Hàng Xóm

 

Tác giả: Nguyễn Đình Phượng Uyển

Nhà cách ga xe lửa chừng bảy trăm mét, cứ men theo bên trái đường mà đi một lèo là tới nơi. Hôm nay, đổi hướng làm việc, cũng con đường này nhưng đi bộ qua mé phải để quẹo cho dễ.
Cảnh vật quen nhưng cũng lạ hơn khi đến gần.
Nhà này đặt hai chậu hoa màu hồng trước cửa. Nhà kia trồng nhiều loại Xương Rồng và Sống Đời thành từng cụm dày đặc, gọn gàng, cao thấp rất mỹ thuật. Căn ngói đỏ, to tướng, một tầng lầu, trước sân loáng thoáng mấy thứ hoa cỏ nhưng tôi đặc biệt chú ý đến bụi Mía, một cây Ổi và khóm Sả.


Tôi đoán chủ hộ là người Việt Nam, tụi Tây chỉ để cỏ xanh, hoa kiểng ngoài sân thôi. Nhà họ chỉ cách nhà mình bốn căn, mỗi lần đi ngang, cây Mía, Ổi và bụi Sả luôn làm tôi thắc mắc xem mình đoán đúng hay sai, vậy mà tám năm rồi tôi vẫn chưa gặp mặt khổ chủ.
Xứ Tây nó thế. Đấy là không gian riêng tư của từng người, mình cần tôn trọng không nên bén mảng dọ hỏi làm gì.
Hàng xóm trước mặt và cách tôi ba căn là nhà chị em cô hàng thịt người Việt Nam, gặp nhau ngoài chợ, tôi và các cô cứ ríu rít hỏi han chuyện con cái, giá cả và đề tài nóng hổi hiện giờ- Covid- thân thuộc lắm nhưng chưa bao giờ chúng tôi ghé sang tổ ấm của nhau, bận bịu cũng có nhưng ngần ngại nhiều hơn.
Ở đây không cần “ xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau”. Thiếu tiền bạc, ngân hàng cho vay. Bệnh hoạn, bác sĩ , nhà thương miễn phí. Đụng xe, mất trộm, bảo hiểm và cảnh sát thầu. Muốn tư vấn tư véo, sở xã hội sẽ giới thiệu đến đó…đó…Cần dọn nhà , sửa ống nước…. dịch vụ đầy đống, cứ việc thuê rồi móc tiền ra trả. Đến cha mẹ con cái còn không nhờ nhau – vì đôi khi họ ở xa – mắc mớ gì nhờ hàng xóm ?
Nói thế chứ khu đông người Việt Nam, họ vẫn chạy qua chạy lại, ăn uống, nhậu nhẹt, đi chợ, trông con cháu dùm, có món gì ngon lại chia nhau bọc nọ bịch kia.
Phần lớn nhà ở đây không có cổng. Tường rào thấp thấp chừng nửa thước, con nít nhảy qua cũng được nhưng cửa cái luôn khóa chặt, không như bên Việt Nam, cổng cao không khóa ( làng xã nó thế), hàng rào dày đặc dây leo và cây xanh nhưng cửa cái lại mở toang, muốn sang nhà nhau cứ việc đẩy cổng, ton tót đi thẳng xuống bếp.
Làng Báo Chí của tôi khi xưa có chừng hai trăm căn hộ, chủ nhà là ai, mấy đứa con, tên gì, chúng tôi biết hết, thậm chí còn biết nhà bác Thái trồng cây Ổi Xá Lị, trái to tổ bố, ngọt lịm, cây Mận của bác Lễ chi chít quả hồng hồng, nhiều nước, con gái bác, chị Hiền, làm nữ hộ sinh nên thường đi chích dạo và bán thuốc tây dạo quanh xóm, hai cây Trứng Cá trong sân nhà cô Trân là nơi tụ họp của bọn trẻ, nhà anh Danh đường số Năm nuôi Ngỗng chống trộm…
Một căn đường số Ba, thỉnh thoảng mới có người về ở, tường không tô vôi, tối mù mù, cổ lổ sỉ, lại thêm cây Thằn Lằn bò đầy vách nên giống nhà hoang , điều đáng chú ý là bụi Tre vàng khổng lồ – chắc tại mình bé nên thấy nó to lắm -trước sân, cao nghệu, xõa cành lá từ mái nhà ra đường, xuống chấm tầm tay với. Ban ngày, bụi Tre tỏa bóng râm cả một khoảng rộng nhưng càng về tối, bụi Tre càng âm u, gió thổi làm thân cây cọ vào nhau kêu kin kít, kèn kẹt, lá Tre khô xào xạc như những tiếng rên bí hiểm, bụi Tre trông như mái tóc bù xù của một bà điên, đổ xuống rình rập người qua lại, về khuya, có đứa còn nghe tiếng khóc thút thít hay tiếng mẹ ru con, khiếp vía!
Một căn nhà nữa mà trẻ con Làng Báo ớn đi qua là nhà bà Linh đường Một. Không biết việc xảy ra thế nào mà bả thắt cổ tự tử , sau đó chồng và con cái bỏ đi, căn nhà để hoang bao lâu không ai dám ở. Nghe tụi nó đồn hay thấy bóng trắng vất vưởng bên trong khi đêm về.
Thời nhà nước bán bột mì thay gạo, muốn làm bánh mì ngon, cả làng ghé đến nhà bác Yên mua men nổi. Tôi nhớ mình cầm theo cái bát con con, mỗi lần bác bán cho nửa bát đem về. Cả làng chỉ mỗi nhà bác ấy có đàn Piano.
Anh Chương đường Một chuyên dạy Guitar classic. Bọn nhóc ở khu này thèm học đàn đều qua tay thầy hết, kể cả anh em chúng tôi. Xưa nữa, nhà anh nuôi chó Bẹc Giê bự cồ, tôi mà co chân chạy hay thò tay khều nghéo em ảnh – bạn tôi – là con chó xồ tới ngoạm mình liền. Nó sợ mình tấn công chủ nó, khôn thế !
Bác Lập bán rau cải , thịt thà cá mú.
Thím Lý nổi tiếng nấu ăn ngon, ai đã ăn bánh cuốn, bún bò của thím thì nhớ tận kiếp sau, tuyệt vời ! Xóm làm đám cưới thường mời thím đến nấu cỗ.
Chị Quyến kéo xe quanh làng thu lượm rác.
Anh con Hồng Mai đường Bốn bị điên do bám càng máy bay từ Đà Lạt vô tới Sài Gòn hồi 30/4. Từ một người đẹp trai , cao ráo anh thành ngớ ngẩn, áo sống tả tơi, xin ăn khắp chốn, lắm khi bị đánh bươu đầu sứt trán.
Bác Trần Việt Hoài ở gần mé sông suốt ngày say xỉn. Xỉn đến độ sau khi bác mất, một bữa bác Thụy Vũ rủ mẹ tôi chơi cầu Cơ, hỏi Cơ tên gì, nói Trần Việt Hoài, lũ con nít và hai bà cụ hết hồn, Cơ xin chung rượu, hai bà đem ra đặt ở đầu bàn. Hồi đó, cái cần phải hỏi nhiều nhất là chừng nào có quà cứu đói, chồng các bà trong tù ra sao, con cái bệnh tật hiểm nguy thế nào…trước khi trả lời câu hỏi, Cơ Trần Việt Hoài lại di tới đụng chung rượu cóc một cái, đụng mãi đến lúc Cơ đi xiểng niểng y chang kiểu bác say xỉn khi xưa, tếu !
Nhà bác Thụy Vũ đường số Hai đặt nhiều tủ thờ màu đen khảm Xà Cừ, bên trên là di ảnh to tướng của tổ tiên, khăn đóng áo thụng, móng tay dài ngoằng. Sàn lót gạch đen, trần màu gỗ tối cùng màu với các cánh cửa nên không khí xung quanh mang vẻ cổ kính, hơi ma quái. Bác kể muốn mở cửa phòng phải xoay nắm đấm mạnh tay vậy mà tối đến, nhất là những hôm cúp điện, đèn dầu leo lét, chả gió máy nhưng cửa tự động mở rồi tự động đóng, thấy mà ghê !
Bác Vũ bói bài hay lắm. Những bận bố tôi định đi vượt biên, đêm hôm khuya khoắt, bố mẹ tôi sang dựng bác dậy , nhờ bác xủ quẻ, bác bảo bị bắt là bị bắt, bảo không đi được nhưng an toàn là cuốn gói trở về. Linh dễ sợ ! Bác kể có hôm sáng sớm bố tôi í ới rủ bác đi uống cà phê, bác và bố đội chung áo mưa, lội sình ra quán Bà Tư ngoài đầu ngõ, hàng xóm bắt gặp, xì xào tưởng bác và bố tôi tư tình gì đó nên mách mẹ. Mẹ cười khanh khách. Sau này hễ ai có vẻ thắc mắc khi gặp bố và bác đi chung, bác lại bỏ nhỏ “ Xin phép bà Toàn rồi.”
Việc hàng xóm sang nhà nhau chơi thì khỏi nói, chả cần phải mời mọc. Các bà cứ ra sân sàng gạo, nhặt rau hay hóng mát, dì nọ cô kia đang trên đường đi mua hộp quẹt, dầu hôi hay nước đá… sẽ a vào phụ một tay là tỷ thứ sẽ được đem ra kể lể, mổ xẻ. Láng giềng gần có món gì ngon thường xớt cho một miếng, chả cao sang gì đâu, khi thì tô canh tập tàng là rau cỏ trồng trong vườn nấu với cua đồng do con cái bắt ngoài ruộng, lúc lại miếng dưa mắm trộn chanh đường….Nhà nào có con nít thì cả xóm tranh nhau mượn về bồng bế, nựng nịu.
Khi mẹ tôi sắm được cái tivi đen trắng 14 inch, 7pm mới có chương trình thì 6:30pm hàng xóm đã lục tục kéo sang ngồi trước giành chỗ. Chúng tôi vừa coi phim, vừa bàn tán, chê bai, khen thưởng…um sùm trời đất. Đến mùa đá banh thì tối khỏi ngủ vì tiếng la thất thanh của mấy ông thần.
Cả làng sống với nhau chan hòa như ruột thịt, khi mẹ tôi mất, con Duyên hồi đó ở sát bên, nhắn nhủ “ Em không qua đưa tang mẹ được. Từ lâu em đã coi bác như bà mẹ thứ hai”
Sống riêng biệt như Tây cũng có cái hay, chả cần “ xấu che tốt khoe”, không ai lời ra tiếng vào chuyện gia đình mình, khỏi nhức đầu, nhức óc.
Niềm vui, nếu nhận biết, ở xa hay gần quê cũng thấy thư thả.

Nguyễn Đình Phượng Uyển

Leave a Reply

Your email address will not be published.