Nỗi Ðau Của Mẹ

Tác giả: Nhà Giáo Lưu Thu Thuyền

Tôi nhặt cái kéo thủ công hiệu Fiskar bỏ vào xe đẩy, thở đánh phào một cái rõ to: “Khiếp, phải lùng tới hai chợ mới sắm xong tất cả đồ đi học. Thôi mẹ con mình ra trả tiền, Kha.”Tôi bảo đứa con trai sáu tuổi đang lõng nhõng theo sau. Kha nhăn nhó kèo nài bằng tiếng Mỹ, “Còn cái túi đeo lưng, mẹ?”
“Dào, xài túi của năm ngoái được rồi, còn mới nguyên mà.”
Nhìn khuôn mặt phụng phịu của con, tôi vờ ngây thơ: “Hồi đó Kha thích cái túi có con gấu tên Pooh lắm, sa bây giờ lại chê, lạ nhỉ?”.
Thằng bé giơ cả hai tay lên trời, than: “Cái túi đó trông ‘trẻ con’ lắm! Bây giờ con…”, Kha lại đáp bằng tiếng Mỹ.
Tôi thấy đã đến lúc phải chỉnh xương cu cậu: “Nói bằng tiếng Việt nam đi con, con lại dùng tiếng Mỹ với mẹ rồi.”
Kha chợt đứng hẳn lại: “Mẹ, tại sao con phải nói tiếng Việt?”
Tôi đớ người vài phút. Chẳng lẽ giải thích với một đứa bé óc bằng quả na rằng tôi không muốn nó bị mất gốc?
Ðành gãi tai, nói đại: “Mai mốt về Việt nam, con chỉ biết tiếng Mỹ, bạn của con làm sao hiểu được? Phải lo tập từ bây giờ chứ!”.
Kha gật gù đồng ý. Ðây là thời điểm tôi nói thánh nói tướng gì, thằng bé cũng đều cho rằng có lý cả! Chợt nhớ câu hỏi của tôi, Kha bèn vật lộn với tiếng Việt ba rọi: “Cái đó… Pooh bear… là của baby, con là… học lớp một rồi!”
Im lặng giây lát, Kha lại hỏi: “Ở Việt nam có trường học không mẹ?”
Tôi phì cười: “Việt nam thiếu thốn đủ thứ nhưng cũng có trường học, con à.”
Kha không hỏi nữa, có lẽ con tôi đang suy nghĩ về một quê hương nghèo khổ chỉ được nhìn thấy trên bản đồ.
Ðầu óc tôi cũng lang thang đi vào vùng quá khứ tưởng chừng như mới xảy ra hôm qua…
Một ngày rất rộn ràng của 35 năm về trước, mẹ dắt tôi đến trường Petit Lycée Yersin của thành phố Ðàlạt để thi nhập học. Ở phòng thi, ông Tây béo xù chỉ vào hình con ngựa, hỏi, “Cái gì đây?” Tôi xổ ngay một tràng: “C’est le crayon!” Ông Tây tủm tỉm cười, chỉ qua anh nài ngựa. Tôi không chần chừ, “C’est le crayon!” Ðến lần c’est le crayon thứ ba thì ông ta kêu mẹ tôi vào. Thế mà cuối cùng tôi cũng được nhận vô lớp Một. Thật vẻ vang cho tôi quá! À, hình như sự quen biết của mẹ tôi với Hội Ðồng Giáo Dục có một ảnh hưởng nho nhỏ đến việc tôi được nhận vào Petit Lycée thì phải…
Ngày đầu đến lớp, tôi làm đúng như sách vở đã tả: Rúm người vào trong lòng mẹ. Ðến lúc biết mình được xếp hàng chung với một con bé Tây xinh như búp bế, tôi mới buông mẹ ra. Con bé chỉ ngực tự xưng L’Orange. Tôi cười toe toét, nắm chặt tay L’Orange. Vào lớp, chúng tôi may mắn được ngồi cùng bàn với nhau. Buổi ban đầu, tôi chỉ biết “c’est le crayon’ và “Madame, permettez-moi d’aller au cabinet” (Câu xin phép đi nhà xí,không biết là nguy lắm!). L’Orange, tệ hơn một bậc, chẳng có đến nửa chữ Việt trong đầu! Vậy mà chỉ vài tuần sau, cô giáo đã phạt hai đứa về tội nói chuyện riêng chí chách trong lớp. Thế mới biết trẻ con kết bạn và thân quý nhau thật dễ dàng!
L’Orange và tôi tuy chẳng khác chi cây liền cành nhưng vẫn ngầm ganh nhau về món điểm tâm đem vào lớp mỗi ngày. Cứ gần đến giờ chơi, cô giáo bảo tất cả lớp đặt đồ ăn lên bàn, khoanh tay lại đợi chuông reo. Tôi thường nhìn trộm miếng xăng uých trắng ngần có kẹp dăm bông hồng hồng của L’Orange và cô bé cũng hay liếc ngang liếc dọc gói bánh xanh đỏ của tôi. Hôm nào có món hấp dẫn, tôi hay mở toang gói đồ ăn để bạn tha hồ… ngắm!
Vậy mà một buổi sáng, tôi chỉ được mẹ phát đúng một cái bánh rán bé xíu, tạm cho tôi sống gượng vài tiếng đồng hồ. Tôi chợt lạnh người với hình ảnh bàn học mình trống trơn, trong khi L’Orange và các bạn vừa ngắm bánh trái bày trước mắt vừa ngóng tiếng chuông nhiệm màu để có dịp chiêu đãi ông thần khẩu. Có lẽ suốt
quãng đời thơ dại, chưa bao giờ tôi có một cuộc chiến đấu nội tâm dữ dằn đến thế! Nên ăn hết cái bánh rán hay để dành? Ðể dành ư? Bây giờ đang đói lắm. Trời ạ, khó nghĩ quá sức! Chiếc bánh rán vàng lườm, lấm tấm mè bị ánh mắt tôi hành hạ, co quíu lại. Thấy mà tội… Tần ngần nghĩ ngợi đến gần nát óc vẫn chưa xong, mẹ tôi đã giục chuẩn bị đi học. Tôi quýnh quáng ngoạm phăng một mẩu bánh dòn rụm. Ði hết phân nửa! Phần còn lại, tôi xé giấy bọc và buộc giây thun cẩn thận. Hôm đó, bụng tôi đói sôi sòng sọc như tiếng ông lão hàng xóm đang kéo thuốc lào. Ðến giờ chơi, tôi trịnh trọng bưng gói bánh rán đặt lên bàn. Chao ơi, lúc đó tôi sướng chi lạ! Thật không bõ công tôi nhịn đói để lúc này tôi được như các bạn cùng lớp. Nhất là được giống L’Orange.
Có lẽ đây là lần đầu tiên L’Orange thấy món điểm tâm quái gở dị dạng mà lại được tôi hết sức tâng tiu. Nhìn ánh mắt tọc mạch của L’Orange hướng về cuộn giấy loang lổ dầu ăn, tôi phớt lờ đi. Giờ chơi, tôi trốn một xó, loay hoay mở gói bánh rán. Vừa lúc đó mẹ tới, người đưa cho tôi một khúc bánh mì to tướng, trong rưới sữa đặc (món khoái khẩu của tôi!). Tôi, một con bé sáu tuổi, bướng bỉnh và hay bị phạt trong lớp, được mẹ bỏ thì giờ đến tận sân trường trong giờ ra chơi chỉ để đưa cho khúc bánh mì? Một tay cầm mẩu bánh rán cỏn con ỉu xìu, tay kia nắm khúc bánh mì dòn tan thơm phưng phức. Người cứ đẫn ra, không nói được tiếng nào. Mẹ tôi hôm ấy đẹp quá. Tóc mẹ đen nhánh dợn sóng. Mắt mẹ long lanh như sao trời. Ðúng thật, mẹ tôi đẹp nhất trần gian! Cũng có thể mi tôi đang mọng nước mắt nên nhìn đâu cũng lung linh huyền ảo? Thấy tôi đứng trơ như
phỗng đá, mẹ tôi nhắc, vào ăn cho lẹ kẻo sắp hết giờ chơi! Tôi bừng tỉnh, chạy đi khoe L’Orange, quên cả cám ơn.
“Mẹ ơi, con “buồn ăn” quá rồi!” Nghe tiếng Kha than, tôi tỉnh thần bốc vội thêm mấy bao bánh và hộp nước trái cây. Mua cho con dùng trong giờ chơi kẻo nó đói khát, tội nghiệp. Chiếc bánh xe đã lăn đủ vòng, bây giờ đến lượt tôi lo cho đứa con sáu tuổi được no ấm về tinh thần lẫn vật chất. Tôi hỏi Kha nho nhỏ, Vào trường, đeo cái túi con gấu Pooh có sợ bạn cười không? Kha hiểu ý tôi, sáng mắt, ôm chầm lấy mẹ. Tôi với tay lấy thêm cái túi đeo lưng có in chữ Star Wars, bỏ vào xe rồi ra quầy tính tiền.
Hôm đưa Kha đi học, con trai tôi gặp đám bạn mới, chạy vụt vào nhập bọn. Tôi đứng ngơ ngẩn, thèm được con víu áo nép vào lòng quá đỗi. Nhưng không! Kha vẫn lăng xăng với chiếc túi Star Wars trên lưng, không hề ngoảnh lại nhìn mẹ. Ô kìa, quay lại cười với mẹ một cái đi Kha. Kha tươi cười khoác vai một thằng bé tóc đỏ hoe hoe. Tôi mất con. Tôi tủi thân. Rưng rưng nước mắt, tôi lủi thủi ra bãi đậu xe. Nửa chừng, ngoái cổ nhìn con lần chót xem nó còn cần gì ở mình không. Vẫn không! Bánh xe đời lăn tròn giáp một vòng, mẹ tôi chắc cũng có lúc nhói buốt quả tim khi nghĩ đến lũ con không cần đến bàn tay che chở của người nữa. Tôi chợt thấy gần gũi với mẹ tôi hơn bao giờ hết.

08/1999- LTT

Leave a Reply

Your email address will not be published.