Tháng 9 năm 2010 , tôi và mấy người bạn rủ nhau đi du lịch Trung quốc
. Đây là nước thứ sáu trong hành trình du lịch nước ngoài của tôi
.Tour của chúng tôi gồm sáu tỉnh thành phố kéo dài trong 9 ngày : Bắc
Kinh , Thượng Hải , Hàng Châu , Tô Châu , Vô Tích , Quảng Châu . Điểm
đến đầu tiên là Quảng Châu , đây là nơi gần biên giới Việt Nam nhất .
Thật là xui cho đoàn , đến Trung quốc vào một ngày mưa dầm rả rích vì
Trung quốc đang bị bão , Quảng Châu ở trong vùng bị ảnh hưởng . Cả
đoàn che dù đi tham quan Bắc Kinh Lộ – đường phố lớn nhất của thành
phố Quảng Châu . Sau đó đi tham quan nhà lưu niệm Tôn Trung Sơn , cuối
cùng là thăm mộ liệt sỹ Phạm Hồng Thái . Lúc nầy trời mưa to hơn nên
phần lớn du khách ngồi lại trên xe , tôi và những người bạn che dù leo
lên từng bậc thang xây bằng đá đến khu mộ . Chúng tôi quan niệm đi cho
biết nên dù mưa nặng hạt cũng cứ đi . Nhưng tiếc là trời mưa nên không
thể thắp cho liệt sỹ một nén hương – cũng là điều thiếu sót
Sáng hôm sau đoàn ra phi trường đi Bắc Kinh . Bắc Kinh hiện ra
trước mắt đoàn du lịch như một thành phố Châu âu hiện đại với những
tòa nhà cao tầng san sát nhau , đường phố ba tầng uốn lượn trên không
, xe hơi nối đuôi nhau – nhưng phần lớn là xe hơi nội địa . Nghe anh
hướng dẫn viên du lịch nói xe hơi nội địa ở đây rất rẽ . Chỉ khoảng
150 triệu đến 170 triệu tiền Việt là có ngay một xe du lịch mới ra lò
. Có điều chuyện mua xe thì ai cũng có thể thực hiện được , nhưng mua
một miếng đất bằng chiếc xe để có chỗ đậu xe là một điều không tưởng !
Vì vậy phần lớn dân Trung quốc chọn giải pháp chung cư .
Là một thành phố nguy nga hoành tráng , nhưng khoảng chín giờ
tối Bắc Kinh đã tắt đèn đi ngủ . Đây không phải là một thành phố hoạt
động về đêm như Thượng Hải mà là một thành phố ngủ nghê đúng giờ giấc
, vì phần lớn dân cư Bắc Kinh là dân văn phòng .
Sáng hôm sau cả đoàn leo Vạn Lý truờng thành . Du khách ai
cũng dừng chân chụp hình ở bức tường ghi bút tích của Mao Trạch Đông :
“ Bất đáo trường thành phi hảo hán ”. Tôi nghĩ vậy thì muốn trở thành
hảo hán cũng dễ . Không biết có phải vì tinh thần của câu nói đó không
mà có rất nhiều ông cụ bà cụ cũng tham gia leo Vạn Lý trường thành .
Có người chống gậy , có người được hai con xốc hai vai , nhưng vẫn cố
leo lên những bậc đá của Vạn Lý trường thành . Chính vì những tấm
gương đó đã động viên tôi leo lên được phong hỏa đài thứ ba . Đây là
những chốt được xây dựng để khi có giặc đến người ta sẽ dùng phân dê
đốt lên báo hiệu cho kinh thành biết . Được hỏi vì sao dùng phân dê mà
không dùng phân của súc vật khác , anh hướng dẫn viên du lịch người
Trung quốc giải thích rằng vì phân dê nhiều khói hơn các loại phân súc
vật khác . Không hiểu được xây bằng kỹ thuật gì mà mỗi vọng hỏa đài
đều mát lạnh như dùng máy điều hòa . Đang leo Vạn lý trường thành mà
vào đó nghỉ một lát sẽ hết mệt ngay . Qua lời anh hướng dẫn viên nếu
tháo rời số gạch xây Vạn Lý trường thành ra thì có thể xếp một vòng
chu vi trái đất !
Buổi chiều hôm đó cả đoàn đi tham quan cung điện mùa hè của Tư
Hy Thái Hậu . Một cung điện nguy nga lộng lẫy và một hành lang hóng
mát có mái che chạy dài ven hồ sen đến một ngàn mét . Không biết gót
chân vàng ngọc của bà Thái hậu có từng dạo bước hết chiều dài nầy
không ? Bây giờ là cuối mùa hạ nhưng sen vẫn nở bát ngát cả khu hồ
rộng mênh mông . Được biết mỗi ngày có đến hai chục ngàn người thăm
viếng nơi nầy .
Điểm tham quan của ngày hôm sau là Cố cung . Một nơi xa lạ
nhưng ai cũng có cảm giác quen quen từ cổng ngoài cho đến những mái
ngói cong vút của cung điện thấp thoáng bên trong . Bởi vì ai cũng đã
từng xem phim lịch sử của Trung quốc nên đã từng thấy hoàng cung nầy
trong phim . Cố cung được tọa lạc trên một vùng đất rộng mênh mông có
đến hơn 60 ha . Không biết các vì vua có đi tham quan hết hoàng cung
trong cuộc đời họ ? Có vô số cung điện , cung điện nào cũng có kiến
trúc và cách chạm trỗ những hoa văn hơi giống nhau . Nhưng có một điểm
chung là cung điện nào cũng hết sức nguy nga tráng lệ . Du khách đủ
mọi quốc tịch chen lấn nhau nhìn qua cửa kính xem bên trong cung điện
có gì . Nghe anh hướng dẫn viên người Trung quốc thì mỗi ngày ở đây
đón một trăm ngàn lượt khách du lịch . Anh còn nửa đùa nửa thật nói
rằng cứ đến đây nhặt chai nước du khách uống xong vất đi mỗi ngày cũng
có thể trở thành tỷ phú !
Đông người quá nên cũng khó chụp được một pô ảnh cho riêng mình
mà không có người khác chen vào . Mỏi chân quá , cả đoàn ngồi quanh
một gốc cây ăn đào . Những quả đào giống đào Sa pa , nhưng to hơn ,
thơm và ngọt , được những người dân Trung quốc bán rong trong Cố cung
.
Cổng sau Cố cung nối liền với quảng trường Thiên An môn . Trên
cổng Quảng trường là bức hình lớn của chủ tịch Mao Trạch Đông , xa xa
là lăng Mao Chủ tịch . Quảng trường rộng mênh mông lộng gió là nơi lý
tưởng cho những người dân nghèo Trung quốc bán diều cho du khách .
Những con diều giấy đủ màu sắc theo gió lộng tha hồ vươn cao , bay xa
, đã giúp cho người lao động Trung quốc thu được những đồng nhân dân
tệ lẻ .
Hôm sau cả đoàn đi tham quan lăng mộ của 13 vị vua nhà Minh
nằm sâu 28 mét dưới lòng đất . Cô hướng dẫn viên người Việt ngại xui
khi phải tiếp xúc với tử khí dưới lòng đất nên không đi , chỉ còn anh
thanh niên người Trung quốc hướng dẫn . Những bậc thang xây bằng đá
núi màu trắng đưa chân du khách xuống khu hầm mộ . Tôi nhìn những viên
đá được cưa cắt từ núi , vuông vắn , mài nhẵn bóng , trắng ngà mà
nghĩ đến công lao của những người xây hầm mộ . Được biết nhiều người
đã chết khi xây dựng khu hầm mộ nầy . Cũng phải thôi , một Vạn Niên
của Tự Đức bề thế thua xa hầm mộ ở đây mà đã từng có câu ca dao :
Vạn Niên là Vạn Niên nào
Thành xây xương lính , hào đào máu dân .
Càng đi xuống sâu càng nghe lành lạnh . Cuối cùng khi đã đi xuống đáy
hầm mộ là những quan tài sơn màu đỏ thắm đặt song song nhau trên nền
đá . Muốn thắp một nén hương , không phải cho những người nằm trong
quan tài kia , mà là cho những người dân , người lính Trung quốc đã hy
sinh xương máu khi xây hầm mộ nầy . Một mùi rất lạ thoang thoảng ,
phải chăng đó gọi là mùi tử khí hàng mấy trăm năm ? Du khách không
được phép chụp hình , thật ra nếu được phép chụp hình có lẽ cũng chẳng
ai muốn chụp những quan tài ! Trước khi ra khỏi cổng cuối cùng của khu
lăng mộ , anh hướng dẫn viên người Trung quốc bảo mọi người phải nói
câu : “ Tôi đã về đây ! ” , có nghĩa là đã bước ra khỏi địa ngục mà về
với trần gian . Có du khách tinh nghịch hỏi anh hướng dẫn viên : “
Mình nói câu ấy bằng tiếng Việt lỡ ông vua Vạn Lịch không hiểu , ổng
bắt mình ở lại thì nguy ” . Anh hướng dẫn viên bèn bày cho cả đoàn nói
bằng tiếng Tàu đồng nghĩa với câu “ tôi đã về đây ” . Mọi người vừa
bước qua cổng , vừa nói tiếng Tàu vừa cười ngặt ngẽo .
Hôm sau đến Hàng Châu , điểm tham quan chính là phim trường Tam
quốc chí . Đã từng xem phim Tam quốc chí của Trung quốc du khách sẽ
thấy lại quang cảnh từng diễn ra trong phim : những lâu đài cổ kính ,
những vọng gác , những pháo đài trên sông , những nơi từng diễn ra các
trận thủy chiến giữa quân của Tào Tháo , Khổng Minh , Đông Ngô …Cảm
giác đầu tiên là đẹp và công phu quá ! Du khách tranh nhau chụp ảnh
bên tượng những nhân vật lịch sử Trung quốc như Khổng Minh ,Tào Tháo ,
Châu Du , Tôn Quyền , ba anh em vườn đào …oai phong trên những con
ngựa bằng …xi măng .
Giã từ Hàng Châu , đến Tô Châu coi trình diễn Tống thành . Sân
khấu hoành tráng và đẹp mê hồn ! Kỹ thuật 3D được phát huy tối đa . Du
khách xuýt xoa khen ngợi , và tôi chợt nghĩ bao giờ thì sân khấu Việt
Nam mới đạt đến mức độ hiện đại ấy ?
Sáng hôm sau đoàn đến tỉnh Giang Tô , điểm tham quan chính của
địa phương nầy là Hàn San Tự .
Bây giờ tôi mới biết Hàn San Tự cũng chỉ là một ngôi chùa bình
thường , không có gì đặc biệt . Chẳng qua nó nổi tiếng vì bài thơ
Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường :
Nguyệt dạ ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền .
Bản dịch của Tản Đà :
Ban đêm thuyền đậu bến Phong Kiều
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài , cây bến , sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San .
Hồi sinh viên , học bài nầy với giáo sư Trần Trọng San , tôi cứ tưởng
trước chùa nầy có một dòng sông , vì câu : “ Giang phong ngư hỏa đối
sầu miên ”
. Đến khi diện kiến thì thấy chẳng có dòng sông nào cả , trước cổng
chùa chỉ có một con kênh nhỏ , nhỏ đến nổi tôi nghĩ một thanh niên cao
lớn có thể nhảy qua được bờ bên kia . Không hiểu chiếc thuyền của
Trương Kế nhỏ cỡ nào mà có thể đậu trên con kênh nầy được ! Và đọc câu
“ Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền ” Tôi lại nghĩ chùa nầy công phu
khuya đến tận nửa đêm chăng ? Về sau tìm hiểu kỹ bài thơ ,thì ra đây
chỉ là tiếng chuông tạ ơn Phật của hai thầy trò một vị sư của chùa nầy
* . Đêm ấy có một vị tăng nghĩ ra hai câu thơ đầu , chú tiểu họa tiếp
hai câu sau , vậy là xong một bài tứ tuyệt . Và tiếng chuông tạ ơn
Phật do vị tăng gióng lên trong đêm khuya đã mang lại cho Trương Kế
một ý thơ tuyệt vời , có thể nói hay nhất trong bài thơ tứ tuyệt nầy :
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San .
Giã từ chùa Hàn San để đến Sư Tử Lâm . Bây là một khu rừng đá
giống hình sư tử nổi tiếng của Vô Tích . Một Khu vườn đẹp với ao cá ,
cầu ao xây dựng cầu kỳ , với cơ man nào là đá hao hao giống hình sư tử
, được thiết kế bằng bàn tay con người nhưng cũng rất tự nhiên như
những hòn núi đá với vô số những hang hóc . Đây cũng là điểm tham quan
thích thú của du khách .
Ngày cuối cùng trong chương trình tham quan , chúng tôi đến Thượng
hải – thành phố phồn hoa từng được mệnh danh là Paris của Châu Á . Nếu
Bắc Kinh quyến rũ du khách với nhà cửa cao tầng đồ sộ nguy nga , những
con đuờng cao tầng láng bóng ngang dọc , thì Thượng Hải hấp dẫn du
khách với vẻ nhộn nhịp năng động của một đô thị buôn bán sầm uất . Và
cũng thật trái ngược , nếu Bắc Kinh tắt đèn đi ngủ sớm , thì Thượng
hải là một thành phố không ngủ . Mặc dù đêm đã khuya , nhưng trên con
đường đi bộ dành cho khách mua sắm vẫn tấp nập du khách đủ mọi quốc
tịch . Và nhớ đến thành phố Thượng hải , du khách cũng nhớ đến một bến
cảng đẹp và lộng gió . Vào tháng chín , Trung quốc vẫn nóng đến 34 độ
, nhưng khi ra ngồi trên bến cảng thì mọi oi bức không còn .
Khi đến Trung quốc vào tháng chín , tôi cứ tưởng mình sẽ được
thưởng ngoạn cảnh đẹp của mùa thu phương Bắc . Nhưng có lẽ năm ấy mùa
thu Trung quốc đến muộn , lá phong ở ven đường vẫn xanh thẳm một màu .
Nhớ đến cảnh quan Thúy Kiều tiễn đưa Thúc Sinh với “ Rừng phong thu đã
nhuốm màu quan san ” mà mơ ước được chứng kiến tận mắt một rừng phong
lá đỏ đến tận chân trời . Cây phong ở đây được trồng nhiều ven đường
với cành lá tỏa rộng . Cây bạch dương của đất nước Nga cũng được trồng
ở đây khá nhiều ,có khi trồng thành rừng . Xe chạy qua rất nhiều làng
quê Trung quốc , nhưng chỉ thấy nhà cửa ,cây cối , hầu như không thấy
bóng dáng con người . Tôi và nhiều du khách trong đoàn cũng đều thắc
mắc không hiểu họ đi đâu . Nhưng nếu có họ thì du khách cũng không
giao tiếp được gì . Người Trung quốc thường không biết tiếng Anh –
ngay cả tiếp viên các nhà hàng , khách sạn là những người thường giao
tiếp với du khách . Có lần ăn buýp phê buổi sáng ở một khách sạn , tôi
thấy có món trứng luộc nhưng không thấy muối ( người Trung quốc ăn
trứng luộc không chấm muối ) , tôi hỏi một chị cùng đoàn là người
Trung quốc , nhưng sống ở Việt Nam từ nhỏ , tiếng Trung quốc gọi muối
là gì . Chị nói : “ zẽm pa ” . Tôi bèn hỏi cô tiếp viên : “ Zẽm pa ? ”
, cô nầy hỏi lại : “ Zẽm pa ? ”.Tôi gật đầu . Cô ta bèn dẫn tôi đi đến
chỗ lấy muối . Đến một khu có để cà phê pha sẵn , cô chỉ tay vào một
bát có đựng một chất màu trắng , nửa giống đường , nửa giống muối .
Tôi lấy một chén nhỏ rồi đi về chỗ bàn của mình . Mọi người trong bàn
hí hửng chấm trứng vào , eo ôi thì ra là đường ! Chán quá chẳng muốn
đi tìm muối nữa . Kinh nghiệm lần sau đến Trung quốc phải thủ sẵn một
gói muối tiêu để ăn với trứng ( luộc trong nước trà ) . Một lần khác
ăn sáng xong , tôi phải đi tìm nước lọc để uống thuốc . Tìm mãi trong
nhà hàng buýp phê chỉ thấy nước trà , nước trái cây các loại mà không
thấy nước lọc đâu cả , tôi bèn hỏi một cô tiếp viên bằng tiếng Anh : “
drinking water ? ” , nghĩ là mình chỉ nói có hai từ thôi , may ra cô
nầy có biết chăng ? Cô ta ngó sững tôi như ngó một người từ cung
trăng mới xuống , rồi vẫy một anh chàng tiếp viên khác tới . Anh nầy
biết tiếng Việt , anh ta hỏi tôi : “ Chị cần gì ? ”, và dẫn tôi đến
chỗ có bình nước lọc . Tôi nghĩ du khách biết tiếng Anh khi đến đất
nước nầy thì cũng đành chia động từ “ To huơ ” thôi ( huơ tay , huơ
chân cho người ta hiểu mình muốn gì ) . Có điều phải công nhận người
Trung quốc phát âm tiếng Việt thật chuẩn . Vì ngôn ngữ của họ cũng có
đủ sáu thanh như ngôn ngữ Việt nên họ nói tiếng Việt rất hay . Và cũng
vì tiếng Trung quốc có đủ sáu thanh nên người Việt mới có thể áp dụng
luật bằng trắc của thơ Đường vào ngôn ngữ mình được . Và kinh nghiệm
cho thấy , đến Trung quốc bạn có thể gặp được nhiều người nói tiếng
Việt chuẩn hơn là gặp người biết tiếng Anh . Trong suốt chương trình
tour 9 ngày đêm , đoàn chúng tôi có ba hướng dẫn viên người Trung quốc
, nhưng tôi phục anh hướng dẫn viên tuổi trung niên , hướng dẫn đoàn
chặng Hàng Châu , Tô Châu , Vô Tích , Thượng Hải nhất . Anh nầy nói
tiếng Việt giọng Hà Nội quá hay , nếu chẳng biết trước anh là người TQ
thì tôi sẽ nghĩ anh là người Việt . Anh có vẻ người giống người Việt
đã đành mà còn nói tiếng Việt vô cùng lưu loát , kiến thức lịch sử rất
rộng , thuyết minh về lịch sử TQ bằng tiếng Việt hay như một giáo viên
dạy giỏi môn sử người Việt Nam . Tôi hỏi anh học tiếng Việt bao lâu mà
nói hay như vậy . Anh nói anh học tiếng Việt sáu năm , cộng với hai
năm làm phiên dịch viên ở Việt Nam . Anh đã để lại ấn tượng trong tôi
về một người TQ nói tiếng Việt quá hay .
Bên cạnh những điều không thuận lợi về ngôn ngữ , thì đi du
lịch Trung quốc thật bổ ích . Tôi đã đi du lịch sáu nước ( một số nước
Châu á và Mỹ ) , nhưng có lẽ không đâu thích thú bằng Trung quốc . Đây
là một xứ sở có nền văn hóa lâu đời với biết bao nhiêu là di tích lịch
sử , bao nhiêu là đền đài lăng tẩm . Là giáo viên Văn , đến đây tôi có
dịp gặp gỡ những địa danh trong văn học – nhất là những địa danh trong
truyện Kiều . Tôi đã có dịp đi qua những nơi mà bước chân phiêu bạt
của Kiều đã qua : “ Khi Vô Tích , khi Lâm Truy , Nơi thì lừa đảo ,
nơi thì xót thương ” . Và tôi cũng xúc động khi đi ngang qua dòng sông
Tiền Đường – nơi Kiều đã trầm mình tự vẫn – để thấy dòng sông mênh
mông dường nào . Và từ đó hiểu vì sao Nguyễn Du đã mô tả dòng sông một
cách dữ dội : “ Triều đâu đã thấy nổi lên đùng đùng ” – thiên nhiên
cũng phẫn nộ trước những nghiệt ngã cay đắng mà cuộc đời đã phủ xuống
số phận Kiều . Lúc tôi đi ngang qua dòng sông Tiền Đường thì không
thấy ngọn triều nào , nhưng cái mênh mông của dòng sông làm người ta
hãi hùng khi nghĩ đến thân phận “ cánh hồng lúc gieo” * .
Giã từ “ Trung quốc một lần qua ” . Ở phi trường Bắc Kinh ,
lúc làm thủ tục hải quan , một cô nhân viên hải quan bảo tôi bỏ mũ ra
, nhưng lại nói bằng tiếng Trung quốc ( trong khi trước đó cô nầy đã
xem Pasport và biết tôi là người Việt ) . Trong khi tôi ngơ ngác không
hiểu thì cô ta chỉ tay vào cái mũ tôi đang đội trên đầu . Đây là một
đất nước quá tôn trọng tiếng mẹ đẻ nên đã thiếu tinh thần hội nhập .
Họ nói với người nước ngoài bằng tiếng mẹ đẻ tự nhiên như ai cũng phải
có “ nghĩa vụ” phải học tiếng nước họ . Đường phố của họ dùng toàn
bảng hiệu bằng tiếng Trung – chỉ trừ ngân hàng – ngay cả tại những phi
trường quốc tế hằng ngày có biết bao nhiêu người ngoại quốc đi , đến ,
mà cái bình nước lọc cũng ghi bằng tiếng Trung . Một người bạn của tôi
suýt bỏng vì không biết đâu là vòi nước nóng , đâu là vòi nước lạnh .
Trong khi đó , đường phố Việt Nam lại nhan nhãn bảng hiệu , bảng quảng
cáo bằng tiếng Anh . Những cuộc thi của người Việt cũng mang tiếng Anh
hẳn hoi : “ Việt Nam Idol ” , “ Việt nam s got talent” …Công sở của
người Việt cũng chuyển sang tiếng Anh : VNPT ( Bưu chính viễn thông
Việt Nam ) , EVN ( Điện lực Việt Nam ) , rồi Việt buil ( Xây dựng Việt
nam ) … Tôi nhớ có một lần hồi còn sống ở Đà Nẵng , tôi gặp một bác
mặt mũi có vẻ nông dân đi tới đi lui mãi trước bưu điện Đà Nẵng mà
không dám vào . Gặp tôi đi ngược chiều , bác nhờ chỉ hộ sở Bưu điện để
gởi thư . Tôi chỉ vào bảng hiệu VNPT , bác ngớ người ra một chặp rồi
mới bước vào . Rồi các MC người Việt hẳn hoi , đọc bảng tin bằng tiếng
Anh , tiếng Pháp trên màn ảnh nhỏ , thỉnh thoảng có một số từ tiếng
Việt chen vào như địa danh , nhân danh , cũng “ quốc tế hóa tiếng Việt
” bằng cách bỏ dấu , đọc lơ lớ như người ngoại quốc đọc tiếng Việt .
Nghe thật khó chịu ! Tôi không hiểu họ đọc như thế để làm gì ? Cho
người nước ngoài dễ nghe hơn chăng ? Tại sao người Việt nói tiếng Việt
trên phương tiện truyền thông mà lại nói không chuẩn ? Người nước
ngoài nghe họ sẽ nghĩ sao nhỉ ? Nếu vì mục đích làm cho họ dễ nghe hơn
mà vô hình chung mình đã phát âm sai tiếng mẹ đẻ thì có cần thiết
không ? có tôn trọng tiếng nước mình không ? Vậy sao khi người nước
ngoài giao tiếp với người Việt bằng tiếng Anh , họ không nói “ lơ lớ ”
cho người Việt dễ nghe hơn , mà họ lại nói đúng chuẩn ? Nói chung chỉ
vì tinh thần quá vọng ngoại mà đã quên tôn trọng tiếng mẹ đẻ của mình
. Về phương diện nầy người Trung quốc và người Việt nam là hai thái
cực !
V.H.U.
* Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến học hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không .
Dịch nghĩa :
Mồng ba mồng bốn trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không {jcomments on}
Kí sự rất hay .
Chị VHU đi du lịch nhiều nơi thích ghê!
Mỗi một lần đi chơi là một kỉ niệm .Cám ơn tác giả .
Đi chơi nhưng vẫn nhớ quê hương.
Chiêm ngưỡng cảnh người lại bâng khuâng non nước VN thật quý hóa.
Chị VHU đi chơi thích nhỉ lại có nguồn cảm hứng cho thơ văn .