Hermann Hesse Và ” Câu Chuyện Dòng Sông”

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Hermann Hesse tranh của Sergio Paul Ianniello (2016): Vẽ tranh acrylic trên vải –

Henry Miller, một trong những nhà văn đã từng nói rằng cuốn sách “Câu Chuyện Dòng Sông” (Siddhartha) của Hermann Hesse, là “một loại thuốc mạnh hơn cả Tân Ước”. Vào những năm 1960, sau khi Hesse qua đời, một số tác phẩm của ông đã được các phong trào phản văn hóa ở Mĩ đón nhận như nguồn cảm hứng. Phong trào phản văn hóa, the counter-culture movements, là kết quả của một thế hệ từ chối các chuẩn mực xã hội và giá trị truyền thống cũ, họ đòi bình đẳng nhân quyền, giới tính, họ biểu tình chống cuộc chiến ở Việt Nam, đề cao tự do cá nhân, sử dụng chất ảo giác cần sa, đặc biệt là những người sống lập dị mà người ta gọi là dân Hippy và những người trẻ khác muốn tìm kiếm lối sống thay thế với ý nghĩa sâu sắc hơn. Các tác phẩm của Hesse đã giúp định hình sự hiểu biết của ‘phản văn hóa’ về sự tự khám phá, chủ nghĩa huyền bí phương Đông và sự chuyển đổi cá nhân. Timothy Leary, giảng viên Harvard, một nhân vật nổi bật trong phong trào phản văn hóa này, là người hâm mộ Hesse, cho rằng cuốn sách “Câu Chuyện Dòng Sông” là “câu chuyện đơn giản nhất, rõ ràng nhất, ngây thơ nhất về hành trình tìm kiếm và khám phá” (“simplest, clearest, most innocent tale of seeking and finding”) của Hesse.

Nhưng có điều lạ là những tác phẩm của Henry Miller, Timothy Leary, hay Robert Pirsig ngày nay được đọc là vì giá trị lịch sử của chúng thay vì là những trải nghiệm sống (và đang sống). Ngược lại, Hesse đã tạo ra một tác phẩm, bằng cách đặt trong một thời gian và địa điểm gần như huyền thoại, vượt qua kiểu mẫu và những sự kiện lịch sử, tác phẩm giải bày trực tiếp với mọi độc giả, bất kể họ sống ở Munich, Đức, những năm 1920; San Francisco, Mĩ, những năm 1960; hay Sài Gòn, Việt nam, những năm 1970; hay ngay cả hiện nay ở khắp mọi nơi.

“Câu Chuyện Dòng Sông” là một tập sách mỏng lấy bối cảnh hai ngàn sáu trăm năm trước, ở một ngôi làng phía bắc Ấn Độ xa xưa, vào thời Đức Phật còn sống và hành đạo. Chuyện kể về một chàng trai trẻ tên Siddhartha, một người có học thức và khá giả, con trai của một vị giáo sĩ có đẳng cấp cao trong xã hội. Trong chuyện, anh ta thực hiện một hành trình đi tìm giác ngộ cho phép anh sống nhiều cuộc đời khác nhau. Siddhartha là một ẩn sĩ khất thực, là một thương gia, là một người chồng yêu, là một người đàn ông đau khổ. Và cho đến cuối hành trình này, anh ta đã có thể tìm thấy những gì mình đang tìm kiếm.

“Trong bóng râm của ngôi nhà, dưới ánh nắng của bờ sông gần những chiếc thuyền, dưới bóng râm của khu rừng cây Sala, dưới bóng râm của cây sung là nơi Tất Đạt (Siddhartha) lớn lên, người con trai dĩnh ngộ của người Bà La Môn, chú chim ưng trẻ, lớn lên cùng với người bạn Thiện Hữu (Govinda).” Cuốn sách mở đầu câu chuyện về Tất Đạt như thế. Và rồi kế tiếp là phụ thân chàng sung sướng vì con thông minh khao khát hiểu biết, ông hi vọng con lớn lên thành một nhà thông thái, một vị Tư tế, một hoàng tử trong giới Bà la môn. Người mẹ kiêu hãnh nhìn thấy con khỏe mạnh đẹp đẽ, đi đứng nho nhã, tôn kính bà. Những cô gái Bà la môn lòng rộn rã khi thấy chàng bước đi ngang qua con phố.

Chung quanh Tất Đạt mọi thứ đều đẹp đẽ, được mọi người yêu quí, chàng làm cho họ vui vẻ hạnh phúc. Nhưng chính chàng thì không. Phụ thân đáng kính của chàng và những vị Bà la môn thông thái đã trút hết tri kiến của họ vào túi khôn của chàng. Nhưng túi khôn thì không đầy, trí năng chàng không thoả mãn, linh hồn chàng không bình yên và con tim không an nghỉ. Chàng nghĩ, phụ thân chàng trầm tĩnh, thanh cao thánh thiện đáng kính phục, nhưng người có hạnh phúc không? Có được bình yên không? Sao ông lại còn phải đi tìm kiếm điều gì nữa? Sao lại đến những cuộc tế thần, sao tìm kiếm cuộc đàm luận với những người Bà la môn khác. Tại sao ông phải rửa sạch tội lỗi mà ông không có, và ráng sức tẩy mình mỗi ngày. Không tìm được câu trả lời. Thế chàng từ giã người cha đi theo chân những người Sa môn khổ hạnh, sống đời rày đây mai đó, để tìm kiếm chân lý cuộc sống và sự bình yên tâm hồn. Thiện Hữu người bạn thân thiết cũng đi theo chàng. Họ băng qua rừng suối qua làng mạc sống đời khổ hạnh, nhịn ăn nhịn khát và thực hành thiền định. Nhờ vị Sa môn trọng tuổi dạy bảo, chàng ngồi luyện tập hơi thở, quán tưởng và suy nghiệm:

“Một con hạc bay qua rừng tre – và Tất Đạt nhập hồn mình vào – là một con hạc, bay qua rừng núi, ăn cá, đói cái đói của hạc, kêu tiếng kêu của hạc và chết cái chết của một con hạc. Một con chồn nằm chết trên bờ – và Tất Đạt nhập vào xác nó – trở thành con chồn chết, nằm trên bãi, trương sình hôi thối, bị báo xé xác, bị diều hâu lột da rỉa thịt, trở thành một bộ xương, biến thành cát bụi thổi bay qua các cánh đồng. Và hồn Tất Đạt trở thành chết, hủy hoại, trở thành cát bụi, thực nghiệm vòng đau khổ của một chu kì sống.”… Chàng tiêu diệt mọi cảm giác, tiêu diệt mọi kí ức, đi ra khỏi cái bản ngã của mình với trăm nghìn hình hài khác nhau. Quán tưởng mình là con vật, xác chết, đá, gỗ, nước. Và sau mỗi lần tỉnh dậy, mặt trăng hay mặt trời vẫn chiếu sáng, chàng vẫn lại là chính mình, quay vòng trong chu kì, cảm thấy khát, vượt qua cơn khát, cảm thấy cơn khát mới.”

 

Tất Đạt học hỏi nhiều ở các vị Sa môn, chàng hỏi Thiện Hữu các vị sư phụ đã bao nhiêu tuổi, vì họ đã già nua, nhưng vẫn khất thực chịu khổ sở, còn ép xác tu tập, còn tìm kiếm con đường giải thoát, cho đến khi nào thoát khỏi vòng luân hồi. Trải qua ba năm khổ hạnh học tập có tăng thêm tri thức nhưng liệu có đi đúng đường chưa? Bấy giờ những người Bà la môn trong thành thị, cả những Sa môn trong núi rừng, đều nhắc đến lời đồn đại về một người có tên là Cồ Đàm (Gautama, Đức Phật), một thức giả có trí tuệ cao vời, nhớ được tiền kiếp, đã đạt đến một trạng thái siêu việt không có đau khổ, ham muốn, cũng không có cảm giác về bản thân, và chủ thể được giải thoát khỏi tác động của nghiệp và vòng sinh tử luân hồi, cái gọi là niết bàn.

Tất Đạt rời khỏi đoàn Sa môn và tìm đến đức Cồ Đàm để nghe giảng thuyết. Đức Cồ Đàm thuyết giáo về khổ, nguồn gốc của khổ, và cách diệt khổ. Ngài dạy về “Tứ Diệu Đế” và “Bát Chánh Đạo”, mục đích giáo lý  đưa ra không phải là để giải thích vũ trụ, cho những người ham hiểu biết. Mà mục đích của nó là chỉ dẫn con đường giải thoát khổ đau. Không gì khác hơn. Nhưng Tất Đạt không chấp nhận lời chỉ giáo ấy, chàng rời bỏ đi một mình. Thiện Hữu ở lại với Đức Phật mà không theo chàng, làm chàng cảm thấy buồn bã. Thiện Hữu bây giờ không còn là cái bóng của chàng.

Tất Đạt rời khỏi khu rừng, tìm kiếm con đường đi riêng cho mình, tìm bản ngã của mình. Cô đơn như một vì sao trên trời. Chàng đứng im bất động giữa rừng. Cái kho tàng bí mật của Cồ Đàm không phải là lời giảng giáo lý mà là điều gì không thể diễn tả, không thể dạy. Cái điều mà ngài đã trải nghiệm trong giờ phút giác ngộ của mình. Bây giờ chàng phải tự trải nghiệm chính mình, tìm cái ngã mà từ lâu đã mắc vào cái lưới tư duy. Chàng sẽ lắng nghe lời chỉ bảo của tiếng nói nội tâm cũng như đức Cồ Đàm đã lắng nghe tiếng nói trong thâm tâm mà ngồi yên tọa thiền định dưới cội cây già. Như con rắn vừa lột vỏ, chàng nhìn quanh, như mới thấy vũ trụ lần đầu, thiên nhiên đẹp hẳn lên. Chàng tiếp tục hành trình.

Đang trưa chàng đi qua một ngôi làng, trẻ con nhảy múa trên đường nhìn chàng, một Sa môn lạ qua đường. Đến cuối đường làng, dọc theo con suối, chàng gặp một kiều nữ đẹp tuyệt vời, lòng rung động, hỏi thăm mới biết là Kiều Lan (Kamala) một kĩ nữ danh tiếng và là chủ một biệt thự giàu có trong thành. Chàng đến xin học nghệ thuật yêu đương với nàng. Kiều Lan đồng ý với yêu cầu, chàng phải có quần áo thật đẹp và giầy thật tốt, và tiền đầy túi, và những tặng phẩm cho nàng. Chàng nói mình không có được, nhưng cái chàng có, cái sở hữu riêng bây giờ là, biết suy tư, biết chờ đợi, và biết nhịn đói. Nàng cho cơ hội tiếp xúc và giúp chàng xin việc làm với Vạn Mỹ (Kamaswami), một lão thương gia giàu có nhất thành phố.

Từ đó, Tất Đạt học việc mua bán với thương gia, và dự phần kinh doanh với ông ta. Và khi kiếm được tiền Tất Đạt ăn mặc chỉnh tề, đầu chải dầu láng, chân mang giày bóng, tay mang tặng phẩm đến cho nàng kiều nữ. Chẳng bao lâu, chàng học hỏi hết mọi ngón nghề kinh danh từ thương gia và trở nên giàu có hơn ông. Chàng có quan hệ rộng rãi và bạn bè nhiều. Chàng học hỏi nhiều nơi người kĩ nữ xinh đẹp, hưởng thụ mọi lạc thú dục vọng trong nghệ thuật yêu đương. Tất Đạt bây giờ bủa vây với lối sống thế tục. Những giác quan kiềm chế bấy lâu bởi năm tháng khổ hạnh, bây giờ được vùng dậy. Chàng nếm mùi quyền thế, của cải, đam mê khoái lạc và dục vọng. Chàng uống nhiều rượu, phung phí tiền bạc trong trò chơi đen đỏ. Chàng đặt những ván cược thật lớn trong tư thái ngạo nghễ, tìm kiếm kích thích mạnh qua thắng thua.

Qua một đêm ăn uống quá độ và say sưa mờ mịt. Khi tỉnh dậy, chàng thấy lòng tràn ngập một nỗi buồn sầu ghê gớm. Chàng mường tượng mình đã hoang phí một cách vô vị vô nghĩa. Chàng cố gắng và khao khát mấy năm rồi, để được giống như mọi người khác. Nhưng đời chàng vẫn thấy khốn khổ và nghèo nàn. Bởi mục đích của họ không phải là mục đích của chàng, nỗi sầu muộn của họ không phải là nỗi sầu muộn của chàng. Chàng đã chán ngán với những thứ ấy và biết ngay trò chơi đã chấm dứt. Cũng đêm ấy, Chàng rời thành phố và không bao giờ trở lại.

Tất Đạt đã đến con sông dài trong rừng. Con sông mà chàng đã đi qua khi chàng hãy còn trẻ sau khi từ giã đức Cồ Đàm. Mệt và đói, không còn mục đích, tâm hồn chán chường, chàng nhìn xuống dòng nước. Cái trống rỗng lạnh giá của nước phản chiếu cái sự trống rỗng ghê rợn trong tâm hồn chàng. Chàng nhắm mắt muốn buông mình xuống dòng nước. Nhưng từ cõi xa xăm trong tâm hồn, từ quá khứ mệt mỏi, chàng bỗng nghe tiếng vang vọng, AUM, âm thanh huyền bí làm chàng sực tỉnh. Tất Đạt lang thang dọc bờ sông, lắng nghe tiếng nước vỗ. Người lái đò giúp đưa chàng qua sông. Chàng nhận ra người lái đò hai mươi năm trước. Ông ta cũng nhận ra chàng. Chàng ngồi kể chuyện về quá khứ mình cho đến khi gặp ông, sau giờ phút tuyệt vọng. Ông chỉ lắng nghe, không thúc dục, không khen chê. Tất Đạt cảm ơn ông lắng nghe. Ông lái đò nói, chính dòng sông đã dạy ông cách lắng nghe, rồi nói chàng cũng sẽ học từ nó. Tất Đạt ở lại với người lái đò từ đó. Chàng học cách trông coi thuyền, đan giỏ, nhặt củi, hái quả và làm người chèo thuyền.

Một ngày kia, khi rất nhiều người đến viếng đức Phật sắp mất. Nàng Kiều Lan cũng trên đường đi. Nàng từ lâu cũng đã là một tín đồ, dẫn đứa con trai nhỏ đi theo. Đến bờ sông, đứa trẻ mệt mỏi đòi muốn về nhà, nàng dừng lại nghỉ ngơi. Bỗng nàng thét lên khụy chân xuống, một con rắn đang trườn bò đi. Ông lái đò nghe tiếng chạy đến mang vào túp lều. Tất Đạt nhận ra nàng ngay, và nhìn đứa trẻ biết là con mình. Kiều Lan cũng nhận ra chàng, vào báo chàng biết đứa trẻ là con của chàng, rồi nhắm mắt. Tất Đạt hết mình chiều chuộng và săn sóc đứa con của mình với lòng kiên nhẫn, và yêu thương vô bờ. Cậu bé công khai chống đối và nói lời ngỗ nghịch. Nó cắp rổ tiền và bỏ trốn đi. Chàng đi tìm con khắp nơi, trong đau đớn. Chàng ngồi bên dòng sông lắng nghe tiếng thì thầm, nhìn dòng chảy biến đổi không ngừng. Từ ấy, chàng hòa mình vào biến thể của dòng sông.

Thiện Hữu một ngày kia trên đường khất thực, hay tin có một người lái đò già bên dòng sông mà người ta cho là một hiền nhân. Chàng ghé thăm. Chàng nhận ra Tất Đạt, người bạn năm xưa. Họ hỏi thăm nhau về thời gian qua, trao đổi nhau những thu nhận có được. Trước khi rời đi, Thiện Hữu hôn nhẹ lên trán bạn, và chợt nhận ra nụ cười phớt của Tất Đạt là nụ cười của đấng Giác Ngộ.

 

Tác phẩm của Hermann Hesse có cảm giác hoàn toàn vượt thời gian và không có tuổi tác – gần giống như một văn bản tôn giáo hoặc tâm linh, không phải là một tác phẩm hư cấu. Nó chứa đầy trí tuệ. Lặng lẽ nhưng chứa đầy những điều sâu sắc để nói về những gì cuối cùng là quan trọng trong cuộc sống. Đây là tác phẩm lớn đầu tiên đề cập đến triết học và tư tưởng phương Đông được viết ở phương Tây. Hermann Hesse không đưa ra tuyên bố gì, không hướng dẫn hay trả lời những câu hỏi về tâm linh. Ông chỉ đơn giản kể về một câu chuyện đưa cuộc tìm kiếm này vào một hình thức ẩn dụ, xem xét cách nó diễn ra và cách nó được giải quyết.

 

Hermann Hesse, nhà văn Đức, cha mẹ ông đều là những nhà truyền giáo từng làm nhiệm vụ ở Ấn Độ, ông nội là một tiến sĩ triết học thông thạo nhiều ngôn ngữ đã khuyến khích cậu bé đọc nhiều, cho tiếp cận thư viện của ông, nơi chứa đầy các tác phẩm văn học thế giới, ông ngoại là nhà nghiên cứu nổi tiếng về Ấn Độ. Khi còn trẻ Hess đã thể hiện tính cách nổi loạn của mình. Cha mẹ gởi ông vào chủng viên thần học ở Maulbronn, muốn ông trở thành mục sư, nhưng không chịu khuôn phép nên đã bỏ trốn. Hess bắt đầu hành trình trải qua nhiều cơ sở và trường học khác nhau và trải qua những xung đột dữ dội với cha mẹ mình. Năm mười chín tuổi ông bắt đầu trông coi một cửa hàng sách và đồ cổ. Ông dành thời gian nhàn rỗi cho sách thay vì bạn bè. Vài năm sau ông tập thơ nhỏ đầu tiên của ông xuất hiện trên báo. Năm 1904 quyển tiểu thuyết đầu tiên Peter Camenzind (Tuổi trẻ và cô đơn) ra đời đã nhanh chóng thành công, từ đó ông chuyên tâm vào việc viết lách sáng tác.

Ông thích du lịch và đi khá nhiều, thường đến nước Ý và từng dành vài tháng ở Ấn Độ, như ông tự khai trong bản ghi tiểu sử tóm tắc của mình khi nhận giải Goethe Prize và sau đó là giải Nobel cùng năm 1946. Trong số các nhà triết học phương tây, ông tự nhận chịu ảnh hưởng của Plato, Spinoza, Schopenhauer và Nietzsche. Nhưng tác động đến ông nhiều nhất vẫn là triết học Ấn Độ và sau đó là triết học Trung Quốc. Bởi vậy, so với các thế hệ văn hào Đức, ở Hermann Hesse có một nét rất riêng biệt, nếu không nói là đặc sắc. Tác phẩm của ông là nơi gặp gỡ và giao lưu của hai nền văn hóa Đông và Tây trên cả hai phương diện: nội dung và nghệ thuật.

Giáo sư Ziolkowski, Đại học Princeton, cũng nhận định như thế trong “The Novels of Hermann Hesse: A Study in Theme and Structure”. Trong hội thảo quốc tế năm 1977 tại Marbach am Neckar ở Đức đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Hermann Hesse. Giáo sư đã có bài phát biểu hồi tưởng quan trọng với tiêu đề đơn giản: “Hermann Hesse in den USA”. Ông đánh giá cao tác động của Hess với phong trào The counter-culture ở Mĩ kéo dài từ những năm đầu thập niên 60 đến giữa thập niên 70, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Coi các tác phẩm Siddhartha (Câu Chuyện Dòng Sông)    và nhất là Steppenwolf (Sói Đồng Hoang) là ngọn đèn dẫn dắt của phong trào này. Phong trào đã coi Hess như là thánh. Đến nỗi họ đặt tên cho ban nhạc rock của họ là: Steppenwolf Band ở Los Angeles; lấy tên Magic Theatre trong tác phẩm đặt cho một nhà hát ở San Francisco; hoặc ghi chú một đoạn văn của Hess vào bìa nhạc như Album Abraxas của Santana Band.  Siddhartha (Câu Chuyện Dòng Sông) cũng được đạo diễn Conrad Rooks dựng thành phim năm 1972 (đoạn kết, Thiện Hữu được Tất Đạt khai ngộ, và đã ở lại cùng chàng, bên dòng sông, làm người chèo đò). Còn ở Ấn Độ, hiệp hội Hermann Hess cũng được thành lập. Hiệp hội này nhằm mục đích đưa ra các bản dịch xác thực của Siddhartha (Câu Chuyện Dòng Sông) bằng tất cả các ngôn ngữ Ấn Độ gồm tiếng Phạn, Malayalam, Hindi, Punjabi, Gujarati, Urdu.

 

Trong các tác phẩm của mình, Hess thường dùng tình trạng tính cách lưỡng phân để dẫn dắt câu chuyện. Ở “Sói Đồng Hoang” là cuộc đấu tranh giữa bản ngã người và bản ngã sói, ở “Đôi Bạn Chân Tình” là giữa lý trí và cảm xúc hay giữa tri giác và trực giác. Còn trong “Câu Chuyện Dòng Sông” Hermann Hess tách tên đức Phật (Siddhartha Gautama) ra làm hai, một trở thành Siddhartha (Tất Đạt) và một trở thành Gautama (Cồ Đàm). Một Phật sẽ thành và một Phật đã thành. Nghĩa là cuộc hành trình của Tất Đạt là đi tìm chính mình. Với Hermann Hesse, triết lý Phật giáo đã ảnh hưởng tới tư tưởng của ông, một ảnh hưởng hoàn toàn không chỉ giới hạn ở “Siddhartha”. Câu chuyện đẹp đẽ về cuộc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trên trái đất của chàng tín đồ Bà la môn trẻ tuổi.

Tất đạt đã tự trải nghiệm ở nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Tự mình trải nghiệm những khía cạnh khác nhau của những tính cách khác nhau. Chàng thay đổi và trưởng thành để là một con người có mang, hay không mang những đặc tính này. Trước và trên hết, chàng là một người đi tìm, người rời bỏ gia đình để trở thành một Sa môn với lối tu khổ hạnh, từ bỏ con đường lớn lên thông thường của những người trẻ tuổi. Sau đó là một người một người tình, một người đàn ông đắm mình trong tình yêu với thú vui nhục dục. Sau đó nữa là một thương nhân buôn bán với những nỗi lo trần tục, lo thu vét của cải tiền bạc, được mất hơn thua. Lại tự nguyện làm một con bạc đắm mình trong thú đen đỏ, tìm cảm giác kích thích trong những ván bài cược ăn thua. Và sau đó nữa là một người trầm cảm, muốn tự tử, với sự chán chường, bởi nhận ra con đường đi ban đầu của mình đến giờ phút này trở nên trống rỗng, trống rỗng và tan vỡ. Và sau cùng, là con người thức tỉnh. Hành trình của Tất Đạt là một hành trình thử nghiệm và sai lầm, mà một mục tiêu ban đầu là thoát khỏi ‘cái tôi’, chế ngự bản ngã để đạt được sự hợp nhất với vũ trụ, Brahman.

Hermann Hess vạch ra một con đường dao động giữa hai thái cực – hai con đường đối lập có thể dẫn đến một đích đến là mục tiêu khám phá. Con đường đầu tiên, tất nhiên, là con đường từ bỏ của cải thế gian, con đường của các Sa môn, con đường của những ẩn sĩ, con đường của sự kiên nhẫn, ăn chay, đau khổ và sống giản dị để vượt qua những ham muốn và sự thái quá về vật chất. Con đường thứ hai, mà Tất Đạt bắt đầu sau khi gặp kiều nữ, hoàn toàn trái ngược với con đường trước đó của chàng: thay vì từ bỏ những thú vui và của cải, nó khuyến khích chàng theo đuổi chúng với ham muốn tích cực. Khi hóa ra cách này cũng không hiệu quả, Tất Đạt cũng chạy trốn khỏi nó và đi đến ngõ cụt đáng sợ đó, là tự tử. Sự đổ vỡ này là đỉnh điểm của một bài học khác, báo hiệu một khởi đầu mới…

Tất Đạt có khá nhiều sai lầm, và cũng có khá nhiều người thầy chỉ bảo. Các vị Sa môn già kinh nghiệm, Đức Phật, nàng kĩ nữ Kiều Lan, lão thương gia Vạn Mĩ, người lái đò Vệ Sử, và cuối cùng là dòng sông.

Dòng sông là biểu tượng nổi bật tượng trưng cho cuộc sống, cho thời gian và cho con đường giác ngộ. Dòng sông từ đồi núi, qua đồng bằng, qua làng mạc, qua thành phố chảy về đại dương. Hơi nước từ đại dương hình thành thành mây, mây rơi xuống đồi núi, từ đồi núi dòng chảy tích tụ thành dòng sông. Và dòng sông lại chảy về với biển cả, nó không ổn định, nó luôn thay đổi, nó luôn mới mẻ từng giây phút, không bao giờ giống nhau – nhưng là vĩnh cửu. Trong tiếng gầm của dòng sông, nếu biết im lặng, có thể lắng nghe tiếng AUM vang lên, một âm thanh thiêng liêng huyền bí, đó là sự bao trùm âm thanh của đại dương, của vũ trụ trong lòng nó. Trên bề mặt của dòng chảy, có thể nhìn thấy khuôn mặt của tất cả những người thân yêu của mình, dù sống, hay đã chết, hay chưa sinh ra. Dòng sông chảy, và dòng sông tồn tại. Dòng sông trôi đi nhưng đồng thời cũng đứng yên. Dòng chảy thay đổi liên tục nhưng vẫn luôn giống nhau. Và nó chỉ có hiện tại, không có bóng dáng của quá khứ cũng như vị lai. Dòng sông với bản thể tự nhiên là người thầy lặng lẽ và tuyệt vời nhất của Tất Đạt.

Cái chết của Kiều Lan làm cho Tất Đạt ngộ ra, hiểu sâu sắc cái mong manh của cuộc sống, và cái khoảnh khắc gọi là thiên thu: “Trong một thời gian dài, ông ngồi và nhìn khuôn mặt chết lặng thanh thản của bà. Trong một thời gian dài, ông quan sát miệng bà, cái miệng già nua, mệt mỏi của bà, với đôi môi đã trở nên mỏng manh, và ông nhớ lại rằng, vào mùa xuân của những năm tháng tuổi trẻ, ông đã từng so sánh cái miệng này với một quả sung mới nứt. Trong một thời gian dài, ông ngồi, đọc trong khuôn mặt nhợt nhạt, trong những nếp nhăn mệt mỏi, lấp đầy mình bằng cảnh tượng này, thấy khuôn mặt của chính mình cũng nằm theo cùng một cách, trắng như vậy, cũng đã tắt lịm như vậy, và cùng lúc thấy khuôn mặt của ông và khuôn mặt của bà trẻ trung, với đôi môi đỏ, với đôi mắt rực lửa, và cảm giác cả hai đều hiện diện và đồng thời có thật, cảm giác về sự vĩnh hằng, hoàn toàn lấp đầy mọi khía cạnh của con người ông. Ông cảm thấy sâu sắc, sâu sắc hơn bao giờ hết, trong giờ phút này, sự bất khả hủy diệt của mọi cuộc sống, sự vĩnh hằng của mỗi phút giây.”

(For a long time, he sat and looked at her peacefully dead face. For a long time, he observed her mouth, her old, tired mouth, with those lips, which had become thin, and he remembered, that he used to, in the spring of his years, compare this mouth with a freshly cracked fig. For a long time, he sat, read in the pale face, in the tired wrinkles, filled himself with this sight, saw his own face lying in the same manner, just as white, just as quenched out, and saw at the same time his face and hers being young, with red lips, with fiery eyes, and the feeling of this both being present and at the same time real, the feeling of eternity, completely filled every aspect of his being. Deeply he felt, more deeply than ever before, in this hour, the indestructibility of every life, the eternity of every moment.)

 

Và khi đứa con đã từ bỏ ra đi làm chàng đau đớn, cái đau đớn của lòng yêu thương tha thiết, chàng nhận ra khía cạnh mới mẻ một tình yêu sâu sắc cao cả của lòng từ bi: “Tất Đạt dừng lại, chàng cúi xuống mặt nước, để nghe rõ hơn, và chàng thấy khuôn mặt mình phản chiếu trong dòng nước chảy lặng lẽ. Trên khuôn mặt phản chiếu này, có điều gì đó, nhắc nhở chàng, điều gì đó chàng đã quên mất.  Bây giờ nghĩ đến, chàng đã tìm thấy, khuôn mặt này nó giống một khuôn mặt khác, mà chàng từng biết, từng yêu và cũng từng sợ: Khuôn mặt của cha chàng. Và chàng nhớ lại cách đây rất lâu, khi còn là một trẻ, chàng đã ép cha mình để đến với những người Sa môn, cách chàng đã từ giã, cách chàng ra đi và không bao giờ quay trở lại. Cha chàng chẳng phải cũng đã chịu đựng nỗi đau tương tự, mà giờ đây, chàng phải chịu đựng vì con trai mình sao? Cha chàng không phải đã chết cô đơn từ lâu, mà không gặp lại con trai mình hay sao? Chàng không mong đợi số phận tương tự cho chính mình? Đó không là một trò hài hước, một vấn đề kỳ lạ và ngu ngốc sao? Sự lặp lại này, sự chạy loanh quanh trong vòng tròn định mệnh này sao?”

(Siddhartha stopped, he bent over the water, in order to hear even better, and he saw his face reflected in the quietly moving waters, and in this reflected face there was something, which reminded him, something he had forgotten, and as he thought about it, he found it: this face resembled another face, which he used to know and love and also fear. It resembled his father’s face, the Brahman. And he remembered how he, a long time ago, as a young man, had forced his father to let him go to the penitents, how he had bid his farewell to him, how he had gone and had never come back. Had his father not also suffered the same pain for him, which he now suffered for his son? Had his father not long since died, alone, without having seen his son again? Did he not have to expect the same fate for himself? Was it not a comedy, a strange and stupid matter, this repetition, this running around in a fateful circle?)

 

Cái chết của nàng Kiều Lan và việc đứa bé từ bỏ người cha ra đi đã hoàn tất quá trình trải nghiệm tự tri kiến của chàng, chàng nắm bắt được sự trọn vẹn của cuộc sống. Khổ đau tồn tại, khổ đau sẽ luôn tồn tại, và cách chúng ta đối phó với nỗi đau này định nghĩa con người chúng ta, sẽ bị nó hủy hoại cuộc sống, hay nó giúp ta kiến ngộ. Chân lý cuộc sống nằm trong trải nghiệm này. Mặc dù ban đầu Tất Đạt bác bỏ lời dạy của Đức Phật về lòng từ bi, nhưng cuối cùng chàng nhận ra rằng tình yêu là một yếu tố quan trọng trên con đường giác ngộ của chính mình. Một tình yêu to lớn hơn. Một tình yêu vượt bản ngã, không chỉ giới hạn trong các mối quan hệ mà bao gồm mối liên hệ rộng hơn với thế giới, với tất cả chúng sinh. Tất Đạt thấu hiểu và đạt trạng thái trí tuệ cao nhất. Khi nỗi đau khổ chuyển thành sự bình yên.

Có khác biệt trong tư tưởng một Tất Đạt trẻ trung và một Tất Đạt già nua, một lão chèo thuyền sống an định bên dòng sông. Tất Đạt đã không còn là một người Bà la môn nữa. Không còn để tâm vào cái tiểu ngã (Atma, linh hồn cá nhân) hay cái đại ngã (Brahma, ý thức vũ trụ). Không tìm kiếm đến vị một vị thần sáng tạo hay một vị thần cụ thể để tôn thờ, không theo một phương pháp ép xác khổ hạnh nào, mà tự do tự tại, không khác gì đức Cồ Đàm mà Tất Đạt đã gặp trước đây. Tất Đạt hiểu ra rằng những lời đức Cồ Đàm thuyết giảng không là chân lý mà cũng chỉ là phương tiện dẫn đường như là ngón tay chỉ mặt trăng, như con đò đưa người qua sông. Qua sông rồi thì cũng không còn đò, người đưa đò, và cả bến đò. Không còn gì. Nhưng tất cả chúng vẫn còn đó. Đấy gọi là đi vào cõi chân như, cõi niết bàn. Giống như nước và băng. Là nước, cũng là băng, và cũng là nước. Chúng là một, cũng là hai, khác nhau ở trạng thái. Niết bàn là thế gian hiện tại, và thế gian hiện tại là cõi chân như sau khi bỏ chấp ngã. Nirvana, bất khả tư nghì.

Nàng Kiều Lan đã nhận ra điều đó trên gương mặt Tất Đạt trước khi nhắm mắt. Nàng không cần phải gặp mặt đức Cồ Đàm người nàng ngưỡng mộ nữa, để tìm chút bình an. Bởi chàng Sa môn khổ hạnh ngày xưa buổi đầu gặp nàng, bây giờ đã trở thành một bậc đại giác, kẻ đang cúi nhìn nàng với gương mặt dịu dàng thánh thiện. Và Thiện Hữu cũng đã nhận ra điều đó khi ghé hôn lên trán chào tạm biệt, một nụ cười phớt trên gương mặt bạn chính là nụ cười của bậc thức giả, Thiện Hữu đã phủ phục quì trước mắt bạn, lòng tràn ngập đầy cảm xúc.

 

Trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều tìm kiếm ý nghĩa, tìm kiếm thứ gì đó mang lại cho chúng ta mục đích cốt yếu và lý do để thực sự sống. Không ai muốn đến cuối hành trình của mình và nhận ra rằng tất cả đều vô nghĩa, và những ngày tháng của mình hoàn toàn bị lãng phí. Vậy làm thế nào để chúng ta tìm thấy cái ý nghĩa này?Chúng ta phải tìm nguồn gốc bên trong bản ngã của chính mình, chúng ta phải làm chủ được nó. Mọi thứ đang tìm kiếm khác là một sự vòng vo vô ích. Chúng ta phải tìm thấy sự bình yên của riêng mình.

Tất Đạt đã làm theo lời dạy của người khác và điều đó không mang lại cho chàng cảm giác hạnh phúc. Khi gặp đức Cồ Đàm, và nhìn thần thái ấy, phong cách ấy, chàng nhận ra rằng cách duy nhất để đạt mức độ bình yên tối thượng trong tâm như thế là phải tự mình tìm ra nó. Những lời nói của người, dù có khôn ngoan đến đâu, cũng chỉ là lời nói suông. Chàng nói với bạn, kiến thức có thể truyền đạt, nhưng trí tuệ thì không. Làm sao mà cái khôn ngoan có thể truyền đạt được. Chúng phải là trí tuệ, là kinh nghiệm, của chính mình. Vì vậy, chàng đã đi theo con đường riêng mình, có được thông qua thử thách, mặc dù là con đường gián tiếp, và cuối cùng đánh thức tâm trí chàng để có được sự thức tỉnh ấy.

Nhưng, để làm được sự thức tỉnh như vậy, trước tiên chàng phải nhận ra trạng thái trống rỗng chân như thực sự. Và để hiểu được sự trống rỗng chân như, trước tiên thì phải trải nghiệm sự lấp đầy, trọn vẹn, viên mãn. Do đó, chàng bước vào thế giới con người trần tục thường ngày. Đắm chìm trong thú vui của họ, có được của cải và có được người tình như họ. Hình thành sự gắn bó với một gia đình đầy đủ người hầu và tài sản giàu có. Qua thời gian trải nghiệm, chàng nhận ra rằng chúng nông cạn và phù du; chúng không tạo ra cảm giác hạnh phúc lâu dài trong tâm hồn. Vì vậy chàng bước ra ngoài một lần nữa với nhận thức rằng sự bình yên trong lòng chỉ có thể đến từ một nơi: chính mình. Chàng trải nghiệm sự hợp nhất những suy nghĩ của mình, với mọi người và với bất cứ những gì tồn tại trong tự nhiên, chấp nhận mọi người và mọi vật như chúng vốn có, không phải như người ta mong muốn, và chàng cũng trở nên một phần của thế giới đó.

Trong tác phẩm này, Hesse đã nắm bắt được một điều cực kỳ khó diễn đạt thành lời, nhưng, đó là điều mà cuốn tiểu thuyết thường xuyên đề cập. Làm thế nào để định nghĩa chính xác những khái niệm mơ hồ về niềm tin này? Ông không định nghĩa được. Vì vậy, chúng ta dựa vào những ẩn dụ để chúng ta hiểu những ý tưởng này, để chúng ta hiểu rằng, hạnh phúc không đi đôi với chủ nghĩa vật chất, và để khiến chúng ta hiểu ra rằng, việc tìm kiếm một điều gì đó quá mức, và quá căng thẳng, cũng có thể có nghĩa là chúng ta có khả năng bỏ lỡ nó. Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống không phải là câu trả lời, mà sống cuộc đời, cuộc sống của sự bình yên và lòng trắc ẩn mới là câu trả lời.

Điều gì ở Hermann Hesse hấp dẫn độc giả như thế nhất là với giới trẻ? Tôi nghĩ phong cách của ông là biến mỗi tác phẩm của mình thành một cuốn tiểu thuyết về tuổi trẻ. Trong những giai đoạn của cuộc sống mà việc tự khám phá bản thân và khám phá tính cách cá nhân được coi trọng. “Câu Chuyện Dòng Sông” là một cuốn sách nhỏ, nhưng câu chuyện trong nó không nhỏ, có nhiều vấn về để bàn, có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, có nhiều nhận định khác nhau theo ý chủ quan mỗi cá nhân. Cốt chuyện trong đó không có gì li kì, phức tạp. Nhưng mà buộc người đọc phải ưu tư, phải suy nghĩ, buộc phải xét lại về bản thân mình, tính cách của mình. “Câu Chuyện Dòng Sông” chắc chắn là tác phẩm gây cảm hứng nhất về hành trình con người đi tìm chân lý. Có sống, có trải nghiệm, có thử thách, có thất bại, có đau khổ, có suy tư, mới thấu đạt chân lý. Và chân lý ấy cuối cùng là yêu thương cuộc sống, yêu thương con người, yêu thương cõi ta bà này. Nhìn mọi chúng sinh bằng tình yêu, sự ngưỡng mộ và tôn trọng. Như lời Tất Đạt nói: “Và đây là một học thuyết mà bạn sẽ cười. Đối với tôi, Thiện Hữu, tình yêu là điều quan trọng nhất trên thế gian.”

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.