Tác giả: Trần Yên Hòa
Một chuyến ở Mỹ về, Lộc cùng Thương đi viếng chùa bà chúa Xứ, Núi Sam, Châu Đốc. Lộc đi xe đò từ bến xe liên tỉnh Sài Gòn – Châu Đốc. Anh thật bỡ ngỡ với miền tây bởi vì trước đây anh sống ở Sài Gòn khá lâu mà chưa được biết Long An, Trung Lương, Mỹ Tho ở đâu? Nên anh háo hức trong chuyến đi. Thương là người tình, già nhân ngãi non vợ chồng của anh. Nhiều lần Thương bảo mình làm giấy kết hôn đi anh, nhưng anh ngần ngại im lặng không nói gì. Từ đó Thương tự ái không hỏi nữa, nên hai người cứ vậy mà sống.
<!>
Đi làm ở hãng, về ăn cơm chung, mỗi tháng anh gởi tiền chợ, tiền thuê nhà, cuối tuần dẫn nàng đi ăn tiệm, đi shopping, thỉnh thoảng mua biếu nàng mấy mẫu quần áo nàng thích. Được cái là tối cùng ngủ chung, ôm ấp nhau. Thế là đủ.
Thương đã hai lần sang đò, người chồng thứ nhất là một phi công, lái máy bay trực thăng. Phi công trước bảy lăm đào hoa quá cở thợ mộc là đúng rồi. Một lần Thương ra thăm chồng, sau ba tháng không thấy chồng về, nàng mở cửa căn phòng độc thân của khu cư xá sĩ quan không quân, thì thấy chồng đang ôm ấp cô bồ. Thương, tuổi dần, nên lồng lộn lên, ôm chầm lấy đôi “gian phu dâm phụ” mà cấu xé. Tiếng la hét của Thương làm cả khu cư xá ồn ào. Người con gái bồ người chồng ôm áo quần vọt ra cửa sổ, còn chồng thì im lặng, nghe những lời sỉ vã của nàng. Từ đó nàng về Sài Gòn cạch mặt luôn người chồng đa tình đó.
Người thứ hai khi nàng đã qua Mỹ sống ở Maryland, gặp nhau trong hãng điện tử, chàng là kỹ sư trưởng toán sửa máy, nên hay đến line nàng làm việc, giúp đỡ nàng về kỹ thuật lúc dây chuyền không chạy, đến một lúc hai người hẹn nhau và đi đến sống chung. Chàng với nàng có đứa con trai. Nhưng rồi ngôi nhà, tiền trong ngân hàng, trong credit card của chàng cũng lần lượt nướng hết trong sòng bài…Cuối cùng thì chàng khai phá sản, đành phải đường ai nấy đi.
Thương buồn bã bỏ về Cali, xin vào làm hãng nhựa thì gặp Lộc, mối tình employee, mới đầu cũng tình tứ, lãng mạn…Nhất là khi được sống chung với nàng. Nàng hạ đo ván Lộc ngay trong hiệp đầu. Lộc mê man với lâu đài tình ái này.
Tuy vậy, nhiều lúc Lộc thấy nàng như “rỗng ruột”, vì nàng chỉ thích những bản nhạc rẻ tiền, những tấu hài vô duyên, của các CD, DVD ca nhạc sản xuất tại quê nhà…Còn Lộc thì nghĩ mình cao vời, cao vợi… Nhạc phải nghe nhạc sang, từ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Vũ Thành Anh, Ngô Thụy Miên trở lên. Phía dưới là xoàng, là sến. Vì vậy nên Lộc nghĩ, mình chưa nên dừng lại, lấy một người đàn bà “yêu nhạc sến” thì chán quá! Nên Lộc cứ ấm ớ hội tề, tà tà như vậy.
*
Quê Phụng có một cái phà nổi tiếng là phà Rạch Miểu. Mỗi khi ai đi về miền Tây cũng phải qua cái phà này, cho đến khi cây cầu được bắc ngang.
Chuyến đi Châu Đốc lần đó, phải qua phà Rạch Miểu, lúc này phà còn là phà. Khi chiếc xe khách đến đầu phà, các hành khách được các anh lơ chạy lăn xăn, nói lớn:
– Mời bà con cô bác xuống xe, để qua phà.
Có người hỏi lại:
– Ngồi trên xe được không anh lơ? Ngồi trên xe trọng lượng cũng vậy thôi mà…
Anh lơ nói:
– Ngồi trên xe phà lắc, rớt xuống sông chết chìm chịu nghe.
Người hỏi im tiếng, hành khách lục tục xuống xe, đi bộ lên phà.
Lộc đi một mình. Có một cô bé khoảng hăm mấy, theo anh xà nẹo mời mua dùm trái cây. Cô bưng một rổ trái cây nào xoài, chôm chôm, vú sữa, măng cụt…
Cô bé có đôi mắt đen láy láy, và nụ cười lúm đồng tiền. Anh mua dùm em ký chôm chôm. Lộc dừng lại. Ngọt không? Ngọt lắm anh. Chôm chôm bóc vỏ, anh ăn thử trái, thì biết. Cô đưa trái chôm chôm đang cầm trên tay. Anh cắn thử, vỏ bóc dễ dàng. Ngọt. Anh nói. Bán tôi năm ký. Cô bé cười tươi, hỏi lại, mấy anh? Năm ký. Và anh hỏi thêm. Cô là người ở đây? Dạ, em ở thị xã. Anh thấy cô gái rất có duyên. Một luồng điện chay qua đầu anh. Anh nghe mình luống cuống. Sao đôi mắt đó hớp hồn anh vậy. Anh hỏi cô gái. Cô có số điện thoại không? Anh hỏi chi vậy? Để làm quen. Được không? Và anh thêm một câu để nhử mồi, để tìm mua trái cây, tôi mua nhiều lắm, để làm quà biếu bà con. Được. Cô gái mĩm cười, nụ cười tủm tỉm, làm tim Lộc run lên. Tự nhiên, cô nói thêm. Nhưng mà em nghèo lắm, mới đi bán chôm chôm. Chàng đẩy đưa, có gì quan trọng đâu. Chàng muốn xác định mình để nhử tiếp. Tôi ở Mỹ về, muốn làm quen cô, như một người bạn thôi mà. Cô gái nói. Em tên Phụng. Đây là số phone của em, điện thoại em cùi bắp lắm. Chàng nói. Anh sẽ gọi em khi trở lại Sài Gòn. Nhớ bắc máy, nhe.
Phà chạy chậm, rẽ nước, Lộc thấy những dề lục bình trôi lửng lơ trên giòng sông nước đục ngầu, lừ đừ, từ từ trôi…Như cuộc đời anh phải không? Cũng lừ đừ, từ từ trôi vậy.
Chuyến đi hai ngày thăm đền bà Chúa Xứ. Lộc chỉ thấy nóng và đầy mùi hương, khói. Người đi thăm đền đông quá, đứng chật, đầy cả sân, đầy cả trước, sau chính điện. Thương bỏ anh đi thắp hương đủ mọi nơi và vái tứ phương. Không biết nàng cầu gì. Cầu cho bình an, cầu cho chàng yêu nàng mãi mãi. Hay cầu cho sẽ được trúng số Lotto, mỗi ngày nàng mua một, hai tờ vé số, từ ngày nàng sống chung với Lộc, nàng nuôi một con số và đánh mãi hàng số đó, nhưng chưa bao giờ trúng, đã hai năm qua…
Lộc thì nghĩ đến cô gái, anh đã sòng phẳng với Thương, sống với nhau bao nhiêu được thì sống…Anh sòng phẳng cả tiền bạc, lúc nào anh cũng chi cao hơn…dù nàng cũng rất rộng rãi, đi chợ thường xuyên mua đồ ngon về nấu cho anh ăn, nhưng bù lại, anh cũng dắt nàng đi ăn những món ngon ở các nhà hàng quanh vùng…Anh nghĩ, không có gì tồi tệ bằng lợi dụng tiền bạc, vật chất của đàn bà. Đối với Thương thì nàng rộng rãi, yêu thương, lo lắng cho Lộc, muốn chàng chỉ yêu nàng, một mình nàng, không có ai nữa, không nhìn ngang liếc dọc, ngó xiên ngó xẹo, ngó quanh ngó quẩn…ai.
*
Về lại thành phố Lộc liền gọi cho Phụng, cô gái bán trái cây ở bến phà Rạch Miễu. Anh gọi hai lần nàng mới bắc máy.
Mọi điều trên đời này xảy ra, nói theo đạo Phật là tùy duyên. Khi duyên đến thì không chạy đâu cho thoát. Lộc cũng tin vậy, nên khi hẹn nàng để mua nhiều trái cây biếu bà con, anh được nàng hẹn đến một khu vườn đầy cây trái ở Cẩm Kim. Phụng nói, đây là khu vườn vú sữa, xoài, sa bô chê, chôm chôm, của anh Đông, anh tư em. Anh Đông tội lắm anh, anh một mình chăm sóc khu vườn, nên mới trên ba mươi mà ảnh già hóp. Lộc nghe Phụng nói, ừ hử cho qua chuyện. Mục đích của anh là muốn được gặp nàng. Nàng mới hai mươi hai, anh bốn mươi, nhưng có hề gì, anh lấy nhãn mác Việt kiều, độc thân, có thể bảo lãnh em qua Mỹ, để sống một cuộc sống sung sướng hơn. Cái hào quang đó anh thường đem ra nhử những cô gái, miếng mồi nửa thật nửa giả ấy thế mà hiệu nghiệm, nhiều con cá đã mắc câu, nhưng qua thử thách, tìm hiểu, dò đường, anh thấy con cá chỉ thích đớp miếng mồi, là được qua Mỹ, chứ không phải đớp anh. Nên anh đành quay mặt.
Hôm đó Lộc bảo Thương, anh phải đi xa một thời gian, thăm mấy người bạn hồi trước cùng lính tráng. Dĩ nhiên là anh có lý lẽ của anh, và Thương cũng cần thời gian đi chơi với mấy đứa em gái của nàng. Lộc rảnh tay. Anh liền thuê taxi, chạy thẳng xuống phà Rạch Miễu, rồi hẹn nàng ra, mời nàng lên xe đi Cẩm Kim, mua trái cây.
Thật ra Phụng lúc đó, nàng thiệt tình là muốn giới thiệu, để anh Đông được bán trái cây, vì khu vườn anh thường bị các chủ lái ép giá. Có lợi cho anh Đông và nàng sẽ được chia phần chút đỉnh, khỏi một ngày dang nắng đi lại trên bến phà mời khách rả cổ họng.
Dù Lộc bốn mươi nhưng chàng ở Mỹ lâu nên nước da chàng au đỏ, tóc tai chải láng, rẻ ngôi, mang kiếng mát hàng hiệu, đi giày Adidas xịn, quần jean, trông cũng được mắt, đúng là Việt kiều. Nhất là miệng chàng dẽo queo, giọng chàng ấm và thanh, nên nàng thấy vui khi tiếp xúc với chàng. Chàng cũng sộp nữa, hôm mua trái cây trên bến phà, chàng trả tiền, còn tiền thối cả trăm ngàn, chàng nói, khỏi thối em. Thưởng công cho em đó. Nàng hỏi lại, công gì anh? Chàng cười qua cặp kiếng mát xịn, công em dang nắng bán hàng cho anh. Rồi chàng bước lên xe đò, lấy tay vẫy vẫy làm dấu hôn môi xa, trên đó đã có Thương ngồi đợi.
*
Chuyện tình nào cũng có ba phần như một bài luận văn học hồi trung học, là nhập đề, thân đề và kết luận. Nhập đề là tán (láo) ba hoa chích chòe để em cho địa chỉ, số phone, làm quen. Thân đề là khi đã cầm tay, hôn hít – trong đó có hôn má, hôn môi, rồi đến màn vờn nhau là quan trọng nhất, như mèo vờn chuột, mục đích để người con gái trao thân, chàng thì hứa (dù lèo cũng cứ hứa) cho nàng tin. Sau khi nàng tin cho chàng tự do xử dụng thân thể nàng, coi như có một thỏa thuận đồng ý hai chiều. Phần kết là cặp đôi có thể lấy nhau, hay rời xa, do tình yêu đến đâu, sâu đậm, hay qua đường.
Chuyện thế mà đã làm Lộc loay hoay đến suốt mấy năm. Chàng đến với Phụng lần này là thực, vì chàng muốn dừng lại. Phụng dù cô bán trái cây nhưng nàng có một gia đình hiền lành, chất phát. Lộc nhìn anh Đông, thấy anh hiền lành quá. Ngày ngày dang nắng trồng cây, tưới cây, chăm sóc vườn cây như săn sóc đứa con của mình. Lộc thấy được tấm lòng của những người dân quê miền nam. Chàng nghĩ chắc Phụng cũng vậy. Nàng có cái giá trị riêng. Đó là sự chân chất, quê mùa của người nam bộ.
Nếu chàng cưới nàng, dẫn nàng đi Mỹ, nàng qua đó làm ra đô la, gởi về cho ông anh xây trong khu vườn này một căn nhà lớn, có đường cho xe hơi chạy, thì hạnh phúc biết dường nào. Chàng cùng nàng sẽ mua một chiếc Toyota Camry, để đó, rồi thì mỗi năm về đây, hai, ba tháng…Hai người sẽ lái xe đi Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Sóc Trăng, Châu Đốc, Hà Tiên chơi.
*
Nhưng giấc mơ đó chỉ là giấc mơ phù vân. Chàng về Mỹ mới có dịp suy nghĩ lại, nghĩ đến mối tình với Phụng. Một mối tình, từng thề non hẹn biển…Nhưng thật ra, anh không lấy em được Phụng à. Thằng Nhu cùng hãng nghe chàng kể, nó xía vô, giọng quyết liệt. Con gái miền tây gạo trắng nước trong, đẹp người thật đó, nhưng tình chung thì không. Mày biết có bao cô gái miền tây đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc không? Mày có biết trên dãy đất hình chữ S của ta bây giờ các em gái miền tây chiếm đa số không, em nào cũng mát rượi, em nào cũng ngọt ngào, giọng nói dịu dàng, dễ thương quá, mà thương không dễ đâu mày ơi. Bây giờ thì em thề hẹn với mày, sống chết với mày, nhưng đến một lúc nào đó, khi em cầm cán dao trên tay, em sẽ quay đi và đâm mày lút cán…quả tim mày tóe máu, em sẽ bỏ mày đi cái rẹt, vì tiền, vì tình mới…Đây là lời khuyên chân thành của tau, mày nên nghe tau để khỏi ân hận sau này, nghe mày…
Anh cũng nghĩ, bây giờ gái miền tây đầy rẫy trên Sài Gòn và khắp cả các miền trung, nam, bắc, trong các quán bia ôm, các phòng massage, giọng ngọt như đường phèn, da trắng như trứng gà bóc, nên anh run sợ và không tin tưởng em sẽ chung tình.
*
Chàng đi một tiểu bang lạnh. Vào làm hãng tiếp, lấy người vợ công nhân cùng hãng, như thế là hết. Chàng xa luôn Phụng, xa hết mọi chuyện bên ngoài. Lấy vợ như là đi tu.
Lộc có trở về quê một lần, thuê khách sạn ngụ lại thành phố Mỹ Tho, mướn chiếc xe gắn máy tay ga, chở vợ chạy lòng vòng, loanh quanh những ngã đường, rồi chạy thẳng về nơi phà Rạch Miễu ngày xưa. Một cây cầu mới, dài, đẹp vắt qua hai bên bờ sông Tiền. Lộc bị choáng ngợp bởi cái nắng, cái gió nghe rào rào chung quanh. Tiếng của Thanh Thanh phía sau nghe hun hút, anh chạy chậm thôi, gió quá làm xổ tóc em hết rồi.
Lộc chạy chậm lại.
Cũng dịp này, Lộc lén ghé thăm anh Đông, anh bảo Phụng lên bán bia trên Sài Gòn…Lộc không hiểu em bán bia ở đâu, quán nào?…Chắc là em đã nhập vào đội quân gái miền tây đầy dẫy kia ở khắp nước.
Thôi, chuyện tình ta, cho “qua phà” nghe em. Phụng.
Trần Yên Hòa