu hết các cặp vợ chồng son, có điều nỗi
buồn xa xứ luôn vương vấn trên gương mặt của nàng. Tôi muốn Ngọc luôn
bận rộn để khuây khỏa mà vơi sầu. Có cách nào tốt hơn là có con, nhưng
Ngọc chưa muốn vội, nàng mơ ước trở lại mái trường nàng đã bỏ dở vì
chiến tranh. Ngọc muốn gì tôi cũng chìu, nói gì chuyện đi học. À quên,
Ngọc khéo lắm cậu à. Nàng rất được lòng cha mẹ tôi qua lối cư xử nhã
nhặn và tôn kính của nàng, thêm vào đó là những món ăn Việt Nam, nhất
là món chả giò với nước mắm, mà mỗi lần dùng là mẹ tôi xuýt xoa khen
ngon. Chúng tôi sống tràn đầy hạnh phúc cho đến lúc Sài Gòn thất thủ,
đám người tị nạn của cậu kéo nhau sang đây.
Lúc ấy Ngọc đã xong chương trình hai năm đại học và có việc làm cùng
bệnh viện với tôi. Tôi nhắc Ngọc là đã đến lúc chúng tôi tạo dựng một
mái gia đình với tiếng trẻ thơ, nhưng nàng lại xin tôi chờ thêm một
thời gian nữa vì lúc ấy nàng đang bận rộn giúp đỡ người tị nạn. Tôi
thấy Ngọc vui trong công tác từ thiện này nên hân hoan chấp thuận.
Nhưng lòng tốt của tôi bị một người Việt của cậu lợi dụng. Cho đến bây
giờ tôi cũng không biết tên hắn là gì nữa. Hắn dụ dỗ Ngọc theo hắn đi
Biloxi sinh sống. Tôi không trách nàng, cậu à. Tôi biết mặc dầu đời
sống phòng the của vợ chồng chúng tôi rất hạnh phúc, nhưng tâm tư Ngọc
vẫn mang hình ảnh của người tình Việt Nam năm xưa. Và, hắn là người
biết lợi dụng cái yếu điểm đó của Ngọc để nàng đùm bọc hắn trong bước
đầu ở xứ lạ. Lòng Ngọc đã quyết nên tôi đành chịu khổ đau, tôi chỉ
biết nói với nàng rằng, bất cứ lúc nào tôi cũng sẵn sàng mở rộng vòng
tay để đón nàng về. Vài tháng sau đó, tôi bỏ New Orleans lên
Minneapolis sinh sống. Tôi muốn đi xa thành phố đầy kỷ niệm êm đềm của
tôi với Ngọc, và tôi không chịu đựng được những tiếng đàm tiếu trong
cộng đồng da màu của tôi.
Sau khi dứt khoát ra đi, tôi tưởng mình đã mất đi người tình, người vợ
búp bê ấy rồi, nhưng tôi không ngờ khoảng ba tháng sau Ngọc xuất hiện
ở cửa căn chung cư của tôi. Nàng đã liên lạc với thân nhân tôi để có
địa chỉ mới của tôi chăng? Cậu biết không, vừa thấy mặt tôi Ngọc quỳ
xuống xin tha thứ cho nàng trở về. Tôi quá đỗi vui mừng, tôi có màng
chi đến lỗi với phải. Có Ngọc trong cuộc đời là tôi hạnh phúc lắm rồi,
nên tôi không bao giờ hỏi nàng về cuộc phiêu lưu tình ái đó. Chắc cậu
nghĩ rằng tôi là một người đàn ông cao thượng chứ gì. Không đâu! Vì
quá yêu Ngọc nên tôi quyết không để ai cướp mất nàng nữa. Bằng hành
động, cử chỉ tôi ngầm cho Ngọc biết tôi không thích nàng giao du với
bất cứ người Việt Nam nào, tôi muốn nàng dứt khoát với quá khứ, tôi
chỉ chấp nhận cho nàng liên lạc với gia đình ở Việt Nam mà thôi, không
ai khác. Tôi có ác quá không cậu?
… Hơn 25 năm nay, bà nhà tôi lẳng lặng sống bên tôi, cho tôi hai đứa
con ngoan và một gia đình hạnh phúc. Thằng Leroy theo binh nghiệp, nó
là một sĩ quan Hải quân giờ đang phục vụ đâu đó trên Thái Bình Dương.
Con Melanie theo chồng làm kỷ sư cho hãng Compaq ở Houston. Vừa tròn
thâm niên là chúng tôi xin nghỉ hưu. Tết năm nay bà muốn cùng tôi về
Việt Nam thăm quê nhà. Bấy lâu nay bà chỉ biết làm lụng để dành tiền
lo cho gia đình bên này, phụ giúp gia đình bên kia, đời bà chưa có một
chuyến du lịch nào đáng nói. Tôi hứa sẽ đưa bà đi du lịch, không những
ở Việt Nam, mà nhiều nơi khác trên thế giới nữa. Tôi có ngờ đâu cách
nay hơn tháng bác sĩ khám phá ra bà mang bệnh ung thư ngực, cần phải
mổ cấp tốc để cứu mạng sống . . .
oOo
Ông Ray kể một mạch chuyện lòng của ông, như đã chất chứa từ lâu chỉ
chờ dịp để tuôn ra, như ông chưa bao giờ thố lộ với ai từ ngày ông rời
New Orleans. Anh chỉ có thể gật đầu, thỉnh thoảng thốt lên lời: “Tôi
rất tiếc!” hay là “Vậy sao?” mà thôi. Anh cảm thấy hổ thẹn khi biết có
một người Việt Nam tệ bạc như vậy, đành đoạn phá gia cang người ơn của
mình. Anh không dám trách ông Ray, nhưng hơn một phần tư thế kỷ không
được liên lạc với đồng hương quả là một hình phạt nặng nề cho bà Ngọc.
Anh thiết tha muốn gặp bà ngay hôm ấy. Còn gì ấm áp hơn cho bà khi
đang trên giường bệnh, sau một ca mổ thập tử nhất sinh, thấy ông đến
thăm với một đồng hương, một vóc dáng da vàng, một giọng nói quê cha
đất tổ? Anh hỏi:
“Thưa ông, hôm nay tôi có thể đến bệnh viện thăm bà được không? Nghe
ông kể chuyện tôi thấy tội bà quá!”
“Cám ơn cậu, nhà tôi nằm ở bệnh viện Fairview. Có cậu đến thăm chắc
nhà tôi mừng lắm. Nhưng hôm nay là ngày lễ, sợ làm phiền cậu. Bà nhà
tôi cũng sợ phiền con cái nên không cho tôi báo tin cho hai đứa nhỏ,
sợ chúng lo, tội nghiệp.”
Ông Ray ngậm ngùi nói tiếp:
“Khi sắp mất hay đã mất đi một vật gì đó người ta mới biết quí nó. Sau
khi đưa nhà tôi vào phòng mổ, tôi mới thấy mình đã quá ích kỷ khi bắt
buộc bà phải đoạn tuyệt với những gì dính líu đến Việt Nam, ngoại trừ
gia đình ruột thịt. Tôi quên rằng song song với tình vợ chồng, mặn
nồng xác thịt, con người còn yêu nhau, kính nhau vì nghĩa nữa. Mà cái
nghĩa của bà nhà tôi nó quá bao la – bà đã bỏ quê hương theo tôi, đã
dứt khoát với phong tục, văn hóa của mình để làm vừa lòng tôi sau lần
lầm lỗi ấy. Tôi còn đòi hỏi gì nữa hả cậu? Dịp may có đến hơn ba lần
không cậu? Lần thứ nhất tôi chiếm được cảm tình của bà khi tìm được
việc làm cho bà; lần thứ hai chiến tranh leo thang khiến bà quyết định
sang Mỹ với tôi; lần thứ ba, bà trở về với tôi. Tôi sợ tôi không còn
dịp may nào nữa mà tạ lỗi với bà, cậu ơi …”
Anh lấy đại một con số trong đầu, giọng quả quyết để trấn an ông:
“Không sao đâu! Bà sẽ bình phục mà, ông đừng quá lo lắng. Tôi nhớ có
đọc một bài báo nói hơn 90 phần trăm người bị ung thư ngực được bình
phục đó ông!”
“Vậy hả, nghe cậu nói tôi mừng quá! Cám ơn cậu!”
Anh bỗng nảy ra ý nghĩ mời ông Ray đến nhà anh dùng cơm cho bớt cô đơn
trong ngày lễ. Anh thật tình nói:
“Hay là ông ghé nhà tôi dùng cơm chiều nay. Không có ai khác ngoài
phân nửa gia đình của tôi ở đây mà thôi.”
“Cám ơn cậu, cậu tốt với chúng tôi quá. Nhưng tôi phải vào bệnh viện
ngay với nhà tôi. Bà bảo tôi về nhà nghỉ vì suốt đêm qua tôi đâu có
ngủ nghê gì đâu, nhưng tôi biết không có tôi thì bà buồn lắm.”
oOo
… Hình chụp gia đình anh bên bàn tiệc lễ Tạ Ơn năm ấy có con gà tây
nướng bị xẻo mất cái ức. Lý do đơn giản là, sau khi nghe anh kể lại
chuyện ông bà Ray, chị vội vàng cắt một miếng thịt gà ngon nhất, bỏ
vào hộp cùng với các món ăn phụ khác như là khoai tây tán chan nước
sốt, củ cà rốt rim với bơ … Chị cũng không quên thêm vào vài cuốn chả
giò với chút nước mắm. Vợ chồng anh mang hộp quà Thanksgiving ấy đến
biếu ông Ray và thăm bà Ngọc ngay chiều hôm đó tại bệnh viện.
Từ ngày lễ Tạ Ơn năm ấy, bức hình bàn tiệc với con gà tây bị xẻo mất
miếng ức nhắc anh nhớ đến một cử chỉ thường tình của gia đình anh đối
với một đồng hương và một người rể Việt Nam, đồng thời tạ lỗi thay cho
một đồng hương khác. Vậy mà cử chỉ ấy đã tạo nên một mối thâm tình
đồng hương nơi xứ người. Vâng, bà Ngọc đã bình phục sau ca mổ và các
lần chữa trị bằng hóa chất năm ấy, và hai ông bà đã trở thành bạn của
gia đình anh, rất thân thiết.
Lễ Tạ Ơn 2006{jcomments on}