Tác giả: Nhà Giáo Quyên Di
Những cụm mây xám lững lờ trôi rồi dường như hạ thấp xuống dần. Đầu óc tôi căng căng và quả tim buồn thổn thức. Tôi thấy tủi thân, mặc dù ai cũng nuông chiều tôi.
Tôi bị cái “chứng” ấy từ khi còn bé tí tị. Cứ mỗi khi bầu trời nằng nặng và u ám thì cái “chứng” ấy lại ve vãn tôi làm cho tôi tủi thân. Nó xúi dại tôi cứ khóc đi. Khóc thì nhẹ người lắm. Có một lần chợt thấy tôi một mình đứng dựa gốc cây xoan mà khóc, chị Bích Khuê ôm lấy tôi, an ủi: “Đứa nào bắt nạt em tôi! Thôi, đừng khóc nữa. Không ai bắt nạt được Chúc đâu. Chị bênh vực Chúc suốt đời.” Tôi không khóc nữa vì được an ủi thật, không phải vì lời chị nói nhưng vì cái ấm áp của chị ấp ủ lấy tôi. Cả đời tôi, những ngày mây xám bỏ bầu trời mà đè nặng xuống ngọn những rặng cây là tôi tủi thân và tôi buồn tôi khóc. Tôi chỉ nín và vơi đi cái buồn khi được một người phụ nữ ôm ấp, vỗ về, an ủi.
Bố tôi biết cái “chứng” ấy của tôi. Bố không gọi là bệnh, nhưng là “chứng.” Bố nói với mẹ: “Không nhớ là khi có mang Chúc, mợ ăn uống những gì, dưỡng thai ra sao mà Chúc nó bị cái “chứng” đa sầu đa cảm ngay từ bé thế này. Tội chưa! Lớn lên tha hồ mà đau khổ vì những chuyện không đâu.”
Hôm nay tôi cũng thấy quả tim thổn thức và tôi sắp khóc. Cái gốc cây xoan kia, mình dựa vào đấy mà khóc thì cũng thoả. Nhưng ngoài cổng bỗng nhiên có tiếng gọi: “Cậu bé kia ơi, ra đây cho tôi hỏi thăm tí nào!” Tôi nhìn ra thì thấy một bà đẹp lắm. Bà vấn khăn nhung, mặc áo dài cũng bằng nhung. Môi bà đỏ thắm, hình như mới nhai xong miếng trầu. Hai má bà cũng hồng hồng, chả biết là bà đánh má hồng hay miếng trầu nồng đậm khiến má bà hồng lên. Đôi mắt bà sáng như hai vì sao.
Hình như cái đẹp cũng chữa tôi khỏi bệnh hay sao ấy. Đầu tôi hết căng căng, quả tim tôi hết thổn thức. Tôi chạy nhanh ra cổng. Bà “đẹp” kia còn đứng bên ngoài hàng rào, đưa tay xoa đầu tôi rồi bẹo má tôi mà nói lẩm bẩm một mình: “Con cậu Chánh xinh giai đáo để.” Rồi bà bảo tôi: “Cháu vào thưa bố là có khách hỏi thăm.” Tôi vâng dạ rồi chạy nhanh vào nhà, suýt vấp chân vào ngưỡng cửa, vừa chạy vừa trình: “Cậu ơi… Cậu… Có cái bà đẹp nào ấy hỏi thăm cậu ở ngoài kia… kìa…” Bố tôi ôn tồn: “Thì cứ từ từ… Làm gì mà cuống lên thế? Ừ, thì đi ra với cậu, hỏi xem bà ấy cần gì.”
Rồi bố tôi lững thững dắt tôi ra cổng trở lại. Chân tôi nhảy cẫng lên mà bố tôi thì cứ thư thả như đi dạo. Bố tôi đấy, lúc nào cũng từ từ… từ từ…
Bà đẹp thấy bố tôi ra thì nhìn ông với tia mắt hơi ranh mãnh. Bố tôi khẽ cúi đầu, hỏi: “Thưa bà, bà cần gì?” Bà đẹp cười khanh khách: “Bà nào! Nhìn kỹ tôi xem.” Bố tôi nhìn kỹ rồi bỗng nhiên reo lên: “Bác Giáo! Bác Giáo! Thật là bác đấy à?” Bà đẹp cười và đáp (bây giờ với giọng nhẹ nhàng): “Thì tôi chứ còn ai nữa! Gớm! Vợ chồng tôi hỏi thăm, đi tìm cậu mợ mãi. Hôm nay mới gặp. Mợ ấy đâu?”
Bố tôi mở cổng đưa bác Giáo vào nhà. Tôi lũn chũn theo sau.
Bố mẹ tôi cắt nghĩa mãi mà tôi vẫn không hiểu rõ liên hệ họ hàng giữa gia đình bác với gia đình tôi ra sao. Cái đầu óc ngu ngơ của tôi khó mà hiểu được những gì có tính hệ thống. Cũng chính vì vậy mà sau này khi học môn Thân Tộc Học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn do giáo sư Bửu Lịch giảng dạy, càng đọc sách của thầy tôi càng không hiểu, càng nghe thầy giảng, đầu óc tôi càng rối mù.
Đại khái bác Giáo và mẹ tôi có họ với nhau. Bác vai chị, mẹ tôi vai em. Bác Giáo là hoa khôi trong họ. Lớn lên, bác lập gia đình với ông giáo Khôi, họ Vũ Anh. Từ đấy người làng, người họ gọi hai bác là ông bà Giáo.
Người lớn hàn huyên với nhau. Bố tôi thì bình thản ngồi nghe, thỉnh thoảng đưa đẩy mấy câu một cách từ tốn. Còn bác Giáo và mẹ tôi thì lâu lây lại lấy vạt áo chậm nước mắt. Mấy đứa bé chúng tôi thì lấp ló đứng nhìn. Qua câu chuyện tôi biết gia đình bác cũng rời Hà Nội đi tản cư, nhưng không về quê mà lại sống ở thành phố Nam Định. Cuộc sống cũng có phần thong thả.
Nghe chán, tôi bước ra ngoài thì gặp chị Bích Khuê. Không chờ cho chị hỏi, tôi “báo cáo” ngay: “Bà đẹp ấy là bác em đấy. Tên bác ấy là Giáo.” Chị Bích Khuê cười, bảo tôi: “Chị nghĩ Giáo là cách người ta gọi bác ấy thôi, chắc bác ấy hay chồng bác ấy là giáo học đấy.”
Bác Giáo ra về sau khi cho chúng tôi mỗi đứa mấy hào. Chị Bích Khuê cũng được bác cho hào, nhưng chị lễ phép từ chối mà không nhận.
Khoảng một tuần sau, bác Giáo lại đến. Hôm ấy bầu trời cũng nằng nặng, mây xám cũng là đà gần ngọn rặng xoan, đầu tôi cũng căng căng, quả tim tôi cũng thổn thức, tôi cũng tủi thân sắp khóc và cũng đã nhìn thấy cái gốc cây xoan… Bác Giáo đến, mọi sự tan biến cả.
Lần này có thêm bác giai và chị Ngọc Quế, con gái hai bác. Bác giáo Khôi người to lớn, lời ăn tiếng nói cũng to lớn. Bác ấy mà dạy học thì chắc học trò chết khiếp. Ấy thế mà trong câu chuyện của người lớn với nhau, tôi lại biết tính bác rất hiền và nuông học trò. Còn chị Ngọc Quế thì đẹp lắm. “Chị đẹp như cây quế!” Tôi cứ nghĩ thế dù không biết cây quế nó như thế nào.
Chà! Thật là khó khi so sánh hai chị Bích Khuê và Ngọc Quế xem chị nào đẹp hơn chị nào. Chị Bích Khuê đẹp thanh tao với dáng người mảnh mai, còn chị Ngọc Quế đẹp quý phái từ khuôn mặt cho đến điệu đi dáng đứng. Nhưng tôi không mất thì giờ so sánh lâu vì còn mải sung sướng vì có những cô chị đẹp như tiên giáng thế.
Hôm nay ba ông đàn ông nhắm rượu với nhau. Bác Giáo Khôi đem rượu đến. Bác bảo rằng rượu cất từ làng Hoàng Mai. Ông Hồng Châu, bố chị Bích Khuê vừa uống vừa hết lời xưng tụng thứ rượu quý. Bố tôi không nói gì, nhưng vừa uống vừa gật gù ra chiều tán thưởng. Thức nhắm chỉ có lạc rang, bánh đa và mấy bìa đậu phụ mộc chần nước sôi chấm mắm tôm. Thế mà ba ông có vẻ thích thú lắm.
Cánh phụ nữ vào trong bếp, gồm có bác Giáo gái, mẹ tôi, bà Hồng Châu, chị Bích Khuê, chị Ngọc Quế. Chị Liên phải bế em Nga ra vườn vì chả biết sao hôm nay em quấy lắm, thế là không được dự phần làm bếp. Anh Ngọc xin phép ra trước cửa chơi với mấy trẻ hàng xóm. Anh Tuấn vào nhà xứ giúp việc các cha. Mỗi người bận một việc. Việc tôi bận là đi theo chị Bích Khuê. Thế là tôi lọt vào trong bếp, ngồi thu lu một chỗ không dám làm quẩn chân người lớn.
Mẹ tôi bảo: “Hôm nay bà chị phải dạy cho chúng em và hai cháu đây nấu nồi bún thang cho ngon nhé. Cháu Quế ở gần mẹ, chắc cũng học được tí chút rồi, phải không?” Bác giáo nhìn chị Ngọc Quế rồi mắng yêu: “Nào có học được gì. Suốt ngày cái bút, quyển sách. Mà cứ buông ra thì lại gương với lược. Làm dáng thế mà chả biết có cậu nào bằng lòng bưng đi không!” Chị Ngọc Quế nghe thế thì cũng không thẹn thò gì, chỉ phản đối lấy lệ: “Ứ ừ, mẹ cứ nói thế. Con cũng biết bếp núc chứ. Với lại con chẳng muốn lấy chồng. Ở nhà để bố mẹ chiều thích hơn…”
Mẹ tôi can thiệp một cách nhẹ nhàng: “Tuần trước bác dặn em sắm những gì, em tuân lời, hôm nay đủ cả.”
Bác Giáo kiểm kê các thức, kỹ càng như nhà gái kiểm lễ vật của nhà trai hôm đám cưới. Xong xuôi, bác “phán”: “Đủ cả, mợ chu đáo thật… Nhưng còn thiếu cái món này…” Thế rồi bác mở cái làn vẫn xách theo bên mình, lấy ra một nắm nhỏ gói bằng lá sen. Dưới đôi mắt nhìn một cách lạ lùng của mẹ tôi, bà Hồng Châu, chị Bích Khuê và chị Ngọc Quế, bác Giáo mở lá gói, một nắm nhỏ chất gì hồng hồng xam xám mềm mềm lộ ra. Bác cắt nghĩa: “Đây là bí quyết làm cho nồi bún thang ngon, nước dùng ngọt đậm đà mà lại thanh thanh…”
Chị Bích Khuê bạo dạn hỏi: “Bẩm bà, gì thế ạ?” Bác Giáo cắt nghĩa: “Đây là những con sá sùng. Nó có nhiều tên lắm, có những tên nghe đến phát khiếp, nhưng tôi thích gọi nó bằng cái tên “địa sâm.” Nó có một chất ngọt kỳ diệu mà ai đã được mếm một lần sẽ không quên được. Tuy nhiên, cách làm nó để ra một món ăn thì công phu lắm, phải bỏ thì giờ nhiều và cần một đôi tay quen làm những việc tỉ mỉ. Bằng không những hạt cát vẫn còn lẫn trong mình nó thì không ăn được. Nguyên nó sống ở bãi biển, nằm sâu trong lòng cát. Bắt sá sùng phải đào những lỗ thật sâu thì mới bắt được. Tôi phải làm sẵn ở nhà rồi đem lại đây. Ở Nam Định, tôi dò la thì biết mấy hiệu phở nổi tiếng họ nấu nước dùng bằng xương bò nhưng cũng có cho thêm sá sùng vào. Bát phở ngon nhưng đắt hơn bát phở ở những hiệu bình thường rất nhiều.”
Thế rồi, bác Giáo như một vị nữ tướng điều binh, bác cắt đặt mỗi người một việc. Mà không cắt đặt như thế không được, vì chỉ riêng nước dùng thôi đã là bốn nồi. Một nồi luộc gà lấy nước. Một nồi luộc xương lợn; xương được tẩy hết mùi oi, chần qua nước sôi rồi sau đó mới cho vào nồi mà ninh. Một nồi luộc đầu tôm he đã rang khô với tôm khô, cho thêm một ít mực khô nướng và vài ba sợi râu mực. Còn sá sùng thì ninh một nồi riêng. Đích thân “nữ nướng” chăm sóc những nồi nước dùng này. Bác nói: “Nhát nữa, mình pha những thứ nước dùng này với nhau mới thành nồi nước dùng chính thức chan vào bát bún thang.” Vừa luộc gà, bác vừa căn dặn mẹ tôi: “Mợ nhớ cho gà vào nồi luộc, đến khi sôi thì cho vào nửa thìa đường, một thìa muối và hành khô, thêm gừng đã nướng thơm, hạ nhỏ lửa để gà chín thấu bên trong. Sau đó vớt gà ra để nguội, dùng tay xé thịt ức thành sợi nhỏ. Còn da gà thì dùng dao sắc mà thái thành sợi lớn hơn.”
Trong khi đó mẹ tôi được bác cắt cho việc làm trứng tráng. Hai cái lòng đỏ trứng gà trộn lẫn với một cái lòng đỏ trứng vịt. Đánh cho đều rồi đổ vào chảo tráng thật mỏng. Tráng xong lấy ra thật khéo, nhẹ nhàng cuộn lại lỏng tay rồi lấy dao sắc thái chỉ. Làm xong trứng thì mẹ tôi thái giò lụa cũng thành sợi thật nhỏ. Sau đó mẹ giã tôm he đã rang khô cho tơi làm thành ruốc tôm.
Hai chị Bích Khuê và Ngọc Quế phụ trách việc làm rau: Hành chần để cả cây, rau mùi ta và rau răm thái nhỏ. Bác Giáo dặn hai chị không dùng rau húng vì vị nó mạnh quá, làm hỏng cái thanh tao của bát bún thang. Bác cũng dặn hai chị phải nhớ có củ cải phơi khô cho héo. Hai chị còn phải chuẩn bị bún nữa. Chỉ là thứ bún rối thôi, nhưng sợi bún vừa phải, không cứng mà cũng không quá mềm. Hai chị nhất nhất làm theo dưới sự giám sát của bà Hồng Châu, bà vừa giám sát vừa học hỏi. Nhưng chị Ngọc Quế nhìn thì quý phái mà tinh nghịch lắm. Con gà luộc vừa chín tới, được vớt ra, đặt vào một cái đĩa sứ để trên bàn; chị Ngọc Quế đợi lúc bác Giáo vừa quay đi là ngồi bệt xuống sàn bếp, hai chân xếp sang một bên, chắp hai tay đưa lên cao rồi lạy. Về sau tôi hỏi thì hoá ra chị bắt chước bác Giáo, mỗi khi nhà có cúng, giỗ thì có con gà bày trước bàn thờ gia tiên, bác Giáo ngồi bệt dưới sàn mà lạy bàn thờ. Chị Ngọc Quế lạy dẻo lắm. Khi nghe chị Bích Khuê và tôi phì cười thì bác Giáo quay lại. Chị Ngọc Quế đã đứng lên rồi, đang rất chăm chỉ thái rau. Bà Hồng Châu thì không mách tội tinh nghịch của chị Ngọc Quế.
Khi bác Giáo hỏi đến cà cuống và mắm tôm thì bà Hồng Châu nhanh nhẹn thưa: “Hai món này em có sẵn lắm, để trong chạn đây.”
Tất cả đã sẵn sàng. Gần một chục cái bát chiết yêu được bày ra. Những cái bát này được làm bằng sứ trắng ngần, mỏng tanh, vẽ hình một ông lão râu dài, một tay cầm quả đào to, một tay chống gậy, đứng dưới bóng cây tùng cổ thụ. Bộ bát chiết yêu này là bảo vật của gia đình tôi. Đi tản cư mà bố mẹ tôi vẫn cố gắng đem theo. Mỗi lần có khách quý, bố tôi lại dặn mẹ tôi đem bộ bát “tùng-đào-già” ra dùng.
Bốn nồi nước dùng đã được bác Giáo hoà chung với nhau theo một tỉ lệ cũng bí truyền, giờ bác cho mẹ tôi, bà Hồng Châu và hai cô thiếu nữ biết. Bún được lót trong lòng bát, chỉ quá phần thắt nhỏ lại của cái bát chiết yêu một chút. Bác Giáo chan nước dùng vào, thận trọng như cử hành một nghi thức tôn giáo. Bên trên, bác bảo hai cô thiếu nữ rắc rau thơm thái nhỏ rồi bày hành chần, giò lụa thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, thịt gà xé nhỏ, da gà thái chỉ thành một vòng tròn. Giữa vòng tròn là một nhúm nhỏ ruốc tôm he. Bát bún thang với đầy đù màu sắc hoà hợp bốc khói thơm nghi ngút. Hai cô thiếu nữ thận trọng bưng cái khay, trên đó chỉ có một bát bún thang lên nhà trên. Vì mỗi lần khay chỉ có một bát bún thang thôi nên hai cô phải lên nhà trên, xuống nhà bếp mấy lần. Cái bàn xếp đầy những bát bún thang thơm, ngon và đẹp. Bên cạnh đó là hai bát nhỏ mắm tôm, hai ba đĩa củ cải ngâm, một đĩa ớt quả xắt nhỏ, đỏ thắm như son và lọ cà cuống có cắm một cái tăm.
Tất cả yên vị. Bố tôi dâng lời kinh nguyện. Gia đình bác Giáo và gia đình ông bà Hồng Châu ngồi nghiêm chỉnh “thông công.”
Bắt đầu bữa ăn mọi người cùng thận trọng nếm từng thìa nước dùng, gắp chút bún lẫn với những “phụ tùng” bên trên, sau khi đã cho vào bát chút mắm tôm và chấm vào một tăm cà cuống. Tất cả cũng lại nghiêm chỉnh như cử hành một nghi thức tôn giáo. Nhưng lưng chừng bữa ăn, không khí bắt đầu vui vẻ, cởi mở hơn. Đánh bạo, tôi hỏi bố: “Cậu ơi, tại sao lại gọi là bún thang hở cậu?” Bố tôi cười, trả lời: “Con nhà thầy thuốc mà lại hỏi như thế. Chúc có thấy bát bún thang giống như một thang thuốc cậu cắt cho bệnh nhân không? Thang thuốc có nhiều vị thuốc trộn chung với nhau, còn bát bún thang thì có rất nhiều món bày biện cạnh nhau, hoà hợp với nhau.” Bố tôi giảng cho tôi nhưng cũng là giảng cho tất cả các con cháu.
Bác Giáo Khôi, vì là ông giáo nên lắm chữ nghĩa. Bác giảng thêm: “Cậu Chánh nói thật đúng. Tuy nhiên cũng còn một cách khác giải nghĩa chữ “thang.” Theo Hán ngữ, “thang” có nghĩa là “canh.” Vua quan hay những nhà giàu có ngày xưa sau một bữa tiệc ê hề rượu thịt thì được nhà bếp bưng lên cho một bát “thang” để ăn cho nó nhẹ bụng. Bát thang ấy nấu cầu kỳ lắm nên người mình cũng gọi thứ bún cầu kỳ này là bún thang. Ấy là bát bún hôm nay còn thiếu món nấm đông cô và quả trứng muối. Hai món này nhiều nhà dùng tới, nhưng bà nhà tôi cảm thấy nó nặng nề sao ấy nên lược đi mà không cho vào.”
Thế là chúng tôi được học thêm một bài học về ngôn ngữ.
Bác Giáo gái nhìn mọi người ăn uống ngon lành, có vẻ mãn nguyện. Bác nói: “Cái món bún thang này rất đặc biệt và cầu kỳ, thỉnh thoảng mới nấu một lần. Thế mà có người lại cho rằng món này nấu vào những ngày đốt tết, bao nhiêu thức ăn ngày tết còn thừa lại thì dồn vào mà nấu. Nói như thế là “phạm thượng” với thần khẩu và không biết điều với các bà nội trợ, những người xem hạnh phúc của mình là làm những món ăn ngon và cầu kỳ cho chồng con thưởng thức. Vả, tục ngữ ta cũng có câu “đầu năm ăn cuốn, cuối năm ăn thang” chứ đâu phải ăn món này vào những ngày đốt tết.”
Mẹ tôi và bà Hồng Châu thì cứ xuýt xoa khen nước dùng thơm ngon quá và hết lời cám ơn bác Giáo gái đã truyền cho bí quyết nấu nước dùng này.
Ông Hồng Châu vốn là nhà thơ, ứng khẩu đọc hai câu lục bát:
“Thu về dùng bát bún thang,
Ngon sao ngon đến ngỡ ngàng miệng ai.”
Rồi ông hỏi: “Xin hỏi ông Chánh với lại ông Giáo, cái thứ làm cho món nước dùng ngon đến ngỡ ngàng miệng tôi lại có cái tên lạ lùng là “sá sùng.” Cái tên này ở đâu mà ra vậy?”
Trong khi bác Giáo Khôi gãi cằm tìm cách trả lời thì bố tôi đã nói: “Thực ra tên chữ Hán của nó là “sa trùng,” người mình đọc theo âm người Tàu họ nói là “sá sùng.” Sa là cát, trùng là các loại hình thể như con giun. Thành ra sá sùng, sa trùng là loài giun biển, chui dưới cát biển mà làm tổ.”
Cả ông Hồng Châu và bác Giáo Khôi đều đồng loạt nói: “À, ra thế!”
Ông Hồng Châu góp chuyện: “Tôi thì nghe nói cái thứ sá sùng này bổ dương, tốt cho quý ông. Có phải không ông Chánh?” Chả bố tôi là đông y sĩ mà.
Bác Giáo Khôi cười, nói to: “Cậu Chánh nhà tôi thì cần gì cái thứ sá sùng này. Nhà thầy thuốc, thiếu gì những vị bổ dương. Mợ Chánh nhỉ!”
Mẹ tôi xấu hổ đỏ hồng đôi má. (Lúc ấy tôi chả biết tại sao mẹ tôi xấu hổ.)
Bác Giáo gái nói: “Ông Giáo nhà tôi hôm nay nhắm rượu lại ăn bát bún thang có sá sùng nên nói năng tếu táo. Xin ông bà Hồng Châu với cậu mợ Chánh tha lỗi cho.”
Tôi thì chả để ý gì đến cái con sá sùng, sa trùng huyền bí, bổ lung tung kia, vì cứ để ý nhìn hai cô chị xinh đẹp. Chị Bích Khuê thì lim dim hai mắt, hình như chị nhắm mắt ngẫm nghĩ đến cái ngon, cái dịu, cái thanh, cái đẹp của bát bún thang. Chị Ngọc Quế thì hai mắt sáng long lanh, đôi má đỏ au còn miệng thì xuýt xoa khe khẽ vì chị vừa cắn phải (hay là chị cố ý, tôi không biết) một khoanh ớt đỏ như son, vị cay làm cong đầu lưỡi thanh xuân.
*
Sau bữa bún thang ấy cho đến nay, gần bảy mươi năm qua, chưa bao giờ tôi được ăn một bát bún thang ngon như thế, trong một bầu không khí thân mật, ngất ngây như thế.
Chiến cuộc khiến chúng tôi xa cách nhau. Rời quê hồi cư Hà Nội, gia đình tôi không gặp gia đình chị Bích Khuê, nhưng khi vào Nam đôi lần tôi loáng thoáng thấy chị mặc áo dài bằng lụa mỡ gà đi trên đường phố Sài Gòn. Hay là ông nhà thơ Nguyên Sa viết bài thơ “Áo Lụa Hà Đông” vì nhìn thấy chị Bích Khuê tôi:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.”
(Mà tôi nhận vơ như thế thì đã sao!)
Thế rồi tôi bặt tin chị. Chị Bích Khuê à, chị có nhớ ngày xưa, lâu lắm rồi, chị đã hứa với một đứa bé mắc “chứng” tủi thân hay khóc là “chị bênh vực Chúc suốt đời” không? Em bây giờ bị cuộc đời bắt nạt nhiều lần, sao chị không bênh vực em? Hay chị mải nấu bún thang cho một cái miệng phong lưu nào đó thưởng thức và quên mất đứa bé hay tủi thân này?
Còn gia đình bác Giáo Khôi thì vào Nam, cũng ở Sài Gòn. Hai gia đình chúng tôi đi lại thăm nom nhau cũng thường. Một ngày kia, bác Giáo gái đến nhà tôi, dẫn theo chị Ngọc Quế. Mặt chị buồn trông đến não lòng, khuôn mặt chị trắng hơn bình thường còn đôi môi hồng dường như nhợt nhạt. Bác Giáo vào gian bên trong vì gian ngoài là phòng tiếp bệnh nhân của bố tôi. Trong khi chờ bố tôi tiếp xong người khách, hai mẹ con ngồi im lặng không ai nói với ai câu nào.
Khi bố tôi xong việc, bước vào gian trong thì bác Giáo nói với bố tôi một cách nghiêm nghị: “Đấy! Cháu cậu đấy! Cậu liệu mà dạy nó.” Rồi bác kể đầu đuôi câu chuyện. Bố tôi được tiếng là người nghiêm nghị nhất họ nên nhà nào có con cháu cần răn bảo cũng đều đem lên nhà bố tôi.
Tôi biết tò mò là điều rất xấu mà sao vẫn cứ quanh quẩn gần đấy để nghe lóm chuyện. Đại khái thì chị Ngọc Quế yêu một thanh niên kia mà theo lời bác Giáo thì cậu ấy không xứng đáng với chị. Trong khi hai bác sắp xếp cho chị một chỗ khác “rất xứng đáng” để chị nâng khăn sửa túi cho người ta thì chị không bằng lòng.
Bố tôi làm mặt nghiêm, lạnh lùng hỏi chị mấy câu. Chị lí nhí trả lời những gì tôi không nghe rõ. Đợi cho bác Giáo xuống bếp chuyện trò với mẹ tôi, bấy giờ bố tôi mới ân cần nói với chị một cách hiền từ: “Nếu cháu thực lòng yêu người ta, yêu đến độ dám đánh đổi tất cả những gì cho một tương lai an nhàn sung sướng thì cậu cũng khuyên cháu nên trung thành với người ta. Cậu sẽ tìm lời thưa chuyện với bố mẹ cháu. Chỉ có điều… chỉ có điều cháu là thân con gái, liệu mà giữ gìn…” Chị Ngọc Quế vâng dạ mà khuôn mặt vẫn buồn lắm.
Nhìn chị, tôi chỉ mong chị được vui tươi, hạnh phúc mãi. Tôi nhớ đến khuôn mặt chị hôm ba gia đình dùng bữa bún thang: mắt chị lấp lánh như sao, hai má hồng lên, đôi môi mọng đỏ xuýt xoa. Chị hạnh phúc và đẹp một cách nồng nàn.
Tôi không biết những quả ớt của cuộc đời có làm cho chị Ngọc Quế tôi nếm vào mà thấy hạnh phúc không.
Quyên Di