Tác giả: Trần Ngọc Phương
Biết trả lời sao.
Khi chinh chiến đang tràn lan.
Gieo tóc tang điêu tàn… (DK)
Chiến tranh, cũng lại chiến tranh, không ở trên quê hương mình thì cũng xảy ra nơi nào đó trên quê hương người. Luôn luôn là thế. Mãi mãi là thế. Những năm tháng sống trong lo sợ thấp thỏm giữa hai lằn đạn, luôn hiện diện trong tâm khảm kí ức của những con người đã từng trải qua thời ấy. Những quan điểm, những cái nhìn về con người thời vừa trưởng thành thường được giữ nguyên không thay đổi cho đến cuối đời. Ấn tượng về một người nào hay một ai đó ngày xưa, đến nay, nhiều năm tháng trôi qua, nhiều biến cố xảy đến, nhưng vẫn hiếm khi làm ta thay đổi ý kiến về người ấy. Chiến tranh làm người ta thường nghĩ đến thân phận con người. Có sống trong chiến tranh người ta mới có ý thức dữ dội về số phận con người. Và sự suy nghĩ ấy cứ âm thầm và liền lĩ trong suy tưởng và trong kí ức anh ta cho dù hoàn cảnh bên ngoài đã bình yên, xã hội đã thay đổi.
Nhà văn viết về chiến tranh thì nhiều, và cũng nhiều nhà văn thành công về đề tài này. Ở phạm vi thế giới, khi nhắc đến, người ta liền nghĩ ngay đến Leo Tolstoy với bộ “Chiến tranh và Hòa bình” đồ sộ dày cộm vài ba ngàn trang giấy, miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc của quân dân Nga với sự dẫn dắt của tướng già Kutuzov ngăn cản bước tiến quân của Napoleon, đẩy lui được quân Pháp ra khỏi bờ cõi. Bởi đây là tiểu thuyết lịch sử nên tác giả cho số phận con người gắn bó với thăng trầm lịch sử, trong đó, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đạt mức hoàn chỉnh. Nhưng cũng có những tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử chỉ để trình bày quan điểm của tác giả về con người và ý nghĩa cuộc sống, về triết lý nhân sinh của mình. Andre Malraux là người như thế với tác phẩm Man’s Fate (La Condition Humaine, Thân Phận Con Người). Man’s Fate là quyển tiểu thuyết chiến tranh hiện sinh, lấy bối cảnh cuộc nổi loạn Thượng Hải, Trung Quốc, vào năm 1927. Cuộc nổi loạn Thượng Hải là một sự kiện lịch sử quan trọng, khởi đầu cho cuộc nội chiến về sau. Tác phẩm kể câu chuyện bắt đầu vào đêm trước cuộc nổi dậy của người cộng sản và công nhân lao động Thượng Hải.
Che’n, một sát thủ đang đấu tranh nội tâm về vụ ám sát sắp xảy ra với kẻ môi giới vũ khí đang nằm ngủ. Ch’en sau đó đâm chết hắn bằng dao găm và đoạt tờ giấy giao vũ khí. Xong sứ mệnh Ch’en đến tiệm bán máy đĩa hát gã người Bỉ, tên là Hemmelrich, gặp Katow và Kyo, họ đang tìm cách cài gởi mật mã thông tin qua đĩa hát. Ch’en trao tờ giấy vận chuyển vũ khí, được hai người tán thưởng cổ vũ. Họ là những người lãnh đạo cuộc nổi dậy của lực lượng lao động thợ thuyền. Tổ chức cần những vũ khí này để chống lại cảnh sát và quân đội chính quyền thành phố.
Kyo mang trọng trách phối hợp các toán chiến đấu của lực lượng nổi dậy, dùng giấy tờ mua vũ khí lậu mà Ch’en chiếm được để lấy hàng và phân phối cho các lực lượng công nhân lao động. Mọi vị trí chiếm giữ hay giao tranh trên đường phố đều được nghiên cứu đánh dấu trên sơ đồ. Kyo tìm gặp Nam Tước Clappique, vị Nam Tước thích lối sống hào nhoáng, nghiện cờ bạc và luôn thiếu hụt tiền này đang ba hoa với nhóm vũ nữ đủ mọi quốc tịch trong quán bar Black Cat, môi giới nhờ giúp chuyển những khẩu súng trường từ con tàu ShanTung (Sơn Đông) thả neo đậu cuối bến cảng. Kyo gặp cha anh, ông Girors, cũng là thầy của Ch’en, giáo sư Đại học môn Xã hội học, nghiện thuốc phiện, hỏi nhận xét về lão Nam Tước có đáng tin không. Rồi gặp May, vợ anh, bác sĩ người Đức, họ trao đổi về tình yêu và cuộc sống. Ch’en cũng đến gặp vị giáo sư anh tôn kính và thú nhận vụ giết người lần đầu vì nhiệm vụ với tâm trạng khủng hoảng. Vị giáo sư này vì có tư tưởng cấp tiến nên bị sa thải khỏi trường tìm cách xoa dịu chàng.
Katow đến căn phòng bí mật, biết anh là một lính bôn sê vích Nga thoát chết từ án tử nên mọi người đều tin tưởng việc huấn luyện đào tạo của anh, cách sử dụng vũ khí chiến đấu, gồm bắn súng và ném tạc đạn. Ferral chủ tịch tổ hợp Pháp Á, nhà tư bản phương tây quyền lực, được chính quyền Pháp hậu thuẫn đẩy mạnh khai thác đồn điền, hầm mỏ khoáng sản, vận tải ở Đông Dương (Việt Nam), rồi bành trướng đến Thượng Hải, đang lo sợ mất tài sản kinh doanh nếu cuộc nổi dậy của người lao động thành công. Ferral kết nối với những tài phiệt Châu Âu khác nắm huyết mạch kinh tế Thượng Hải cũng như các tòa lãnh sự Anh Pháp đổ tiền vào giúp quân đội Tưởng chống lại phe nổi dậy để giữ nguồn lợi kinh tế.
Ch’en lãnh đạo một nhóm người vũ trang với súng, lựu đạn, nhưng đa số là dao, lưỡi lê, dùi, một số nữa không có gì ngoài thùng dầu lửa và đống giẻ làm bùi nhùi, tấn công khống chế đồn cảnh sát. Tiếng súng nổ. Tất cả đồn bót, trạm gác đều bị nhóm nổi dậy cố tấn công đánh chiếm. Những xác người nằm xuống. Kyo cùng Ch’en đến Hán Khẩu (Vũ Hán) tìm xin chỉ thị (Vologin, Quốc Tế Cộng Sản) và tìm sự hổ trợ lực lượng ở đây để tránh bị tàn sát, nhưng cấp trên thận trọng, e dè hậu quả, vì đang liên minh mong manh với Quốc Dân Đảng (chống nhóm quân phiệt phương Bắc). Cuộc tranh luận bàn cãi không ngã ngũ, họ rời khỏi.
Katow tìm Ch’en báo tin ngăn cản cuộc ám sát kế tiếp vì đối tượng đã biết và đề phòng nhưng không gặp. Ch’en ôm tạc đạn lao vào xe, xe nổ, nhưng chỉ là xe ngụy trang. Ch’en bị thương nặng, và tự sát.
Nam Tước Clappique tìm Kyo không phải lấy tiền ông ta chờ đợi mà muốn cứu anh ta, báo anh biết rằng, Konig, cảnh sát trưởng thành phố sẽ bắt anh ta, nên phải trốn thoát sớm. Nhưng đi ngang qua sòng bài, ông tấp vào và chìm đắm ở đấy. Kyo chờ Clappique đến để giao tiền, chờ hoài không thấy thì nhận tin Ch’en đã hi sinh, anh sau đó bị bắt. Lực lượng binh lính tiếp tục trấn áp cuộc nổi dậy của thợ thuyền thành phố.
Hemmelrich chủ quán máy hát chạy về nhà, thấy cửa tiệm bị binh lính bắn phá nát, vợ con anh nằm chết trên đất với những vết máu bê bết loang lổ trên đất, anh điên cuồng chạy đến tìm Katow xin vũ khí cùng chiến đấu. Lực lượng lao động nổi dậy thiếu vũ khí không chống nổi với đại pháo hỏa lực mạnh của địch. Cuộc nổi dậy bị đàn áp dã man, nhiều người chết, nhiều người bị bắt. Katow bị bắt, anh nhường chất độc xyanua (cyanure) cho hai bạn tù để thoát khỏi đau đớn thể xác, còn anh chấp nhận bị thiêu sống. Cuộc nổi dậy thất bại.
Cái chết của đứa con, Kyo, làm thay đổi tư tưởng của ông Giors và May, nhưng mỗi người lựa chọn lối đi riêng cho mình. May muốn nối tiếp con đường đi của người chồng.
Trong Man’s Fate, câu chuyện mang nét độc đáo, không chỉ có một mà có nhiều nhân vật chính. Họ hiện ra theo tiến trình câu chuyện như là bóc từng lớp vỏ một củ hành. Nét độc đáo khác, chuyện thuộc loại “đa sắc tộc”, với các vai chủ chốt trong câu chuyện, gồm có người Trung Quốc dĩ nhiên, còn có người Nga, người gốc Nhật, người Đức, người Bỉ, người Pháp, người Ba lan, mỗi nhân vật mang theo một cả một quá khứ dữ dội khác nhau. Thêm nữa, ngoài cuộc chiến đấu với súng đạn trên đường phố, ngõ hẻm, trạm gác, đồn binh, còn đi kèm theo với cuộc chiến nội tâm trong lòng ở mỗi cá nhân. Khi cuốn tiểu thuyết mở ra, từng nhân vật xuất hiện, người ta chứng kiến sự bất ổn về mặt tâm lý và nỗi lo lắng tồn tại mà họ phải chịu đựng trong bối cảnh một cuộc nổi loạn thất bại.
Nhân vật Ch’en mong muốn nhiệm vụ giết người của mình như một sát thủ cứng rắn, đến nỗi anh ta hầu như không thể nghĩ ra bất cứ điều gì khác. Nhiệm vụ đã kiểm soát cuộc sống của anh ta, qua đó hoàn thành việc giết người như là một số phận của anh. Giết chóc đã hủy hoại tâm lý của anh, anh bất lực trước sự chi phối đó. Anh trở nên đau khổ bị hành hạ bởi nỗi ám ảnh hỗn loạn bên trong nội tâm và muốn tự hủy mình qua nhiệm vụ.
Nhân vật Kyo xuất phát từ niềm tin kiên định rằng mỗi người nên tự chọn ý nghĩa của riêng mình. Đời sống của anh đã có một ý nghĩa: Đem tới cho người đang đói khát sự tự chủ lấy phẩm cách của họ. “Không thể nào có được phẩm giá, có được một cuộc đời thật sự đối với một người làm việc mười hai giờ mỗi ngày, mà không hiểu vì đâu hắn làm” (“There is no possible dignity, no real life for a man who works twelve hours a day without knowing why he works”). Kyo thực hành nguyên tắc này khi anh ta cố gắng giữ quyền lực trong tay những người lao động, thay vì trong tay Quốc dân đảng. Một mẫu anh hùng lãng mạn, có kỉ luật, kiên trì với ý tưởng. Khi bị lực lượng đối địch bắt giữ, anh tự quyết định số phận của mình, chết vì lý tưởng, đã tự sát bằng chất độc xyanua.
Nhân vật Katow đã từng phải đối mặt với án tử hình một lần trước đây ở nội chiến Nga và được cứu vào phút cuối, điều này khiến anh cảm thấy tự miễn nhiễm về mặt tâm lý, không ảnh hưởng bởi nỗi sợ sự tàn khốc kinh hoàng của chiến tranh. Sau khi chứng kiến cái chết của Kyo, anh quan sát với một sự tách biệt bình tĩnh, nhìn những đồng chí của mình bị đưa ra ngoài từng người một, bị ném sống vào khoang máy đốt hơi nước đang chờ bên ngoài. Katow dự định, khi đến lượt mình, sẽ sử dụng viên xyanua của riêng mình. Nhưng khi nghe hai cộng sự trẻ người Trung Quốc nói chuyện với nỗi sợ hãi run rẩy vì bị thiêu sống, anh đã đưa xyanua cho họ, đủ cho hai người, để bản thân anh phải đối mặt với cái chết đáng sợ hơn. Anh chết trong một hành động hy sinh bản thân và đoàn kết với những người đồng chí yếu hơn. Anh là hiện thân của một nhà hoạt động lý tưởng, dũng cảm và hào phóng, người đã hy sinh mạng sống vì người khác.
Cuốn sách có khoảng hai phần ba là sự chiêm nghiệm hiện sinh về số phận và cái chết và hầu hết các nhân vật chính đều chết vào một thời điểm nào đó trong tiểu thuyết. Giáo sư Gisors, cha của Kyo, và là người đào tạo Che’n, như là một hiền triết thông thái nhưng lảng tránh hiện thực bằng đắm mình vào khói thuốc phiện. Những lời giáo sư Gisors đối thoại với tài phiệt Ferral mang đầy tính triết lý:
“… Về vấn đề đó, có lẽ đàn ông thờ ơ với quyền lực… Điều khiến họ say mê trong ý tưởng này, anh thấy đấy, không phải là quyền lực thực sự, mà là ảo tưởng về khả năng làm đúng những gì họ muốn. Quyền lực của nhà vua là quyền cai trị, đúng không? Nhưng con người không có nhu cầu cai trị – họ có nhu cầu cưỡng bách, như anh đã nói. Để trở thành hơn cả một con người, trong thế giới của loài người. Để thoát khỏi số phận của con người, như tôi đã nói. Không phải quyền lực: mà là toàn năng. Căn bệnh viễn kiến, mà ý chí quyền lực chỉ là sự biện minh về mặt trí tuệ, đó là ý chí có chứa đựng thần tính: mọi con người đều mơ ước trở thành thần linh.” ……….. “Một thần linh có thể chiếm hữu, ông nói tiếp với nụ cười hiểu biết, nhưng không thể chinh phục. Lý tưởng của một thần linh là trở thành người, biết rằng mình sẽ tìm lại được uy quyền của mình, và giấc mơ của con người là trở thành thần linh, mà không đánh mất bản ngã của mình…
(“… For that matter, men are perhaps indifferent to power… What fascinates them in this idea, you see, is not real power, it’s the illusion of being able to do exactly as they please. The king’s power is the power to govern, isn’t it? But man has no urge to govern–he has an urge to compel, as you said. To be more than a man, in a world of men. To escape man’s fate, I was saying. Not powerful–all-powerful. The visionary disease, of which the will to power is only the intellectual justification, is the will to god-head–every man dreams of being god.”………… “A god can possess,” the old man went on with a knowing smile, “but he cannot conquer. The ideal of a god, I believe, is to become a man while knowing that he can recover his power; and the dream of man, to become god without losing his personality…”).
Trong không khí xáo động nặng nề bên trong nội tâm của mỗi nhân vật. Thì nhân vật Clappique khá sinh động, Clappique, một tay cờ bạc, thương gia người Pháp, dù kiết xác nhưng luôn tỏ vẻ lịch lãm hào nhoáng giàu có, cũng vật lộn với một cuộc chiến nội tâm trong suốt cuốn tiểu thuyết. Clappique ba hoa mọi lúc nhưng lại đau khổ bên trong, phải độc thoại giải tỏa với chính mình trong gương. Clappique trái ngược với Kyo bằng cách đại diện cho một cá nhân tìm thấy ý nghĩa trong những lựa chọn có vẻ vô nghĩa (lao vào cờ bạc, giống như giáo sư Gisors lao vào thuốc phiện, mà ông nói đó là cách tự tử mà không chết) phản ánh bản chất hiện sinh của trải nghiệm con người. Để tránh bị bắt, Clappique cải trang thành một thủy thủ chạy trốn khỏi Thượng Hải. Một đoạn thú vị khi Clappique bỏ bộ cánh quí tộc giàu có, ăn mặc tềnh toàng như một thủy thủ xoàng trên tàu để cố gắng trốn thoát. Ông bỡ ngỡ khi thấy không ai nhận ra mình, và phát hiện ra rằng, qua cái cách ăn mặc mọi người đối xử với ông ta khác đi:
Kể từ khi ông thay đổi trang phục, thế giới xung quanh ông đã thay đổi. Ông cố gắng khám phá xem tại sao: cách mọi người nhìn ông đã thay đổi. Người duy nhất quen thuộc về trò giả vờ của mình, đã trở thành tất cả mọi người nói chung. Cùng lúc đó — bản năng là tự vệ hoặc thích thú — ông tràn ngập niềm vui khi được mọi người chấp nhận bản thân mình trong vai trò mới này. Ông đột nhiên tình cờ gặp phải thành công rực rỡ nhất trong cuộc đời mình. Không, con người không tồn tại, vì một bộ trang phục là đủ để giúp một người thoát khỏi chính mình, để tìm thấy một cuộc sống khác trong mắt người khác.
(Since he had changed his costume, the world around him had become transformed. He tried to discover how: it was the way people looked at him that had changed. The habitual single witness of his mythomania had become a crowd. At the same time pleasure or a defensive instinct the general acceptance of his new civil status pervaded him, too. He had found, suddenly, by accident, the most dazzling success of his life. No, men do not exist, since a costume is enough to enable one to escape from oneself, to find another life in the eyes of others).
Man’s Fate mang nhiều cấp độ khác nhau. Ở một cấp độ, đây là một tiểu thuyết hành động, có cuộc nổi dậy chống đối, có ám sát, có âm mưu cướp vũ khí, với súng nổ ở đồn cảnh sát và xác người ngã xuống. Ở cấp độ lớn hơn mang tính chính trị, ghi lại âm mưu của phe phái với các hệ tư tưởng phức tạp, của Quốc Tế Cộng Sản, của Quốc Dân Đảng, của nhóm tài phiệt công nghiệp và ngân hàng Châu Âu, và của Cộng Sản Trung Quốc. Ở cấp độ khác, mang tính triết học, với chuyện hàng chục nhân vật không chỉ tham dự, hành động, mà còn mang theo nội tâm xáo trộn, với thái độ đạo đức và triết học gắn kết họ, không chỉ với sự tham gia chính trị, mà còn định hình hành trình tìm kiếm ý nghĩa của sự tồn tại. Cuốn tiểu thuyết khám phá các chủ đề hiện sinh về sự sống, cái chết và thân phận con người thông qua những trải nghiệm và đấu tranh trong cuộc sống, để tìm ý nghĩa cuộc sống.
Theo quan điểm triết học truyền thống với bản thể luận và nhận thức luận trong siêu hình học đi tìm khái niệm phổ biến, theo đó các triết gia mải mê tìm kiếm nguồn gốc vũ trụ, lý giải quá trình nhận thức, mà bỏ quên thân phận và kiếp sống con người, không quan tâm lý giải mối quan hệ phụ thuộc giữa cá nhân và xã hội. Lý tưởng hóa nhân loại chung chung, dẫn dắt con người càng xa rời hiện thực. Ở điểm này, chủ nghĩa hiện sinh tôn trọng sự riêng biệt của mỗi cá nhân, đề cao sự thật rằng không có một nhân loại chung chung nào, mà chỉ có những con người có cuộc sống khác nhau. Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng cuộc sống vốn vô nghĩa và phi lí, cá nhân có trách nhiệm tìm kiếm ý nghĩa trong một thế giới có vẻ vô lý, nơi mỗi cá nhân được tự do tạo ra bản chất của riêng mình thông qua sự lựa chọn và hành động dấn thân của họ (Samuel Beckett, với tác phẩm”Chờ đợi Godot” phản ánh rõ nét chủ đề này). Con người sống trong trần gian như những kẻ bị bỏ rơi, những kẻ lưu đày. Hiện diện trong cuộc đời mà con người không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Việc con người sinh ra ở đời giống như bị ném vào hoàn cảnh “bất đắc dĩ”, đành phải sống và hành động.
Malraux cho rằng, con người phải “dấn thân” mới phủ nhận cái hư vô phi lí ấy. Mới tạo nên ý nghĩa riêng cho mình: “Điều bí ẩn lớn nhất không phải là chúng ta bị ném ngẫu nhiên vào trong vũ trụ, mà là trong nhà tù này, chúng ta có thể rút ra từ chính mình những hình ảnh đủ mạnh mẽ để phủ nhận sự hư vô của chúng ta” (“The greatest mystery is not that we have been flung at random, between the profusion of matter and of the stars, but that within this prison we can draw from ourselves images powerful enough to deny our nothingness”).
Trong Man’s Fate, Malraux nhìn sự vật qua con mắt hiện sinh. Nhân vật của Malraux là con người nổi loạn trước sự phi lí vô nghĩa của cuộc đời. Những con người dùng hành động để chống lại sự phi lý của cuộc đời, chứng tỏ họ không chịu khuất phục cái gọi là số phận con người. Cho họ nhận thức đâu là thân phận con người bị ép bị áp bức, bị đánh mất nhân phẩm, trước những áp bức của xã hội. Họ đã đấu tranh và hy sinh vì mục tiêu của họ. Số phận của con người trong tiểu thuyết của Malraux cuối cùng là vô lý và bi thảm. Hành động tập thể của những người lao động bị đè bẹp và những người công nhân bị đánh bại… André Malraux mô tả những khía cạnh sâu thẳm của cuộc sống, bộc lộ được những ẩn khuất bên trong nội tâm nhân vật. Về ngoại hình của các nhân vật chính ra sao thì không được miêu tả rõ, nhưng điều quan trọng là đi sâu vào thế giới quan và những ước mơ mà họ theo đuổi. Ba người lãnh đạo, sau khi chết – chỉ ra rằng thực tế là họ đã chết – nhưng mục đích tự do mà họ theo đuổi thì không. Là ẩn dụ kín đáo, một tóm tắt tuyệt vời ý nghĩa thực sự của cuốn tiểu thuyết, đạt được sự biến đổi sâu sắc ở những người sống sót sau họ, và những người, đến lượt mình, sẽ bảo vệ những lý tưởng tương tự. Tác phẩm ra đời được công nhận là một tác phẩm lớn của nền văn học. Man’s Fate (La Condition Humaine, Thân Phận Con Người) của André Malraux đã giành Giải thưởng Văn học Pháp Prix Goncourt năm 1933 và được xếp hạng thứ năm trong danh sách 100 Cuốn sách hay của Thế kỷ 20 (Le Monde’s 100 Books of the Century).
Cuộc đời của tác giả”Thân Phận Con Người” cũng thật là thú vị, có nhiều biến cố, có nhiều trải nghiệm và có những cuộc phiêu lưu li kì. Đến nỗi người ta không chắc điều gì làm say mê hơn: tác phẩm hay cuộc đời. Từ một thanh niên bỏ học sớm, không bằng cấp (mười bảy tuổi bỏ học), sau đó thoắt một cái thần kì đã trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp. Không vào quân ngũ, không theo binh nghiệp mà trở thành một Đại Tá chỉ huy. Không được đào tạo trong viện nghiên cứu hàn lâm mà trở thành nhà triết lý nghệ thuật.
Thua lỗ trong chứng khoán. Năm1923, André Malraux với 22 đời tuổi rời Paris lên tàu cập bến Sài Gòn (Annam, thuộc Pháp) ra Hà Nội gặp giám đốc gặp giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (E.F.E.O) lấy giấy giới thiệu đến Siêm Riệp, Cao Miên, tìm cổ vật ở đền Bantei Srey mong đổi vận. Khi quay về bị Tòa Thượng Thẩm Sài Gòn (của chính quyền thuộc địa Pháp) kết án tù 3 năm vì tội trộm di tích cổ. Được bạn bè ở Paris hổ trợ chống án, cùng với pháp lý mù mờ về di tích ngôi đền cổ, ông được thả trở về Pháp.
Năm 1925, André Malraux quay lại Sài Gòn. Ông thành lập Jeune Annam (Liên đoàn Annam Trẻ), hợp tác với một người Pháp lai (mẹ người Việt) lập ra tờ báo Indochine (Đông Dương) cơ quan ngôn luận của Jeune Annam. Lập trường là chống lại những áp bức và lạm dụng của chính quyền thuộc địa với dân bản xứ bị trị (không rõ thời gian này ông có tiếp xúc với nhà cách mạng Phan Chu Trinh và Nguyễn An Ninh không, bởi cả hai cũng từ Pháp về lại Sài Gòn cũng cùng năm). Chính quyền thuộc địa Pháp liệt kê André Malraux vào thành phần phá rối trị an, một phần tử cực tả nguy hiểm. Mật thám Pháp đe dọa công nhân Việt làm cho nhà in phụ trách in tờ báo. Để chủ động trong in ấn, André tự ráp một máy in thủ công, nhưng không đủ phụ tùng, ông quyết định sang Hương Cảng mua bộ chữ in để tiếp tục in tờ báo đối lập Indochine với tên mới là L’Indochine enchainée (Đông Dương xiềng xích), tiếp tục muốn cải cách xã hội xóa bất công cho người dân thuộc địa. Nhưng đến năm 1926 tờ báo bị đình bản. Ông quay trở về Paris.
Châu Âu bấy giờ trước hiểm họa bành trướng của chủ nghĩa phát xít, ông dấn thân vào cuộc chiến đấu mới. 1930 Malraux hoạt động tích cực trong Mặt trận bình dân chống phát xít ở Pháp. Vào đầu Nội chiến Tây Ban Nha, ông gia nhập lực lượng Cộng hòa ở Tây Ban Nha, phục vụ và giúp tổ chức lực lượng không quân nhỏ của họ. Phi đội của ông, được gọi là “España”, đã trở thành một huyền thoại sau khi tuyên bố gần như tiêu diệt một phần quân đội phát xít của tướng Franco. 1938 Andre Malraux đi đến Mỹ gây quĩ giúp đỡ cho họ, thời gian này ông cũng viết giới thiệu nhà văn Mỹ William Faulkner chưa được biết đến với giới văn nghệ ở Châu Âu. Khi Pháp tham gia Thế chiến II, ông đã gia nhập vào một sư đoàn xe tăng, bị bắt vào năm 1940, nhưng trốn thoát. Bị mật vụ Gestapo của Hitler bắt giữ lần nữa tại Toulouse, thành phố này được giải phóng ngay sau đó và Malraux lại được tự do. Ông gia nhập và chỉ huy lữ đoàn kháng chiến Alsace-Lorraine vào năm 1945, tự lấy biệt danh là “Đại tá Berger”. Chiến tranh kết thúc, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thông tin. Khi Tướng de Gaulle lên nắm quyền Tổng Thống ông được thăng lên làm Bộ trưởng Bộ Văn Hóa (1958-1969).
Tác phẩm Man’s Fate, Malraux viết với sự đồng cảm với cuộc nổi dậy của người lao động. Người ta cho rằng tác giả là người đã tham gia vào hoạt động cách mạng, sống nhiều năm ở Trung Quốc nên mới biết cuộc sống của người dân lao động bần hàn bị chà đạp áp bức trở nên nổi loạn như thế. Nhưng thật ra theo nhà nghiên cứu viết tiểu sử ông cho biết. Cho đến khi viết quyển “Thân Phận Con Người” ông chỉ biết có Việt Nam mà thôi, dù có ghé Hương Cảng ít hôm để mua bộ chữ cho máy in. Kinh nghiệm kể lại trong tác phẩm là những kinh nghiệm sống ở Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn của nhà văn Guy Suares 1973, Andre Malraux nói “Tôi nghĩ là trong đời tôi, Đông Dương có một vai trò thiết yếu. Khi những người bản xứ đã đứng ra bảo vệ tôi, có một cái gì đó đã chuyển hướng. Trước đó, không phải là tôi đứng phía bên kia. Phía bên kia, là sự thờ ơ. Nhưng sự gắn bó của tôi đối với – nói giản dị cho dễ hiểu – đối với sự công bằng xã hội đã phát sinh vào lúc đó.” Và trong những bài viết cuối đời ông viết trong tác phẩm tự thuật của mình (La Corde et les souris) “Tôi đã được đưa đẩy tới cách mạng, theo quan niệm người ta nghĩ vào khoảng năm 1925, vì sự ghê tởm chế độ thực dân mà tôi đã biết tại Đông Dương”
Nhà văn đến Sài Gòn chưa tròn hai mươi hai tuổi, đến với tâm thế phiêu lưu thoáng qua của tuổi trẻ, đi tìm vận may, lại không may, gặp phải vận rủi. Nhưng cũng từ đó, ông nhận thức được sự khác biệt chính quyền Paris và chính quyền thuộc địa. Cuộc sống dân Paris và cuộc sống người dân thuộc địa bản xứ bị đối xử hà khắc không công bình ra sao, nên ông quyết định quay lại giúp họ nói lên sự bất công ấy.
Ai cũng có một thời thanh xuân đáng nhớ. Những hạnh ngộ hay những gian nan tiếp nhận thời tuổi trẻ, thời con người xông xáo nhất, sung mãn nhất cuộc đời đều có ý nghĩa lớn, có ảnh hưởng lớn, tác động lớn đến cả đời người về sau. Những trải nghiệm của Malraux vào thời gian sống ở Việt Nam có tác động lớn đến con đường hoạt động cách mạng chính trị của ông. Sau khi ông quay về nước, cả cuộc đời ông đều hướng về mục tiêu ấy, dấn thân vào con đường đấu tranh công bằng cho xã hội. Nhà văn đã thể hiện sự kết hợp hiếm có giữa tư tưởng và hành động. Ông có một cuộc sống phong phú, đầy ý chí và kịch tính, giống như những cuộc phiêu lưu mà ông đã tạo ra trong tiểu thuyết của mình. Ông đã tự tạo số phận của riêng mình.
Thân phận con người là cái điều chúng ta sống, chúng ta đảm nhận hằng ngày giữa cuộc đời. Mỗi người tự tạo cho mình, do phấn đấu, hay do hoàn cảnh, tạo ra cho mình một thân phận trong cuộc sống, từ đó có hành xử và có thái độ riêng với cuộc sống. Thân phận không phải là số phận. Cùng chung thân phận nhưng có số phận lại khác nhau. Số phận mang tính cá nhân, theo ý thức cá nhân. Thân phận có phạm trù chung hơn, tổng quát hơn, có mang định kiến xã hội, theo cái nhìn xã hội. Nhưng cả hai có liên quan mật thiết. Cuộc sống con người là một cuộc hành trình. Thế giới của một người chỉ có thể tồn tại nếu anh ta tồn tại, việc anh ta nhìn nhận thế giới ra sao thì sẽ làm nên tính chất thế giới của anh ta thế ấy. Quan điểm cuộc sống như thế nào thì người ta sẽ đẩy hành trình của mình theo hướng ấy. Nếu nghĩ là đời bể khổ, thì người ta sẽ không ham hố xây dựng cuộc đời mà lo tìm lối ngõ nào đó để vượt thoát mà thôi. Nếu nghĩ đời là sự đày ải bất công, thì sớm muộn họ cũng sẽ chống đối nổi loạn. Nếu đời là vô tình ngẫu nhiên, thì họ sẽ không ưu tư, sẽ sống trong ngẫu nhiên vô tình. Nếu đời là một quà tặng quí gía của yêu thương, thì họ đón nhận với lòng biết ơn trân trọng và bù đắp vun vén xây dựng. Chính bản thân con người suy nghĩ tạo nên tính chất thế giới của mình. Đúng với câu nói: Con người không phải là tù nhân của số phận, mà chỉ là tù nhân của chính tâm trí họ (Men are not prisoners of fate, but only prisoners of their own minds. Franklin D. Roosevelt).