Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Ý Đức
Măng Tây ( Asparagus)
Măng được thổ dân Hy Lạp và La Mã trồng từ cả vài trăm năm trước Công nguyên, nhưng chỉ du nhập Hoa Kỳ vào thế kỷ 17. Măng được trồng nhiều vào khoảng tháng 2 tới tháng 7.
Măng Tây hấp cách thủy hoặc chần nước sôi là món ăn khai vị rất ngon miệng mà lại bổ dưỡng. Măng cũng được trộn làm xà lách, nấu súp cua, thịt hoặc xào.
Măng có nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng. Sáu đọt măng cung cấp 25 calori, 1g chất xơ, 150mcg sinh tố A, 10mg sinh tố C, 130 mg folacin.
Măng tây rất mau hư, nhất là không để tủ lạnh, nên cần được ăn càng sớm càng tốt sau khi hái. Măng đóng hộp mất nhiều dinh dưỡng và có nhiều muối. Măng có thể để đông lạnh và giữ được sinh tố C.
Khi mua lựa măng xanh sáng, đầu măng đỏ tía, thân chắc.
Măng chỉ ăn được từ phần còn xanh, khúc dưới trắng thường cứng nhắc nên bỏ đi; da của măng đôi khi khá dầy, có thể bóc ra, để dành nấu xúp.
Nhiều người cho rằng ăn măng sẽ bớt bị phong thấp khớp. Nhưng măng có nhiều Purine, nguyên thể của uric acid, nên ai bị bệnh thống phong ( Gout) không nên ăn nhiều măng tây.
Măng đôi khi cũng làm nước tiểu có mùi hăng khó chịu, nhưng vô hại.
Actisô ( Artichoke)
Đây là loại cây giống như cây kế, thuộc họ Cúc, cao tới hai thước, lá dài, mọc cách; hoa hình đầu mầu tím nhạt. Phần gốc của cánh hoa và đế hoa mềm có thể ăn được.
Actisô có nhiều chất dinh dưỡng như các sinh tố C, B, folacin, chất xơ và một vài khoáng chất như sắt, kali.
Actisô thường được luộc, hấp cách thủy để ăn hoặc ninh với thịt gà, thịt lợn.
Actisô có thể được dùng tươi, để đông lạnh hoặc đóng hộp.
Nhiều nghiên cứu cho biết Actisô có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ cholesterol trong máu và đường huyết, kích thích sản xuất mật, giảm đau khớp xương, thông tiểu tiện.
Tại vài quốc gia, dung dịch chế biến từ actisô được dùng làm thuốc chích chữa các bệnh về gan. Trà Actisô là thức uống được rất nhiều người ưa dùng.
Theo nhiều chuyên gia, actisô không gây tác hại cho cơ thể.
Ôliu ( Olive)
Ôliu thuộc loại trái cây nhưng lại được dùng như rau ăn.
Nguồn gốc củ olive ở bán đảo Hy Lạp, được người Tây Ban Nha đưa vào California vào giữa thế kỷ thứ 17.
Hiện nay, olive được trồng nhiều nhất ở Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Tây Ban Nha và Ý chiếm 50% sàn lượng trái olive và 55 % dầu olive trên toàn thế giới. Tại Hoa Kỳ, 98% olive được trồng ở California.
Trái oliu hình bầu dục, nhỏ, vị đắng. Khi chưa chín thì mầu xanh, lúc chín thì mầu đen.
Sau khi hái, olive xanh và đen được nhúng vào dung dịch nước có pha một chút muối natri hydroxid rồi rửa sạch bằng nước để loại bỏ chất đắng oleuropein.
Olive trên thị trường được bán dưới nhiều hình thức và đã được lên men hoặc không lên men.
Trái olive có rất ít năng lượng, có một số chất dinh dưỡng như sinh tố A, calci, sắt, chất béo đơn chưa bão hòa và chất xơ. Năm trái olive xanh hoặc đen nặng khoảng 20 g có 2 g chất béo.
Olive dùng để ăn hoặc lấy dầu.
Dầu olive được dùng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Dầu olive được dùng trộn xà lách, nấu với các thực phẩm khác hoặc để làm mỹ phẩm.
Olive là món ăn và cần thiết của người dân vùng Địa Trung Hải, để nấu với thịt vịt, thịt cừu non…
Với nhiều người khác, olive được coi như món ăn khai vị kích thích sự ngon miệng, thường được dùng với rượu Martini hoặc trang trí trên các món ăn chính như xà lách, pizza.. .cho thêm phần hấp dẫn
Olive sống cần được chế biến ướp muối, nấu chín trước khi ăn.
Khi mua olive hộp, nên lựa hộp nguyên vẹn không bị không khí xâm nhập.Loại Olive xanh hơi chát hơn olive đen.
Hộp olive dùng dở cần được cất vào tủ lạnh để tránh mau hư vì oxy hóa.
Olive hộp thường có vị mặn. Nếu ngâm vào dầu olive trước khi ăn thì sẽ bớt mặn hơn.
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức