Đi Hết Một Mùa Trăng

Tác giả: Tống Văn Thụy

Chuyến đi cùng 5 khách Québécois rong ruổi từ Nam ra Bắc cuối cùng khép lại trung tuần tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Đành nghỉ chơi, nằm nhà đọc sách chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn, biết đâu có thể lại dọc đường gió bụi. Năm tháng trôi nhanh, tuổi trẻ bay vèo, chân bước thấy mỏi… nhưng nỗi nhớ những dặm đường lữ thứ vẫn còn đó. Nhớ lần dừng chân bên bờ sông Đà trong bóng chiều nhập nhòa phố thị Lai Châu, nhớ bóng cây gạo hoa màu xác pháo, lẻ loi trên đoạn đường mùa xuân Yên Minh đi Hà Giang, nhớ mấy bản làng mất hút nơi thung lũng xanh đen trong khói lam chiều miền xa Bảo Lạc, Cao Bằng…

Mùa hè 2022, khi những quy định phòng chống dịch bớt khắc nghiệt, giám đốc một công ty du lịch ở Sài Gòn điện thoại thăm hỏi luôn tiện đề nghị tôi có thể dẫn một đoàn khách Pháp khá đông đi xuyên Việt, tập trung hai vùng Tây Bắc-Đông Bắc, trong khoảng 25 ngày. Tôi từ chối vì tự lượng sức mình không kham nổi. Sang thu, cô lại điện thoại. Lần này, tôi nhận lời vì muốn thoát vòng cương tỏa phong kín đời mình trong gần ba năm dịch giã. Tôi thèm trời rộng sông dài. Mơ những chuyến đi.

Chúng tôi đón khách ở phi trường Tân Sơn Nhứt trung tuần tháng 11/2022, đoàn 67 khách vùng Belfort, miền Franche-Comté, gần dãy núi Vosges, giáp ranh Đức, Thụy Sỹ. Họ là thành viên Hiệp Hội Thể Thao và Dã Ngoại Belfort/CBL nên đều quen biết nhau. Đó là thuận lợi đầu tiên vì đoàn khách đông, tuổi cao, lại đi dài ngày. Đoàn chia làm hai nhóm với hai xe 45 chỗ, đánh số 1, 2. Tôi phụ trách xe số 1, anh bạn “gai” trẻ xe số 2. Khi đến ga Ninh Bình, đường sá vùng Tây Bắc-Đông Bắc không thuận tiện cho xe 45 chỗ, đoàn sẽ phân thành 3 xe cho đến khi về Hà Nội.

NẮNG SÀI GÒN…

Khách chỉ lưu lại Sài Gòn một đêm. Thành phố vẫn chưa hoàn hồn sau Covid, đặc biệt trong lãnh vực khách sạn-nhà hàng. Thời gian đi thăm Sài Gòn gói gọn trong 1:30’ nên thú vị nhất là đưa khách đi bộ một vòng thăm khu trung tâm thành phố với những đại lộ chính: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do (cũ), Lê Thánh Tôn… còn phảng phất đôi chút kiến trúc Haussmannien[1] thịnh hành giữa thế kỷ 19 ở Pháp.

Trung tuần tháng 11/2022, những công trường xây dựng métro dần dần được tháo dỡ. Là dân tỉnh lẻ, nếu có một ước nguyện nào cho Sài Gòn về mặt cảnh quan đô thị: hãy phục hồi và chỉnh trang những kiến trúc cũ, thay vì thẳng tay xóa bỏ. Hãy giữ lại những hàng cây cổ thụ bên đường. Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Nguyên Sa. Gần 50 năm sau mùa xuân 1975, ít ra những người có trách nhiệm về thành phố này cũng nên học lấy đôi điều.

SÔNG NƯỚC BẾN TRE-CẦN THƠ.

Đồng bằng sông Cửu Long là điểm nhấn trong tour du lịch xuyên Việt. Có chương trình chọn Mỹ Tho, Cái Bè-Vĩnh Long-Cần Thơ… Tôi đi theo tuyến Bến Tre truyền thống. Thuyền đón gần cầu Thông Nẫm, đi một vòng sông nước thăm lò gạch, lò kẹo, xưởng dệt chiếu gia đình, xe lôi máy đưa đi ăn trưa, đi thuyền chèo trên kinh rạch, ra thuyền lớn, xe đón góc đường Mai An Tiêm, rời Bến Tre qua con đường độc đạo là cầu Rạch Miễu mà cánh lái xe miền Nam rất ngại vì thường xuyên kẹt xe, nhất là về chiều.

Khác với nhiều nơi trên cả nước, tuyến du lịch sông nước Bến Tre không mấy thay đổi, từ quang cảnh những hàng dừa nước bên bờ kênh đến tâm tình người dân chân chất, dung dị. Bến Tre nhưng chỉ thấy bát ngát là… dừa, những núi vỏ dừa tập trung bên bờ sông, rạch, hàng quán kẹo dừa san sát dọc đường sau khi qua cầu Rạch Miễu hướng về trung tâm thị xã.

Gió thoang thoảng mùi của biển trên sông nước Bến Tre là thoáng hạnh phúc mùa thu.

Chúng tôi đến Cần Thơ khi chiều xuống. Ăn tối nơi nhà hàng ngày xưa là chợ ven sông, trên bến dưới thuyền, nay thực khách toàn là Tây. Dù chợ nhà lồng đã biến thành nhà hàng, quầy kinh doanh hàng mỹ nghệ cho Tây, đường nét kiến trúc chợ thời Pháp thuộc vẫn còn như cổng chợ Trà Vinh, Châu Đốc, Hội An…

Chợ nổi Cái Răng nay chỉ còn tên gọi. Thuở vàng son chợ nổi, đoạn sông nước thương hồ này tập trung hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ, kẻ bán người mua thoăn thoắt chuyển trái cây, bầu bí, khoai lang… từ những thuyền lớn sang thuyền nhỏ, những  giỏ cần xé mây đan hay bịch nylon màu đen căng phồng cây trái miệt vườn mơn mởn trong nắng thu, dưới bóng những “cây bẹo”/cây sào treo lủng lẳng rau, củ, quả, giới thiệu hàng hóa.

Sớm mai, nơi chợ nổi vốn đầy màu sắc-sức sống, nhộn nhịp nhất miền Nam, không khí nhuốm màu… chợ chiều. Hoàng hôn các chợ nổi được báo trước khi các cây cầu bắc qua sông Tiền, sông Hậu, những con đường hợp thành màng lưới giao thông huyết mạch tỏa ra khắp miền. Từ đó, xe tải nhỏ có thể đến thu mua hàng hóa tận miệt vườn xa xôi, giao thương nhanh và đa dạng. Sông nước kinh rạch miền Nam vẫn còn đóng một vai trò kết nối quan trọng nhưng chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, Cái Răng, Phong Điền… đã trôi mãi về đâu.

Khi những thành phần hợp thành chợ nổi như sông nước, thương hồ, chành, miệt vườn không còn khắng khít nữa thì hợp-tan là lẽ thường tình.

Giọng ca cải lương vẳng qua loa phóng to từ một nhà hàng nổi trang hoàng diêm dúa trên chợ nổi Cái Răng báo hiệu một chân trời không lấy gì làm tươi sáng cho chợ nổi Nam Bộ.

HỘI AN, PHỐ CỦA MUÔN PHƯƠNG.

Khác với nhiều địa phương trên cả nước chỉ muốn khư khư giữ nguyên, thậm chí tăng giá vé tham quan. Sau mùa đại dịch, Hội An giảm 50% giá vé, cho đến hết tháng 12/2022. Chữ nghĩa thời thượng gọi là kích cầu du lịch, nôm na là hạ giá hay miễn phí vé tham quan để thu hút du khách.

Nếu có thời gian sắp xếp đưa khách thăm Hội An, bạn nên đi buổi sáng, khi phố còn vắng khách. Buổi chiều là chương trình tự do để du khách cảm nhận Hội An theo cách của riêng mình như đi thuyền trên sông Thu Bồn, thăm các làng nghề hay ghé vào một quán vắng, nhìn phố xưa khoe sắc mới.

Hội An chung quy chỉ có mấy con đường, vài dãy phố, một kiểu bàn cờ trải dài Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn. Ngày xưa, đứng Chùa Cầu, còn thấy anh bạn Hứa Lạc Thành, người Minh Hương, dạy Pháp văn trường Trần Quý Cáp, thong thả bước trên đường Rue du Pont Japonais/Trần Phú, cuối đường là hội quán Phúc Kiến, chợ Hội An, nay phố xưa phải oằn mình đón tứ phương thiên hạ thì làm sao mà thở cho nổi! Chưa kể, các tháng 10, 11 dương lịch, “trời hành cơn lụt mỗi năm…”

Chùa Cầu – Hội An

ĐÀ NẴNG, BIỂN NHIỆT ĐỚI NHÌN TỪ DÃY NÚI VOSGES

Đối với khách Tây, Đà Nẵng chỉ là điểm dừng để đi Hội An, hay theo chiều ngược lại, từ Hội An ra Huế. Có đoàn ghé thăm Bảo Tàng Chăm Đà Nẵng, tiền đề để hôm sau tìm về Thánh địa Mỹ Sơn.

Sau hai ngày lữ khách trong mưa (tựa một cuốn phim đã xem thời trẻ,  Passager de la pluie, với Charles Bronson và Marlene Jobert) ở Hội An, theo con đường ven biển từ Hội An đi Huế, chúng tôi dừng lại bãi tắm Mỹ Khê, Đà Nẵng. Sáng hôm ấy, trời trong veo, cát trắng mịn, biển xanh màu ngọc bích. Tuy không có trong chương trình, tôi linh động để khách dạo chơi trên biển trong vòng 15’, vậy mà  hai ông già gân, tuổi mỗi người xấp xỉ 90, thay đồ phóng mình theo sóng biển. Khi lên bờ sau đó gần… 30’, hai bố già phân trần: “Xứ của chúng tao là rừng núi, mùa đông tuyết phủ, biển nhiệt đới là nỗi ước mơ trong tim, từ 9 tuổi đến 90+. Th. thông cảm.” Tôi chỉ biết cười trừ, bởi cũng muốn cởi phăng áo quần, vui đùa với sóng biển và nắng ấm

En voiture, Simone! Lên đường, bạn ơi.

“HUẾ BUỒN CHI”[2]

Dù chỉ cách Huế một con đèo, do dịch bệnh, lâu lắm mới có dịp ghé Huế mùa thu.

Thành phố có mật độ xây dựng thấp, cơn sốt bất động sản-đất đai không quá bạo phát, dữ dội. Chỉ vài khu phố mới rải rác dọc đường 49 nay vẫn còn hoang vắng sau bao năm quy hoạch. Phía hữu ngạn sông Hương, tòa tháp của khách sạn Mélia-Vinpearl như thanh đại đao ngạo ngược chĩa thẳng lên trời xanh, Huế vẫn thản nhiên, chẳng buồn chi.

Vé đi thăm di tích Huế cao nhất nước (Đại Nội: 200.000đ, mỗi lăng tẩm: 150.000đ), lượng khách du lịch xấp xỉ Sài Gòn, Hà Nội, Hội An… nhưng Huế không sống bằng du lịch, người dân Huế không hưởng được bao nhiêu từ nguồn thu đó. Của để dành của dân Huế cố cựu là tiền chắt chiu từ những người bỏ Huế mà đi, nay gửi về giúp gia đình. Nguồn tài chánh thứ hai của người Huế trung lưu (nếu còn có một tầng lớp trung lưu ở Việt Nam) là bỏ tiền đầu tư vừa phải, xây mới hoặc sửa nhà, xây phòng cho sinh viên thuê.

Huế tộng bộng hai đầu nên xa lạ với những dự án phá rừng lấp biển kiểu FLC của doanh nhân TVQ đang muốn gặm hết thành phố Quy Nhơn. Hạ hồi phân giải, thấy may cho Quy Nhơn, phước cho cả nước. Nhưng mà, trên đất nước này, còn biết cơ man nào là FLC!

Công bằng mà nói, kiến trúc và di tích triều Nguyễn đã cứu cho cố đô Huế khỏi bị chia năm xẻ bảy trong vòng vây những con cá mập bất động sản.

Huế chẳng nên mơ đến việc xây dựng những ngôi chùa mênh mông kỳ vỹ, những tượng đài quá khổ, những kỷ lục không giống ai, thành phố chỉ là dải đồng bằng-cồn cát-đầm phá hẹp kẹp giữa núi và biển, quy mô công nghiệp chẳng có gì ghê gớm, tiến lên thành phố trực thuộc trung ương? Để làm gì?

Thành phố thời đại học yêu dấu ấy chỉ nên trồng thêm cây xanh, sửa sang, tu bổ  đường sá, cầu cống… để mùa nắng đường bớt bụi, mùa mưa, nước  thoát nhanh. Quan trọng hơn là thu hút giới trẻ có năng lực chịu ở lại Huế góp phần phát triển thành phố, đặc biệt trên các lãnh vực văn hóa, giáo dục, kinh tế, du lịch…

Lan man lạc đề, xin phép trở lại với chương trình thăm Huế 2 ngày.

Đưa khách thăm Đại Nội. Vé tập thể, quét mã QR, khách xếp hàng rồng rắn đi vào Ngọ Môn. Văn Miếu (Hà Nội), cũng đổi mới theo cách này. Thăm Huế hạ tuần tháng 11 mà trời không mưa là may mắn.

Lầu Ngũ Phụng vừa được trùng tu. Chim phụng bay không quá cao, năm mái ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly dáng thanh thoát, mô típ trang trí gần gũi. Thời phong kiến mà triều đình có vẻ gần dân hơn bây giờ.

Bên góc lầu Ngũ Phụng, tôi kể cho khách chuyện… đời xưa, chuyện vua Bảo Đại thoái vị ngày 30/8/1945, trao ấn kiếm cho hai đại diện Việt Minh. Sử sách ghi lai câu tuyên bố để đời của nhà vua nhưng số phận chiếc ấn vàng và thanh bảo kiếm thì trôi nổi như thân phận dân tộc này. Gần đây, nghe tin nhà đấu giá Millot/ Pháp rao bán đấu giá ấn vàng, từ người thừa kế của bà Monique Beaudot, Tây Phương Hoàng Hậu, người vợ chính thức cuối cùng của vua Bảo Đại, qua đời năm 2021.

Việt Nam cử một đoàn gồm toàn quan chức bảo tàng, chuyên gia sang thương thuyết với Millot, thẩm định, đánh giá cổ vật, nhưng bỏ tiền ra mua chiếc ấn từ nhà đấu giá là một tay chơi đồ cổ xứ quan họ Bắc Ninh với giá 6.100.000 euro. Huế buồn chi!

Điện Thái Hòa cuối tháng 11/2022 chỉ còn lại nền móng, pano tôn che kín chung quanh. Toàn bộ vì kèo, mái ngói hoàng lưu ly, cột gỗ lim… được tháo dỡ để trùng tu. Bây giờ gọi là hạ giải. Bạn phải vận dụng một chút tưởng tượng để giải thích cho khách thế nào là trùng thiềm điệp ốc tiêu biểu kiến trúc Huế. Hay đợi đến khi bước sang Cung Diên Thọ, nhìn hai mái ngói nối liền nhau, ở giữa có trần thừa lưu là hệ thống máng xối nhận nước, dẫn ra đầu máng, nước chảy qua miệng rồng đắp nổi khảm sành sứ.

Sau lưng điện Thái Hòa, hai chiếc vạc đồng thời các chúa Nguyễn nằm đối xứng, hai bên là Tả Vu-Hữu Vu quy về điện Cần Chánh nằm trên trục nam-bắc kéo dài từ Ngọ Môn, điện Thái Hòa-Cần Chánh-Kiến Trung. Về phía đông của trục nam-bắc là không gian Dương mở ra cửa Hiển Nhơn, nơi các quan đi vào, phía tây là Âm mở vào cửa Nhân Đức, dành cho phụ nữ. Từ những ngày binh lửa 1946-1947, điện Cần Chánh và Kiến Trung chỉ còn trơ lại nền móng.

Thuở mới bước chân vào nghiệp hướng dẫn du lịch, cách đây khoảng 30 năm, đứng trên nền điện Cần Chánh, nhìn về Cung Cấm, chỉ thấy bức tường loang lỗ nhuốm màu thời gian. Cỏ lau trắng cả trời chiều. Nay, hai bên Cung Cấm là dãy hành lang gỗ sơn son thếp vàng, chạy song song, mở sang Duyệt Thị Đường ở hướng Đông, Cung Diên Thọ hướng Tây. Xa xa, toàn bộ điện Kiến Trung đang được xây mới.

Được may mắn xê dịch đó đây, tận mắt chiêm ngưỡng các di tích vừa được trùng tu, tôi nhận thấy những công trình kết cấu gỗ thường được thực hiện tốt hơn là những kiến trúc vật liệu hỗn hợp như ciment, gạch, sành sứ, thạch cao…

Đại Nội có hai công trình vừa được trùng tu đàng hoàng từ khoảng mươi năm nay là Thái Bình Lâu và cửa Nhân Đức.

Cửa Nhân Đức, công trình khảm sành sứ tuyệt đẹp, ra đời khoảng thập niên 20 của thế kỷ 20, thời vua Khải Định. Khi trùng tu, người thợ khảm sành sứ cố tình chừa lại một mảng tường nguyên bản để du khách có thể so sánh công trình trước và sau khi trùng tu. Bên ngoài bốn cửa mở vào Đại Nội và Cung Cấm là hệ thống hào và phòng thành.

Thái Bình Lâu là nơi nhà vua đọc sách. Phía trước có hòn non bộ, bãi cỏ, bên phải tường rêu, hồ nước trong veo. Thiên nhiên, kiến trúc, con người hài hòa bên chữ nghĩa thánh hiền. Rất tiếc, châu bản, sách quý đã được chuyển đi.

Đoàn khách chúng tôi tập trung trước hồ bán nguyệt trên lối vào Thái Bình Lâu để chụp một bức ảnh lưu niệm.

Điện Kiến Trung đang là công trường xây dựng, toàn điện được xây mới trên nền móng cũ. Thông thường, một công trình quá mới, cho dù có gia công giả cổ, vẫn dễ gây ngỡ ngàng. Đó là tâm trạng của tôi khi đứng trước tháp A1, trong nhóm tháp A, thuộc quần thể di tích Mỹ Sơn, đang được chuyên gia Ấn Độ phục dựng. Hằng hà sa số gạch mới được tập trung để thi công. Gạch đỏ cả một góc trời chiều che kín cái bệ thờ còn sót lại của tháp A1 và con đường mòn nối từ kinh đô Indrapura/Trà Kiệu đến nhóm tháp A1, mà có người gọi là  con đường của giới tăng lữ Bà La Môn/ sentier des brahmanes.

Bên hông điện Kiến Trung[3] có lối đi đưa ra cửa Bắc/cửa Hòa Bình. Bạn sẽ ngạc nhiên vì nét chân phương, đơn giản của cửa Hòa Bình, so với Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Nhân Đức. Cửa rộng, thoáng, không trang trí, thuận tiện cho lối ra vào xe hơi, bắt đầu phổ biến, từ cuối thời vua Khải Định bắt cầu sang vua Bảo Đại, thay thế cho nghìn năm áo mão, võng lọng và xe kéo.

Diện mạo điện Kiến Trung sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo – Ảnh: VGP/Lê Hoàng

Cửa Hòa Bình, điện Kiến Trung, sân quần vợt hoàng gia gần đó vừa được trùng tu đánh dấu bước chuyển tiếp từ kiến trúc cổ truyền sang nghệ thuật Tân cổ điển và Art-deco từ những năm 1920. Điểm nhấn kiến trúc cũng báo hiệu những vận hội mới trong cao trào chống Pháp ở Việt Nam.

Sang phía Cung Diên Thọ, phải đi qua một hành lang dài, sâu hun hút, quét vôi vàng. Trên tường ghi chú tiểu sử của 13 vị vua nhà Nguyễn, kèm hình ảnh và châu phê của nhà vua qua các văn bản triều đình. Khởi đi là những châu bản chữ hán chuyển sang chữ quốc ngữ (1919) từ thời vua Khải Định.

Về chiều, những lúc vắng khách, hành lang trải dài trong tầm mắt gợi nhớ lối đi cô liêu trong một tu viện bên trời Tây.

Cung Diên Thọ là một công trình kiến trúc đẹp. Phía sau là điện Thọ Ninh mới được trùng tu gần đây. Đi du lịch, chẳng vội vàng chi, bạn nên đi vòng sang am Phước Thọ/ Khương Ninh Các. Kiến trúc một trệt một lầu, vừa thờ Phật-Thánh-Mẫu như chùa chiền miền Bắc. Tượng thờ đẹp. Không gian u hoài.

Đi ngang cửa Nhân Đức để rẽ vào Thế Miếu. Dấu tích chiến tranh, đặc biệt từ biến cố Tết Mậu Thân 1968 vẫn còn qua những vết đạn nham nhở, những lỗ thủng của trọng pháo trên bờ tường.

Những năm gần đây, trên bàn thờ mười vị vua nhà Nguyễn ở Thế Miếu, (thực ra triều Nguyễn có 13 vị vua, từ Gia Long đến Bảo Đại), lễ vật phong phú hơn, thỉnh thoảng còn thêm vòng hoa con cháu tôn thất nhà Nguyễn. Gió đổi chiều. Qua bao mùa mưa nắng, nước sông Hương gạn đục khơi trong.

Lòng thành của hậu thế dối với các vị vua nhà Nguyễn trong sáng, không vẩn đục vì những núi bia, những hộp bánh sặc sỡ xếp tràn cả bàn thờ nơi đình chùa miếu mạo miền Bắc Việt Nam, từ đền Ngọc Sơn, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Keo Thái Bình… Gần 50 năm sau khi đất nước thống nhất, trong niềm tin dân gian, lòng thành và lễ vật Bắc-Nam cũng khác.

Cách Thế Miếu một khoảng sân gạch Bát Tràng là Cửu Đỉnh và Hiển Lâm Các. Thiên nhiên, cây cối an hòa bên  kiến trúc và con người. Bạn có thể ngồi trầm mặc dưới bóng cây nhãn Thế Miếu, lắng nghe thời gian trôi. Nơi Cố Cung Bắc Kinh, bạn không có cảm giác đó, bạn bị ngợp bởi kiến trúc nguy nga, bậc cấp rồng rắn, sân gạch mênh mông và dòng người chen chúc… Hình như, Cố Cung Bắc Kinh còn vắng bóng cây, vắng tiếng chim.

Hoàng hôn Đại Nội. Chúng tôi ra bến xe Nguyễn Hoàng qua cửa Hiển Nhơn, đi bộ men theo hệ thống hào và phòng thành. Đoàn 34 khách, tôi dẫn đầu, cử người đi giữa, trưởng đoàn đoạn hậu. Vậy mà lạc mất 3 khách trong đó có trưởng đoàn. Phải mất gần 20’ sau mới tìm ra nhờ cả ba mặc chiếc áo pull màu cam rất nổi của đội bóng Hà Lan, đồng phục của đoàn. Cả ba đang lang thang dáo dác trong trời chiều Thành Nội.

TRỞ LẠI “CON ĐƯỜNG BUỒN THIU.”

Đó là đoạn đường thiên lý Bắc-Nam nối Quảng Trị-Huế, dài chừng 70km, phía nam vỹ tuyến 17. Có người gán cho đoạn QL1 này là con đường buồn thiu theo nhan đề cuốn sách viết về chiến tranh Đông Dương của Bernard Fall/Street without joy (La rue sans joie). Có lẽ, thời chiến tranh Việt-Pháp, nội chiến Bắc-Nam, phong cảnh hai bên con đường buồn bã với những trảng cát trắng nối dài, cây bụi mọc lúp xúp, làng mạc trống hoắc, nhất là đoạn phía nam Quảng Trị, từ Hải Lăng đến sông Mỹ Chánh.

Xin mở ngoặc. Bernard Fall mất khi dẫm phải mìn trên con đường buồn thiu của mình trong chiến dịch Chinook II, từ 19/2 đến 4/4/1967. Ông tham dự chiến dịch với tư cách phóng viên chiến trường bên cạnh lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.

Lần đầu tiên, tôi đi dọc đoạn đường này dịp thu-đông 1969. Năm thứ nhất đại học Huế, bãi khóa triền miên, tôi theo bạn quê Quảng Trị ra thăm miền địa đầu giới tuyến. Mùa gió Lào qua rồi. Thị trấn buồn thiu, đi loanh quanh khi nắng chiều rơi vàng những bở tường gạch Cổ Thành Quảng Trị, nắng loang trên sân giáo đường áo dài tím đi lễ chiều, đọng lại trên những bãi cát bồi giữa lòng sông Thạch Hãn.

Hơn 450 năm sau khi Chúa Nguyễn Hoàng tháo chạy khỏi châu thổ sông Hồng vào Đàng Trong (1558), người mở đường đất phương Nam của lịch sử Đại Việt neo thuyền ghé Cửa Tùng, dừng chân Ái Tử, Kim Long, Phú Xuân, lại vượt sông Gianh ra Đàng Ngoài trong 7, 8 năm, giấc mộng khanh tướng nơi miền đất cố cựu vuột mất, cuối cùng đành quay về Đàng Trong, bước qua Hải Vân vào Quảng Nam (1600). Thuở ấy, Nguyễn Hoàng nghĩ gì trong chiều tà khi cùng tùy tướng, đồng hương Tống Sơn lếch thếch trên đoạn đường mà hậu thế ghi nhớ là con đường buồn thiu?

Những cựu binh Hoa Kỳ, những chiến sĩ miền Nam tham chiến địa đầu giới tuyến, những bộ đội miền Bắc từ núi rừng Trường Sơn đổ xuống, những người dân Đông Hà-Quảng Trị gồng gánh chạy loạn trên con đường buồn thiu 1972. Mùa hè đỏ lửa/Phan Nhật Nam vọng lại trong tâm những điều chi?

Hằng hà sa số con đường mở ra muôn phương trên đất nước này, vì sao chỉ đoạn đường ngắn này lại là street without joy?

50 năm sau mùa hè 1972, chúng tôi đi lại con đường này. Nghĩa trang thấp thoáng hai bên đường xen kẽ những mảng màu xanh bạc hà. Cuộc sống nhú lên từ những trảng cỏ khô khốc, những cồn cát trắng-vàng nối dài.

Xe dừng lại phía nam bờ sông Bến Hải. Chúng tôi đi bộ như những người hành hương dọc cầu Hiền Lương. Những đoàn xe rầm rập lướt qua. Cầu bê tông oằn mình chịu đựng. Bên kia cầu mới Hiền Lương, phía tay phải là cầu cũ, chia cắt đôi bờ. Cầu phục dựng năm 2001, sàn lát gỗ, bắc qua dòng sông chiều ngang chừng hơn 100m. Vậy mà phải mất đến hơn 20 năm mới nối lấy đôi bờ. Nhưng để dân Việt chung một dòng sông thì chưa biết đến bao giờ! Những phân ly-chia cắt, những làn ranh-bức tường, những hận thù-thành kiến… vẫn còn đó. Bạn tôi, Lê Quang Thông, sống ở Đức, có nhận xét buồn bã: Con sông dài nhất thế giới là sông… Bến Hải!

Cầu Hiền Lương

Ngay cả với lịch sử dân tộc, với quá khứ, quan điểm chính thống vẫn còn mang nặng những giáo điều, những thành kiến, phân ly. Danh nhân Nguyễn Hoàng còn bị xóa tên khỏi ngôi trường trung học lớn nhất Quảng Trị thì sự hòa giải còn mãi xa vời.

PHÍA BẮC BỜ BẾN HẢI.

Bờ bắc Bến Hải, ruộng vườn, đất đai phì nhiêu hơn phía nam. Vĩnh Linh, Hồ Xá. Đất đỏ ba dan phủ kín như ở Đắk Lắk. Rừng cao su, những cọc trồng tiêu, thanh long trải dài trên con đường quanh co đưa vào địa đạo Vĩnh Mốc.

Khung cảnh địa đạo Vĩnh Mốc xanh hơn Củ Chi. Củ Chi nóng hầm hập, có phần… sắt máu, tuyên truyền, buôn bán chiến tranh hơi nhiều. Cuốn phim tài liệu giới thiệu hệ thống địa đạo Củ Chi sắc quá, từ hình ảnh đến giọng đọc. Có cần thiết không để vực dậy lòng căm thù sau bao đau thương tang tóc?

Vĩnh Mốc nhẹ nhàng hơn. Chiến tranh. Tồn tại hay không tồn tại là tùy mỗi người qua câu của Shakespeare ghi ngay lối vào Nhà Trưng Bày. Hình ảnh, bản đồ, sa bàn, những chứng tích chiến tranh nhắc lại một thời kỳ đạn bom. Có đau thương, mất mát nhưng không khích động căm thù. Cửa hệ thống địa đạo kín đáo mở ra Biển Đông. Ngoài kia đảo Cồn Cỏ. Gió đại dương lồng lộng. Làng Di Loan là vệt trắng cong cong dọc biển.

Những người bạn thân sơ Quảng Trị mà tôi thường gặp, sau phần giới thiệu tên, thường chua thêm xuất xứ Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh hay Vĩnh Linh… Điều này chưa từng thấy đối với công dân Việt trên cả nước, hóa ra chiến tranh vẫn còn lẩn khuất đâu đây, sau gần nửa thế kỷ đất nước… thống nhất.

PHONG NHA TRONG MƯA.

Trời quang và đẹp khi chúng tôi rời khu địa đạo Vĩnh Mốc, theo đường thiên lý, hướng ra phía Bắc. Xe chạy song song biển nhưng chỉ thấy những cồn cát nối dài.

Trên những cồn cát nhấp nhô Quảng Bình, sừng sững những trụ điện gió, cánh quạt màu bạc quay nhẹ giữa trời xanh và cát trắng. Nguồn lợi hải sản ở đây đang vơi dần, cánh đồng Quảng Ninh, Lệ Thủy, Nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện tuy phì nhiêu nhờ hệ thống sông Kiến Giang, nhưng bị kẹp giữa Trường Sơn và cồn cát vàng. Thiên nhiên hào phóng bù lại cho Quảng Bình quần thể đá vôi Phong Nha-Kẻ Bàng với núi non và hang động phong phú, kỳ bí và độc đáo.

Từ ngôi làng đìu hiu ven sông Son, Phong Nha nay là một thị trấn tương đối sầm uất. Bản đồ du lịch Quảng Bình phát triển với những hang động mới được tìm ra từ 1990.

Trời mưa vần vũ khi chúng tôi bước xuống thuyền neo trên sông Son hướng về cửa hang. Ban Quản Lý Phong Nha thông báo, thuyền chỉ đến cửa hang, du khách đi bộ vào thăm bên trong. Cũng còn chút may mắn bởi có những ngày nước sông Son dâng cao, đành đứng nhìn dòng sông nước chảy cuồn cuộn, đục ngầu phù sa.

Sông Son còn gọi là nguồn Son chảy vào sông Gianh là ranh giới chia cắt Đàng Ngoài-Đàng Trong từ đầu thế kỷ 17. Lê Quý Đôn ghi trong Phủ Biên Tạp Lục: lấy một cây lau nhỏ làm giới hạn. Bắc Bố Chính thuộc vua Lê chúa Trịnh, Nam Bố Chính là cương vực chúa Nguyễn. (Hoàng Đình Hiếu. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613). Sáng Tổ Vương Quốc Nhà Nguyễn. Tủ sách sông Gianh. Quê hương Bọ Mạ xuất bản. Dallas. Hoa Kỳ.2010.)

TIẾNG CÒI TÀU TRONG SƯƠNG SỚM.

Từ Phong Nha, xuôi Đồng Hới. Mưa giăng kín. Phố lên đèn, ánh sáng vàng vọt, nhạt nhòa. Cầu Nhật Lệ trong tầm mắt. Bên kia sông là Bảo Ninh, quê của Thầy tôi thời đại học: GS Nguyễn Phương. Chúng tôi dừng lại ăn cơm tối tại một khách sạn ven sông. Bữa ăn ngon và ấm lòng sau nửa ngày mưa gió, ẩm ướt Phong Nha. Tiếc là phải ăn tốc hành vì tàu SE2 khởi hành lúc 19:40 ở ga Đồng Hới để đi Ninh Bình.

Thử tưởng tượng, hai tour guide Việt, một già-một trẻ phối hợp để hướng dẫn 67 khách du lịch Pháp, tuổi đời từ 65 đến 90, ba lô trên vai, vali, túi xách, lỉnh kỉnh theo sau. Sân ga tỉnh lẻ lố nhố toàn Tây. Chúng tôi chiếm trọn gần 3 toa tàu, khoang 4 giường. Những chỉ dẫn cần thiết khi lên và xuống tàu được phổ biến cặn kẽ. Điều quan trọng nhất là các bạn sẽ xuống tàu ở Ninh Bình lúc… 3:17 sáng hôm sau. Lưu ý: nhớ tỉnh thức để kịp rời toa tàu với hành lý vì tàu chỉ dừng lại ga Ninh Bình đúng 7’.

Tàu SE2 đến ga Ninh Bình lúc 3:30. Tiếng còi tàu lảnh lót trong sương sớm. Trước đó khoảng 45’, anh bạn guide trẻ và tôi thay nhau gõ cửa từng cabin báo thức khách dậy, chuẩn bị rời tàu. Khoảng 10’ sau, tàu chuyển bánh.

Mais j’entends siffler le train, mais j’entends siffler le train, que c’est triste un train qui siffle dans le soir. Richard Anthony.

Tôi nghe tiếng còi tàu, tiếng còi tàu rúc vang, ôi tiếng còi tàu buồn bã lúc chiều tà.

Tiếng còi tàu càng buồn bã hơn trong sương sớm, mưa vẫn rơi… Khi điểm lại quân số để rời ga Ninh Bình, tất cả đều có mặt, tuy bơ phờ mất ngủ, chỉ thiếu 3 va ly không kịp chuyển xuống sân ga. Chúng lưu lạc ra ga cuối Hàng Cỏ, được chúng tôi thuê xe đưa về Tam Cốc, Ninh Bình, trưa hôm ấy, trước khi khởi hành đi thăm nhà thờ Phát Diệm.

Vài cảm nghĩ về những tour du lịch có kết hợp hành trình xe lửa.

Thông thường, trên bản đồ du lịch Việt Nam, 2 cung đường thường được chọn để du khách “trải nghiệm” xe lửa là Hà Nội-Lao Cai, từ đó đi Sapa và Hà Nội-Huế hay ngược lại. Đó là những chuyến tàu đêm nhằm rút ngắn khoảng cách giữa hai điểm đến và tiết kiệm chi phí một đêm khách sạn. Đi tàu đêm hoặc nửa đêm về sáng, khách chỉ kịp lên tàu-ngủ-bước xuống ga đến. Đối với khách hiếu kỳ, phong cảnh hai bên đường, nếu có kịp ghi lại là cầu Long Biên, sông Hồng trên tuyến Hà Nội-Lao Cai, ruộng đồng manh mún miền Trung trước khi tàu vào ga Huế.

Gần đây, trong chiến tranh Nga-Ukraine, xem truyền hình, thấy tàu hỏa là phương tiện phổ biến ở Ukraine, từ quốc khách đi thăm Kyiv đến dân thường chạy nạn.

Giã từ tiếng còi tàu trong sương sớm ga Ninh Bình, chúng tôi về Tam Cốc.

Từ đây, đoàn sẽ chia thành 3 nhóm, thêm một tour guide từ Hà Nội vào nhập đoàn. Anh bạn trẻ phụ trách xe số 3, đi hết vòng cung Tây Bắc-Đông Bắc, kết thúc chuyến đi khi đoàn đến khách sạn ở Hà Nội.

PHÁT DIỆM. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRONG DÒNG CHẢY DÂN TỘC

Du lịch Việt Nam khởi đi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nay đã trên 30 năm. Vật đổi sao dời. Biến thiên là lẽ thường, riêng khung cảnh và tâm cảnh nhà thờ Phát Diệm vẫn như xưa.

Công trình Nhà thờ đá Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành

Phát Diệm minh chứng cho sự hòa nhập của Công Giáo trong dòng chảy dân tộc, từ ý tưởng, phối cảnh kiến trúc, vật liệu xây dựng, họa tiết trang trí…Tất cả hài hòa với phần hồn tín ngưỡng.

Từ hướng nam, bên hồ nước có ốc đảo nhỏ là tượng Chúa. Ao hồ ở tiền cảnh gợi nhớ hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân. Trên con đường tìm đến Chúa, nước giúp thanh tẩy tâm hồn trước khi bước vào phương đình trong cái se lạnh cuối thu. Phương đình, công trình kiến trúc cuối cùng trong 25 năm xây dựng nhà thờ Phát Diệm phảng phất ngôi đình làng bề thế với tháp chuông vươn cao. Trên 4 đỉnh tháp là tượng tròn bốn vị thánh sử mang dáng dấp đạo sỹ phương Đông. Rời phương đình, đi dọc theo mộ của cha Trần Lục, người xây dựng nhà thờ Phát Diệm, mộ nằm trong khuôn viên sân trước nhà thờ chính. Mặt tiền đá nhà thờ chính mở ra 5 cửa, phía trên, mái vòm kiến trúc trĩu nhẹ gợi nhớ hình ảnh những đình chùa Bắc Bộ. Phát Diệm là một quần thể gồm 4 nhà thờ nhỏ bài trí khác nhau, trong đó có một nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá, gọi là nhà thờ đá. 4 nhà nguyện quây quần hai bên nhà thờ chính, như 4 lễ sinh chung quanh linh mục.

Đưa khách đi thăm nhà thờ Phát Diệm là hạnh phúc gần gũi, thanh thản. Tôi quên cảnh chiều mưa xối xả Phong Nha, quấn xắn quá đầu gối, men theo lối đi rất hẹp sát bờ vách đá vôi, nước sông Son xâm xấp, đưa từng khách vào bên trong động. Tôi quên tiếng còi tàu xé toang màn sương mai ẩm ướt ga Ninh Bình. Tôi quên giấc ngủ chập chờn lắc lư đưa võng trên tàu SE2.

Phát Diệm năm xưa, thuở ban đầu du lịch lưu luyến ấy, vào thăm nhà một giáo dân, ngồi xuống chiếc ghế nghỉ ngơi/TCS, ăn bữa cơm gia đình có chả rươi, canh rau đay, dưa cà. Từ miền Nam ra Bắc, tôi chỉ biết món rươi qua nhà văn ly hương Vũ Bằng, tháng chin ăn rươi, tháng mười ăn nhộng, nay cứ tần ngần trước món chả rươi, không biết nên dịch thế nào cho hai người bạn Pháp hiểu.

Lần đầu tiên thăm nhà thờ Phát Diệm. Trưa quạnh hiu, người trông coi nhà thờ mở cửa cho chúng tôi vào, nụ cười cởi mở. Ông cung kính nói về cha Sáu (LM Trần Lục, người xây dựng nhà thờ Phát Diệm), quá trình hình thành nhà thờ cuối thế kỷ 19, những lần trùng tu, giáo hội thầm lặng trong chiến tranh và sau đó… Ông còn đưa chúng tôi đi vòng vo lên tháp chuông nhà thờ, nhìn toàn cảnh vùng đồng chiêm Kim Sơn-Tiền Hải khoảng 150 năm sau khi Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ khai phá vùng đất mới (1828). Nghe nói, hồi đó Phát Diệm nằm sát biển.

Trước đó 200 năm (1627), trên đường đi Thăng Long, giáo sỹ Đắc Lộ dừng chân loan báo Tin Mừng ở làng Văn Nho, gần cửa Thần Phù, nay là giáo xứ Hảo Nho thuộc địa phận Phát Diệm.

Tôi học được từ người giáo dân bình dị ấy nhiều hơn sách vở.

MAI CHÂU, CHIỀU RƠI VÀNG SƠN KHÊ.

Sớm mai, từ Tam Cốc, theo đường 12B đi Mai Châu. Những địa danh Nho Quan, Vụ Bản… thấp thoáng từ đồng chiêm trũng ký ức hiện ra với những thửa ruộng nhỏ, manh mún, lúa chín vàng mới gặt, phía sau núi đồi giăng mắc. Chia tay mùa thu châu thổ, nhập vào miền trung du Bắc Bộ. Ngã ba Mãn Đức hay ngã ba Đông Dương là giao lộ giữa đường 12B và QL6, con đường chạy lên Mai Châu, Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên Phủ…

Những cựu binh Pháp rơi lại từ chiến tranh Đông Dương mà tôi cùng đi với họ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước mở cửa, gọi đường 6 là route du bourbier, con đường lầy lội hay vũng lầy của tuổi trẻ đã níu chân họ trong chiến tranh Việt-Pháp, nỗi đau thất trận Điện Biên Phủ và tháng ngày tù binh trên con đường dài dằng dặc từ thung lũng Mường Thanh đến Sầm Sơn. Nghe đâu, họ đi mất cả tháng trời trước khi đến Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Đường Mãn Đức đi Mai Châu có một điểm dừng chân tuyệt đẹp. Vách núi đá vôi Dốc Trắng dựng đứng, màu trắng hoang hoác trùm xuống hẻm vực Thung Khe. Sương mù giăng kín núi rừng, chỉ còn lờ mờ những hàng quán liêu xiêu bên vệ đường. Người Thái-Tày quanh đây biến rẻo đất giữa núi cao-vực sâu thành cái chợ xép ấm cúng bán rau rừng, măng tươi, gà đồi, heo cắp nách… Chợ ven đường là nơi cánh lái xe dừng lại, kéo hơi thuốc lào, uống chén chè xanh. Hình ảnh than củi bập bùng đỏ lửa lách tách dưới những nồi bắp luộc bên hàng quán hoang sơ ấy theo tôi qua mấy chặng đường.

Từ Thung Khe đi Tòng Đậu không xa. Nơi ngã ba Tòng Đậu, tỉnh lộ 15 rẽ xuống thung lũng Mai Châu. Đi du lịch, cứ tận hưởng thời gian, bạn nên dừng lại điểm nghỉ chân nhìn xuống thung lũng Mai Châu, một trong những thung lũng đẹp của Việt Nam.

Chuyến đi Mai Châu cuối cùng trước dịch Covid 19 mùa xuân 2019, sương mù phủ kín, chỉ thấy cỏ lau và dây điện giăng mắc, nay trời quang, Mai Châu hiện ra với mái ngói đỏ, đồng lúa chin vàng, núi đồi xanh lam hay tím thẫm bao quanh.

Thế hệ chúng tôi trưởng thành từ miền Nam, Mai Châu hình như chỉ gói lại trong 2 câu thơ Quang Dũng, Nhớ ơi Tây tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi. Bay xa hơn hương mùi nếp xôi, trôi mãi theo dòng hình ảnh đoàn binh không mọc tóc ngày nào, thung lũng Mai Châu đẹp, hiền hòa và gần gũi.

Lần đầu thăm Mai Châu cách đây 30 năm, các bản làng Thái trắng ngủ quên bên thời gian  ngưng đọng. Du lịch như gió mùa Đông Bắc ập đến, nhà nhà làm du lịch, hàng quán mọc lên, nhà sàn biến thành nhà nghỉ, cơm lam thành đặc sản ẩm thực, xe điện vòng vo khắp bản… Tuy nhiên, Mai Châu vẫn bình dị, dễ thương, chân chất, không đáo để như bao điểm du lịch khác. Mai Châu vẫn còn sức lôi cuốn.

Đến Mai Châu nhằm ngày cuối tuần, học sinh từ Hà Nội đổ lên thăm bản. Ngày hội của tuổi trẻ bừng lên trong nắng vàng mùa thu trải khắp sơn khê.

Sau khi đưa khách đi một vòng thăm Mai Châu, chúng tôi để khách chọn lựa, hoặc tùy nghi đi thăm bản, có mặt ở điểm hẹn lúc 17:00, hoặc cùng guide đạp xe một vòng thung lũng, thời gian 45’. Hầu hết, chọn xe đạp. Đó là một chuyến dã ngoại nhẹ nhàng, thú vị. Trong nắng chiều trung du, Mai Châu rời khỏi những lối mòn du lịch, trở nên gần gũi thân quen.

Chiều. Rời Mai Châu, đi tiếp đường 6 lên Mộc Châu.

MỘC CHÂU. MÙA THU ÔN ĐỚI.

Trong 30 năm đưa khách đi thăm đây đó, những tour du lịch thường dừng Mai Châu hoặc rẽ sang hướng Mù Căng Chải, Điên Biên Phủ, Sapa của miền Tây Bắc, tôi ít lưu lý lên Mộc Châu, Yên Châu, Sơn La, Thuận Châu… Ngoảnh lại, chỉ rong ruổi đoạn đường quốc lộ 6 này đâu đó 5, 6 lần. Nên chuyến đi mùa thu Tây Bắc-Đông Bắc này là cơ hội thôi thúc khám phá…

Dọc đường châu Mộc, ong bướm dập dìu đong đưa trên những rặng cây tràm, cây trẩu hay hoa xuyến chi, một loài hoa dại cánh trắng, nhụy vàng, họ cúc. Dưới bóng cây, những thùng gỗ sắp xếp thứ tự, giang sơn của loài ong. Nghề nuôi ong lấy mật phổ biến trên đoạn đường Tây Bắc với những đồi chè nhấp nhô, đồng cỏ xanh rì, rừng thông gợi nhớ Suối Vàng Đà Lạt, hoa cải trắng nở tràn trên đồi…

Đồi chè trái tim, Mộc Châu

Mùa thu, về đêm, lang thang thị trấn nông trường Mộc Châu, trời se lạnh, cái lạnh dịu dàng thấm nhẹ vào người vừa đủ để kéo cao cổ áo. Sớm mai khi rời Mộc Châu đi Sơn La, nắng trải trên phố phường còn ngái ngủ, trên rừng cây lá kim ôn đới, trên những đỉnh núi hình răng cưa nơi chân trời. Mộc Châu có khí vị ôn đới nhất  miền Bắc Việt Nam. Nhàn du Mộc Châu, có lẽ bạn nên đi hai người.

SƠN LA KHÔNG CHỈ CÓ NHÀ TÙ.

Trước khi đến trung tâm phố thị Sơn La, theo chương trình, chúng tôi dẫn khách đi thăm nhà tù Sơn La. Đây là lần thứ hai, tôi đi thăm nhà tù Sơn La. Lần thứ nhất, cách đây khoảng 25 năm, dẫn một đoàn cựu binh và tù binh Điên Biên Phủ đi đường 6 lên chiến trường xưa. Dọc đường, thăm nhà tù Sơn La sáng mồng một Tết. Trời mưa lạnh rả rích. Buồn như giao thừa Sơn La. Trước khi rời khách sạn Công Đoàn, cô lễ tân người Thái, tóc chưa búi lên cao, nghĩa là còn độc thân, Chúc Mừng Năm Mới bằng tiếng Thái. Hẹn ngày trở lại với nụ cười, đôi mắt còn có đuôi.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La

Thú thật, thăm nhà tù không phải là gu của tôi. Cuộc sống có nhiều điều thú vị hơn nhiều. Đến Côn Đảo, ra bờ biển nghe sóng vỗ lãng mạn hơn thăm chuồng cọp nhà tù. Sang San Francisco, lang thang Cựu Kim Sơn, đi con đường dốc dựng đứng, nhìn ra hai bên là những ngôi nhà nhỏ nhắn, màu sắc tươi vui như một hộp couleurs màu học trò, ghé bến cảng uống ly cà phê Starbucks, nhìn lên bầu trời thấy mấy con hải âu hay mòng biển lượn lờ phóng xuống mặt nước gắp cá… Nhà tù Alcatraz! Để mà làm gì? Ngạn ngữ phương Tây có câu: A chacun sa tasse de thé/ Mỗi người mỗi sở thích.

Lộ trình thăm nhà tù Sơn La năm 2022 hợp lý. Bạn chỉ cần đi theo con đường vạch sẵn, trên những bức tường ghi chú tóm tắt lịch sử nhà tù, hình ảnh những tù nhân nổi tiếng thời chống Pháp, quang cảnh nhà tù thưở ấy qua những hình nhân và hiện vật được phục chế. Rời nhà tù, rẽ phải thăm bảo tàng tại chỗ. Bảo tàng góp thêm một cái nhìn phong phú, đa dạng hơn về Sơn La. Cuộc sống không chỉ là tồn tại và chiến tranh. Hãy nhớ đến những người đã vỡ đất gieo hạt, trồng cây, dựng nhà sàn, dệt vải, làm đồ gốm, hát khúc tình ca giao duyên… trên dải đất miền Tây Bắc Việt Nam..

TRÊN ĐỒI ÉLIANE/A1 Ở THUNG LŨNG ĐIỆN BIÊN.

Đến Điện Biên Phủ, bạn nên đi thăm bảo tàng trước để có cái nhìn tổng quan về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng được trùng tu cách đây mươi năm. Thiết kế bảo tàng hình nón cụt với những ô hình quả trám, trông như tấm lưới ngụy trang bọc lấy chiếc mũ cối anh bộ đội. Tôi thì thấy giống cái mũ fez của quan chức (sultan) Thổ Nhĩ Kỳ trong đế quốc Ottoman ngày trước, bên trong kẽ những đường nét kỹ hà.

Mũ fez

Ở sảnh chờ, trước khi vào thăm tầng nổi bảo tàng, tôi trình bày sơ lược chiến dịch Điện Biên Phủ, vị trí thung lũng Mường Thanh, các ngọn đồi-hệ thống công sự quân viễn chinh mang tên… phụ nữ: Éliane, Béatrice, Gabrielle, Dominique… Người Pháp thật lãng mạn, ngay trong chiến tranh. Việt Minh phân biệt địch-ta rõ ràng, đó là tập đoàn cứ điểm chiến lược của địch, ta nhất định thắng.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên

Chúng tôi xếp hàng bước vào tầng nổi bảo tàng, không gian toàn cảnh (panorama) trưng bày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đèn tắt. Bức tranh sơn dầu sử thi Điện Biên Phủ tái hiện, gồm 4 trường đoạn từ lúc toàn dân ra trận đến ngày ca khúc khải hoàn. Tranh chầm chậm quay tròn 360 độ, ánh sáng xoay vào từng vị trí, từng tuyến nhân vật, với những hình ảnh điển hình như bại tướng De Castries…

Lần đầu tiên xem bức tranh này, được cho là độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Những lần trước, đi khách lẻ, tôi không có cơ may thưởng ngoạn tranh panorama. Tranh tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ từ góc nhìn bên thắng cuộc. Phía thua cuộc, tiêu biểu là Henri Navarre (1898-1983), Tổng chỉ huy quân Pháp trong thời gian diễn ra trận Điện Biên Phủ chỉ biết lẩn thẩn tự hỏi: “Chúng ta sẽ làm cái quái gì nơi khỉ ho cò gáy miền Thượng Du Bắc Việt? Câu hỏi ấy cứ trở đi trở lại.” Henri Navarre. Agonie de l’Indochine (1953-1954)/ Đông Dương hấp hối. Plon.Paris.1956).

Từ Bảo tàng, sang bên kia đường là thung lũng Mường Thanh, chiến trường xưa Điện Biên Phủ (13/3-7/5/1954). Con đường tráng nhựa dốc thoai thoải đưa lên đồi A1/Éliane. Đoàn 67 khách chia thành 3 nhóm, mỗi hướng dẫn phụ trách một nhóm. Tôi chọn góc nhìn không xa đồi A1 bao quát một phần thung lũng.

Nắng mùa thu Tây Bắc hanh hao. Thay vì thao thao bất tuyệt, như lời bài ca Paroles, Paroles của Serge Gainsgourg, tôi để khách đặt câu hỏi về Điện Biên Phủ, tóm tắt chủ đề và trả lời. Những câu trả lời có thể không chính thống, nhưng trung thực, xuất phát từ đáy lòng. Tiếng Việt có thành ngữ nói như vẹt, guide/hướng dẫn không phải là vẹt, lại càng không muốn biến thành chiếc lưỡi gỗ/langue de bois. Chữ nghĩa này bắt nguồn từ Liên Xô, bay sang Ba Lan và Âu Châu để chỉ một bài diễn văn, thuyết trình hay bình luận cứng nhắc, khô khan, dùng thuật ngữ để thao túng, kềm hãm, đánh lạc hướng suy nghĩ của người khác.

Khi chúng tôi đang ôn lại trận chiến Điện Biên Phủ diễn ra cách đây gần 70 năm, một nhóm người Việt, khoảng 10 người, không phải là khách du lịch, họ đi ngang, chào hỏi vui vẻ. Trong nhóm có hai người đang gánh một chiếc quách bằng tre. Tôi tò mò hỏi thăm. Đó là một gia đình gồm ba thế hệ từ Thái Bình lên Điện Biên Phủ thăm lại chiến trường xưa, thăm lại nơi người thân là chiến sĩ Điện Biên đã nằm xuống thung lũng vinh quang và đau thương này. Trong chiếc quách là khúc gỗ dâu thay cho xương cốt người lính trẻ năm xưa chết không tìm thấy xác. Họ sẽ đón xe về Thái Bình chiều nay. Người lớn tuổi nhất trong gia đình tâm sự, chúng tôi ăn ngủ không yên, chừng nào chưa đưa được hài cốt người thân về quê, dù chỉ là một khúc gỗ dâu.

Chiến tranh qua đi nhưng ám ảnh cuộc chiến vẫn còn. Từ thế hệ kháng chiến chống Pháp đến cuộc chiến Bắc-Nam kết thúc gần 50 năm, lát cắt vẫn chưa liền lại.  Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, thế hệ chúng tôi ra trường đại học mùa hè 1973 khi Hiệp Định Paris vừa được ký kết, chiến tranh những tưởng đã lùi xa. Vậy mà vẫn chưa nguôi ngoai!

Tiếng Pháp có thành ngữ: Tournez la page/Sang trang. Nhiều khi, muốn sang trang, rời bỏ bến bờ dòng sông tuổi trẻ, mà khó lắm thay.

TỪ ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐI LAI CHÂU-SAPA.

“Đường lên Mường Lái (Mường Lay) bao xa? Trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh” Quốc Sử Quán Triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí. Bản dịch của VKHXH Việt Nam. NXB Thuận Hóa. Tập 4.Trang 294.

Xin tạ ơn du lịch và cám ơn đời. Nhờ du lịch mà tôi được đặt chân lên miền biên ải xa xôi diệu vợi này. Cũng đâu đó năm bảy lần sau 30 năm rong ruổi. Những một đèo, một đèo, lại một đèo qua Tam Điệp, Đèo Ngang, Hải Vân, Lò Xo, An Khê, Ngoạn Mục, đèo Khánh Lê, đèo Bảo Lộc, đèo Chuối… nhất là Khánh Lê, tuy có làm lạnh gáy dân miền xuôi chỉ biết biển và bờ, tuy nhiên, so với đường lên Tây Bắc-Đông Bắc, đèo núi chập chùng, quanh co, khúc khuỷu, hiểm trở hơn rất nhiều.

Cảm nhận đầu tiên khi xuôi ngược miền đất này, dù chỉ là dẫn khách đi ngang qua, lưu lại vài đêm, thăm thú vài nơi, nỗi niềm ấy nay đọng lại thành ám ảnh trầm tích với câu hỏi xuyên suốt những chuyến đi miền cao Tây Bắc-Đông Bắc: Người Kinh lên định cư trên vùng đất phên dậu Tây Bắc khi nào trong dòng chảy lịch sử?

Những chuyến đi du lịch, thường phiên phiến, cưỡi ngựa xem hoa, không giúp tôi học hỏi được gì nhiều, tôi cũng chưa có dịp sống tại chỗ cùng người dân để cảm nhận đầy đủ ý nghĩa câu Ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên, cuối cùng chỉ là kẻ lãng du, vừa đi vừa ngước nhìn. Dọc đường lưu lý, tôi cố gắng ghi chép đôi điều, góp nhặt thêm những tài liệu, sách tham khảo trong tầm tay. Chỉ mong đây là những nét phác thảo thô vụng từ người miền xuôi. Một kiểu chuyện phiếm, nói theo nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường.

Trong bức tranh thiên nhiên vùng cao Bắc bộ, các dòng sông/nậm chảy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam như sông Đà, sông Hồng, các phụ lưu, chi lưu… Dòng sông, con nước là những sợi chỉ màu xanh thăm thẳm gắn kết cư dân mạn ngược. Những lưu vực sông, triền sông là con đường sống thiên nhiên của đồng bào thiểu số. Nậm chảy miên man qua khe núi, vực sâu, giúp con người quần cư và sinh tồn như những Oasis, mạch suối nguồn ốc đảo của các sắc dân du mục như người Touareg ở sa mạc Sahara.

Theo dòng lịch sử, hình như vua chúa Đại Việt chỉ quan tâm tới vùng biên giới phía Bắc mà bỏ ngỏ đất phên dậu phía Tây Bắc, có khi chỉ giải quyết (biên giới) phía Tây theo quyền lực thực tiễn của mình trong tương quan với thế lực Trung Quốc mà thôi (Tạ Chí Đại Trường. Chuyện phiếm sử học. Trg 162. Nhã Nam & NXB Tri Thức.2016).

Qua nghìn năm Bắc thuộc, các mũi tiến công chủ lực của quân Nguyên-Mông vào giữa thế kỷ 13, quân Minh đầu thế kỷ 15, thường tập trung nơi vùng Đông Bắc, men theo triền sông Hồng và các phụ lưu, từ đó tiến thẳng về Đông Kinh (Đông Đô-Hà Nội).

Tây Bắc là miền biên ải thời Lý-Trần với các đạo Lâm Tây, Châu Đằng, Đà Giang. Sang đầu thế kỷ 15, đó là hai châu Gia Hưng và Quy Hóa, dưới đời Lê Thánh Tôn đổi thành xứ Hưng Hóa, sang thời Minh Mạng thành tỉnh Hưng Hóa. Địa danh này đi vào sử sách với hai cuốn địa chí “Hưng Hóa Phong Thổ Lục” của Hoàng Trọng Chính viết năm 1778 và “Hưng Hóa Kỷ Lược” của Phạm Thận Duật hoàn tất năm 1856 dưới thời Tự Đức. Theo dòng, địa danh Hưng Hóa hình như bị lãng quên trên bản đồ hành chánh Việt Nam hiện nay, chỉ tồn tại giáo phận Hưng Hóa, có địa giới rộng nhất trong giáo hội Công Giáo Việt Nam.

Từ thưở đất nước tự chủ bước sang thời Pháp Thuộc, sau khi chiếm cứ vùng trung châu và bình định miền thượng du Bắc Kỳ, cuối thế kỷ 19, chính quyền thuộc địa chia xứ Hưng Hóa thành các tỉnh Lao Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu. Địa giới hành chính này là bộ khung cơ bản cho đến bây giờ với vài thay đổi qua dòng thời gian. Chuyển biến quan trọng nhất của miền biên viễn là sự hình thành khu Tự Trị Tây Bắc/xứ Thái Mèo và khu Tự Trị Đông Bắc/Việt Bắc thời Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa.

Thời Lý Trần, chính quyền trung ương Đại Việt thường liên kết vùng đất phên dậu miền Tây Bắc bằng hôn nhân. Nhà vua gả những công chúa cho những thổ hào, đầu mục địa phương để gắn kết miền núi và trung châu. Triều đình cũng thực hiện chính sách ky mi, giao cho những tập đoàn thiểu số địa phương như họ Cầm, họ Xa, họ Hà, họ Đèo, họ Lương… nắm quyền cai trị miền núi khi quyền lực trung ương còn giới hạn. Chính sách lưu quan (đưa quan lại từ miền xuôi lên miền ngược) để củng cố chính quyền trung ương chỉ bắt đầu từ thời nhà Nguyễn, nhất là Minh Mạng với chế độ trung ương tập quyền chặt chẽ.

Vùng biên giới Tây Bắc thời Lý-Trần là địa bàn cư trú của các dân tộc Thái-Lào-Mường- H’mông… Thổ nghi, văn tự, phong tục tập quán, ngôn ngữ, y phục mang dấu ấn các sắc dân hệ ngôn ngữ Thái-Tày-Nam Chiếu-Ai Lao, tập hợp qua các tên gọi: Bồn Man, Lão Qua, Vạn Tượng. Đi xuyên vùng Tây Bắc-Đông Bắc, chỉ dẫn đầu tiên để phân biệt các dân tộc thiểu số là y phục qua màu sắc, khăn đội đầu, búi tóc, kiểu áo, váy và cạp váy, xà cạp bó ống chân …

Dù đất nước liền một giải từ Nam Quan đến Cà Mau từ 1802, miền cao Tây Bắc, vùng chàm/indigo qua cái nhìn người miền xuôi có phần xa lạ, rừng thiêng nước độc. Dân gian có câu: Ma châu Mộc, độc châu Ma.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sđd, tập 4, trang 304, năm Gia Long thứ 18, số đinh ở Hưng Hóa là 5.469 người, đời Thiệu Tri 9.715 người, nay (khoảng năm 1882, ghi chú của người viết) là 17.098 người. Người Việt lục tục lên miền Tây Bắc thời Pháp thuộc để khai mỏ, làm đường sá, cầu cống… Sau 1954, người Kinh lên Tây Bắc thường là bộ đội, viên chức trong bộ máy chính quyền hay công nhân làm việc trong những nông trường. Mộc Châu có hai thị trấn: Thị trấn Mộc Châu và Thị trấn Nông trường Mộc Châu, phố thị này tập trung người miền xuôi lên châu Mộc làm việc trong những nông trường chè hay bò sữa…

Có thể hình dung người Kinh lên miền Tây Bắc cuối thế kỷ 19, giữa thế kỷ 20, tiếp diễn qua từng chặng đường tồn tại và phát triển miền thượng du trù phú mà xa vắng này.

Tuy chiều dài bờ biển Việt Nam trên 3000 km, để giải quyết vấn đề con người và môi trường sống, nạn nhân mãn, năng suất nông nghiệp, Việt Nam chỉ chăm bẵm vào miền núi và cao nguyên với tầm nhìn trọng nông. Đất nước hình chữ S như bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương nhưng giới cầm quyền và người dân ít khi phóng tầm mắt hướng ra biển và đại dương. Điều này khác với nhiều nước ở Đông Nam Á như Indonesia, Mã Lai…

Đối với tôi, giấc mơ Tây Bắc bay bổng từ bài thơ thời trung học ở nhà trường miền Nam Việt Nam…

Người đi châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có thấy dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa

Bạn sẽ phải lòng Tây Tiến/Quang Dũng khi đứng trên rẻo cao nhìn xuống thung lũng Mai Châu, suốt con đường chạy dọc sông Đà trong nắng chiều thu phai, nơi đèo Ô Quy Hồ với núi non màu lam đỉnh hình răng cưa… Giấc mơ thời trẻ phiêu linh trong trí tưởng, nay đọng lại nơi chân trời, núi cao, vực sâu, thoáng mây bay đi hay thác đổ mưa nguồn bên đường…

Bạn ơi! Hãy rong ruổi một lần trong đời con đường núi non giăng kín mùa thu để thấy hạnh phúc đôi khi trong tầm tay.

BÌNH MINH SAPA 1994 & SAPA MÙA THU 2022.

Thiên nhiên, phố thị, dòng sông, hình bóng thiếu nữ… trong thoáng gặp gỡ đầu tiên, khoảnh khắc  thăng hoa ấy thường dễ làm mềm lòng. Tôi yêu thị trấn trong sương từ cái nhìn đầu tiên, mùa thu 1994.

Từ ga Hàng Cỏ, đưa 2 khách Pháp lên chuyến tàu đêm Hà Nội-Lào Cai. Cabin 6 giường, mỗi bên 3, ở giữa là lối đi có chiếc bàn nhỏ và bình hoa giấy bằng nắm tay. Điều hòa trung tâm, nghĩa là bạn không thể điều chỉnh nhiệt độ trong cabin. Trong cuộc xâm lăng Ukraine, xem thời sự quốc tế trên truyền hình, tôi gặp lại hình ảnh những chuyến tàu di tản những người tị nạn Ukraine từ Tây sang Đông. Không gian, cách bài trí trong toa tàu từa tựa tàu Thống Nhất Việt Nam. Trong đêm đen xã hội đại đồng hoang tưởng. Tôi đã quá quen thuộc với những chuyến tàu chợ Huế-Đà Nẵng bầm dập những năm tháng thất bát sau 1975 nên được đi xe lửa có giường nằm là… niềm vui, chỉ ngại nhất cái restroom cuối toa.

Lần đầu tiên lên Sapa nên thao thức chẳng ngủ. Thỉnh thoảng, tôi đứng tựa hành lang toa tàu hẹp chỉ vừa đủ cho một người đi, nhìn bâng quơ bóng đêm ngoài kia. Hình ảnh lướt nhanh cầu Long Biên mờ tối, phố thị, đồi cọ trung du, sân ga miền cao, đoạn gần đến ga Lào Cai, dưới chân cầu, hình như sông Hồng đang thở dài mệt mỏi. Khi tiếng còi tàu rúc lanh lảnh, nhà ga Lào Cai hiện ra trong sương. Thuở ấy, 90% khách đi tàu là dân địa phương, đa số là khách thương, 10% còn lại chia đều 50/50 cho khách ba lô và khách đi đoàn.

Lào Cai/Lão Nhai, chữ Hán nghĩa là phố cổ. Hình như, phố cổ đã bị xóa mất từ chiến tranh Biên Giới Việt-Trung mùa xuân năm 1979, chỉ thấy phố mới na ná miền xuôi đồng bằng Bắc Bộ. Lào Cai nằm ở thung lũng nên nóng ẩm. Khí hậu ôn đới chỉ trải dài quanh co trên con đường 4D nối Lào Cai-Sapa với hàng cây lá kim bên đường, phía sau hàng cây là vực sâu, bên kia đường, núi cao với những con đường mòn mở xuống sinh lộ của đồng bào thiểu số để bán chút măng rừng, nấm khô, nải chuối, gùi mận… Đường hẹp, nhiều khúc cua ngặt nguy hiểm nhưng cảnh trí tuyệt đẹp. Tôi nhờ bác tài người Lào Cai dừng xe ở một nơi khá thông thoáng bên kia đường. Trước mắt là núi cao, vực sâu, xen kẽ những giải ruộng bậc thang. Mùa thu, mùa gặt, lúa chín vàng trên non cao. Trong hơi sương, hình như thoang thoảng mùa lúa mới. Khoác vội chiếc áo lạnh, tôi hít thở không khí trong lành miền cao Tây Bắc lần đầu tiên trong đời. Tự nhiên nhớ đến một truyện ngắn của Mai Thảo đọc thời trẻ: Bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời. Thoáng chốc, mây mù che kín tầm nhìn, núi cao, ruộng bậc thang và cả con đường quanh co trước mặt.

Sapa là đây… Tháp chuông nhà thờ màu đá xám ẩn hiện trong sương mai. Thị trấn bình yên. Chỉ có mấy con đường chính đang ngái ngủ…

Sapa đẹp trong làn sương mờ

Phố núi cao phố núi trời gần/Phố xá không xa nên phố tình thân. Còn chút gì để nhớ. Thơ Vũ Hữu Định. Phạm Duy phổ nhạc.

Thuở ấy, Auberge Đặng Trung lưng chừng phố Cầu Mây là lữ quán thu hút khách du lịch nhất. Tôi nhớ ông chủ phong thái điềm đạm, tiếp khách Pháp với ngôn ngữ Molière, chất giọng giáo khoa, trường quy đầu thế kỷ 20, khiến hai khách Pháp đi cùng tôi ấm lòng sau chuyến tàu đêm rung lắc vật vã. TGV: niềm hãnh diện về giao thông kết nối của đất nước hình lục lăng. Train à grande vitesse, tàu nhanh tỏa đi từ Paris đến những thành phố lớn từ 1981.Trên đất nước tôi, chuyến tàu đêm Hà Nội-Lào Cai cũng mang tên TGV với một ý nghĩa khác, train à grande vibration/tàu rung lắc mạnh. Có lúc, trên couchette, tôi mơ hồ thấy mình như những hạt lúa đong đưa, lắc lư dần sàng, chỉ sợ lọt xuống nia. Tuy nhiên, tàu đêm năm cũ bao giờ cũng là một kỷ niệm khó phai.

Trung bình, mỗi năm (mùa du lịch thường kéo dài từ trung tuần tháng 10 đến cuối tháng 4), tôi dẫn khách từ Hà Nội lên Sapa dăm bảy lần, lên về bằng xe lửa, có lần đường hoàng đi trên toa tàu của Victoria Express do Victoria Sapa kinh doanh, phiên bản vùng cao Việt Nam của… Oriental Express. Tôi chưa có dịp đi đường cao tốc Hà Nội-Lao Cai, khánh thành năm 2014.

Dấu ấn thời Pháp thuộc còn lại ở Sapa là trạm khí tượng, vài kiến trúc thuộc địa nay là cơ quan hành chánh, nhà hàng-khách sạn nhỏ như  Le Gecko không xa quảng trường trung tâm. Chất Tây nhất Sapa còn thoang thoảng trong không gian  là… khí hậu. Áo khoác, áo trấn thủ, mũ len, ủng, khăn quàng bay bay trong sương mai. Lãng mạn Sapa.

Từ bản làng đến phố thị, cánh phụ nữ H’mông, Dao, Hà Nhì… vẫn còn trung thành với y phục cổ truyền. Họ ngồi chụm năm chụm ba trên những con đường chính, cố gắng mời chào khách du lịch, từ tấm thổ cẩm, chiếc vòng bạc… Việc buôn bán là độc quyền của phụ nữ, từ cháu bé đến bà cụ mom mem quấn khăn màu đỏ mà bạn thấy trên những xấp bưu ảnh.

Về xuôi, thỉnh thoảng, tôi nhớ những bậc cấp bằng đá đẽo làm thành lối đi rộng từ phố Cầu Mây lên lưng chừng điểm cao Hàm Rồng, nhà thờ Sapa; từ quảng trường trung tâm lên khách sạn Victoria, từ phố Cầu Mây bước xuống chợ Sapa. Ôi! Những tảng đá màu hồng, trắng hay thoa son, nhẵn thín, chứng nhân cho Sapa qua dòng thời gian: từ bản làng đồng bào thiểu số heo hút Tây Bắc biến thành thị trấn nghỉ mát bé tí vùng cao thời Pháp thuộc đầu thế kỷ 20, Sapa tồn tại qua những năm tháng chiến tranh không ngừng nghỉ, rơi vào quên lãng khi đất nước thống nhất, ngủ quên trong mây mù lạnh giá vì nghèo quá mà đường xa vạn dặm. Nhờ chiếc đũa thần du lịch những năm 90 của thế kỷ trước, thành phố miền cao dậy muộn ấy bùng nổ về mọi mặt: hạ tầng cơ sở, cảnh quan, con người…  một thứ du lịch tự phát, ăn xổi ở thì cuốn phăng tất cả như lũ quét mùa hè, kèm theo những hệ lụy của nó.

Hình ảnh nhà thờ cổ Sapa cực đẹp

Ngay lòng phố thị, chợ Sapa đẹp, y phục đa dạng các sắc dân thiểu số, nhất là khăn quấn đầu, họ di chuyển trong hương hoa rau trái, màu sắc nông thổ sản. dược liệu vùng cao, cuối cùng tập trung ăn trưa nơi quán xá giữa chợ với những chiếc bàn dài, ghế băng. Khách và tôi đã thưởng thức bữa ăn ngon, thú vị, bio và đáng nhớ ở chợ Sapa tháng 10/1994. Rất tiếc, chợ nay bị xóa mất, dời ra ngoại vi, nhường chỗ cho những thứ hái ra tiền nhanh hơn. Người Việt mình thường thích đi tắt đón đầu, ai cũng muốn ăn xổi, ăn bạo. Lên non cao bây giờ, muốn đi thăm chợ phiên các sắc dân thiểu số, phải đi xa hơn, đến chợ Hoàng Su Phì, Cốc Ly, Cán Cấu, Bắc Hà… trong đó sắc màu viễn xứ nhất là Bắc Hà.

Sapa thay đổi nhanh từ những năm 2000. Nhà liền kề, nhà sát vách núi, nghĩa địa… biến thành khách sạn, nhà hàng. Home stay rải rác trên những bản làng, nhất là con đường đất nối Lao Chải-Tả Van. Sapa bão hòa khách du lịch, nhất là cuối tuần,  phố núi Sapa biến thành nồi áp suất sôi sục khi đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai vươn đến gần chạm ngõ hàng cây tùng, bách trên đường 4D và hệ thống cáp treo Sapa-Fansipan khánh thành, hút khách từ miền xuôi lên.

Có những hình ảnh tưởng đã vĩnh viễn trôi mãi về đâu, bỗng chập chờn tái hiện.Tôi nhớ Sapa đêm Giáng Sinh năm chuyển giao thiên niên kỷ. Sau khi đưa khách nhận phòng khách sạn Ecolodge xa tít tắp sát đập thủy điện gần chân núi, tôi tất bật quay về phố Cầu Mây kiếm phòng trọ, lang thang gần suốt đêm, mặc cái lạnh thấm sâu vào da thịt.

Thế giới bước sang thiên niên kỷ mới. Chúc mừng em. Chúc mừng bạn. Đêm Giáng Sinh Bình An cho người dưới thế.

HÀ GIANG. “DÔC LÊN KHÚC KHUỶU DỐC THĂM THẲM” (Tây Tiến. QUANG DŨNG).

Có thể hình dung Hà Giang qua 3 vùng địa lý:

  • vùng núi cao phía Bắc tiếp giáp cao nguyên Vân Nam (Trung Quốc) với Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.
  • vùng núi cao phía Tây gối đầu vào dãy núi thượng nguồn sông Chảy và dãy con Voi.
  • vùng núi thấp ở Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình, thành phố Hà Giang.

Hà Giang dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm nơi núi, cao nguyên đan xen. Nhớ hình ảnh cao nguyên đá tai mèo lởm chởm vách dựng đứng màu xám đen nơi những thân bắp oằn mình vươn lên đón chút dưỡng chất trần gian, nhớ đèo Mã Pí Lèng, hẻm Tu Sản (fjord), dưới sâu kia, mất hút trong tầm mắt là sông Nho Quế vẽ thành một lát cắt màu xanh thăm thẳm giữa núi rừng xám, nhớ những cánh đồng hoa tam giác mạch lấm tấm màu hồng, trắng, tím với hàng đoàn nam thanh nữ tú kéo xuống chụp ảnh, nhớ con đường lau sậy phía bắc thành phố Hà Giang thấp thoáng có dòng sông… Khi dừng xe, nhìn trước nhìn sau, lục lại ký ức mới nhớ là sông Lô. Chẳng ai thấy trọn một dòng sông. Cũng khó hình dung một dòng sông qua thi ca, âm nhạc, Trường ca sông  và dòng sông đang lững lờ trôi đi trước mắt.

Đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Thổ địa Hà Giang
Sông Nho Quế nhìn từ trên cao. Ảnh: Review Villa
Những cung đường uốn lượn tuyệt đẹp. Ảnh: MIA

 

Hà Giang còn nói với tôi điều chi? Làm sao quên được trưa hoang sơ, ghé thăm Phó Bảng nơi cùng trời cuối đất, nhà trình tường vách đất lợp tranh, trước hiên nhà treo lủng lẳng thành hàng những trái bắp phơi khô. Bắp vùng cao như lúa gạo miền xuôi. Có bánh bắp, rượu bắp, cháo bắp, mèn mén…Hai bên cửa chính vào nhà, dán 2 mảnh giấy đỏ ghi Cống Hỷ như nhà phố Chợ Lớn những ngày Tết. Gặp những người dân làng, tôi giải thích cho khách đây là một ngôi làng người Hoa trên đất Hà Giang, sát biên giới Việt-Trung. Một vị cao niên trong làng lên tiếng đính chính và minh xác: Phó Bảng là một ngôi làng người Hán, không phải người Hoa!  Báo hại, sau chuyến đi, về nhà, tôi lục tìm tài liệu, sách vở, Wikipedia… xem thử giữa người Hán và Hoa, sự khác biệt ở đâu? Tại sao, người dân Phó Bảng nhận mình là người Hán mà không phải Hoa kiều?

Phó Bảng như một bức tranh vẽ

Bốn khách Pháp đi cùng tôi thì đơn giản hơn. Trong cái nhìn của họ, Phó Bảng là phiên bản Việt vùng cao trong truyện tranh Tintin nổi tiếng của Hergé: Lotus Bleu/ Sen xanh. Chỉ thiếu chú chó… Milou.

Đồng Văn, nơi thị trấn xa nhất của Việt Nam hướng cực bắc, đi vòng vo giữa núi đồi đá vôi bị bào mòn hình bát úp ở huyện Sà Phìn, bạn sẽ đến đồi Con Rùa, trên đó tọa lạc dinh thự họ Vương hay nhà Vương. Kiến trúc phòng thủ kiểu lâu đài mang dấu ấn Trung Hoa, H’Mông, Pháp với pháo đài, lỗ châu mai, bể chứa nước ngọt và cả hầm… tích trữ thuốc phiện. Riêng tôi, hình ảnh đẹp nhất của nhà Vương là rừng cây sa mộc hay chi sa mu, tên khoa học Cunninghamia, họ Hoàng đàn, hàng cây như bức tường thành thiên nhiên bao quanh. Dáng cây đẹp, cao uy nghi, màu xanh đậm, nổi bật trong chiều tà Đồng Văn.

Không xa chợ phiên Bắc Hà, đến Lào Cai, bạn có dịp đến thăm dinh thự Hoàng Yến Chao, Hoàng A Tường[4]. Cũng kiến trúc phòng thủ Tây phương nằm trên đồi, dựa lưng vào núi, trước mặt là dòng suối.

Tòa nhà chính của dinh thự Hoàng A Tưởng
Hình ảnh ông Hoàng Yến Chao cùng vợ và toàn cảnh khu dinh thự Hoàng A Tưởng

Cả hai kiến trúc dinh thự nổi bật và hoàn toàn tách biệt với nhà vùng cao dân địa phương với tường đất, mái lợp lá hay những mảnh gỗ liền kề thay ngói, hàng rào đá xếp chung quanh nhà.

Đứng trước hai kiến trúc độc đáo của hai lãnh chúa đồng bào thiểu số núi rừng Tây Bắc và Đông Bắc, tôi lẩn thẩn nghĩ đến cơ ngơi và phần mộ dòng họ Mạc Cửu ở  cực nam của đất nước: Hà Tiên. Những di thần bài Mãn phục Minh họ Mạc, qua bao đời, đã gắn kết miền đất Hà Tiên vào lãnh thổ Đại Việt, từ đời các chúa Nguyễn. Vậy mà dấu ấn hồi cố còn lại chỉ là một gian nhà nhỏ và nghĩa trang họ Mạc trên gò đất phía sau nhà. Tâm tình, nỗi niềm, sự đóng góp của dòng họ Mạc đất Hà Tiên như quyện trong thiên nhiên, đất trời, chẳng cần phải khẳng định qua những kiến trúc nguy nga, bề thế.

Đêm Đồng Văn, ghé thăm đình-chợ Đồng Văn ngay trung tâm thị trấn. Cách đây mươi năm, về đêm dịp cuối tuần, đình-chợ tập trung các sắc dân thiểu số, hầu hết là cánh mày râu, quây quần chung quanh đám lửa than, rượu ngô kết nối con người.

Mùa thu 2022, trong không khí tưng bừng Lễ hội Hoa Tam giác mạch Đồng Văn, đình-chợ trung tâm, mượn lại một hình ảnh thân quen: chõ xôi ngũ sắc của đồng bào vùng cao nay biến thành hàng hàng lớp lớp quán cà phê-trà sữa. Đồng bào mạn ngược, họ bỏ đi đâu hết?

Tam giác mạch bung nở màu hồng tươi thắm sắc

Tuy nhiên, kỷ niệm Hà Giang sâu đậm nhất đối với tôi là năm 2000, lần đầu tiên lên vùng cao Đông Bắc, đưa khách đến thăm và ngủ đêm bản Mè, bản người Tày, trước khi vào thị xã Hà Giang. Bản làng đẹp, lặng lẽ. Cọ đan xen, xòe cánh nơi rìa bản như hàng tre quanh ngôi làng miền xuôi. Nhà sàn nơi chúng tôi nghỉ lại và ăn tối rộng mênh mông. Hình như nhà nào cũng có  ao cá trước nhà. Bữa ăn ngon quá, hình như món ăn Tày, Mường và Huế có nhiều điểm giống nhau? Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Từ Chi gọi đó là thẩm thấu qua biên giới. Trong bữa ăn, chủ nhân ngôi nhà, một bác người Tày lớn tuổi, kể cho chúng tôi những năm tháng chiến tranh khốc liệt 1986-1988.

Sáng hôm sau, chúng tôi lại đi một vòng thăm bản. Phong cảnh yên hàn, dân tình dễ mến, kỷ niệm khó phai. Du lịch có lướt qua cũng chỉ là cơn gió nhẹ một sớm cuối thu.

Dọc đường gió bụi, cám ơn núi non, dòng sông, bản làng, con người, và bao kỷ niệm ru mãi ngàn năm.

P/S: Khi viết những dòng này, 12/6/2024, mưa to và lũ lụt lớn ở Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, những đoạn đường đã đi qua mấy mùa thu. Bạn ơi, lên Tây Bắc-Đông Bắc, nên tránh mùa hè, mùa mưa lũ.

BA BỂ, HỒ TRÊN NON.

Con đường từ Đồng Văn đi hồ Ba Bể xa thăm thẳm. Từ Hà Giang sang Cao Bằng, Bắc Kạn. Sử gia Trần Quốc Vượng nhận xét: “Cao Bằng là một thế lưỡng tính vừa Cao (núi non) vừa Bằng (thung lũng hay bồn địa giữa núi).[5]

Cao Bằng với thành Nà Lự là thủ phủ của nhà Mạc từ năm 1594-1677 với ba đời vua Mạc cuối cùng và những cuộc chiến chinh liên miên đã in dấu qua câu:  Nàng về nuôi cái cùng conĐể anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Những chuyến đi trước đây, chỉ là nhóm khách nhỏ 4, 5 người, lái xe và guide tùy nghi ứng biến, thường dừng ăn trưa nơi nhà hàng bên ngoài lối vào mỏ thiếc Tĩnh Túc. Cơm bụi dành cho công nhân nhưng ngon và lạ miệng. Lần này 67 khách nên đặt ăn ở Bảo Lạc, một nhà hàng tiệc cưới ở thị trấn, vị ngon và chất dân dã cũng phôi pha.

Như bất cứ ngành nghề nào, trong du lịch, ăn uống thường đi đầu. Không thể lý luận vẻ chi ăn uống sự thường/Kiều, phải xác nhận có thực mới vực được đạo, nhất là khi bữa ăn được quy định trong chương trình. Có tour khách ăn tự do, guide rất thích chương trình này vì được tự do/free từ khoảng 17:00. Có tour khách ăn bữa tối, có tour 3 bữa. Trong hai trường hợp sau thì guide về phòng trọ sớm nhất là 21:00 và sớm mai, rời phòng trọ lúc 6:00, cà phê ăn sáng qua loa để lên đường cùng khách lúc 8:00 hay sớm hơn. Nói ngắn gọn là làm việc trên 12 giờ/ngày. Phải rạch ròi như vậy để thấy nghề guide cũng lắm công phu. Trong đồng tiền lương thiện mà chúng tôi nhận được có chất xám, mồ hôi, nước mắt và muôn vàn hệ lụy khác.

Trở lại hồ Ba Bể. Đi khách lẻ, đến hồ Ba Bể, tiện nhất là ghé Pắc Ngòi, bản người Tày, tìm nhà ông Toàn hay những gia đình lân cận trong bản, đặt ăn và ngủ lại đêm. Home stay đúng nghĩa, ăn ngon, không khí thân tình. Gia đình ông Toàn bao luôn dịch vụ đi thuyền trên hồ. Nếu bạn muốn vận động chân tay sau gần 12 giờ ngồi xe từ Đồng Văn hay Mèo Vạc đến Ba Bể, hôm sau, bạn có thể đi dã ngoại len lỏi trong rừng trước khi đi thuyền trên hồ, guide là người nhà ông Toàn. Đồng tiền du lịch nên đến thẳng người dân địa phương càng nhiều càng quý.

Với 67 khách, đoàn ở khách sạn Sài Gòn-Ba Bể trong Vườn quốc gia Ba Bể. Do thiếu phòng, công ty đã đặt thêm 10 phòng tại một khách sạn tư nhân gần đó. Dù đi Ba Bể nhiều lần, lần đầu tiên, tôi mới có một cái nhìn khái quát về Vườn Quốc Gia Ba Bể, nhìn từ trung tâm.

Hồ Ba Bể nằm ở độ cao 145m, dài 8km, rộng 3km, độ sâu chừng 20-30m, hồ tự nhiên hình thành từ nguồn nước sông Năng và các sông suối lân cận, trên nền đá phiến và đá vôi. Ba Bể đẹp quyến rũ nhờ màu xanh núi rừng, màu xanh trong vắt của nước mặt hồ, hòa với màu xám da trời núi non Đông Bắc tháng 12. Tuy nhiên, hồ Ba Bể khiến tôi mê hoặc nhờ sự thinh lặng của thiên nhiên. Nhớ bản nhạc The sound of silence.

Chiếc điều hòa không khí hồ Ba Bể dù đã hai trăm năm tuổi vẫn còn hoạt động vô cùng tốt chắc chắn là điểm tránh nóng mùa hè tuyệt nhất @UBND huyện Ba Bể

Có đoạn, hồ thắt lại tạo thành hành lang dài bao quanh là các vách đá vôi dựng đứng, cây rừng buông trên mặt hồ, xa xa, tre nứa đan xen rừng cây xanh um tùm.

Giữa hồ có hai đảo, lớn nhất là đảo An Mã thờ một vị tướng nhà Mạc, thờ Mẫu. Đền mới trùng tu năm 2003. Không khí vắng lặng, trang nghiêm. Nơi góc bàn thờ chính còn lưu giữ hai chiếc độc bình hình như phong cách thời Mạc.

Khi theo thuyền tham quan hồ Ba Bể bạn hãy nhớ ghé thăm đền An Mạ để thưởng thức vẻ đẹp của công trình kiến trúc cổ nhé @báo Quân đội nhân dân

Đến Ba Bể, nên ghé thăm thác Đầu Đẳng. Thuyền cập bến bản Tày, con đường mòn đưa đến thác Đầu Đẳng trên sông Năng. Dọc đường, dân bản bán mật ong, chuối, cá từ hồ Ba Bể xiên nướng…

Tôi mua về xuôi một chai mật ong bọc trong chiếc giỏ đan sơ sài bằng tre. Để nhớ cuối thu se lạnh Ba Bể, nơi không chỉ có hồ trên non mà còn là thiên nhiên: rừng cây, động-thực vật phong phú đa dạng, lại chưa bị bàn tay con người hủy hoại. Hẹn Ba Bể một sớm thu phai.

QUA NHỮNG ĐỒI CHÈ BẠT NGÀN.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời Ba Bể qua con đường Chợ Rã, Phủ Thông, Bắc Kạn, nối quốc lộ 3, qua Thái Nguyên để về Hà Nội. Thái Nguyên là đất phên dậu với Thăng Long. Tôi chưa bao giờ có dịp ngủ lại nơi thủ phủ vùng trồng chè nổi tiếng phía Bắc, Thái Nguyên rất tiếc chỉ là trạm dừng chân.

Là cửa ngõ lên miền Đông Bắc hay điểm kết thúc chuyến đi vòng cung Đông Bắc, ngoài những đồi chè xanh mướt và khu gang thép nổi tiếng một thời nay hình như đã bị quên lãng, Thái Nguyên mở rộng vòng tay với Bảo Tàng Văn Hóa các dân tộc. Cùng với Bảo Tàng Dân Tộc Học Hà Nội, Bảo Tàng Dân Tộc Học Buôn Ma Thuột, BTVHCDT ở Thái Nguyên, tất cả đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều khi đưa khách đi thăm vùng Tây Bắc-Đông Bắc, cao nguyên Nam Trung Phần/Tây Nguyên.

Thỉnh thoảng, có bạn hỏi: sau hơn 30 năm xuôi ngược phía bắc nước Việt, nỗi nhớ nào còn đọng lại, sâu lắng và ý vị nhất? Xin trả lời không một chút đắn đo: trà/chè. Chè Thái, chè Sơn La, chè Shan cổ thụ, hương chè thanh khiết trong không gian u hoài một đan viện ở Ninh Bình, chè dân dã nơi những bản làng miền cao hay bên phố đông người qua Hà Nội… chè nhấp từng ngụm, trong chiếc tách không quai bên đường, ngoài kia gọi là chén chè, trong sớm mai gió mùa đông bắc hiu hắt hay mưa phùn đông xuân là thoáng hạnh phúc, niềm an hòa trên những bước đường.

Khi đến Đồi chè Tân Cương du lịch, bạn còn được dịp trải nghiệm một ngày của người dân địa phương qua các công việc, như thu hoạch chè, chăm sóc cây

Thái Nguyên trong trí nhớ lang thang là hình ảnh những đồi trà, lá xanh mơn mởn, chập chùng trong nắng chiều. Nơi phương nam, theo quốc lộ 20, từ Sài Gòn lên Đà Lạt, ngang Bảo Lộc, Di Linh, trước đây đồi trà bạt ngàn, xanh mướt hai bên đường, nay diện tích bị thu hẹp hay xóa mất, nhường chỗ cho những dự án bất động sản hay khai thác khoáng sản hoang tưởng đang muốn thổi tung tất cả, từ rừng núi, đồi trà, phố thị, khu dân cư…

VỀ HÀ NỘI.

Từ Ba Bể, chúng tôi về Hà Nội. Trong chương trình du lịch, các nhà làm tour thường phân vân giữa 2 chọn lựa:

  • bắt đầu tour từ Hà Nội, kết thúc ở Sài Gòn.
  • khởi đi từ Sài Gòn, ra miền Trung, chia tay miền Bắc.

Hình như, khoảng 80% tour bắt đầu từ Hà Nội với tầm nhìn sông từ nguồn đổ ra biển. Hãy mở đầu với châu thổ sông Hồng, xuôi miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long, quay về Sài Gòn và chia tay. Như hành trình Nam Tiến của người Việt.

Khuynh hướng thứ hai nhấn mạnh tầm quan trọng của Sài Gòn, Hòn ngọc Viễn Đông, cánh cửa kỳ diệu đưa vào Việt Nam và Đông Dương.

Chúng tôi, hướng dẫn viên, người làm thuê, thấy con đường nào cũng có những nét độc đáo riêng của nó. Không có gì là tuyệt đối, từ các học thuyết đến cuộc đời. Tuy nhiên, trong sự thành công của một tour du lịch, phải kể thêm những yếu tố khác như thời tiết, khí hậu, tâm tình của khách, chất lượng dịch vụ trong tour như khách sạn, nhà hàng, lái xe, hướng dẫn, thêm một chút… may mắn dọc đường.

Đoàn khách của chúng tôi gồm 67 người. Theo danh sách đoàn, người trẻ nhất 65 tuổi và tam vị cao niên nhất xấp xỉ 90. Tất cả đã về hưu. Gần một tháng đi cùng nhau, hoán đổi khách từ xe này sang xe khác trên từng chặng đường, chúng tôi càng lúc càng thân quen, gần gũi, nhất là khách và hướng dẫn cùng thế hệ. Thế hệ Mai 68/tháng Năm 1968 với những cuộc biểu tình rung chuyển nước Pháp thời đó. Ở miền Nam Việt Nam là thời của giảng đường đại học xen kẽ biểu tình phản kháng hay không phản kháng, tranh đấu hay viễn mơ. Ngoài kia muôn trùng chiến tranh.

Chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều niềm vui, đây đó mấy nỗi buồn thế sự. Ngôn ngữ giao tiếp không chỉ là câu, chữ, mà còn là tấm lòng mở ra con người, văn hóa và nghệ thuật.

Sau nhiều năm rong ruổi, theo ý chủ quan: 98% khách du lịch dễ mến, thân tình, vui vẻ, nhờ đó mới có thể túc tắc đi đến hơn 30 năm.

Điều quan trọng trong hành trình là bạn cùng đi với ai. (Ce qui importe, c’est pas le voyage, mais c’est avec qui on voyage. Jean Luc Gendry.)

Trở lại Hà Nội, khách lưu lại một đêm ở khách sạn Mường Thanh Grand, đường Nghiêm Xuân Yêm, gần hồ Linh Đàm, quận Hoàng Mai, hơi xa trung tâm phố cổ. Hôm sau, rời Hà Nội, đi Hạ Long, ngủ đêm trên tàu, quay về khách sạn Mường Thanh Grand Hà Nội, lưu lại một đêm. Ngày cuối cùng thăm Hà Nội và chia tay ở phi trường Nội Bài khoảng 20:00.

Thông thường, cánh hướng dẫn miền Nam quen thuộc khu vực lân cận hồ Gươm, hồ Tây hơn vì theo chương trình, khách thường lưu trú ở những khách sạn trung tâm, đây đó chúng tôi có những địa chỉ khách sạn, nhà trọ, quán ăn thân quen. Lần đầu tiên ghé lại Mường Thanh Grand Hà Nội, anh bạn guide trẻ và tôi đặt một phòng đôi với giá thân hữu, bằng 2/3 giá của khách. Chúng tôi chia nhau 50/50, dù sao cũng còn rẻ hơn phòng trọ ở Hà Nội với các vòng xe ôm đi về và ăn sáng. Hãy quan tâm đến sức khỏe của mình khi còn có thể!

Sáng đầu tiên, dậy sớm, chúng tôi dạo chơi loanh quanh hồ Linh Đàm, công viên bên cạnh, bến xe lam thương binh… Rác ngổn ngang trên lối đi công viên, thảm cỏ, mỗi nhà mặt tiền có thùng rác riêng. Trên đất nước thân yêu, tôi chưa bao giờ thấy thùng rác có ghi địa chỉ và dây xích có khóa để bảo vệ tài sản. Hà Nội tôi thế đấy (chữ của Nguyễn Ngọc Lan).

DỌC ĐƯỜNG HÀ NỘI-HẠ LONG.

Du lịch Việt Nam khởi đi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nay đã trên 30 năm.

Năm xưa, từ khách sạn ở Hạ Long, bạn đưa khách ra bến thuyền Bãi Cháy lúc 8:00 sáng, đi thuyền thăm vịnh, ăn trưa trên tàu, quay về bến lúc 14:00, về Hà Nội qua ngã Phà Rừng và Phà Bính. Nay, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng rút ngắn khoảng cách. Bến thuyền Bãi Cháy gần như rơi vào quên lãng. Những ông lớn bất động sản thi nhau lấn biển, xây dựng khu dân cư. Phố mới Hạ Long hao hao phố cổ Hội An. Cổng vào khu vui chơi Hạ Long của một tập đoàn nức tiếng là phiên bản cổng vào khu du lịch cáp treo Bà Nà Đà Nẵng, cả hai cóp nhặt vụng về Ngọ Môn, Huế. Những bến tàu như Hòn Gai, nhất là Tuần Châu ở Quảng Ninh cạnh tranh tới bến với Gia Luận ở Hải Phòng. Tình trạng cát cứ, địa phương trong du lịch căng thẳng như thời 12 sứ quân.

Từ bến tàu Tuần Châu, chúng tôi mất một giờ đi tàu nhỏ/tender ra tàu lớn Calypso, đăng ký Hải Phòng, thả neo trong lãnh hải Hải Phòng. Đi thăm vịnh Lan Hạ, Cát Bà, ngủ đêm trên thuyền. Hơn 2/3 thuyền du lịch từ bến Tuần Châu đều trực chỉ Hạ Long và chỉ được đi thăm trong phạm vi hải giới Quảng Ninh. Quần thể Hạ Long-Lan Hạ và các đảo là chiếc bánh sinh nhật chia 60/40 cho Quảng Ninh và Hải Phòng.

Quên đi những đất lề quê thói hay biển lề quê thói, vịnh Hạ Long đẹp, tuyệt đẹp, nhất là về cuối thu. Mùa này, thời khắc nào của Hạ Long cũng thi vị, gần như 4 mùa giao hòa trong một ngày. Tôi thích nhất bình minh trên vịnh, mây mù, sương mai, mặt trời e ấp trong mây cho đến khi trời xanh thẳm, về chiều, hoàng hôn nhiệt đới xuống nhanh, chỉ một thoáng là màn đêm bao phủ.

Nhiều khách Pháp đi du lịch Việt Nam từ nỗi ám ảnh cuốn phim Đông Dương/Indochine với Catherine Deneuve, Vincent Perez, Phạm Linh Đan… Chiều tà trong phim như hình ảnh tấm poster quảng cáo có nền màu vàng đất phủ kín vịnh, một màu vàng thuộc địa buồn hiu hắt. Tôi  thấy hoàng hôn Hạ Long màu xám. Màu xanh, xám, xám đen lặng lẽ choàng lên vịnh.

Chờ đón hoàng hôn giữa vịnh Hạ Long. Ảnh: Vietyatch

Về đêm, những điểm tập trung tàu thuyền ngủ lại đèn đuốc sáng choang. Những thành phố nổi  không ngủ trên vịnh nhất là dịp Giáng Sinh hay Tết Tây.

Số lượng tàu ngủ đêm ở vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ/Cát Bà xấp xỉ 5, 6 trăm chiếc. Hình thức tàu đa dạng, ngày xưa là tàu gỗ, nay đa số tàu sắt. Nhiều tàu còn chơi trội với cái hồ bơi nhỏ bằng hạt đậu trên boong tàu. Tuy mỗi ông chủ điều hành khoảng 5, 7 tàu ngủ đêm nhưng chương trình hoạt động một ngày một đêm trên tàu gần như y chang: đón khách lúc 13:00 trên tàu, ăn trưa, nhận phòng. 16:00, đi thuyền chèo hay kayak trên vịnh, 17:00, trở về thuyền lớn, Happy Hours, dạy làm nem/chả giò, 19:00 ăn tối, 5:30 sáng hôm sau, tập tai chi (option/tùy chọn), 6:30 ăn sáng, 9:00 brunch (breakfast+lunch), 10:00 trả phòng, quay về bến, 11:00 rời bến cảng, về Hà Nội. Chương trình vận hành chính xác như một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, chi ly hơn cả khách sạn trên đất liền.

Nên đến Hạ Long vào mùa hè để trải nghiệm du lịch Hạ Long ngủ đêm trên du thuyền

Rời cảng quai đê lấn biển Tuần Châu, chúng tôi về Hà Nội qua đường 18 nối Uông Bí, Mạo Khê, Đông Triều, Chí Linh, Phả Lại, Quế Võ thuộc Bắc Ninh và Hà Nội.

Điểm dừng đầu tiên là Legend, một trung tâm giới thiệu và kinh doanh ngọc trai nuôi trồng… ở Hạ Long. Chủ cở sở là một anh bạn trẻ guide tiếng Pháp, chán nghề đi tour, chuyển sang kinh doanh thành công ở Hà Nội và Hạ Long. Có khách du lịch cho đây là một cái bẫy du khách/piège à touristes, số khác muốn mua một chiếc vòng đeo cổ hạt trai tặng vợ nhân chuyến đi thăm Việt Nam. Cánh phục vụ trong du lịch như lái xe, guide qua đó, hưởng chút tiền cò, cũng chẳng nhiều nhặn gì. Đó là phó sản/by product trong du lịch. Guide đưa khách Việt ra nước ngoài/outbound nhận xét tình trạng commission còn ghê gớm và trắng trợn gấp nhiều lần ở Việt Nam, nhất là ở các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Xin phép miễn bình luận về vấn đề rất tế nhị này.

Một trong những địa điểm mà tôi rất thích dừng lại trên tuyến đường này là cơ sở gốm sứ Đông Thành, Đông Triều. Nguồn kaolin tại chỗ, tay nghề truyền thống từ bao đời truyền lại, kỹ thuật vẽ tay tinh tế, dù màu bây giờ thường là hóa chất, các giai đoạn tạo tác gốm sứ bài bản, từ các chậu lắng đất sét trắng hay vàng đến hệ thống khuôn đúc. Khi sản phẩm gốm được tạo hình, sẽ  phơi khô, trang trí ( khách và tôi thích nhất là khoản nầy) trước khi sắp xếp vào chuỗi lò cóc, dàn trải từ thấp lên cao, lò nung đốt bằng than củi và than đá.

Hình như, Đông Triều hiếu khách và chân chất hơn Bát Tràng. Thợ gốm cũng thân thiện hơn. Dĩ nhiên, sản phẩm gốm sứ Bát Tràng đa dạng và tinh xảo hơn.

Chiều buông chơi vơi khi chúng tôi đến chùa Bút Tháp theo đường bờ đê sông Đuống. Bên này sông Đuống. Miền Bắc có nhiều chùa đẹp, nổi tiếng. Từ chùa Tây Phương, chùa Thầy nơi xứ đoài mây trắng lắm, đến chùa Bút Tháp, chùa Keo Thái Bình nơi xứ đông. Tâm cảnh chùa thanh thoát, lòng người lắng lại.

Chùa Bút Tháp xây dựng từ giữa thế kỷ 17 trên nền chùa xưa, chùa của giới hoàng gia quyền quý mà vẫn đậm chất dân dã tự nhiên như chùa làng. Kiến trúc kiểu  nội công ngoại quốc phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, mái không qua cao, kể cả tháp Bảo Nghiêm. Bước vào chùa qua cổng tam quan, gác chuông, tiền đường, điện Phật, Tích Thiện am, Nhà Trung, Phủ thờ, Hậu đường, liên kết trên một trục hình chữ Công (I), bên ngoài là đường viền chữ Quốc hình vuông, từ hai dãy hành lang dài và sâu hun hút.

Đến Bút Tháp một lần để viếng điện Phật với hệ thống tượng Tam Bảo qua các thời kỳ chùa xây dựng và trùng tu, hai bên sát tường là hai hàng tượng La hán, tượng sư tổ, tượng hoàng hậu và công chúa đã góp công trùng tu chùa vào thế kỷ 17. Đỉnh cao nghệ thuật là tượng Phật Quan Âm ngàn tay ngàn mắt. Tượng nguyên bản, bằng gỗ, đẹp, sâu lắng, màu sơn ta, tâm cảnh thanh thoát u trầm.

Cầu đá với những mảng điêu khắc dân gian đưa đến Tích Thiện Am, công trình nổi bật là Cửu Phẩm Liên Hoa hay cối kinh, bằng gỗ, chạm khắc rất đẹp, có thể xoay tròn, đưa những ước nguyện của chúng sanh đến nơi cực lạc. Chùa miền Nam không thấy cối kinh. Hai Cửu Phẩm Liên Hoa độc đáo nhất chùa Việt, vẫn còn xoay tròn được  là ở chùa Bút Tháp và chùa Giám, Hải Dương.

Chùa phía Bắc thường thờ Phật-Thánh-Mẫu kết hợp với những niềm tin tôn giáo buổi sơ khai nên nơi hậu đường, ngoài bàn thờ tổ, còn thờ Mẫu, thờ tảng đá hay ông Ba Mươi (con cọp)…

Trong niềm vui an hòa được viếng chùa Bút Tháp, nỗi buồn đọng lại. Cách đây, khoảng mươi năm, quý Thầy trụ trì đã sơn mới hào nhoáng toàn bộ tượng thờ tổ, tượng Mẫu nguyên bản bằng gỗ ở Phủ Thờ. Biết nói gì đây!

Kết thúc một ngày rong ruổi Hạ Long-Hà Nội, về với chùa Bút Tháp là hạnh phúc trên từng bước chân đi.

HÀ NỘI TRONG THOÁNG HEO MAY.

Lần đầu tiên ra Hà Nội khi đất nước vừa thống nhất được hai năm, tôi đưa mẹ già ra thăm anh trai ở tù ở Hoàng Liên Sơn, sau dó di lý về Vĩnh Phú. Đi về bằng xe lửa. Hà Nội trong trí tưởng là văn chương Tự Lực Văn Đoàn, nắng và hoa một thời tuổi trẻ. Tôi nhớ chiều cuối cùng Hà Nội, đi bộ trên bờ đê Yên Phụ, nhìn mặt trời tắt dần sau dãy núi màu lam phía tây. Lang thang phố phường, thấy cảnh sắc gần gũi trong… trí nhớ nhỏ nhoi mà sao Hà Nội vẫn chập chùng xa cách.

Khi du lịch phát triển từ thập niên 90 của thế kỷ trước, tôi may mắn được ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thường xuyên. Đời sống dân chúng khá hơn, phố phường có phần tươm tất, dân tình, miếng ngon Hà Nội/tên một tác phẩm của Vũ Bằng, tôi cũng biết được đôi chút, vậy mà vẫn còn một thoáng heo may khi nhớ về Hà Nội. Xuôi đồng bằng sông Cửu Long, tôi thấy mình hít thở không khí miệt vườn nhẹ nhàng, thanh thản. Gió sông Tiền, sông Hậu vậy mà dễ chịu.

Ngày cuối cùng chương trình tour, chúng tôi để khách tự do buổi sáng, giữ phòng khách sạn đến 12:00, chuyển hành lý lên xe, ăn trưa, thăm bên ngoài Lăng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, Văn Miếu, đưa khách đi thăm chợ Đồng Xuân, chương trình tự do ở phố cổ Hà Nội, tập trung lúc 19:00 ở nhà hát Rối Nước Thăng Long, chia tay ở phi trường Nội Bài khi phố đã lên đèn.

Đi gần trọn một mùa trăng. Nhớ những nẻo đường lên đèo xuống vực, nhớ dòng Nậm Thi ở Lào Cai, nước trong xanh khiến tôi liên tưởng  Dòng sông Thanh Thủy của Nhất Linh, nhớ những bụi dã quỳ dại màu vàng tươi, chùm hoa xuyến chi ong bướm dập dìu trên đường đi Sơn La, đây đó hoa trạng nguyên màu đỏ báo hiệu mùa Giáng Sinh đến, hoa tam giác mạch hai bên đường Hà Giang, hoa trắng hình chuông đong đưa bên hồ Ba Bể… nhớ nụ cười những phụ nữ H’mông váy hoa chỉ đường cho chúng tôi đi tìm làng dệt lanh Lùng Tám, nép mình bên dưới núi đôi Quản Bạ, nhớ những nhân viên khách sạn rất dễ thương ở Mường Thanh, Mộc Châu… nhớ đoàn 67 khách thân tình, hiền hòa, dễ mến mà đến nay tôi vẫn còn liên lạc, nhớ anh bạn guide trẻ cùng đi trọn một mùa trăng nhưng khác thế hệ, nhớ cô giám đốc công ty du lịch ở Sài Gòn mà tôi thường nói vui là Pretty woman qua hình ảnh cuốn phim cùng tên.

Thôi thì hãy nương nhẹ thời gian khi còn có thể, bởi rồi sẽ trôi vào thinh không.

Tháng 6/2024. TỐNG VĂN THỤY

1] Georges Eugène Haussmann, 1809-1891, thị trưởng vùng sông Seine/ Paris dưới thời Đệ Nhị Đế Chính, ông đã chỉnh trang và mở rộng để Paris có diện mạo như ngày nay.

[2] Nhan đề một tập thơ của Hoàng Xuân Sơn

[3] Điện Kiến Trung mở cửa đón du khách từ Tết Nguyên Đán Giáp Thìn tháng 2.2024. Mời tìm hiểu thêm: https://baochinhphu.vn/net-uy-nghi-trang-le-cua-dien-kien-trung-hoang-thanh-hue-1022402221553592.htm

4] Trước những năm 1945, Hoàng Yến Chao – ông chủ tòa lâu đài này, người dân tộc Tày. Ông được giao cho quản cả một vùng có đến 70% dân tộc Mông (còn gọi là dân tộc Mèo) nên ông còn được biết đến với tên gọi Vua Mèo.
Cái tên dinh thự Hoàng A Tưởng được gọi dựa vào tên của người con trai của ông Hoàng Yến Chao. Ngoài ra, tòa dinh thự này còn có những cái tên khác như dinh thự Vua Mèo hay lâu đài Hoàng Yến TChao (Hoàng Yến Chao).

[5] Trần Quốc Vượng. Theo dòng lịch sử. Những vùng đất, thần và tâm thức người Viêt. NXB Văn Hóa. 1996.

Leave a Reply

Your email address will not be published.