Tác giả:: Nhà Giáo Tống Văn Thụy
Gửi Phan Phước Hiệp (LH-HTK)
Tình cờ, theo bạn thăm Phú Phong. Bạn về trường cấp 3 Tây Sơn gặp lại đồng nghiệp, học trò cũ sau 40 năm rời xa trường lớp. Ban mai rảnh rỗi, tôi đi một vòng phố thị.
Phú Phong cách Qui Nhơn 45km về phía Tây Bắc, trên đường 19 nối Qui Nhơn-Pleiku, là thị trấn huyện Tây Sơn, tên cũ Bình Khê. Từ Phú Phong lên An Khê, miền Tây Sơn thượng đạo, chừng 40km. Hôm qua, từ quốc lộ 1, chúng tôi cắt đường băng qua miền tây Phù Cát để về Phú Phong. Màu xanh cây lá, màu vàng lúa chín, màu mái ngói đỏ thẫm, thấp thoáng bên đường. Tuy dạy học Phú Phong 10 năm, từ 1974 đến 1984, cả một trời thương nhớ, cảnh vật thay đổi nhanh quá nên có lúc bạn tôi dừng lại hỏi đường. GPS nhiều khi không hiệu quả bằng mối tương giao giữa người và người, nơi quê miền Trung. Phú Phong, đứng đâu cũng thấy núi, núi chạy dọc đường 19 nối cao nguyên và duyên hải, núi non bạt ngàn Trường Sơn phía tây, đồng bằng nép vào núi để tồn tại. Hình như miền quê Phú Phong phong phú hơn nông thôn Thanh Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Nam Ngãi mà tôi có dịp đặt chân đến.
Một hôm bước qua thành phố lạ/TCS, thấy vui vui khi tên đường toàn là những người quen của nhà Tây Sơn. Đại lộ Nguyễn Huệ chạy trước Trung tâm Y Tế huyện Tây Sơn nối đường 19, kết giao là những đường ngang mang tên những vị đô đốc thời Tây Sơn như đô đốc Long, đô đốc Lân… Cùng với Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân…( tiếc là không có thời gian để đến thăm dền thờ vị nữ tướng lẫy lừng nầy và thăm Từ đường họ Bùi để xem trong gia phả có tên bà ngoại cô bạn văn chương xứ Nẫu hay tự hào líu lo: Bà ngoại tui là cháu ba đời của bà Bùi đó …)
Về đây , ngậm ngùi nhớ vó ngựa đoàn hùng binh Tây Sơn rầm rập khắp Phú Phong. Và xa hơn nữa, đến tận Rạch Gầm, Xoài Mút, Đồng Nai, Diên Khánh, Thị Nại, sông Cu Đê, Phú Xuân và Thăng Long…
Phú Phong làm tôi nhớ Nguyễn Huệ, một thời vàng son Tây Sơn, tiếc thay, ngắn ngủi quá.
Phú Phong bàng bạc hình bóng sĩ phu yêu nước Mai Xuân Thưởng, lãnh tụ phong trào Cần Vương ở Bình Định. Xin nghiêng mình trước anh linh của chàng trai 27 tuổi đã vị quốc vong thân
* Lăng Mai Xuân Thưởng( NguồnLhttps://63stravel.com/public/vn/relics-new/binh-dinh/lang-mai-xuan-thuong
Anh xe ôm chở tôi lòng vòng thị trấn, đi ngang Bảo Tàng Quang Trung đóng cửa cuối tuần, đi tìm nhà máy dệt lụa, đũi, tơ tằm nổi tiếng thời Pháp thuộc, nhà máy gạch bông Phú Phong, nay chỉ còn trong ký ức. Hình ảnh Phú Phong rõ nhất bây giờ là từng đoàn xe tải dài chở hàng hóa nối liền miền núi về xuôi.
Chợ huyện Phú Phong không quá nhộn nhịp nhưng đầy màu sắc, sản vật. Dù không rành nấu nướng, đến một nơi nào đó, tôi thích vào chợ. Tôi dừng mua một xấp bánh tráng Phú Phong. Nghe nói, trong chuyến hành quân thần tốc tiến ra Thăng Long mùa Xuân Kỷ Hợi 1789, đánh tan quân Thanh, lương khô của đoàn quân Nguyễn Huệ là… xấp bánh tráng Bình Định.
Trưa Phú Phong, ghé vào quán cà phê nhìn ra dòng sông. Sông không rộng bằng sông Ba hay Thu Bồn, có phần giống với hai nhánh Hữu Trạch, Tả Trạch giao hòa với Hương Giang nơi ngã ba Bảng Lảng. Chưa đến mùa mưa lũ, sông Côn êm đềm. Không biết sông về xuôi có chảy qua Bến My Lăng, nơi ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng/ Yến Lan.
Tống Văn Thụy, tháng 7/2024