Con Đường Xưa Ta Đi

Tác giả: Nhà Giáo Trần Ngọc Phương

Con đường đất

Khoảng thời gian nào đó trong đời, ta sẽ có một khoảng lặng, một khoảng ngưng của thời gian, mà nhớ về đoạn đường đi qua. Những con đường xưa ta đi. Thuở niên thiếu là con đường từ nhà đến trường, con đường lập lại hằng ngày hằng tháng hằng năm, khó quên. Con đường càng dài, kí ức về nó càng nhiều.

Ở vùng quê xa xôi, đôi chân trẻ thơ lội bộ qua đồng ruộng, qua làng mạc, qua con suối nước chảy xiết vắng vẻ, rồi đến con lộ lớn, con lộ đất gập ghềnh với những chiếc xe thổ mộ chở đầy hàng hóa đến chợ. Ba cây số hơn là một hành trình quen thuộc hằng ngày của tôi và lũ bạn từ làng mình đến ngôi trường tiểu học ở xã. Cứ thế, sáng đi , trưa ở lại, và chiều về. Cha mẹ khó thể đoái hoài, bởi còn vất vả với nghề nông hay lo chạy buôn bán mưu sinh.

Cứ như người mộng du, cuộc hành trình được sắp đặt trước như thế, tôi không phải thắc mắc gì, những ngày nắng cháy hay mưa dầm cũng vẫn cứ đi và về, đầu óc chả nghĩ ngợi gì. Không nghĩ, sao ta không có đôi giầy đi cho êm, sao không có chiếc áo ấm mặc bên trong người để đỡ lạnh, khi gió thổi tấp qua chiếc áo tơi ni-lon choàng hờ trên cổ vào mùa đông giá rét. Đơn giản là chung quanh ai cũng như thế, không thấy có ai khác biệt mà so sánh. Có thấy ai mang giầy đi cầy ruộng hay đi chợ trên đường làng quê đâu mà biết đôi giày vải như thế nào? Mọi chuyện cứ coi như đương nhiên là thế. Nhưng khi đã thấy, đã biết, thì đâm ra mơ ước có được. Mơ gì? Mơ có được một cây que cà rem. Những giờ ra chơi trong sân trường nhìn bạn mình ra mé đường lộ, ở đó có đứng sẵn chú bán cà rem với chiếc bình thủy tinh cột bên sau yên xe đạp, mà mua, mà mút, trông mát lạnh và ngọt làm sao.

Có anh bạn kể, khi ấy cha anh chở anh trên xe đạp, sau một đoạn đường ngồi nghỉ nắng bên gốc cây đa, cha anh nhìn thấy ánh mắt anh cứ chằm chằm vào quán bên đường, bèn ghé đến mua cho anh chai nước cam vàng. Anh nói, nó ngọt thấy sướng, hơi ga nó xộc vào mũi cay nồng làm anh hoảng, nhưng sảng khoái vô cùng. Cho đến bây giờ anh không quên chai nước ngọt đầu tiên anh uống, cái hương vị ấy theo anh mãi.  Anh mơ ước được uống chất nước màu cam vàng hấp dẫn ấy nhưng không dám nói, không dám đòi hỏi. Bây giờ đã được đáp ứng đúng lúc nên anh nói anh cảm thấy sung sướng vô bờ. Cái giây phút sung sướng hạnh phúc ấy vẫn ghi khắc mãi trong tâm. Cái hạnh phúc thật đơn giản và lâu bền. Nó dai dẳng theo anh suốt cả đời, đến tận giờ.

Cây que cà rem là mơ ước không chỉ riêng tôi, những đứa trẻ khác cũng thế. Chuyện nhiều đứa trẻ mút chung một cây que kem là quá thường. Chỉ có chuyện khác thường là khi trống đánh vào lớp, chúng vội gói cây kem bỏ vào cặp, chờ giờ giải lao ra sân mà mút tiếp (?). Dĩ nhiên, đâu có chuyện như ý muốn của chúng. Chiếc cặp mở ra thì đầy là nước.

Cũng cái đầu óc ngây ngô mông muội ấy, tôi chẳng nghĩ ra điều gì, chẳng biết phải làm gì, những ngày không học cứ lại đi lang thang quanh co trên đường làng. Suy nghĩ và suy nghĩ, không biết mình phải làm gì. Thời gian dường như đi chậm quá, nhất là buổi xế chiều đi dưới hàng tre cao vút phủ bóng râm cả lối đi dài ra hướng cánh đồng. Tôi đứng nhìn bâng quơ mơ hồ về dòng sông xa xa uốn khúc giữa cánh đồng. Tôi quay lại, đi về hướng đông làng, đứng cạnh chiếc cầu nhỏ, lại nhìn đồng ruộng mênh mông và xa xa nữa là ngôi làng xóm dưới. Nhìn bâng quơ xa xăm mông lung rồi lại quay về nhà, cứ như thế, đi chậm rãi lòng vòng trên con đường làng yên ắng vắng vẻ. Nỗi buồn sâu kín dâng lên. Cái buồn cô độc. Một làng quê yên bình, một buổi trưa chiều vắng lặng không bóng người trên đường, chỉ có tiếng rì rào của đám tre già rung động xào xạc nhè nhè khi cơn gió thoảng qua.

Con đường nhựa

Nơi thị trấn nhỏ, nhưng nhộn nhịp đông người đi và đến. Một con đường khác mở ra với tôi. Con đường không quanh co lên bờ xuống ruộng nữa mà là con đường nhựa đen thẳng tắp hướng bắc-nam, con đường quốc lộ một. Cũng hằng ngày đi bộ đến trường, trường trung học cơ sở, trên đường xe cộ ngược xuôi, tiếng động cơ nổ ồn ào, khói phun khét nghẹt. Nhưng người đi đường cũng quen, không thấy chút phiền hà. Tôi và những bạn như tôi, cứ nép sát bờ lề cỏ mà đi, về, hàng ngày như mọi ngày. Lúc đầu ai cũng mong đi đến nơi về đến chốn, nhưng lâu dần, lâu dần, khái niệm thời gian vắng bóng, không mong đến nơi cũng không mong về đến chốn.

Vì đương nhiên là thế, cứ bước đi, lầm lũi mà bước, âm thầm mà bước, nhìn xuống bờ cỏ tránh xa đường nhựa đen mà bước, rồi chợt nhìn lên thì thấy ngay ngôi trường, hay đã về đến nhà. Khi chân tôi lầm lũi bước đi thì đầu óc tôi cũng lặng lẽ bước đi, như là sự cộng hưởng, nó bước đi ra khỏi cái thân mà phiêu lưu đến nơi vô định. Bây giờ xung quanh là cuộc sống sôi động không còn cái không khí lặng lẽ buồn tẻ êm đềm của ngày tháng cũ. Không còn phải đi lòng vòng quanh làng quê cho vơi ngày tháng. Bây giờ có nhiều cái tác động vào tai vào mắt, vào cái tâm trí non nớt đơn thuần.

Những đoàn xe “công voa”, convoy, quân đội Mĩ chạy nối tiếp trên đường, làm người đi đường phải tránh sát lề và hoặc đứng ngó, như ngắm duyệt binh. Có khi là cả đoàn xe tăng chạy trên quốc lộ. Xích sắt có nó để lại những vết cắt sâu trên đường nhựa. Bao giờ mới kết thúc cuộc chiến? Bao giờ mới có hoàn bình trên đất nước? Bao giờ bắc nam hòa làm một? Những suy nghĩ mơ hồ không rõ nét này cứ vẩn vơ trong tâm trí. Câu hỏi không lời giải này thoáng hiện thoáng không. Nhưng cái được nhất lúc này là bạn bè. Bạn bè cùng học, cùng chơi, cùng bida, banh lắc, cùng tắm mát nơi hồ cạn, tắm suối nước nóng nơi bìa rừng sâu, cùng đạp xe phiêu lưu hàng chục cây số nơi phế tích đế đô xưa. Những thứ giao tiếp làm nẩy nở tình bằng hữu, và hình thành dần cái nhân sinh quan cá nhân con người. Con đường trở nên phong phú, đa dạng mới mẻ, phạm vi suy tưởng trong trí óc cũng rộng lớn hơn.

Buổi ôm chiếc nón lá xuôi dọc hai bên đường phố xin tiền cứu trợ nạn nhân lũ lụt của nhóm, đi quyên góp theo hướng dẫn của nhà trường, làm nảy lên lòng trắc ẩn với những người dân chịu nhiều thiệt thòi ở làng quê sống vùng ngập lũ mà mình cũng từng trải. Năm nào người dân quê cũng gặp mưa bão lũ lụt, đồng ruộng phủ đầy một thứ nước vàng đục, nên cũng hết mình với cùng bạn bè đến chào từng nhà xin tiền quyên góp. Nhưng khi đến căn nhà phố khác chợt nhận ra là nhà bạn nữ cùng lớp, nỗi e ngại và mắc cỡ dâng lên, vội vàng né sang nhà khác để mặc cho đám bạn (không biết) mà vào, cô bạn ở nhà phố khá giả hôm ấy trời lạnh lẽo, không theo nhóm tình nguyện, không biết họ có gặp nhau mặt không? Mỗi lần mùa mưa đến là mỗi lần đồng ruộng lụt lội, mỗi lần nghe chết chóc theo sự tàn phá của con lũ nước đục ngầu.

Rồi một thời bệnh dịch hoành hành trong vùng, nghe tin nhiều người đau bịnh, nhưng chỉ là lời nghe thoáng qua tai. Đến khi người bạn thân ngồi kề chung bàn, cùng chung đường đi về hai bữa trên đường lộ, cùng tán phét về trò chơi bida banh lắc, về lòng tự trọng, không chịu chạy tranh giành chụp ngay lon đồ hộp hoặc bịch kẹo chewing gum mà lính Mĩ trên xe chạy ngang ném xuống để xem bọn trẻ tranh giành. Để chứng tỏ, ta là bọn người có học biết lòng tự trọng tự tôn dân tộc – đã nhắm mắt xuôi tay rời khỏi lớp học, rời khỏi trần thế. Cảm nhận nỗi mất mát, cảm nhận thân phận sinh vật – con người- trên cõi trần thế. Hôm đi tiễn bạn, chiếc hòm hạ xuống huyệt cứ nổi trồi lên, dù lấp đất, bởi mùa mưa nước đọng nhiều, phải vét tát, và ráng ép đất nhiều mới yên vị được. Bệnh dịch cũng không tha cho người thân trong gia đình, chú và dì cũng lên sốt cao, một người được hỗ trợ của trực thăng quân đội đưa xuống bệnh viện thành phố lớn chữa trị, người ở nhà tự chữa. Một tuần bà dì trở về thì ông chú đã nằm ở nghĩa địa rồi. Thời buổi chiến tranh những chuyện này không ai lưu tâm đến, vài ngày hay vài tháng sự kiện cũng phai nhạt dần. Nhưng với một đứa trẻ với trải nghiệm thế khiến nó phải nghĩ suy.

Con đường nhựa đen nóng bỏng dưới ánh mặt trời, thẳng tắp trước mắt, đôi khi cái nắng nóng hun đốt làm người đi tưởng xa xa phía trước là một dòng sông ươn ướt với sương khói lãng đãng bồng bềnh, khi đến nơi thì cái ảo ảnh này mất đi, phía trước lại tạo ra ảo ảnh khác. Có lẽ đi về sau buổi học với cái đầu mệt mỏi và cái bụng lép kẹp sau buổi cơm chiều tối qua. Lúc này ước gì? Một chiếc thảm bay, như trong truyện tranh nghìn lẻ một đêm, bay đi học hàng ngày, bay về miền quê có đồng ruộng, có lẽ trên cao nhìn xuống những ô vuông xanh trông đẹp mắt lắm, bay qua ngôi tháp chàm, qua dòng sông uốn khúc, cứ thế về hướng nam, nghe nói ở đó có những thành phố lớn với ánh đèn điện sáng rực bầu trời đêm. Đôi dép bước đi dưới đường nhựa thật là nóng. Gặp đám mây bay qua đầu thì thật mát, đôi khi chạy lúp xúp theo bóng mây trôi chậm cho đỡ nắng. Không đứa trẻ nào bận tâm với chuyện học hành, bởi cha mẹ cho con đi học, thấy học được thì để đi đến trường, thấy không xong thì giữ ở nhà mà phụ việc nhà như phụ mẹ bán bánh xèo, phụ cha bán nước mía, phụ gia đình bán hàng xén, bán vải, trông coi đám gia súc hay chăn bò cày ruộng… chuyện học hành nhẹ tênh như thế.

Sinh hoạt người dân sống quanh thị trấn quận lỵ tương đối còn an toàn, nhưng chỉ cách đó chừng dăm bảy cây số là vùng làng quê xôi đậu, sáng phe bên này tối phe bên kia. Còn cách xa vài mươi cây số là những trận chiến dằn co. Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão, Đèo Nhông, Tam Quan là những địa danh ở chung quanh xảy ra chiến sự ác liệt với lính Mĩ, lính Đại Hàn. Nhưng người dân thì vẫn sinh hoạt bình thường, bởi không thế thì họ không thể tồn tại, không cơm gạo sao mà sống? Họ chỉ sợ đạn bay bom nổ gây họa, chứ không e ngại phe này phe nọ, gia đình nào trong vùng cũng có người ở bên nọ bên kia. Con đường đi về hằng ngày trên quốc lộ một kéo dài qua nhiều năm tháng. Cuộc sống thì cứ lặng lẽ trôi. Cuộc chiến thì cứ dằn co. Cuộc đời đứa trẻ rồi cũng thay đổi, lớn dần theo thời gian. Những tiếp xúc, lắng nghe, những phản ứng của từng người, trước thời cuộc, trước từng đối tượng, là những bài học giúp cho nó một chiêm nghiệm, một cái nhìn khác về cuộc sống.

Con đường phố 

Con đường bây giờ không còn là con đường thẳng mà là con đường ngoằn ngoèo, con đường phố thị. Đi đến đoạn này rẽ qua đoạn kia ngoặc đến đoạn nọ mới đến trường, ngôi trường trung học đệ nhị cấp. Hai bên đường người đi lại nhộn nhịp, dĩ nhiên là trên lề đường, còn lòng đường là xe mô tô hai bánh chạy qua lại, thỉnh thoảng vài chiếc xe hơi thoáng qua.

Con đường đi về hằng ngày này khó mà suy nghĩ được điều gì, không cho phép người ta để đầu óc lang thang nơi đâu. Cảnh sát quần xám áo trắng ngắn tay cầu vai mang vạch đầu đội kepi lưng đeo súng ngắn trông lịch sự oai vệ có mặt ở các ngã tư đường, nhưng điều này cũng không làm tôi an tâm. Hôm đi học chung đường với bạn nữ đến trường, vài ba đứa bé đến quấy rối xin xỏ, tôi xua đuổi chúng xong quay lại, cô bạn báo là chúng rút mất cây viết pilot rồi, tôi chạy đuổi theo, nhưng chúng không tỏ gì sợ hãi, còn quay đầu cười chế giễu, tôi nhận ra khác lạ, liền nhìn bên sau chúng, xa xa là một nhóm du đãng đang im lặng đưa mắt nhìn tôi. Du đãng khắp nơi trong thành phố, gặp cơ hội là trấn lột những con mồi ngơ ngáo trên đường. Đi tắm biển cũng gặp chúng, chúng nhìn chăm chăm sợi dây chuyền vàng trên cổ mà bà chị tròng vào để ưu ái đứa em đi học xa, khi từ dưới nước lên chúng âm thầm tiếp cận, tôi vội ôm gói quần áo chưa kịp mặc, rảo bước nhanh thẳng về nhà, chúng rượt theo một đoạn dài nhưng không kịp. Cảnh sát không hơi đâu chuyện rỗi với cuộc rượt đuổi này, nếu bắt chúng cũng không làm được gì, răn đe rồi cũng thả thôi. Anh bạn học thân dáng ngầu ngồi kề bên rủ tôi đến khuôn viên ngôi chùa lớn bên cạnh trường chờ tiết học sau. Một gã du đãng giật mạnh sợi dây chuyền trên cổ tôi bỏ chạy. Bạn tôi rượt theo, anh có võ, không ngại đối đầu với vài tên du đãng. Nhưng anh vội quay lại nói, có năm sáu tên đứng quanh bảo vệ cho tên ấy, tớ nhắm đánh không lại. Thôi bỏ đi, coi như cúng chùa.

Thời chiến, chị em “ăn sương” trong thành phố cũng sinh hoạt sôi động không khác các cuộc chiến ngoài vành đai xa. Dãy phòng trọ của nhóm học sinh mà anh tôi đại diện đóng tiền hàng tháng, lại cùng chung vách phòng với ba cô nàng “ăn sương” cộng với một anh “ma cô” khá ngầu, dãy phòng kế tiếp cũng có ba bốn cô nữa nhưng không thuộc nhóm anh này. Nhóm bạn ông anh không ngại họ, bởi họ đã có bằng tú tài một, có nghĩa vào quân đội họ sẽ là sĩ quan. Nhưng cái chính yếu là họ lớn tuổi, do học trễ và do thi rớt làm giấy tờ giả học lại nên tuổi thực họ khá lớn, lớn tuổi hơn cả nhóm sĩ quan hải quân ở quân cảng thành phố, mà họ vừa đập lộn tơi bời trước khi chuyển đến đây. Các chị “gái” gặp bọn ông anh nơi lấy nước sinh hoạt thì ngượng ngùng nhưng làm vẻ phớt lờ, nhưng gặp tôi thì phớt lờ thật, mà trò chuyện vui vẻ. Ngay cả anh”ma cô” cũng không nhìn tôi với ánh mắt dò xét khó chịu, bởi nghĩ tôi là không đáng ngại, không làm hại ai.

Chỉ độ một tháng, dù bác chủ nhà ngầm ưu đãi riêng về tiền phí trọ, nhưng ông anh không muốn đứa em ảnh hưởng chuyện học, cũng như bản thân cả nhóm chưa vượt được tú tài hai, cả nhóm lại đi lùng kiếm chỗ trọ khác nữa. Tôi cứ như dân du mục, chuyển đến chỗ này rồi lại chỗ khác trong thành phố, chưa tròn niên học mà chuyển chỗ đến năm lần.

Cũng khó phân biệt du đãng và học sinh, nhóm ông anh khá lớn tuổi, nếu mọi thứ xuôi chèo mát mái, có lẽ đã đứng trên bục giảng, thay vì còn ngồi ở dưới lớp. Họ sống lang bạt nhiều năm, va chạm nhiều thành phần, trong thành phố. Nếu không có mối dây liên lạc tốt với gia đình họ có thể là những tên du đãng bá đạo. Tên họ gọi với nhau đủ thấy không vừa, Ba Hởi, Tám Vạn, Đinh Ba Tri, Hùng Râu Kẽm, riêng ông anh biệt danh Chồ Vồ (cái chày vồ) không hiếu thắng như mấy bạn, có chút hơi nhát, nhưng có lẽ anh cao lớn, đẹp mã, nên được tôn làm đầu lĩnh, dù là “bù nhìn”, nhưng tánh anh hào phóng, nên bọn họ mến và cũng chịu nghe lời. Vào lúc này phim Loan Mắt Nhung ra rạp khá nổi tiếng, nên có bạn gọi anh là Huỳnh Thanh Trà vì khá giống tài tử này, thật ra là anh tươi sáng hơn diễn viên này nhiều. Cô gái quán cơm quen thuộc thường ưu đãi thêm một đĩa cá chiên giòn miễn phí, lúc anh đi ăn cùng nhóm. Nếu vắng anh, bọn họ cũng không có được những món ưu đãi này và những cái lặt vặt khác nữa. Khi luật tổng động viên ra tuyên bố áp dụng, các anh dù thi rớt hay đậu đều phải vào quân ngũ. Họ tỏ ra thất vọng buồn bã. Khi họ rời đi mà nhập ngũ, phòng trọ chỉ còn lại một mình tôi. Lại phải một mình tìm chỗ trọ khác cho mình. Tự lo liệu mọi thứ cho mình, không thể thăm hỏi ý kiến ai được nữa.

Các anh tuy gây ồn ào, có nhiều bạn bè đến phòng trọ bù khú suốt mỗi cuối tuần, nhưng tôi cảm thấy không phiền, mà ấm áp, bởi thấy cái tình bằng hữu giữa họ. Nhớ những bài hát họ ca u buồn dưới ánh trăng thanh trên sân thượng cao nơi nhà trọ. Những phin cà phê và những gói thuốc Ruby Queen và Bastos xanh đỏ vung vãi trên nền nhà. Tiếng đàn guitar bập bùng suốt cả tối tận giữa khuya. Họ từng nói tới ước mơ  khi lấy mảnh bằng tú tài hai. Cái này đối với tôi hơi lạ, họ ngồi đánh vật với quyển sách đại số, hình học, hay vật lý, hóa học… những thứ này năm sau tôi mới đụng đến. Nhưng tôi lại không lo tới. Những môn học ở trường hầu như tôi không gặp khó nhiều, và cũng không nỗ lực vất vả như mấy anh. Có lẽ mấy anh từ quê đến thành phố bị lôi cuốn vào cuộc sống phù phiếm làm mất đi động lực ban đầu, giờ cố vực lại, gắng học tập, nhưng ý chí chưa đủ, hay do cuộc chiến tranh khốc liệt đang diễn ra, thấy vô vọng, nản chí đường tiến thủ. Bởi thường nghe họ nói những câu trên đầu môi như “sống nay chết mai”? Hay “mình có chết thì như những con chó chết mà thôi”? Nghe sao buồn thảm.

Có lẽ thế. Bởi một lần nhóm họ rủ nhau đến hỗ trợ bạn học cùng lớp mà họ biết sẽ tổ chức biểu tình trong thành phố. Tôi nài đi theo. Đến trường Bồ Đề, ngôi trường tư lớn gần chùa Long Khánh. Thấy một tiểu đội cảnh sát dã chiến đã có mặt sẵn với dùi cui và khiên mây trên tay. Trên các tầng lầu ngôi trường nhiều học sinh qua lại. Trên sân thượng trường một nhóm cầm đá đã chuẩn bị sẵn sàng để ném xuống cảnh sát. Anh tôi không cho tôi vào trường mà đẩy về con hẻm nhà dân bên cạnh. Nhóm anh xuyên qua đám cảnh sát, chạy vào trường tụ tập với học sinh bên trong, hô những khẩu hiệu như, chống tham nhũng, chống độc tài, chống luật tổng động viên. Nhưng có lẽ nghe vui nhất là cả bọn hô “Nhỏ không học lớn làm cảnh sát dã chiến. Nhỏ không học lớn làm cảnh sát dã chiến” rồi kêu gọi các anh cảnh sát về đi (để họ đi biểu tình trên đường phố). Xe cảnh sát mang mặt nạ heo tăng viện đến, họ kêu gọi giải tán, và cũng bắt đầu tung lựu đạn cay vào trường. Cảnh sát mặt nạ xông vào trường, đám học sinh tản ra bỏ chạy. Khi lựu đạn hỏa mù và lựu đạn cay bắn vào trường, nhóm học sinh theo dõi giống như tôi chạy thoát vào con hẻm bên cạnh, nhưng cũng không tránh được hơi cay. Dân hẻm chung quanh dùng khăn nhúng nước chanh đưa cho đắp vào mặt vào mũi rồi cùng chạy xa ngược hướng gió. Cuộc biểu tình nhanh chóng dẹp tan trong tiếng la ó và tiếng chạy rầm rập, cùng lựu đạn cay, khói cay bay tỏa khắp nơi. Khi về đến nhà, nhóm ông anh ai cũng u đầu sưng trán, máu chảy bệt tóc. Họ nói chạy nhanh núp tạm ở cô nhi viện bên cạnh, cảnh sát rượt theo đánh bằng dùi cui, họ chống lại và thoát qua những con hẻm kế bên. Họ còn nói đùa, mấy tên ốm yếu mới bị tóm chứ như họ làm sao tóm được. Họ coi biểu tình như là một trò đùa chơi cút bắt với cảnh sát.

Họ đi rồi, lòng cảm nhận chút trống trải. Người bạn thân ngồi kề bên cũng theo luật tổng động viên mà nhập ngũ cùng đợt với họ. Con đường đi về hàng ngày chỉ còn một mình. Lại tìm nơi chỗ trọ mới. Từ trụ đèn đỏ xuôi về bến xe, hướng ngã công viên giữa lòng thành phố, băng ngang qua hai rạp xi nê Kim Khánh, Trưng Vương nơi chúng tôi thường ghé cuối tuần, đến ngã tư cạnh cửa sân vận động thay vì rẽ trái là về trường cũ, mà rẽ phải một đoạn là có thể nhìn thấy ngôi trường mới. Con đường ngoằn ngoèo, băng qua nhiều giao lộ, băng qua công viên thành phố, gây trong tôi nhiều nỗi nhớ. Con đường khó quên với mỗi sáng thứ hai. Các ngã đường xuất hiện những bộ đồng phục màu trắng. Từ nhiều nơi nhiều ngã tỏa ra khắp phố. Với tà áo dài trắng quần trắng của nữ sinh trường Nữ Trung Học. Với những sơ mi trắng quần tây trắng của nam sinh Cường Để. Như những đàn bướm trắng bay lượn trên đường. Càng gần ngôi trường đàn bướm trắng tụ hội càng đông. Cùng chung đường, chung lối với các bạn ấy, có một chút gì vui thích trong lòng, có chút gì thân thiết đồng môn, có chút hãnh diện với ngôi trường danh tiếng nhất của tỉnh thành.

Ngôi trường cổ kính nằm lặng lẽ nơi khu phố yên ắng. Bạn cũ không còn và thầy cũng nhiều thầy mới. Một môn học mới xuất hiện trong chương trình, nghe huyền bí, cao siêu: Môn triết. Môn triết học gồm tâm lý học, đạo đức học và luận lý học. Ban văn chương còn thêm món siêu hình học (métaphysique) nghe thật là khó nuốt. Giờ văn mỗi tuần không còn nghe bình giải những lục bát, song thất lục bát, đường luật của Tú Xương, Tản Đà, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá quát…  mà nghe những tên người lạ hoắc ở trời tây như Socrates, Plato, Descartes, Kant, Sartre, Marx… Những giảng giải về phương pháp “quy nạp”, “diễn dịch”, và “loại suy” để khám phá mổ xẻ vấn đề tìm bản chất của sự việc, để đạt tới chân lý cuối cùng. Định luật tam đoạn luận “tất cả mọi người đều phải chết, Socrates là người, Socrates phải chết” chắc giờ cũng khó ai mà quên. Không ngờ môn này thấy lại lôi cuốn đến thế. Nhiều giáo sư viết về các “triết gia” phương tây này, viết cả sách giáo khoa cho môn triết, hầu hết là khoa bảng Pháp như Trần Bích Lan, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Văn Hiến Minh, Nguyễn Văn Trung. Với Nguyễn Văn Trung, tôi có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tác phẩm của ông. Ông dùng hiện tượng luận mà mổ xẻ đánh giá những chủ đề như “vong thân” “ngộ nhận” “đối thoại” “tha nhân” “e lệ” hay về “ca sĩ Thanh Thúy”, trong bộ sách “Nhận Định” nhiều tập. Thấy thú vị vô cùng. Tuy việc đọc chẳng cải thiện được gì trong bài làm luận triết, nhưng sao nó vẫn gợi lên sự tò mò hứng thú. Nó gợi nên những nghĩ suy. Về cuộc sống, về số phận con người. Con người trong cuộc chiến, con người trong xã hội, con người trong cõi ta bà, con người trên hành tinh gọi là trái đất, con người như thế nào? Con người thì quá nhỏ bé trên hành tinh địa cầu. Địa cầu thì quá nhỏ bé trong thái dương hệ. Thái dương hệ là một phần quá nhỏ bé nằm trong dải ngân hà. Dải ngân hà thì chỉ là một hạt bụi trong đám mây thiên hà. Mà đám mây thiên hà thì có là gì, trong cái vũ trụ thâm u bí hiểm với không gian sâu thẳm vô cùng tận! Đúng là những suy nghĩ viễn vông vẩn vơ. Nhưng làm sao cản được ý tưởng bay qua đầu?

Trên con đường đi về hằng ngày, suy nghĩ về kì thi sắp đến, có vượt qua được không? Không có câu trả lời rõ ràng. Tin vào mình, thấy không khó, nhưng chuyện hên xui may rủi, ai mà biết?  Cái đầu không nghĩ nhiều về nó mà lại ưu tư chuyện không nên. Cuộc chiến bao giờ kết thúc? Ai cũng mong mỏi có hòa bình trên đất nước, và sau hòa bình là gì?  Báo chí đưa tin hiệp định đang bàn thảo ở Paris và chiến tranh sẽ kết thúc sớm thôi. Đọc tác phẩm “Hòa bình nghĩ gì làm gì” của Nguyễn Mạnh Côn mà ông mơ về một Việt Nam sau hòa bình, cuốn sách hình thức đẹp, màu trắng kem, bọc viền giấy vàng, trông trịnh trọng và lịch sự, của ông anh để lại, dù không thấu hiểu nhiều điều, nhưng cũng biết ông ấy nói lằng nhằng, giải pháp đưa ra chỉ là mộng tưởng. Đúng như người ta nói ông này làm “chính trị xa-lon”. Thi rớt thì đã có con đường có sẵn, con đường đi chắc chắn, không bận tâm. Sẽ phải khăn gói lên đường như anh tôi và bạn tôi. Nhưng thi đậu sẽ đi đâu, về đâu, con đường đi tới sẽ như thế nào? Không có một ai để hỏi ý kiến. Không một người lớn hiểu biết thông thạo vấn đề để giải đáp. Đơn độc đặt ra câu hỏi lại đơn độc tự trả lời. Lại là một con đường cô độc khác.

Nhà Giáo Trần Ngọc Phương

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.