Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển
Chao ! Để in một cuốn sách cho thành hình thành hài, lắm công phu.
Buổi ra mắt sách phải hoãn do đại dịch, cả nhà bàn tính làm lại tác phẩm cho ông già, sửa hết chi tiết từ ruột đến bìa, từ thiết kế đến in ấn…
Trước, có người post một đoạn thơ của cụ trên Facebook mà tôi đọc được, viết thế này:
“ Ôi có ai kia”
“ Đêm nao thức GHE đêm”
“ Mới biết đêm thâu”
“ Mới biết tim ta”
“Là bể đau khi yêu”
“Đắng Đót”
Chữ GHE đó không có nghĩa gì hết.
Tôi inbox cho người post bài, nói chữ chính xác là NGHE. Anh nói, tôi chụp hình bài này trong cuốn sách của ông cụ chị đấy.
Trời. Tôi vội vàng điện cho bố, hỏi sao in ấn kỳ vậy?
– Ơ, thế hả?
– Bố coi lại hết đi.
– Thôi…Chán – Bố thở dài, mắt xa xăm, tay run bần bật.
Tin nổi không, mắt bố đã kém đến mức chả muốn đọc sách vở, những ngón tay co quắp, cứng quèo, hết cầm nổi bút viết, gõ bàn phím càng khó khăn.
Phải nói là cụ ôm ấp cuốn sách cả năm trời, hết người này hẹn làm bìa đến người kia hẹn in ấn, rồi sửa rồi…lung tung xèng. Tôi cũng hăm hở muốn coi mặt mũi sách thế nào, mỗi lần nói chuyện, tôi đều hỏi, toàn nghe bố bảo “ Chưa. Tụi nó đang coi, đang chờ, đang…” Tôi nhăn nhó, chờ gì cả sáu bảy tháng trời cho một cuốn sách? Cái khó nhất là nội dung, bố đã có sẵn đưa cho người ta rồi. Oải !
Trước giờ, việc sách vở, bố tự làm, tự nhờ bạn bè gì đó in ấn, phát hành. Chỉ riêng lần này, bố gọi các con lại, trao hết quyền quản lý, sắp xếp. Chúng tôi thọc tay ngang xương, chả biết ất giáp, việc giữa chừng giữa vời, người nói A, kẻ nói B, lần mò từng bước, rối reng, mâu thuẫn, phát mệt !
Nhưng rồi cũng xong, xong đến rốt ráo là ấn định được ngày ra mắt sách.
Hoãn vì Covid.
Chộp lấy cơ hội, tôi dặn người nhà gửi soft copy, tôi nhắm sửa được gì cho bố thì sửa.
Mới coi mấy trang đầu đã thấy lỗi xuống hàng, lỗi ngắt đoạn, liền đoạn… đầy rẫy. Dẫu gì cũng là người nhà nên tôi thuộc được ít nhiều bài của cụ, biết được ý thế nào, đúng sai ra sao.
Gọi là “ Thơ và Ca Từ” vì ông cụ muốn ghi lại mấy bài thơ cũ và phần chính là lời ca tất cả các bài hát mà cụ đã sáng tác trong suốt cuộc đời, kể cả những bản tình ca từ trước 1975, chưa bao giờ được phổ biến như “ Họa Mi”, “ Hoàng Oanh”, “ Một Ngày Sau Chiến Tranh”, “ Trăng”….
May là bố có giao cho con gái tập nhạc bố tự viết cách đây cả chục năm, lúc ông còn minh mẫn, tôi dựa vào đó dò từng chữ với sách “ Thơ và Ca Từ” cộng với trí nhớ của chính mình, tôi đánh dấu xanh đỏ, email rồi video call với bố, hỏi sao lúc trước bố viết chữ này, giờ đổi thành vậy, chữ nào đúng? Còn thiếu bài này, bài này trong sách…Ồ, thế hả? Thôi chết, mày ghi thêm cho bố đi. Còn bài…có hai lời, trong đây chỉ ghi lời một….
Nghiêm trọng, ai đó cho hay trong sách có mấy bài thơ của Ý Nhi.
Số là cụ tôi đã phổ nhạc mười bài thơ của cô ấy từ đầu thập niên 80, mấy chục năm trời lẩm nhẩm hát hoài, nhập nhoạng thế nào ghi luôn vào sách này. Hỏi bố mười bài ấy đâu, gạt ra, bố chỉ nhớ được hai, ba. Tệ không?
Mấy anh em phải xới tung đống giấy má, email, nhắn tin của ông già với chúng tôi từ đời tám hoánh để tìm và điều chỉnh. May là mình quyết định làm sách mới hoàn toàn nên có thể thêm bớt dễ dàng, nếu không mang tiếng chết.
Chúng tôi chọn anh Nguyễn Đình Hiếu lo dàn trang và làm bìa, anh gửi cho tôi bản mẫu để xem và sửa. Cả núi công việc chờ tôi. Dò tới dò lui cả cuốn sách mấy trăm trang xong, tôi gửi cho anh in lại. Anh send back bản mới. Tôi dò nữa, vẫn còn những dòng chữ lý ra phải ở đoạn trên nhưng bị dính xuống đoạn dưới hay ngược lại, những câu đáng lẽ phải tách riêng nhưng bị nhập làm một…Ví dụ:
“ Âm u xa xôi mong chia nhau từng nỗi đau”
“Buồn”
Để chữ “ Buồn” một mình làm chi, “ Nỗi đau buồn” có lý hơn há? Người ta tưởng bố tôi viết sai, sửa lại dùm nhưng không, trong bài hát, chữ “ Buồn”là nốt ngân dài sau mấy nốt ngắn phía trước, làm nỗi “ Buồn” nặng hơn, đó là dụng ý nên phải giữ nguyên như thế.
Tôi và anh Hiếu cứ gửi bản thảo qua lại đến lần thứ năm, nghĩa là tôi phải đọc hết bằng đó chữ năm lần mới ổn. Muốn chết !
Đến phần design, tốn thêm mớ thời gian.
“Ừ, hình này được.” “Ê, cái tay bố nhìn kỳ quá, đổi đi.” “Hình này mẹ cười tươi nè.” “ Mẹ mày nghịch ngợm, dám khoác vai bố.”
Sách in nháp được gửi cho tôi và bố coi thử. Quái chiêu là sách đến Úc Châu, nhanh hơn bên bố cả mười ngày trời.
Tôi thấy sách đẹp, gật đầu rụp rụp, cũng phải làm nhanh, dây dưa đến bao giờ? Bố nhận được sách thì phán“ Dẹp hết hình, để bìa sách màu đen cho bố. In lại.”
Chờ bản nháp thứ hai gửi cho tôi riêng và bố riêng. Vẫn vậy, sách đến Úc nhanh hơn trong nước Mỹ cả chục ngày. Bố nhận và hài lòng. Thế là có lệnh in một trăm cuốn bìa mỏng và một trăm cuốn bìa dày. Con gái có hai mươi cuốn riêng. Khà khà.
Tôi nhận sách ngon ơ, riêng ông già, trầy trật chờ đợi mãi, cứ tưởng bốn năm ngày sau có hàng, hẹn bạn bè tùm lum. Một tuần, rồi hai tuần không có, người ta bắn tiếng “ Bộ không đủ tiền hay sao mà không ra nổi cuốn sách”
Mình có phải là người làm việc trực tiếp với nhà xuất bản đâu mà biết lý do lý trấu chậm trễ. Nhưng đến hôm nay thì hai trăm cuốn sách đã về nhà bố – chứng tỏ bố tôi có đủ tiền nhé –
Chúng tôi sắp xếp với anh Đinh Quang Anh Thái và buổi ra mắt sẽ được ấn định vào ngày :
Thứ Bảy 23/04/22
Tại nhà sách Tự Lực
14318 Brookhurst st Garden Grove CA 92843 USA
Tôi chuẩn bị mùng mền chiếu gối qua Mỹ thăm cụ đây, sẵn ra thăm mộ mẹ. Tự nhiên nhớ lời bài hát bố viết “Ôi đất dưới chân em từ nay trở thành thịt xương”. Ôm đất vào lòng sao giống ôm mẹ được nhỉ? Mẹ mình ấm, mẹ mình mềm, mẹ mình có mùi vị riêng mà. Hôm dự đêm nhạc của bố cách đây hai năm, trước khi về nước tôi đã vào phòng, vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán mẹ, thủ thỉ với mẹ, mẹ đã vỗ vào vai tôi nhè nhẹ an ủi. Bàn tay mẹ nhăn nheo, ốm yếu nhưng vẫn êm trên da thịt mình. Mẹ nói không ra chữ nhưng tôi vẫn nghe ra tiếng dỗ dành “ Mẹ đây con. Mẹ đây con.”Mẹ bệnh nhưng vẫn nhìn tôi với cặp mắt đau đáu, khắc khoải. Mẹ nằm trên giường suốt ngày, lặng lẽ nhưng nó khác lắm với mẹ nằm ở chỗ đó, cách mấy lớp đất, cách một tấm bia đen. Cũng may bữa ấy mẹ đã hôn trên má con, nụ hôn như ngày con còn bé tí, khóc nhè, nghịch ngợm, đau ốm…Ai biết đó là nụ hôn vĩnh biệt?
Bố nói nhìn đâu cũng thấy mẹ, sống thế nào đây? Chết, liệu có gặp lại?
Tôi hỏi bố có viết gì cho mẹ không? Viết đi, tụi con giữ riêng. “Bài nào của bố chả có mẹ mày trong đó.” Bố nói. Ông là người cẩn thận chữ nghĩa. Khi biết đầu óc mình chậm chạp, hết tinh tường, ông dừng bút. Dừng đến mức viết cho mẹ cũng không. Bố thật là…
Giờ nhìn bố ra bàn, trệu trạo nhai bát cơm trộn, ngồi máy tính bật nhạc, bật radio thật to vì tai đã lãng nhiều, rồi lên giường nằm vùi suốt ngày, chả nói năng, chả bạn bè, cứ nhắc đến mẹ lại chảy nước mắt, băn khoăn quá.
Tôi sẽ qua Mỹ mười ngày, nấu cho bố mấy bữa cơm, xem áo sống, chăn gối cụ thế nào, kể cho cụ nghe chuyện viết lách, chuyện con cái, chuyện đàn địch để bố vui vài bữa.
Hy vọng buổi ra mắt sách sẽ trọn vẹn. Mong lắm thay !
06/04/22