BÂNG KHUÂNG
Nguyễn Đại Hoàng –
*****
Đó là một bài thơ ngắn hôm nào tôi đọc -của nhà thơ Dạ Quỳnh Nguyễn.
Chẳng phải là
tụi mình mất nhau
chỉ là say goodbye rồi lát sau
gặp lại
đâu phải là mãi mãi
vậy mà bàn tay vẫy
vẫn làm nên
chút xíu ngậm ngùi…
Một bài thơ lặng lẽ như hoa đi vào đêm khuya- như sương đi vào buổi sớm.
Là hoa không phải hoa. Là sương không phải sương.
Nhưng cớ sao cái vẫy tay bình thường ấy- cái hình ảnh giản dị ấy, lại làm dấy lên trong trái tim ta chút xíu ngậm ngùi?
Ngậm ngùi từ một “ say goodbye” tạm biệt hay một biệt ly ngắn ngủi?
Bởi đâu ta lại thế?
Là bởi cái tình cảm như hoa như sương ấy không biết sẽ về đâu!
Ta gọi đó là mầm tình yêu. Cái mầm ấy có thể không bao giờ kết thành tình yêu. Và mầm ấy đôi khi chỉ xuất hiện một lần rồi không bao giờ trở lại.
Cảm giác ấy chính chúng ta cũng từng cảm nhận trong những ngày gặp gỡ xa xưa phải không? Hạnh phúc và hụt hẫng. Đợi chờ và đau thương phải không?
Nhưng những cảm xúc đó vẫn là điều tuyệt vời nhất vương vấn mãi trong tâm hồn ta phải không?
Cho ta chút xíu ngậm ngùi nhưng vô biên hạnh phúc phải không?
Như bài hát Chiều Mưa Biên Giới của nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông :
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi
Vẫn in hình bóng một người
Nhớ nhau đó. Yêu nhau rồi đó. Khi đã xa xôi.
Nhưng có phải chút xíu ngậm ngùi không?
Không phải trong tình yêu “ chút xíu” và “ bao la” là đồng nghĩa đó sao?
Không phải trong buổi sáng hôm đó, cái bàn tay vẫy – đã khiến ta nhìn nhau đã khác đó sao?
Không phải ta đã bắt đầu thấy Guillaume Apollinaire có lý khi nhà thơ ấy viết :
Ôi Mirabeau ôi sông Seine
nước cuốn về đâu
một mối tình ta, một đời thương nhớ
nỗi vui hay niềm đau khổ
nối tiếp theo nhau
ngày dài rồi lại đêm thâu
năm tháng trôi mau, ta vẫn ĐỢI
Không phải là trong tình yêu – thì sự
tan vỡ và ngay cả sự tuyệt vọng vẫn được trân trọng và đợi chờ đó sao?
–
Như nàng Olga Berggoltz từng viết :
Xa nhau rồi, bây giờ em mới biết
Em hát khác xưa, và khóc cũng khác xưa-
Như nhà thơ Lê Na từng viết :
“ Cho em phép màu
để quên anh
được không???”
thì hình ảnh bàn tay vẫy ấy, chút xíu ngậm ngùi ấy trong thơ DQN có khi trở thành nỗi nhớ KHÔNG QUÊN –
Nhưng điều không quên ấy – cũng có khi trở thành hạnh phúc của một cuộc đời. Tiếng hát và tiếng khóc cũng hạnh phúc! Và đến bây giờ ta mới biết!
NGUYỄN ĐẠI HOÀNG

BÀI ĐĂNG HX: