Chỗ Em Ngồi Ngày Xưa Còn Ấm Lắm

Tác giả: Hồ Đắc Điền

Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm *
Anh gối lên và ngủ một giấc dài *
Khi thức dậy ngỡ mình là Từ Thức
Về Sài Gòn sống lại tuổi hai mươi    

Anh sẽ về như Ngưu Lang Chức Nữ
Gặp nhau rồi tay lại ấm trong tay
Anh thổi sáo và cùng em ca hát
Cung Nguyệt Cầm còn réo rắt bên tai

Anh sẽ về ghé Văn Khoa trường Luật
Như sinh viên vừa mới đậu Tú Tài
Ngồi quán cóc chờ Trưng Vương tan học
Trồng cây si đếm mấy nẻo đường tình

Anh sẽ về thăm từng con phố hẹn
Nụ hôn đầu còn vương vấn trên môi                                                                        Qua công viên thấy tóc thề thả gió
Thấy hai mươi thấy một thuở yêu người

Em yêu ơi anh phải về lần nữa
Tóc phai màu nhưng tình cũ không phai
Tóc mây xưa bao sợi vắn sợi dài
Còn sợi nào em giữ lại đời anh

Anh sẽ về kẻo trăm năm lỗi hẹn
Tuổi hai mươi em trẻ mãi không già
Trong đêm tối thắp ngọn đèn đã tắt
Soi lòng mình vào đôi mắt người xưa

Anh sẽ về sau những ngày phiêu bạt
Rũ phong sương cởi manh áo giang hồ
Tìm phượng thắm đầy khung trời hoa mộng
Tìm thơ ngây trong e ấp thẹn thùng

Anh sẽ về sau những ngày dâu bể
Như sông xưa theo con nước về nguồn
Ngày tháng cũ nhưng tình ta không cũ
Vẫn nồng nàn như tuổi mới đôi mươi

Hồ Đắc Điền

*Trịnh Công Sơn( Bài Thơ Không Tựa)

Chỗ Em Ngồi Ngày Xưa Còn Ấm Lắm
Thơ:Hồ Đắc Điền
Love Story
Nhạc Francis Lai
Trình tấu Violin

7 thoughts on “Chỗ Em Ngồi Ngày Xưa Còn Ấm Lắm

  1. TT HiếuThảo

    Bài thơ hay, có hồn tha thiết quá. Thật sự mà nói mình viết văn cũng bám vào những câu thơ mình và thơ người khác… Nhưng văn thì nó mở rộng ý tưởng hơn, nhiều ngóc ngách hơn Thanks đã đọc bài thơ ý đầy lưu luyến, đi vào tim để cảm động…

    Reply
    1. DIEN DAC HO

      Chân thành cám ơn bạn đọc TT Hiếu Thảo . Đúng như bạn đã nhận xét hai câu mở đầu tôi đọc đâu đó của TCS làm tôi cứ nhớ những năm tháng mộng mơ và những bóng hồng thấp thoáng trong cuộc đời mình . Chúc bạn nhiều sức khỏe và có nhiều sáng tác mới cho trang nhà Hương Xưa

      Reply
    2. DIEN DAC HO

      Cám ơn bạn đọc TT Hiếu Thảo đã đọc thơ và để lại lời bình . Rất đồng ý với nhận xét của bạn . Nếu những tâm tình này được quảng diễn trong một bài văn chắc chắn sẽ nói thêm được nhiều điều thay vì phải gói gọn trong 8 đoạn thơ . Chân thành chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe , thêm nhiều sáng tác mới cho trang nhà Hương Xưa

      Reply
  2. Hải Tâm

    Chào anh Hồ Đắc Điền, từng chùm hoa hoài niệm nở trong thơ, người luống tuổi mà hồn trong trẻo mãi, ngỡ như lạc về ngày thơ bé dại, tôi đâu rồi đau đáu giấc mơ xưa?

    Reply
  3. DIEN DAC HO

    Kính anh Hải Tâm
    Lâu lắm mới gặp lại anh , xin chúc anh và gia đình lúc nào cũng tâm thân an lạc . Tạm thời rời xa Hương Xưa đã lâu nay đọc những lời bình của anh rất ấm lòng . Một người làm thơ nặng về những suy tư trong dòng thơ Thiền như anh nay lại viết những lời bình rất nhiều chất thơ cho một bài thơ tình làm cho tâm hồn tôi thật sảng khoái . Rất trân trọng đón nhận bốn câu thơ đồng cảm của anh . Tâm sự trong bài là tâm sự của chính tôi 45 năm về trước . Giờ đây ” khi thức dậy ngỡ như lạc về ngày thơ bé dại khiến từng chùm hoa hoài niệm nở trong thơ ” Cám ơn anh một lần nữa .

    Reply
  4. Phuong

    Anh sẽ về ghé Văn Khoa, trường Luật
    Như sinh viên vừa mới đậu Tú Tài
    Ngồi quán cóc chờ Trưng Vương tan học
    Trồng cây si đếm mấy nẻo đường tình
    Nhớ quá thời ấy phải không bạn, thời Văn Khoa tóc xanh mắt sáng. Trường Luật, Văn Khoa, và Nữ Trưng Vương kề bên nhau thành một cụm tam giác. Trường nữ Trưng Vương đường NBK lèo tèo vài quán cốc, trường nữ Nguyễn Bá Tòng bên hông nhà Thờ Huyện Sĩ thì quán cóc đầy dẫy. Còn trước trường nữ Gia Long thì là đường PTG chẳng có quán cóc nào, chỉ đứng ké bên hông chùa Xá Lợi cho mát nhìn xéo qua mà thôi phải không bạn? Đứng đó không đếm mấy nẻo đường tình được đâu, PTG là đường 1 chiều mà.
    Anh sẽ về thăm từng con phố hẹn
    Nụ hôn đầu còn vương vấn trên môi
    Qua công viên thấy tóc thề thả gió
    Thấy hai mươi thấy một thuở yêu người
    Con phố hẹn chắc là phố Gia Long hay Nguyễn Du rồi bởi nó hơi vắng vẻ, thích hợp cho cặp đôi lãng mạn đi dạo. Còn Lê Lợi hay Tự Do là phố dạo, bởi đông đúc náo nhiệt xô bồ. Nụ hôn đầu … thôi không dám đâu, đễ ăn tát lắm, mơ đi bạn. Có bốn công viên gần đó, gần nhất là công viên dinh Độc Lập, có thể là Tao Đàn hay Bạch Đằng hay Mê Linh? Quanh Đại Học Xá Minh Mạng có nhiều công viên lắm, nhưng xa quá chắc là không phải là nơi bạn nhắc đến.
    Anh sẽ về kẻo trăm năm lỗi hẹn
    Tuổi hai mươi em trẻ mãi không già
    Trong đêm tối thắp ngọn đèn đã tắt
    Soi lòng mình vào đôi mắt người xưa
    Về thôi, về thôi, vì thời gian còn lại không nhiều… Tuổi hai mươi em trẻ mãi không già, bạn khen người là bạn cũng tự khen mình đó, vì lúc đó bạn cũng là … mặt trắng. Hai câu cuối hay không ‘diễn ngâm’ được. Nhưng những người khác thích hai câu kết. Ngày tháng cũ nhưng tình ta không cũ/
    Vẫn nồng nàn như tuổi mới đôi mươi. Mà bbt báo Người Việt chọn để ‘diễn ngâm’ bức tranh minh họa của Đinh Cường.
    Bài thơ của bạn mang đầy hoài niệm của tuổi hai mươi. Những con chữ cứ rơi ra tự nhiên từ lời nói thì thầm hứa sẽ về thăm chốn cũ. Bài thơ dễ đi vào lòng người, trong đó có tui đó ông bạn. Cũng muốn lại “về thăm từng con phố hẹn”.

    Reply
    1. DIEN DAC HO

      Phải sồng những năm tháng mộng mơ ở Sài Gòn khi vừa hết bậc Trung Học , chuẩn bị làm anh sinh viên Văn Khoa , Luật Khoa mới có thể viết những dòng đồng cảm như trên của bạn Trần Ngọc Phương . Có yêu , có thất tình , có theo đuổi những tà áo trắng Gia Long , Trưng Vương mới thấy những mối tình thời học trò thật đọp với những kỷ niệm mang theo suốt cả cuộc đời . Cám ơn bạn Trần Ngọc Phương và xin giới thiệu với bạn một truyện ngắn rất hay của Hoàng Ngọc Tuấn , tác giả tập truyện Cô Bé Treo Mùng . Truyện tôi muốn giới thiệu với bạn nhan đề ” Buổi Chiều Hạ Lan ” . Anh sinh viên Văn Khoa mê gái quá thành ra cuối năm thi rớt , oái ăm thay đối tượng anh ta theo đuổi cũng rớt luôn vì bị đeo bám kỹ quá . Văn Hoàng Ngọc Tuấn rất hay , vừa duyên dáng vừa ý nhị . Bạn có thể tìm trên Google truyện ngắn này

      Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published.