Tác giả: Trần Ngọc Phương
Ngày ấy đã lâu, lâu cỡ chừng “Bảy ngàn đêm góp lại”. “Bảy ngàn đêm, gần hai mươi năm. Thời gian đã đủ cho ta sự trưởng thành đã đủ cho sự già nua”. Đúng như Trầm Tử Thiêng đã ghi trên tờ nhạc của mình. Thời gian chồng chất đã trôi qua nhưng hình ảnh lớp học đó tôi vẫn còn nhớ như ngày nào, dù thời gian thực sự của nó phải cộng thêm một ngàn đêm nữa.
Ngôi trường College lớn ở thành phố kế nơi tôi cư ngụ thì có đủ mọi thành phần, mọi quốc gia ở khắp nơi ghi danh học tập. Sau khi trải qua các bài test tôi được xếp vào một lớp chừng hai mươi người. Nhiều lớp học tôi đã trải qua nhưng nhận ra lớp này khá lạ, hình như người ta cố gom mọi đại diện quốc gia ở các châu lục Á, Âu, Phi, Mĩ tập hợp lại vào chung một lớp, thật hiếm có, đúng là một lớp học “Tạp Chủng”.
Thông thường thì lớp học có đáng nhớ hay không phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu, tức ông thầy, với lớp tạp chủng thì đương nhiên người thầy là chất keo chính để nối kết các thành viên. Ông thầy của lớp khá độc đáo, có nét phảng phất của Steve Jobs, nhưng không phải gốc Ả rập mà gốc England, tuy chưa tới sáu mươi nhưng râu tóc đã bạc, ông nói năng từ tốn chậm rãi, phong cách phớt tỉnh đúng điệu dân Ăng lê. Vào lớp ông ngồi im, không nói một lời, vẻ đang suy nghĩ điều gì đấy. Cái trò này tôi cũng biết, đấy là cách thu hút khán giả trước khi phát biểu. Đúng thế, đột nhiên ông chỉ tay đến một chị người Trung Đông lớn tuổi nhất hãy tự giới thiệu mình. Và mọi người lắng nghe chị nói. Chị nói mình trên năm mươi, đến từ Iran, sống ở thành phố lân cận đã ba năm rưỡi… Cứ thế mọi người đứng lên tự giới thiệu.
Khi một anh cỡ ba mươi lăm ba bảy nói mình đến từ Bhutan, ông thầy khoát tay, hỏi vọng xuống có ai biết quốc gia này không? Thấy mọi người im lặng tôi đưa tay nói, tôi biết, ông nghiêng người ra vẻ chờ đợi khuyến khích, đấy cũng là cách giúp học viên tập nói, và tập nghe với các accent khác nhau. Tôi nói nó ở triền núi Himalaya, giáp Ấn và Tây Tạng. Chỉ thế thôi mà anh bạn Bhutan ngồi ghế cạnh tôi, coi tôi như là bằng hữu của anh, anh nói anh trải qua nhiều lớp nhưng chẳng ai biết Bhutan ở đâu cả. Giờ giải lao, ra ngoài, anh lân la đến trò chuyện với tôi. Anh cho biết về xứ sở nhỏ bé của anh sùng đạo Buddhism (Phật), nhưng có chế độ quân chủ chuyến chế, đấy cũng là nguyên nhân anh là người dân tị nạn (refugee). Anh làm cho N.G.O ở trong nước anh, anh giải thích mãi tôi mới biết đó là ‘cơ quan phi chính phủ’ mà hầu như người dân xứ ta chưa từng nghe qua ở thời điểm ấy. N.G.O giúp anh sang Mỹ định cư. Một quốc gia nghèo nhỏ bé, ở trên núi cao ít người biết, thế mà cũng có những vấn đề nội bộ khó khăn, xã hội xung đột (bây giờ quốc gia anh thay đổi nhiều rồi, và đã trở thành nền quân chủ lập hiến).
Ngồi kế anh là anh bạn Trung Quốc, chừng dưới ba mươi, thường khoanh tay lặng lẽ, ít nói. Anh chàng người Hoa này cao to, ở miền Bắc. Người Hoa Bắc (North China) thì thường thể chất cao lớn, to khỏe hơn người Hoa Nam, họ ăn bánh bao (màn thầu), trồng lúa mì, người vùng Hoa Nam thì ăn cơm gạo trồng lúa nước như người Việt. Giờ giải lao tôi hỏi anh dăm ba câu (thời điểm Trung Quốc chưa phải là ‘công xưởng thế giới’). Anh có lẽ là du học sinh, rất ít biết về người Việt, cũng như không biết gì về người Bhutan. Thế còn với Triều Tiên, Nhật Bản thì khác. Anh nói họ có dính dáng nhiều đến lịch sử Trung Quốc nên đương nhiên biết về họ. Chắc là vậy rồi, thời nhà Tùy, Dương Quảng mang hơn một triệu quân cùng hai triệu dân phu qua xâm chiếm nước Cao Câu Ly (612), nhưng bị đánh tả tơi, đại bại phải rút chạy về, làm dẫn đến sụp đổ triều Tùy. Đến thời Đường, Lý Thế Dân, ông vua được cho là vĩ đại nhất của Trung Quốc, mang năm chục vạn tinh binh kể cả đoàn quân thiết kỵ nổi tiếng của mình đích thân xua quân tràn qua, chưa tới được Bình Nhưỡng cũng đã ôm đầu máu bỏ chạy về. Người Nhật thì thường xuyên kéo đến quấy phá cướp bóc vùng bờ biển, gây khó khăn cho quan binh mà sử sách họ gọi là nạn ‘Oa khấu’ (bọn giặc lùn). Chưa kể họ bị Nhật xâm chiếm trong cuộc chiến tranh thế giới sau này, nên họ không quên. Đánh đau nhớ lâu, có lẽ thế mà ngày nay, những phim ảnh cổ trang và hay hiện đại Trung Quốc đều nhắc đến hai địch thủ đáng gờm đó là võ sĩ đến từ Triều Tiên hay Kiếm khách đến từ Đông Doanh (hay Phù Tang) chứ nào thấy bóng dáng người An Nam đâu.
Ngồi ghế bên trái cạnh tôi là bà chị Iran, người khai khẩu đầu tiên trong lớp. Một hôm đến giờ giải lao chị quay qua hỏi, có biết gì về nước Iran của mình không? Tôi trả lời là tôi biết về nước chị khi còn là đứa trẻ con. Chị tưởng tôi nói đùa. Tôi nói chuyện ‘Ali Baba và bốn mươi tên cướp’ (Ali Baba and the Forty Thieves), chuyện ‘Cây đèn thần của Aladdin’ (Aladdin’s Wonderful Lamp) có phải từ ‘Một ngàn lẻ một đêm’ (A thousand and one nights) không ? Đó là câu chuyện dân gian của người Ba Tư (a Persian tale), mà Ba Tư không phải là Iran ngày nay sao?
Ở một nơi xa lạ mà có người biết về gốc gác của mình, biết về quê hương của mình, thì mừng nào hơn. Chị Ba (tư) này hoan hỉ vô cùng, thế là chị giữ tôi ngồi tại chỗ mà xổ ra cả tràng tâm sự. Nể tình bà chị có dáng dấp mệnh phụ phu nhân này, tôi không ra ngoài sân cùng với nhóm đàn ông. Chị kể về gia đình mình, ông xã là giáo sư đại học ở Iran, kèm nhiều chức vụ nên lương cao, chị ở nhà chỉ có việc đi nhà thờ Catholic. Sự kì thị tôn giáo căng thẳng vì nhóm nhỏ người Catholic (đạo Thiên Chúa) sống bao quanh là xã hội Islam (Hồi giáo) (thời ấy chưa có xuất hiện quân khủng bố), tính mạng bị đe dọa, chị được giáo hội bảo lãnh qua đây mà không qua ý kiến của chồng. Con trai và con gái du học ở College bên Arlington, thành phố bên cạnh, mà không dám ghé thăm. Chị nói mình rất sợ là ngày nào đó, ông chồng có quyền thế sẽ qua đây bắt mang về, hoặc âm mưu giết chị (vì danh dự). Chị sống đơn độc trong căn hộ giáo hội cấp, không dám giao tiếp ai, chỉ nhận tin tức người thân thông qua sự giúp đỡ của giáo hội. Tôi nói rằng ở Mỹ, chuyện này không thể xảy ra, và không ai được quyền làm thế trong nước Mĩ. Chị nói nhiều người trong giáo hội cũng khuyên thế, nhưng chị vẫn thấy bất an và sợ hãi.
Một hôm chị đem hai quyển sách về lịch sử văn minh Ba Tư (Persian civilizations) bìa cứng giấy láng đầy hình ảnh cho tôi xem. Chị rất yêu đất nước mình, và muốn cho mọi người khác biết về nền văn minh lâu đời của Iran, chị gọi cả nhóm lại nghe chị giải thích về lâu đài cung điện và những tấm thảm cổ quí giá (cả triệu đô). Rồi chị yêu cầu tôi mang về xem kĩ lại. Cũng nể tình, tôi mang hai quyển sách nặng kí về nhà, sẵn dịp cho bà xã rửa mắt với văn minh Ba Tư. Sau này có dịp đi qua cửa hàng thảm của người Iran ở thành phố Plano, tôi với bà xã ghé vô xem, đúng là thấy những tấm thảm đan tay có nghệ thuật độc đáo vô cùng, đẹp như tranh vẽ. Có loại thảm đứng bên trái nhìn thấy hình ảnh này, đứng sang phải nó cho ra hình ảnh khác, trông rất lạ lẫm và rất đắt giá. Lúc ngắm nhìn những bức thảm, tâm tư tôi chợt bay về thời xa xưa, nhớ đến ‘chiếc thảm bay’ kì diệu trong tập truyện tranh ‘Một Ngàn Lẻ Một Đêm’ mà mình từng ước gì có nó, để được bay lơ lửng trên bầu trời mà chu du khắp ‘thiên hạ’ từ làng quê thôn xóm đến thành thị đông vui, của thời thơ ấu. (hơn ngàn năm trước, kinh thành Bagdad nhộn nhịp còn là một phần của vương quốc Ba Tư). Mỗi lần chuyện trò với chị, tôi thấy ánh mắt chị toát lên niềm kiêu hãnh về đất nước mình. Tôi chưa thấy phụ nữ nào yêu quê hương đất nước mình một cách sùng kính như thế.
Một ngày, ông thầy nổi cơn vui tính kể chuyện bên lề, rằng lớp trước có một bà người India (Ấn Độ) đi học mà xức dầu thơm ngát trời, bà đâu biết mùi thơm đối với mình lại là mùi khó chịu đối với người khác, nên họ kín đáo phản đối kéo ghế tránh xa, và họ báo cho ông biết. Ông thầy phải đến sớm chờ nơi bãi đậu xe, gặp ông chồng nói nhỏ, nhắn nhủ, và từ sau hôm ấy cả lớp bớt ách xì. Và ông nhắn các bà các cô không nên xức nước hoa khi vào lớp. Tôi nhìn xéo qua cô gái Ấn phía bên kia, hôm nay cô ta vắng mặt, à thế ra ông thầy cũng tế nhị. Hôm sau đến lớp cô ta tự động đến chỗ ghế tôi hỏi thăm bài vở hôm trước. Tôi hơi ngạc nhiên, nghĩ rằng anh bạn Mễ trông gentleman ngồi cạnh không hỏi, mà đến hỏi tôi. Chắc có lẽ thấy tôi hòa đồng với mọi người, gặp ai cũng chào hỏi vài câu (kiểu Mĩ) nên có cảm giác thân quen chăng? Hay là từ những cái gật đầu chào nhau từ xa, ở bãi đậu xe sân trường. Tôi đánh dấu đoạn bài, và nói những yêu cầu sẽ làm hôm nay. Sau đó, thỉnh thoảng khi ngang qua cô tôi cũng hỏi han vài câu cho có vẻ thân thiện. Một hôm, cô cho tôi thêm một ngạc nhiên nữa. Cô nhờ tôi cho quá giang xe về nhà, cô nói người thân hôm nay bị hư xe còn sửa ở shop, không đến kịp. Cô gái Ấn khoảng hăm bảy hăm tám, có vóc dáng thon thả và gương mặt quyến rũ hiếm gặp ở phụ nữ Ấn (may mà cô không xức dầu thơm cà ri nị), da sẫm màu nhưng không đen, không có chấm “Bindi” giữa trán nên tôi đoán là chưa lập có gia đình. Trên đường về nhà cô, tôi hỏi vui, có nhiều bạn sao cô chọn tôi đi nhờ xe, cô nói, vì có niềm tin (I believe you). Thế thôi. Đã là niềm tin thì không cắt nghĩa được. Cũng như cô có niềm tin mãnh liệt vào đạo Hindu của cô, có gốc rễ từ đạo Bà la môn, đầy phân biệt giai cấp. Và cũng đầy thần linh hóa thân thành những động vật trần thế. Nên không lạ khi thấy người dân tôn kính những động vật như bò, khỉ, chuột, rắn. Coi đó là hiện thân của thần này thần nọ, nên cần phải giữ lễ không được xúc phạm.
Bây giờ ở xứ cô vẫn còn nhiều đạo sĩ Fakir xếch xi trăm phần trăm, không mảnh vải trên thân, sống ẩn sâu trong rừng ăn hoa quả để nhập định, để luyện thần luyện khí cho cái tiểu vũ trụ (là mình) hòa lẫn vào cái đại vũ trụ (là thế giới bao la). Chắc chắn là họ sẽ được thôi, sẽ là một nắm xương khô hòa lẫn với lớp bùn cỏ cây mục nát trong rừng. Nhưng trước khi ngã xuống thì họ vẫn được mọi người ngưỡng mộ, cúi vái họ, cầu họ ban điểm chấm son lên trán. Sự bình đẳng giữa các giai tầng, sự bình đẳng giới tính nam nữ trong xã hội Ấn có lẽ là con đường đi tới còn xa… Người Ấn hiếm khi giới thiệu nhiệt tình về đất nước mình, có lẽ họ biết đất nước họ có nhiều vấn đề cần cải thiện.
Không chỉ người Ấn, người Mễ cũng thế, họ thường đánh tình lờ khi hỏi thăm về đời sống xã hội nước họ. Ngồi kế cô Ấn xinh là một anh Mễ tuổi trung niên, mặc sơ mi trắng vân hoa với quần jean xanh, áo bỏ thùng, cài nịt bảng lớn, giầy đen bóng, tóc ngắn rẽ ngôi, xem hơi chải chuốt. Ai hỏi đến, anh đều trả lời rất là lịch sự, nhưng chỉ vậy thôi. Giờ giải trí tôi bức khỏi chị Ba (tư) là đến gặp anh hỏi thăm về xe cộ, bởi anh có hứng thú về đề tài này, anh có thiện cảm nên cũng vui vẻ đáp ứng. Cách phát âm của anh trôi chảy, thế không hiểu sao phải còn cắp sách vào lớp. Khi thấy đủ thân thiết, anh tự kể về mình, qua đây đã được chín năm trời, ban đầu đi làm thuê cực nhọc (hard work) dành dụm ít tiền hùn hạp lập riêng một business nhỏ, lúc trước anh chỉ biết làm theo lệnh, bây giờ chính anh trông coi mọi việc nên mới cần đi học tiếp để có giao thiệp tốt trong việc kinh doanh. À thì ra anh là một ông chủ nhỏ, dựa vào tác phong tôi đoán là anh đang quản lý một nhà hàng ăn. Tôi và anh cùng trạc tuổi nhau, nên nói chuyện cũng dễ hơn. Anh trao đổi email với tôi, và anh thường hỏi thăm về cách viết bài văn ngắn, có lẽ vì điều đó mà anh cần phải đến lớp. Người Mễ thường có tính xuề xòa vui vẻ, cả tuần làm việc vất vả, cuối tuần tạt vào cửa hàng xách xâu bia Corona loại 6-pack về đổ vào mồm, thế là mọi buồn phiền mệt nhọc chạy tót vào cổ họng, rồi một chốc ra xả ngoài restroom. Thế là mọi sự bình an, cả làng vô tội, để rồi tuần sau lại vất vả tiếp. Nhưng anh bạn Mễ trong lớp này lại chỉn chu chững chạc và có chí tiến thủ, thuộc loại hiếm. Cũng mong cho công việc làm ăn của anh được suôn sẻ những ngày sau này.
Ông thầy thì luôn bên vực cho đất nước của anh, ông nói sở dĩ những tin tức về băng đảng ma túy thanh toán nhau ở Mexico mà báo chí hay truyền hình đưa lên hoài hằng ngày, cũng bởi nó ở sát bên cạnh mình mà thôi. Nhiều quốc khác cũng thế chứ đâu riêng gì Mexico, như Colombia hay Brazil chẳng hạn. Hình như bất cứ lời nói nào của ông cũng giúp học viên thiện cảm với các quốc gia “có vấn đề”, học viên ở quốc gia đó nghe thấy mà cảm kích ông. Một người thầy có lòng quảng đại. Có lẽ ông tiếp xúc nhiều thành phần, nhiều chủng tộc, từ những quốc gia khác nhau, ông khám phá những điểm hay của họ. Ông không có thành kiến với dân tộc nào và ông có suy nghĩ phóng khoáng tích cực, luôn nghĩ tốt về họ và cả xứ sở của họ. Ông từng nói rằng, tôi tin tất cả mọi người ở đây là người tốt. Bởi người có ý chí phấn đấu, bỏ công sức và thời gian đi học để cải thiện cho cuộc sống tốt hơn, những người như thế không thể là người xấu được.
Nhóm người trẻ cuối lớp thì từ những những quốc gia khác nhau, nhưng cùng chung một thứ tiếng Spanish, họ có trò chuyện thoải mái với nhau, trông vui nhộn. Nhưng họ ngại anh Mễ trung niên này. Tôi xuống hỏi thăm nhờ giúp đỡ vài từ ngữ, một cách làm quen để tiếp cận. Chỉ có một cô bé nhỏ nhất nhóm, trông chừng hăm lăm hăm sáu, nét tươi tắn, là ra mặt giúp. Cô gái nhanh nhẩu này cho biết nhóm họ là từ các quốc gia Ecuador, Costa Rica, El Salvador. Họ không quen biết nhau nhưng cùng ngôn ngữ, nên dễ dàng thân thiện. Tôi ngầm nghĩ họ là nước nhỏ, Mexico là nước lớn giàu có, dù chung văn hóa, nhưng có chút không thoải mái khi muốn làm quen, hơn nữa anh bạn Mễ trung niên cũng hơi kiểu cách. Cô gái nhỏ này không nhớ là từ Ecuador hay Costa Rica, đam mê chụp hình, tôi khen mấy bức hình nghệ thuật cô đưa cho xem. Cô vui vẻ nói, cô có ước muốn trở thành một nhà nhiếp ảnh thiết kế đồ họa (Graphic Designer Photographer), sẵn có máy hình cô chụp tôi một tấm, hôm sau gởi ảnh cho tôi. Vào dịp ngày lễ, lớp tổ chức giao lưu sinh hoạt với bánh ngọt và trái cây khoảng nửa giờ trước khi ông thầy đi vào chương trình, cô là người ra sáng kiến chụp hình tập thể cho lớp (thời ấy chưa phổ biến smart phone).
Ông thầy hướng dẫn lớp rất thú vị, ông chọn những đề tựa rất hay trong sách để thảo luận như bài đề tựa Aromatherapy (Hương thơm liệu pháp), A Star, born…or made? ( Ngôi sao (âm nhạc, hoặc phim) do bẩm sinh hay do tạo dựng?) hay Feng Shui… Riêng bài Feng Shui (Phong Thủy) này ông kéo dài thời gian hơn. Bài học nói về cách bố trí nội thất và nhà ở theo một học thuyết xưa của Trung Quốc. Trừ anh bạn người Hoa và tôi thấy bình thường, còn những người khác nghe thấy lạ lùng, họ không hiểu tại sao phải tin vào điều kì lạ thế. Câu chuyện làm mọi người thảo luận trao đổi ý kiến nhiều, không khí ồn ào hơn. Đa số cho rằng, bố trí nhà cửa theo ý thích từng cá nhân và theo ngẫu hứng, nếu sắp xếp theo kiểu bắt buộc, có qui luật, thì là điều đáng chán. Còn giàu có và sống thọ thì dựa vào tài năng và sự tập luyện chứ không thể dựa vào sự bố trí cái bàn, cái gương, hay cái ghế được. Ông thầy giảng giải mà cứ hướng về tôi và anh chàng người Hoa rồi hỏi đúng không, đúng không. Ông kết luận đồng ý với các bài học sơ đẳng về thuyết phong thủy và nhưng cho đó là “common sense”. Ông nhấn mạnh đó chỉ là những “common sense” là ý thức phán đoán thông thường, hay lẽ thường tình thế thôi, chẳng huyền bí gì cả. Ông còn nói vui thâm thúy là, khác với các hoàng đế Trung Quốc tin tưởng tuyệt đối vào Feng Shui, nữ hoàng Elizabeth II đang ngự trong cung điện Buckingham có lẽ cả đời chẳng biết đến từ Feng Shui là gì cả.
Nếu như anh bạn Mễ là người nhập cư lâu năm nhất ở lớp thì cô gái người Nga, là người mới đến, cô ngồi sau lưng anh bạn Mễ. Cô gái Nga tóc vàng cao lớn, gương mặt dễ coi, và có vóc dáng đầy đặn như là người mẫu. Cô nở nụ cười tươi cho biết vừa đến Mĩ mới có hai tháng, được chồng Mĩ bảo lãnh qua. Có người hỏi cảm giác mới qua thế nào? Bởi mọi người ở đây đã ‘lăn lộn bầm dập” hơn dăm ba năm rồi. Phong thái tự tin, cô nói rất nhanh, tôi nghe nhưng không hiểu gì, cứ tưởng cô đang hát bản tình ca Kachiusa ở xứ Nga của cô. Mọi người phải yêu cầu cô nói chậm lại. Trong lớp cô không kết bạn với ai, cô tiếp thu bài vở nhanh nói năng thừa lịch sự, nhưng khiêm tốn thì thiếu chút chút. Có lẽ cô từ một quốc gia lớn (đúng là rất rộng lớn, nhất thế giới, gần gấp đôi Mĩ), và từ đất nước thuộc dạng không vừa đâu, nên phong thái ứng xử có khác, thoải mái trông giống người bản địa hơn là người mới nhập cư e dè. Điều đó hợp với lối sống mới. Chắc là cô rất tương đắt với ông xã người Mĩ của mình. Bên cạnh cô nàng là anh chàng da đen cao dong dỏng người Nigeria, một quốc gia đông dân ở châu Phi, nhưng tôi không dịp tiếp xúc, chỉ vài lần gật đầu chào nhau khi gặp nhau ở bãi đậu xe thôi.
Ngày tháng trôi qua. Lớp học rồi cũng kết thúc. Hôm cuối cùng mọi người bịn rịn chia tay. Ông thầy cũng không nỡ rời phòng sớm, mọi người bám vào ông mà hỏi han, mà nói lời cảm tạ, và buộc ông làm người mẫu cho các nhóm chụp hình kỉ niệm.Ông đứng giữa phòng thốt lên rằng, ông dạy học lâu năm nên biết tính khí từng thành viên, từng dân tộc, trong đó người phụ nữ Việt Nam tỏ nhiều tình cảm nhất, tình cảm của họ biểu hiện qua món ăn ở nhà làm rồi lén chờ ông ra xe thì dúi vào tay, chứ không trao tại lớp. Người Thái Lan cũng thỉnh thoảng làm như thế nhưng với món đồ văn hóa truyền thống. Người Hispanic (châu Mĩ La Tinh) thì thường cả nhóm gởi một món quà kỉ niệm thực dụng. Có lẽ ngày cuối nên ông không ngại nói những điều thật lòng. Tôi đứng ở vòng ngoài xa nghe ông “khen” về người Việt Nam với các nhóm vây quanh ông, mà bật cười, lắc đầu, khó bề chống chế.
Sau khóa học, tôi vẫn còn giữ liên lạc với anh bạn Mễ qua email thời gian độ một năm thì mất liên lạc. Với chị Ba (tư) kéo dài hơn hai năm, email chỉ là thường hỏi nhau về sức khỏe, công việc mới ra sao, hay gởi lời chúc các ngày lễ, một thời gian sau mất hẳn không thấy trả lời. Có lẽ mỗi người bị lôi kéo vào cuộc sống riêng tư bận rộn, cũng có thể các địa chỉ email thay đổi, bởi các hãng internet mọc ra như nấm sau cơn mưa, rồi sau đó cá lớn nuốt cá bé, lớn mạnh như hãng AOL cũng lặng mất tăm, bây giờ chỉ còn sót lại ông già Yahoo Mail mà thôi.
Ba năm sau, một hôm tôi và bà xã lang thang dạo trong một Mall lớn, chẳng ý định mua sắm gì, chỉ window shopping cuối tuần thôi, tình cờ nghe tiếng kêu tên tôi, tôi nhìn vào đám người qua lại, một cô gái cỡ hăm bảy hăm tám đứng đó vẫy tay gọi mình. Tôi ngạc nhiên bước đến, cô mừng rỡ vui vẻ hởi tôi còn nhớ đến cô không, bạn trong lớp ở Richland College đó mà. Tôi nhìn cô một lúc lâu rồi nhớ ra, à cô gái mê chụp hình, bây giờ cô đã già dặn hơn xưa, lên cân chút đỉnh, cô vui mừng tỏ vẻ thân thiết, hỏi thăm tôi đủ thứ, làm bà xã tôi ngạc nhiên, và chính tôi cũng ngạc nhiên. Nhìn tấm danh thiếp trên tay mình, tôi nhớ cô vừa khoe mình mới lập một studio về Graphic Design, có lẽ thế nên vui mừng phấn khích chăng, có thể là cô muốn xã giao quảng bá studio của cô với tấm danh thiếp, cũng có thể là cô vẫn giữ tính liến thoắng ngày xưa. Tấm danh thiếp của cô nhập chung trộn lẫn với những danh thiếp business khác rồi đi vào đâu không nhớ. Cuộc sống cứ tiếp diễn, công việc rồi công việc, con người cứ thế lôi cuốn theo dòng đời.
……………………………………………………..