Những Niềm tin Cốt lõi của Người Bình dân Việt Nam Như là Những Giá trị Nền tảng cho Cuộc Sống

Tác giả: Thầy Nguyễn Văn Thái

Tất cả mọi nhóm dân tộc đều có một hệ thống giá trị làm nền tảng cho cuộc sống. Những giá trị này bắt nguồn từ những niềm tin về hiện thực do giáo huấn trực tiếp của hệ thống giáo dục chính quy đem lại hoặc gián tiếp qua sự chuyển tải truyền thống của gia đình hay bộ lạc. Những niềm tin này được thể hiện bằng những hành động dần dà biến thành tập quán mà người ta thường quan sát được qua những phản ứng vô thức của con người. Một phản ứng vui vẻ hay tức giận đột phát có thể được truy nguyên từ niềm tin vào một giá trị nào đó. Tìm ra được những niềm tin này là hiểu được những động năng thúc đẩy hành động của con người.

Ca dao, tục ngữ là những hình thức phát biểu của người bình dân Việt Nam về những kinh nghiệm sống hằng ngày của họ. Những kinh nghiệm này bao gồm cả những niềm tin cốt lõi mà chúng ta có thể xem như là những giá trị nền tảng cho động lực thúc đẩy hành động. Một trong những niềm tin đó là niềm tin vào sự thông minh. Người bình dân Việt Nam trân quý sự thông minh và ghét bỏ sự đần độn. Người bình dân Việt Nam hiểu thông minh một cách đơn giản như là sự khôn ngoan và tài giỏi trong giao tế và trong việc biết tính toán, cân nhắc, đắn đo trong lối hành sử, nghĩa là khả năng giải quyết vấn đề.

 

Bạc đầy mình không bằng thông minh sáng suốt

 

Người khôn dồn ra mặt

 

Người khôn thời nói nửa lời cũng khôn

 

Người khôn chưa đắn đã đo

Chưa đi đến biển đã dò nông sâu

 

Rồng vàng tắm nước ao tù; người khôn ở với người ngu bực mình

 

Ba năm ở với người đần

Không bằng một lúc đứng gần người khôn

 

Một con người đần bằng một sân nấm độc

Một con người ngọc, áo bọc ác hoàng [mặt trời]

 

Hoa thơm ai chẳng nâng niu

Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề

 

Thà rằng làm lẽ thứ mười

Còn hơn chính thất những người đần ngu.

 

 

Quan niệm đơn giản về sự thông minh này cũng không khác quá nhiều đối với những định nghĩa của những nhà chuyên môn như chúng ta sẽ thấy ở phần sau đây.

 

Thực ra, khó mà khẳng định được là quan niệm về thông minh xuất hiện vào thời điểm nào trong văn học bình dân ở nước ta. Tuy nhiên, ca dao, tục ngữ là một thực thể văn học hiện diện cả hằng ngàn năm suốt dọc dài lịch sử dân tộc. Ở phương Tây, mãi đến cuối thế kỉ 19, tại vương quốc Anh, Francis Galton là người đầu tiên nghiên cứu về sự thông minh. Galton định nghĩa thông minh là tốc độ phản ứng trước một vấn đề cần giải quyết. Charles Spearman (1904), cũng là một nhà tâm lí học người Anh, đã dùng phân tách thống kê nhân tố (factor analysis) để đưa ra lí thuyết cho hai loại nhân tố cấu tạo nên trí thông minh: (1) một nhân tố chung là khả năng bao quát gồm nhiều kĩ năng trong việc giải quyết vấn đề và (2) nhiều nhân tố chuyên biệt cho những kĩ năng trong những lãnh vực trí óc khác nhau. Louis Leon Thurstone, một tâm lí gia người Mỹ, chuyên về trắc lượng tâm lí, đề xuất một mô hình trí tuệ gồm 7 nhân tố: (1) khả năng về ngôn từ, (2) khả năng hiểu được ý tưởng, quan niệm, (3) kĩ năng về thuật số, (4) khả năng về không gian, (5) tốc độ nhận thức, (6) trí nhớ vận hành, và (7) lí luận quy nạp. Một nhà nghiên cứu tâm lí học giáo dục người Mỹ khác tại đại học Harvard, GS. Howard Gardner, đưa ra lí thuyết (1983, 1987) gồm có chín (9) lãnh vực thông minh chuyên biệt. Đó là thông minh về: (1) ngôn ngữ, (2) luận lí/toán học, (3) không gian, (4) âm nhạc, (5) vận động cơ bắp, (6) tương giao, và (7) khả năng hướng nội. Về sau ông còn thêm sự thông minh thiên nhiên (naturalistic intelligence) (8) có nghĩa là sự hiểu biết về sinh vật và hiểu được thiên tính. Sau cùng ông còn thêm thông minh thứ 9, thông minh hiện sinh (existential intelligence), có nghĩa là sự thông minh đặt những vấn đề trọng đại như ý nghĩa của cuộc sống, v.v…

 

Nói tóm lại, chắc hẳn người bình dân Tây phương cũng đã có đặt vấn đề thông minh từ lâu trong cuộc sống hằng ngày của họ. Tuy nhiên, dấu chỉ chính thức của sự kiện này chỉ bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỉ 19 với giới trí thức, nhất là qua những chương trình nghiên cứu của các nhà tâm lí học như vừa nêu trên. Và cũng từ những công trình nghiên cứu này nảy sinh ra những nghiên cứu về trắc lượng trí tuệ như trắc lượng Stanford-Binet (1916), WISC (Weschler-Bellevue Intelligence Scale for Chidren, 1949) cho trẻ con từ 6 đến 16 tuổi, và WAIS (Weschler Adult Intelligence Scale, 1955) cho người lớn từ 16 đến 90 tuổi; WISC đã được cập nhật thành WISC-V (2014) và WAIS được cập nhật thành WAIS-IV (2008); phiên bản WAIS-V đang được nghiên cứu và có thể được ra mắt năm 2024. Những trắc lượng này cho biết chỉ số trí tuệ  (IQ: intelligence quotient) của những người tham dự bài trắc lượng. Nhưng dù sao vẫn chưa có một đồng thuận giữa các nhà chuyên môn về định nghĩa của thông minh. Trong thực tế khoa học, các công cụ trắc lượng trí tuệ hiện tại chỉ đo lường những sinh hoạt trí óc mà các nhà tâm lí học nêu ra chứ không khẩn thiết là đo lường thông minh. Có lẽ cần có nhiều nghiên cứu thêm để có được một định nghĩa về thông minh chính xác hơn.

 

Alfred Binet và Theodore Simon, những nhà tâm lí học người Pháp, là những người đầu tiên làm nên bài trắc lượng trí tuệ Binet-Simon (1905) nhằm mục đích giúp chính quyền Pháp nhận diện được những học sinh trì chậm hoặc thiểu trí cần được giúp đỡ trong lớp về học tập. Ở Mỹ, Lewis Terman tại đại học Stanford đã cải biên Binet-Simon thành Stanford-Binet (1916). David Weschler cho là Stanford-Binet chú trọng vào nhân tố thông minh bao quát trong lúc ông cũng như những nhà tâm lí học hiện đại (như Thurstone, Gardner, Sternberg) cho là thông minh bao gồm nhiều khả năng trí óc chuyên biệt. Do đó, ông đã thực hiện WISC và WAIS để đo lường các kĩ năng như (1) sự thông hiểu ngôn từ, (2) lí luận về nhận thức, (3) trí nhớ vận hành, và (4) tốc độ vận dụng thông tin. Những trắc lượng trí tuệ này cùng với những công cụ đo lường khác giúp cho nhà trường nhận diện được những học sinh trì chậm, trung bình, cũng như xuất chúng để cung cấp những dịch vụ giáo dục thích ứng1.

 

Việt Nam nay (2023) đã có một vài công cụ chẩn đoán trẻ em khuyết tật như “Bảng hỏi các khó khăn trong học tập liên quan đến khuyết tật học tập” (Nguyễn thị Cẩm Hường, 2013), đã chuẩn hoá phiên bản tiếng Việt của WISC-IV (2012), và đang có nhu cầu cập nhật WISC-IV theo phiên bản WISC-V. Tuy nhiên Việt Nam vẫn chưa có những công cụ toàn bộ đo lường trí thông minh của học sinh ngõ hầu có thể cung ứng những dịch vụ thích hợp với nhu cầu của mỗi loại học sinh2. Hơn nữa hai vấn đề chính yếu của Việt Nam về trắc lượng trí tuệ là (1) nhu cầu phát triển những công cụ trắc lượng trí tuệ phù hợp với văn hoá của học sinh Việt chứ không phải chỉ chuyển những công cụ đo lường bằng tiếng Anh sang tiếng Việt, và (2) nhu cầu chuẩn hoá (standardize) các công cụ đo lường. Một công cụ trắc lượng trí tuệ mà không được chuẩn hoá bằng cách chọn mẫu và phân tích thống kê đúng đắn sẽ không có giá trị đo lường khoa học.

 

Không những người bình dân nước ta trân quý và yêu mến sự thông minh mà còn biết được nguyên nhân tạo nên sự thông minh. Họ cho rằng những người thông minh, tài giỏi sẽ sinh ra con cái cũng tài giỏi, thông minh. Ngược lại, những người có trí óc trì chậm thì con cái của những người này cũng sẽ trì chậm. Cho nên, đối với người bình dân Việt Nam, dòng giống rất quan trọng vì, theo họ, là nhân tố tạo nên thông minh. Do đó, trong việc lấy vợ, lấy chồng, họ khuyến cáo là nên chọn người thông minh.

 

Rượu ngon bởi vị men nồng

Người khôn bởi vị giống dòng mới khôn

 

Dòng nào sanh giống ấy

 

Người khôn tâm tính tại lòng

Lọ là uống nước giữa dòng mới khôn

 

Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh

 

Khôn từ trong trứng khôn ra; dại đến già vẫn dại

 

Khôn thì khôn tự thuở lên ba; dại thì đến già vẫn dại

 

Khôn thì trong trí lượng ra

Dại thì học lm người ta bề ngoài

 

Con nhà võ ngõ cửa đợi hiền tài

Con nhà lạc loài cầm gươm thành kẻ cướp

 

Đàn anh có mả; kẻ cả có dòng

 

Mẹ đần lại đẻ con đần

Gạo chiêm đem giã mấy lần vẫn chiêm

 

Quạ già trăm khoang không bằng phượng hoàng mới nở

 

Trứng rồng lại nở ra rồng; liu điu lại nở ra dòng liu điu

 

Lãi* mẹ đẻ lãi con; lãi con sòn sòn lãi cháu

*(giun sán, sán lãi)

 

Gà mái đen, cả ổ đều đen

 

H phụ sinh h tử

 

Coi trái thì biết cây

 

Nước có nguồn; cây có gốc

 

Le the cũng thể cây tùng

Rườm rà cho lắm cây sung bờ rào

 

Mạch trong, nước chảy ra trong

Thế nào đi nữa con dòng cũng hơn

 

Nguồn đục thì dòng cũng đục

 

Chẳng thơm cũng thể hương đàn

Chẳng trong cũng nước trong nguồn chảy ra

 

Mài sừng cho lắm vẫn là trâu

 

Mưa mai sợ nỗi nắng chiều

Con dòng thất vận cũng nhiều người thương

 

Lấy vợ chọn tông; lấy chồng chọn giống

 

Chẻ củi xem thớ; lấy vợ xem tông

 

Mua trâu xem vó; lấy vợ xem nòi

 

 

Ở các nước phương Tây, người ta cũng chú trọng đến nguyên nhân tạo nên thông minh và những công trình nghiên cứu tâm lí học của họ đã đưa đến kết luận là nhân tố quan trọng đóng góp vào sự thông minh phát sinh từ di truyền (genetics). Khi người bình dân Việt Nam nói đến dòng giống thì, trong thực tế, cũng đồng quan điểm với quan niệm di truyền. Quan niệm về dòng giống dựa trên quan sát hiện thực ngoại giới còn quan niệm di truyền dựa vào quan sát các di thể (genes) của DNA. Thực ra, trắc lượng trí tuệ chỉ đo lường các kĩ năng trí óc như (1) sự thông hiểu ngôn từ, (2) lí luận về nhận thức, (3) trí nhớ vận hành, và (4) tốc độ vận dụng thông tin, chứ chưa bao giờ trực tiếp đo lường khả năng trí tuệ của các di thể. Các nhà trắc lượng trí tuệ chỉ đề xướng nguyên nhân di truyền của thông minh bằng phương pháp loại suy dựa vào đối chiếu chỉ số trí tuệ (IQ) của những cặp trẻ sinh đôi cùng trứng (monozygotic) được nuôi dưỡng ở những nơi cách biệt nhau và tìm thấy sự trùng khớp tỉ lệ bách phân trung bình của chỉ số trí tuệ giữa những cặp song sinh này là 86%, nghĩa là sự giống nhau về khả năng trí tuệ của những cặp song sinh này giống nhau đến 86 phần trăm. Hơn nữa, tỉ lệ này chỉ còn 47% giữa anh em không đồng sinh, 31% giữa anh em cùng cha, khác mẹ, và 15% giữa anh em chú bác3. Khám phá khoa học này cho phép kết luận là nhân tố di truyền (hay dòng giống) là nguyên nhân thiết yếu của trí thông minh. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều nghiên cứu khác cho thấy là tỉ lệ bách phân của nhân tố di truyền ảnh hưởng đến trí thông minh di động từ 30% đến 75%; điều này chứng tỏ là còn nhiều nhân tố khác ảnh hưởng đến trí thông minh chứ không phải chỉ có nhân tố di truyền.

 

Do đó, di truyền hay dòng giống không phải là nguyên nhân duy nhất tạo nên thông minh. Các điều kiện ngoại giới đã từng được nghiên cứu cũng là những nhân tố đóng góp vào việc cấu tạo nên trí thông minh. Nơi cư trú (như thành thị – đối chiếu với thôn quê – bao gồm những phương tiện thuận lợi cho sự phát triển trẻ con như ban giảng huấn giỏi, nhiều học cụ tân tiến, nhiều sách vở, nhiều cơ hội tiếp xúc, thực phẩm phong phú,v.v…), thể thao thể dục, trình độ học vấn của người cha, trình độ học vấn của người mẹ, nghề nghiệp của người cha đều là những nhân tố đóng góp vào trí thông minh. Đa phần (55.8%) những trẻ em sống ở thành thị có chỉ số trí tuệ cao so với tỉ lệ nhỏ bé của các trẻ em sống ở vùng thôn quê (1.8%). Các trẻ em có tập thể thao, thể dục khoảng hơn 5 tiếng đồng hồ mỗi tuần có chỉ số trí tuệ cao hơn những trẻ em không vận động cơ thể. Hơn 65% trẻ em có chỉ số trí tuệ cao thuộc những gia đình có lợi tức cao. Tám mươi bốn chấm sáu phần trăm (84.6%) trẻ em có chỉ số trí tuệ cao thuộc những gia đình mà trong đó người cha có học lực đại học hay hậu đại học. Mẹ của 72.4% các trẻ em có chỉ số trí tuệ cao đã tốt nghiệp đại học hoặc hậu đại học. Và 73.6% trẻ em có chỉ số trí tuệ cao thuộc những gia đình mà trong đó, người cha làm nghề chuyên môn hay bán chuyên môn4. Những khám phá này cho thấy là những điều kiện của ngoại giới ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ của trẻ con. Mặc dù người bình dân Việt Nam không có được những kiến thức khoa học này, nhưng họ có niềm tin là điều kiện ngoại giới có thể biến đổi khả năng trí óc của con người. Nói cách khác, mặc dù người bình dân Việt Nam rất trân quý và yêu mến sự thông minh và họ tin rằng trí thông minh là do gốc gác (di truyền) của gia đình tạo nên, nhưng đồng thời họ cũng tin rằng những điều kiện của ngoại giới đóng góp vào việc tạo thành trí thông minh. Người bình dân Việt Nam có niềm tin là:

 

Ở bầu thì tròn; ở ống thì dài

Muốn tròn phải có khuôn; muốn vuông phải có thước

 

Tập quán thành tự nhiên

 

Một vũng nước trong, con cá vùng cũng đục

 

Bậu đỏ như cục son tàu, gần mực cũng đen

 

Không những họ có niềm tin vào trí thông minh của cá nhân, mà còn tin vào trí thông minh của tập thể.

 

Ba người dại họp lại một người khôn

 

Ba người nông dân thành một Gia Cát Lượng

 

Tam ngu thành hiểu; ba người dại họp lại một người khôn

 

 

Người ta có thể truy nguyên nguồn gốc trí thông minh tập thể cũng đã có từ lâu ở Tây phương. Nhưng vấn đề quan trọng hiện nay là thông minh tập thể là một đề tài rất cập nhật tại các nước tân tiến trên toàn thế giới văn minh, nhất là trong thời đại của trí thông minh nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) này. Phân tách thống kê cho thấy là sự thông minh tập thể qua các hình thức hợp tác nhóm có hiệu quả cao hơn sự thông minh của nhiều cá nhân đơn lẻ cộng lại5 . Do đó, những quốc gia tân tiến, như Hoa Kỳ chẳng hạn, đang dùng các hình thức sinh hoạt nhóm để giải quyết các vấn đề khoa học và kinh doanh.

 

Người bình dân Việt Nam cũng hiểu được hiệu quả của trí thông minh tập thể qua những kinh nghiệm thường nghiệm.

 

Đông cây gió lay không đổ

 

Đông tay núi lăn; đông ăn núi lở

 

Hợp quần gây sức mạnh

 

Mãnh hổ nan địch quần hồ

 

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

 

Một hòn đắp chẳng nên non

Ba hòn chụm lại nên cồn Thái Sơn

 

Muốn cho có đó có đây

Sơn lâm chưa dễ một cây nên rừng

 

Những khuyến cáo về hiệu quả của thông minh tập thể này được củng cố dựa vào sự quan sát thiên nhiên:

 

Cá lứa, chim đàn

 

Ngựa chạy có bầy; chim bay có bạn

 

Và để bảo tồn tinh thần bầy đàn này, người bình dân nước ta nêu cao tinh thần trách nhiệm tập thể:

 

Một con sâu bỏ rầu nồi canh

 

Một người làm đĩ xấu danh đàn bà

 

Một người làm xấu, cả họ mang nhơ

 

Một người làm xấu, cả bậu mang nhơ

 

Một người làm tốt, cả bậu được nhờ

 

Một người làm nên cả họ được cậy; một người làm bậy cả họ mất nhờ

 

Gà cùng chuồng chớ đá lẫn nhau

Hợp nhau, người nể nang; lìa tan, người khinh thị

 

Mặt khác, trí thông minh – trong quan điểm khoa học – dù được định nghĩa như là một nhân tố bao quát gồm nhiều kĩ năng hay là nhiều nhân tố phản ánh những kĩ năng chuyên biệt của từng cá nhân hay là trí thông minh tập thể, tựu trung đều cùng có một mục đích chung là giải quyết vấn đề. Nói ngược lại, giải quyết vấn đề đòi hỏi sự vận dụng của khả năng trí óc và khả năng trí óc (kiến thức), theo quan điểm của người bình dân Việt Nam, là tương đối và có giới hạn. Những hiểu biết của ngày hôm nay có thể thay đổi hoặc được nới rộng trong ngày mai. Ý thức được sự tương đối và giới hạn của trí óc giúp con người có cơ hội tiến bộ không ngừng.

 

Ếch ngồi đáy giếng, biết đâu là trời

 

Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung

Ngoài sự thông minh cá nhân và tập thể, các nhà tâm lí học như Peter Salovey, John Mayer (1990), và Daniel Goldberg (1995) còn đưa ra lí thuyết về “thông minh cảm tính” (emotional intelligence/EQ), tức khả năng hiểu và vận dụng được những cảm xúc của bản thân cũng như hiểu và vận dụng được cảm xúc của người khác. Trong mục đích  xác định thành công trong cuộc sống, nhiều nhà tâm lí học đã nghiên cứu và khám phá chỉ số thông minh cảm tính (EQ: emotional quotient) còn quan trọng hơn cả chỉ số trí tuệ (IQ); người có chỉ số thông minh cảm tính cao thường giải quyết vấn đề giỏi hơn là người chỉ có IQ cao vì, trong rất nhiều trường hợp, giải quyết vấn đề, dù là khoa học hay kinh doanh, đòi hỏi khả năng giao tế nhân sự6.

Người bình dân Việt Nam tuy không có một quan niệm khoa học về thông minh cảm tính nhưng ít nhất cũng thấy được là sức mạnh của tình cảm thường thắng lướt lí trí. Họ trân quý và yêu mến sự thông minh lí trí và ghét bỏ sự đần độn, nhưng họ hiểu rằng tình cảm thường giải quyết được vấn đề hiệu quả hơn là lí trí.

 

Khi thương củ ấu cũng tròn

Khi ghét bồ hòn cũng méo

 

Khi thương, thương cả nhà

Khi ghét, ghét cả bà liền con

 

Khi vui, non nước cũng vui

Khi buồn, sáo thổi kèn đôi cũng buồn

 

Yêu ai thì bốc lên trời; ghét ai thì dìm xuống đất

 

Yêu ai thì nói quá ưa; Ghét ai, nói thiếu, nói thừa như không

 

Yêu nên bấc; ghét nên chì

 

Yêu nhau: chín bỏ làm mười

 

Yêu nhau: đưa đến hồ sen

Ghét nhau: nhận xuống bùn đen, đất lầy

 

Yêu nhau: gắp bỏ cho nhau

 

Yêu nhau quá đỗi nên mê

Rồi sau mới biết kẻ chê, người cười

 

Yêu: nói liều cũng đúng

 

Tóm lại, trong bài này, chúng tôi đưa ra những bằng chứng, qua ca dao và tục ngữ, về những niềm tin của người bình dân Việt Nam về (1) trí thông minh, về (2) nguyên nhân dòng giống (di truyền) của trí thông minh, về (3) nguyên nhân ngoại giới của trí thông minh, về (4) trí thông minh tập thể, về (5) giá trị của thông minh tập thể, về (6) sự tương đối và giới hạn của kiến thức, và về (7) sự thông minh cảm tính. Ngoài việc trình bày những niềm tin này của người bình dân Việt Nam, chúng tôi còn đưa ra những nhận xét, cũng dựa vào ca dao và tục ngữ, là người bình dân rất trân quý, yêu mến, và khẳng định những niềm tin này bằng cách biểu lộ sự quý mến của mình cũng như khuyến cáo cộng đồng dân tộc nên duy trì và bảo tồn những niềm tin này như là những giá trị nền tảng cho cuộc sống.

Trong lúc các nước tân tiến ở phương Tây, suốt hơn một thế kỉ nay, đã đào sâu bằng cách nghiên cứu các lãnh vực thông minh (cá nhân và tập thể) cũng như thông minh cảm tính để áp dụng vào (1) hệ thống giáo dục nhằm giúp trẻ em trì chậm cũng như xuất chúng phát huy tiềm năng đến mức tối đa; vào (2) khoa học, và (3) kinh doanh để làm cho đất nước họ tiến bộ và thịnh vượng thì đất nước Việt Nam của chúng ta, đã bước qua một phần tư đầu của thế kỉ 21, vẫn chưa đầu tư đúng mức vào và phát triển một cách thoả đáng kho tàng giá trị đã sẵn có của dân tộc. Chúng ta cần có những nghiên cứu khác ngõ hầu tìm ra một định nghĩa chính xác về trí thông minh. Chúng ta cần có những thước đo trí thông minh cá nhân cũng như tập thể của riêng mình, thích hợp với văn hoá của dân tộc và phải được chuẩn hoá. Mô hình về thông minh nhân tạo (AI) có thể giúp chúng ta kiến tạo một mô hình lí thuyết về trí tuệ có hiệu năng cao hơn. Chúng ta cần thước đo sự thông minh cảm tính. Đặc biệt là trong lãnh vực giáo dục, học sinh cần được hỗ trợ thích đáng tuỳ năng lực cá nhân dựa vào những khám phá của trắc lượng trí tuệ và bằng cách vận dụng giới hữu trách (chính quyền và phụ huynh) thay đổi những điều kiện ngoại giới như phương pháp sư phạm, học cụ, sách giáo khoa, cơ hội giao tế, thực phẩm, học lực và nghề nghiệp của cha mẹ nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em. Chúng ta cũng còn cần nghiên cứu tất cả những điều kiện ngoại giới nào khác có khả năng tăng cường sức mạnh trí óc. Áp dụng kiến thức về trí óc thông minh tập thể và thông minh cảm tính còn có thể giúp đất nước phát triển trong mọi lãnh vực: giáo dục, khoa học cũng như kinh doanh, tạo cơ hội cho đất nước càng ngày càng tiến bộ, văn minh, và thịnh vượng.

 

Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.

North Wales, Pennsylvania

Ngày 8 Tháng 12 Năm 2023

 

 

 

 

THAM KHẢO

 

1https://www.simplypsychology.org/intelligence.html

 

2ĐÁNH GIÁ KHUYẾT TẬT HỌC TẬP: XU THẾ HIỆN NAY VÀ ĐỊNH HƯỚNG

TRÊN PHƯƠNG DIỆN NGHIÊN CỨU Ở VIỆT NAM,  HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0025

Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 2, pp. 82-91

 

3https://en.wikipedia.org/wiki/Heritability_of_IQ#:~:text=The%20mean%20correlation%20of%20IQ,0.31%2C%20and%20between%20cousins%200.15.

 

4https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5479093/

 

5https://www.pnas.org/doi/10.1073/pnas.2005737118

 

6https://impellus.com/wp-content/uploads/2020/06/Emotional-Intelligence-background-reading.pdf

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.