Phân tích “Chiếc lược ngà”

Tác giả: Bé Thiên Ý (15 tuổi)

“Vượt qua bi kịch của chiến tranh, Nguyễn Quang Sáng đã cất cao bài ca thiêng liêng về tình phụ tử” trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà’. Chiến tranh đi qua dù đã lâu song những đau thương, mất mát mà nó để lại vẫn luôn đọng lại như một vết sẹo trong tâm hồn mỗi người. Chiến tranh bi kịch và đau thương là thế, nhưng trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, ta lại thấy ngời sáng vẻ đẹp của tình phụ tử thiêng liêng, cao cả mà cũng rất đỗi bình dị mà bé Thu dành cho ông Sáu. Dẫu chiến tranh đã cướp đi của bé Thu cha mình, nhưng nó lại để lại cho ta một bức tranh ấm áp rực rỡ về tình cha con vô cùng cao đẹp.

Nguyễn Quang Sáng đã xây dựng một tình huống truyện vô cùng éo le, oan trái trong thời chiến tranh ác liệt. Đứa con gái nhỏ vừa sinh ra chưa đầy một tuổi, cha cô bé đã phải cầm súng ra chiến trường đánh giặc. Suốt tám năm trời ròng rã, hai cha con bị chia cắt trong làn bom của chiến tranh. Con nhỏ thì lớn lên nơi quê nhà trong sự thiếu thốn tình thương cha, còn ông Sáu vẫn đang miệt mài với sự nghiệp đấu tranh vì dân tộc. Bom đạn tàn khốc chốn quân khu đã lấy đi khuôn mặt lành lặn dễ mến của ông Sáu, để lại trên má là một vết thẹo dài. Xa cách tám năm dài đằng đẵng, để rồi đến ngày gặp lại, chính vì vết thẹo đó mà bé Thu đã không nhận ông Sáu là ba. Sau lời kể của bà ngoại, lúc cô bé chợt giật mình nhận ra ông Sáu là cha mình thì đã quá muộn. Khi ấy, ông đã phải lên đường, tiếp tục công cuộc kháng chiến của tổ quốc, để lại bé Thu cùng lời hứa ngày trở về mang theo một chiếc lược. Trong nơi rừng núi, khi ông Sáu dồn hết tâm huyết, tâm tư, tình cảm để làm chiếc lược bằng ngà voi tặng cho bé Thu thì chưa kịp trở về, ông đã  phải hi sinh trên chiến trường. Tất cả hoàn cảnh đó tuy thật ngang trái, bi thương nhưng cũng chính nó đã làm bật lên thật rõ nét tình cảm cha con sâu nặng mà hai cha con dành cho nhau trong chiến tranh tàn ác.

Sinh ra trong thời kì đất nước còn chiến tranh, giặc giã, bé Thu phải sống trong hoàn cảnh vô cùng đáng thương khi cả tuổi ấu thơ của em thiếu vắng hình bóng cha. Năm chưa đầy một tuổi, ông Sáu đã phải lên đường đi kháng chiến. Suốt cả khoảng thời thơ bé, cô bé phải chịu nhiều thiệt thòi, em thiếu vắng một vòng tay ôm ấp che chở, một bờ vai vững chắc để dựa vào. Đến cả khuôn mặt ba, Thu cũng chỉ được nhìn ngắm qua tấm hình cũ kĩ mà ba chụp với má. Có lẽ đâu đó, cũng có những lần em òa khóc đòi ba, hoặc chỉ lặng thinh ngồi trong một góc nhỏ, thầm mong rằng mình cũng có một người cha như bao bạn bè đồng trang lứa, một người cha hiền lành và ấm áp. Cô bé hẳn phải mong ba lắm và có lẽ đã từ lâu, tình cảm dành cho ba đã được dệt thêu nên thật sâu đậm trong lòng em.

Cũng chỉ vì Thu luôn ấp ủ, nâng niu và tự hào khôn xiết về hình ảnh của ba trong tâm trí nên khi ông Sáu trở về với vết thẹo dài trên má, không giống như trong bức ảnh em đã được xem khi trước, Thu đã phản ứng mạnh mẽ, trái ngược với mong mỏi thiết tha của ông Sáu. Khi nghe ông Sáu gọi mình, ” con bé giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác, lạ lùng“. Còn đang hoang mang, Thu đã nhìn thấy ông Sáu chạy về phía mình, nhưng với một vết thẹo dài ửng đỏ, giật lên làm em vô cùng kinh sợ. Trong nhận thức non nớt của một đứa trẻ, Thu chắc chắn không thể nào tin người đàn ông ấy chính là ba mình. Bởi người ba mà em luôn tự hào, em luôn mong đợi là người ba phong độ trong bức ảnh, một vị anh hùng trong lòng em, nhưng ông Sáu thì không giống như thế. Một đứa trẻ như Thu làm sao có đủ sức kháng cự lại một người đàn ông vừa to con vừa trông có vẻ hung dữ như thế. Thu vẫn giống như bao đứa trẻ khác, rất hồn nhiên và vô tư, dù cho khao khát gặp ba có mãnh liệt đến mấy thì khi đối diện với một người đàn ông xa lạ với vết thẹo ghê sợ trên mặt, cô bé vẫn không thể nào giữ bình tĩnh mà hốt hoảng bỏ chạy. Theo lẽ thường tình, đối với những đứa trẻ thì mẹ vẫn luôn là người mang đến cho chúng cảm giác an toàn nhất và Thu cũng vậy, em ngay lập tức chạy vụt đi, mặt tái xanh kêu thét cầu cứu mẹ. Trái ngược với mọi mong mỏi thiết tha được ôm chầm lấy con, được dang đôi tay rộng lớn đưa con vào lòng của ông Sáu, bé Thu chỉ là một cô bé nhỏ, khi nhìn thấy vết thẹo đáng sợ ấy không thể không hoảng sợ bỏ chạy. Chẳng thể trách cô bé không nhận ba, chỉ trách sao chiến tranh quá tàn khốc, nó đã đến cướp đi khuôn mặt hiền hậu, khiến ông Sáu khác đi quá nhiều so với thời còn trẻ. Bé Thu còn quá nhỏ, làm sao cô bé có thể hiểu được chiến tranh đáng sợ và tàn ác đến nhường nào, và cũng chưa một ai chuẩn bị trước tâm lí cho em về điều đó. Hoàn cảnh éo le ấy đã ngăn cách tình cảm cha con thiêng liêng giữa bé Thu và ông Sáu ngay từ giây phút đầu tiên họ tương phùng.

Chính vì Thu không nhận ra ông Sáu là ba mình, vậy nên dù ông có cố gắng kiên nhẫn đến mấy thì Thu, cô bé vẫn một mực rũ bỏ hết tất cả để giữ một vị trí thiêng liêng nhất dành cho ba trong một góc nhỏ lòng mình. Bao nhiêu lời lẽ ngọt ngào, chân tình đến đâu, bé Thu vẫn bỏ ngoài tai, không bận tâm đến lấy một lời ông Sáu nói. Ông Sáu càng vỗ về, dịu dàng, nó càng tỏ thái độ khó chịu rồi đẩy ra. Ông Sáu mong đợi được nghe một tiếng “ba” từ nơi cửa miệng nó nhưng thật đau lòng, ông chưa bao giờ có thể tìm thấy. Tất cả cũng là bởi tình yêu em dành cho người ba thiêng liêng quá. Ba trong lòng em là duy nhất và không một ai có thể thay thế dù cho người đó có đối xử tốt với em thế nào. Làm sao em có thể dễ dàng chấp nhận để một người đàn ông xa lạ tự xưng là ba mình một cách đường đột như thế. Tiếng “ba” thiêng liêng lắm, làm sao em có thể tùy tiện thốt ra được, tiếng “ba” ấy em chỉ dành cho duy nhất một người em xem là ba, một vị trí độc tôn, cao cả trong lòng em. Khi buộc phải gọi ông Sáu xuống ăn cơm, bé Thu vẫn cứng đầu nói trổng: “Vô ăn cơm!“,  “Cơm chín rồi!”  Mẹ có cầm đũa bếp dọa đánh thì em cũng chỉ nói trổng chứ nhất quyết không gọi ba nửa lời. Cô bé còn rất nhỏ nhưng lại không dễ dụ như những đứa trẻ khác, vì tình cảm sâu nặng em dành cho ba mình không cho phép em làm vậy. Đến khi bị đẩy vào thế bí, ông Sáu vẫn không thể tìm được tiếng “ba” phát ra từ môi miệng cô bé. Không chỉ thương ba, em còn rất thông minh khi tìm ra cách tự chắt nước nồi cơm lúc ông Sáu không chịu hợp tác. Với cá tính mạnh mẽ, phản ứng của bé Thu với ông Sáu cứ ngày một gay gắt hơn. Sự việc lên đến đỉnh điểm là lúc em hất cái trứng cá mà ông Sáu đã vì yêu thương mà gắp cho em ngay trong bữa cơm. Em đã bị đòn vì hành động không phải phép của mình. Nhưng Thu không phải là một cô bé vô lễ như thế, em vốn đã là một cô bé vô cùng ương bướng và ngang ngạnh. Nhận cái trứng cá vàng ấy từ ông Sáu thì chẳng khác nào em đón nhận tình cảm của một người đàn ông khác mà phản bội lại tình yêu em dành cho cha mình. Cô bé không cho phép một ai được bước vào vị trí thiêng liêng em đã giữ riêng cho người ba em luôn tự hào trong trái tim em. Dù bị đánh đau, bé Thu vẫn không hề giãy nãy hay khóc lóc. Em chỉ im lặng hốt lại từng hạt cơm, gắp lại miếng trứng cá rồi bỏ vào chén. Từ đầu đến cuối, tâm trí bé Thu vẫn giữ duy nhất một điều, em sẽ không dành tiếng “ba” cho một ai khác cho đến khi em gặp được người ba em hằng trông chờ. Thật đáng buồn, cô bé lại đâu biết rằng ông Sáu mới thực sự là cha mình.

Cho đến khi nhận ra sự thật, có lẽ Thu đã vô cùng ân hận và dằn vặt. Bao ngày qua, ba luôn bên cạnh vỗ về, yêu thương em, vậy mà em lại phũ phàng bỏ qua hết thảy. Em cứ khăng khăng ba phải giống hệt như bức ảnh, nhưng em lại đâu biết chiến tranh tàn nhẫn, độc ác thế nào. Giờ thì em đã biết những ngày qua mình thật sự sai rồi. Em sợ ông Sáu giận, khi từ nhà ngoại trở về, em chỉ dám đứng ở góc nhà nhìn ba với đôi mắt trĩu nặng ưu sầu, xa xăm và đầy vẻ nghĩ ngợi, chẳng còn cái ngơ ngác, lạ lùng như lần đầu em gặp ông Sáu. Từ khi biết vết thẹo của ba có là do sự khắc nghiệt nơi chiến trường, em càng thương ba nhiều hơn và niềm hối hận cứ theo đó mà lớn dần lên. Có lẽ em chẳng nỡ nhìn ba cứ thế ra đi, nhưng có điều gì khiến đôi chân em cứ chôn chặt nơi đó. Em nhìn ba, miệng chẳng cách nào nói ra dù chỉ một lời rằng em thương ba xiết bao. Nhưng ba đã chẳng còn có thể vỗ về, âu yếm em như trước vì ông ấy mãi bận rộn tiếp khách rồi chuẩn bị lên đường. Đến giây phút chia ly, ông chỉ kịp nói một lời từ biệt buồn đến nao lòng với con bé: “Thôi! Ba đi nghe con!“. Nghe câu ấy, bé Thu dường như chẳng còn kiềm nổi nỗi xúc động dồn nén bây lâu nay mà kêu thét lên: “Ba..a…a…ba!“. Tiếng “ba” thân thương ấy như xé toạc cả không gian lặng im chung quanh, xé tan lòng người nghe thấy. Bao nhiêu giày vò, day dứt, bao nhiêu tủi hờn, chờ mong, bao nhiêu yêu thương, hi vọng lấp đầy trong tâm can bé Thu, phút chốc bỗng trỗi dậy thật mạnh mẽ và rồi, vỡ òa. Giây phút ấy, cả không gian và thời gian dường như bị hẫng lại mất một nhịp, ngưng đọng trong tiếng thét thấu trời của em. Cô bé đáng thương xa cách cha đã tận tám năm trời, bây giờ vừa gặp lại, cha lại chẳng thể vì em mà ở lại thêm chút nữa. Làm sao em có thể bình thản nhìn ba em ra đi vội vàng như thế? Em chạy đến ôm chặt lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp. Em hôn tóc, hôn cổ, hôn vai, và hôn lên cả vết thẹo dài trên đôi má, thứ đã từng khiến em sợ nhất mà nay, em lại thương nó nhất. Nhưng dù có cố níu kéo thế nào đi nữa, đôi tay yếu ớt và đôi vai bé nhỏ run run của em chẳng thể giữ nổi ba. Còn ông Sáu, dù bé Thu có nài nỉ đến mấy, ông vẫn chọn ra đi vì tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Ông buộc lòng phải từ bỏ tình cảm cá nhân của mình vì tình yêu cao cả với quê hương, đất nước. Chứng kiến cảnh đau thương ấy, ta mới thấy được hết cái khốc liệt, tàn nhẫn quá đỗi mà chiến tranh đã mang lại. Nó đã khiến biết bao gia đình chịu cảnh li tán, người người hóa kẻ tha hương. Thật tội nghiệp cho bé Thu, em đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Chẳng có điều gì, chẳng một ai có thể bù đắp cho những thiếu thốn trong lòng em. Ông Sáu dù dứt khoát ra đi là thế, nhưng ắt hẳn trái tim ông có lẽ cũng đang xốn xang và gào thét trong nỗi thương tâm khôn cùng bởi một lần nữa, ông lại phải để bé Thu ở lại cùng sự chờ đợi mòn mỏi ba nó trở về. Dỗ dành mãi, bé Thu mới chịu từ từ buông ông Sáu ra, vì lời hứa của ba rằng khi trở về sẽ mang về cho em một chiếc lược. Ngày ngày, em cứ ôm nỗi nhớ mong như thế, nhưng chiến tranh éo le lại một lần nữa lấy đi niềm hi vọng hạnh phúc của em, đột ngột và không ngờ.

Lần đầu tiên bé Thu gặp được ba cũng là lần cuối cùng em được nhìn thấy khuôn mặt và hình hài máu mủ thân thương của mình. Nơi chiến trường, khi ông Sáu đã tỉ mỉ hoàn thành chiếc lược từ ngà voi và chờ ngày trở về để trao tận tay cho đứa con gái yêu quý của mình, thì đạn bom đã cướp đi sinh mạng của ông trước khi ông kịp làm điều đó. Chiến tranh thật tàn ác, chính nó đã ngăn cách mối tình phụ tử thiêng liêng của bé Thu và ba mình. Nếu thế giới thật sự hòa bình, có lẽ cô bé đã được lớn lên trong một gia đình ấm áp, yêu thương, được nuôi dưỡng, ấp iu trong vòng tay bao la vững chãi của ba mẹ. Nhưng trong mọi nghịch cảnh trái ngang của cuộc đời, ta mới thấy được tình cha con thắm thiết, sâu đậm giữa bé Thu và ông Sáu. Giây phút cuối cùng, chút hơi thở cuối cùng cùng tất cả những tâm tư và trí óc ít ỏi còn sót lại, ông Sáu đã dành hết tấy thảy cho đứa con gái nhỏ của ông. Ông đã giữ lời hứa với con bé, gửi lại chiếc lược cho bác Ba, một người bạn chiến đấu như một lời trăng trối để mang về cho nó. Liệu có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của đấng sinh thành dành cho con cái mình? Liệu giữa những giọt lệ bi thương, u uất của những mất mát, hoang tàn, liệu có điều gì ấm áp hơn tình cảm người chiến sĩ dành cho cô con gái bé bỏng? Tình yêu thiêng liêng cao cả mà ông Sáu và bé Thu dành cho nhau thật khiến ta cảm động giữa kiếp đời trầm luân vô thường.

Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng với câu chuyện bình dị, gần gũi và chân thực đã thật sự chạm đến trái tim người đọc bằng những ngôn từ giản dị không chút cầu kì và giọng văn đầy cảm xúc . Truyện đã cho ta thấy những mất mát, đau thương mà con người phải gánh chịu khi chiến tranh nổ ra nhưng đồng thời cũng là lời ca bất diệt cho tình phụ tử cao quý, ngọt ngào.

Bé Thiên Ý

Leave a Reply

Your email address will not be published.