Tác giả: Guy de Maupassant
Nữ Lan chuyển ngữ
Chuông báo hiệu giờ tan học. Cửa trường vừa mở, bọn nhóc chen chúc nhau để ùa ra cho nhanh . Nhưng thay vì như ong vỡ tổ để bay khắp nơi rồi nhanh nhẹn về nhà ăn cơm như mọi hôm, chúng lại tụm năm tụm bảy , và thì thầm to nhỏ với nhau.
Chỉ bởi vì sáng nay là ngày đầu tiên mà bạn Simon đến trường. Cậu bé là con của mẹ Blanchotte.
Tất cả bọn chúng đều đã nghe ba mẹ chúng nói đến Blanchotte; và cho dù dân làng đều niềm nở khi gặp cô ấy, các bà mẹ cũng có thương cảm cô ta nhưng cũng có chút khinh bỉ , và việc này cũng ảnh hưởng đến bọn trẻ, mà ngay cả chúng cũng không hiểu lý do.
Còn về Simon thì chúng không hề biết đến thằng nhóc, vì nhóc chẳng bao giờ ra khỏi nhà và cũng không hề chạy lang thang khắp đường phố hoặc bờ sông cánh đồng. Bởi thế nên chúng chẳng ưa gì cu nhóc; thế là bọn chúng đón chào thằng bé một cách vui thích pha lẫn một chút ngạc nhiên, rồi chúng truyền miệng từ đưa này sang đứa kia thông tin từ một thằng lớn hơn, cỡ mười bốn mười lăm tuổi có vẻ như rành đời, nó vừa nói vừa nháy mắt một cách tinh ranh:
– Này, bọn mày biết không… cái thằng Simon đó…nó không có cha.
Rồi chúng nhác thấy con trai của Blanchotte vừa ra đến cổng trường.
Nhóc có vẻ như khoảng bảy hoặc tám tuổi. Da mặt nó hơi xanh xao, ăn mặc rất tươm tất, có vẻ rụt rè, gần như vụng về.
Nó đang quay lại để về nhà mẹ, bỗng đám bạn vẫn vừa thì thầm và nhìn nó bằng ánh mắt tinh quái và ác độc của loại trẻ con đang mưu tính một vố xấu xa nào đó – chạy đến bao quanh thằng bé và dần dần khép nó trong một vòng vây thật chặt. Thằng bé đứng đó , rất ngạc nhiên và tỏ vẻ lúng túng, không biết chúng sẽ dở trò gì đây.
Nhưng rồi cái tên đã đưa thông tin hất giọng hỏi, nghênh ngang vì đoán trước thành quả sẽ có được:
– Này nhóc, mi tên gì?
Cậu bé trả lời:- Simon.
.Simon rồi gì nữa? tên kia lại hỏi.
– Cậu bé lập lại một cách bối rối: “Simon.
– Tên nhãi kia hét to: “Phải tên Simon gì chứ…như vậy không hẳn là cái tên..Simon cụt lủn”.
Thế là cậu bé tội nghiệp nước mắt chực trào ra, lập lại lần thứ ba: – Tên tôi là Simon.
Bọn nhóc cười phá lên. tên phá hoại nói tỏ vẻ tự đắc: – “Bọn bây thấy chưa, nó không có cha.”
Bỗng dưng mọi vật trở nên im phăng phắc. Bọn trẻ kinh ngạc khi biết được sự việc kỳ quặc, vô lý, ghê gớm ấy,- một thằng bé mà không có cha ư;- rồi tất cả bọn chúng nhìn chòng chọc vào nó như thể nó là một hiện tượng, một vật thể siêu nhiên, và rồi chúng cảm thấy dâng lên trong lòng sự khinh miệt của mẹ chúng đối với cô Blanchotte, một thứ cảm nghĩ mà cho đến hôm nay không thể nào giải thích được.
Còn Simon, nó phải đứng tựa vào một thân cây để khỏi bị ngã xuống; và nó cứ đúng như thế, như bị chôn chân vì một tai họa không thể nào cứu vãn được. Nó tìm cách để giải thích. Nhưng nó không thể tìm bất cứ điều gì để trả lời bọn kia, và cãi chính cái điều kinh khủng rằng nó không có cha. Sau cùng, gương mặt trở nên trắng bệch, nó nói to lên, nói đại cho rồi: “Có chứ, tôi có cha mà!”.
– Ông ấy đang ở đâu? cái thằng ranh con lại hỏi vặn.
Simon không trả lời; nó thật sự không biết. Bọn trẻ rú lên cười, thật sự hứng thú; và rồi trong thâm tâm bọn con nhà nông dân ấy nổi lên ý muốn tàn ác: như là bọn thú trong sân gia cầm thúc giục tất cả bọn gà phải tận diệt một con trong đàn khi nó đã bị thương. Simon bỗng nhớ đến một đứa hàng xóm, con của một bà góa, nó vẫn luôn thấy bạn ấy cũng sống một mình với mẹ nó. – Này, bạn này cũng vậy, bạn không có cha giống tớ nè.
– Có chứ, tôi có cha chứ, thằng bé trả lời.- Thế thì ông ấy ở đâu?- Simon hỏi lại.
– Ông ấy mất rồi, thằng bé tuyên bố một cách hãnh diện, -Ba tôi ở trong nghĩa trang ấy.
Tất cả bọn chúng lại nhao nhao lên tán thành, làm như thể sự việc có cha ở nghĩa trang làm cho bạn của chúng có ưu thế hơn rất nhiều để đè bẹp cái thằng không có ông cha nào hết. Rồi những đứa mất dạy ấy, mà đa số người cha của chúng đều hung dữ, say sưa tối ngày, trộm cắp, và rất thô bạo với vợ, bọn chúng chen chúc nhau để siết chặt vòng vây hơn nữa, như thể chúng là những đứa hợp pháp đàng hoàng, đang muốn bóp nghẹt cái thằng ngoài vòng pháp luật kia.
Rồi bỗng dưng cái thằng nhóc đứng gần Simon nhất lại thè lưỡi ra với vẻ ranh mãnh và hét lên:
– Đồ không cha! Đồ không cha!
Simon dùng hai tay kéo tóc thằng nhóc và đá liên tục vào ống quyển nó, thằng nhóc thì cắn vào má Simon một cách tàn bạo. Rồi bọn chúng ẩu đả nhau. Hai kẻ chiến đấu bị tách ra, Simon bị đánh đập, áo quần rách nát, thân mình bầm tím, lăn tròn dưới đất, ngay giữa vòng vây của bọn nhãi con đang vỗ tay reo hò chiến thắng. Khi nó loạng quạng đứng lên, vừa lấy tay phủi bụi đất dơ bẩn trên áo, có một đứa nói to: – “Giỏi thì về méc ba của mày đi”.
Simon bỗng cảm thấy mọi việc như hoàn toàn sụp đổ trước mặt. Bọn chúng mạnh hơn nó rất nhiều, và đã cho nó một trận nhừ tử, nhưng nó không thể nào trả lời chúng được, vì nó biết rằng thật sự nó không có cha. Nó thu hết can đảm, và hãnh diện cố gắng không để nước mắt đang ứ nghẹn trong cổ họng tràn ra. Nó bị nghẹt thở, rồi nó bắt đầu nấc lên từng hồi , rồi thầm lặng khóc.
Khi thấy nạn nhân của mình như vậy, đám kẻ thù của chú bé cảm thấy vui lên, một niềm vui ác độc, và rồi cũng như bọn thú hoang khi vui một cách kinh khiếp, chúng nắm tay nhau, vừa nhảy vòng tròn quanh cậu bé, vừa lập lại như một điệp khúc:
-” Đồ không cha! Đồ không cha!”
Nhưng rồi bỗng nhiên Simon ngưng khóc. Bây giờ nó nổi điên lên. Nó nhặt những hòn đá dưới chân rồi thu hết sức mạnh ném vào bọn ác độc. Hai ba đứa bị ném trúng, chúng phải vừa la vừa bỏ chạy; và rồi cậu bé trở thành như một cao thủ, khiến bọn kia hoảng sợ. Chúng trở nên hèn hạ cũng như một đám đông khi đứng trước một người phẫn kích, chúng tan hàng và bỏ chạy tán loạn.
Còn lại một mình, đứa bé không cha liền bỏ chạy về phía cánh đồng, có một sự việc nó vừa mới nhớ ra và khiến nó đi đến một quyết định quan trọng. Nó muốn trầm mình xuống dòng sông.
Thật vậy, nó bỗng nhớ rằng cách đây tám ngày, có một người khốn khổ phải đi ăn xin để sống qua ngày đã phải tự tử vì ông ấy chẳng còn xu nào để sống nữa. Khi họ vớt ông ta lên thì Simon có mặt ở đó; và người đàn ông tội nghiệp ấy, ngày thường trông thấy đã thảm thương lắm rồi, xấu xí, bẩn thỉu, lúc ấy sao trông ông ta rất yên phận, vẻ mặt trắng bệt, hàm râu dài ướt sũng và đôi mắt mở to, rất bình thản. Mọi người quanh đó đều nói: “Ông ấy chết rồi”. Có ai đó lại nói thêm: -“Bây giờ thì ông ấy hạnh phúc rồi.”
Và Simon cũng vậy, nó muốn tự vẫn, bởi vì nó không có cha, cũng như gã đàn ông khốn khó kia không có tiền bạc.
Nó đến gần mé sông, và nhìn nước đang chảy. Vài chú cá đang bơi lượn rất nhanh trong dòng nước trong vắt, đôi khi nhảy lên cao để ngoạm lấy bọn ruồi đang bay là là trên mặt nước. Chú bé ngưng khóc để nhìn đám cá, vì nó bỗng nhận thấy động tác đùa chơi của chúng rất hay. Nhưng rồi cũng như lúc tạm ngưng sóng gió của một cơn bão, bỗng dưng những trận cuồn phong nổi lên làm gãy đổ cây cối rồi lại tan biến đi ở cuối chân trời, ý nghĩ buồn chán lại nổi dậy trong tâm trí nó một cách đau nhói: “Ta sẽ trầm mình xuống đây bởi vì ta không có cha”.
Bầu trời nóng ấm, và thật dễ chịu. Ánh dương dịu nhẹ làm cho cỏ cây thật ấm áp. Mặt nước sáng bóng như tấm gương soi. Rồi Simon bỗng cảm thấy những khoảnh khắc thật phúc lạc xâm chiếm hồn mình, rồi cảm giác uể oải lờ đờ khi nó vừa mới khóc xong, khiến nó ao ước làm sao có thể ngủ một giấc ngay nơi này, trên cỏ, trong nắng ấm.
Rồi một con nhái xanh màu lá nhảy trên cỏ. Nó muốn bắt chú nhái kia. Con vật nhảy đi. Simon chạy theo, rồi chụp hụt ba lần liên tiếp. Sau cùng cậu chụp được hai cẳng sau của con vật và bật cười to lên khi thấy con nhái cố vùng vẫy để thoát. Nó chụm hai chân lại, rồi bỗng nhanh chóng xoải dài ra, thẳng tắp; đôi mắt tròn to, hai cẳng trước ngọ nguậy như hai bàn tay. Nhìn con vật nó lại nhớ đến món đồ chơi cũng làm bằng những thanh gỗ nhỏ chéo nhau có thể nhúc nhích như vậy làm cho chú lính gắn bên trên cử động theo.Thế rồi nó nhớ đến nhà của mình, đến mẹ nó, và trở nên buồn tủi , nó lại khóc. Toàn thân nó bỗng run lẩy bẩy; nó quỳ gối xuống và thầm đọc kinh như nó vẫn làm trước khi ngủ. Nhưng nó không thể nào đọc hết lần kinh được, vì nó cứ nấc nhiều hơn, to hơn, làm xáo trộn đầu óc nó.
Nó không suy nghĩ gì được nữa, không nhìn thấy bất cứ gì chung quanh nữa, và chỉ khóc và khóc.
Bỗng dưng một bàn tay to mạnh đặt lên vai nó và một giọng nói ồm ồm hỏi nó:
– ” Tại sao mà cháu buồn dữ vậy, cậu bé kia?”
Simon quay đầu lại. Và nhìn thấy một người thợ cao lớn với bộ râu và mái tóc đen quắn đang nhìn nó với vẻ thiện cảm. Nó trả lời ông ta, mắt vẫn còn đầy ngấn lệ và cổ vẫn còn nghẹn ngào:
– Da chúng nó đánh đập cháu… bởi..vì..cháu không ..không ..có..cha..cha..
– Cháu nói sao được, người nào cũng có cha chứ, ông ta vừa nói vừa cười.
Rồi đứa bé nói một cách khó khăn trong những tiếng nấc đau khổ: – “Nhưng cháu ..cháu..thì ..không”
Người thợ bỗng trở nên nghiêm trang; ông ta nhận ra đây là con trai của cô Blanchotte, và cho dù mới đến làng này không lâu, ông ta đã biết câu chuyện của nhà đó một cách mơ hồ.
– Nào, nào, nguôi giận và bớt buồn đi cháu, bé con của ta à, và đi với ta về nhà gặp mẹ con xem nào. Nếu con muốn, con sẽ có… một người cha nhe con.
Rồi hai người cùng đi, người lớn cầm tay người bé, và ông ấy lại mỉm cười nữa, bởi vì ý nghĩ được đến gặp Blanchotte cũng làm cho ông ta vui chứ, nghe đâu cô ấy là một trong những cô gái đẹp nhất vùng; và ngẫm nghĩ rằng, một tuổi trẻ nào đó đã lầm lỗi lại cũng có thể phạm sai lầm nữa…
Hai người đến trước một ngôi nhà nhỏ màu trắng, rất gọn gàng sạch sẽ.
– “Thưa chú, ở đây nè”, rồi nó kêu lên” “Mẹ ơi!”.
Một người đàn bà bước ra, và nụ cười bỗng vụt tắt trên môi người thợ, vì ông ấy hiểu rằng không được đùa giỡn với cô gái dáng vẻ cao gầy đang đứng với vẻ mặt rất nghiêm nghị, làm như thể cô muốn ngăn cản không cho người đàn ông nào bước qua ngưỡng cửa này nữa, nơi mà trước đây đã có một người phản bội cô ta .
Trở nên rụt rè, ông ấy cầm cái nón trên tay, và một cách chậm rãi, ấp úng nói:
– Thưa bà, tôi mang cậu bé về cho bà đây, cậu bé bị lạc đường cạnh bờ sông.
Nhưng Simon nhảy tót lên bá vào vai mẹ và vừa nói vừa khóc:
– Không phải mẹ ơi, con muốn tự vẫn bởi vì bọn chúng đã đánh đập con.. đánh con..bởi vì con không có cha.
Người phụ nữ cảm thấy đôi mà mình đỏ hồng lên, và đau đớn tột cùng cho đến tận xương tuỷ, bà vội ôm hôn con rất mạnh trong khi những dòng lệ lăn nhanh xuống má. Người đàn ông đứng đó, xúc động, nhưng không biết làm thế nào để bỏ đi. Bỗng dưng Simon chạy đến bên ông ta và nói:
– Chú ơi, chú có muốn làm cha của cháu không?
Không một ai nói lời nào. Cô Blanchotte, không biết phải nói gì và tâm hồn bị dằn vặt vì xấu hổ, đứng tựa vào tường, hai tay để trên ngực. Cậu bé thấy không ai nói gì mình, lại tiếp tục:
– Nếu chú không muốn, cháu sẽ trở lại sông tự vẫn cho xem.
Anh thợ nghĩ rằng cậu bé nói đùa chơi nên vừa cười vừa trả lời :
– Tất nhiên rồi cháu à, ta muốn lắm chứ.
– Vậy thì tên chú là gì vậy, để khi tụi nó hỏi thì cháu biết trả lời tên của chú chứ?
– Philippe, ông ấy nói. Simon im lặng giây lát để cho cái tên ấy in hẳn vào tâm trí mình, rồi nó dang hai tay ra, như thế đã được an tâm rồi, và nói: – A, như vậy thì chú Philippe à, chú là ba của cháu đấy nhé.
Người thợ đưa hai tay ra ốm chú bé lên cao, rồi bỗng dưng hơn vào đôi má nó, rồi sãi những bước thật dài và bỏ chạy đi.
Và rồi sáng hôm sau, khi đến trường, thằng nhãi ranh hôm qua lại cười chế nhạo nó một cách ác độc nữa; đến khi tan học, nó lại có ý trêu chọc nữa, nhưng Simon hét vào tai nó, như thể ném cục đá vào người nó: ” Này, ba của tôi tên là Philippe”!
Thế là một tràn tiếng hét vui mừng vang lên cùng khắp:
-Philippe gì?. Philippe rồi thêm gì nữa?.. Philippe cụt lủn nghĩa là gì?..Mày moi cái tên đó ở đâu ra vậy?
Simon không thèm trả lời; và với lòng tin vững chắc không gì có thể lay chuyển được, cậu bé nhìn chúng với vẻ thách thức, sẵn sàng để bị hành hạ nữa chứ không bỏ chạy trước mặt chúng.
Ông hiệu trưởng đến giải thoát cho nó và cậu bé đi về nhà.
Trong suốt ba tháng sau đó, anh thợ Philippe cao lớn thường đi ngang qua nhà cô Blanchotte và đôi khi anh còn đánh bạo gợi chuyện với cô ta khi anh thấy cô ngồi khâu vá bên cửa sổ. Cô ấy trả lời anh rất lịch sự, lúc nào cũng rất nghiêm trang, không bao giờ cười đùa với anh, và không mời anh vào nhà. Tuy nhiên, với tính hơi tự phụ như tất cả quý ông, anh nghĩ rằng cô ấy hay đỏ mặt e thẹn hơn thường ngày khi cô nói chuyện với anh.
Nhưng sự đời, một khi mà thanh danh đã bị tổn hại thì rất khó mà trở lại như xưa, giờ đây trở nên quá bấp bênh, và hậu quả là cho dù Blanchotte cố giữ gìn ý tứ để không bị chú ý, miệng thế gian cũng đã bàn tán xôn xao trong vùng rồi.
Về phần Simon thì cậu bé rất yêu người cha mới của mình, và thường đi dạo với ông mỗi chiều sau khi ông xong việc. Nó rất chăm chỉ đến trường và mỗi khi đi ngang trước mặt bạn thì vẻ mặt nó trở nên rất chững chạc, và không bao giờ trả lời chúng.
Nhưng rồi, một ngày nọ, thằng nhãi ranh trước đây đã tấn công nó lại nói: – Mày nói dối, mày không có cha tên là Philippe.
– Tại sao vậy? Simon hỏi, có vẻ chạnh lòng.
Thằng nhóc xoa hai tay vào nhau, và nói:
– Bởi vì, nếu như mày có cha, thì ông ấy đã là chồng của mẹ mày rồi.
Simon cảm thấy thật bối rối khi nghe sự lý giải rất đúng ấy, nhưng rồi nó vẫn trả lời: -” Tuy vậy ông ấy vẫn là cha của tôi mà”.
– Cũng có thể là như vậy, nhưng ông ấy chưa hẳn là cha của mày, – tên ác ôn ấy lại vừa cười khẩy vừa nói .
Cậu bé con của Blanchotte bèn cúi mặt và vừa đi vừa mơ màng về phía xưởng rèn của già Loizon, Philippe là thợ ở đó.
Cửa hàng đó bị lấp phía sau hàng cây cao. Trời đã sẫm tối lắm rồi; ta chỉ thấy ánh sáng đỏ rực của một lò lửa đang chiếu rọi năm người thợ rèn đang cùng gõ nhịp với tiếng khua đập vào đe một cách đinh tai nhức óc. Tất cả họ đều đứng, cánh tay trần, khí thế sung sức như ác thần, đôi mắt chăm chăm vào miếng sắt nóng rực mà họ đang hành xử: mọi suy nghĩ nặng nề của họ bay lên cao rồi giáng xuống cùng với tiếng búa gõ.
Simon bước vào mà không ai nhìn thấy cậu bé, và cậu đến kéo tay áo người bạn lớn của mình. Ông ấy quay đầu lại. Rồi thì mọi người bỗng đều ngưng việc, và tất cả họ đều chăm chú nhìn hai người. Và trong cái thinh lặng bất thường ấy, giọng nói yếu ớt của cậu bé vang lên.
-Chú Philippe này, lúc nãy bạn nhóc con nhà Michaude nói với cháu rằng chú không hẳn là cha của cháu kìa.
– Tại sao vậy? anh thợ hỏi nó.
Cậu bé trả lời tỉnh bơ, một cách vô cùng ngây thơ: – Bởi vì chú không phải là chồng của mẹ cháu.
Không ai còn có thể cười được nữa. Philippe đứng đó, áp đầu vào đôi tay vạm vỡ đang cầm cái búa đang chĩa xuống cái đe. Anh ta đang mơ màng. Bốn người bạn đồng nghiệp nhìn anh ta, và Simon tội nghiệp thật nhỏ bé ở giữa những anh chàng khổng lồ ấy đang chờ đợi, lo âu. Và bỗng dưng một anh thợ như đoán được suy nghĩ của cả bọn, nói với Philippe:
– Nghĩ cho cùng, cô Blanchotte ấy là một người phụ nữ tốt, rất can đảm, mạnh khỏe và nền nếp , đã tự vươn lên cho dù phải chống chọi với khổ đau của mình, cô ấy sẽ là một người vợ thật xứng đáng cho một người đàn ông trung thực.
– A, điều này thì thật là đúng, ba người kia thêm vào.
Người thợ tiếp tục:- Đâu phải lỗi cô ta đâu, nếu như cô ta chưa có được một gia đình đàng hoàng? Họ đã hứa là sẽ cưới cô ta, và tôi cũng có biết một trường hợp như thế, ở đây ai cũng quý trong cô ấy, và cô ấy cũng không làm gì sai trái kia mà.
– Ồ, thật đúng như vậy, ba người còn lại cùng nói .
Rồi người thợ lại nói tiếp: “Cô ta thật cực khổ biết bao, thật tội nghiệp khi phải tự mình nuôi con như thế, hẳn cô ta đã khóc thật nhiều từ dạo ấy, và chỉ đi ra ngoài để xem lễ ở nhà thờ, chỉ có Chúa lòng lành hiểu được thôi.
– Thật chính xác, những người kia trả lời.
Rồi ta chỉ còn nghe tiếng ống bễ lò rèn đang quạt cho lửa rực sáng thêm. Bỗng dưng Philippe quay qua nói với Simon:
– Cháu về nói với mẹ là chiều nay ta sẽ đến nói chuyện với cô ấy.
Nói xong, ông đẩy cậu bé ra ngoài sân.
Ông trở lại làm việc, và ngay tức khắc, năm chiếc búa cùng nện vào đe. Bọn họ đập mạnh vào miếng sắt như thế cho đến khi màn đêm buông xuống, những người thợ mạnh mẽ, sung sức, thật vui vẻ như những cái búa đầy sức sống. Nhưng trong những tiếng nện râm vang ấy, tiếng búa của Philippe át hẳn tiếng ồn của các bạn, gõ đập nhịp nhàng xuống từng phút giây, thật chói tai, như tiếng chuông lớn vang lên trong những ngày lễ hội, chế ngự tiếng ngân của tất cả những chuông khác. Và anh ta, với đôi mắt sáng linh động đang làm việc một cách hăng say giữa những tia lửa rực sáng trên bầu trời đêm.
Bầu trời đầy sao sáng khi ông ấy đến gỡ của nhà cô Blanchotte. Ông ấy diện bộ vét ngày chủ nhật, áo sơ mi tươm tất , râu cằm nhẵn nhụi. Thiếu phụ trẻ bước ra đến ngưỡng cửa và nói với ông ta, giọng không vui :
-“Thưa ông Philippe, ông đến vào chiều tối như thế này thật là không tốt chút nào đâu ạ”.
Ông ta định trả lời, nhưng rồi lắp bắp điều gì và trở nên bối rối khi đứng trước mặt cô ấy.
Cô ấy lại tiếp:
– ” Ông cũng thừa biết là không nên để mọi người bàn tán xôn xao về tôi nữa .”
Và rồi , ông ấy bỗng dưng can đảm lên:
– Có sao đâu, nếu như cô bằng lòng làm vợ của tôi!
Cậu bé không nghe tiếng trả lời, nhưng trong bóng tôi có thể nghe được tiếng thân mình khụyu xuống. Rồi ông ấy lách người vào rất nhanh; Simon lúc đó đang nằm trên giường nghe tiếng một nụ hôn và tiếng mẹ nó thì thầm rất nhỏ.
Thế rồi, bỗng dưng nó thấy mình được nhấc lên cao trên tay người bạn to lớn của nó, rồi ông ấy vừa bế nó trên đôi tay lực sĩ vừa nói thật to:
– Ngày mai con nói với bạn của con, là ba của con tên là Philippe Rémy, chú thợ rèn, và ông ta sẽ đến véo tai đứa nào làm cho con đau nhe.
Sáng hôm sau, trường thật đông đủ học trò, và khi cô giáo bắt đầu dạy học, cậu bé Simon đứng lên giữa lớp, gương mặt xanh xao vì xúc động và thốt lên bằng một giọng run rẩy:
” Cha của tôi tên là Philippe Rémy, người thợ rèn, và ông ấy báo trước là bạn nào làm tôi đau thì sẽ bị ông ấy véo tai đó!
Cậu ta tuyên bố thật rõ ràng như thế.
Bây giờ thì không ai còn dám cười nhạo nữa, bởi vì mọi người đều biết cái ông Philippe Rémy , cái ông thợ rèn ấy, và rồi nói đến ông thì họ cũng biết ông ta là một người cha không thể chê vào đâu được, một người cha mà ai cũng đều rất hãnh diện được làm con của ông.
1879 – Guy de Maupassant – TL dịch