BÀI II Những Niềm tin Cốt lõi của Người Bình dân Việt Nam Như là Những Giá trị Nền tảng cho Cuộc Sống

Tác giả: Thầy Nguyễn Văn Thái

(Tiếp theo Bài I)

Một niềm tin khác của người bình dân Việt Nam là niềm tin vào giá trị của cần lao. Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc trước những thập niên cuối thế kỉ 20 và đầu thế kỉ 21, đại đa số người bình dân Việt Nam thuộc giới nông dân và tiểu thương nên họ ít mơ tưởng đến sự giàu có lớn lao, nhưng họ vẫn nghĩ đến khả năng làm giàu do lao động đem lại. Muốn có được sự giàu có này thì trong gia đình, vợ chồng thường khuyên nhủ nhau phải chịu khó thức khuya, dậy sớm chuyên cần lo công việc đồng áng, từ việc gánh phân đi vãi ruộng cho đến việc cày bừa.

 

Đại phú do thiên; tiểu phú do cần

Thức khuya, dậy sớm tảo tần cho quen

 

Kể chi trời rét, đồng sâu

Có chồng có vợ rủ nhau cày bừa

Bây giờ trưa đã hồ trưa

Chồng vác lấy bừa, vợ dắt con trâu

Một đoàn chồng trước vợ sau

Trời rét mặc rét; đồng sâu mặc đồng

 

Làng ta bé nhỏ con con

Tháng ngày cày ruộng, cuốc nương nhọc nhằn

 

Mặt trời tang tảng rạng đông

Chàng ơi trở dậy đi đồng kẻo trưa

Phận hèn bao quản nắng mưa

Cày sâu, bừa kĩ, được mùa có phen

 

Rủ nhau đi cấy đi cày

Bây giờ khó nhọc, có ngày phong lưu

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa

 

Trông cho mau sáng, mau ngày

Em mang phân đi vãi, anh vác cày theo sau

 

Yêu em, không phải em giòn

Yêu em chất phác, việc làm siêng năng

 

Ngày nay chúng ta vẫn có thể chứng kiến đức tính tôn trọng cần lao này bằng cách quan sát giới tiểu thương ở Việt Nam sinh hoạt. Những người bán thực phẩm lề đường, hầu như người nào cũng thức dậy từ hai, ba giờ khuya để chuẩn bị các món ăn và đem ra phục vụ khách hàng từ 6 giờ sáng. Họ miệt mài làm việc mãi đến 9, 10 giờ tối, có trường hợp đến 11 giờ khuya. Với đức tính trân quý lao động như thế, dĩ nhiên là họ rất ghét tính lười biếng. Họ chê bai, châm biếm những người lười biếng bằng đủ loại từ ngữ xấu xa:

Ăn kĩ, làm dối

 

Làm giả; ăn thật

 

Làm thì làm chơi; ăn thì ăn thiệt

 

Lánh nặng, tìm nhẹ

 

Làm thì ốm [bệnh]; đâm cốm thì siêng

 

Trước đau; sau nhác [lười]

 

Vô tác [không làm]; gác mỏ

 

Làm không đụng xác; vác không đụng vai

 

Hay ăn mà chẳng hay làm

 

Sớm rửa cưa; trưa mài đục; tối giục cơm

 

Sớm thời còn mãi đi chơi; tối lặn mặt trời, đổ thóc vào rang

 

Thẳng da lưng thì chùng da bụng

 

Sáng tai họ [dừng lại]; điếc tai cày

 

Làm thì chẳng muốn bằng ai

Ăn thì thứ nhất, thứ hai trong làng

 

Ăn như rồng cuốn; làm như cà cuống lộn ngược

 

Ăn như thợ ngoã [thợ nề]; làm như ả chơi trăng

 

Ăn như tráng [thanh niên]; làm như lão

 

Ăn no; làm có [cho có lệ]

 

Ăn ở trần; mần [làm việc] mặc áo

 

Ăn thì thút cổ như cò; mần thì thút cổ như hôn [rùa]

 

Bé đi câu; lớn đi hầu; già đi ăn cơm vợ

 

 

Một người siêng bằng ba người nhác [lười]

 

Ngồi gốc sung, há miệng chực rơi

 

Người sao có bệnh đau hàm

Lúc ăn thời khỏi, lúc làm thời đau

 

Ngán thay cái kiếp lợn sề

Ăn bèo với cám, nằm lê trong chuồng

 

Hay ăn thì đi ở vú; hay đ… thì đi làm nàng hầu

 

Một thói xấu khác của người lười biếng là tật trì hoãn. Công việc cần làm thì trước sau gì cũng phải làm, nhưng người lười biếng thì có thói quen hay trì hoãn lâu được chừng nào hay chừng ấy, và có lúc vì trì hoãn quá lâu nên giải quyết công việc không còn kịp thời nữa. Cho nên, người bình dân mới có câu:

 

Nước đến chân mới nhảy

 

Nước đến trôn [đũng quần] mới nhảy

 

Tính lần khân: nước đến chân mới nhảy

 

Ra trận mới mài giáo

 

Không những chỉ trân quý lao động, chuyên cần làm ăn và chê bai, ghét bỏ lười biếng, người bình dân còn tin điều quan trọng nhất trong cuộc sống là phải có nghề chuyên môn và khuyến cáo các bậc phụ huynh điều thiết yếu không phải là chỉ cho con cái của cải, ruộng vườn, tiền bạc mà nhất thiết phải dạy nghề cho con. Ngay cả sự chịu khó cần cù lao động hay học hành chữ nghĩa cũng chưa đủ, không thể nào sánh được với nghề chuyên môn.

 

Cho con nghìn bạc không bằng dạy con một nghề

 

Cho nhau vàng không bằng trỏ đàng đi buôn

 

Bạc vạn cho vay không bằng trong tay có nghề

 

Một nghề thì kín; chín nghề thì hở

 

Một nghề thì sống; đống nghề thì chết

 

Nht nghệ tinh, nhất thân vinh

 

Chữ nghĩa bề bề thua nghề trong tay

 

Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay

 

Cần bất như chuyên

 

Ngoài ra, người bình dân Việt Nam còn có tư duy tích cực, nghĩa là trong cuộc sống, họ không có tư tưởng chấp nhận đường cùng; họ vững tin là dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, vẫn luôn luôn có giải pháp.

 

Non cao đã có đường trèo

 

Non cao cũng có đường trèo

Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi

 

Non cao cũng có đường trèo

Những bệnh hiểm nghèo có thuốc thần tiên

 

Cầu gãy còn đò, giếng cạn còn sông

 

Chớ thấy sóng cả mà lo

Sóng cả mặc sóng, chèo cho có chừng

 

Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo

 

Chớ vì nghẹn một miếng mà bỏ bữa ăn

Chớ vì ngã một lần mà thôi chân không bước

 

Nỏ lo chi phận khó nghèo

Nước lên há dễ tai bèo không lên

 

Còn da lông mọc; còn chồi nên cây

 

Còn người còn của

 

Còn nước còn tát

 

Còn răng [răng của cái bừa] nào, cào răng ấy

 

Còn răng, răng nhai; hết răng, lợi gặm

 

Còn thuyền còn chèo; còn nước còn tát

 

Cùng tắc biến

 

Đứt đâu thì nối; rối đâu thì gỡ

 

Đứt nối; rối gỡ

 

Mất mùa đồng, dông mùa biển

 

Mất mùa giữa đồng; vác choòng* vô núi

*(choòng: dụng cụ bằng sắt, hình trụ dùng để đào, bới)

 

Mất ruộng, lấy bờ

 

Với niềm tin sắt đá về tiềm năng giải quyết mọi khó khăn như thế thì sự kiên trì trong công việc chỉ là một hệ luận. Đặc tính của người bình dân Việt Nam là tin tưởng vào sự kiên trì, là bền chí, là không bỏ cuộc.

 

Đừng lùi bước trước khó khăn; đừng sầu muộn khi cùng đường

 

Chậm còn hơn không

 

Đau lại đã; ngã lại dậy

 

Thắng không kiêu; bại không nản

 

Thua keo này, bày keo khác

 

Thua keo trước; được keo sau

 

Ai ơi giữ chí cho bền

Dù ai xoay hướng, đổi nền, mặc ai

 

Được thua cù có tại trời

Chớ thấy sóng cả mà rời tay co

 

Sóng to thì mặc sóng to

Ta đẩy con đò quyết vượt sóng lên

 

Những khuyến cáo này được dựa trên những quan sát thường nghiệm của người bình dân về những kết quả tốt đẹp gặt hái được từ đức tính kiên trì. Kiên trì không phải chỉ để kiên trì mà kiên trì để và sẽ đem lại thành quả mong muốn.

 

Cát lâu cũng đắp nên cầu

 

Dốt đến đâu, học lâu cũng biết

 

Chậm đến đâu, học lâu thì biết

 

Nước chảy đá mòn

 

Ai ơi, đừng chóng chớ chầy

Có công mài sắt, có ngày nên kim

 

Ở đây gần bạn gần thầy

Có công mài sắt, có ngày nên kim

 

Trời sinh Trời chẳng phụ nào

Phong vân gặp hội anh hùng ra tay

Trí khôn xếp để dạ này

Có công mài sắt, có ngày nên kim

 

Dẫu rằng trí thiển, tài hèn

Chịu khó nhẫn nại làm nên cơ đồ

 

Ăn thì vóc; học thì hay

 

Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn

Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim

 

Người có chí ắt phải nên; nhà có nền ắt phải vững

 

Trời nào có phụ ai đâu

Hay làm thì giàu, có chí thì nên

 

Nước chảy lâu, đâu cũng tới

 

Ai ơi! Nhớ lấy lời này:

Tằm nuôi ba lứa, ruộng cày ba năm

Nhờ trời hoà cốc phong đăng

Cấy lúa, lúa tốt; nuôi tằm, tằm tươi

 

Một đặc điểm khác của người bình dân Việt Nam là niềm tin vào tinh thần thực tiễn. Họ không thiết tha với những hào nhoáng bên ngoài như sự hoang phí, tiếng tăm, danh phận, hay lí tưởng cao siêu mà chỉ tin vào những điều thiết yếu cho cuộc sống như cơm gạo, tiền của.

 

Có tiếng không có miếng

 

Có miếng còn hơn có tiếng

 

Có tiếng không bằng có miếng

 

Được tiếng mất tăm

 

Được tiếng thì miếng chẳng còn

 

Giữ tiếng chẳng tày giữ miếng

 

Hoài tiền mua pháo đốt chơi

Pháo nổ trên trời, tiền vất xuống sông

 

Hoài tiền mua thuốc nhuộm răng

Để mua bánh đúc mà quăng vào mồm

 

Hết tiền, duyên kém hẳn

 

Hết tiền, hết gạo; hết đạo, hết thầy

 

Hết tiền tài; nhân nghĩa tận

 

Mạnh gì hơn gạo; bạo gì hơn tiền

 

Mạnh thì gạo; bạo thì tiền; khôn ngoan mới mọc

 

Mạnh về gạo; bạo về tiền; lắm tiền, lắm gạo là tiên trên đời

 

Hay tám vạn ngàn tư chẳng bằng người có của

 

Thiên vàn chớ lấy học trò

Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm

 

Thà rằng lấy chú thổi kèn: phồng má, trợn mép; thịt xôi đem về

 

Thà rằng lấy chú xẩm xoan: công nợ chẳng có; hát tràn cung mây

 

Trăm đường tu; đường nào có lợi thì tu nệ gì

 

Trong ba mươi sáu đường tu; đường nào phú quý, phong lưu thì làm

 

Niềm tin vào tinh thần thực tiễn này rất có thể là nền tảng cho những động lực phát triển kinh tế cá nhân cũng như quốc gia. Giáo dục của người Do Thái, dựa vào kinh Talmud, đặt nặng nhu cầu và trách nhiệm của con người phải tạo nên của cải, làm giàu nhưng không được bị của cải khống chế mà phải làm chủ tiền tài để thực hiện những công đức như từ thiện chẳng hạn1. Rất nhiều người Do Thái hiện đang là những nhà tài phiệt lớn trên thế giới. Hoa kì là một quốc gia giàu có vào hạng nhất hoàn cầu nhờ vào tinh thần thực dụng (pragmatism) được áp dụng vào lãnh vực chính trị cũng như kinh doanh. Và chủ chốt của tinh thần thực dụng là quyền lợi cá nhân (self-interest)2.

 

Người bình dân Việt Nam, ngoài tinh thần thực tiễn, còn đặt niềm tin vào nhu cầu hành động hơn là chỉ tin vào lời nói hay lí thuyết suông. John Dewey (1859-1952), một triết gia, một nhà tâm lí học, và là một nhà canh tân giáo dục nổi tiếng của Hoa Kì, cũng đặt nặng khía cạnh thực hành (learning by doing; học bằng cách hành) như là một nhu cầu thiết yếu của giáo dục3. Người bình dân Việt Nam thì nói:

 

Có học phải có hành

 

Học bất như hành

 

Học để mà hành

 

Học hay, cày biết

 

Đối với người bình dân thì lời nói phải luôn phải được chứng minh bằng hành động. Hành động mới cho thấy được sự hiểu biết thực sự. Lời nói chưa được chứng minh bằng hành động thì chẳng có giá trị gì và đôi khi chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

 

Năng thuyết bất năng hành

 

Nói thì có, làm thì không

 

Nói thì dễ, làm thì khó

 

Nói thì hay, cày thì lỗi

 

Nói trên trời xuống bể

 

Nói trơn như nước chảy

 

Nói trước mà bước không rời

 

Nói thì như mây như gió; cho thì thằng mõ không xong

 

Nói thì như mây như gió; làm thì khi có khi không

 

Nói thì phải làm; không làm thì đừng nói

 

Nói thì tràng [chiều dài] ba, khoát [chiều ngang] bảy

 

Nói tràng ba mươi, khoát không được một tấc

 

Nói trăm thước không bằng bước một gang

 

Nói trường mười tám, rút lại không được một tấc

 

Nói hay không tày [bằng] hay làm

 

Nói trên không có chằng, dưới không có rễ

 

Trăm câu nói không bằng hòn dọi chứng cho

 

Nói chín thì làm nên mười

Nói mười, làm chín; kẻ cười, người chê

 

Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của thực hành, người bình dân đã nêu lên vấn đề ước muốn. Mơ ước là một nhu cầu mà ai cũng có, nhưng rất nhiều người chỉ mơ tưởng viển vông chứ số người đặt cho ước mơ của mình một kế hoạch thực hiện thì rất ít, cho nên chẳng bao giờ có được những điều mình ước muốn. Người bình dân Việt Nam khuyến cáo là:

 

Muốn ăn quả, phải trồng cây

 

Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh

 

Muốn ăn thì lăn vào bếp

 

Muốn ăn thì lăn vào bếp; muốn chết thì lết vào săng

 

Muốn ăn thì trôốc cúi [đầu gối] phải bò

 

Muốn ăn trái phải đốt gốc

 

Muốn ăn xôi thì ngồi gần bếp

 

Muốn béo thì ghẹo ong bầu; muốn sưng đầu thì ghẹo ong muỗi

 

Muốn biết phải hỏi; muốn giỏi phải học

 

Và một khi đã có kế hoạch thực hiện rồi thì không được “dở dở, ươn gương” mà phải nhất quyết theo đuổi mục tiêu cho đến cùng:

 

Ai ơi! Đã quyết thì hành

Đã đan thì lận tròn vành mới thôi

 

Ai ơi! Đã quyết thì hành

Đã đẵn thì vác cả cành lẫn cây

 

Ăn đến nơi, làm đến chốn

 

Đã thương thì thương cho trót; đã vót thì vót cho nhọn

 

Đã vo thì vo cho tròn; đã vót thì vót cho nhọn

 

Tuy cần phải nhất quyết trong hành động, nhưng người bình dân cũng ý thức được là nhất quyết không đồng nghĩa với sự cứng đầu, “ngoan cố”; trong cuộc sống, họ rất khinh miệt sự cố chấp và phê phán nặng nề đầu óc không chịu thay đổi:

 

Băm chẳng lỗ; bổ chẳng vào; ném ao chẳng chìm

 

Họ khuyến cáo là con người phải biết uyển chuyển, thích nghi theo hoàn cảnh vì hoàn cảnh luôn luôn thay đổi.

 

Gặp thời buổi nào, theo kỉ cương ấy

 

Gần bay là, xa bay bổng

 

Liệu bò đo chuồng

 

Liệu cơm gắp mắm

 

Liệu gió phất cờ

 

Liệu người thổi cơm

 

Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng

Về sông ăn cá, về đồng ăn cua

 

Người đời ai có dại chi

Khúc sông eo hẹp phải tuỳ khúc sông

 

Uyển chuyển để thích nghi theo hoàn cảnh là vì hoàn cảnh luôn luôn thay đổi. Và vì hoàn cảnh luôn luôn thay đổi, cho nên đòi hỏi con người phải liên tục học hỏi suốt đời để cập nhật kiến thức cũng như để biết được những cái mới do sự đổi thay đem lại. Học suốt đời (lifelong learning) là một quan điểm bắt nguồn từ nhiều nghiên cứu về các mô hình tri thức quan trọng ở phương Tây4; không những quan trọng cho sự phát triển kĩ nghệ và kinh tế mà còn cho sự phát triển hệ thần kinh của người lớn, rất cần thiết cho sinh hoạt tri thức. Việt Nam hình như chưa có những công trình nghiên cứu này, nhưng người bình dân cũng nhận ra được sự cần thiết của việc học hỏi suốt đời.

 

Bảy mươi còn học bảy mươi mốt

 

Dao sắc đến đâu bỏ hoài cũng rỉ

 

Và dĩ nhiên là bất cứ hành động nào cũng đòi hỏi nỗ lực dấn thân của mỗi cá nhân. Phấn đấu của bản thân để thắng lướt hoàn cảnh là một điều kiện tất yếu của sinh tồn. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, con người không thể “ăn không, ngồi rồi” mà có thể tồn tại được.

 

Không dưng ai dễ đem phần đến cho

 

Ngọn đèn được tỏ, trước khêu bởi mình

 

Anh hùng tạo thời thế

 

Có chịu làm thì mới có; có bẩn như chó thì mới giàu

 

Tận nhân lực phương tri thiên mạng (phải hết sức người rồi mới biết mệnh trời)

 

Khó ở mình, dễ ở mình

 

Muốn ăn hét phải đào giun

 

Muốn ăn; không muốn làm

 

Tự thực kì lực (Mình tự làm lấy mà ăn)

 

Và nỗ lực phấn đấu cá nhân đòi hỏi con người phải tự lập. Con người tự lập, từ tay không mà gầy dựng nên sự nghiệp, là mẫu người lí tưởng của người bình dân lao động Việt Nam.

 

Nước lã mà vã nên hồ

Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan

 

Dựng nghiệp, lập nên cơ đồ, do đó, hoàn toàn là do nỗ lực phấn đấu lao động của cá nhân. Do đó, thành quả của sự phấn đấu này là sở hữu của cá nhân, cho nên người bình dân Việt Nam nhất thiết không tin vào ý niệm sở hữu tập thể, một quan điểm cơ sở của chủ thuyết Mác-Xít.

Canh chung chẳng ai cho muối

 

Canh chung chẳng ai cho muối; nhiều sãi không ai đóng cửa chùa

 

Họ tin vào và bênh vực quyền sở hữu của cá nhân: ai làm nấy hưởng.

 

Của ta làm ra, của nhà làm nên

Ruộng vườn trồng đủ thứ hoa

Hoa đào, hoa lí, hoa trà, hoa mai

Nhất thơm hoa huệ, hoa mai

Hoa lan, hoa cúc, ai mà chẳng ưa

Cảnh vườn vui vẻ thơm tho

Mình làm mình hưởng, trời cho riêng mình

 

Của ai phận nấy

 

Của ai phúc nấy

 

Của anh anh mang; của nàng nàng xách

 

Và cũng từ niềm tin vào quyền sở hữu cá nhân và sự phủ nhận quan điểm sở hữu tập thể, người bình dân Việt Nam chống đối mọi hình thức cưỡng bức, bóc lột cần lao, nghĩa là chống lại bất cứ chính sách hay thành phần xã hội nào đàn áp, chèn ép họ, không cho họ hưởng một cách xứng đáng thành quả lao động của chính bản thân họ.

 

Phận đàn em: ăn thèm, vác nặng

Ong làm mật mà không được ăn

 

Từ quan điểm mỗi cá nhân phải phấn đấu với hoàn cảnh để tồn tại, từ sự tôn trọng con người tự lập cánh sinh, chống đối và phủ nhận quan điểm sở hữu tập thể, và bênh vực quyền sở hữu cá nhân đến nhu cầu đòi hỏi tự do là một tiến trình tất yếu. Người ta không thể tranh đấu hiệu quả để tồn tại và tự lập cánh sinh mà đồng thời bị các câu thúc pháp chế hay hành động độc đoán và bất công ràng buộc. Quyền sở hữu cá nhân tự bản chất là một tự do, phản đề của sở hữu tập thể. Cho nên, không thể tự lực cánh sinh, không thể có sở hữu cá nhân mà không có tự do.

Đói tự do hơn no luồn cúi

 

Thực ra, nhu cầu tự do không chỉ là kết quả của suy luận quy nạp từ quan điểm phấn đấu với hoàn cảnh, tự lực cánh sinh, phủ nhận sở hữu tập thể, và bênh vực quyền sở hữu cá nhân mà còn có thể được truy nguyên theo suy luận diễn dịch từ nguồn gốc độc lập và tự do truyền thống của tổ chức làng xã.

 

Làng theo thể lệ làng; nước theo thể lệ nước

 

Lệnh làng, phép nước

 

Lệnh làng hơn phép nước

 

Lệnh vua thua phép làng

 

Phép vua thua lệ làng

 

Thể vua thua tục dân

 

Lí trưởng là vợ dân

 

Chúng tôi vừa trình bày nhiều niềm tin riêng rẻ của người bình dân Việt Nam, nhưng trong thực tế, những niềm tin này đều được đan chéo nhau chằng chịt, nối kết vào nhau thành một hệ thống tư duy chặt chẽ mà trung tâm điểm là niềm tin vào giá trị tất yếu của cần lao, nền tảng của cuộc sống. Con người cần phải lao động (dù là bằng trí óc hay bằng chân tay) thì mới tồn tại được. Và những hệ luận của tinh thần lao động là không được lười biếng, không được trì hoãn trong công việc và cần phải có nghề chuyên môn. Để thành công trong công việc làm ăn thì người ta không nên bao giờ chấp nhận đường cùng và phải tin chắc là thế nào cũng có giải pháp cho mọi khó khăn. Muốn có được tư duy tích cực như thế thì phải có đức tính kiên trì và sự quả quyết dứt khoát. Tuy nhiên, quả quyết dứt khoát không có nghĩa là vũ đoán, nghĩa là quyết định sự việc một cách cứng nhắc, không bao giờ chịu thay đổi trong lúc con người cần phải biết uyển chuyển, thay đổi theo hoàn cảnh để đạt mục đích đề xướng từ ban đầu. Nhu cầu luôn luôn học hỏi, học hỏi suốt đời,  để cập nhật kiến thức và biết cái mới, là điều kiện đáp ứng đòi hỏi uyển chuyển theo hoàn cảnh vì hoàn cảnh luôn luôn thay đổi. Trong nỗ lực cần lao, người bình dân Việt Nam thiết yếu còn phải có niềm tin vào giá trị của thực tiễn, một giá trị hỗ trợ nhu cầu sinh tồn hơn là những ước muốn hào nhoáng của danh phận. Và tinh thần thực tiễn thì đòi hỏi con người phải hành động, phải nghiêng về giá trị của thực hành hơn là giá trị của chỉ lời nói hay lí thuyết suông. Tất cả những niềm tin liệt kê ở trên đòi hỏi con người phải thể hiện nỗ lực cá nhân. Do đó, con người tự lập là mẫu người lí tưởng của người bình dân Việt Nam. Nỗ lực cá nhân của mẫu người tự lập bắt buộc người bình dân Việt Nam phải chống đối mọi hình thức bóc lột cần lao, phải chống đối quan điểm sở hữu tập thể được đề xướng và ca tụng bởi chủ thuyết cộng sản Mác-Xít, và đương nhiên phải bênh vực quyền tư hữu vì mọi thành quả là do nỗ lực cá nhân. Và để có thể thực hiện được tất cả những niềm tin này một cách đầy đủ và thoả đáng thì điều kiện cần và đủ là tự do, một đòi hỏi có nguồn gốc từ tổ chức làng xã đã được gắn liền với lịch sử của dân tộc.

 

 

Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái, Ph.D.

North Wales, Pennsylvania

Ngày 21 Tháng 12 Năm 2023

 

 

THAM KHẢO

 

1 https://www.sefaria.org/sheets/113881?lang=bi

 

2 https://www.nytimes.com/2007/01/07/books/chapters/0107-1st-orou.html

 

3 Main, Paul. Dewey’s Theory.

https://www.structural-learning.com/post/john-deweys-theory#:~:text=Progressive%20education%20involves%20the%20important,philosophy%20of%20education%20and%20learning.%20Feb.%2014,%202023.

 

4https://books.google.com/books?hl=en&lr=&id=9B4TDAAAQBAJ&oi=fnd&pg=PA29&dq=lifelong+learning+theories&ots=pnZHdDOhTU&sig=aDuMM4vqmdjPyTvnF3ps9UP44xA#v=onepage&q=lifelong%20learning%20theories&f=false

 

 

 

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published.