Tác giả: Trần Ngọc Phương
Người đàn ông dáng mảnh khảnh ngồi ôm đàn guitar hát nho nhỏ, đắm mình trong giai điệu nhạc; Có lúc ông đứng giữa phòng ôm chiếc accordion trước ngực, mười đầu ngón tay áp trên bàn phím, khuỳnh tay kéo đẩy hộp đàn; Có lúc thấy ông ôm cây banjo mặt tròn, bọc da với vành kim loại bạc, cắm mũi vào bản nhạc trên bàn. Những hình ảnh đó gây ấn tượng và đã lưu lại trong kí ức tôi. Thật ra, ông để lại trong tôi rất nhiều hình ảnh đa dạng khác nhau. Ông, một người đàn ông tuổi khoảng ba mươi, hơi gầy, gương mặt trí thức. Ở làng quê này, ông được láng giềng quí mến nể trọng. Họ thường gọi ông là anh Năm, chứ không gọi thẳng tên, bởi ông lấy dì Năm của tôi. Họ thường tìm đến ông để hỏi ý kiến vài vụ việc mà họ phân vân, hoặc nhờ chỉ bảo điều gì đó. Anh Năm giúp tôi với, tôi lội sình dưới ruộng đã dẫm vào mảnh gỗ. Anh Năm lấy dùm cái lưỡi câu móc ở đùi thằng con, nó câu cá ở ngoài sông bất cẩn. Nhờ anh Năm chích dùm thuốc cho tôi. Và tôi ghê nhất là khi thấy ông chích thuốc. Ông lấy ống ‘xi ranh’ và ‘kim chích’ cho vào nồi, đem đến bếp củi đằng sau đun sôi lên, gắn kim rút thuốc vào xi ranh, tụt quần đập một phát vào mông người và phóng kim vào. Nếu người lớn thì la ‘ái da đau quá’, còn con nít thì thét lên như gặp ma. Ông nói, kim cũ mài lại nên hơi đau một chút, ráng lên. Có lẽ từ khi thấy cảnh ấy tôi luôn ngại chích thuốc chăng? Tôi thường dạo chơi một mình trên đường làng, mà nhà ông là một nơi tôi ghé đến thường xuyên.
Một hôm, đôi chân theo thói quen bước về hướng đó, từ xa tôi thấy một nhóm người đang bàn tán xôn xao trước nhà ông. Đến gần nhìn họ, người thì vẻ tò mò, người thì vẻ lo âu, có người mếu máo muốn khóc. Và ông đang đứng cố giải thích điều gì đó với mọi người. Hóng chuyện một hồi tôi cũng hiểu ra. Phía sau nhà ông là nhà của hai anh em, một người tên Đùm, một người tên Túm (tên thật là gì tôi không biết) họ nhận trát thông báo từ xã. Vì họ không biết chữ, nên nhờ ông đọc dùm. Ông giải thích là xã chọn những người nghèo nhất xã đi di dân đến ‘khu dinh điền’, ‘khu trù mật’ (bây giờ gọi là đi ‘kinh tế mới’) mà hai chú thuộc diện này. Hai anh em chú Đùm, chú Túm thuộc diện nghèo (nghe tên là thấy đủ nghèo rồi), không ruộng đất, không gia sản, lại ở chung căn nhà người cha để lại, nên ‘được’ hay ‘buộc’ phải ra đi. Cũng như bao người khác ở làng quê. Bọn họ chưa từng rời khỏi làng, chưa đi đâu quá khỏi làng bên, nên năn nỉ anh Năm làm giấy tờ xin ‘không được chọn’ đi. Dù nghèo dù khổ, họ cũng muốn ở lại nơi chôn nhau cắt rốn này. Tôi không biết chuyện sau đó sẽ ra sao. Cuộc sống làng quê vẫn im ắng lặng lẽ như thường ngày. Nhưng tôi không còn gặp mấy đứa con của mấy chú ấy còn chơi trên đường làng, mà đứa lớn bốn năm tuổi thường mặc quần đùi cháo lòng, bè bờ đắp đất cho con em, xếch xi trăm phần trăm, vọc chơi trước nhà ông chú (dượng). Bẵng đi thời gian chừng sáu tháng hay một năm. Đám đông lại tái xuất hiện trước nhà ông chú, lần này bà con lối xóm đến đông hơn nhiều, thì ra cặp vợ chồng chú Đùm về lại thăm quê nhà. Hai vợ chồng kể là họ và nhiều người khác nữa được đưa đi xa lắm, xa không biết tận nơi đâu, có người nói tận tới Sài Gòn, nhưng không phải Sài Gòn (sau này tôi ước chừng họ đến vùng Bình Tuy, Di Linh, nơi có khu trù mật). Họ được cấp nhà cửa, đất đai, ít gia súc và hạt giống để trồng và canh tác. Không sợ bị đói, nhưng chung quanh vắng vẻ nhà cửa thưa thớt, bọ buồn và nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bà con lối xóm, nhớ làng mạc. Họ kiếm được ít tiền bỏ trốn về chứ không xin phép. Họ phân vân không biết nên về làng quê hay nên lưu lại đó, có cuộc sống dễ chịu hơn? Láng giềng khen họ trông đỡ ốm o hơn. Câu hỏi được nhiều bà con hỏi nhất là làm sao biết tìm đường về nhà? Sao mà tài giỏi thế! Bởi vì cũng như họ, nhiều người làng quê không biết chữ (thời ấy cả nước mù chữ khá nhiều, nên mới có chương trình ‘bình dân học vụ’) và chưa rời làng quá xa. Dĩ nhiên, không biết thành phố là như thế nào. Vợ chồng chú nói, đó là nhờ anh Năm cả. Chú tháo cây kim băng nơi túi áo bà ba, rút cái bọc ni lông lấy ra tờ giấy, rồi nói, anh Năm đã tính trước, nếu muốn về nhà cứ cầm tờ giấy này đưa người ta xem, họ sẽ chỉ đường về nhà. Trong tờ giấy có ghi tên tuổi và làng xã quê quán của chủ nhân, nhờ người thạo đường trên lộ, chỉ dẫn giúp đỡ giùm cho chủ nhân được về đến nhà. Thì ra đây chính là cái túi “cẩm nang” đi đường của vợ chồng chú Đùm.
Tôi không biết chú làm việc gì ở xã, mỗi lần về nhà chú hay nhắc tới từ thanh niên cộng hòa, thanh nữ cộng hòa, ông cố vấn, bà cố vấn. Nhưng ở nhà ông hành nghề may đồ, nhà may duy nhất của làng. Ông nhận may rất nhiều bộ đồ kaki màu xanh kiểu quân sự mà ông nói là nhóm thanh niên hay thanh nữ cộng hòa đặt hàng. Khi xong việc, còn vải dư ông may cho mấy đứa em tôi (con ông) mấy bộ đồ kaki quân sự, bọn chúng mặc trông rất ngộ nghĩnh. Tôi vẫn thảnh thơi rong chơi cho qua ngày tháng con nít. Nghe tiếng la ó om sòm đâu đấy trong xóm nhà lá phía bên cánh trái nhà chú. Nơi đây có cặp vợ chồng thường hay to tiếng, nhưng lần này họ cãi vã om sòm vang trời. Một cơ hội giải sầu xóa buồn chán nơi làng quê lặng lẽ. Tôi chạy nhanh tới, như chạy đi xem các đám hát bội, đến diễn tuồng ở làng. Thím Bông (cũng chẳng rõ tên thật là gì) đang đứng trước sân nhà chống nạnh chửi tùm lum, dĩ nhiên là chửi ông chồng đang bực dọc đi qua đi lại trong nhà. Rồi điều gì xảy đến đã đến. Họ cào cấu, họ nắm tóc nắm áo nhau, lôi tới lôi lui. Cộng theo đó là tiếng la hét gầm gừ dữ dội. Và dường như họ bất phân thắng bại. Ông chồng có vẻ ở thế thượng phong, nhưng cũng chẳng làm gì được bà vợ. Bà thím là một phụ nữ nông thôn chính hiệu, vóc khỏe khoắn, cao to có phần nhỉnh hơn chồng, dù ông chồng cũng khá vạm vỡ. Thấy họ ẩu đả kịch liệt, dì tôi chạy về nhà gọi chú đến can ngăn. Chờ hoài không thấy ông đến, dì chạy về lần nữa, rồi lại lần nữa, lần này tôi theo dì về nhà, cũng muốn biết sự thế. Thấy ông vẫn đang chăm chú vào miếng vải dưới đất và cầm kéo cắt theo đường phấn, chiếc thước dây thì vắt tòn ten trên cổ. Ông điềm nhiên và nói, thì thường ngày họ vẫn thế mà. Có tiếng la hét lớn thất thanh, cả dì và tôi chạy quay trở lại. Bây giờ, mọi người chạy ra cái giếng bên sau nhà. Tôi thấy ông chồng đang ngồi trên bờ viền cái nong lớn, mà cái nong lớn thì đang đậy trên miệng giếng. Ông chồng huơ dơ tay đe dọa đám đàn bà đang la hét không cho tiếp cận. Bây giờ tôi mới biết bà vợ tức giận cực độ, từ ngoài sân chạy vòng ra sau nhà, rồi nhảy xuống giếng, với ý đồ tự tử. Và ông chồng cũng giận tức với độ cực, vào nhà lấy chiếc nong lớn, gọi là cái nia đãi thóc, ụp lên thành giếng, với ý đồ bịt đường sống của bà vợ. Dì tôi hoảng hồn lại chạy về, và chú tôi đã chạy đến. Có người đàn ông xuất hiện, tình hình đổi khác. Đàn ông với nhau thì câu chuyện cũng dễ cảm thông với nhau hơn, ông chồng nói chuyện phân bua với chú tôi rồi cả hai vào nhà. Bà thím được mấy người phụ nữ thòng chiếc gàu xuống cho bà nắm dây tựa mà đu lên. Bà thím an toàn, không sao cả. Hàng xóm ai cũng trách người chồng ác độc tàn nhẫn, nhưng chú tôi lại không nghĩ thế, nói chỉ tại cả hai quá giận mà thôi. Sau này chú kể lại, là ông chồng nghe vợ đòi đi ra sau giếng tự tử, ông mặt kệ để bà đi, bởi ông biết vợ mình khỏe như vâm, bơi lội lại giỏi như rái, chỉ dọa ông thôi. Khi nghe bà nhảy xuống giếng thật, ông cũng phớt lờ. Nhưng nghĩ tới bà mang thai được mấy tháng, ông liền vội chạy ra sau, đến bên giếng thấy bà dạng chân vào thành giếng, nửa người trồi trên mặt nước mà liên tục chửi rủa, chửi xong khát nước, cúi xuống uống ngụm nước mà ngửa lên chửi tiếp. Ông tức giận, liền chạy vào nhà lấy chiếc nong lớn ra chụp lại. Hầm hầm nói, cho mày chết luôn. À thì ra cớ sự là vậy, giận quá mất khôn.
Sau này lớn lên tôi hiểu vì sao dì tôi chạy lui tới kêu gọi mà ông không đến liền. Bà là người nguyên quán lại cùng họ hàng nên nói lời phải trái được. Chú là người nơi khác đến ngụ cư, chú gốc Quảng Ngãi lưu lạc vào đây được Ngoại gả con gái nên ở lại lập nghiệp. Thời ấy, đâu cũng thế, dân ngoài vùng mà đến ngụ cư thì sống không dễ, nếu gia đình vợ không thế lực thì thật khốn khổ. Lại nữa ông bà thím ấy vai lớn, lại lớn tuổi hơn ông nhiều, thì ông làm gì có đủ tư cách để khuyên can. Nhưng có lần nghe việc cần cấp là ông đến ngay, như trường hợp sau.
Tôi vẫn rong ruổi giang hồ như thường lệ, cũng nghe tiếng quát mắng ở vùng xa xôi vang vọng đến. Rồi như thường lệ, cũng như những người rủ đi xem hát bội. Họ biết ở làng bên cạnh có diễn tuồng, nhưng rạp cất lên ở đâu thì không biết, họ băng bờ vượt rào hỏi thăm nhau mà tìm tới. Bọn con nít tôi cũng thế, luồn qua ngõ này, lách qua hẻm kia, một lát thì đến nơi tụ hội lại cho thêm phần náo nhiệt. Căn nhà tranh này là nơi quen thuộc, nơi tôi cũng thường đến. Không phải tôi quen với chủ nhà. Mà chỉ quen cái cây trồng trong vườn nhà, cạnh con đường mòn băng qua mà thôi. Chính ông anh tôi vẽ đường chỉ lối cho tôi đến cái cây này. Đây là cây nhàu có quả lớn cỡ nắm tay sần sùi ăn vào ngòn ngọt chua chua. Trái của cây này tây y gọi là trái Noni thì dùng trong điều chế chất dưỡng da. Còn đông y thì trị nhiều thứ bệnh như nhuận tràng, hoạt huyết, điều kinh. Nhưng bọn tôi thì chẳng biết gì điều đó, chỉ biết nó chữa được bệnh ghiền ngọt ngọt chua chua của đám con nít. Đây lại cái cây độc nhất có trong làng nên lại rất quyến rũ chúng tôi. Thêm nữa, cô chủ hiền hậu không la mắng nhiều, chỉ cầm roi dư dứ cho bọn tôi chạy. Nhiều lúc tôi không thèm chạy, lảng sang bên và đủng đỉnh đi. Bởi, tôi biết cô không thể rượt theo. Cô có cái tên nghe rất dân dã. Tên một hoa nở về đêm và mang hương thơm quyến rủ, tạm gọi cô Hương. Cô chừng hăm tám hăm chín, da trắng gương mặt bầu bĩnh phúc hậu. Cô đi đứng khó khăn, phải chống nạn mà đi, ở trong nhà thì lết, vì chân cô bị liệt khi bị bệnh sốt còn nhỏ. Cô sống cùng gia đình trong nhà, họ ra đồng làm việc thì cô lủi thủi một mình trong nhà mà khâu vá hay làm những việc vặt vãnh khác. Gia đình cô, cũng như bà con hàng xóm trong làng, yên chí cô sẽ sống đơn lẻ như thế cho đến suốt đời. Nhưng chuyện đời bất ngờ khó nói trước. Bụng cô càng ngày càng phình ra, người trong gia đình nghĩ cô lên cân, rồi sau đó, nói cô bị bịnh trong ruột. Cô không chịu chạy chữa. Cho đến một hôm, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra, cô không bị bịnh gì cả. Chỉ có bệnh thèm chua mà thôi. Gia đình tá hỏa, chất vấn cô, chửi mắng cô, thậm chí dùng roi quất cô, nhưng cô vẫn cự tuyệt không thốt ra ai là tác giả, ai là thủ phạm gây chuyện tày đình này. Một chuyện động trời xảy ra ở cái làng quê nhỏ bé này. Gia đình họ dù không có học hành gì nhiều, nhưng cũng biết dùng phương pháp loại suy, để truy tìm thủ phạm. Thì ra kẻ địch không ở đâu xa, mà ở ngay gần nhà, sát cạnh nhà. Phía bên kia cái cây Noni. Thế là người trong gia đình la hét gào lên, xông đến nhà ông chú ấy. Ông chú ấy, tạm gọi chú ‘Tê’, khoảng bốn mươi, suốt ngày mặc độc một cái quần đùi trong nhà, lúc ra đường chính đứng chơi, cũng thế. Mấy đứa con chú có thằng lớn cũng lớn gần bằng tôi, cũng ăn vận một kiểu như chú, và cũng thuộc loại giang hồ làng như tôi, rong chơi đâu tôi cũng gặp nó cả, có điều nó thấy tôi ăn mặc khá lịch sự, là có mặc thêm chiếc áo cộc, nên có chút e ngại kính nể không dám làm quen. Ông chú có lẽ biết trước hậu quả khi nghe gia đình truy vấn cô, nên quất ngựa trốn chạy. Trong nhà chỉ mấy đứa con chú ngó ngơ ngác, mẹ chúng thì không thấy đâu, có lẽ còn ở ngoài đồng. Gia đình đòi đập phá nhà cửa. Người hàng xóm kéo đến khuyên ngăn. Chú tôi nghe thế cũng chạy đến kịp thời. Đây là chuyện lớn, rất lớn, nếu gia đình họ bắt được ông chú hàng xóm thì dám có án mạng xảy ra. Ai cũng ra sức khuyên nhủ, nhưng những người đàn ông trong gia đình vẫn đi lùng từng nhà xung quanh tìm kiếm chú ấy, quyết chí bắt ông ra xử. Tôi nghe tiếng chú tôi vang lên nói rằng, tôi thấy anh ‘Tê’ đã đi ra khỏi làng rồi, có lẽ đi lên quận để làm việc gì đó… Tôi không biết ông nói có phải thật không. Bởi nhà ông ở phía trong, nhà chú ‘Tê’ ở phía ngoài, thế làm sao thấy chú ‘Tê’ đi bộ rời làng. Nghe vậy, những người đàn ông đang hừng hực lùng kiếm cũng giảm bớt khí thế, họ quay vào nhà la tiếp tục mắng cô, coi cô là tội đồ xấu xa dòng họ. Nghĩ lại, chú tôi đã ứng biến kịp thời, đã cứu vãn được tình thế chỉ bằng một câu nói. Chú ‘Tê’ đang ẩn nấp đâu đó chung quanh, đã lẻn rời làng ra đi ngay sau đó.
Đây không phải là lần đầu người ta đi lùng sục khắp làng như thế. Lần trước cũng đã có một cuộc lùng kiếm như vậy. Đó là chuyện chị Chân (hay Trân?), được cha hứa gả cho một thanh niên nơi làng khác, đến cận ngày rước dâu, chị bỏ trốn không tăm tích. Mọi người cũng lùng sục đi tìm chị. Tôi biết chị, bởi mẹ tôi sai chị tôi và tôi, đúng hơn là sai chị rồi bắt tôi đi theo luôn, thường đi đòi nợ những người trong làng. Mỗi lần chị em tôi tới nhà là chị Chân đuổi chó, rồi ra sân mở cửa cổng, cho vào nhà. Chị độ tuổi mười sáu mười bảy, môi đỏ, da trắng, cao ráo trông xinh đẹp. Tôi chỉ đứng tới cằm chị. Còn chị tôi lúc đó còn nhỏ, chỉ độ mười hai mười ba tuổi nên thấp hơn chị nhiều (về sau bà trổ mã cũng khá cao lớn). Trông chị rất đon đả vui vẻ. Thường người cha gửi tiền, có lúc ông hẹn lại ngày khác. Người em trai kề của chị là bạn giang hồ làng chí cốt thời ấy của ông anh tôi. Hai người ấy mới đúng là giang hồ làng thứ thiệt. Chị ra đi biệt tăm từ ấy, về sau có người nói, chị đi giúp việc (bây giờ gọi là osin) cho gia đình giàu ở thành phố, có người nói chị làm vợ cho một ông sĩ quan, có người nói chị đứng đường… Tôi bặt tin từ ấy. Nhưng với chú ‘Tê’, sau đó một tuần nghe ngóng gia đình nguôi ngoai chú đã trở về. Tôi không biết họ xử lý ông ra sao? Nếu bắt cưới thì có đình đám vui vẻ tôi sẽ biết. Nếu bắt phạt vạ thì cũng có đình đám ồn ào tôi cũng sẽ hay. Bởi ở làng quê đâu có gì để xem đâu. Nên tóm lại, tôi gọi là câu chuyện tình này là chuyện tình không đoạn kết, đơn giản tôi không biết họ kết ra sao!
Tôi còn nhớ như in, một kỉ niệm đẹp với chú. Ông đi đâu không biết, vác cây đàn guitar ghé qua nhà tôi, đặt cây đàn trên tấm phản nơi cửa sổ, rồi ra sau nhà cầm gáo dừa múc nước trong lu ra uống. Tôi mò đến tấm phản, ngắm cây đàn nằm chơ vơ đó, lấy tay vỗ lên đám dây đàn, ở giữa thùng. Tay bung ra, rồi cuốn lại, chụp xuống đều đều, giống như khi tôi nhìn thấy ông vừa chơi đàn vừa hát. Nghe tiếng cây đàn vang lên, chú bước vào nhà, tôi hoảng sợ bỏ cây đàn lùi lại. Chú đứng đó cười và nói ‘thằng P đàn hay quá bay’. Câu này tôi nhớ hoài, vì cứ ngỡ là sẽ bị mắng la một trận. Nhưng không ngờ lại được nhận lời khuyến khích. Cách ứng xử của ông làm ngoại tôi rất hài lòng, bà không khen ai ngoài ông, cái thằng nó thảo ăn làm sao, của ít của nhiều gì, cũng đều mời mẹ cả. Nhưng ông còn làm người dân quê ngạc nhiên và thán phục hơn nữa. Đó là tự thiết kế vẽ đồ họa xây căn nhà của mình. Ông mỗi ngày hay mỗi tháng mua một ít ngói, một ít gạch, gửi nơi vườn bà Sáu. Mỗi ngày hay mỗi tháng mua một ít cát mịn chất sau vườn nhà ông cậu. Cứ thế đến khi đủ, ông kêu thợ đến làm nhà. Ông trải tờ bản vẽ bút chì phác thảo tự làm và yêu cầu thợ làm theo ý ông như thế. Căn nhà ngói xi măng được xây lên, với một cái lầu nho nhỏ, có cầu thang gỗ bắt lên. Ông nói nơi này dùng cho bạn bè đến đàn hát, hay trải chiếu xuống đánh cờ đánh kiệu, cũng có thể sẽ ra ngồi ‘lan can’ (veranda) bên ngoài uống trà. Trong nhà, không dùng cửa gỗ mà trang trí bằng những tấm màn chắn, tấm rèm sáo mà ông tự lấy ống hút nhựa thắt hình thoi xỏ qua cọng kẽm, trông rất lạ, đẹp. Thêm nữa, để đến phòng khách, phải đi qua cửa vòm vòng bán nguyệt như đến cung điện. Đây là căn ‘nhà lầu’ duy nhất thời ấy ở làng quê, cho đến bây giờ tuy đã xuống cấp rêu phong cũ kỹ nhưng vẫn còn tồn tại, và vẫn là căn nhà lầu duy nhất nơi làng quê. Với tôi, ông là nghệ sĩ làng quê đa tài. Cái lối chơi điệu rhumba, tay phải ôm đàn vỗ nhịp lên dây, còn tay trái bấm hợp âm chạy trên cần phím, của tôi bây giờ, là do nhớ lại và bắt chước theo lối chơi của ông khi đó.
* *
Buổi sáng ở làng quê êm ả, mặt trời đã lên cao tận ngọn tre. Đường làng vắng vẻ, người cần đi chợ thì đang ngoài chợ, người cần chăm sóc ruộng lúa thì đang ở ngoài đồng, tôi cần dế thì đang loay hoay cái cuốc với mấy hang dế sau vườn. Tôi cũng như những đứa trẻ khác thích nuôi dế giống bây giờ người ta nuôi thú cưng. Có điều thú cưng thì không ai bắt chúng đánh nhau, còn bọn tôi thì chơi trò đá dế. Nhìn con dế thấy thích liền, hai mắt tròn vo lóng lánh trên cái đầu cũng tròn với bộ giáp cứng phủ trên lưng. Mấy cái chân nhỏ trước xoay xoay trên bộ hàm, co duỗi không ngừng như thể đang tăm tỉa vuốt ria, còn đôi râu phất phơ trên đầu như hai đuôi chim trĩ trên lưng của ông kép hát. Đôi chân sau dài ngoằng búng ra tách tách, mà trúng một phát thì đau điếng, tay có thể tóe máu chẳng chơi. Tôi đang lấy gáo múc nước lu đổ vào hang, đổ từ từ, chỉ chờ chú em dế ngộp nước thò đầu ra, vuốt mặt vuốt mũi, còn đang ngơ ngác như hỏi trời đang mưa hay sao? Là tôi nhanh như tên bắn thộp cổ chú bỏ vào chiếc hộp rồi. Chỉ một phát thế thôi, không có phát chộp thứ hai. Bởi chộp trật thì coi như xôi hỏng bỏng không, dế lanh như khỉ, đôi chân dài ngoẵng miên man, búng tách tách vài phát là tung mình lần vào bụi rậm, và đứng trong đó gáy vang ra như chọc quê thằng nhỏ tôi. Bỗng có người ở vườn bên cạnh hú gọi nhau ra đồng, nói rằng, có nhiều người ngoài đó, anh ba ở cũng đó. Tôi biết là có chuyện hay để mà xem rồi, quăng chiếc cuốc một bên phóng chạy theo họ.
Ngoài đồng, một số người đứng lố nhố nơi gần cái miếu giữa đồng đang bàn cãi chuyện gì, dáng vẻ họ hùng hổ như muốn đánh nhau. Tôi không dám đến gần, đứng nơi bãi đất nơi quán tre cuối làng nghe ngóng. Người nói, ruộng của ta khô nẻ, lúa sắp héo sắp chết rồi mà không có giọt nước, họ thật quá đáng . Người nói, họ có cho một ít rồi đóng lại ngay đâu có thấm tháp gì. Người nói, nước là của chung, họ có quyền gì giữ? Tất cả đều nhao nhao, hô hào kéo đến phá đập, lấy nước. Đó là lý do họ vào làng kêu gọi thêm người cùng đi phá đập, lấy nước, cứu lúa. Họ hỏi một người đàn ông trong bọn họ. Anh ba nghĩ sao? Người đàn ông mà họ gọi là anh ba này khoảng giữa lứa tuổi ba mươi, khôi ngô, đĩnh đạc, nổi bật trong nhóm, ngay từ đầu đã can ngăn khuyên nhủ đám đông. Trong nhóm có nhiều người lớn tuổi hơn, nhưng với phong thái trầm tĩnh, ông được mặc nhiên là thủ lĩnh nhóm. Có người nói, nếu hai bên ấu đả, ta sợ gì họ chứ, làng trên có ông ‘Xã Đàn Nghiện’ (võ sư có tiếng ở làng trên) thì ta cũng có anh Ba, ổng không bằng đâu. Có người nói làng trên còn có ông Đào ‘Đê’, ông này cũng không vừa gì. Nhưng ông này cùng họ với anh Ba mà. Cùng họ, nhưng vai trên lại ở làng trên nên phải theo phe trên chứ lẽ nào theo ta. Họ nói như đóng đinh là hai phe chắc chắn sẽ lâm chiến và đánh giá phe nào mạnh hơn.
Chuyện là thế này, cánh đồng làng dưới và làng trên được ngăn bởi con đập ở giữa gọi là ‘Đập Bờ Kịnh’, gặp mùa hạn hán, làng trên đóng đập giữ nước cho làng họ. Làng dưới yêu cầu xả đập, nhưng làng trên chỉ xả một ít vì còn giữ cho ruộng lúa của mình. Ruộng làng dưới lúa chết, họ tức giận hú gọi kéo nhau lên làng trên phá con đập để lấy nước. Trước áp lực đám đông, người được gọi là anh ba, đành chiều ý họ, kéo nhau đi lên làng trên, nhưng điều kiện để ông nói phải quấy trước. Thế là đám người kéo nhau đi, trên tay mang ‘vũ khí’ phá đập (và để ẩu đả) là những dụng cụ họ đang làm việc nông như rựa, cuốc, thuổng, mác, chĩa ba rơm… Riêng ông ‘anh ba’ thì đi tay không. Nhóm người kéo nhau băng qua đồng, hướng về hướng ngôi đình làng trên. Họ phát hiện năm sáu đứa con nít bọn thôi lẽo đẽo theo sau. Họ quay lại dọa nạt, xua đuổi, bắt bọn tôi phải quay về. Bọn con nít biết có chuyện hay, nhưng không được xem, đành tiu nghỉu quay về lòng thê thảm buồn. Tôi có ý chờ người làng sẽ mang vác người bị thương, người lỗ đầu chảy máu về (đánh nhau thì phải có chảy máu chứ), nhưng chẳng thấy. Ngôi làng vẫn yên ắng như thường ngày. Hôm sau thì biết họ tranh luận dữ dội với xóm trên, kẻ muốn chia nước, người muốn giữ nước, cãi nhau kịch liệt không ai nhường ai, kéo dài cho đến chiều tối vụ việc mới được giải quyết xong. Mỗi bên nhường nhịn một ít, nước được xả ra theo một thời điểm nhất định nào đó trong ngày. Thế là tốt, tốt cho dân cả hai làng, cũng tốt cho bọn con nít chúng tôi. Nếu như hôm ấy kéo đến xem, để rồi ngồi đó, phải nghe họ lý luận cãi nhau qua lại, người muốn giữ nước, kẻ muốn chia nước, lâu thế. Bọn con nít sẽ ngồi đói và ngáp dài, chắc có đứa sẽ nằm lăn ra đất mà ngủ.
Người mà dân làng gọi là ‘anh ba’ đó là cậu tôi. Khu vườn tôi đến đào dế là vườn nhà sau của ông. Khu vườn mênh mông như sân vận động, căn nhà ngói đồ sộ nhưng cũng lọt thỏm giữa vườn. Trong vườn trồng nhiều loại cây trái, ngoài dừa, xoài, mít, mãng cầu còn hàng chục cây ổi, mà hằng ngày tôi leo lên đó mà ngắt hái mà tàn sát, non già gì cũng nhai ráo. Nhưng cũng có khi nó cạn kiệt, tôi chạy vào nhà hỏi mợ, còn cơm nguội không? Bà cười, chỉ vào cái nồi đồng nói còn ít trong đó. Bà có nụ cười nhẹ nhàng, tôi hay nhìn bà cười, bởi hàm răng bà đều đặn và đen bóng như hạt mãng cầu trồng sau nhà, trông rất ngộ. Đôi khi bà chỉ vào chiếc cũi và nói, còn có bún trong rổ và một tô mắm cua đồng giã, món đặc sản đồng quê này với tôi thì tuyệt vời. Nhưng đến nhà ông thì hấp dẫn nhất không chỉ là những thứ này, có cái còn hấp dẫn hơn. Ăn no xong là tôi mò lên nhà trên. Bên sau kệ thờ, ông thường để cuốn truyện Tàu đang đọc dở. Trên xa lông gỗ bóng thì có vài quyển tạp chí ông đọc hàng ngày. Quyển tạp chí khổ lớn là Hương Quê (?), tôi thích đọc truyện ngắn của tác giả có tên khá lạ lùng là Bình Nguyên Lộc. Còn tạp chí khác khổ nhỏ hơn là tạp chí Phổ Thông, tôi luôn theo dõi truyện đăng nhiều kì (trước khi xuất bản) “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ. Các mục khác thì tôi không màng tới, vì đọc mà không hiểu gì mấy, thôi bỏ qua luôn, đọc mấy bộ truyện Tàu thì thích hơn. Trong mục “Tuấn, chàng trai nước Việt” tôi thấy na ná hình ảnh của ông cậu. Truyện nói về một thanh niên “Nho học” có tinh thần yêu nước, sống trong thời kỳ bộ máy cai trị của thực dân Pháp đã vững vàng, trong xã hội (Tây học) anh trở nên lạc lõng. Ông cậu học chữ nho cũng thế. Chả dùng được vào việc gì với cái bút, cái nghiêng, của ông ngoại để lại. Hình minh họa trong tạp chí là một người đàn ông mặc áo dài the đen, vận quần màu trắng, đầu đội mũ cối, chân đi guốc mộc. Ông cậu cũng thế, khi ra ngoài, ông mặc bộ đồ bà ba trắng, rồi khoác áo dài the đen bên ngoài, đầu đội khăn đóng (chiếc khăn màu đen quấn nhiều lớp khâu cứng), chân cũng mang guốc và tay cầm dù mà rời nhà. Có lần tôi men theo, thấy một số ít người ăn mặc như ông, đứng trong nhóm người mặc toàn bà ba đen, đang cúng tế gì đó nơi cái miếu ngoài đồng.
Bộ đồ bà ba trắng là biểu tượng tầng lớp thượng lưu có học chữ trong làng. Người bình dân và người không biết chữ dù giàu có cũng chỉ mặc bà ba đen. Trong làng có người mặc bộ bà ba trắng nhưng lại không được mời đến cúng tế nơi đình miếu. Ông sáu, tuổi chừng năm lăm, với bộ bà ba trắng, đầu đội nón cối, tay cầm cây baton nâu láng bóng có bịt bạc nơi đầu, thường dạo quanh trong làng. Người làng gặp ông thường hỏi, tới kì lên quận chưa chú Sáu, ông nói, có tới rồi nhưng họ hẹn chờ thêm ít nữa, ‘măng đa’(ngân phiếu) từ Pháp qua đây đường dài nên trễ nãi. Ông Sáu đi lính cho Pháp. Pháp về nước, còn ông về hưu. Pháp gửi tiền hưu về quận, ông lên quận lãnh tiền. Ông thường ghé qua nhà tôi ngồi chơi. Ông hết lời khen tặng mẫu quốc. Nói chuyện thường xổ ra thứ tiếng tôi không hiểu, dân làng hình như cũng mơ hồ, nào là… on, đơ, troa, cách… bu cu, mẹc xì… mẹc xà lù…cu li. Có điều dân làng nể trọng ông lắm, ông cũng khá vui tính nên không ai ghét ông, chỉ điều họ không mời đến dự những buổi cúng kiến của làng mà thôi. Tầng lớp nghèo nhất trong làng, người ta gọi là nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có miếng đất cắm dùi, nghèo hơn Trần Minh khố chuối (nghe nói ông này không tiền, ở trần nhồng nhộng, chỉ có lấy bẹ chuối quấn làm khố mà thôi) thì ngay bộ đồ bà ba đen cũng chẳng có để ăn tết, họ chỉ mặc độc mỗi, quần đùi thô, áo cộc tay thôi. Như ông ba mù giã gạo thuê trong làng, cũng thường đến nhà tôi giã lúa, từ thúng lúa ông bỏ vào cối giã, rồi sàng, rồi sảy, thành những hạt gạo trắng, ông không cần ai giúp, nhưng thỉnh thoảng nhờ tôi ra vò múc cho ông gáo nước.
Ông cậu vài năm sau ông xếp cất áo dài the vào rương, chỉ dùng tế lễ, và thay vào đó là bộ sơ mi trắng với quần tây đen, và lúc nào áo cũng bỏ thùng, cài nịt tươm tất khi đi ra ngoài. Nhưng hình ảnh ông rõ nét nhất trong tôi là những buổi chiều mát, hay những đêm trăng rằm rực rỡ, ông ra đầu hè nhà cầm cái mác mà quơ mà múa. Ông đâm tới, thọt sau, múa may nhiều vòng, đến lâu sau, ông dựng cây mác lên bức tường nhà, hoặc có khi ông phóng mạnh cái mác ghim xuống đất, rồi bỏ đi. Tôi mon men mò đến cái mác, cầm lấy nó và bắt chước múa may qua lại, đâm tới thọt sau, nhưng trời đất, nó nặng quá, chỉ xuất mấy chiêu mà đã đổ mồ hôi hột thở dốc, thôi đành chờ lớn lên mình sẽ ‘khuất phục’ nó vậy.
Khi có bạn đến nhà chơi, thấy ông vui hẳn ra, họ nói chuyện với nhau say sưa, có khi cùng ăn cơm trên bộ phản ngựa. Những lúc này tôi thường lảng vảng kế bên mà hóng chuyện. Bởi chuyện của họ hấp dẫn tôi. Họ bàn đến võ thuật. Họ khen chê võ người này người kia đương thời, và khen võ nghệ các bậc tiền bối. Như tán tụng đường roi (khúc cây dài) của võ sư Hồ Ngạnh và đường côn của ông Tàu Sáu (người gốc Tàu), đường quyền của Tám Dánh (?). Họ kể về những võ sư hành nghề trộm. Võ sư mà đi ăn trộm là chuyện lạ. Mà họ đi ăn trộm lại theo khuôn phép, theo đạo lý riêng của họ. Như một năm chỉ trộm một hai vụ mà thôi; Chỉ trộm xa làng chứ không được gần làng (có lẽ trong làng họ là người đáng kính); Chỉ ăn trộm nhà giàu có (đương nhiên, nhà nghèo có gì mà trộm) mà ăn ở khắc bạc thất đức; Khi vào đường hầm đào từ bờ bụi xuyên vào giữa nhà kho của thì phải có người canh nơi đầu vào (cái này gọi là canh me cẩn thận), còn người bên trong trước khi thò đầu lên khỏi đường hầm thì hai tay cầm nồi đồng hay chảo đồng giơ lên đầu (cái này tránh chủ nhà dùng chày đập xuống); Khi vét đồ bỏ bao xong, xóa dấu vết trong nhà, rồi nhanh chóng rời khỏi (cái này khi nhận biết có trộm, thì họ ở nơi xa rồi không đuổi theo kịp). Thế đấy, và ông cậu hình như quen biết Tám Dánh, mà ông gọi là chú ở trong làng, ông nói chú Tám chạy về lén núp trên rầm nhà (la phông), cơm nước đưa lên đó ăn uống cả hơn tháng khi chính quyền (Tây) hết lùng sục mới thôi.
Những câu chuyện của ông kể kích thích trí tưởng tượng của tôi rất nhiều. Nhưng chính điều bản thân ông làm tôi lại càng ấn tượng hơn. Ông thường hay nằm trên võng, thả chân xuống đất đu đưa, trên tay cầm quyển sách, mà hát hò những trích đoạn trong tuồng hát bội. Hát bội thì cả làng đều mê, nhưng tôi không thấy ai như ông, nằm võng mà hát vang trời kiểu như …Ai ải ngươi biết ta là ai không… để ta xưng tên cho mà nghe… ta là (đọc tên một ông kẹ tướng Tàu nào đó ra, như Trương Phi, Triệu Tử Long…)… rồi giọng ngâm nga trầm bổng xuống lên ứ ự ừ ư …. xong, làm cử chỉ vuốt râu cười ha hả. Giống hệt những ông kép trong tuồng hát. Nghe rất vui tai. Những đoàn hát vào làng hầu như không thể nào không liên lạc và kết nối với ông. Bởi ông là tay trống (trống chầu chứ không phải trống của ban nhạc rock) thành thạo nghiêm túc, giúp họ nâng khí thế mà hát hò diễn xuất. Ngoài tay đập trống có danh, ông còn là tay đập bóng có hạng.
Ngôi từ đường dòng họ cao ráo rộng rãi thoáng đãng thì được tạm dùng làm lớp học cho bọn con nít trong làng. Trước sân có dựng cột treo lưới đánh bóng chuyền. Đội banh trong làng tập trung đến chơi lúc con nít nghỉ học. Họ cũng thường mời dân làng lân cận đến giao lưu, và thường có cá cược nho nhỏ cho thêm phần kích thích vui vẻ. Ông cậu là người đứng đầu đội banh làng và là một tay đập chính. Còn ông chú là tay banh nâng chủ lực. Mỗi lần thấy có bóng chuyền là tôi đứng xem mê mệt. Có khi họ đấu với người làng này, có khi với người làng khác, có lúc họ đấu với nhau, nhưng lúc nào ông cậu và ông chú cũng đứng cùng một phe. Người ta thường khen ông có cú đập lắt léo bất ngờ. Cú đập lật người. Khi banh nâng lên cao, người đập sẽ nhảy lên, đập mạnh bóng qua lưới. Đối thủ cũng nhảy lên dơ hai tay chắn bóng. Chắn tốt, bóng sẽ bật lại. Chắn không tốt, bóng lọt lưới rơi qua sân mình. Cách đập bóng là thế. Nhưng ông có cú đập lạ đời – cú đập lật người. Khi bóng treo lên, thay vì nhào tới, ông xoay lưng nhảy lên, quật mạnh tay ra sau, trái bóng bắn qua lưới, trong khi đối phương còn bỡ ngỡ, thì trái bóng đã qua sân. Về sau chơi bóng chuyền, tôi nghĩ ông đã dùng tiểu xảo bất ngờ để thắng. Nhưng ông lại chỉ có cú đập đơn thuần ấy, không có kiểu khác, lối tiểu xảo ấy về lâu dài không có hiệu quả. Ông là tay đập mạnh không cần làm thế, trực diện dập xuống cũng gây khó khăn đối thủ rồi. Tôi nghĩ ngay đến một thế võ cận chiến nhập nội. Nhào tới, xoay người quay lưng, giật cùi chỏ ra sau. Ra đòn bất ngờ này, đối thủ sẽ gục xuống sàn đấu ngay. Có lẽ ông tập thế võ xoay người này nhiều lần thuần thục, nên khi chơi bóng chuyền ông cũng phản ứng như thế, phản xạ theo thói quen mà thôi. Có lẽ thế, tôi không chắc. Nhưng có điều đây là lối chơi độc đáo của ông, trước đó và sau này tôi không thấy ai có lối chơi bóng chuyền đập ngược lạ đời như thế cả.
Tôi rong chơi ngoài đầu làng, gặp ông đang làm việc. Đang chỉ trỏ hướng dẫn cho hai người leo lên bụi tre, mắc cặp sợi dây màu đen lên cao. Tôi theo nhóm họ, cặp sợi dây đen cứ thế, móc từ hàng tre này đến hàng tre khác dọc theo con đường làng. Cặp sợi dây đi qua nhà ông chú, nhà tôi, rồi tới nhà ông. Đến buổi chiều thì mọi việc đã xong. Trong nhà ông, cả nhà quây quần với cái máy mà ông gọi chiếc điện thoại, ông nói đây là hàng người Mỹ viện trợ cho Ngô Tổng Thống. Ông nói, quay máy liên lạc với ông thôn trưởng làng trên xem có được không. Kết nối tốt. Lần đầu tiên thấy vật lạ này, ai cũng muốn nghe thử cho biết. Ông đặt ống nghe vào tai bà mợ, rồi đứa con gái, kế đến thằng con trai. Nhưng đứa con gái tính vui vẻ và xí xọn, nó giật lại, muốn nghe thêm, nó làm mấy lần như thế ông cũng chiều, có lẽ ông khá cưng nó. Hai đứa nó lớn tuổi hơn tôi nhiều, đứa con gái vài năm sau đi lấy chồng, bỏ làng mà về nơi phố thị. Và tôi là người cuối cùng ông đưa cho nghe thử. Một đoạn hát cải lương vang lên trong ông nghe, nghe sướng mê tơi. Ông thôn trưởng làng trên khoe cái máy quay dĩa mới mua của ông. Cái này nhà ông cũng có, đó là cái máy hát đĩa quay tay, dùng cây kim thả lên rãnh, khi nghe rè rè phải mài lại kim. Bọn trẻ con làng thường dùng lon sữa bò đục thủng, nối nhau với sợi cước, rồi đứng tách xa nhau mười lăm hai chục bước nói chuyện nhau nghe tiếng nho nhỏ ri rỉ, rất vui. Bây giờ, lại tận tai tôi nghe được cái ống nghe thứ thiệt này. Thật là quá đã! Cả đám bọn nhỏ chơi lon sữa bò, chẳng đứa nào biết đến cái ống nghe thứ thiệt này, chỉ có mình tôi thôi. Bởi vì, mỗi làng chỉ có một người đứng đầu là ông thôn trưởng mới có máy điện thoại, và ông cậu là người ấy.
Trong làng người ta lại kháo nhau, bàn tán nhiều về chương trình hàng rào“Ấp Chiến Lược”, nói là do ông Cố Vấn đưa ra, làng phải làm theo chỉ thị. Họ bàn nhau những đoạn hàng rào đi qua bờ tre nào, bờ ruộng nào. Căn nhà gia đình ông chăn nuôi vịt cả năm bảy trăm con ở cuối xóm, nhô ra ngoài đồng, không được hàng rào ấp chiến lược bao bọc lại, vì họ cho tốn kém. Cho nên căn nhà và ao vịt nằm lẻ loi bên cạnh hàng rào làng. Hàng rào chạy dọc bờ ruộng, bờ tre, trước nhà ông cậu, chạy đến đầu làng (phía nam). Chiếc quán tre đầu làng được lui lại mấy trăm thước, xây cao trở thành cái chòi canh cuối ngõ, đầu (cuối) làng. Tôi leo lên chòi chơi với mấy đứa nhỏ, thấy cậu đến với ba bốn người xem tới xem lui, rồi bảo họ phải làm lại. Ông cũng xắn tay bước xuống ruộng làm cùng họ. Hàng rào là những đoạn tre cỡ hai mét rưỡi vót nhọn bên trên, cắm chân xuống bờ ruộng xếp thành hình chữ X, có đoạn đóng đinh, có đoạn cột bằng lạt tre. Họ nói chuyện với nhau, tôi nghe một người nói, rào bít hết như thế nầy làm sao “đi đồng” anh ba. Nhà anh vườn rộng thì thôi, còn khu xóm nhà lá bà ‘Xê’ mấy gia đình ở đó đâu có vườn, phải làm sao? Ba chữ ‘đi ra đồng’, nghĩa là đi ra ngoài đồng, dễ hiểu. Còn người làng chỉ nói hai chữ ‘đi đồng’ thì phải hiểu ‘đi cầu’ như dân thành phố. Bởi làng quê làm gì có đèn điện, có nước máy, có cầu tiêu. Để giải quyết nhu cầu họ vác cuốc ra bờ gò ngoài đồng, đào hố, ngồi đó xả bầu tâm sự. Chiều chiều, người lớn thường rủ nhau ra đồng, ngồi đó mà nói chuyện râm ran, thưởng thức nắng chiều với gió mát. Còn bọn con nít thì không như thế, cứ tự nhiên ra đầu hè hay cứ đứng giữa sân mà xả của nợ. Có đám hầu là những con đốm, con vằn, con vệnh, con mực, con phèn, chờ chực sẵn, chúng không để rơi rớt hột cơm hóa kiếp nào. Tôi không nghe rõ ông trả lời ra sao, chỉ thấy ông, co chân đạp vào hàng rào và hai tay siết dây lạt. Nhưng khi tôi chạy chơi qua đó, thì thấy hàng rào có khoét lỗ nhỏ chui qua, giống như hàng rào khoét lỗ sau vườn nhà ông. Cái hàng rào tồn tại không lâu, người dân không thích lùa bò ra cổng làng rồi quay lại cày đám ruộng nằm sau nhà mình như thế, nên họ tự gỡ đưa bò ra rồi rào lại, sau đó họ phá rào luôn. Chừng một năm sau, hàng rào bung vành xiêu vẹo nằm chổng chơ, rồi thời gian sau nữa nó hóa kiếp trong các bếp lò của các gia đình nông dân bên cạnh.
Lần này, không phải tự ý đi chơi xa mà do bị dắt đi. Một hôm ngoại dắt tôi đi khá xa, vượt qua ngôi chùa ở đầu trên làng, đi vòng ra hướng bắc rìa làng. Bà đứng ngoài cổng gọi vào có ông ‘U’ ở nhà không, trong nhà có tiếng vọng ra nói ông đi vắng. Bà hỏi khi nào về, cũng tiếng vọng ra nói không biết, bà nói sẽ đứng đây chờ ông về. Một thời gian khá lâu có người ra mở cửa mời bà vào. Một ông già mặc bộ bà ba trắng mời ngoại ngồi ghế, châm bình trà mời bà. Tôi ra ngoài sân xem con bò cột dưới gốc xoài quì nhai cỏ. Lúc sau nghe tiếng cãi cọ, tiếng cãi dần dần to tiếng, tôi vào nhà thấy ngoại đang la lối gì đó với ông già áo trắng. Nghe thoang thoảng rằng con gái ông dụ dỗ cù rũ con trai tôi (bà nói ngược rồi)… như thế, như thế… ông già cũng sừng sổ chống lại. Ngoại hùng hổ la hét, ông già thì gân cổ cãi nhưng vẻ kìm hãm chừng mực ( cũng phải thế, vì sau lưng bà là cả dòng họ có thế lực lớn, có thể nói là nhất làng này). Hai người nói qua nói lại rất nhiều thứ tôi không hiểu. Có bốn năm người lớn nhỏ với con nít ngồi ở phòng bên, họ vẻ lo sợ cuộc cãi cọ, họ cũng không dám xen vào câu chuyện, họ ngồi im thin thít. Tôi tới hỏi tìm vò nước uống, họ chỉ ra sau hè nhà. Tôi múc một gáo ực đầy bụng, thật đã khát. Nhìn thấy dưới mái hiên nhà, có cơi nới xây một căn phòng tạm. Tôi đến nơi nhìn vào thấy một đứa bé mấy tháng tuổi nằm trên võng, cạnh đó là một phụ nữ nét mặt hoảng hốt lo sợ, thỉnh thoảng bà chạy vào nhà nghe ngóng cuộc cãi vã của hai người, rồi chạy về lắc võng ru đứa bé ngủ. Người phụ nữ này trạc cỡ dì tôi, vóc thanh mảnh lanh lẹ giống như dì. Nhưng dì với mặt trái xoan, mũi dọc dừa, dáng thon thả nên có vẻ trội hơn. Dì là như thế, nhưng tôi chưa từng bao giờ nghe ai khen dì, mà những lời khen đều rớt vào bà chị của dì. Nghe tiếng ngoại kêu trên nhà, tôi chạy lên, bà với vẻ mặt giận dữ dắt tôi ra về. Trên đường ngoại không nói một lời. Không biết chừng sau đó bao lâu, ba tháng hay nửa năm sau, tôi thấy người phụ nữ ấy sống chung trong gia đình ông cậu, bà trở thành mợ của tôi và đứa trẻ trở thành thằng em tôi sau này. Ngoại hay vào la rầy người mợ này, tỏ vẻ không hài lòng. Mỗi lần thế, mợ đều đáp trả lời với nụ cười tươi và lời nói chiều chuộng bà mẹ chồng nhẹ nhàng. Có người nào luôn giận dữ với một người có nụ cười gắn trên môi. Ngày qua ngày, một thời gian ngoại cũng nguôi giận và chừng vẻ trở nên thân thiết với nhau hơn con dâu khác. Đúng là sức mạnh của nụ cười. Tôi gặp bà thấy lúc nào cũng có nụ cười trên môi, đấy như là một ‘đặc sản’ của bà.
Ông cậu tôi hay thật, là thuyền trưởng của hai tàu, chắc ông là thuyền trưởng vất vả lắm trên đời. Con người ai cũng có điểm mạnh điểm yếu, một đứa trẻ thì làm thế nào mà biết đến thế giới người lớn. Nhưng những gì họ làm, chứ không phải những gì họ nói, có tác động sâu sắc nó về sau. Dưới mắt tôi lúc ấy, ông là người làm việc tích cực và cũng chơi hết mình. Tôi có vẻ cũng khá giống ông ở nhiều điểm, khoái võ thuật, mê bóng chuyền, và cũng thích hát hò (nhưng không phải là hát bội).
*
* *
Mới gặp mặt, người ta đã nhận ra ngay khuyết điểm của ông, là ông khá điển trai. Tiếp chuyện một lát, người ta nhận ra ngay nhược điểm của ông, là lối nói chuyện vô cùng duyên. Thêm nữa, ông có giọng nói trầm trầm ấm áp. Người hàng xóm nói, khi ông ở trong tù, được một cô bạn tù tặng ông một chiếc áo len. Hết tù ông đem áo về nhà, bà vợ tra hỏi biết được, bà mang chiếc áo đặt trên chiếc thớt, mà chặt mà bằm nát như bằm chả cá. Xong hốt liệng thùng rác. Người ta nói thế, thì tôi biết thế. Nhưng nghe ông nói thì hay hơn nhiều, làm bọn trẻ tôi cười bò càng.
Ông nói ‘tao và anh ba” ( ông cậu thứ ba, còn ông là ông cậu thứ tư ) thời còn nhỏ có chơi trò hơi ‘ác’. Lấy chiếc roi chăn bò, chấm cái đầu roi te tua của nó vào đống phân bò, lựa lúc vắng người, lẻn vào phòng hóa trang mà chỉ chỉ chỏ chỏ vào mấy bộ râu kép hát. Có người vào bắt gặp thì giả vờ nói đây là râu Đổng Trác, đây là bộ râu dài của Vương Mãng, còn đây là râu của dê của anh Hề… họ chỉ đuổi ra chứ không làm khó dễ. Đến khi tròng vào ra diễn, khi vuốt râu thì thấy râu ướt nhèm nhẹp, bay mùi thum thủm, họ ách xì liên tục, cũng phải ráng diễn cho xong, rồi chạy thẳng ra sau hậu trường mà vừa gỡ râu, vừa chùi phân, vừa chửi rủa, bọn con nít ranh chơi trò ác ôn này. Có đêm trăng sáng, hai anh em và mấy đứa bạn ra làng ngoài chơi, chủ yếu là ve gái, ông còn nói, trêu gái mà bị con gái chửi thì đó chỉ là bọn vô lại. Trêu người mà người cười thích thú, muốn được trêu, thì mới là hạng văn nhân quân tử? Trai làng hả, có anh ba đi cùng thì không có ai dám gây sự, hơn nữa bọn họ nói năng nhã nhặn không lớn lối. Đến khuya ra về, thấy có người nằm ngủ trên chõng tre trước nhà (buổi tối, trăng sáng, dân làng thường trải chiếu nằm trước sân nhà, ngắm trăng hóng gió mát). Hai anh em một đầu, hai bạn ông một đầu, nhẹ nhàng khiêng bà sồn sồn kia đi về hướng làng mình, tức là đi ra cánh gò nghĩa địa hoang vu. Đến cuối làng, là đầu gò nghĩa địa, ông nói, ‘hạ rộng’ nhé anh ba (hạ rộng là hạ quan tài xuống huyệt để chôn, từ ngữ của nhà đòn đám ma). Thế là cả bọn cùng hô lên ‘hạ rộng’ ‘hạ rộng’ thôi, một hai ba ‘hạ rộng”! Họ cùng nâng chiếc chõng tre lên, hất người đang nằm ngủ vào bụi cây rậm, vứt chõng tre bên đường mà chạy thục mạng (qua nghĩa địa) về nhà. Hôm sau, nghe dân làng đi chợ ở bên ấy về, kể là, có bà ba, bà bốn gì đó, chửi bọn ranh con không biết đứa nào đã khiêng bà ra ngoài nghĩa địa mà liệng ở đó, bà mà biết được sẽ xé xác bọn chúng.
Khi tôi xuống thành phố đến nhà ông ở trọ, để đi học trường trung học gần đó, ông đang ở giữa lứa tuổi bốn mươi. Ông học đông y, lại học thêm tây y, và trở thành thầy thuốc chữa bệnh đông y kiêm trị liệu và chích thuốc tây. Ông hành nghề đã lâu năm. Chiến tranh bùng nổ. Thời cuộc thay đổi. Ông bỏ nghề thầy thuốc, mở sạp mua bán hàng quân tiếp vụ Mỹ. Khi tôi tới trọ, thấy nhà bề bộn những thùng hộp các tông chất chứa đầy nhà, còn cái tủ thuốc bắc đồ sộ bị xếp xó, đứng sát bức thường nhường chỗ cho những thùng đồ hộp.
Quân Mỹ điều đến ngày càng đông, họ lập căn cứ quân sự quanh thành phố. Bến cảng biển trở nên tấp nập, hàng quân trang quân dụng lương thực và vũ khí, cung cấp cho khu vực miền trung và trên cao nguyên, xuất phát từ đây. Họ phải lấp đầm, lấp biển, xây con đường riêng cho xe quân sự để tải hàng hóa, tránh đi xuyên qua thành phố ( đường mới tên là Đống Đa mà người dân thường nói lái là đường “đá đông”, con đường lạnh nhất thành phố). Việc làm ăn ông cậu ngày càng gia tăng. Ông khá bận rộn, nhiều lần đi về thảy túi xách đựng tiền xuống giường trong phòng ông, kêu tôi vào đó ngồi đếm, còn bà bỏ rèm mùng xuống hộ tôi, khép cửa buồng lại và ra đi tiếp. Tôi ngồi đếm tiền đô la Mỹ, loại một đồng mấy tờ, loại năm đồng mấy tờ, rồi loại mười đồng, hai mươi đồng, năm mươi đồng, cứ thế ghi xuống. Thường thì năm bảy ngàn, có lúc mười hai mười ba ngàn. Cột dây thun, bỏ trở lại vào túi xách, với tờ giấy ghi kết quả. Đặt nó dưới gối, mở cửa bước ra, rồi kép cửa phòng. Tôi không bao giờ hỏi, ông cũng không bao giờ nói gì. Có một lần ông kêu thằng em con dì (cũng trọ học như tôi ) đến ngồi đếm chung. Tôi không hiểu sao hai anh em không nhét vào túi vài tờ đô la. Chỉ tờ mười đô thôi, cũng đủ cho chúng tôi đi xi nê, đi cà phê, ăn chè, chơi bi da, hoặc trượt pa tin, cả tháng chưa hết số tiền lớn ấy, vì đó là cả tháng lương của một người làm công.
Có lần ông lên gác kêu tôi xuống đi theo ông. Hình như ông biết mình bảnh tỏn hay sao ấy, mỗi khi ra ngoài ông ăn mặc rất chỉnh chu lịch sự. Áo sơ mi trắng ngắn tay, với quần sậm màu bỏ thùng, cài nịt thẳng thớm, tóc hớt ngắn chải ngược ra sau, chiếc đồng hồ mỏng đeo nơi tay, trông giống công chức gương mẫu. Vẻ như, ông không thích sự lè phè, bèo nhèo, nên ngay cả ở nhà, chỉ quần đùi áo thun mà cũng ra dáng, luôn bỏ áo thun trong quần đùi. Tôi ra ngoài cũng tươm tất như ông, nhưng không vuốt ngược tóc mà rẽ ngôi, còn ở nhà thì chịu, không thể bỏ áo thun trong quần đùi như ông được, trông kiểu cách quá!
Ông lái chiếc xe jeep chạy lòng vòng trong thành phố rồi đến một nơi có người nước ngoài cư trú. Ông nói tôi cứ ngồi trên xe, rồi đi vào căn nhà có hai ba người lính Đại Hàn ngồi đó, hình như lính Đại Hàn biết nói bập bẹ vài câu tiếng Việt, cũng như ông bập bẹ tiếng Anh, họ vừa nói vừa ra dấu tay. Xong việc, ông chở tôi tấp quán hủ tiếu ăn lót bụng trước khi về chờ cơm chiều. Rồi lần khác, đang chở tôi trên đường phố, ông quay qua hỏi tôi nói tiếng Mỹ được không? Tôi lúng túng, trả lời lí nhí. Ông quay đầu xe, chạy đến nhà người em vợ (biết tiếng Mỹ), hỏi có nhà không, rồi bảo người em vợ lái xe theo ông. Tôi vẫn đứng ngoài xe, hai người Mỹ từ khách sạn ra đứng bên nói chuyện với họ, trao đổi nhau khá lâu. Xong chuyện chúng tôi ra về. Tôi vẫn im lặng, không nói, không hỏi. Những lần ông chở tôi đi, tôi hiểu là khách hàng không thích có mặt đàn bà, vì thường ông và bà luôn cùng bên nhau. Người Mỹ có lệ, hàng hóa quá date, họ đổ bỏ. Bộ phận hậu cần lính Mỹ dựa vào đó mà tuồng hàng ‘bỏ’ cùng với loại ‘không bỏ’ chung một rọ, đấu thầu ‘rác’ bỏ. Dĩ nhiên bán mắc hơn rác bỏ. Thầu rác, nếu là loại kim khí điện máy (tivi, tủ lạnh, bếp ga, máy phát điện nhỏ), là món hời người ta tranh nhau. Rồi tố nhau là hàng bất hợp pháp cho đối phương ở tù, vài ngày hay độ tuần chứ không lâu, đủ cho họ lập xong hợp đồng. Ông đã từng bị như thế một lần. Đây là lần duy nhất tôi thấy ông tiếp xúc với người Mỹ. Còn thường là gặp Đại Hàn. Mặt hàng ông thu mua là thực phẩm, đồ hộp và rượu mạnh. Cửa hàng trước cửa chợ của ông có tập trung đủ thứ mặt hàng, đủ loại hộp, một số loại rượu khác nhau. Nhưng đây chỉ là hàng trưng bày bán lẻ cho có lệ. Khi ngã giá xong ông dẫn đến kho hàng chính, nơi đó tôi thấy đồ hộp loại thùng lớn, bự, là dầu là bột, còn rượu đa số là Whisky, Johnnie Walker và Black & White kết này chồng kết nọ. Có lẽ là hàng cung cấp cho nhà hàng, nên số lượng lớn thế. Những loại hàng quân tiếp vụ PX (Post Exchange) của Mỹ cũng thường là mồi, là mục tiêu cho các băng du đãng tranh dành ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp đem ra ngoài bán chợ trời. Đề tài nóng trên báo chí, nhiều nhà văn khai thác và phim ảnh cũng thế.
Với tính cách thân thiện vui vẻ tôi nghĩ ông có rất nhiều bạn. Nhưng thật ra, ông có ít bạn đến nhà chơi, có thể họ thấy ông bận bịu, hoặc có thể ông không thích tiếp tại nhà. Nhưng khi bạn đến chơi là họ nói chuyện với nhau quên giờ giấc. Chuyện văn chương, văn nghệ, thời sự, chứ không phải chuyện làm ăn, áp phe. Nào là chuyện, cái ‘đạo’ của Trang Chu, cái ‘đạo’ của Khổng Phu Tử; Nào là ‘học giả hảo, bất học giả hảo, học giả như hòa như đạo, bất học giả như thảo như cảo’; Nào là ‘tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dả’, ‘vụ dân chi nghĩa, kính quỷ thần nhi viễn chi, khả vị tri hĩ’. Nhưng tôi thích thú và thuộc lòng nhất là câu ‘Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ’. Một hôm đi phố về, bước vào nhà, thấy bạn ông ngồi quay lưng, có dáng quen quen, khi ông bạn cất tiếng lên, tôi muốn quay lưng vù đi, nhưng không kịp nữa. Bạn ông quay lại nhìn, tôi chào lí nhí, rồi lẹ làng phóng lên cầu thang mà lên gác. Tôi nghe ông khách khen tôi với ông cậu sau lưng. Bạn ông không ai khác là ông thầy học tôi. Trong lớp bọn tôi thường gọi ông là kẻ sống ‘ngoài vòng cương tỏa’ ( Ngoài vòng cương tỏa, chân cao thấp. Trong thú yên hà mặc tỉnh say. NCT) bởi khi ông đi, chân hơi cà nhắc, bước cao bước thấp. Tôi học hành có chút thành tích, nhất là luôn đứng đầu môn của ông, nên ông biết tôi. Thời ấy chức danh “giáo sư trung học đệ nhị cấp” là niềm mơ ước của nhiều người. Họ thuộc hàng hiếm và có thân phận khá cao trong xã hội, nhất là trong thời chiến họ có đặc quyền là chỉ ở hậu phương, không ra tiền tuyến. Một đứa cháu được bạn mình khen hết lời có lẽ làm ông vừa ý và lưu ý (còn ông thầy hôm sau gọi ngay tôi lên dò bài, hỏi mối về quan hệ gia đình, trước khi hỏi bài). Ông thầy và ông cậu gặp nhau trò chuyện rất lâu. Câu chuyện ông và bạn đề cập đến mọi vấn đề. Tôi nằm trên gác đang cầm sách đọc mà phải lắng nghe họ bàn luận. Họ bàn về sách sử Tàu xưa (ông xuất thân Hán học) luận về đạo Khổng không phải là đạo, thuyết hợp tung của Tô Tần, thuyết liên hoành của Trương Nghi, tình bằng hữu Tô Đông Pha và vị thiền sư… Hoặc là bàn về thời sự, như người Mỹ cho xe xúc ủi bằng mấy ngọn đồi để xây dựng sân bay Gò Quánh (sân bay Phù Cát sau này, cách thành phố ba mươi cây số) nhằm để làm chỗ đậu cho máy bay thả bom hạng nặng B52 (thả bom miền bắc), thay cho sân bay U-Tabao bên Thái Lan. Hoặc là bàn về tình hình văn nghệ như nói chuyện phiếm Phạm Duy, ông nhạc sĩ đầy tăm tiếng và tai tiếng, vụ ‘ăn chè Thủ Thiêm’ (chuyện ngoại tình) ngày trước. Chuyện nhạc ‘cà lăm’ và vũ đoàn Lưu Hồng của Hoàng Thi Thơ (ông bắt tôi để ý nghe, rồi nhận xét khi có chương trình HHT xuất hiện trên TiVi, rõ đúng là có quá nhiều lần từ ngữ lập đi, lập lại, trong bản nhạc, nên ông mới phán vui rằng HTT là ông nhạc sĩ ‘cà lăm’);… Ông thầy đến chơi nhiều lần. Mỗi lần đến thì ông vui vẻ, bà mợ e dè, còn tôi thì cố né (gặp mặt). Ngày xưa học trò sợ thầy đến thế, ngày nay thì cũng thế, nhưng hình như ngược lại.
Ông thường nằm võng đọc sách, một hôm liếc thấy tay tôi cầm quyển sách bước lên cầu thang gỗ. Ông liền hỏi quyển sách gì đấy. Tôi đưa bìa ra và nói tác giả là Nguyễn Duy Cần ( Nhập Môn Triết học Đông Phương). Ông nói, ông này cũng được, nhưng ông Lê hay hơn, và khuyên tôi nên đọc sách của Nguyễn Hiến Lê, ông nói, ông Lê thâm sâu hơn ông Cần. Ông là người đầu tiên giới thiệu tác giả Nguyễn Hiến Lê cho tôi. Và sau này là hàng loạt tác giả khác nữa, gián tiếp qua tủ sách của ông. Trong tủ sách của ông có nhiều đầu sách của các nhà văn, nhà bình luận, nhà dịch thuật, nhà nghiên cứu… như Võ Phiến, Quách tấn, Hồ Hữu Tường, Lãng Nhân, Vũ bằng, Kim Định, Thanh Lãng, Nguyễn Đăng Thục, Trần Bích Lan, Lý chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, tôi rất thích những tiểu luận trong bộ ‘Nhận Định’ và tác phẩm ‘Ca tụng thân xác’ của ông này. Xem ‘Mười khuôn mặt văn nghệ’ của Tạ Tỵ và ‘Phạm Duy đã chết như thế nào’ của Nguyễn Trọng Văn, làm tôi thích thú. Ông nằm võng đọc sách có khi nói lớn lên, khen Hàn Phi Tử và Lý Tư (thời Xuân Thu Chiến Quốc) là người kì tài, nhờ “học thuyết pháp trị” của họ Hàn, khi họ Lý (bạn họ Hàn) lên nắm quyền đã thực hiện ‘pháp trị’ mà giúp nhà Tần thống nhất đất nước (có lẽ ông cám cảnh xã hội hỗn loạn hiện thời). Ông nói với, để cho tôi nghe, nhưng cũng có thể là nói cho chính mình nghe, bởi ông biết, có nghe tôi cũng chẳng hiểu gì lắm. Những chuyện mới lạ với tôi. Khi ấy, tôi thì biết có ông họ Hàn người Việt, và không có bà con thân thích gì với ông Hàn người Tàu. Ông Hàn (Mặc Tử) người Việt này có mộ chôn ở vùng ngoại ô thành phố. Còn ông Lý cũng vậy, tôi chẳng biết về ông Lý tư hay Lý năm ấy, nhưng có biết rõ về một ông Lý, cũng người Tàu, gốc Hồng Kông, đó là Lý Tiểu Long trên màn ảnh chiếu ngoài rạp xi nê, đang khá nổi tiếng.
Ông là người uyên bác thâm sâu, vừa xuề xòa dễ gần gũi, nhưng cũng là người hoạt bát, phản ứng lanh lẹ. Hôm con em (con gái lớn ông) bằng tuổi tôi, mở tủ lạnh lấy nước uống, chai nước vỡ rớt dưới chân, chạm vào mạch điện, chân nó dính dưới đất, tay nó dính của tủ lạnh, hét lên kêu cứu. Tôi chạy tới thấy cây chổi liền lấy đập mạnh vào tay, nhưng không thể tách tay nó ra khỏi tủ lạnh, tôi lúng túng chưa biết phải làm sao. Ông nghe tiếng kêu từ dưới nhà chạy lên, thấy thế, liếc nhìn chiếc khăn lông móc bên cạnh, ông rút nó xuống quất vào tay con, rồi cầm hai đầu khăn giật mạnh. Tay con bé buông khỏi cửa tủ. Ông liệng khăn xuống đất bắt nó bước lên và nhảy ra khỏi vũng ướt. Mọi người hoảng hồn sợ khiếp. Bên ông, tôi cảm thấy thoải mái, không e sợ ông la rầy, mà còn có cảm giác tự tin, bởi cách cư xử của ông với tôi như một người lớn, chứ không phải cần bảo bọc rầy la như mấy đứa con gái ông. Khi tôi chuyển chỗ ở trọ nơi khác (nhà ông chật chội bất tiện cho việc học) và tôi đau nặng, cả ngày sốt li bì không ăn uống, hôm sau vẫn còn sốt không ngồi dậy được, người nhà biết có ông cậu là thầy thuốc, họ hỏi địa chỉ tôi rồi đi chợ ghé tạt nhà báo cho ông hay. Trưa ông đến khám cho tôi, chích tôi một mũi thuốc, dặn ngủ dậy uống loại thuốc này. Tôi cảm động vô cùng vì hai ngày liền nằm mê mệt đã không ai đến hỏi han, ngoài ông ra. Có lẽ tôi gần gũi với ông. Mỗi khi nói chuyện, biết tôi chưa chắc đã hiểu ý ông đề cập, nhưng thấy tôi lắng nghe chân thành, làm ông hài lòng. Khi bà mợ hối thúc ra xe chở bà đi, ông cố nói nốt cho hết đề tài, như muốn rõ thêm. Bà bực mình, cho là ông bàn chuyện trên trời dưới đất, chuyện viễn vông chẳng được tích sự gì, chẳng đẻ ra tiền, ra gạo gì cả. Lúc ấy ông chỉ cười khà khà mà rời khỏi nhà, dường như ông biết bà nói đúng.
Thành phố không còn bình yên nữa. Chiến tranh đe dọa đến gần, vài quả đạn pháo kích rớt trên đường vào bến cảng. Người dân hoang mang lo sợ. Nhiều gia đình khá giả tìm cách rời thành phố, đi tránh bom đạn. Ông có sẵn chiếc xe vận tải lớn, chuyên chở hàng hóa liên tỉnh. Ông mang hết cả gia đình với đồ đạt bếp núc và thực phẩm như gạo muối dầu mỡ lên xe, biến chiếc xe thành căn nhà lưu động, theo quốc lộ một chạy vào Nha Trang. Thành phố này khá bình yên trong thời chiến. Trên đường đi, xe có thể đậu lại nấu ăn, nghỉ ngơi, thư giãn. Chiếc xe chở cả gia đình di tản chủ động đi đứng bất cứ lúc nào, khác hẳn sự vội vã lo âu của những người chạy loạn chung quanh. Hình như ông đã dự định trước điều này, biết trước chuyện cũng có ngày xảy đến. Ông bình tĩnh và chu tất đủ mọi thứ trên đường đi. Dĩ nhiên tôi cũng được dịp chạy loạn một cách thong thả, như là chuyến đi du lịch đường dài, và lần đầu đi đến Nha Trang. Hằng ngày tôi rong chơi trong thành phố và xuống biển đón gió mát, cũng giống như ở thành phố quê nhà. Chỉ có điều khi đi ngủ, phải lên trần xe tải mà nằm. Một tuần sau, nghe tin thành phố quê nhà vẫn yên tĩnh, chẳng điều gì xảy đến, không có cuộc chiến xảy ra ở đây, mọi thứ dần ổn định trở lại. Chiếc xe chạy loạn quay đầu, thong thả rong ruổi trên đường về, mấy bao gạo và mắm muối dự trữ cũng đã vơi hết. Tôi nghĩ không có bao nhiêu người, nghĩ được và làm được như ông. Một căn nhà lưu động độc đáo như thế, trong thời chiến tranh.
Một hành động xoay xở ứng phó lanh lẹ nữa của ông làm tôi nhớ mãi, một bài học lớn cho tôi trong cuộc sống. Ngay sau ngày 30/4/75, những học sinh sinh viên, những người sống lưu trú, những người lánh nạn chiến tranh, ùn ùn rời Sài Gòn trở về quê quán. Tình hình lúc này chưa ổn định, xã hội đang xáo trộn. Lo cho con, ông liền vào Sài Gòn để đưa con gái đang học ở thành phố về quê. Dĩ nhiên tôi và thằng em con dì cũng theo ông về (cả ba đang học ở Sài Gòn). Chuyến xe khách thì đầy người, mà người thì đầy tâm trạng, lo âu, không biết cuộc sống mới sẽ ra sao? Chiếc xe chạy đến địa phận Phan Thiết (?) dừng lại. Tài xế bảo chiếc cầu bắc qua sông bị sập gãy, chờ xe cứu hộ đến sửa chữa. Xe này tiếp nối xe kia đậu dọc quốc lộ giữa trời nắng, xung quanh là đồng không mông quạnh. Bảy tám chiếc xe với hàng mấy trăm con người xuống xe đứng chờ, họ đói lả dưới cái nóng gay gắt của ánh mặt trời đứng bóng. Bốn người chúng tôi cũng xuống xe đứng cho thoải mái, nhưng ai cũng toát mồ hôi vì nóng, và cổ ai cũng cháy khát vì không nước uống. Ông cậu đi xa về phía trước, tôi theo sau. Đến gần nơi cầu gãy, ông hỏi nhóm công nhân bao giờ hoàn thành, họ nói không rõ, nhưng án chừng có thể đến chiều tối. Thế là ông quay lại bảo con gái và thằng em đứng đó, rồi kêu tôi theo ông. Tôi theo ông, đi dọc bờ đê, băng qua cánh đồng ruộng, đến một căn nhà tranh có gia đình người dân đang sống ở đó. Tôi đứng ngoài sân, còn ông vào nhà thương lượng mua gạo chủ nhà, mượn nồi chủ nhà mà nấu cơm. Tôi phụ ông mang nước, lượm củi, phụ ông bắt nồi cơm. Cơm chín, ông bảo tôi ra xe kêu hai đứa nó vào ăn cơm. Cơm trắng với nước mắm thôi mà ngon chi lạ. Cơm không đủ, mỗi đứa, thằng em, con em, và tôi, gia cố thêm một gáo nước lạnh nữa cũng vừa đầy bụng. No nê sảng khoái vô cùng. Cứ thế ngủ gà ngủ gật mà chờ đợi. Rồi mọi thứ cũng xong, chiều sụp xuống, thì chiếc cầu cũng vừa dựng lên. Chuyến xe chạy xuyên suốt đêm mà về nhà. Ông suy xét, tính toán mọi việc, không dạy bảo điều gì và cũng không nói tôi biết trước. Nhưng hành động nhanh trí của ông là bài học lớn cho tôi. Phải biết tự xoay xở trước mọi hoàn cảnh ngặt nghèo, để sinh tồn.
Thông thường những người hay dùng trí tuệ như những nhà học thuật, nhà kinh viện, họ có đầu óc tư duy tốt thì lại thường là người vụng về lớ ngớ trong cuộc sống. Bỏ vào rừng có thể họ bị chết đói. Còn người lanh lẹ trong đời sống, thảy nơi nào, cũng xoay xở tồn tại được, thì thường là người ít khả năng suy xét tinh tế, hay có tư duy sâu xa. Tôi thấy ông có cả hai, vừa là nhà học giả vừa là gã giang hồ. Trong ông có hai con người. Một nhà nho thâm trầm học vấn thâm sâu. Và một kẻ hành tẩu giang hồ lão luyện. Ông là sự kết hợp của cả hai sự đối nghịch ấy.
* * * *
Ba người đàn ông, ba tính cách khác nhau, ba cuộc sống khác nhau. Nhưng họ có một điểm chung là những người sống quanh họ, những người giao tiếp họ, có thể thương có thể ghét, nhưng không ai không bị họ thu hút và nể phục. Bọn hậu bối chúng tôi luôn luôn kính trọng và quí mến họ không chỉ là người thân mà là nhân cách và lối sống tích cực của họ. Nhưng có một người không thèm kính trọng họ. Còn quí mến hay không thì tùy thời. Lúc vui thì quả có đúng thế, nhưng khi bực bội trái ý thì la lối trách mắng ầm ĩ, không nể họ là anh ba, anh tư, chú năm, gì cả. Nhưng họ im lặng, không phản ứng gì và không làm gì được bà. Chỉ lẽ, bởi điều đơn giản bà là chị cả của họ. Bà là mẹ tôi.
…………………………………………………………………………………………………………………………
Tưởng đang đọc một bài truyện dịch Tây phương vì có accordion, Guitar và Banjo … nhưng rồi mới biết là bài viết về làng mình, và những chuyện xảy ra ngay thế hệ mình. Thay đổi rất nhiều và biến chuyển thật nhanh! Thời “download” “cài đặt” “email” mà nói đến chuyện dân làng khống biết chữ thì cứ ngỡ như là nói đến thời thượng cổ. Nhưng thật ra thời TT Diệm, bậc cha mẹ mình biết đọc viết cũng không nhiều. Nghe kể là các bà mẹ đi chợ đều bị xét thử chữ Quốc Ngữ, ai biết chữ thì cho đi chợ, ai kg biết chữ thì bị …. (đối xử thế nào mình quên cha nó mất). Bài viết hay, vui! Cảm ơn Hương Xưa và Trần Ngọc Phương! Xin được copy bài này để được giữ vài trang lịch sử về xóm làng xưa .
Lâu qúa không gặp ông bạn. Cái thuở ở làng quê thời ấy chắc khó quên. Ông nhắc chuyện dân làng đi chợ phải qua trạm xét đọc chữ quốc ngữ. Đọc thông vài chữ mới được vào chợ, nếu không thì đành bỏ chợ ra về thôi vậy. Nhưng nghe kể, đa số họ nhờ người biết (chữ) giúp đánh vần dùm cho nhớ mặt chữ rồi quay lại tấm bảng mà đọc tiếp. Thường thì được thông qua luôn, họ muốn nhắc nhở (học chữ) chứ không muốn làm khó. Thật ra có nhiều nguời đàn ông “năm cũ” trong làng trong xã, cũng khá hay ho, có cá tính, nhưng không nắm chắc sự việc nên không dám kể thôi. Chúc vui.