Tác giả: Trần Ngọc Phương
Chiều tàn ngã bóng, bầu trời dịu nắng, không gian thoáng đãng hơn, gió se se lạnh, nhìn tầng tầng lớp lớp mây trôi xa xa, trong đầu thì thầm bản nhạc mà anh bạn học người Chăm ngày xưa đã chỉ vẽ cho. Hỡi em Chiêm nữ em ơi / Nhìn chi chân trời / Đồ Bàn thương nhớ xa vời… Bỗng chợt gợi nhớ tới hình ảnh thời niên thiếu. Những ngày trốn học, cùng nhóm bạn thân đạp xe hơn cả chục cây số, trưa nắng mệt rã người, nhưng vẫn ráng, dắt xe cọc cạch lên đồi, để mà thưởng lãm cảnh quan của Tháp Cánh Tiên. Ngọn tháp Chăm đẹp nhất vùng, có tầng trên trang trí những phiến đá hoa văn nhô ra, từ xa nhìn như đôi cánh của tiên nữ, trông thanh thoát. Rồi cả nhóm đạp xe lòng vòng thăm di tích thành Đồ Bàn, cũng là thành Hoàng Đế (Tây Sơn) sau này. Tháp Cánh Tiên thì còn đó, sừng sững với thời gian. Nhưng thành Đồ Bàn thì chỉ còn lại một đoạn tường thành gạch đá đổ nát, cây cỏ um tùm. Trông mà chạnh lòng. Kinh đô với cung điện thành quách một triều đại oanh liệt của Chiêm Quốc, đã suy tàn và bị diệt vong qua chiến tranh, giờ còn lại là một bức tường gạch ngã màu đen loang lổ bám rêu xanh. Chế Lan Viên có lẽ cũng cám cảnh xưa ấy mà thốt lời ngậm ngùi:
Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi / Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian
Những sông vắng lê mình trong bóng tối / Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn / Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi…
Câu chuyện “Ma Hời” ngày đó cũng thường được nghe mẹ kể nhiều lần. Nhưng ma Hời ở đây không phải là những oan hồn tử sĩ người Chăm như ý của bài thơ trên, mà là nói về thần vàng hay ma vàng. Rằng, bị người Kinh xâm lấn, người Hời tránh mặt bỏ xứ mà lánh đi, để nhẹ hành trang, họ không mang hết tài sản, phần để tránh nguy hiểm dễ mất mạng giữa đường, họ đã chôn những thứ trang sức quí giá như đồ trang sức vòng vàng, tượng bạc, đồ thờ cúng, ở bờ thành, bờ ao, cây cổ thụ, nghĩa là những nơi đánh dấu dễ nhớ, để hi vọng sau này quay lại mà tìm lấy. Nhưng người đi thì đi mãi không về. Những kho tàng nằm ở đó mấy trăm năm biến thành ma vàng. Những đêm bầu trời không trăng, thăm thẳm, vắng lặng. Người dân đi về khuya, thường bắt gặp đàn gà vàng sáng chói dẫn con ríu rít đi ăn đêm nơi bờ ao, bờ thành, hay quanh cây cổ thụ. Người bắt gặp rượt đuổi bắt đàn gà vàng thì nó vội biết mất. Nếu bắt được gà con đem về thì sáng hôm sau nó biến thành cục đất. Họ đem mấy cục đất quăng đi, thì tối đến mấy cục đất biến lại thành đàn gà túc gọi nhau dẫn dắt đi tìm kiếm thức ăn trong đêm. Câu chuyện ma quái huyền hoặc này được nhiều người truyền tụng qua nhiều thế hệ. Qua những năm tháng chiến tranh liên miên, câu chuyện cổ truyền tụng ở vùng miền trung nắng cháy này đi vào quên lãng, bây giờ còn mấy ai biết được. Kinh đô Đồ Bàn tính ra đã xây dựng từ hơn ngàn năm trước, giữ vững gần năm trăm năm, để rồi bị tiêu diệt phá hủy trong chiến tranh (thời vua Lê), bây giờ chỉ còn lại bức tường thành đổ nát và đôi voi đá đứng chơ vơ cùng tuế nguyệt.
Như thế đấy, chiến tranh đã làm cho một quốc gia suy tàn và mất tất cả, và chiến tranh đã cũng làm cho quốc gia khác lớn mạnh hơn. Chiến tranh làm một đế quốc sụp đổ, nhưng chiến tranh cũng làm nhiều quốc gia mới thành lập. Hình thành và tan rã gần như là qui luật trong lịch sử con người. Suy nghĩ lan man về lịch sử lại dẫn tôi nhớ đến lời của sử gia Will Durant. Ông nói: “Chiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra. Khi loài người bắt đầu có văn minh nó đã không bớt, mà khi có chế độ dân chủ thì nó cũng không giảm. Có nghĩa là có con người là có chiến tranh, không nơi này thì ở nơi khác”. Ông cho rằng “hoà bình chỉ là một thể thăng bằng không bền tạm thời, chỉ duy trì khi thế lực ngang bằng, hoặc một bên chịu nhận ưu thế của đối phương.”
Nhà sử học đã bỏ cả đời đi tìm tòi tra cứu khắp nơi, thu thập tài liệu để viết nên bộ “Lịch Sử Văn Minh Thế Giới” đồ sộ. Sau những năm tháng miệt mài nghiên cứu ông rút ra được những bài học mà ông gọi là “Những Bài Học Của Lịch Sử” (The Lessons of History). Một tập sách mỏng tóm tắc những gì ông đã nghiền ngẫm thẩm thấu cả đời. Một suy gẫm độc đáo khác thường truyền tải những hiểu biết về lịch sử, giúp hiểu rõ hơn về xã hội ta đang sống ngày nay. Những bài học ông đúc kết từ việc xem xét toàn bộ lịch sử từ nhiều khía cạnh góc độ khác nhau, như địa lý, chiến tranh, sinh học, kinh tế, tôn giáo, đạo đức và tính cách con người. Riêng về mục ‘chiến tranh và lịch sử’ ông đã có nhận định như trên.
Nguyên do của chiến tranh là lòng ham muốn chiếm hữu. Ngày xưa là tranh giành thức ăn, vùng săn bắn, hái lượm. Ngày nay là lãnh thổ, tài nguyên, vùng hoạt động kinh tế và ý muốn khống chế thống trị. Nhưng theo ông, lòng tham của cá nhân có thể kiềm chế, còn lòng tham của quốc gia thì không. Cá nhân con người đánh nhau thì bị pháp luật chế tài, ngăn cản, nên xã hội yên ổn trật tự. Chính quyền đứng ra bảo đảm và bảo vệ quyền lợi cơ bản tối thiểu của mỗi người, nên họ chấp nhận hay bị buộc phải chấp nhận sự hòa giải. Quốc gia thì có khác. Quốc gia chẳng qua là tập hợp các cá nhân, có nghĩa là chúng cũng hành xử như con người, nhưng không có những cấm chỉ của con người. Và nó không chấp nhận một hạn chế nào ngăn cản ý muốn của nó, nếu nó thấy đủ mạnh. Một quốc gia nếu thấy đủ mạnh thì bất chấp ngăn cản tìm áp lực khống chế quốc gia khác để đạt lợi ích cho nó. Còn quốc gia khác thì cũng có thể thấy rằng, chẳng có một siêu quốc gia nào đủ mạnh đảm bảo cho nó có sự bảo vệ tối thiểu, nên nó phải chiến đấu để bảo vệ mình. Thế là có xung đột, có chiến tranh, có kẻ đi xâm lấn, có kẻ ra sức bảo vệ. Và thế giới luôn có xung đột diễn ra liên miên là thế. Durant rất chí lí trong suy luận này. Quốc gia và dân chúng hay nói cách khác, chính quyền và nhân dân không phải lúc nào cũng cùng một ý, cùng đi chung một đường, mà có khi rẽ hướng (nếu đối nghịch nhau thì gọi là xảy ra cách mạng). Đó cũng cách là lý giải hợp lý tại sao dân Việt chống chính quyền thực dân Pháp để giành độc lập, nhưng dân Việt không thù địch dân Pháp hay chống văn hóa Pháp, mà vẫn thân thiện dân Pháp và tiếp nhận văn hóa Pháp. Ngược lại cũng không ít người dân Pháp đã có những đóng góp tích cực cho nền độc lập và văn hóa Việt. Và thế giới cũng vậy, người ta tiêu diệt chính quyền phát xít Mussolini, Hitler, chứ đâu có tiêu diệt người dân Ý và người dân Đức. Đây chính là điểm khác biệt cốt lõi cách hành xử cá nhân và quốc gia
Cũng chương ‘lịch sử và chiến tranh’. Ông cho rằng chiến tranh là trạng thái tự nhiên của thế giới, do đó khó có khả năng chúng ta sẽ thấy thế giới sống chung hòa bình. Vì cạnh tranh là một phần không thể thiếu của con người, nên chiến tranh cũng là một trạng thái chung của nhân loại. Ông thống kê trong suốt lịch sử nhân loại, trái đất không có chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào chỉ chiếm dưới 10% thời gian (In the last 3,421 years of recorded history only 268 have seen no war). Con số ông đưa ra là một kết quả sau khi khảo cứu nhiều năm. Như thế, chúng ta có thể hiểu là 90% thời gian còn lại, con người trên địa cầu lo đánh nhau. Nhưng tôi thiển nghĩ, dù rằng ông đi nhiều, đến khắp nơi, và trải qua cả cuộc đời hơn nửa thế kỉ nghiên cứu, cùng thời gian hạn chế chỉ chừng ba ngàn rưởi năm trở lại thôi. Nhưng cũng khó thể nắm bắt hết tất cả sự kiện. Nên tôi e rằng, thời gian trái đất không gươm đâm đao chém hay đạn bay súng nổ có lẽ con số thấp hơn nhiều con số ông đưa ra, có thể chỉ là con số một hay hai phần trăm không chừng. Nếu vậy có nghĩa là từ khi con người có mặt xuất hiện trên địa cầu là có gây gổ đánh nhau gần như không ngừng nghỉ.
Theo dòng lịch sử, bản tính con người thay đổi ra sao ? Trong chương về ‘tính tình, luân lí và lịch sử’. Ông cho rằng bản tính con người không thay đổi nhiều qua lịch sử. Người xưa ra sao, người ngày nay cũng vậy. Bản năng cơ bản của chúng ta là ăn, ngủ và sinh sản vẫn giữ nguyên. Người xưa và người nay cũng như nhau. Cũng hành động hoặc nghỉ ngơi, cũng chiếm hữu hoặc trao tặng, chiến đấu và bỏ chạy, nhập bạn hay thu mình cô liêu, chống đối hay khuất phục… Tuy rằng bản tính con người không thay đổi nhiều qua lịch sử. Nhưng luân lí thì có thay đổi. Luân lí thay đổi theo thời đại. Phẩm chất tốt của thời này có thể là cái tính xấu của thời đại kia. Cái ngày nay người ta cho rằng là một tật xấu, thì người xưa được xem là một đức tính tốt. Hiểu theo nghĩa, một đặc tính giúp cá nhân hay một tập thể tồn tại sống còn. Chẳng hạn thời săn bắn, con người hiếu chiến tham lam tàn bạo và nhiều nhục dục là có lợi thế cho cộng đồng sinh tồn. Thời nông nghiệp, cưới vợ sớm, sinh con đông là món lợi kinh tế cho gia đình, siêng năng và tiết kiệm có lợi hơn là hiếu chiến tàn bạo. Thời kỉ nghệ thì đời sống đô thị trở ngại cho hôn nhân, con người theo đuổi tự do cá nhân và tri thức là chìa khóa để thành công. Những đức tính xưa như tuân phục gia trưởng, sinh con đông, thời nay cho là lạc hậu là phẩm chất xấu. Phẩm chất luân lí đạo đức tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển lịch sử. Như thế ta có thể hiểu, ở khía cạnh nào đó, không thể lấy con mắt bây giờ để phẩm bình giá trị người xưa, lấy giá trị hôm nay mà gán cách nhìn người xưa. Mà nên xét mọi việc theo thời điểm của nó.
Ông nói rằng “Không một người nào dù thông minh, biết nhiều tới đâu, mà có thể chỉ trong một đời người có kiến thức rộng rãi đủ để phán xét, bài xích tục lệ hoặc chế độ của xã hội mình mà không dễ bị lầm lỗi nặng: vì những tục lệ đó, chế độ đó là sự khôn ngoan của biết bao thế hệ suốt bao thế kỉ thí nghiệm trong phòng thí nghiệm của lịch sử.” Chúng ta hoàn toàn đồng ý điểm này. Con người, dựa theo kiến thức và kinh nghiệm sống của mình mà đánh giá xã hội thời đại mình, theo phán xét riêng của mình là tốt hay xấu. Nhưng thường là người ta không hài lòng về xã hội hiện tại, và có khuynh hướng chê bai luân lí đạo đức hay xã hội đang sống.“ (xã hội)… đầy những người mất cơ sở kinh tế, đạo đức lung lay, tinh thần hỗn loạn. Đầy những công dân bị thuế khóa và lạm phát nuốt hết số tiền dành dụm được … đầy những phụ nữ say mê tự do, tha hồ li dị phá thai và gian dâm… Một số người ngụy biện nông nổi, tự hào về chủ trương yếm thế, vô liêm sỉ của mình…” Đọc đoạn này cứ tưởng đâu lời phê phán xã hội của thời buổi hiện nay. Nhưng không, đó là lời của một triết gia xưa mô tả xã hội thời của mình (La Mã cổ đại) từ hơn hai ngàn năm trước.
Cũng cái nhìn không mấy lạc quan như vậy. Vào nửa đầu thế kỉ hai mươi. Có thi sĩ đã từng than vãn rằng: Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỉ (VHC). Cho rằng xã hội thời của mình hỗn mang, chiến tranh khắp nơi, nhân phẩm con người đi xuống dốc. Xem ra, nếu còn sống vào thời này, chắc ông cũng vẫn nói, lũ chúng ta đầu thai “lộn” thế kỉ. Bởi thế kỉ hai mốt này rõ ràng đất chật người đông, xã hội ken đặt cạnh tranh gay gắt, chiến tranh vẫn xảy ra, và mang thêm hình thức mới nữa gọi là khủng bố, hay cấm vận, đẩy xã hội vào sợ hãi hay đẩy quốc gia khác vào chỗ khốn cùng sống dần mòn, còn tệ hơn xưa.
Nhưng không vì thế mà chúng ta tự mình tạo áp lực u ám. Nên nghĩ xa và tích cực một chút. Will Durant cho rằng nên có sự hiểu biết một chút về lịch sử con người, sự hiểu biết này nó sẽ an ủi chúng ta ít nhiều, vì nó nhắc nhở ta rằng chẳng phải riêng chỉ thế hệ chúng ta mới tội lỗi, mà thế hệ chúng ta còn thua Hi Lạp và La Mã thời thượng cổ. Ông nói rằng, “thời nào đàn ông và đàn bà cũng ham đánh bạc. Và thời nào cũng vậy, con người thì bất lương, chính quyền thì tham nhũng, có lẽ thời nay còn kém thời trước”. Ông còn dẫn chứng thêm câu nói của triết gia Socrates (thế kỉ 5 TCN) “chẳng ai là không miệt mài trong thói trụy lạc đó.”. Những nhà đạo đức luôn lo lắng tình trạng băng hóa xã hội sẽ dẫn đến xã hội đất nước suy tàn. Chúng ta không đáng phải lo âu như thế. Ngẫm lại. Nếu thi sĩ chúng ta đầu thai ngược về thế kỉ năm mươi mốt trước công nguyên, thì có lẽ, chắc khá hơn một chút. Thanh thản hơn một chút. Bình an hơn một chút. Khi ấy con người sống thưa thớt gây chiến với nhau bằng chày vồ hay cầm đá ném vào nhau. Và tổ chức liên hoan thắng trận bằng cách dùng đá ghè hạt dẻ ra ăn, rồi vào rừng vúc bụm nước suối mà uống thật hả hê. Chỉ có sống thế kỉ ấy, con người mới không đau đầu, hay phiền muộn gì cả. Nhưng… cũng chưa chắc. Vì thời ấy, thi sĩ đâu có thuốc (phiện) để mà phê, không có rượu để mà say, và không có giấy bút để thi sĩ lưu lại những vầng thơ say trang nhã. Xem ra rốt cuộc, sinh ra thế kỉ nào thì không lầm đây?
Durant khuyên ta không nên so sánh những công trình tốt đẹp của một xứ nào đó, một thời nào đó với công trình tốt đẹp nhất của lịch sử trong các thời đại đã qua. Thời đại nào tầng lớp nghèo khổ cũng giống nhau. Đói rách ngày xưa không khác đói rách ngày nay. Chỉ xét tới hạng trung nhân ngày nay có làm chủ được điều kiện sinh hoạt của mình hơn cổ nhân không. Sinh hoạt đời sống của bá tánh bình dân thời nay chắc chắn là phong phú hơn, có nhiều lựa chọn hơn thời xưa ngàn năm trước, hay trăm năm trước. Cái đó đáng được đề cập đến hơn là những lăng tẩm đền đài to lớn mà dân chúng lầm than (trong sử xưa đã chẳng có câu than oán sao: Vạn niên là vạn niên nào/ thành xây xương lính hào đào máu dân). Ông cũng cho rằng, thật ra lịch sử sau cái bề mặt đậm màu sắc gồm nào là chiến tranh giữa các quốc gia, thoán quyền đoạt vị trong nội bộ, những mưu toan chính trị, những hoạn nạn, đau khổ, gian dâm, giết chóc, tự tử. Nhưng có hằng triệu gia đình êm ấm, hòa thuận, có hàng triệu đàn ông nhân từ cao thượng, hàng triệu đàn bà với tấm lòng quảng đại. Lòng nhân, lòng hiếu thảo, lòng vị tha từ con người còn nhiều hơn những hành động giết chóc tàn bạo trên chiến trường hay tra tấn trong tù ngục. Trong lịch sử cũng đã cho thấy biết bao lần con người cưu mang lẫn nhau trong nghịch cảnh, trong chiến tranh hay thiên tai. Nhưng đâu có bộ lịch sử viết riêng về phẩm chất tốt của con người, lòng nhân từ của loài người?
Như vậy, xã hội suy cho cùng có tốt có xấu. Nhưng chính những phẩm chất tốt nhiều hơn của con người mà loài người mới tồn tại đến ngày nay chứ không do cái xấu mà tồn tại. Cái hành động tích cực tạo nên sự tiến hóa cho con người chứ không phải cái thụ động cầu an. Những hành động tích cực của người xưa được tích lũy lưu lại cho người nay qua truyền đạt giáo dục. Người xưa truyền tải di sản tinh thần, đạo đức, kỹ thuật, và thẩm mỹ nhằm mở rộng sự hiểu biết, khả năng kiểm soát, để cho con người ngày nay có thể tiếp tục nâng cao, phát triển, thêm màu sắc cho đời và tận hưởng cuộc sống. Xét ra, “Con người là một khoảnh khắc trong thời gian của các tinh tú, một khách qua đường trên địa cầu. Và lịch sử của nhân loại chỉ là một khoảnh khắc trong không gian” (Since man is a moment in astronomic time, a transient guest of the earth … Human history is a brief spot in space) đúng như lời ông nói. Thế thì sao ta không trân trọng giây phút hiện hữu quí báu này trên trái đất?
……………………………………………………………….