Tác giả: Vĩnh Hảo
* Qua sự giới thiệu của cô giáo Vương Thúy Nga, admin được làm quen với Cư sĩ Vĩnh Hảo và được Cư sĩ cho đăng bài nầy , viết trước khi Thầy Tuệ Sỹ viên tịch 2 ngày. Trân trọng cám ơn Cô Giáo cũ và Đại Sư Huynh. HX
Tâm chí nhỏ thì nhìn thấy cuộc đời trong phạm vi trăm năm, thấy mục đích sống trong vòng gia đình, xã hội, tôn giáo, quốc gia. Tâm chí rộng hơn thì hướng đến lợi ích của nhân loại, của thế giới, trong hiện tại và nhiều thập niên hay thế kỷ tương lai.
Giới hạn nhỏ, lớn là ở nơi không gian và thời gian. Mục tiêu nhỏ, lớn thì đặt nơi lợi ích của cá nhân hay số đông. Nhưng dù ngắn hạn hay dài hạn, con đường tất yếu của đời sống nhân loại là giáo dục. Con đường của Phật giáo ở cuộc đời này cũng không ngoài lãnh vực giáo dục, thuật ngữ thiền môn gọi là giáo hóa, hóa độ, hoằng pháp.
Trong thiền môn, tâm chí cũng có nhỏ và lớn như vậy. Nhỏ thì mục đích đặt nơi giới phẩm đại đức, thượng tọa, hòa thượng…, hoặc nơi chức danh trụ trì, viện chủ, hội chủ (một giáo hội hay hội đoàn). Lớn thì mục tiêu là làm Phật, trước hết là tu tập hành trì, chứng ngộ chân lý để thoát ly sinh tử (sinh tử đại sự [1]), nguyện nhiều đời nhiều kiếp cho đến vô tận vị lai luôn hết lòng hoằng truyền Chánh Pháp, cứu khổ và hóa độ hằng hà sa số chúng sanh.
Làm trưởng tử của đức Phật thì tâm chí phải cao rộng, không thể thấp bé quẩn quanh nơi ngôi vị hay ngôi chùa. Thậm chí làm người phật-tử tại gia cũng cần học theo tâm chí như thế.
Tâm chí cao rộng thì trải cả thệ nguyện của mình đến vô cùng vị lai, bao trùm cả vô tận không gian. Nơi nào có thế giới khổ đau, có chúng sinh khổ đau, nơi đó xin nguyện có mặt để giáo hóa, không chỉ trong hiện tại mà đời đời kiếp kiếp tương lai.
Nói ra thì có vẻ như là điều không tưởng. Ít người tin là có thể thực hiện được, khi nhìn chung quanh, chỉ thấy đa số là những con người bình thường, tài năng giới hạn, đức độ khiếm khuyết… Có chăng thì là hàng bồ-tát mới thực hiện được.
Nhưng bồ-tát, thực ra không phải là những vị thần linh bay trên trời cao hay ở một cõi ngoài kiếp nhân sinh này. Một khi từ lòng thương cảm trước thống khổ thế gian, cất lên ước nguyện đem lại hạnh phúc an vui thực sự cho số đông, tức khởi phát bồ-đề nguyện, là có thể cất được bước chân đầu tiên trên bồ-đề hành. Nguyện lớn dẫn đường cho những phương tiện thiện xảo hóa độ chúng sanh.
Nghiệm thật kỹ sẽ thấy chung quanh có rất nhiều vị bồ-tát thường tiếp xúc chúng ta, thường nâng đỡ, giáo dục, khuyến hóa chúng ta vượt qua những khổ đau, kiếp nạn của đời thường. Bồ-tát sơ tâm thì giáo hóa nhỏ; đại bồ-tát thì giáo hóa lớn.
Giáo hóa lớn là trải cả sinh mệnh và tâm chí của mình cho việc hoằng truyền Chánh Pháp, cứu khổ chúng sinh; dù hư không có hao mòn hay có một giới hạn nào đó, thệ nguyện của tôi cũng vô cùng tận [2].
Chắp tay ngưỡng vọng những vị bồ-tát đã đến và đi, và sẽ trở lại thế gian thống khổ này để tiếp tục thực hiện con đường hóa độ dài xa vô tận.
California, ngày 22 tháng 11 năm 2023
__________
[1] Chỉ có sinh-tử là việc lớn, tức là phải thoát ly cõi luân hồi sinh-tử.
[2] “Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng 虛空有盡,我願無窮” – Hư không dù có giới hạn thì nguyện của tôi cũng không cùng tận – trong bài sám Quy Mạng, là một cách diễn đạt khác của Thiền sư Di Sơn Kiểu Nhiên (730 – 799) về thề nguyện vô tận của hàng Bồ-tát đối với Chánh Pháp cũng như đối với việc độ sinh, qua văn phát nguyện của ngài A-nan trong kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Thuấn-nhã-đa tánh khả tiêu vong / Thước-ca-ra tâm vô động chuyển” 舜若多性可銷亡 爍迦囉心無動轉 – Tánh hư không dù có thể tiêu vong, tâm kiên cố cũng không động chuyển (Tiếng Phạn: Thuấn-nhã-đa phiên âm từ chữ śūnya, tức là hư không, tính không; Thước-ca-ra phiên âm của chữ Vajra, nghĩa là kim cương, hay sấm sét – dùng trong câu này là nói tính chất kiên cố, sắc bén có thể chặt đứt vật khác nhưng không thể bị phá hủy của kim cương để nói tâm nguyện bất hoại đối với Chánh Pháp).