Rồi Mai Đây

Tác giả: Tạ Tỵ & Phạm Anh Dũng

(Thơ Họa Sĩ Tạ Tỵ, Nhạc Phạm Anh Dũng)
Rồi mai đây bạn bè xa vắng hết
Lấy ai mà thương tiếc lúc chia ly
Đời tẻ ngắt rã rời bao mỏi mệt
Hồn chơi vơi theo tiếng hát sầu bi


Rồi mai đây bạn bè xa vắng hết
Lấy ai mà thương tiếc lúc chia ly
Đời tẻ ngắt rã rời bao mỏi mệt
Hồn chơi vơi theo tiếng hát sầu bi

Rồi mai đây, rồi mai đây không còn ai nữa
Chỉ còn em bên mộ gọi hồn ta
Rồi mai đây, rồi mai đây không còn chi nữa
Và tình ta tan vào cõi thiên thu

Rồi mai đây hồn lang thang khắp ngả
Bến bờ xưa quạnh quẽ chốn hư vô
Xuân chẳng đến với màu hoa sắc lá
Còn ánh trăng lạnh lẽo chết trên mồ

Rồi Mai Đây
(thơ Tạ Tỵ, nhạc Phạm Anh Dũng)
Phạm Anh Dũng đàn hát

  • Tiểu sử Họa Sĩ Tạ Tỵ ( Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A1_T%E1%BB%B5)
  • Họa sĩ Tạ Tỵ sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội. Nhưng trong giấy khai sinh của ông lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn mất một năm.Từ khi còn là một sinh viên, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm. Năm 1941, nhờ nhận một giải thưởng tranh, ông được đến thăm kinh đô Huế.Năm 1943, ông tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Và cũng năm này, bức tranh “Mùa Hè” của Tạ Tỵ đoạt một giải thưởng của Salon Unique.Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Pháp, Tạ Tỵ cùng với nhiều họa sĩ Việt Nam khác, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp và ông là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Tác phẩm “Nhớ Hà Nội” năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.

    Tháng 5 năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng kháng chiến để trở về Hà Nội. Ông viết cho một người bạn rằng “Cách suy nghĩ của tôi không hợp với kháng chiến sau mấy năm chung sống với họ”.

    Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: truyện, thơ, kịch bản, bút ký…

    Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

    Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là trung tá trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

    Năm 1956, ông triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng cũng ở nơi đó.

    Sau 1975, sau thời gian học tập cải tạo, ông cùng vợ con vượt biển đến Malaysia và đến định cư tại Hoa Kỳ.

    Trong thời gian sống tại nước ngoài, Tạ Tỵ lại tiếp tục sáng tác. Năm 2003 sau khi vợ ông qua đời tại Hoa Kỳ, ông quyết định trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê hương mình.

    Vào 10 giờ sáng 24 tháng 8 năm 2004 (mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân), Tạ Tỵ đã từ trần tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, sau một cơn bệnh kéo dài do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.

Leave a Reply

Your email address will not be published.