Tác giả: Nguyễn Xuân Thiên Tường
Lân ghé siêu-thị định mua thực-phẩm cho ngày cuối tuần. Thấy “sườn bò barbecue” bán hạ giá, nhiều người mua nên anh lấy hết năm gói cuối cùng còn lại. Trả tiền xong thì anh nhìn thấy hai người con gái đứng ở quầy tính tiền bên cạnh. Đoán họ là người Việt Nam nên anh vẫy tay. Người con gái trẻ hơn mỉm cười vẫy lại. Cô chị gật đầu chào. Lúc ra tới cửa anh dừng lại đợi.
Lân mở lời trước:
– Người đồng-hương đây. Chào các cô.
Hai người con gái lên tiếng cùng một lúc:
– Vâng chào anh.
– Các cô tới vùng này lâu chưa mà hôm nay mới gặp.
Cô em nhanh-nhẹn trả lời:
– Cũng không lâu đâu anh. Giới-thiệu với anh: chị của em là Mai, em là Đào.
Thấy trong xe mà Mai đang đẩy chỉ có vài bó rau và một bọc nhãn lồng nên anh buột miệng:
– Thảo nào!
Mai hỏi:
– Thưa anh, “thảo nào” cái gì?
– Các cô ăn kiêng nên mới có được vóc dáng của những người mẫu.
Mai trả lời:
– Đâu phải. Hôm nay chúng em định mua sườn Đại Hàn nhưng lại hết nên về không. Thật là xui-xẻo!
– Tôi thì lại có nhiều sườn.
Đào nhìn vào xe của Lân rồi nói:
– Trời ơi! Cái may của anh lại là cái rủi của chúng em.
– Các cô làm gì mà phải mua sườn?
Mai giải-thích:
– Ba chúng em chỉ thích ăn sườn nướng. Cái gì khác ba đều không thích. Vài ngày nữa là sinh-nhật của ông rồi.
Đào đắn-đo một lúc rồi cũng nói:
– Hay anh nhường lại sườn cho chúng em đi.
Mai nhìn em lắc đầu:
– Đào, sao em lại phiền anh ấy vậy. Chúng ta đi chợ Cosco biết đâu cũng có?
Lân cúi xuống lấy các gói sườn bỏ sang xe của Mai rồi nói:
– Cái này không cần-thiết lắm với tôi đâu. Các cô nhận lấy để mở tiệc cho bác.
Đào reo lên:
– Cám ơn người đồng-hương tốt bụng.
Khi Mai mở ví thì mới biết không đủ tiền mặt. Có lẽ phải trở lại quầy phục-vụ khách hàng để trả lại sườn rồi dùng thẻ mua chịu của Mai mua lại.
Lân mỉm cười dễ-dãi:
– Thôi, lần tới gặp nhau thì các cô trả cũng được.
Đào vui-vẻ nói:
– Anh cho số điện-thoại để chúng em liên-lạc.
Mai cũng lên tiếng:
– Hay là mời anh tới mừng sinh-nhật ba em. Hôm đó chúng em sẽ trả tiền anh.
Lân lắc đầu:
– Hân-hạnh được cô mời nhưng tôi ngại chỗ đông người.
Mai nhẹ-nhàng trả lời:
– Không đông đâu, chỉ có ba của chúng em, hai đứa em và một người anh họ. Đây là dịp tốt cho ba được gặp người đồng hương nếu anh tới.
– Tiệc có lâu không?
Đào lắc đầu:
– Khoảng hai tiếng đồng hồ là cùng.
– Cho tôi một phút suy-nghĩ. Mà thôi, tôi có thể tham-dự với điều-kiện mấy gói sườn này phải được coi là chút đóng góp vào bữa tiệc mừng bác.
Đào nhìn Lân rồi quay sang trêu chị:
– Người đồng-hương dễ chịu thật nhưng cũng còn có khuyết-điểm.
Lân mỉm cười:
– Khuyết-điểm gì?
– Chị Mai đẹp như vậy mà anh không biết khen lấy một câu xã-giao thì làm sao gọi là lịch-thiệp được?
Mai đang ngượng-ngùng thì Lân trả lời:
– Cô Đào đẹp không kém
Tới lượt Đào đỏ mặt nhìn Lân.
oOo
Đến nhà Mai thì Lân gặp Hữu tại đây. Hữu là anh họ của Mai và Đào. Chàng làm cùng sở với Hữu.
Bữa tiệc khởi-đầu bằng vài lời vắn-tắt của Mai. Nàng không nói nhiều nhưng cũng làm ba nàng xúc-động. Mai không chỉ cám ơn ba mà còn nhắc tới mẹ. Mắt ông rưng rưng vì sự tha-thiết của con gái. Rồi đến phiên Đào. Nàng đứng dậy ôm ba hôn:
– Nhiều năm rồi mới được hôn ba. Con yêu ba, yêu ba vô cùng!
Lân nhìn thấy trên khuôn mặt nhăn-nheo có giọt nước mắt chẩy xuống. Lâu lắm chàng mới thấy những tình-cảm chứa-chan như vậy. . .
Rồi tới những phút tâm-tình, ôn lại những việc đã qua.
Cha con ông Đạt mới sang vùng này được gần một năm. Mai nhận may quần áo cắt sẵn từ một hãng nhưng gần đây không đủ việc. Đào thì làm tại một tiệm trang-điểm móng tay ít khách.
Đột nhiên, Lân quay sang Hữu:
– Sao anh không hỏi chị Ngọc xem có công việc nào cho cô Đào không? Tiệm “nail” của chị không những ở trong “mall” mà còn lớn nhất vùng này.
– Ừ, sao tôi không nghĩ ra. Anh hỏi dùm được không?
Lân cười:
– Sao lại tôi? Anh thân với chị ấy mà.
Hữu thưa với ông Đạt:
– Nếu chú cho phép và Đào muốn chúng con có thể liên-lạc với chị Ngọc ngay bây giờ. Để tới lúc khác nhỡ không có anh Lân.
Thấy Đào gật đầu, ông Đạt đồng-ý:
– Vậy cháu giúp hộ.
Hữu cầm điện thoại. Lân ngăn lại:
– Điện thoại của tôi mà.
– Phải, nhưng chỉ có điện thoại này mới được trả lời ngay.
Rồi Hữu gọi chị Ngọc.
– Chị Ngọc ơi, anh Lân muốn nói chuyện với chị.
– Chuyện gì vậy? Lân đâu?
Lân cười:
– Em đây. Hỏi chị xem tiệm của chị cần người không?
– Có thể thêm 2 người thợ nữa. Em giới-thiệu ai?
– Em gặp một người có tiềm-năng nên muốn giới-thiệu cho chị.
Chị Ngọc hỏi:
– Tay nghề có khá không?
– Chắc chưa là thợ giỏi. Trước khi sang Mỹ cũng đã học một năm. Hiện đang làm cho một “tiệm nail” nhưng không đủ việc.
– Có nhanh-nhẹn, lịch-thiệp không?
– Nhanh-nhẹn, lịch-thiệp thì không …
Cha con ông Đạt ngạc-nhiên nhìn nhau. Cả ba không ngờ Lân giới-thiệu như vậy. Chị Ngọc cũng thắc-mắc:
– Thế mà em lại giới-thiệu cho chị!
Lân lắc đầu:
– Từ từ! Em đã nói hết câu đâu?
– Thì nói tiếp đi.
Lân chậm-rãi tiếp-tục:
– Em định nói “nhanh-nhẹn, lịch-thiệp thì không; phải nói là “rất” nhanh-nhẹn, lịch thiệp mới đúng”.
– Trời đất! Chỉ một chữ mà khác-biệt quá!
Lân tiếp-tục:
– Em không muốn chỉ giới-thiệu một người thợ giỏi mà còn là một phụ-tá có tiềm năng cao để mai mốt chị muốn nghỉ ở nhà vài ngày vẫn yên-tâm. Cô thuộc gia-đinh nề-nếp, ba của cô là một nhà giáo lão thành.
– Có giai-thoại nào về cô ta với em không?
– Cô ta nói em không biết xã-giao với đàn bà.
– Tại sao?
– Vì chị cô ta đẹp mà em không biết khen.
Thấy Mai đang nhìn sang. Chàng chớp mắt với nàng.
Chị Ngọc cười:
– Em không rành tâm-lý đàn bà mà nhiều khi như đi guốc trong bụng người ta.
– Cô Đào không hiểu. Em nghiêm-chỉnh để mai mốt có vợ thì đỡ tan cửa, nát nhà. Thôi trở lại chuyện chính. Ứng-viên mà em giới-thiệu có hội đủ tiêu-chuẩn chưa?
– Chị nhận cô ta.
Lân nói tiếp:
– Chuyện việc làm này chị không nhờ em kiếm người mà cô ta cũng không nhờ em kiếm việc. Em có hai câu hỏi này. Thứ nhất, các người làm cho cửa hàng của chị có bao nhiêu xe Lexus SUV?
– Để làm gì?
– Để xem chị trả lương có khá không?
– Gần 40% thợ có xe này. Còn chuyện gì nữa?
Lân lại hỏi:
– Cô Đào mới sang đây nên còn nhiều lo-lắng. Bỏ việc đang làm để theo chị là một sự liều-lĩnh. Chị có thể bảo-đảm trả 3 tháng nếu chuyện mất việc không may xẩy ra tại tiệm chị không?
– Chị chưa bao giờ làm điều này với ai.
– Nhưng đối với người có tiềm-năng cao thì phải đặc-biệt chứ. Lại thêm người thân giới-thiệu nữa.
– Hết tranh-luận được với em. Thôi, 2 tháng được không?
– Để em nói với anh Hữu chuyển lại ý của chị với cô Đào. Việc của em đến đây là xong. Hữu sẽ tiếp-tục những gì cần bổ-túc.
Chị Ngọc bỗng đổi ý:
– Lân này! Chị nghĩ lại. Ba tháng cũng được.
Lân đùa:
– Cho em xin lỗi. Em đã nghĩ nhầm về chị. Lúc đầu thì cho chị là người giầu nhưng bây giờ mới biết chị không những giầu mà còn sang nữa.
Chị Ngọc vui-vẻ:
– Nói chuyện với em tuy mất thêm chút tiền nhưng sướng tai thật.
oOo
Khi Lân vừa ngừng nói thì Đào lên tiếng:
– Cám ơn anh. Anh chỉ nói vài câu mà giải-quyết được việc lớn cho em.
Còn ông Đạt ngạc-nhiên vì lúc đầu ông tưởng Lân tạo dịp liên-hệ với con gái mình nhưng anh đã bỏ cơ-hội tiếp-xúc với chị Ngọc hộ Đào.
Ông từ-tốn nói:
– Gia-đình bác chân-thành cám ơn cháu. À, cháu không cần quá dè-dặt trong cách xưng-hô với các con bác. Đừng gọi là cô Mai, cô Đào nữa.
– Thưa bác vâng
Đào bỗng hỏi Hữu:
– Các anh làm gì mà chị Ngọc lại nghe theo như vậy?
Hữu trả lời:
– Nghe ai? Nghe anh Lân hay nghe anh?
Đào nói:
– Vâng, nghe anh Lân. Hai người xưng-hô chị em nhưng bàn-bạc cái gì thì chị Ngọc cũng chiều ý.
Lân nhìn sang Mai. Nàng im-lặng theo dõi chuyện.
Anh hỏi:
– Mai nghĩ sao?
Mai nhè-nhẹ lắc đầu:
– Em biết gì đâu mà nói.
– Nói theo cảm-nhận cũng được.
– Thì cũng hơi nghi nghi.
Lân lắc đầu:
– Sao các cô không bênh đỡ anh?
Hữu buồn xa-xôi:
– Chuyện này thì không ai biết là thế nào. Có điều nếu là nhân-tình thì sao họ không lấy nhau? Ngăn-trở gì đâu?
Lân gật-gù:
– Bạn nói nghe tạm được. Bây giờ Mai đã tin chưa?
Mai duyên-dáng mỉm cười:
– Tin được chút chút.
Hữu quay sang chú mình.
– Cháu chưa có dịp giới-thiệu với chú. Anh Lân làm cùng sở với cháu. Anh từng được chọn là nhân-viên xuất-sắc nhất trong năm của công-ty.
Ông Đạt gật đầu:
– Người có học-vấn cao thì làm việc gì cũng dễ thành-công.
Lân từ-tốn nói:
– Cháu gặp may-mắn thôi. Có lẽ Mai và Đào còn học cao hơn cháu.
Đào xen vào:
– Khiêm-tốn vừa phải thôi chứ.
Mai cười:
– Anh chứng-minh được không?
Hữu nói:
– Á … À … Bạn bè với nhau mà anh chưa bao giờ cho tôi biết gì cả.
Ông Đạt cũng góp ý-kiến:
– Nếu không có gì trở-ngại cho bác nghe cùng các con
– Vâng
Rồi Lân kể…
Thời trung-học cháu học trường kỹ-thuật. Khi mới lên đại học, tình-cờ cháu quen một nhiếp ảnh gia. Cháu được ông chỉ-dẫn và còn cho đi săn hình cùng. Có lần cháu dùng máy của ông chụp vài tấm rồi cũng quên đi. Trong kỳ thi nhiếp-ảnh quốc-tế nhiều tháng sau đó, ông gửi hình tham-dự. Một bức hình của cháu đoạt giải nhì. Một bức khác được khen thưởng.
Đời như một giấc mơ! Ngày hôm trước không ai biết đến tên mình, vài ngày hôm sau báo chí ca-ngợi gã sinh-viên trẻ tuổi cùng nhóm chụp hình nổi tiếng của các bậc lão thành!
Từ đó, cháu không để ý đến việc học cho lắm mà chỉ mê hình nghệ-thuật. Rồi định-mệnh xẩy tới! Chuyến trở về của nhóm săn hình từ Sapa thay đổi giờ bất ngờ. Thời này điện-thoại còn hiếm-hoi nên không báo với gia-đình được. Mãi đến đêm cháu mới tới nhà. Hôm đó là ngày giỗ bố cháu. Mẹ chạy tới ôm lấy cháu mà khóc. Bà dắt cháu tới trước bàn thờ rồi nghẹn-ngào nói:
– Ông ơi, con nó đã về bình-yên!
Bỗng có tiếng của cô em gái:
– Thưa mẹ, mẹ ngồi xuống ghế cho con được thưa chuyện với anh.
Mẹ nghe theo lời em. Thủy thường ngày dịu-dàng, khả-ái, gần như chưa bao giờ to tiếng với ai một lần nhưng lần này thì khác.
Em lạnh-lùng:
– Sao anh còn đứng đó. Quỳ xuống xin lỗi bố đi.
Cháu quỳ xuống theo lời em.
Lúc sau em lại nói:
– Anh quỳ xin lỗi mẹ ngay.
Cháu cũng quỳ xuống trước mẹ.
Thủy buồn-bã nói:
– Anh có biết mẹ gần như chết đi, sống lại từ hôm qua vì sợ anh gặp tai-nạn…Lúc lúc lại đi ra, … Lúc lúc lại đi vào… Anh vô-tình giết mẹ dần-mòn có biết không?
Cháu ân-hận vô cùng, lắp-bắp xin lỗi mẹ rồi nói với em:
– Từ giờ anh hứa sẽ không bao giờ đi chụp hình như vậy nữa.
– Lời anh nói có đúng không? Em đã mất lòng tin nơi anh rồi.
Cháu đứng dậy tới chỗ ba-lô còn trên sàn nhà đập bể máy hình và các ống kính rồi bảo Thủy:
– Bây giờ em tin nơi anh chưa?
Mẹ và em Thủy lặng người vì diễn-tiến bất ngờ. Lâu lắm mẹ mới khuyên:
– Làm người phải cẩn-thận lúc nóng giận. Trong tình thương-yêu nên nghĩ đến việc sửa-đổi chứ không phải trừng phạt. Từ nay, Lân mất đi một nguồn vui trong cuộc đời. Còn việc Lân đập máy hình thì sao không bán máy rồi lấy tiền đưa cho Thủy. Mỗi ngày em con cực-nhọc lắm.
Thôi, chúng ta nên kết-thúc. Các con không được nhắc lại nữa.
Tưởng mọi chuyện sẽ lắng xuống thì mẹ và em lại muốn cháu đi tỵ-nạn.
Tiền dành dụm được bao nhiêu mẹ đưa gần hết cho chủ thuyền. Bà không cho cháu biết trước vì sợ cháu không đi. Bây giờ bỏ cuộc thì mất tiền.
Trong những ngày thấp-thỏm chờ đợi, có lần em Thủy ôm chầm lấy cháu nức-nở:
– Anh ơi! Em đã sai. Em muốn nói trăm lần, ngàn lần xin lỗi anh. Tha-thứ cho em, anh ơi!
Cháu không cầm được nước nước mắt chỉ vắn-tắt vài câu an-ủi em rằng cái hạnh-phúc không phải ở chụp hình nghệ-thuật mà là tình yêu thương của mẹ và em.
Cả gia-đình ông Đạt im-lặng.
Mắt Mai mờ đi, lúc sau nàng mới lên tiếng:
– Câu chuyện rất cảm-động. Bác gái thật sâu-sắc. Lời dậy con của bà cũng là bài học tốt cho em.
Lân mỉm cười:
– Cám ơn Mai. Thôi, cho anh dừng lại ở đây. Sợ rằng nỗi buồn của anh lây sang người khác.
Đào mau miệng phản-đối:
– Không được! Em còn muốn nghe.
– Chúng ta để bác nghỉ chứ.
Ông Đạt trả lời:
– Nếu con tiếp-tục thì bác cũng thích nghe.
Lân hướng sang Mai. Nàng khe-khẽ gật đầu muốn chàng nhận lời.
Lân nhẹ-nhàng nói với ông Đạt:
– Cháu xin kể tiếp.
Hữu cười:
– Còn tôi thì sao?
– Dĩ-nhiên khi có tôi thì phải có anh rồi.
oOo
Nhờ may-mắn, cháu tới được Hoa Kỳ an-toàn. Nhưng giai-đoạn hội-nhập cũng khá vất-vả. Cháu được một người cắt cỏ các tư-gia chia cho hai, ba nhà. Một hôm, ông chủ nhà muốn cháu tỉa vài cây cảnh. Ông không ngờ cháu tỉa cho ông đẹp đến vậy. Khi cháu làm xong, ông vui-vẻ trả tiền thêm.
Cháu nói:
– Tôi chỉ là người làm công. Xin ông vui lòng trả cho chủ của tôi.
Ông hơi ngạc-nhiên nhưng chỉ nói:
– Tôi làm theo ý anh.
Một hôm khoảng đầu mùa hạ, trời nóng hơn bình-thường. Hệ-thống điều-hòa nhiệt-độ “central air” của nhà ông bị hư. Người thợ tới sửa mãi vẫn không tìm ra đầu mối. Cháu cắt cỏ xong ngồi nghỉ trên ghế đá gần đó. Lúc sau, cháu tiến lại gần anh ta gợi chuyện. Thấy cái sơ-đồ của máy nằm trên đất cháu xin phép anh ta cho đọc. Cháu mang ra ghế ngồi coi đi, coi lại.
Khi quay lại với người thợ sửa, anh ta vui vẻ giải-thích việc đang làm. Cháu góp một ý nhỏ không ngờ anh ta vừa đụng vào thì máy chạy trở lại. Ông chủ nhà đứng đằng sau lúc nào không biết. Ông nói với người thợ:
– May quá trong nhà nóng tưởng như vợ tôi không chịu nổi.
Tuần sau, cháu cắt cỏ thì ông hỏi có muốn làm việc về điện không? Cháu trả lời:
– Thưa ông muốn nhưng không ai mướn.
– Anh có sự thành-thật, khéo-léo, tận-tâm, quy-tắc nên thể nào cũng có hãng cần anh.
Nhờ sự giới-thiệu của ông, cháu được làm cán-sự cho một công-ty lớn. Đang có việc 4 giờ một tuần, nay tăng lên 40 giờ nên có tiền giúp mẹ và em.
Cháu làm với hãng cả tháng mới biết người nộp đơn hộ lại là chủ-tịch của công-ty.
Sau một năm, cháu được thăng lên làm làm kỹ-sư. Vai-trò mới thích-hợp với cháu vì có nhiều sáng-tạo. Cháu say-mê công-việc nên không quản-ngại đi sớm, về muộn. Các đồng-nghiệp có cảm-tình chỉ bảo cho cháu. Hãng cũng gửi cháu đi tu-nghiệp. Được khoảng một năm nữa thì cháu bị đổi sang nhóm khác, không ai biết lý-do là gì. Làm ở nhóm mới được 9 tháng thì lại bị đổi nữa. Lần này được thăng chức. Cháu không than-van dù có người ái-ngại hộ. Cháu nghĩ nếu nhỡ bị thất-nghiệp thì càng nhiều kinh-nghiệm, càng dễ kiếm việc.
Nhóm cuối cùng cháu được phái tới là sửa-đổi một bộ máy theo nhu-cầu của khách hàng đặc-biệt. Các kỹ-sư phải làm đêm ngày nhưng khi thử-nghiệm vẫn có vấn-đề. Đã thế, người kỹ-sư chính bị tai-nạn xe hơi, hai người kỹ-sư thâm-niên khác chịu không nổi áp-lực nên bỏ việc, công ty lại không mướn được người mới có kinh-nghiệm thích-ứng. Cháu xin tóm-tắt cho chuyện đỡ dài dòng… Một hôm ông chủ-tịch vào hãng lúc 3 giờ sáng. Ông thấy cháu đang gục đầu ngủ trên bàn nên đánh thức dậy rồi nói:
– Thôi, mọi người đã cố-gắng hết sức. Hãy về nhà. Để xe hơi lại . Tôi sẽ gọi taxi cho anh.
Đang ngái ngủ nhưng cháu cũng hỏi:
– Tại sao?
Ông ôn-tồn nói:
– Không được thì thôi. Tôi biết ai cũng cố-gắng rồi.
Cháu lắc đầu thưa với ông:
– Thưa ông, đêm nay tôi đã điều-chỉnh lại và thử nhiều lần không có vấn-đề gì, mọi chuyện đều trôi chẩy.
Ông hỏi lại:
– Xong rồi ư?
– Chưa thật xong. Còn phải thử thêm nhưng có lẽ không có chuyện gì lớn nữa đâu.
Mắt sáng lên, ông nói trong xúc-động:
– “ Thank you, son. I am proud of you” nghĩa là “Cám ơn con, ta hãnh-diện vì con”.
oOo
Lân nhìn Mai và Đào nói:
– Bây giờ các em đã tin anh ít học chưa?
Đào lắc đầu:
– Vẫn khó mà tin!
Mai dịu-dàng trong nỗi buồn:
– Em học ở nhà trường. Anh học ở trường đời. Em hơn anh một mảnh giấy nhưng lại chưa có khả-năng nuôi nổi gia-đình mình.
Lân nhìn vào mắt Mai an-ủi:
– Cái gì em đang gặp phải chỉ là giai-đoạn. Hãy tìm cơ-hội mới. Nếu Mai đồng-ý và bác chấp-thuận chúng cháu sẽ quay lại.
Rồi Lân trở lại nhà Mai như đã hứa. Chàng đưa nàng tới hãng may.
Bà chủ coi sổ sách và kiểm-điểm những quần áo mà nàng nộp mới biết người phân-phối hàng đã nhầm một lần, những lần phân-phối sau dựa vào lần trước nên số hàng trao cho Mai không đủ như dự-tính.
Thấy cách ăn nói và dáng-dấp của Mai, bà chủ có cảm-tình ngay nên ân-cần nói:
– Xin lỗi về sự nhầm-lẫn. Để tôi cho số điện-thoại riêng. Có chuyện gì cần thì gọi cho tôi. Nhìn cô, tôi nhớ tới mình nhiều năm trước.
Khi Lân đưa Mai về tới nhà thì ông Đạt mở cửa. Mai nói:
– Ba ơi, chuyện của con thuận-lợi. Từ nay có đủ đồ may rồi.
– Chắc chắn là do anh Lân phải không?
Lân vui-vẻ:
– Lần này, hoàn-toàn do Mai, bác ạ.
Mai lườm chàng:
– Không do anh thì do ai? Mấy tháng nay, mỗi ngày em đều lo-lắng.
Lân định cáo-từ thì Mai đã ngăn-cản:
– Em nấu trước món này để đãi anh và mời ba.
– Cái gì?
– Chè nhãn nhục tứ quý.
Lân ngạc-nhiên:
– Sao em biết anh thích chè này?
– Anh Hữu cho biết.
Chàng phì cười:
– Em điều-tra anh phải không?
– Không chỉ mình em, cả Đào nữa.
Lân hỏi:
– Còn gì nữa không?
– Còn. Chúng em muốn biết anh làm gì mà chị Ngọc chiều anh đến vậy.
– Anh Hữu nói sao?
– Anh Hữu không biết. Anh cho biết được không?
Lân đùa:
– Đây là chuyện bí-mật. Giữ kín để nhỡ mai mốt mất việc còn làm móng tay mà sống.
– Làm thợ hay làm chủ?
– Làm thợ.
Mai cười:
– Không nói đùa nhé.
– Nói thật hay nói đùa thì anh đều không làm chủ.
Lân nâng bát chè lên. Cảm-giác lành lạnh và ngọt-ngào đến cùng lúc rất thú-vị.
Mai hỏi:
– Được không anh?
– Không quá ngọt, không quá nhạt, không quá lạnh, lại thanh-khiết. Không giống chè nhãn nhục thông-thường của người khác. Chè của em vừa đưa lên miệng đã thấy thích rồi.
Mai mỉm cười với ông Đạt:
– Con nấu chè để hối-lộ anh Lân. Chè này chỉ nấu riêng cho anh và ba.
Lân cảm-động nói:
– Mai không cần hối-lộ. Em có việc gì nhờ, anh sẽ cố-gắng.
Một ngày, Lân tới thăm Mai thì gặp Hữu và người bạn tên Năm đang nói chuyện với nàng. Anh này là bác-sĩ mới ra trường.
Mai có vẻ bối-rối nhưng sau vài phút cũng lấy lại bình-tĩnh. Nàng nói với Hữu:
– Em xin lỗi hai anh. Em có hẹn trước với anh Lân để bàn chút việc làm ăn.
Khách về. Lân trách:
– Sao Mai phải nói dối?
Mai nhẹ-nhàng giải-thích:
– Nói dối gì đâu? Bất cứ lúc nào anh rảnh tới thăm chúng em đều coi như đã hẹn trước. Hôm qua, linh-tính cho biết có lẽ anh đến nên đã nấu chè sẵn.
Lân bảo nàng:
– Em mời ba xuống cùng ăn nhé.
Mai khen chàng:
– Thảo nào ba rất quý anh.
oOo
Đào đã làm việc cho chị Ngọc được gần một năm. Nàng nhiều lần hỏi Lân giúp ý-kiến. Sau ba tháng làm việc, nàng đã trở thành người thợ giỏi. Một phần do nàng đã có kinh-nghiệm từ trước, phần lớn do nàng khéo tay.
Nàng khá Anh văn. Đã thế khi khách nói chuyện, nàng lại nhớ. Lần sau khách tới, nàng gợi đến những gì họ đã nói để họ kể tiếp.
Có lần, một người khách quen khi trả tiền gặp vấn-đề với thẻ mua chịu. Bà này đang tần-ngần thì Đào rút thẻ của minh ra trả thế và nói:
– Bà là khách quen. Lần sau trả lại tôi cũng được.
Người phụ-nữ là phóng-viên. Bà viết bài ca-ngợi trên báo và còn đưa lên facebook. Tiệm móng tay của chị Ngọc đột nhiên thêm uy-tín. Đào trở nên nhân-viên ưa thích của khách hàng.
Những lúc tâm-tình với gia-đình, Đào thường kể các việc vui xẩy ra. Lần nào cũng nhắc đến Lân.
Khi mới đi làm, Đào ước-mong để dành đủ tiền mua một chiếc Lexus SUV bây giờ không còn thấy nhắc tới.
Mai hỏi:
– Việc để dành mua xe Lexus tới đâu rồi?
– Không mua nữa. Mua xe Camry thôi.
– Tại sao?
Đào trả lời:
– Anh Lân khuyên.
Mai thấy em thay đổi mơ-ước một cách dễ-dàng nên nói:
– Chị chúc em hạnh-phúc và thành-công.
Đào chợt hiểu:
– Chị không được gán-ghép như vậy. Anh Lân là của chị Ngọc.
Mai nhìn Đào mỉm cười:
– Anh ấy có lẽ là của em.
Đào đỏ mặt cãi lại:
– Em nghĩ anh Lân là của chị mới đúng. Chị kín-đáo nhưng làm sao dấu được em.
Những ngày vui hồn nhiên trong gia-đình Mai không hoàn-toàn như xưa. Khi Lân tới thăm thì giữa chàng với mỗi người đều có khoảng cách nào đó. Chị em Mai và Đào thường nói tốt cho nhau. Ông Đạt trầm-ngâm nhiều hơn vì không biết nên nghiêng về phía nào.
Rồi Lân không tới. Chàng cắt điện thoại. Đến Hữu cũng không biết số mới. Gọi vào số của sở chỉ có tiếng máy trả lời.
Đào rưng-rưng nước mắt nói với ba:
– Anh ấy quá đáng. Chúng ta không cần anh ấy nữa. Con sẽ đi làm 7 ngày một tuần. Chị Mai hãy nhận lời với anh Năm cho rồi. Ba đừng cản chúng con.
Ông Đạt thở dài:
– Có thể lỗi tại ba không nói cho các con. Ba nhìn qua cửa sổ thấy Lân nhiều lần. Có lẽ vì xe Năm đậu bên đường nên anh ấy không vào.
Mai thiếu điều bật khóc… Nàng âm-thầm than: “Em để anh Năm vào nhà cho Đào yên-chí mà tiến tới với anh. Không ngờ Đào nó đoán biết được, còn anh lại hiểu nhầm. Tội-nghiệp anh, Lân ơi!”.
Nàng gượng nói với ông Đạt:
– Không sao đâu ba. Chúng con sẽ giải-quyết vói nhau.
oOo
Hữu nhấc điện-thoại. Có số lạ gọi tới.
– Tôi là Hữu, thưa ai đấy ạ.
– Lân đây, anh Hữu.
Hữu than dài:
– Ông Lân ơi là ông Lân ơi. Tôi khổ-sở vì ông. Ông làm gì mà phải đổi điện-thoại. Hết người này hỏi rồi người kia hỏi. Tôi có phải thư ký của ông đâu mà biết trả lời. Không nói được thì họ bảo tôi dấu. Rồi vài hôm họ hỏi cùng những câu hỏi cũ. Ông ở đâu? Tôi kiếm ở công-ty không thấy. Tới nhà thì người ta bảo ông không còn ở đó. Có người chẩy nước mắt rồi đó.
Lân trả lời:
– Tôi ở phòng Lab 6 của sở, đóng cửa làm việc một mình. Đã mua nhà. Lúc nào rảnh mời ông tới. Đừng cho ai biết gì về tôi.
– Tại sao?
Lân cười gượng:
– Đang buồn.
– Buồn lắm không?
– Chất-ngất!
Hữu nói:
– Tôi cũng cần gặp ông.
Hữu buột miệng khi bước vào căn nhà của Lân.
– Nhà gì mà trống rỗng, không bàn, không ghế.
– Tạm thời mà. Mới mua được vài ngày. Thôi, chúng ta ra tiệm ăn thì có chỗ ngồi.
Khi người hầu đưa vào bàn, Hữu chờ Lân lên tiếng nhưng thấy bạn vẫn im-lặng.
– Cái gì mà anh bảo là buồn chất-ngất? Sao không nói?
– Có ông ở gần nên không cần nói nữa?
Hữu thở dài:
– Còn tôi phải nói. Chú Đạt mời ông tới chơi. Chú bảo đã có sự ngộ-nhận.
Lân lắc-đầu:
– Cám ơn chú ông dùm tôi. Không có sự ngộ-nhận gì đâu.
– Với chú thì có lẽ không. Với các em tôi thì sao?
– Cũng không.
Hữu hỏi vặn:
– Với Mai thì sao? Tuần nào cũng có anh Năm tới thăm.
– Đó là sự chọn-lựa của Mai. Có gì sai đâu.
Hữu thở dài:
– Không tranh-luận được với anh. Tôi cho anh biết Mai không hề yêu Năm mà cũng không bao giờ lấy Năm? Tới gặp Mai thì rõ. Trừ phi anh đã có chị Ngọc rồi.
Lân nhăn mặt:
– Chuyện này không được tiết-lộ. Chị Ngọc bị bệnh nan y. Chị cần an-ủi, khuyến-khích, góp ý, chia sẻ… Đừng vô-tình gán-ghép làm chị ấy nhức đầu thêm.
– Tôi đâu có biết.
– Mỗi khi nói chuyện, anh hỏi đến những gì chung-quanh chị không? Không lộ ra sự quan-tâm làm sao chị kể được?
Hữu thảng-thốt:
– Lỗi tại tôi. Thật không ngờ!
Lân nhận được điện-thoại từ Việt-Nam. Mẹ chàng té xỉu, ngất đi phải đưa vào nhà thương cấp-cứu.
Thủy nói:
– Anh có thể về với mẹ không? Mẹ gọi tên anh nhiều lần.
– Anh sẽ thu-xếp về ngay.
Điện-thoại dứt. Hữu thở dài:
– Anh có nhiều chuyện buồn quá. Vừa mua xong nhà có lẽ đã cạn tiền. Để tôi tiếp tay với anh. Tôi còn vài ngàn trong nhà băng và sẽ đi lấy vé máy bay bây giờ.
– Cám ơn. Sẽ thanh-toán khi trở về. Tôi cũng còn vài ngàn.
Hữu đưa Lân ra phi-trường.
Khi hành-lý được mang xuống khỏi xe thì Hữu mở cửa lấy một gói giấy đưa cho Lân.
– Mai nhờ tôi đưa anh bốn ngàn đô-la.
Thấy Lân tần-ngần, Hữu nói:
– Nếu anh không nhận, chắc Mai sẽ buồn lắm.
Rồi chàng siết tay bạn:
– Nhận lấy đi. Cầu chúc bình-an.
Lân vào làm thủ-tục giấy tờ lên máy bay xong. Chàng định bước lên thang gác tới cổng kiểm-soát an-ninh thì nhìn thấy Mai.
Chàng tiến đến chỗ nàng. Trên khuôn mặt hốc-hác là đôi mắt thâm quầng, thiếu ngủ.
– Mai đấy ư?
Nàng trả lời:
– Vâng, em đây. Em đã sợ không kịp gặp anh.
– Anh Hữu đã trao bốn ngàn cho anh. Anh sẽ trả lúc trở lại Hoa-Kỳ.
Mai lắc đầu:
– Không cần trả đâu anh. Đó là chút quà biếu mẹ anh trong việc trị bệnh.
Lân cảm-động nghĩ tới những ngày cặm-cụi của nàng bên mũi kim, đường chỉ từ sáng đến tối.
Anh thở dài:
– Cám ơn em nhiều.
Mai thò tay trong ví lấy ra một phong bì.
Lân hỏi:
– Còn chuyện gì nữa?
– Chiều hôm qua em mới thu-xếp được thêm hai ngàn. Anh cầm lấy mà lo cho mẹ.
Lân lắc đầu:
– Em đang trong hoàn-cảnh thiếu-thốn. Anh không nhận thêm đâu.
Mai thở dài:
– Việc ưu-tiên bây giờ là sự phục-hồi của mẹ anh. Chuyện gì xẩy ra khi bệnh-viện đòi tiền trị-liệu mà anh không có? Anh yêu mẹ thì phải cầm lấy.
Mai lấy ra một phong bì thứ hai.
Nàng ngập-ngừng nóI:
– Ba trăm này của ba em gửi anh. Đây là tiền để dành hơn một năm qua của ông. Thấy em ngần-ngại, ông bảo: “Lân sẽ không đo ba bằng cái thước đô-la đâu con “.
Lân đưa hai tay nhận phong bì. Mai không ngờ Lân trịnh-trọng đến thế.
Nàng cảm-động hỏi:
– Anh đo ba em bằng thước gì? Em chưa hiểu hết.
– Đo bằng tấm lòng vĩ-đại của ba.
oOo
Lân đã về Việt-Nam nhưng chỉ liên-lạc với Mai hai, ba lần. Mai nghĩ có lẽ là chàng phải săn-sóc mẹ tại nhà thương.
Ai cũng nói tình yêu là mật ngọt mà sao tình yêu của Lân và nàng tràn-đầy những nỗi buồn đưa tới, những đêm thao-thức nhớ thương.
Có tiếng điện-thoại reo.
– Chị Mai ơi, em là Thủy đây.
Mai run run hỏi:
– Chào chị Thủy… Anh Lân có sao không?
– Anh ấy bình-yên. Chị đừng lo.
Ngừng một chút, Thủy nói:
– Mẹ sai em báo cho chị biết mẹ đã về nhà. Tình-trạng hồi-phục khả-quan. Hai hôm nay mẹ và em nghe anh Lân kể chuyện về chị. Mẹ khóc và em cũng khóc. Đôi lúc mẹ bắt anh kể lại, rồi mẹ con lại chẩy nước mắt.
Mai nghẹn-ngào:
– Cám ơn chị Thủy cho biết.
– Chị Thủy ư? Chị không nhận Thủy là em sao?
Mai vội xin lỗi:
– Thủy ơi, chị xin lỗi em.
Thủy cười vui:
– Chị có nhiều nét giống mẹ. Chị biết thế không?
Không đợi Mai trả lời, nàng nói tiếp:
– Nhờ chị kính chuyển lời tới bác là mẹ chân-thành cám ơn món quà bác gửi. Có lẽ hai, ba hôm nữa khi hồi-phục khá hơn thì sẽ gọi điện-thoại thăm bác.
À, chị Mai ơi, còn chuyện này nữa: anh Lân sẽ về Mỹ sớm một tuần. Ngày 22 thay vì ngày 29 tháng này.
Mai ngạc-nhiên:
– Tại sao vậy Thủy? Cứ ở lại với mẹ và em đi.
Thủy dịu-dàng giải-thích:
– Mẹ thường dậy: “Tình yêu chân-thực là chia sẻ, không độc chiếm cho riêng mình”.
Mai trả lời:
– Lời mẹ dậy là đúng rồi. Tuy nhiên, từ nhà mới của anh Lân tới chỗ chị khá xa, lại còn phải đi làm nữa. Anh không tới chị mỗi ngày được. Mẹ và em nên giữ anh ấy ở lại Việt-Nam thêm một tuần nữa đi.
Nguyễn Xuân Thiên Tường
`
`