Tác giả:Ngọc Tân
* Tôi xin phép được mượn nhan đề một bài thơ của
anh Trần Hoài Thư để làm nhan đề của bài viết này.
Bài thơ của anh tôi đã phổ nhạc và giữ nguyên lời
thơ. Bài thơ như sau:
Huế gọi ta về.
Có một dòng sông như giải lụa mềm,
Có hai ngôi trường như đôi tình nhân,
Có một con đường mỗi ngày hai bận,
Anh đưa em về qua bến qua sông.
Có một chiếc cầu bắc qua thành phố.
Thành phố mù sương,phố cổ mù sương.
Có anh tội nghiệp như loài cổ thụ.
Em đậu trên cành làm anh bâng khuâng.
Có buổi chiều mưa,trời mưa không ngớt,
Có em xăn quần bên đập chờ ghe,
Không biết nhìn lên hay là nhìn xuống,
Thôi thì quay về để khỏi u mê.
Có một ngôi nhà muốn vào mà không dám.
Có một nỗi buồn cứ bám chung thân.
Con sóc dại khờ gặm hoài trái đắng,
Còn anh dại khờ nên mới yêu em.
Trần Hoài Thư
Năm 1954, gia đình tôi từ quê dọn về Qui Nhơn. Hàng xóm gần gũi nhất của
chúng tôi là gia đình bác cảnh sát Thành. Đó là những người Huế đầu
tiên tôi gặp trong đời. Tôi khổ tâm rất nhiều vì cái thứ tiếng trọ trẹ
khó nghe của họ. Hôm lân la sang nhà bác Thành chơi tôi giật mình thối
lui vì con chó tây to lớn đứng án trước cửa. Biết tôi sợ ,bác Thành gái
trấn an:
-Hặn không răng mô con.
Tôi ngơ ngác,nghi ngờ…Con chó đang nhe cả bộ răng kinh khiếp thế kia
mà bã nói không có răng mới lạ. Thấy tôi chần chờ, bà bác hiểu ý cười
ngặt nghẽo và giả tiếng Bình Định nhưng giọng vẫn là Huế:
– Nọ hiền lặm,không cọ sao đâu con!
Tôi ghi nhớ người Huế nói không răng là không có sao, cứ an tâm.
Hôm khác tôi nghe bác Thành gái nói với cô con gái tên Thuỷ nay đã là bạn tôi:
– Răng tau dủ mi cầm chũi xuột cại già mà mi chưa mừng, con ni làm biệng hè!
Tôi chịu chết, phải đợi Thuỷ giải thích hồi lâu mới hiểu ra là bã la cô
con gái sao chưa cầm chổi quét nhà.
Còn nhiều,còn nhiều…,phải qua thời gian khá lâu tôi mới quen dần và
hiểu được tiếng Huế.
Định mệnh bắt tôi lại gần gũi với người Huế . Cô Em, cô giáo đầu tiên dạy
lớp năm (lớp một bấy giờ) của tôi là người Huế. Tiếng cô nhỏ nhẹ,êm đềm
nhất là lúc kể chuyện làm tôi cứ muốn nghe mãi, ngay cả lúc cô rầy la
học trò cũng chẳng thấy chi là hung dữ. Năm học lớp tư(lớp hai) lại gặp
thầy Cảnh, cũng người Huế, tiếng đàn ông Huế cũng nhẹ nhàng chẳng kém
các bà. Lên lớp ba thì cô Phượng người Huế làm hướng dẫn lớp. Cô vừa đẹp
vừa hát hay làm say mê bọn trẻ con chúng tôi. Hè năm đó chia tay cô,
học trò- có cả tôi -khóc quá chừng! Nhưng không sao,lên lớp nhì (lớp
bốn) gặp cô Mai, lại được nghe tiếng Huế dịu dàng. Cô Mai hay mủi
lòng, gặp chuyện không vui là hay rút mùi xoa chặm mắt, mỗi lần như
thế, tiếng của cô nghẹn ngào khiến học trò ở lớp cô dạy không dám
nghịch phá. Lên tới lớp cuối cùng của bậc tiểu học là lớp nhứt ( lớp
năm) cũng lại là ông thầy người Huế dạy. ThầyThanh rất nghệ sĩ, thầy
đàn mandoline hay lắm,thường tập chúng tôi hát tranh giải văn nghệ với
các trường khác,kết quả luôn luôn giải nhất. Thầy hiền vô cùng,một hôm
sau khi bất đắc dĩ phạt một học trò hai roi vào mông,thầy ra sân đứng
khóc…,hình ảnh ấy tôi giữ mãi trong đời. Thầy còn là một họa sĩ vẽ
tranh sơn dầu rất đẹp,bao nhiêu tranh ảnh trong lớp ,một tay thầy
trang hoàng,vào lớp tôi khác hẳn các lớp khác. Thầy là tấm gương sáng
của tôi trong nghề dạy học sau này.
Suốt cả một thời tiểu học,các thầy cô tôi đều là người Huế. Nhưng đâu
chỉ có thế,các bạn cùng lớp chơi với tôi cũng phần đông là người
Huế. Nào Thuỷ,nào Phượng,nào Vân,nào Hưng…ở lớp năm,rồi thì Tôn Thất
Đông Hải,Đặng Hữu Ngữ,Lê Thị Na,Lâm Mộng Tuyết… ở các lớp tư ,lớp ba
và Thuỳ Trang,Ngọc Hà,Mai Trung Dũng,Đào Thanh Bình…ở các lớp nhì
nhất.
Đã vậy hàng xóm láng giềng của gia đình tôi cũng là người… Huế
(!). Khi nhà tôi dọn xuống đường Lê Lợi (gần nhà đèn cũ thời Tây) thì
nhà sát cạnh là chú Thím Tài là người Huế, có hai người con,một gái một
trai trạc tuổi tôi,tôi chơi đùa với hai bạn này,trình độ tiếng Huế của
tôi nâng thêm một bực. Năm 1958,nhà tôi dọn về ở tại Khu Kiến Ốc Cục
mới xây dành cho công chức thì lạ thay hàng xóm lại hầu hết là người
Huế(?!). Dãy nhà của tôi ở gồm muời căn sát vách nhau được đánh số từ
51 đến 60.Nhà tôi số 54,số 53 của bác Độ công chức tòa hành chánh
tỉnh, số 55 là bác cảnh sát Lô, số 57 là của bác Yêm phó trưởng ty thông
tin,số 58 của bác Trọng nhân viên sở Thuỷ Lâm…,ngoại trừ nhà tôi là
dân Bình Định rặt, còn tất cả đều là người Huế;đó là chưa kể nhà đối
diện nhà tôi là của chú Minh và đằng sau nhà tôi của o Xoài ,o Thương
cũng là Huế chính gốc. Ôi,ở đâu cũng Huế bao bọc quanh ta,nghe mãi thứ
tiếng trọ trẹ ấy riết rồi đâm ghiền,miệng cũng bắt đầu uốn éo trọ trẹ
theo,vắng thì thấy “giớ “(nhớ),dứt không đành!
Dĩ nhiên là con của những hàng xóm láng giềng ấy cũng nói tiếng
Huế, dẫu có nhẹ đi một tí. Tôi chơi thân mật với đám trẻ con Huế ấy một
thời gian khá dài nên đôi khi trong những câu chuyện tôi cũng bắt đầu
trọ trẹ theo lúc nào không hay . Những người bạn thân nhất,gần gũi nhất
của tôi là T.N.Diệu Thường (con bác trưởng ty thông tin) và Đặng Hữu
Ngữ,Đặng Thu Hà (con ông chánh lục sự.)
Diệu Thường dòng dõi Tôn Thất,con nhà công chức cao cấp,mức sống thoải
mái ,đầy đủ mọi thứ. Cô bé kém hơn tôi mấy tuổi nhưng rất hợp với tôi ở
điểm cùng yêu văn nghệ ca nhạc. D.T là chị đầu,theo sau là một bầy em
sanh năm một,nên luôn tay bồng bế các em lớn nhỏ. Những lúc rổi rảnh
nàng thường bồng em qua nhờ tôi tập hát bài này bài nọ để đại diện
trường đi thi đơn ca . Lúc đó tôi đàn mando và ghi ta khá rành,đang
theo học violon các sư huynh dòng La San,làm tới chức trưởng ban văn
nghệ trường tiểu học Nguyễn Huệ, nên hết lòng hướng dẫn cô bạn hàng xóm
có giọng ca hay nhất vùng. Kết quả bao giờ cũng mỹ mãn,D.T chiếm hầu
hết các giải đơn ca dành cho các trường tiểu học trong tỉnh, tôi hãnh
diện vô cùng. Qua D.T,tôi bắt đầu làm quen với thứ tiếng Huế chính
gốc,thỉnh thoảng có pha những thổ âm đặc biệt của hoàng tộc,thoảng một
chút sang cả trịch thượng của các Mụ các Mệ. Bản nhạc Đêm Tàn Bến Ngự
của Dương Thiệu Tước được diễn tả rất đúng mức qua tiếng hát của D.T
,rất tự nhiên do bẩm sinh,không phải giả bộ điệu đàn như các ca sĩ
thời thượng. Nàng có khuôn mặt khả ái,cặp mắt to,trong sáng. Má tôi lần
đầu tiên thấy D.T phải thốt lên:”cái con nhỏ này làm sao mà khổ
được!” Ngờ đâu,tài nhắm tướng của má tôi chưa tinh lắm nên cuộc đời của
D.T không như má tôi tưởng…nhưng đó là chuyện sau này.
Đặng Hữu Ngữ và Đặng Minh Hà là hai anh em ruột, con của bác M. làm
chánh lục sự . Vợ của bác M. là cô Nhạn, người Huế làm cô giáo dạy học ở
trường tôi. Hai vợ chồng bác M. và cô Nhạn xuất thân từ trường tây nên
sống theo lối tây, trong gia đình vợ chồng con cái nói chuyện với nhau
bằng tiếng Pháp, đọc sánh Pháp,sinh hoạt như người Pháp. Tuy nhiên họ
không cao kỳ mà trái lại rất hòa hợp với mọi người chung quanh. Họ ăn
mặc giản dị,lịch thiệp,hài hòa ,đặc biệt thương mến tôi như con
ruột, cuộc vui nào tôi cũng được tham dự,món ăn nào tôi cũng được chia
sẻ như một thành viên của gia đình. Giọng Huế của cô Nhàn ấm áp,dịu
dàng,dạy bảo,cô đơn giản trong ăn mặc và trang điểm. Tới giờ đi dạy, cô
khoác vội áo dài, quẹt nhanh thỏi son trên môi không cần nhìn vào
gương,bước ra cửa,có lần học trò bấm nhau cười vì một vệt son lem ra
ngoài vành môi của cô trông rất ngộ nghĩnh. Gia đình này dạy tôi cách
sống tây phương, chơi bóng bàn,quần vợt, vũ cầu, bơi lội, pinic ngoài trời
trong những ngày nghỉ lễ hay chủ nhật. Căn nhà rộng rãi được nhà nước
cấp của gia đình bác M. có lúc là lớp học, có lúc biến thành sân khấu
ca nhạc do tôi bày đầu tổ chức cho đám trẻ con trong xóm thưởng
thức. Gia đình này dạy tôi học tiếng Pháp, đọc sách Pháp, tập chuyện trò
bằng tiếng Pháp. Họ có điều kiện tốt nên mua rất nhiều đồ chơi xa
xỉ, sách bổ ích, nhiều đĩa nhạc(đĩa nhựa 33 và 45 tua) hòa tấu thính
phòng, nhờ đó tôi được vui chơi, đọc sách, nghe nhạc mà trong hoàn cảnh
gia đình tôi có nằm mơ cũng không thể với tới. Giọng Huế của Ngữ và Hà
rất dễ thương, hiền hậu thân ái như người nhà. Đó là những người Huế quá
tốt mà tôi được gặp trong đời. Khi viết dòng này ,tôi nhớ họ da diết và
cầu mong giờ này họ vẫn được bình an, sức khỏe sống hạnh phúc dù đang ở
đâu.
Thời thơ ấu qua đi êm đềm…Lên trung học tôi lại gặp những người Huế
mới. Thầy Cô Hiệu Trưởng trường CĐ ( Thầy Tôn Thất Ngạc và cô Đào ) ,
cô Hoa vợ thầy hiệu trưởng Trương Ân) đều là người Huế. Các thầy cô
khác như thầy Chi (Vạn Vật),thầy Phong (Lý Hóa),cô Cầu (Toán),thầy Nghĩa ,
cô An(Pháp Văn),cô Lương thị Nga (con thầy Tổng Giám Thị) (Công Dân),
cô Tùng (Vạn Vật),thầy Thậm( Văn),Thầy Tài ,thầy Bé,thầy Tròn(Toán),
Thầy Sinh(Lý Hóa),cô Cúc (Triết)…và chắc còn nữa mà có thể tôi đã
thiếu sót đều là người Huế. Tôi không có ý không muốn nhắc đến
các thầy cô không phải người Huế đã dạy tôi nên người nhưng trong
phạm vi bài viết này tôi muốn nhấn mạnh ý nghĩa tôi có duyên với Huế
như thế nào.
Thầy cô dạy tôi phần đông là người Huế,còn bạn bè thời trung học thì
sao? Những bạn đã cùng học với tôi từ lớp nhỏ thời trung học đã biết rõ
điều này. Thời Thất Lục Ngũ Tứ có những Kim Huê,Bích Liên,Hương Cầm,Tuyết
Đào (chỉ trọ trẹ ở nhà và với đồng hương Huế), Ngô Thí,Xuân Nghiêm,TN Hồng
Hà…Thời Đệ Tam C, Nhị C, Nhất C thì những bông hoa Huế từ khắp nơi qui
về giống như họp chợ Đông Ba trên đất Bình Định. Tới giai đoạn này thì
phe ta như Ái Phương, (Tam C),Thùy Hạnh,Lĩnh Cơ , Đoan Hương,Ngọc
Thạch, Kim Huê,Thanh Hương (vợ thầy Minh râu), Phương Thảo,Trà Mai,Tôn
Thất Lập, Nguyễn Hoàng Em, Lê Công Dzũng(coi như Huế vì cũng trọ trẹ như
nhau). Đó là chưa kể đến bạn Huế ở các ban khác như Thịnh Trần, như Hồng
, Thu Nguyệt (lớp A) và các bạn Huế có giọng ca hay ở các trưòng khác
như Tuyết Hoa B, Tuyết Phương, Mỹ Hiền…
Học trò xứ nẫu ra thi,
Thấy cô gái Huế chân đi không đành.
Tôi chưa kịp ra Huế để thi thì đã sa ngay vào bẩy của một nường Huế mà
gia đình luân lạc đã nhiều nơi rồi cuối cùng trở về sinh sống ở Qui
Nhơn. Năm 1968,tôi và Ngọc Anh gặp nhau trong một đoàn văn nghệ chuyên
phục vụ cho các tiền đồn. Tôi không muốn kể về cuộc tình của mình với
bà xã vì không bút mực nào cho xiết và cũng không phải đề tài tôi muốn
nói. Chỉ sơ qua là từ duyên văn nghệ đi đến duyên vợ chồng hồi nào
không hay. Chúng tôi cũng qua những mặn nhạt chua cay,hạnh phúc và khổ
đau như mọi người nhưng điều tôi muốn kể ở đây là sự “bất đồng ngôn
ngữ” của vợ chồng tôi trong thời gian đầu. Khoan đã, các bạn đừng vội
tưởng vợ tôi là người nước ngoài. Nàng Việt Nam 100/100, chỉ tội cái
là…người Huế!
Người Huế thì sao? Không sao cả,chỉ trở ngại một chút vì giọng trọ trẹ
của vợ tôi và cái lơ đảng nghe một đằng hiểu một nẻo của tôi mà thôi.
Ngày đầu tiên ra mắt ông bà già vợ tương lai ,tôi được đón tiếp chu đáo:
-Con ăn sạng chưa,để con Anh nọ làm cho ăn nghe !
Tôi hơi ngạc nhiên, chưa hiểu sao thì lúc sau bà xã tương lai của tôi
bưng lên một tô mì nóng hổi, Nàng đặt xuống bàn và mời:
-Anh ăn sạng đi cho nọng.
Tôi vỡ lẽ ra là người ta mời mình ăn sáng bằng mì gói chớ không phải
ăn sạn(!) như tôi tưởng. Ăn mì thì được, ăn sạn thì chỉ có đau bao tử
! Kể từ đây ngày nào tôi cũng được ăn sạn cả.
Lấy nhau chẳng bao lâu, tôi đưa nàng vào Long Xuyên ở vì tôi ra trường
về dạy học ở đó. Học trò tôi dân miền nam, thời đó chẳng nghe được tiếng
nàng nói, lắc đầu tội nghiệp cho ông thầy Tân còn trẻ mà lấy trúng cô
vợ nói ngọng! Nàng đi chợ tôi phải đi theo làm thông ngôn. Mỗi lần vợ
tôi trả lời một câu hỏi của người bán hàng là người đó ngẩn tò te ra
hỏi lại tôi:
– Mà…mà cổ nói cái gì dzậy cậu?
Sau khi tôi trả lời thay cho vợ tôi rồi chúng tôi quay đi ,họ nhìn theo lắc đầu :
– Tội nghiệp,cổ không phải là người Việt Nam mình!
Một hôm vợ tôi nhận điện thoại của má tôi từ Qui Nhơn gọi vào hỏi rằng
trong Đồng Nai có mát chưa để má tôi vào thăm chơi. Nàng sốt sắng trả
lời mẹ chồng:
– Mạt lặm mạ, mạ mà vào trong ni thì mạt lắm!
Má tôi cười buồn nói với cô em tôi:
– Thôi, má không vào Đồng Nai nữa đâu! Con vợ thằng Tân nó nói má mà
vào trong đó cả nhà nó sẽ mạt (nghèo) hết.
Hôm đó , sau khi cơm tối xong tôi ngồi coi TV, vợ tôi đang lật lật tờ
báo xem tin tức, cảnh tượng gia đình rất ư là hạnh phúc. Bỗng nàng buông
tờ báo và thông báo cho tôi tin giật gân:
– Anh ơi, răng mà kỳ nì Nga lại xuất khẩu khỉ đột qua Tây Âu rựa hè?
Tôi ngạc nhiên:- Em nói sao chớ Nga làm gì mà có khỉ đột nhiều để mà
xuất qua Tây Âu?
– Đây nì,anh xem nì!
Tôi vói lấy tờ báo chăm chú đọc và phá lên cười vì bé cái nhầm của
mình. Té ra Nga xuất khẩu khí đốt qua Âu châu để đổi lấy nhu yếu phẩm.
Người Huế nói chuyện với nhau thì không sao,nhưng nói với người miền
khác thì phải hết sức cẩn trọng, nhất là khi có nhã ý mời ai đó ăn món
hột vịt lộn hay tráng miệng bằng đu đủ. Tôi thường dặn dò vợ tôi như
vậy và tiện đây cũng xin nhắn nhủ với các bạn Huế trong diễn đàn
NhấtC không phân biệt nam nữ.
Lấy vợ Huế trên ba mươi mấy năm mà tôi chưa ra Huế lần nào. Năm
2004,gia đình tôi tổ chức một chuyến đi Huế để cho tôi biết quê hương
nội ngoại của vợ. Tôi hồi hộp,sung sướng vì có dịp ra đất Thần Kinh.Mặc
dầu chưa ra Huế nhưng qua văn chương ,sách vở ,qua âm nhạc tôi mường
tượng Huế đẹp như mơ. Trên đường đi, ghé Qui Nhơn họp mặt bạn cũ,nhà thơ
Lê Văn Ngăn hướng dẫn đường đi nước bước và bằng một giọng rặt Huế,nhà
thơ buông câu ca dao “Huệ thơ Huệ mộng,Huệ tồng bộng hai đầu” rồi nheo
mắt mỉm cười.
Răng nhà thơ người Huế chính gốc mà lại nói rứa ? Bị căn vặn quá, nhà
thơ đành thở dài thú nhận rằng câu đó ý nói Huế nghèo rớt mồng tơi,mùa
lạnh phải đắp chiếu thay mền,đắp chiếu thì phải “tồng bộng hai đầu”
chớ còn chi nữa! Đến chết cũng hai đầu tồng bộng vì cũng chỉ có chiếc
chiếu ôm thân. Ôi sao thảm quá! Tôi nghĩ đó chẳng qua người xứ khác họ
biếm thế thôi! Cũng như một nhà thơ nào đó chắc chẳng thích Huế mới tàn
nhẫn buông ra hai câu:
” Núi Ngự không cây chim đậu đất,
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời!”
Ra đến Huế,gặp hai bạn cũ Nhất C là Chế Trọng Hùng và Tôn Thất Lập
tiếp đón bạn xưa quá chu đáo. Hùng giành phần hướng dẫn phái đoàn tôi
du lịch lăng tẩm thắng cảnh và chụp hình thật đẹp. Lập biết tôi yêu
nhạc nên chiêu đãi gia đình tôi một buổi nghe ca Huế trên thuyền rồng
lững lờ trên sông Hương,nên thơ và lãng mạng không chỗ chê. Mạ tôi( má
của Ngọc Anh,tức mẹ vợ tôi) trong lúc hứng chí đã buông ra hai câu làm
các nghệ nhân ca Huế trên thuyền phục sát đất:
“Một ngày dựa mạn thuyền rồng,
Còn hơn muôn kiếp ngồi trong thuyền chài.”
Sẵn trớn tôi giới thiệu cho mọi người là mạ tôi ngày xưa là nghệ nhân
ca Huế khiến mấy nghệ nhân trên thuyền nhìn mạ tôi bằng ánh mắt kiêng
dè.
Huế bây giờ chỉ còn đẹp trong thơ văn,âm nhạc.Huế cũng như các thành
phố khác phải chịu sự đổi thay của đời sống công nghiệp nên những nét
xưa ít còn thấy nữa. Phải thôi, đâu có gì tồn tại mãi, cuộc sống vốn thay
đổi không ngừng. Tuy nhiên qua những Cà fé cung đình Vĩ Dạ Xưa, qua Trà
cung đình Vũ Di, qua thuyền rồng ca Huế trên sông Hương, qua những lăng
tẩm phục chế lại, thế hệ sau cũng hiểu được phần nào cái đẹp xưa của
Huế.
Riêng tôi, Huế vẫn có nét đẹp riêng từ phong cảnh, con người và cả nếp
sinh hoạt. Tiếng Huế vẫn nghe như rót mật vào tai và tôi yêu người Huế
nhất trên đời, chẳng tin các bạn cứ hỏi bà xã Ngọc Anh của tôi thì biết.
Để kết thúc bài viết lan man không thứ tự này, tôi mượn câu thơ của Bùi Giáng nói về
Huế chính xác nhất :
Dạ thưa xứ Huế bây giờ,
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương …!
Ngọc Tân .
Yen Kha Hong
Ngọc Tân! Đọc hết bài viết ta chắc mẩm tác giả là bạn học Ban C với mình. Tuy viết lung tung nhưng nhờ vậy mà ta nhớ lại được nhiều chi tiết về bạn bè đã ngồi chung Ban C với mình. Ngọc Tân nhắc đến: “năm 2004, gia đình đã …….” làm ta nhớ là Ngọc Tân đã bỏ cuộc hẹn với ta rằng sẽ ghé Pleiku hội ngộ với ta! Những năm tháng đó để tổ chức 1 cuộc hội ngộ mang tính đồng cảm có chất nghệ sĩ thật không đơn giản chút nào! Ta rất tiếc, nhưng biết làm sao?! Để yên trong bụng, nay mới “xì” ra! Rất cảm ơn Hương Xưa đã đăng bài của Ngọc Tân và tác giả đã kể lại những kỉ niệm của thời cắp sách, khoảng không gian bát ngát tâm hồn! Xin chúc các bạn Hương Xưa và cả nhà Ngọc Tân luôn luôn an vui!
Cám ơn nhạc sĩ HVT, Chúc gia đình bạn sức khỏe, hạnh phúc .