Tháng Giêng Cuối Cùng Bên Bố

Tác giả: Lưu Thu Thuyền

Tiếng bánh máy bay chạm vào phi đạo, đánh thức từng tế bào háo hức trong tôi. Không cần chờ phi hành đoàn cho phép, tôi mở khoá thắt lưng an toàn và nhanh nhẹn lách ra khỏi chỗ ngồi. Ai cũng muốn ra trạm hành lý trước nhưng tôi là người đầu tiên lái xe ra khỏi phi trường. Ðơn giản: Tôi chỉ có bộ quần áo trên người và một túi quà Tết trong tay! Phi trường San José gần chỗ của bố lắm. Chao ơi là nôn nao! Còn có 15 phút là gặp được bố, không ngờ tôi lại đi lạc! Phải đánh xe mấy vòng quẹo chữ U, đến hơn một tiếng, tôi mới trờ tới
bãi đậu xe của viện dưỡng lão kiêm dưỡng đường Mission de la Casa.

Ðáng lẽ tôi chẳng đi gặp bố vào dịp Tết Bính Tuất nếu anh tôi không bận công việc. Nghe tin anh hủy chuyến thăm, tôi vội lấy vé đi sáng, về chiều, ngay hôm Chủ Nhật Mồng Một Tết. Tôi cũng bị công việc quấn lấy chân chỉ thăm bố được vài tiếng dù rất muốn ở lại San José thêm ngày Mồng Hai. Bình thường, tôi khá lề mề. Không thăm bố chuyến Tết thì sẽ có chuyến mừng sinh nhật vào tháng Năm. Không hiểu sao tôi lại cứng đầu khăng khăng quyết định: Tết năm nay ít nhất phải có một đứa đến mừng tuổi bố. Giá nào cũng đi. Chồng biết tánh,
không cản tôi một câu.
Tôi đã dặn cả nhà đừng nói cho bố hay về chuyến đi của tôi, thế mà khi vào đại sảnh của Mission de la Casa, đã thấy bố ngồi chờ trên xe lăn. Mắt bố hướng về cửa chính, trên người khoác chiếc áo len xanh dương sọc trắng của tôi gửi biếu tháng trước. Tôi reo: “Bố!” Ðôi mắt bố lấp lánh. Cả khuôn mặt bố rạng rỡ. Sau này tôi vẫn nói với chồng, nhìn bố lúc ấy, thật không bõ công bay xa, đi lạc! Tôi ôm chầm lấy bố, liếng thoắng kể chuyện lái xe loanh quanh mãi không ra được xa lộ, tả cho bố nghe phố xá tràn ngập người mua sắm, đi chùa hái lộc đầu năm.
Vừa nói, vừa đẩy xe đưa bố về phòng. Trong phòng, tôi lại rối rít móc túi trên túi dưới lấy quà cáp, tiền mừng tuổi của cả nhà tặng. Quấn tay con khỉ nhồi bông, cháu Hiu Hiu biếu ông ngoại, vào thành giường. Hí hoáy nhét những tờ hai mươi đô vào cuốn sách thánh kinh để bố có tiền tiêu vặt. Dúi mấy cuộn 25 xu vào một cái gối ôm, xếp ngay ngắn dưới chân giường. Vừa làm, vừa hỏi lung tung. “Bố có thích cà phê Lee’s Sandwich không, con ra mua về?” “OK” “Bố ăn chuối chiên, con mua luôn một thể!” “Ừ!” “Mua thêm bơ với thịt nguội bố con mình nhâm nhi với rượu vang không bố?” “Con để bạc cắc trong đây, lúc mua báo bố chỉ việc khều ra!” “OK!” “Ðừng quên nhé!” “Ừ…” “Có sợ nhân viện họ dọn phòng, dọn cả tiền ra không?” “Không”.
Những giây phút mới gặp, bố tôi dường như còn bị choáng, cứ trả lời từng nhát một. Tôi thì muôn đời bắng nhắng. Hỏi chưa nghe ra câu trả lời đã bắc sang câu kế, chưa kịp biết bố có đồng ý đã nhảy ngay ra Lee’s Sandwich đem về lũ khũ cà phê sữa đá, chuối chiên, pâté, bánh giò… Một ít xếp vào tủ lạnh. Còn lại, bày đầy ra bàn. Hai bố con nhìn “mâm cỗ Tết”, không biết phải bắt đầu bằng món gì trước, chợt có bà cụ lăn xe ngang phòng 128 của bố, thấy nhộn nhịp, dừng mắt lại vài giây: “Con ông Tuấn về chúc Tết đấy à?” Bố tôi vênh vang
gật đầu như thầm nói, “Tôi bảnh chưa? Con ở mãi tận Texas lặn lội về đây thăm đấy!” Bà cụ chặc lưỡi: “Con gái tôi hôm nay bận không thăm được nhưng hôm qua có tới đưa gói mứt, để tôi về phòng đem qua đây ăn cho
vui”. Nhưng bố tôi cản nhanh: “Thôi bà ạ. Cháu nó sắp đưa tôi ra ngoài rồi!” Nhìn gương mặt phúc hậu của cụ bà chùng xuống, tôi thấy thắt cả ruột!
Vừa lúc ấy, cô Trâm, tri kỷ của bố, tới. Bố phán ngay, “Em đưa hai bố con về nhà!” Tôi chưng hửng nhìn cô Trâm rồi quay lại nhìn bố “Nhà… cái gì?” Bố không đáp chỉ tủm tỉm. Cô Trâm ríu rít khoe: “Nghe tin cháu sang thăm, bố hành cô quá chừng. Bắt cô sửa soạn nhà cửa cho tươm tất, trang hoàng thật rực rỡ để cùng đón Xuân. Bố ngang lắm cháu ạ! Có phòng ở Mission de la Casa mà nhất định đòi phải mướn nhà ở ngoài thêm để lâu lâu buồn, còn nhảy dù ra ngoài ở cho vui…”
Thế là cả ba ra văn phòng ký giấy tờ rời viện, lên xe “về nhà”!

21
Nhà bố là một căn hộ trong khu chung cư khá gần Mission de la Casa. Mở cửa vào là một rừng hoa. Hồi xưa ở Ðàlạt, mỗi năm Tết đến, mẹ đều cắm một cành đào thật to trong cái thống lớn giữa nhà, cành đào khúc khuỷu rêu bám bạc nhiều chỗ nhưng rộ những hoa và có rất nhiều nụ xinh lấm tấm. Bây giờ không biết cô Trâm thỉnh tận đâu được một cành đào cũng chi chít những cánh hoa. Lại có cả bình hồng nhung đó thắm trên bàn ăn và hai chậu cúc đại đóa vàng rực trong phòng khách. Cô Trâm còn than, Năm nay cô mua hụt giò Thủy Tiên 60 đô. Tiếc ghê! Tôi nghe giá Thủy Tiên, phát khớp ngang! Bố không giàu nhưng tiêu xài khá mạnh tay. Ðối với tôi, bánh trái có lý cho bao tử hơn hoa nhưng đối với bố và cô Trâm, hoa là những món ăn tinh thần không thể
thiếu. Biết tính bố, mỗi lần về thăm, chị tôi vẫn ra mua mấy chậu thổ lan chưng trong phòng bố. Vừa có hoa đẹp, lại giữ được vài tuần chứ ở trong viện, họ để hệ thống sưởi quá nóng, chỉ hai ngày là hoa nào trong bình cũng gục hết!

Trong lúc cô Trâm dắt tôi đi xem nhà, bố ngồi trong phòng khách, ngả lưng lim dim mơ màng. Nếu có thêm điếu thuốc trên tay, bố sẽ giống hệt như hồi xưa, lúc đang sáng tác. Tôi để ý bố ít nói hẳn. Chỉ có cô Trâm và tôi đàm đạo vang nhà. Cô Trâm kể tội bố chướng, không chịu cho ai tắm ngoài cô. Lại hay cáu giận hờn lẫy, nói hớ một câu là không xong với bố. Ngày nào thăm bố trễ là những lời trách móc rót vào đầy tai cô… Tôi bênh, Bố thích nhõng nhẽo lại được cô chiều, tội gì không đòi quyền sống chứ! Nói xong liếc xéo ra phía bố, thấy người rung đùi khoan khoái. Lâu lâu tôi quay lại hỏi bố một câu nhưng người chỉ ừ hử. Ít ra lúc này, tôi bắt được hình ảnh bố rất hạnh phúc.

Tôi lấy quà Tết ra biếu Cô Trâm. Cô mở hộp, thích thú nhìn chiếc khăn quàng cổ bằng len trắng. Tôi khoe: “Cháu đan đấy. Bận quá đan vội, thể nào cũng sót vài mũi cô ạ!” Bố không nhịn được, cắt lời/nịnh: “Cô Trâm là vua đan áo.” Cô Trâm thích chí cười khanh khách. Ðến lúc cô mở thiệp, thấy tiền mừng tuổi rơi lả tả, cô giật mình, Ối giời! Có cả “nhân” nữa à? Tôi vội nói, Vâng! “Nhân” là quà của cả nhà gửi ạ. Cô Trâm bảo ngay: Cô tính đánh cho bố sợi dây vàng 24K để bố đeo ngọc cẩm thạch cho giảm đau. Vậy là ngày mai cô có thể ra tiệm vàng rồi. Tôi chả tin các loại mẹo vặt giảm đau mau lành. Nhất là vàng bạc đeo lúc này chả tiện, dưỡng đường bao nhiêu kẻ ra người vào… Ðịnh cản cô Trâm nhưng thấy bố đang phởn râu sung sướng, tôi bèn im!

Ngồi một lát, bố muốn đi ăn bún riêu. Thế là cả ba lên xe. Chạy chưa được bao xa, cô Trâm đề nghị kiếm chỗ đậu để đi bộ vì đường kẹt như hũ nút. Tôi đồng ý ngay. Ði thoăn thoắt một quãng, tôi quay lại thấy bố chống gậy dò dẫm từng bước. Tôi giận cho cái tánh vô ý của mình quá, đi đâu cũng xăm xăm phía trước. Tôi vội quay trở lại, ôm cánh tay bố, rảo bước nhìn người qua kẻ lại. Thong dong thế này kể ra cũng sướng nếu có thì giờ!

Lúc tô bún riêu nghi ngút khói xuất hiện, tôi so đũa, tấn công tô bún không thương tiếc. Nhìn qua bố, từng gắp run run đưa lên miệng. Sợi rơi xuống tô, sợi sa vào người. Bố yếu quá rồi, tôi chợt thở dài. Ngày xưa, ôi chao,
ngày xưa bố ăn như rồng cuốn. Bố xì xụp nước lèo, bố gặm xíu quách rồn rột. Soạt một lát là bát phở, bát bún hết nhẵn. Mẹ vẫn gắt lên vì bố ăn uống ồn ào trông bình dân quá. Bố bảo muốn ngon miệng thì khi ăn phải co hai chân, bưng bát và, húp, liếm môi, đánh lưỡi chóp chép cho rõ tiếng mới khoái khẩu. Nể mẹ nên phải kiểu cách thôi. Bây giờ, ôi chao, bây giờ bố ăn sao quá chậm rãi, nhai nuốt trệu trạo. Tôi buông đũa, lại thở dài…
Chỉ mới năm trước, hai anh em tôi về thăm bố, thấy người vẫn khôi tráng. Hai anh em bước vào phòng lúc bố vừa xong bữa sáng. Chúng tôi hơi thất vọng, tưởng bố sẽ chê những món quà vặt mới đem tới. Thế mà bố vẫn
chén ngon lành. Cao hứng, tôi lôi cả mấy chai rượu vang con con ra mời nhưng anh tôi cản lại vì “còn sớm” (thật ra anh sợ rượu làm bố chưa trị xong ung thư, đổ thêm bệnh tim!). Tôi ỉu xìu, thấy bố cũng ỉu xìu. Biết anh
có ý tốt nên tôi không cãi, lẳng lặng xếp chai qua một bên nhưng định bụng chờ anh quay lưng, tôi sẽ cùng bố cụng ly.

Tiếc thay tôi ham nghe bố kể chuyện, quên cả chai rượu vang đang chờ (sau này anh tôi thú nhận đã quẳng rượu vào thùng rác khi tôi quay lưng đi!). Bố kể miên man về từng ông bạn cùng phòng. Có ông bị bán thân bất toại, cực kỳ gàn dở khó tính. Lúc nào cũng gắt hơn mắm. Vợ con đến thăm phát điên đầu về những lời than vãn, nhiếc móc. Còn các cô nhân viên thì khổ “như chó” với ông này: “Các con có biết, ông già đó ác đến độ vừa tắm rửa xong, y tá bê lên giường nằm chưa được một giây đã nghiêng người bĩnh cho một bãi be bét
rồi quay ra nằm ngửa. Bẩn từ lưng xuống đùi!” Anh em tôi khiếp hãi hét lên làm bố tôi cười sặc sụa. Bố còn khoe tiếp: “Có hôm ông ấy lảm nhảm chửi bới mấy cô dọn phòng, bố tức không cầm được, quay lại chỉ mặt quát cho một trận, rung cả cửa kính: “Chính mày mới là thằng khốn nạn, làm khổ vợ con, làm khổ nhân viên. Bây giờ còn làm khổ tai tao!” Chúng tôi lăn ra cười. Bố tôi đắc thắng khoe, Từ đó “ông nội gia trưởng” ấy tởn luôn.

Vừa lúc ấy, ông bạn cùng phòng của bố được đẩy vào. Tôi hỏi khẽ, Có phải bác này là vua Bĩnh không bố? Bố tôi cười ha hả. Không đâu con, ông ấy đi đứt rồi! Tôi ôm miệng để khỏi la hoảng. Thôi bố ơi, chết rồi thì để người ta yên. Bố tôi không nói về bác Bĩnh nữa thì quay qua nói về bác Nghịch: Bác Nghịch thích bấm chuông kêu y tá, đến lúc họ vào, bác tỏ vẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Bố kể: “Có hôm bác rên rỉ nhờ bố bấm chuông dùm. Bố bấm xong, y tá vào. Bố chỉ qua bác ấy, bác lại chỉ qua bố kêu, Ông bấm sao lại chỉ tôi!”
Toàn những chuyện vặt vãnh vây quanh các vị bô lão của viện, bố tôi kể không biết mệt. Tôi trầm trồ khuyên bố ghi xuống. Bố cũng đồng ý đấy là những chuyện hi hữu đáng viết, nhưng người than mệt mỏi quá không tập trung tinh thần được. “Nhất là hôm nào nghe gõ mõ tụng kinh ở phòng kế cận, hôm ấy mất mẹ nó vài tuổi thọ!” Tôi bốc: “Ở đây có lẽ bố là khỏe mạnh, trẻ trung nhất. Còn lâu mới tới phiên bố!” Bố gật gù. Rõ ràng là người còn ham sống, còn nhiều sân si lắm. Tôi hy vọng bố ít nói chỉ vì xúc động khi thấy con cái tới thăm vào dịp Tết chứ chẳng phải bố mệt mỏi muốn bỏ cuộc.
Không ngờ bố từ chức Thợ Ðấu vào mùa Thu 2006, hết còn dịp xông đất và chia sẻ không khí Tết ở “nhà” với con cái nữa. Hy vọng hành lý bố nhẹ, ra đi dễ dàng. Còn tôi, từ hôm đến nhà cùng bố mừng Xuân, được nhìn thấy màu hạnh phúc bừng lên khuôn mặt bố, lòng tôi cũng thanh thản vô cùng…

01/26/2010

Leave a Reply

Your email address will not be published.