Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển
Khoa học tân tiến chế ra thuốc, thức ăn giúp nhân loại sống thọ hơn xưa. Xưa nghĩa là chừng trăm năm trước.
Thời bà nội tôi, thế kỷ 18, bốn mấy năm mươi tuổi đã thuộc hàng cụ, hom hem chậm chạp, cháu chắt đùm đề. Sinh nhật thứ 60, gọi là ăn thượng thọ, quan trọng lắm.
Thời nay khác, các cụ đạt ngưỡng 80-90 khá nhiều, nhiều đến nỗi một số quốc gia phải điều chỉnh tuổi hưu trí từ 55 lên 60, 62, 65, 67. Chính phủ Úc từng đề nghị kéo luôn tới 70 (???)
Nhân loại sống thọ quá, đẻ thì ít, không tăng tuổi hưu, lấy ai làm ra tiền để nuôi bô lão trong ba bốn chục năm còn lại? Không ai nuôi thì phải tự xử.
70 tuổi, tay chân, mắt mũi, đầu óc ta hoạt động thế nào nhỉ? 50 mấy cơ thể đã ê ẩm, đau chỗ này, nhức chỗ kia, bệnh trạng muốn tới là tới, chả triệu chứng, chả “gien” giếc, hên thì bệnh đến rồi đi, xui thì án tử treo lơ lửng.
70 đứng trên dây chuyền sản xuất, nổi không? Tự dưng lên máu hoặc mắt nhập nhoạng khi đang đứng máy thì chuyện gì theo sau? Làm sổ sách kế toán? Cộng trừ nhân chia chỉ cần thiếu hay dư một số 0, một dấu phẩy là đi đoong. Nghệ sĩ, viết lách, ca hát, vẽ vời, tiêu khiển thì ok, nếu phải nộp bài đúng hạn, phải cạnh tranh với giới trẻ … cách nào?
Cá nhân tôi thấy thế này.
Các cụ sống thọ buồn nhiều hơn vui vì người bạn đời không còn, bạn bè cùng lứa mất dần, thậm chí mất hết, cụ chơi với ai? Có tài sắc, tiếng tăm, can trường, lẫm liệt mấy, cụ kể cho con cháu nghe dăm ba lần chúng còn phục, đến lần một trăm, chúng không những chán mà còn ghét ông bà. Không ai nghe thì gặp khách thân khách sơ đều là dịp để cụ xả xú páp, cụ khoe thành tích, khách khứa thấy cụ lẩm cẩm, hợm hĩnh …, hơn nữa mỗi thời đại, danh tiếng, tài năng được đánh giá theo tiêu chuẩn khác. Giả dụ thời này mà kể với thanh niên rằng ông từng là người duy nhất được cử qua Mỹ học rồi về nước điều khiển cả một máy tính IBM, hồi đó tranh của bà giá bằng một chiếc xe hơi, các bạn trẻ sẽ lắc đầu cười khẩy, chỉ người cùng lứa mới hiểu nổi giá trị thành đạt của ông bà, đặc biệt lắm mới có những tác phẩm, những thành tựu hay tiếng tăm lưu truyền đến muôn đời sau.
Đấy là việc tinh thần. Giờ nói đến thể chất, dễ nắm bắt hơn.
Già, răng cỏ sứt mẻ, làm hàm giả, mười người hết bảy bảo nhai trệu trạo, phải chừa đồ cứng, toàn nuốt trọng, đến lúc nào đó nuốt cũng khó khăn, sặc lên sặc xuống ngay cả uống nước.
Đời con người ta có tứ khoái mà mất đi cái khoái đầu tiên, gặp cụ hồi khỏe mạnh thích ăn ngon, giờ chán “toàn tập” luôn.
Tới chuyện di chuyển. Cụ không lái xe vì phản ứng chậm. Chuyện vặt vãnh như khó thở, đau đầu phải gặp bác sĩ, đi chữa răng, chợ búa, mua tờ báo … nhất nhất cụ phải nhờ người chở. Nơi nào xe công cộng phát triển, lão tướng cứ việc leo lên xe lửa, xe bus vi vu, đến lúc hết lết nổi thì sao? Bao lâu nay không nhờ vả, giờ cần, con cái phải sắp xếp thì giờ, điều chỉnh lối sống hằng ngày để giúp, đã nhờ thì phải lệ thuộc, cháu gật thì tốt, lắc đành chịu. Ấy là may mắn con cháu ở gần, nó ở xa .. thua!
Chấp nhận chân cẳng yếu ớt, nằm nhà quanh năm, thời nay báo chí, sách vở, tin tức, hình ảnh, chương trình nhạc, tivi, phim cổ – hiện đại, tư liệu … tất cả đều hiển thị trên màn hình, chỉ cần một ngón tay click chuột, bô lão tha hồ xem, nghiên cứu, tìm hiểu thế giới chuyển biến, nước nào đánh nước nào, sắp có mưu đồ gì … ông bà rành sáu câu, thế là họ có trăm thứ mới mẻ để trò chuyện, đối đáp với người khác cho xôm tụ. Bọn trẻ cứ cắm đầu kiếm sống, game gủng, xà quần trên net, đố theo kịp thời sự thế giới như ông bà.
Đến lúc đầu óc ông bà rời rã, máy tính dùng hằng ngày tự nhiên không biết mở, Facebook, Youtube, Email … nằm đâu, cứ ứ à loạn xạ, phải chờ con về giúp. Biết cha mẹ lẩn thẩn, con viết trình tự ra giấy, dán lên tường hẳn hoi, ban đầu cha mẹ còn bắt chước được, càng về sau càng chật vật đâm chán. Lắm lúc chờ mãi thằng con mới sang mở máy tính dùm, nó vừa đi khỏi, tay cụ run rẩy đụng vào phím nào đấy, màn hình tắt ngúm.
Tệ nữa là lúc mắt kém không đọc được chữ, tai nghe ù ù cạc cạc, cụ bỏ luôn thói quen ngồi máy tính. Không đi ra đường, không ngồi máy tính, ông bà sẽ nằm dính trên giường, nằm sáng trưa chiều tối.
Cứ hào phóng tới 80 trưởng lão mới đụng ngưỡng nằm một chỗ, liệu lão có ước sống thêm hai mươi năm nữa để con cháu nhìn thấy mặt, để con cháu hầu hạ? Chúng có thật lòng vui với tình trạng của cha mẹ?
Tôi nhận thấy sống đến 60 tuổi như thời bà nội tôi ngày xưa là đủ. Sướng khổ, yêu ghét, đường thẳng, đường cong trong cõi người ta, mình đã rành rẽ, những thứ cơ bản cần có, mình đã đạt, nhiệm vụ đóng góp với xã hội đã hoàn tất, con cái trưởng thành. Gắng sức nữa làm chi?
Ta sẽ đặt ra hạn định của một đời người là 60 năm.
Có hạn định, chúng ta sẽ sắp xếp, lập kế hoạch cho chính mình dễ dàng hơn. Sẽ xuất hiện các chuyên gia viết sách hướng dẫn những điều cần làm từ tuổi nào đến tuổi nào … Dĩ nhiên họ chỉ gợi ý, ai làm được thì làm, ai không muốn hay không thể thì … ráng chịu. Biết còn bao nhiêu ngày để sống, phải chăng ta sẽ sống trọn vẹn hơn? Không biết, ta tưởng đời còn dài, mê mải với rượu chè, trai gái, lừa lọc, cãi vã, cày cục, chắt bóp … đùng một phát, trở bệnh hiểm nghèo, hối đã muộn.
Nếu hạn định của chúng ta là 60 năm vậy ta tự đặt tuổi hưu trí là 45.
Ta đã làm việc và đóng góp cho xã hội 20-25 năm, những tháng năm đẹp nhất, sung mãn nhất, sáng suốt nhất trong đời. Ta có quyền lựa chọn đóng góp thêm 5 năm nữa, ở tuổi 50 rồi chuẩn bị tài chánh đầy đủ để dưỡng già trong 10 năm kế tiếp.
Ai bệnh hoạn, tù đày, nghèo khó đến 60 tuổi, chưa được hưởng vinh hoa, chưa trọn niềm vui con đàn cháu đống, liệu họ muốn kéo dài thêm năm tháng gian nan này? Người đi sau sẽ nhìn vào tấm gương đó mà liệu.
Thú vị nhất là từ 45-60, ta vẫn tự lái xe đi đây đó không cần nhờ vả con cái. Bạn bè còn khỏe mạnh, tỉnh táo để cà phê cà pháo, để thám hiểm du lịch chung. Ta vẫn đọc sách, xài vi tính ngon lành, lai rai sáng tác như một thú vui.
Đúng sinh nhật thứ 60, ta sẽ bước vào vườn địa đàng, nơi có tất cả của ngon vật lạ như trong phim “Chocolate Factory” chả hạn, suối chocolate, nấm là kem lạnh, bàn ghế làm bằng bánh bông lan … Vườn địa đàng không có người phục vụ, thức ăn tự động hiện ra, ước món gì có món đó, Champagne tuôn thành suối, nước Mía chảy thành sông, nắng ấm chan hòa, chim hót lảnh lót, những loài chim lạ. Hoa nhất định là thứ không thể thiếu, kỳ hoa dị thảo mọc rải rác từng chùm, từng bụi, rực rỡ và thơm ngát.
Khi ta ngửi, ta ăn, ta ngắm những thứ độc đáo trong vườn địa đàng, cơ thể ta từ từ nhỏ lại rồi biến mất, chuẩn bị một kiếp sống mới. Biến mất không đau đớn sau khi trải nghiệm những phút giây thần tiên chắc không ai sợ, thậm chí còn mong đợi.
Trước ngày bước chân vào vườn địa đàng, con cháu, bạn bè của ta sẽ làm một bữa tiệc linh đình mừng ta sang nhà mới giống như đi định cư nước ngoài vậy, mọi người đều vui vẻ, con cái không mất thì giờ chăm sóc cha mẹ, bác sĩ nhà thương không cần vật lộn giành sự sống cho ông già bà cả. Ta thường ao ước “Đau một giây. Chết một giờ.”, khoa học đã giúp ta sống khỏe mạnh đến phút cuối, đẹp quá còn gì? Ai đã từng bị gây mê thì biết, chết lúc đó, nhẹ hều.
Chết đúng hạn còn giải quyết được nạn nhân mãn, không cần xây thêm nhà cửa, tránh nạn phá rừng, lấp biển, tổn hại môi trường.
Ngoài đường tôi thường nhìn thấy mấy bà cụ da nhăn, mắt xệ, lưng còng, tay đẩy xe bốn bánh một mình, chậm chạp, những cụ ông mập núc ních, chân cẳng sưng phù, đỏ ửng, tóc tai bù xù, áo quần lếch thếch, ngồi một đống trên xe lăn cho người khác đẩy, cụ khác mồm méo xệch có thể do stroke, người thì ngón tay ngón chân nổi lục cục ở các khớp, ai thích sống đến ngày dung nhan tàn tạ đến thế nhỉ? Tôi tin họ muốn mọi người nhớ đến hình ảnh cuối của họ với vẻ quắc thước, uy nghiêm, điềm đạm, quý phái.
Sợ gì mà không bước vào vườn địa đàng mạnh dạn, tươi tắn ở tuổi 60?