Dòng Sông Tuổi Thơ

Tác giả: Trần Ngọc Phương

Làng quê nào ở miền Trung cũng thế. Có lũy tre xanh bao bọc chung quanh, có hàng cau cao vút lên không, có đám dừa thân cao bung xòe tàn lá phất phơ trong trời gió lộng. Nhưng không phải làng nào cũng có một dòng sông nước trong xanh lờ lửng ngang qua. Làng tôi thêm nữa, bên ngoài bờ tre, ba mặt còn được bao quanh bởi những cánh đồng lúa. Con sông nhỏ uốn khúc xuyên qua cánh đồng lúa trải dài mờ tít ở mặt nam, đến mùa lúa chín vàng, con sông êm đềm như dải lụa bạc hờ hững vắt ngang qua .

Những năm tháng ấy, thường vào mùa hè thu, mẹ tôi cùng cả đại gia đình với cậu mợ chú dì và mấy nhóc nhỏ kéo nhau ra mảnh đất thừa cuối làng, nơi có dựng một “quán” tre lẻ loi để khách bộ hành nghỉ chân, đứng bên cạnh đó mà hóng gió mát từ cánh đồng và dòng sông. Xa xa, mút tầm mắt cánh đồng bên kia dòng sông là làng mạc cũng bị che khuất bởi lũy tre xa nằm dưới ngọn đồi. Nhà cửa lờ mờ không thể thấy gì. Chỉ thấy đỉnh đồi là ngôi tháp Chăm sừng sững trơ gan cùng tuế nguyệt, nghe nói nó đã trải qua bảy tám trăm năm.

Nhóm người lớn đứng hướng mắt nhìn dòng sông cánh đồng, đón gió và trò chuyện râm ran. Gió thổi mát phần phật từng cơn. Bọn nhóc nhỏ thì ôm chân mẹ, luồn qua luồn lại mà đùa giỡn. Đôi khi bị chặn lại bị la rầy, đừng có làm ồn để người lớn nói chuyện. Mà bọn tôi đâu có làm gì ầm ĩ đâu, chỉ khều qua khều lại trêu nhau, vui chơi giải trí theo đúng lứa tuổi là ‘đồ con nít còn bám váy mẹ’ thôi mà.

Mặt trời lặn dần, chạng vạng tối, khung cảnh mờ xám, gió đồng bắt đầu lạnh. Bọn nhóc biết là người lớn đang chờ xem ma…trơi. Ngôi Đình của làng trên, ở bên phải, cách đấy xa đến mấy thửa ruộng, bắt đầu thu hút ánh mắt của mọi người. Trời tối hẳn, bầu trời đầy sao, gió thổi lạnh và rồi bọn ma.. trơi cũng xuất hiện, nhưng không phải thường xuyên. Tiếng người lớn chỉ trỏ râm ran, nó đó, nó chạy từ Đình hướng ra bờ sông, nó đó, nó chạy dọc theo bờ sông, nó đó, ngôi Miếu phía bên cạnh trái cũng có nữa. Bọn nhỏ thì sợ hãi ôm riết lấy chân mẹ. Lén mở mắt ra nhìn những ánh lửa trắng, đỏ (lân tinh), nhảy múa lập lòe trên cánh đồng rạ khô.

Cái nơi hóng gió ở cuối làng này nằm chơ vơ với một cái quán tre, chung quanh là các đám ruộng nên người làng gọi là ‘đám quán’.  Cũng có một cái quán nghỉ chân khác xây giống y hệt ở hướng bắc đầu làng.  Cái quán đầu làng có sàn cao khỏi đầu con nít chúng tôi, phải leo mấy bậc thang tre mới lên được, thế nên gọi là ‘chòi quán’. Nó xây bên cạnh cây vông đại thụ, thân đầy gai nhọn, cành lá sum suê. Khách bộ hành, hay dân làng đi chợ ở làng bên, phải băng qua một gò tha ma dài cả cây số nên khi vào làng thì dừng ở cái ‘quán’ đầu làng này mà nghỉ chân. Nơi này có người qua lại vui hơn nên bọn nhóc nhỏ chúng tôi thường hay lui tới. Chính nơi này lần đầu tôi được xem hát bội do dân làng mời gánh hát đến diễn tuồng. Nhưng buổi diễn tuồng đông đảo người xem nhất, thì phải nói đến cái rạp tuồng được xây trên khu ruộng khô trơ gốc rạ ở kề cái ‘đám quán’ cuối làng này.

Một hôm, ‘hội’ con nít không biết nhận tin từ đâu mà liên lạc thông tin nhau bằng cách réo tên nhau ra ‘chòi quán’ đầu làng để xem xiếc. Thế là cả bọn rủ nhau ra đó, chúng tôi thấy một nhóm người diễn xiếc với con khỉ đang nhảy nhót làm trò, sau này biết là nhóm “Sơn Đông mãi võ’ họ lưu lạc giang hồ đến các làng quê biểu diễn võ thuật để bán thuốc dạo. Họ dùng yết hầu cúi xuống uốn cong mũi dáo, họ ở trần nằm trên bàn chông đinh, trên bụng ôm tảng đá, rồi cho người dùng búa lớn đập vỡ tảng đá ấy, bọn nhóc thì bụm mắt run sợ chỉ hé nhìn qua kẽ tay. Màn hấp dẫn nhất với khán giả con nít bu quanh – mà có đứa lịch sự như anh em tôi, mặc quần áo đầy đủ, có đứa chỉ có quần đùi, có đứa không mặc gì, có lẽ cha mẹ chúng muốn cho da thịt mát mẻ khỏi bị sảy ghẻ, hay tập luyện ‘thiết bì thần công’ gì đó, để chống nắng sương mưa gió – vẫn là xem con khỉ làm trò khỉ. Xong mỗi màn biểu diễn là họ đưa ra giới thiệu chai, hủ, lọ, thuốc thần dược chữa đau lưng nhức mỏi, trị bá bệnh. ‘Hội’ con nít xem cho đến vãn tuồng mới thấy đói bụng. Rồi chạy thẳng về nhà lục cơm nguội ra ăn.

Nếu một chiếc xe ngựa vào làng thì ‘hội’ con nít chẳng cần kêu réo, bởi trên cổ ngựa có đeo lục lạc “rủng rẻng’’ vang lên từ xa. Thế là cả đám chạy theo phía sau xe coi xem, bởi hiếm khi thấy được xe ngựa chạy vào làng. Có nhiều đứa tìm cách đánh đu ở sau đuôi xe để được cảm giác lắc lư tưng tưng thú vị của người đi xe. Thường thì chủ xe ngồi ở hai bên càng xe trước khó thể thấy chúng bởi đống đồ cồng kềnh trên xe. Chỉ quay qua sau hăm dọa dứ dứ roi (nếu chúng đu theo) cho chúng buông tay để khỏi chơi trò nguy hiểm.

Hôm ấy tôi đang lơn tơn đi ‘kinh lý’ trên đường làng, nghe tiếng lục lạc vang lên từ xa đầu làng, tôi nấp bên bụi cây rậm vừa tránh xe vừa có ý đồ. Đúng là một chiếc xe ngựa đang lững thững chạy tới, mà sau xe không có đứa con nít nào chạy theo hò hét, một hòan cảnh quá thuận lợi. Chiếc xe vừa chạy qua, tôi chạy theo nhảy tót lên đu sau xe, ngồi núp chỗ bàn đạp, chủ xe không biết. Chiếc xe long tong chạy khoái tỉ thì thôi, quá đã! Xe chạy ngang qua nhà, tôi đứng lên định buông tay nhảy xuống, ông chủ xe quay lại chợt thấy thằng bé đu xe nãy giờ không biết, ông chòm nghiêng người ra sau quất một roi vào hai tay đang ôm sườn xe của tôi. Hoảng quá tôi bung ngửa người qua bên, rơi xuống hàng rào nhà. Mà hàng rào trước nhà tôi không phải là hàng rào hoa dâm bụt, hay hoa tường vi, mà là một dãy xương rồng và lữ long. Ui da! Đau quá! Tôi khóc thét, chạy vào nhà. Ngoại tôi cởi hết quần áo cho tôi, bắt tôi trần truồng như nhộng nằm sấp xuống. Ngoại mò nhổ tùng cây gai trên đầu, trên cổ, trên lưng, trên mông, trên chân, tôi như con nhím, nhiều quá nhổ không xuể. Ngoại kêu chị tôi đang nấu cơm đến cùng ngồi xuống nhổ phụ. Ui da! Quá xá đau!

Cuộc đời của bọn nhóc tì chúng tôi rong chơi cứ thế, qua ngày tháng. Người lớn thấy thế cho là không phải đạo, không thể nào để bọn chúng tôi trở thành dân ăn chơi thứ thiệt, mà họ gọi là ‘cái đồ ăn chơi rửng mỡ’ hay cái bọn ‘du thủ du thực hoang đàng chi địa’, không trở thành con người lớn đứng đắn trong làng, trong xóm. Để khỏi long bong, mẹ tôi lôi cổ tôi cùng với thằng em con dì, băng qua mấy đám ruộng, lên làng trên giao cho một ông thầy già hom hem để học chữ. Ông thầy tóc búi tó, râu lưa thưa, mặc áo dài the đen nói chuyện hay xen tiếng tây, bon, bon, très bien.

Chuyện học hành cũng đơn giản thôi. Cha mẹ mang đến kính thầy một cặp gà nhốt trong lồng,

thầy ghi tên thằng cu Anh hay cu Em, con bà Ba hay bà Bốn vào sổ, như anh em tôi là cu Sói cu Đời con chị Hai anh Năm thế thôi. Không có giấy khai hộ tịch gì, bởi thời ấy trẻ nít học làng quê chẳng đứa nào có giấy khai sinh, mà nếu có, cha mẹ nó chưa hẳn biết chữ để đọc được tờ giấy ấy. Chỉ khi nào ra học ngoài trường công mới nhờ người đi làm ‘giấy thế vì khai sinh’ mà mang nộp thôi.

Chuyện học hành cũng nhẹ nhàng thôi. Bọn tôi mỗi đứa một quyển vở đến ngồi trên băng ghế đặt dưới bóng mát của cây vông, nửa năm trời học tới lui cũng mấy cái chữ cái ấy, hết a… b… c…, rồi a… ă… â. Khi dò bài bọn tôi có thể chỉ trúng chữ, nhưng tình cờ hỏi đây là chữ gì thì trí nhớ nó đi chơi đâu mất biệt tăm. Thế nên có đứa học vỡ lòng đến năm thứ hai thứ ba vẫn còn học vỡ lòng, coi như thầy là người giữ trẻ dùm cho cha mẹ chúng ra đồng cày ruộng. Và thế nên người lớn thường hay chọc bọn học sinh lớp vỡ lòng chúng tôi là “A á ớ thầy nhớ tui quên. A bê cê dắt dê đi ị”

Một hôm bọn nhỏ học trò vỡ lòng rủ rê thay vì đi thẳng về nhà mà hướng ra ngôi đình gần bờ sông để xem lễ ở đấy, rồi vòng qua ‘đám quán’ cuối làng mà về nhà. Chúng tôi đến Đình làng thấy những người đàn ông mặc áo dài the, đi guốc mộc, đội khăn đóng, có ông dùng dù, có người chống gậy, đứng ngồi bàn luận râm ran. Chung quanh sân đình hương khói nghi ngút và hành lang là những pho tượng đá vẽ mặt mày đen đỏ, cầm gươm dao đứng trợn mắt trừng trừng trông thật dễ sợ. Bên sau đình người ta đang nấu nướng không biết món gì, nhưng làm ruột bọn tôi kêu lên rột rột, thèm chết được. Nhưng cũng kể từ đấy, bọn tôi có dịp qua ngôi Đình, mà thường ngày vắng tanh này, thì nhắm mắt nhắm mũi chạy trối chết, không dám quay đầu nhìn lại, bởi sợ những ông thần tượng đá, mặt xanh nanh vàng, bắt lại. Mà không biết mấy ông tượng đá đó bắt lại để làm gì? Để dò bài học thuộc chưa? hay để oánh tù tì ăn mấy viên bi sỏi?

Thời gian như thoi đưa, qua mấy mùa học vỡ lòng chúng tôi không nhớ. Chúng tôi không học thầy ở làng trên nữa, vì trong làng cũng có ông thầy mới mở trường. Nhưng chưa được một mùa rơm thì ông thầy có lẽ nản chí với bọn học trò bụng ỏng đít teo, mũi dãi chảy lòng thòng này, ông giải tán lớp học để lấy chỗ xây đống rơm và đóng cọc cột hai con bò đực, để tiếp tục hành nghề cày ruộng. Chúng tôi lại chuyển tới ngôi trường khác, từ nhà đến đầu làng, rồi từ đầu làng ra tới đó gọi là làng Phú Gia quả là khá xa. Chị tôi học ở đó, sẵn dẫn hai đứa chúng tôi cùng đi luôn. Thế là mỗi sáng ra đi, mỗi trưa ra về, đường dài thăm thẳm so với bước chân ngắn ngủn bọn tôi. Bây giờ mới thấy, con đường học hành đi tìm công danh của bọn nhóc tôi không dễ dàng gì mà khá vất vả gian nan.

Hôm nọ, buổi trưa ngày ấy, mấy chị em rời trường ra về, đi một đoạn đường dài sắp băng qua vùng gò trọc nghĩa địa, quyển vở trên tay tôi và tay thằng em cứ thỉnh thoảng tuột rớt xuống, mỗi đứa chỉ có một quyển vở trên tay mà cầm không xong, chị tôi mới ôm hộ dùm hai đứa luôn. Đi thêm đoạn nữa thằng em khụy chân xuống, ngã nằm trên bãi cỏ vệ đường, ngửa mặt nhìn trời mà suy tư. Chị tôi bế nó lên đi tiếp một đoạn, nó lại tụt rớt xuống. Có người làng gánh đồ đi chợ về thấy biết thằng nhỏ đói xỉu, ở quê gọi là bị ‘lũi’, bà hỏi nó con ai, rồi bà liền dồn hàng hóa qua một thúng, còn chiếc thúng bên kia đặt thằng nhỏ vào mà te te gánh đi. Xong thằng em, rồi tới lượt phiên tôi. Đi một đoạn vài trăm bước nữa thì cũng ngã lăn xuống bãi cỏ bên đường, ngắm nghiền mắt, ngửa mặt nhìn lên trời mà sầu đời, mà đầu óc đi chơi tận đâu đâu, không còn biết gì nữa. Một lát sau có cảm giác đang nằm trên lưng ai đó. Chị tôi lầm lũi cõng tôi về nhà, thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng thút thít của chị. Cứ thử nghĩ đi, chị tôi chỉ hơn hai thằng nhóc tì vài ba tuổi, một con bé nhỏ thó mà phải còng lưng cõng đứa em chỉ thấp hơn mình một chút, đi băng xuyên qua cánh đồng gò nghĩa địa dưới cái nắng nóng đổ lửa, thì làm sao không khóc được. Về đến nhà rồi chị òa ra khóc nức nở, ngoại tôi tiếp tay bế tôi đặt lên chõng tre, rồi ngoại bẻ lấy tán đường mía đen thùi lùi, hòa với nước ấm, cho tôi uống, một lát sau tôi tỉnh lại như con sáo sậu!

Chuyện tìm thầy học đạo mưu cầu công danh đang hồi nhiêu khê. Gặp may, cũng thời điểm ấy, có một người vừa mới mở trường chiêu sinh tại làng, kề bên nhà chúng tôi. Ngối trường chính là ngôi từ đường lớn của dòng họ cho mượn chỗ, tất cả học sinh đều gọi ông là thầy, nhưng mấy anh chị em tôi không gọi ông là thầy mà gọi là chú Bảy, bởi ông là ông chú trong dòng họ. Kể từ dạo ấy cuộc đời lũ học trò con nít  trong làng trong xóm như nở hoa. Ông Thầy ‘chú’ chỉ tập trung rèn luyện lớp anh chị tôi, còn bọn nhóc tôi thì coi như vô tư. Ngày tháng học ở đấy không biết bao lâu, mà không biết mình học lớp mấy, chỉ biết rằng mình nghe đọc viết chính tả tàm tạm, toán cộng trừ thì làm trúng trật hên xui, còn nhân chia thì thuộc trình độ toán cao cấp dành cho lớp lớn.

Chuyện học hành thì tôi chẳng nhớ bao nhiêu, nhưng chuyện rủ nhau chơi bời la cà ngoài đường thì nhớ rõ, đứa trẻ nào cũng thuộc loại dân chơi thành thạo. Như ‘bắn bi’, ‘nhảy lò cò’, ‘u quạ’, ‘ô quan’, ‘nhảy dây’, ‘nhảy vòng’ (liệng đá sau lưng), ‘đá bông vụ’, ‘đánh trổng’ (dùng khúc tre lớn đánh văng xa khúc tre nhỏ rồi đếm khoảng cách ăn thua), ‘đá dế’ (cái này phải xách cuốc đào hang dế mới bắt được chúng), nhưng ‘nhảy bắp chuối’ (bụm tay xếp chồng lên chân nhảy qua) và ‘đánh nẻ’(một trái bóng với đống đũa ngắn) thì chỉ bọn con gái như chị tôi thích hơn. Những đêm rằm trăng tỏ, đường làng sáng trưng rất đẹp, ông anh lớn và đám bạn anh thường tổ chức chia phe đánh giặc giả (trận giả), núp trong bóng tối mà chỉ tay ‘xùm’ đứa này đứa nọ, rồi cãi nhau ôm tỏi, đứa nào chết trước đứa nào chết sau, trò chơi này khá căng thẳng bởi bên thua phải khòm lưng cõng bên thắng đi một vòng.

Nhưng một đêm trăng sáng tôi nhớ mãi là đến nhà cậu tôi chờ ăn chè. Đêm rằm cậu kêu gọi trai làng tới sân nhà giã gạo, ngọn đèn ‘măng xông’ thắp lên treo dưới mái hiên, tỏa ánh sáng khắp cả trong nhà ngoài sân. Trong sân, với đứa trẻ như tôi, thì khá là mênh mông, trai làng ôm chày lên xuống giã gạo nhịp nhàng trong cối, những cái cối gỗ được xếp vòng cung quanh nửa sân.  Ở chính giữa sân, một nhóm phụ nữ lấy gạo trong ‘nia’ đổ ra từ cối, rồi ngồi quanh đó dùng ‘sàn’ mà sảy gạo, và đổ gạo vào chiếc ‘thúng’ lớn. Khung cảnh ồn ào náo nhiệt, ông cậu đi qua đi lại sai bảo người làm, bà mợ đốc thúc người phụ nữ lớn tuổi sau vườn nấu nướng, trong đó có món tôi chờ đợi. Đó là món chè đậu đen, chè đậu đen nấu với đường mật mía thì ăn xong phải liếm lưỡi. Trong nhà, ngoài sân, quang cảnh vui vẻ nhộn nhịp. Dưới ánh chiếc đèn ‘măng xông’ sáng rực, trên thềm xi măng láng mát dưới mái hiên nhà, tôi ngồi xem họ làm việc chuyện trò đùa vui, mà hóng hớt câu vè câu đố, mà mong ngóng chờ nồi chè chín. Ánh trăng rằm trên cao vằng vặc, soi sáng cả bầu trời, cả ngôi nhà và cả khu vườn rộng mênh mông.  Ngọn gió đêm thổi hiu hiu mát rượi, chỉ ít lâu sau đã đưa tôi vào cõi mộng.  Buổi sáng thức giấc thấy mình còn nằm ở đó, có chiếc mền nhỏ đắp lên người.  Ngủ quên không được ăn chè, thật là xui. Tôi đâu tính được rằng họ làm việc cho đến nửa đêm tận khuya mới nghỉ ngơi ăn uống. Vừa tỉnh giấc thì nghe tiếng người lớn trong nhà ngoài sân cười vang dữ dội. Họ cười nói sặc sụa. Hồi lâu, tôi cũng hiểu là cái nồi chè tối qua có vấn đề. Bà già nấu chè tối qua mở khạp lấy đường mía mật đem nấu chè, đường mía đầy ruồi bu dính chân chết cả đám trong khạp. Hồi khuya có người ăn nói đậu đen nhai sao nghe ngầy ngậy, nhưng không ai biết  là tại sao. Buổi sáng mợ tôi vét cặn chiếc nồi mới thấy trong đáy cặn nồi đầy xác ruồi.  Như thế chuyện mất ăn chè, tôi không biết mình xui hay hên đây?

Những đêm trăng sáng như thế đấy, cuộc sống trong làng thay đổi giống như ngày hội. Bọn con nít thường đùa vui trên con đường trước nhà tôi và chú dì tôi, vì có đường rẽ và có ngã ba, cả đêm chơi đùa xong là về nhà lăn ra ngủ luôn chả tắm rửa gì. Nhưng ban ngày thì khá hơn. Ban ngày chơi chán trên đường làng thì hùa nhau rủ ra con sông ở ngoài đồng mà tắm mà đùa giỡn với dòng nước mát.

Mùa hè dòng sông ngoài đồng thường khô cạn, dòng nước yếu len lỏi chảy qua vùng trũng thấp nhất mé sông, tạo nên bãi bồi giữa sông những đụn cát trắng phêu mịn màng. Nằm trên đụn cát mịn thả chân vào khe nước trong veo chảy liu riu mát rượi cảm giác nhột nhột thú vị làm sao. Bên trên với cả bầu trời xanh thăm thẳm bao la.

Với tôi. Cánh đồng bao la và bầu trời xanh lơ lửng mấy sợi mây như là cả vũ trụ. Ngụp lặn trong lòng nước mát lăn lộn trên bãi cát trắng mịn như là một thể hiện cùng hòa mình vào vũ trụ đó. Cảm giác khoái chí thích thú khó tưởng mỗi khi được ra sông tắm mát trưa hè.

Ngước nhìn quanh, về hướng mặt trời mọc, cánh đồng rộng lớn mênh mông, đầy gốc rạ. Quay nhìn về phía làng, cái “quán cuối làng” nằm xa xa trên mảnh đất trống, phía sau là dãy tre xanh cao vút đu đưa theo gió. Hướng ngược lại, ngôi làng bên tháp Chăm trở nên gần gũi hơn, bởi con sông ở giữa cánh đồng. Ngôi làng bên này cũng bao bọc với lũy tre xanh sậm bao quanh chân đồi. Ngọn đồi là một trái núi trọc, giống như chiếc nón ngựa khổng lồ úp xuống cánh đồng, trên đỉnh đồi là ngọn tháp Chăm đứng chơ vơ cô độc màu gạch đỏ sậm, chỉa thẳng lên nền trời xanh lơ, cảnh quan thật là đẹp và ấn tượng. Ngoại tôi thường dắt chị em tôi, nhưng nhiều lần nhất vẫn là tôi, qua đó ăn giỗ. Căn nhà lớn sau lũy tre ấy là nơi bà lớn lên, trước khi qua làm dâu bên làng tôi, bây giờ ngôi nhà đó là nơi anh cả bà đang ở. Có lần bà dẫn chị em tôi đi xa hơn một chút nữa, qua làng Gò Găng kế bên để xem hát bội.

 

Đó là chuyện ngày xưa, xa lơ lắc rồi, thời mù chữ, bây giờ bà dẫn qua đó chưa hẳn tôi chịu đi, bởi tôi là học trò có trình độ rồi, đã biết đọc biết viết rồi nên không đi ăn ké, bà biết thế, nên mỗi khi đi ăn giỗ xong, bà thường lén lấy vài cái bánh ngọt, có thể là bánh ú, bánh thuẫn, hay bánh ít, mang về cho tôi. Mấy cái bánh bà bỏ túi áo trong, bên ngoài là chiếc áo dài lụa nâu thùng thình, nên đâu có ai biết có bánh trái bên trong, mà nếu biết ‘bên trong có gì’ thì cũng không sao cả, không ê mặt, vì cả khối các bà mặc áo dài đi ăn cỗ cũng đều rộng thùng thế cả, có lẽ dùng để làm như thế.

Đã lớn thì cái nhìn sự vật cũng khác. Như từ con sông nhìn về làng tôi, hướng chếch lên, qua mấy đám ruộng lớn xa xa thì thấy ngay cái Đình ở làng trên, với cây cổ thụ um tùm chung quanh. Nếu thời học vỡ lòng đi ngang qua đó, phải nhắm mắt ù té chạy. Bây giờ bọn nhỏ chúng tôi học được cách trị ma quỉ rồi. Bây giờ bọn tôi mà đi qua ngôi Đình đó, thì không phải nhắm mắt chạy nữa. Tôi nghe lỏm câu chuyện trao đổi kinh nghiệm cho nhau giữa chị tôi và mấy người bạn của chị. Họ dặn dò nhau,  phải đi từ từ, mắt đừng nhìn quanh mà nhìn thẳng xuống đất, nhìn con đường trước mũi chân. Hai tay bắt ‘ấn quyết’, ngón tay cái bấm mạnh vào ngón trỏ giữa, vừa đi vừa đọc thần chú ‘Án ba ni. Bát di hồng’. Đơn giản thế thôi thì ma quỉ không thể bắt mình đem dò bài, hoặc đem nướng nhậu.  Tôi từng làm thử thế và thấy rất hiệu nghiệm. Khi đi qua đoạn đường làng có bụi rậm, nơi dân làng mang tập trung liệng bỏ ông bình vôi hư cũ, các ông bà táo gãy đầu, gãy cổ, và những cái lò gốm sức mẻ, nơi bụi cây rậm này được cho có ông thần giữ bếp linh thiên cai quản ở đó. Tôi thực hiện đúng các bước mà các chị lớn chỉ dạy như thế. Rất có kết quả. Tôi thấy mạnh dạn tự tin, đỡ sợ hơn, và đúng là chẳng thấy ma quỉ hiện ra gì cả. Nhưng mà qua khỏi chỗ bụi cây ấy, thấy tay mình hiện ra vết lõm đỏ vì bấm móng tay mạnh quá, da muốn thủng lỗ, thật là đau rát thấu trời.

Lúc tôi theo ông anh lớn và đám bạn của ông ra tắm sông, nhóm lớn làm gì thì bọn nhỏ chỉ theo coi thôi, như bắt cá, đắp mô chuyển dòng chảy đoạn nước sông cạn. Còn chính bọn nhóc cùng tuổi chúng tôi rủ nhau đi tắm thì chuyện đùa vui có khác. Cũng bắt chước mấy anh lớn. Tỉa nhánh tre làm cần, lấy chỉ cước làm dây câu, đào đất tìm giun làm mồi và ngắt cây điên điển làm phao, ra bờ sông ngồi câu cá. Có điều vừa ngồi câu vừa chỉ trỏ hò hét những con cá bơi lội bên dưới rầm trời, có lẽ ồn ào quá nên mấy con cá bên dưới chẳng thèm đớp mồi. Nhưng cũng có khi chúng ăn vụng hồi nào không hay, bởi dở cần lên, không thấy gì hết, không thấy giun mà cũng chẳng thấy cá. Mấy ông anh có kinh nghiệm, còn bọn tôi tay mơ. Còn thằng em con dì ít khi theo anh tôi và tôi mang ná đi bắn chim, ra sông câu cá, hay tắm sông. Nhưng hôm đó, nó đi chung với tôi và mấy đứa trẻ nhóc trong làng ra ngoài sông chơi.

Mấy bọn nhóc tôi đến gần cái ‘sa’ (hàng rào thanh tre) chắn ngang dòng sông, xem trong cái ‘lờ’ (đặt giữa cái sa) có cá không, thấy trong ‘lờ’ có một số cá, nhưng bọn học trò biết lễ nghĩa không lấy đồ người ta nên không mở lấy. Chúng tôi chạy tới đám ruộng có dãy cần câu cá rô cắm dọc bờ, cần câu là thanh tre ngắn cong, mỏng, có thể người ta cắm lúc sáng sớm, chiều mới đến gỡ. Thấy vài cần là có cá mắc câu. Có đứa muốn gỡ lấy cá, có đứa khuyên ngăn. Thế cũng thôi.

Tôi với thằng em, hình như hôm đó là với hai thằng em, thằng kế nó nữa, nó cũng là dân có học, có trình độ vỡ lòng (nói thế, bởi có nhiều đứa trẻ rong chơi cho đời quên lãng, giang hồ tung hoành trong làng, mà chưa từng mò tới chỗ ông thầy, chưa biết a bê cê là gì), chạy tới chiếc thuyền câu nhỏ mà bác nông dân neo sào ở bờ ruộng. Mấy đứa nhóc, trong đó có thằng em, tháo dây buộc, leo lên ngồi mà quạt nước bằng tay đẩy thuyền chạy lòng vòng. Rồi cả nhóm chạy đến đám ruộng khác, thấy chiếc thuyền khác, bọn nhóc cũng bò leo lên. Lần nào tôi cũng tiên phong. Nhưng lần này tôi lại ráng nhổ lấy cây sào, mà ra tay chèo chống. Con thuyền chòng chành cũng rướn tới được một chút. Tôi muốn nó nhanh hơn, cầm cây sào dùng hết sức chống mạnh xuống, con thuyền lướt ra xa. Nhưng cây sào cắm xuống bùn sâu, nặng quá, tôi không rút lên được. Tay còn cầm cây sào đứng yên, mà chân tôi đi theo con thuyền, thành ra người tôi căng dài rồi rớt xuống nước, cái chân móc vào mạn thuyền làm chiếc thuyền lật úp, mấy đứa nhỏ ngồi trên đều rơi tõm xuống ruộng. Đi làm chìm thuyền người ta như thế, bọn tôi sợ hãi ý bỏ chạy, nhưng nghĩ lại là phải lôi con thuyền lên mặt nước trả về chỗ cũ cho người chủ. Mấy đứa hì hục nâng lên, nhưng nặng quá, chỉ đành xê dịch con thuyền dưới nước lại gần cây sào mà thôi, rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường.

Định dong thẳng về nhà, để tránh người lớn bắt gặp. Nhưng khi đến gần tới chỗ ‘đám quán’ cuối làng, bờ ruộng ở đây cao hơn người ta phải dùng chiếc ‘gàu sòng’ mà tát nước lên đám ruộng ở đó. Chỗ cái ao tát nước này nằm chếch về phía đầu Đình làng trên. Bọn nhóc chúng tôi dừng lại ngắm nghía, ý muốn kéo chiếc ‘gàu sòng’ tát nước thử cho biết mùi vị ra sao. Đúng là đầu óc tò mò của bọn khỉ nhỏ. Cứ thấy người lớn nắm hai đầu dây vung gàu thả xuống ao, rồi ngửa người ra sau, cái gàu hất nước qua bờ ruộng khô, thế là xong, dễ như ăn cháo. Bọn tôi hò hét chỉ vẽ cho nhau cách thức làm. ‘Gàu đơn’ dễ thao tác. Nhưng bọn nhóc tôi không tự lượng sức mình, không ước lượng cái gàu đầy nước nặng ra sao, nên khi căng dây lên cao, gàu nặng rớt lại xuống nước, kéo theo một đứa rớt tõm xuống ao, đứa còn lại là tôi thì ngã chúi đầu trên bờ cỏ. Thế là đứa đứng dậy, đứa lóp ngóp bò lên.

Vậy mới có câu:

Hai em tát nước đầu đình

            Em thì chỏng vó, em rơi ‘ình’ xuống ao!

 

Lúc này tâm trạng hết còn khí thế háo hức của kẻ đi tìm hiểu, bọn khỉ mất hết bản tính khỉ, lòi ra cái bản tính người, là cái bụng réo đòi cơm.

Con sông vào mùa hè rất dịu hiền, rất dễ thương với mấy bạn nhỏ chúng tôi như thế. Nhưng đến mùa mưa thì nó làm mọi người hoảng sợ, không những con sông đầy nước mà cánh đồng cũng đầy ắp nước, người ta gọi là đồng lụt. Cả một vùng nước trắng xóa, từ cái quán tre cuối làng nhìn qua tháp Chăm là cả một vùng nước mênh mông, nhìn xuôi theo chiều dòng sông thấy chỉ là một biển nước trắng đục lăn tăn. Có một lần nước lớn vào tràn ngập làng, đường làng nước dâng ngập đầu gối người lớn. Tôi lấy thân cây chuối làm phao cưỡi, có khi ngồi, có khi nằm dài trên thân cây chuối nổi lềnh bềnh, hai tay quạt nước rong chơi từ nhà ông cậu đến nhà bà dì, con đường làng cong cong mà hai bên là hàng bờ tre cao vút, giữa đường thấy bọn nhóc làng cũng cỡi cây chuối quạt nước mà đi giống tôi, đúng là chí lớn gặp nhau, vui mừng, bọn tôi té nước lên nhau, cười hả hê.

Nhưng dòng sông hiếm khi nổi giận như thế. Con sông quanh năm thường hiền hòa, nước chảy chậm, lửng lờ, thư thả trôi xuôi. Như đàn bò đang nhởn nhơ gặm cỏ, bên dải đất cạnh cái ‘quán’ tre dừng chân nơi cuối làng.

Một hôm ông chú qua nói mẹ tôi là bọn tôi học ở làng trình độ cứng rồi, nên ra xã mà học trường học tiểu học công lập. Ông chú hỏi tôi muốn lấy tên gì để ông làm cho giấy khai sinh cùng lúc với thằng em. Thế là tôi với thằng em xuống học trường tiểu học ở xã, với tên họ khai sanh hẳn hoi chứ không gọi là thằng cu này, thằng cu nọ nữa. Cũng may ở làng, dân làng có lẽ khá lịch sự, nên không gọi tên bọn con gái có tên kèm theo phái tính, như chúng tôi. Ngôi trường khá xa với đôi chân trẻ thơ, nếu ra đường chính mà đi thì cuốc bộ đến bốn cây số hơn. Thế là anh em tôi với mấy đứa nữa trong làng phải đi đường tắt, ngắn hơn gần nửa. Phải băng qua cánh đồng, qua làng, qua con suối đến làng kế tiếp nhập vào đường lớn mà tới trường. Mỗi lần đi học giống như đi hành quân, leo bờ lội suối, và mang theo cơm trưa (có đứa dùng cà mèn, có đứa dùng mo cau) chiều mới về. Ngày đầu đi học, thằng em làm bài toán đố không xong bị đuổi cổ xuống lớp dưới. Thế là hai đứa học hai lớp khác nhau, tôi học lớp trên, như thế là trình độ cao hơn. Nhưng tình hình phong quang này không lâu, một tuần sau thầy kêu lên bảng làm bài toán chia lẻ, tôi đực người ra, giờ ra chơi tôi vẫn còn đứng một mình với tấm bảng đen, trong khi bạn học chơi đùa ngoài sân. Cốt khỉ hoàn cốt khỉ, thế là ngày hôm sau tôi được tăng viện qua lớp thằng em cho thêm quân số. Chuyện học hành bắt đầu gian nan vất vả trở lại, bởi ở trường công phải học nhiều môn khác nhau chứ không chỉ đọc viết chính tả, rồi cộng trừ nhân chia là xong như ở trong làng.

Chuyện học hành đang vào nề nếp, chúng tôi cố gắng bắt kịp nhịp học trường công. Chừng mấy tháng sau thì người lớn khắp nơi đồn xôn xao, đảo chính, đảo chính rồi, ông tổng thống và ông cố vấn bị giết rồi. Bọn tôi vẫn đi học bình thường, chỉ có điều khác là trong lớp học không treo chân dung ông tổng thống, và thứ hai đầu tuần sau khi hát bài quốc ca không còn hát bài suy tôn Ngô tổng thống nữa. Thường khi dân làng cuối tuần thường tụ tập nhà chú tôi để nghe tuồng cải lương, hay kịch hay hát bội qua chiếc radio của ông. Bây giờ họ đến để hỏi thăm dò la tin tức, chuyện đảo chính ở Sài Gòn đang còn xôn xao, thì chuyện ám sát Tổng Thống xảy ra ở nước Mỹ lại xảy ra tiếp. Ông ‘Kênh nơ đi” bị giết rồi, ông ‘Kênh nơ đi” bị ám sát rồi. Họ hỏi bà dì, chị nghe ‘ra dô’ biết ai lên thay không? Dì tôi trả lời nhanh gọn, nghe ra dô nói là ông ‘Cu su’ đó. Thế là dân làng âm thầm đồn nhau tổng thống Mỹ bây giờ là ông ‘Cu su’, tổng thống Mỹ tên ‘Cu su’. Mấy hôm sau chú tôi mới biết chuyện, ông phải đính chính lại là ông phó Johnson lên làm tổng thống Mỹ. Chuyện tổng thống ‘Cu su’ của dì trở thành chuyện ‘đàm tiếu thời luận’ của ông chú và mấy ông cậu tôi sau này.

Bọn con nít chúng tôi vẫn đi học đều, nhưng ít khi ra con sông tắm táp vui đùa nữa. Trong làng người lớn bây giờ lo âu về chiến cuộc xảy ra chung quanh. Tôi hóng được chuyện họ nói, rằng mấy xã kia có du kích về, có bắn nhau với lính dân vệ, nhưng xã mình chắc là an toàn. Cái tên Cát Tường, là một điềm lành đó, chắc không sao đâu.

Rồi sau có một đội quân chừng mười mấy người đến làng, họ trang bị mang đủ súng ống đạn dược, bọn nhóc tôi theo coi, biết súng nặng dài là súng ‘ga răng’ chỉ bắn phát một, súng ngắn gọn là ‘thôm xôm’ bắn la phanh (liên thanh), cây ‘cạc bin’ thì tốt nhất, cây trung liên thì là súng bự có chân chống. Đội quân chuẩn bị đi ‘tảo thanh’ mà dân làng gọi là đi ‘càn’ ở xóm dưới. Đứng nhìn một vài đứa không sao, bu quanh nhiều quá bị mấy chú lính la hét bắt phải về nhà. Cũng năm học này, trong giờ ra chơi, một đứa bạn ngồi cùng bàn, ra đứng bên cây bông giấy cạnh hành lang mắt ươn ướt, tôi vô tình hỏi nó sao lại khóc. Nó òa lên nói con H chết rồi, tôi hỏi sao nó chết, nó nói bị lạc đạn trong bữa lính ‘càn’ hôm trước ở làng nó. Hèn chi tôi không thấy con bé rất xinh ngồi ở bàn đầu, cùng hàng với bàn tôi, đã vắng mặt mấy hôm rồi. Thằng bé đã khóc suốt cả tuần mới dứt. Cho đến giờ tôi không ngờ mới tí tuổi đầu mà thằng bé trong lớp tôi có tình cảm sâu đậm đến thế.

Một hôm nghe tiếng kêu réo của hội con nít xưa, tôi chạy ra ngoài cái ‘chòi quán’ đầu làng. Thấy đám người cáng bốn cái võng mà đòn gánh là đoạn tre tươi mới chặt, cành lá chưa được róc kĩ. Trên võng có người đã chết, có người còn rên rỉ, máu me dính đầy. Những người khiêng cáng nói mang lên quận đi kiện người chết, và đi chữa người bị thương. Họ tạm dừng chân ở đây, còn có mấy người bị thương nữa đi sau chưa tới.  Đây chắc là bị pháo ‘cà nông’ đêm qua. Trên quận lỵ thường bắn pháo ‘cà nông’ xuống mấy làng dưới. Pháo rơi trúng ai thì nấy chịu, hằng đêm nghe tiếng đại bác bay qua nhà mình là chuyện thường. Mỗi khi nghe tiếng pháo là gia đình tôi chạy ra cái hầm đào sẵn thời kháng chiến chui xuống đó trải chiếu mà nằm chờ tới khi hết pháo. Nhà cậu tôi cũng có đào một cái hầm lớn ở bụi tre bên sau nhà.  Nhà chú dì tôi sau nhà đào tới hai cái hầm trú ẩn, nhưng nhỏ chứ không lớn. Nói chung, cả làng đều tự đào hầm tránh bom và tránh đạn, nếu du kích quân đụng độ với lính dân vệ, thường xảy ra ban đêm, thì chạy trốn xuống hầm. Buổi chiều tối dân làng ở xóm dưới thường mang chiếu mền đến làng tôi ngủ qua đêm, sáng ôm về.

Bây giờ  làng tôi cũng không an toàn nữa, đàn ông trong làng chiều chạng vạng là rời hết khỏi làng, đến làng trên mà xin ngủ tá túc, thường là ngủ ngoài mái hiên đầu hè. Anh tôi buổi chiều nào cũng dắt tôi lên làng trên ngủ nhờ, để tránh bom rơi đạn lạc. Và cũng để tránh bị bắt đi. Bởi có lần ông du kích vào nhà đòi bắt tôi mang đi ra bắc. Mẹ tôi phải năn nỉ van xin. Mẹ tôi đau ốm nằm trên võng, bên dưới có chậu than, chị tôi và tôi đứng ngơ ngác ngó nhìn ông mà sợ hãi. Ông quay lại chị tôi nạt đùa, mày con ai, chị tôi hoảng quá trả lời với câu nói bất hủ, con con má, con con má con. Ông du kích cười xòa. Sau này tôi biết ông là chú họ của mẹ, đi ra bắc bây giờ trở về. Ở làng, ở xã, nói chung là ở cả mấy tỉnh miền trung này, ngày xưa gọi là liên khu năm, phần đông nhà nào cũng có người đi kháng chiến chống Pháp rồi đi ra bắc luôn, bây giờ họ quay trở về hoạt động.

Tình hình chiến sự trong nước gia tăng, dân làng nào cũng sống trong tâm trạng lo âu sợ sệt, bây giờ không chỉ ban đêm mà ban ngày đại bác từ trên quận bắn xuống làng dưới. Rồi không chỉ có đại pháo mà máy bay gầm rú ném bom xuống. Mỗi khi thấy có máy bay mà dân gọi là chiếc ‘cào cào’,  L19, quần trên bầu trời xóm dưới là con nít chúng tôi tập trung xuống mé làng, nhìn xa qua cánh đồng, ngôi làng bên dưới đó. Vì biết thế nào lát nữa cũng sẽ có tốp máy bay mang bom xuống ném. Chúng chúi xuống rồi cất đầu lên trông rất hay rất lạ, sau đó tiếng nổ và khói mù bung ra. Khi nghe tin quân đội Mỹ đổ bộ vào Việt Nam ở cửa biển Đà Nẵng, biết rằng chiến tranh sẽ lan rộng không thể sớm chấm dứt, chiến sự sẽ gia tăng, không thể ở lại làng được nữa, các chú dì cậu mợ và mẹ tôi họp lại, quyết định bỏ làng ra đi.

Kể từ năm ấy, tôi không còn quay về sống trong ngôi làng xưa của mình nữa. Và rồi cuộc sống đẩy đưa, tôi cũng không còn sống trên mảnh đất quê hương đất nước của mình nữa.  Tuy nhiên, hình ảnh ngôi làng với cánh đồng lúa mênh mông, bầu trời trong xanh với dòng sông uốn khúc lững lờ, với đường làng quanh co rợp bóng tre, vẫn hằn khắc sâu trong kí ức tuổi thơ của tôi, qua năm tháng, chưa hề phai nhạt…

 

 

………………………………………………..

Leave a Reply

Your email address will not be published.