Tác giả: Lam Nguyên
*Kính dâng Nghiêm Phụ.
Cuộc đời của ông Hai thật là ‘‘vô sự tiểu thần tiên.’’ Công việc làm ăn đều do một tay bà Hai cả! Nhờ vậy mà ông Hai mới được thảnh thơi suốt đời: hết uống trà Tàu, chơi kiểng rồi lại đá gà. Năm nay đã bảy mươi tuổi mà ông Hai vẫn còn rạo rực đón Tết như lúc xuân thời. Ông mong Tết không phải vì áo mới,chén rượu… mà chỉ vì muốn nhìn hoa nở khắp vườn và nhất là được dịp đem mấy con gà chọi ra thi thố với người!
Năm nào cũng vậy,đến đầu tháng mười ta là ông Hai tỉa lông, trau nghệ con gà mà ông đã chọn trong năm. Sau khi xây,xổ,thử đi thử lại nhiều lần; năm nay ông Hai chọn ‘‘con gà ô méo’’.Hễ có ai hỏi sao ông lại chọn con gà méo mỏ như vậy thì ông Hai chỉ cười nhíu mũi rồi đọc một câu trong Kinh Kê :
‘‘ Méo lườn thì bỏ,
Méo mỏ lại dùng’’
Hồi còn niên thiếu,ông Hai đã tận mắt trông thấy con gà ô Xã Bá tài vô cùng,đá đâu thắng đó… nên từ đó ông có thiện cảm với loại gà màu lông đen, nhất là loại gà ô ướt vì các cụ xưa thường bảo là :
‘‘ Nhất Xám khô, Nhì Ô ướt’’
Lúc ánh nắng ấm áp ban mai đã trải đều trên sân gạch, ông Hai phun nước trà, đưa tay vuốt nhẹ và thúc cho con gà méo bước đi với dáng quẹo qua quẹo lại mà tay thiện nghệ môn chọi gà gọi là ‘‘ né lòng’’ càng làm cho ông Hai tin tưởng ở tài năng của con gà méo này! Hôm 23 tháng Chạp, nhằm ngày phiên chợ Bình Ðịnh, ông Hai đã bỏ bạc độ với ông Xã Hội Khanh và hẹn Mùng 2 Tết tại trường gà Ðập Ðá. Trước khi bỏ bạc độ, ông Hai đã xem kỹ con gà tía của ông Xã Hội Khanh rồi. Ông tự luận rằng từ màu lông, sắc tướng và cả vảy vi, ông Hai đã tự so sánh : con gà tía của Xã Hội Khanh thuộc về hỏa 火 , còn con gà ô méo của ông thuộc thủy 水 mà theo ngũ hành: kim,mộc,thủy,hỏa,thổ thì thủy khắc hỏa. Xét về tướng mạo thì gà ô méo của ông tướng võ đúng cách, trong khi gà tía của ông Xã Hội Khanh thì nửa văn nửa võ càng làm cho ông Hai thấy điểm lợi về mình nên ông an tâm hơn. Ông Hai ngại nhất là mặt tiền của con gà tía Xã Khanh vì cái vảy bảng phủ đóng thật đúng cách. Hơn nữa, nghe đâu con gà tía ấy thắng ba độ rất tài. Nhưng ông Hai nhớ lại lời bàn của ông Ba Gà Trường Thế là gà xuân thắng gà tàn, nghĩa là con gà trẻ sung sức có nhiều thể lực hơn con gà già. Nếu xét về xuân sắc thì gà ô méo của ông sung dũ hơn con gà tía của Xã Khanh nhiều; còn về kẽm thì gà ô méo cũng đã có kẽm vì đã thắng một độ ở quê làng rồi. Sau khi bỏ bạc độ với Xã Khanh xong, ông Hai họp hội đồng đá gà gồm :Thầy Hai Khấu, ông Bảy Nê, ông Hai Tôn và cho đến ông Hương Kiểm Sen đều đồng ý với ông Hai là nên đá. Vừa hít một hơi thuốc lá dài,uống thêm một hóp nước trà Tàu mà ông Hai vừa chế, ông Nê tỏ vẻ đăm chiêu rồi nói :
_ Chỉ ngại một điều!
_ Ðiều chi?
_ Chỉ ngại gà tía Xã Khanh có ẩn tài như bớt lưỡi, một dái hoặc lông voi…Rồi ông Bảy Nê thở dài nói tiếp :
_ Nếu vậy thì phú cho trời, biết làm sao!
Còn ông Hương Kiểm Sen góp ý :
_ Gà ô méo của chúng ta lại có ưu điểm là vừa né lồng, vừa vải gạo và ông Hương Kiểm đọc lại câu Kinh kê :
‘‘ Nhất thời chân chúm tung ra,
Nhì thời vãi gạo,thứ ba né lồng’’.
Ông Tôn vẫn ngồi yên lặng khá lâu để nghe mọi người trong hội đá gà bình luận, giờ mới lên tiếng :
_ Còn xét về mặt hậu mà theo lời anh Hai đã nhận thấy thì độ kẽm con gà tía của Xã Khanh thua hẳn gà ô méo của chúng ta vì gà tía Xã Khanh ‘‘độ song khai bất xứng’’ trong khi gà ô méo của chúng ta lại đóng‘‘ độ tam tằng triệt’’.Hơn nữa gà ô méo của mình ‘‘thế tốt’’ mà trong Kinh kê đã xác định :
Nhất thế,Nhì thần!
Ông Hai đã bỏ ra biết bao nhiêu công phu đi tìm gà và đã mua được con gà ô méo của Năm Lào Ninh Hòa. Theo tông giống thì gà ô méo giòng mái râu, nổi tiếng là mái từng sanh ra gà con tài nên ông Hai tự an ủi mình bằng câu tục ngữ ‘‘ chó giống cha, gà giống mẹ’’.
Ðêm mùng 1 Tết mà ông Hai ngồi tiếp khách không yên, cứ thỉnh thoảng lại chạy xuống nhà bếp thăm con gà chọi ngày mai ra trường. Mỗi lần thăm ông Hai lại thêm vững dạ hơn vì con gà ô méo nằm ngủ bình thường như mọi ngày, mà đôi lúc thấy chủ đến con hùng kê còn kêu tục tục…như tâm sự với ông chủ của nó là yên chí, đừng lo nhiều! Lúc con gà ô méo cất tiếng gáy đầu tiên của ngày mùng 2 Tết thì ở ngoài ngõ đã có tiếng chó sủa dòn. Ông Hai vội vàng ra tận cổng đón thầy Hai Khấu. Thầy Khấu vừa là bạn trà, bạn kiểng, lại vừa là bạn gà của ông Hai nữa. Hai bạn già gặp nhau ngày Ðầu Xuân chẳng hề chúc an cho nhau mà chỉ hỏi về gà:
_ Ô méo đêm qua thế nào anh?
_ Anh đừng lo, đêm qua con hùng kê sung mãn lắm!
Thầy Khấu tiếp:
_ Tôi nghĩ mình phải chọn giờ bung đuôi.
_ Ðiều đó phải nhờ đến anh.
Thầy Hai Khấu là một Ðông-y-sĩ nổi tiếng ở Diêu Trì và cũng là một người sành sỏi về Kinh kê. Còn vấn đề chạn nỏ thì thầy chẳng chịu thua ai một ly. Sau khi thăm nom, xông trầm cho con gà ô méo, thầy Khấu lập lại lời bàn hôm nọ:
_ Nó lấn xương nhưng mình lấn cao, rồi thầy nhắc lại câu trong Kinh kê:
” Dày một rổ không bằng nhổ một phân”. Hơn nữa gà tía Mười Tập nóng tánh vì loại mắt đỏ nên dễ que, trong khi con gà ô méo của chúng ta lại kèo dắt hai bên. Mà que thì bị cái đòn ngang của ô méo sẽ làm cho đối thủ gãy cần! Thầy Khấu quay lại hỏi ông Hai:
_ Ðêm qua anh có cho gà uống nước dặm không?
_ Ðiều đó anh khỏi lo, vì nếu không cho gà uống nước đêm thì e gà sẽ bị rốc nước trong lúc nó đá đã khuya nhang. Cho nên, tôi đã cho con gà ô méo uống nước trà, cách nhau vài tiếng đồng hồ.
Trời vừa tỏ rạng thì ông Hai đã đánh thức thằng Tư con ông dậy và ông Hai không quên đi lên nhà thủy tạ kêu thằng cháu nội cưng của ông. Thằng cháu Kha, cháu nội đích tôn của ông cũng thích môn chọi gà không khác cha nó là thằng Tư con ông. Tự dưng ông nghĩ lại mỉm cười thích thú vì gia đình của ông đã nhiều đời theo nghề thương mại và cũng đã mấy đời thích nuôi gà chọi. Thằng Tư bảo thằng Dư ra nổ máy xe lam ba bánh và nhắc thằng Ơn chuẩn bị kim chỉ cũng như các vật dụng cần thiết cho độ gà Mùng Hai Tết này. Ông Hai vừa uống trà vừa ngâm bài thơ ” Hội Ðá Gà ” của thằng Tư:
” Có thú nào hơn thú đá gà,
Bạn bè tán ngẫu hết tiền trà.
Áng thiên, bảng phủ, tam tằng độ,
Ðiền tự, liên khai, nhất nguyệt tà.
Tốn của bao phen tìm giống tốt,
Hao công mấy lượt tránh giòng pha.
Phong lưu dân Việt theo Tiên Tổ,
Thưởng Tết vui Xuân hôi: Hội Ðá Gà!
Thơ phú thằng Tư chẳng ra gì, nhưng ông Hai cũng cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng vì giọt máu phong lưu của ông còn sót lại nơi đám hậu sinh!
Lam Nguyên
Ngày Tết nhớ Trường Thuế, Diêu Trì !