Lồ Phổ Nả

Tác giả: Lưu Thu Thuyền

Lơ mơ với cơn sốt nhẹ, cô nghe tiếng chuông điện vang lên. Mẹ cô lọc cọc mở, lạch cạch đóng cổng. Cô tiếp tục để tâm trí phiêu bồng trên mây… Vài phút sau, tiếng chuông điện lại vang lên, lần này nghe có vẻ nài nỉ hơn. Mẹ lọc cọc, lạch cạch đóng và mở cổng. Cô bắt đầu tỉnh giấc.
“Cô… Thiền… ơi….”
Tiếng réo đồng loạt làm rung hơi nóng bốc lên từ mặt đường, vang rộn cả khu xóm vắng.
“Cô… Thiền… ơi….”
Lần này thì óc cô tráo trưng, sáng như ban ngày! Cô ngồi dậy, quơ chân kiếm dép. Chắc chắn có một đứa làm đầu tàu đếm một hai ba nên tiếng kêu mới nhịp nhàng và đinh tai đến thế, cô lầu bầu… Mẹ cô mở hé cửa phòng:
“Học trò đến thăm cô giáo bị ốm đây này. Mẹ đã bảo là cô mệt mà chúng nó cứ nhất định đòi gặp cho bằng được. Có lẽ sợ con vượt biên bỏ chúng ở lại đấy!”
Cô xin mẹ cho học trò vào phòng mình. Cho tụi nó yên tâm mẹ à, cô giải thích. Mẹ cô xuống lầu. Cô đứng bật dậy, nháo nhào kiếm lược gỡ tóc. Dụi mắt. Kéo áo lại cho phẳng phiu. Nhìn gương, cô than lên thành tiếng, tệ quá mình chẳng khác nào một… mãnh hổ trong bộ da con lừa cái. Trông đến chán ngắt được!
Hồi đó đỗ Tú tài giải phóng xong, cô đậu vào trường Trung Học Sư Phạm. Thực tập đứng lớp mới có dăm ba giờ vào cuối niên học, cô đã được phát bằng tốt nghiệp. Cô trở thành Giáo sinh (chưa vào ngạch nên họ gọi thày cô thế đấy!) trong một trường Trung Tiểu Học ở Chợ lớn.
Ngày đầu tiên nhận chức cô giáo chủ nhiệm lớp Năm. Cô run lắm. Quả thật có rất nhiều điều nghiêm trọng,đáng làm cho cô run. Cô nhỏ người, uy dũng phải kiếm ở tận đâu để làm học trò nể sợ chứ nhất định không có trên thân cô. Ðấy là điểm thứ nhất. Kế đến là giọng cô trầm trầm, đều đều. Nhỡ đang giảng bài, học trò chợt nằm vật ra ngủ gục thì khốn. Ðiểm thứ ba là cô chỉ có hai mắt. Lớp cô những 50 em học sinh. Thế thì làm sao cô để ý từng đứa được? Hết đám tơ vò này quấn rối lấy đám tơ vò khác. Cô xoặn cả ruột! Vậy mà lúc ở bục
giảng nhìn xuống 50 đứa trẻ đứng im phăng phắc, cô đã cả gan phất tay cho phép chúng ngồi, bình tĩnh chẳng khác một bà tiên đang làm phép màu trong các truyện cổ tích.
Học trò ngồi xuống xong, lòng cô lại dấy lên một mối lo mới. Năm mươi đứa “con” của cô là năm mươi đứa quốc tịch… Chợ lớn! Kẹt nhất là vào thời điểm này, chị Hiệu Phó đang hò hét và tô lại khẩu hiệu: Mỗi Lá Phiếu là Một Viên Ðạn Bắn Vào Ðầu Kẻ Thù. Mà kẻ thù của ta chẳng ai xa lạ. Họ chính là những người anh em Trung quốc đang rục rịch vẽ lại biên giới Việt Hoa đấy. (THIẾU 25 CHỮ….) Ðược xả hơi sướng miệng, ai dại gì không làm! Chỉ khổ cho lũ trẻ ngây thơ, hằng ngày phải nghe cha ông của chúng bị bài xích. Nghe đến rát bỏng cả tai. Cứ tình trạng như vậy thì đứa nào có thế quý mến một cô giáo Việt?
Hễ càng nghĩ nhiều thì càng lo lắng nhiều. Cô đành gác tất cả qua một bên, làm mặt tỉnh, cắt nghĩa nội quy của nhà trường. Cô chua thêm một lô những luật lệ cô vừa nói vừa đặt ra cùng một lúc: Ai muốn hỏi gì phải giơ tay lên. Cấm nói chuyện trong lúc cô giáo giảng. Chuông reo thì phải chờ cô cho phép mới được xếp hàng thong thả đi ra khỏi lớp. Tuyệt đối không được chạy nhảy trong lớp… Học sinh trố mắt uống từng lời dặn. Cô nhìn mà mát ruột! Giờ chơi, cô nghe học trò loáng thoáng kháo nhau về cô: Lồ phổ nả! Cô đi kiếm bác lao công người Hoa, lồ phổ nả nghĩa là gì hả bác? Ai nói câu đó vậy cô? Học trò kêu cháu sau lưng như thế. Bác lao công đắn đo mãi mới thì thào: Tụi nó gọi cô là sư tử cái đó! Bác lao công chưng hửng muốn bật ngửa người khi thấy mặt mũi cô tươi roi rói. Cám ơn bác, cháu thích được gọi như thế lắm…
Trở vô lớp, cô lật giáo án xem. A! Sau giờ chơi là tiết Sử. Thế là cô nhanh nhẹn cầm phấn, tay vẽ chiến thuyền của tướng Tàu bị vướng cọc nhọn, hai bên là quân lính của Ngô Quyền phục kích, chém giết mỏi tay. Miệng líu lo kể. Hình vẽ xấu xí nham nhở. Phấn bảng chất lượng xấu, gẫy lốp đốp ba bốn lần. Thiếu phấn, cô phải nhờ lớp trưởng xuống văn phòng xin thêm mấy cây nữa. Bụi phấn lả tả rơi trên người cô, cô cũng mặc kệ. Giảng xong, cô phủi tay hỏi:
“Em nào muốn trả bài ngay bây giờ thì giơ tay lên.”
Cả lớp ào ào xin trả bài.
Tưởng thâu phục được lòng người dễ dàng. Ai ngờ sau đó cô lại bị học trò làm reo, rủ nhau không thèm học những bài học thuộc lòng đả kích Tàu Cô chả thích gì những bài này nhưng trên bắt dạy, không dạy (THIẾU 3 TỪ…) làm sao?Ở nhà đã có người cha bị tù chính trị, gia đình cô như vậy là đã đạt chỉ tiêu rồi. Thế nên cô bèn nhận mình cầm tinh con chi chi nhớt nhũn. Ai bảo sao làm vậy. Nếu có (THIẾU3 TỪ … )thì đúng là cô tới số thôi. Năn nỉ mãi đám học trò vẫn cứng đầu: Lâu lâu ăn cái trứng vịt có sao đâu cô Thiền? Hết ý, cô đành dùng kế hạ sách của phụ nữ.
Cô xếp sách vở ngồi yên như tượng. Học trò biết có biến, cũng ngồi im phăng phắc. Không khí trong lớp ngột ngạt nặng nề chuẩn bị một cơn giông. Cô chớp mắt. Chớp chớp mắt. Ðến cái chớp mắt thứ ba thì nước mắt cô trào ra! Cơn giông đã đổ xuống: Cô đang nghĩ đến hôm trước khi ông nội của cô qua đời. Lúc ấy cô đang chơi đồ hàng. Ông kêu cô vào đọc báo cho ông nghe. Cô mải chơi, cầm tờ báo đọc láo lếu, nhảy hàng lóc cóc, chữ nọ xọ chữ kia. Ðược một lát cô kêu: “Ðã đọc xong hết không còn chữ nào cả. Con ra ngoài chơi được chưa ông?” Chẳng ngờ ngày hôm sau ông đi. Cô ôm tờ báo vào phòng tắm. Nước mắt ràn rụa, cô đọc to, kỹ càng từng chữ, từng trang một. Bây giờ cô dùng nước mắt khóc ông để… hù dọa lũ trẻ con!
Cả lớp điếng lòng. Cô nghe rõ từng tiếng tim bứt rứt đập. Cô bé lớp trưởng rón rén đến bên cô:
“Xin lỗi cô, tụi em hứa sẽ học bài đàng hoàng.”
Cô cười mỉm tha thứ (thật ra cô muốn toe miệng cười đắc chí đấy!):
“Thôi các em lo học đi, mai trả bài cho cô.”
Không khí trong lớp chợt dịu lại. Học trò mở tập loạt soạt. Cắm cúi học bài. Cô cũng gằm mặt. Cô gằm mặt để dấu nụ cười đắc chí cô để dành từ nãy đến giờ!

“Cô Thiền còn mệt không?”
“Cô Thiền ơi, mai cô có đi dạy được chưa?”
“Tụi em tưởng cô đi Mỹ rồi chứ!”
Lũ trẻ lao xao hỏi. Cô trợn mắt nhìn cả lớp bước vào chật phòng ngủ. Ðứa nào cũng mồ hôi tươm ra trên mặt.
Má đỏ hừng hực.
“Trời ạ! Mấy em đi bộ từ Chợ lớn đến đây hả? Sao lại dại thế? Nắng đổ lửa thế này, dám bị đứt mạch máu não mà chết lắm. Thôi các em ngồi nghỉ một tí rồi về kẻo bố mẹ mong.”

Lũ trẻ rất hể hả sau khi thấy cô giáo vẫn còn sức để mắng. Chúng sung sướng quần nhau huỳnh huỵch quanh giường cô. Cô ngả lưng xuống. Kéo chăn lên ngực, lim dim mắt. Hạnh phúc là đây… Học trò về rồi, cô mới nhớ
rằng mình chưa rót cho đứa nào một ly nước nhỏ. Thế có vô tâm không?

Hôm nay Dallas mới khai trương một siêu thị Việt Nam. Người đi mua sắm chẳng bao nhiêu mà kẻ tò mò đến xem hàng thì nhiều quá đỗi. Cô cũng có mặt trong đám đông hiếu kỳ ấy. Cô rảo quanh chợ một vòng, mua ítmón hàng rồi nấn ná ở lại ngắm mớ lồng đèn trung thu xanh đỏ treo trên cao.
“Chị muốn mua lồng đèn nào thế?”
Cô giật mình quay lại. Giọng nói nghe quen quen! Cô quên cả trả lời, đăm đăm nhìn người đàn ông cao lớn, ăn mặc chỉnh tề ra dáng chủ nhân. Ông ta cũng sững sờ ngó cô rồi buột miệng: “Lồ phổ nả!” Tai cô chợt lùng bùng và người cô run lên như bị chạm điện
“Thôi chết, xin lỗi cô! Em, Huỳnh Cẩm Hòa, học trò phá nhất lớp đây… Em không bao giờ quên được ngày cô khóc trong lớp… Tụi em hối hận và thương cô quá chừng… Cô còn nhớ em không?”
Cô ôm chầm lấy Huỳnh Cẩm Hòa, miệng cô lẩm bẩm ba chữ “lồ phổ nả” mà nước mắt cô cứ rơi mãi, ướt cả vai áo người học trò cũ!

9-1999
Gởi lớp 5/2, Trường Huỳnh Mẫn Đạt
Niên học 1978-1979

Leave a Reply

Your email address will not be published.